CHỦ NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN B
Tại sao chúng ta lại phải sợ? Đừng để mất đức tin khi bão tố nổi lên (Tin Mừng). Đó là niềm tin vào Thiên Chúa, đấng sáng tạo trời và đất (Kinh Tin kính); tin rằng Thiên Chúa ấn định Lề Luật để cho thấy quyền Chủ tể trần gian của Người (Bài đọc 1); tin rằng Chúa Giê su, Con độc nhất, khi sống lại, đã khai mào một thế giới mới (Bài đọc 2). Chúng ta tin Chúa Thánh Thần biến đổi thế gian: chúng ta chờ đợi Sự sống trong thế giới tương lai. Một niềm tin vững mạnh hơn bão tố.
Sách Gióp:
Quyền năng của Thiên Chúa trên cả thiên nhiên được tỏ hiện qua việc Người đã đặt định Lề luật cho thiên nhiên và con người không thể thay đổi được. Nếu chúng ta thực sự tin tưởng vào Thiên Chúa thì tại sao chúng ta lại bó buộc phải nói cho Ngài điều phải làm để cứu giúp chúng ta khi gặp khó khăn? Người biết rõ hơn chúng ta điều gì tốt lành cho chúng ta.
Thánh Vịnh 106:
Khi nhìn ngắm các công trình của Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra rằng Tình yêu của Người đã thực hiện những kì công đó. Thánh vịnh nầy giúp chúng ta nhận thức và cử hành Tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta được yêu thương vô cùng nhưng ít khi nhận ra tình yêu ấy.
Thư Cô rin tô:
Thánh Phao lô loan báo một thế giới mới. Nếu ai ở trong Đức Giê su Ki tô, thì trở thành một tạo vật mới. Như thế, cuộc sống của chúng ta không còn thuộc về chúng ta nữa, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đi vào cuộc phiêu lưu đó và đề ra cho chúng ta những con đường. Bàn tay Ngài viết thẳng trên những đường cong.
Tin mừng Mc 4, 35-41
NGỮ CẢNH
Sau bài diễn từ bằng dụ ngôn, Mc gom vào đây bốn phép lạ. Dù là giáo huấn hay hành động, tất cả đều biểu lộ cho thấy Nước Thiên Chúa theo cách thức riêng. Chúa Giê su đang ở trên bờ phía Tây hồ Ga li lê với đồng bào mình, Ngài truyền cho các môn đệ sang bờ bên kia, phần đất của các dân ngoại. Giữa biển Ngài dẹp yên sóng gió (4,35-41). Trên bờ bên kia, Ngài chữa một người bị quỉ ám (5,1-20) khiến cho dân ngoại kinh ngạc. Trở về bờ bên nầy, Ngài chữa lành người bị băng huyết và cho con gái ông Gia ia sống lại. Mọi người đều kinh ngạc sững sờ (5,21-43). Bốn phép lạ tỏ rõ quyền năng siêu phàm nơi con người Chúa Giê su, khiến người ta đặt câu hỏi về chân tính của Ngài: “Người nầy là ai?” (4,41).
TÌM HIỂU
Điều gây ấn tượng chúng ta ngay từ đầu trình thuật là việc tác giả dùng nhiều kiểu nói và nhiều hình ảnh chồng chất, dồn dập tạo nên một bầu khí căng thẳng và lo âu: “hôm ấy” gợi lại kiểu nói “ngày Gia vê” với tất cả những thảm hoạ và thử thách sẽ đi trước chiến thắng cánh chung. “Chiều đến”, tức là giờ của tăm tối, mang ý nghĩa thiêng liêng và hiện sinh. “Sang bờ bên kia đi!” lệnh truyền mơ hồ tăng thêm lo âu! Viễn tượng đầu tiên ấy được tăng cường bởi câu 37 mô tả cơn bão dữ dằn: “sóng ập vào thuyền”, “thuyền đầy nước..”, những chi tiết tạo thêm bầu khí ảm đạm đầy chết chóc. Tất cả nguy hiểm ấy xảy ra trên biển cả, tượng trưng cho sức mạnh đối nghịch với Thiên Chúa.
Giấc ngủ của Chúa Giê su và sự im lặng của Thiên Chúa. Thế mà trong khi các môn đệ bị nguy khốn thì Chúa Giê su vẫn nằm ngủ. Không thể giải thích rằng nhờ bình thản và có sức khỏe mà Ngài có thể ngủ được trong hoàn cảnh như thế. Đúng hơn phải xem giấc ngủ đó là hình ảnh về cái chết của Ngài hay một biểu tượng về sự vắng mặt thể lí của Ngài. Thánh kinh khi bàn về sự chết, thường nói là “giấc ngủ” (Tv 13; Đn 12,2). Tân Ước cũng thường lặp lại hình ảnh ấy (1Tx 4,14-15; Ep 5,14; Ga 11,11-14; Mc 5,39-41). Do đó chúng ta có thể coi đây là một ám chỉ về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê su. Ngoài ra, giấc ngủ nói đây cũng được dùng trong Thánh kinh để diễn tả sự dửng dưng của Thiên Chúa và sự dường như vắng mặt của Ngài. (Tv 44,24; 35,23; 59,6..).
Niềm tin vào Chúa Ki tô tử nạn và phục sinh. “Thầy ơi chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” có thể hiểu như lời trách móc táo bạo nhưng đầy thân mến, nhưng đúng hơn như một lời nói thiếu đức tin. Các ông sợ Chúa Giê su ngủ say không cứu được họ, và cũng chưa hiểu rằng ơn cứu độ do Chúa Ki tô mang đến thay vì loại bỏ những hiểm nguy và bảo tố, thì lại phải trải qua đau khổ và sự chết.
So với Mt (8,26) và Lc (8,25), thì trong Mc, câu quở trách của Chúa Giê su có vẻ kém tế nhị và nghiêm khắc: “Sao nhát thế, sao anh em vẫn chưa có lòng tin?”. Rõ ràng đức tin của các môn đệ vẫn còn kém cỏi: khi thấy Chúa Giê su bị kết án, họ đã bỏ Ngài mà chạy trốn hết, và khi được thuật lại việc Ngài đã sống lại và hiện ra, họ cũng chưa tin. Trong đoạn cuối tin mừng Mc, mối nghi ngờ và nỗi xao xuyến của các môn đệ được nhấn mạnh hai lần (Mc 14,16).
Do đó, ngang qua trình thuật bão biển, chúng ta nhìn ra cơn bão tử nạn đã từng lung lay con thuyền bé tí của cộng đoàn các môn đệ. Nhưng đối diện với quyền lực Ác thần tượng trưng qua biển cả, Chúa Giê su đã sống lại nhờ một quyền lực thần linh. Cùng với Ngài, chúng ta cũng bị chìm ngập trong nguy hiễm sự chết, nhưng khi Ngài sống lại, tất cả chúng ta được cứu rỗi. Chúng ta phải xác tín là chúng ta đã được cứu thoát, vì được liên kết với Đức Ki tô trong cuộc tử nạn và phục sinh. Mác cô muốn cho độc giả chia sẻ đức tin của các môn đệ: con đường sự sống nhất thiết phải đi qua cơn bão tố và sự chết.
Hôm ấy: không quan tâm đến thời gian thực, Mác cô đặt trình thuật các phép lạ vào trong một ngày gọi là: “Ngày các phép lạ”.
Bỏ đám đông ở lại: thêm lần nữa, Chúa Giê su rời bỏ đám đông và truyền lệnh cho các môn đệ qua bờ bên kia cho thấy Ngài không muốn để cho đám đông bắt ngài và luôn đi xa hơn. Chúng ta lại tìm thấy câu: “Nào chúng ta hãy đi nơi khác” của 1,38. Như thế, Chúa Giê su là người khởi xướng chuyến vượt biển xem ra nguy hiểm nầy.
Ở sẵn trên thuyền: x. 4,1, nhấn mạnh đến việc tiếp nối sau buổi giáo huấn đám đông
Ngủ: chi tiết khá bi kịch nầy có nhiều ý nghĩa. “Ngủ” thường được dùng trong Thánh kinh để chỉ sự chết. Ngòai ra trình thuật qui chiếu đến sách Giô na (1,4-16): cũng một kiểu mô tả cơn bão; đó là giấc ngủ của nhân vật chính trong câu truyện, trong khi các người khác tỏ ra sợ hãi, và kêu cứu.
Nhát thế..lòng tin: cả hai từ nầy xuất hiện trong diễn từ sau bữa tiệc li: “Tâm hồn các con đừng xao xuyến, nhưng hãy vững tin” (Ga 14,1.27). Tình hình giống y như nhau: Chúa Giê su vắng mặt khiến cho các môn đệ sợ hãi.
SỨ ĐIỆP
Bài tin mừng hôm nay, chúng ta đều biết vì đã được nghe nhiều lần. Tuy nhiên nó chứa đựng một sứ điệp quan trọng dễ bị bỏ qua.
Chúa Giê su nói với đám đông bằng dụ ngôn. Đó là những câu chuyện mà Chúa Giê su kể lại để người nghe hiểu biết các bí mật của Thiên Chúa. Và ngày nay, chúng ta có thể coi như là những dụ ngôn bằng hành động. Chúng ta phải tiếp nhận nó như là một tin mừng đến với chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại của cuộc sống.
Chúa Giê su mời gọi các môn đệ của Ngài sang « bờ bên kia ». Lời nói nầy có một ý nghĩa thật mạnh mẽ. Vấn đề không chỉ là vượt qua biển hồ. Đối với Tin mừng, bờ bên kia là bờ của dân ngoại. Chúa Giê su không muốn các môn đệ của Ngài chỉ ở với những người tín hữu. Với Ngài, sứ mạng cứu thế không có biên cương. Ngài đã đến kêu gọi tất cả mọi người đến ơn dứu độ; vì thế điều quan trọng là làm sao để thế giới ngoại giáo có thể đón nhận được tin mừng ấy.
Trong cuộc vượt qua ấy, bão táp đã xảy ra. Đối với người Híp pri, biển là nơi dung thân của ma quỉ và các thế lực sự dữ. Trong các bức tranh, biển thường chứa đầy những sinh vật biển khổng lồ đáng sợ. Trong trang tin mừng nầy, chúng ta hiểu rằng các thế lực sự dữ muốn nuốt sống con thuyền của Lời để không cho đến bờ bên kia.
Tất cả những điều ấy xảy ra trên biển hồ Ga li lê. Nhưng khi viết tin mừng, thánh Mác cô muốn nói với các ki tô hữu bị bách hại. Đối với họ, đó là cơn bão khủng khiếp. Bấy giờ, cũng như các môn đệ ngày xưa những người ki tô hữu ấy kêu lên với Chúa: « Lạy Thầy, chúng con chết mất, Thầy không làm gì sao ? ». Đó là tiếng kêu đau khổ và thất vọng vang lên từ xưa đến ngày nay. Nhiều người đã bị giết vì sự điên cuồng của một người trong thế chiến thứ hai. « Thế mà Ngài không làm gì sao ? ». Giáo hội bị phê phán, không được hiểu đúng, bị chế nhạo bởi vì giáo hội đi ngược với thế gian, hay bởi vỉ Giáo hội bảo vệ những người yếu kém và bị loại trừ. Nhiều sách phim ảnh chế nhạo giáo hội. « Thế mà Ngài không làm gì sao ? ». Chung quanh chúng ta, một vài người là nạn nhân của những cuộc thử thách kinh hoàng: nạn nhân của kiêu căng, của bạo lực, của hận thù con người, của sự loại trừ, của vu khống phá hủy tiếng tốt của họ một cách bất công. « Thế mà Ngài lại không làm gì sao ? ».
Nhiều cơn bão tápcũng nổi lên trong chính đời sống chúng ta. Và Giáo hội không ở trên thế gian, nhưng liên đới với tất cả những gì đang xảy ra. Niềm vui và đau khổ của con ngưỡi cũng là niềm vui và đau khổ của Giáo hội. Bão táp trong thế gian lay động Giáo hội mạnh mẽ. Giáo hội không thể nhắm mắt làm ngơ trước tất cả các cuộc chiến đấu đòi hỏi người ta trân trọng con người hơn, coi trọng công bình và hòa bình hơn. Nhưng hầu như lúc nào cũng đối đầu với nguy cơ bách hại.
Sứ điệp to lớn của bài tin mừng là trong lúc cuồng phong dữ dội nhất, Chúa Giê su hiện diện với chúng ta, với Giáo hội. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, cả khi chúng ta tưởng là Ngài ngủ và dửng dưng với những gì đang xảy ra. Để giúp chúng ta hiểu điều đó, thánh Au gu ti nô đã giải thích như sau: “Khi người ta nói Thiên Chúa ngủ, đó là vì chúng ta ngủ; và khi người ta nói Thiên Chúa đứng dậy, là vì chính chúng ta thức dậy. Quả thật, Chúa đang ngủ trong thuyền, và nếu chiếc thuyền bị lắc lư là vì Ngài ngủ. Chiếc thuyền của Chúa là chính con tim của Chúa. Và Chúa Giê su trong chiếc thuyền, đó là đức tin trong tâm hồn. Nếu anh nhớ đến đức tin của mình, tâm hồn anh không còn bị chao đảo nữa. Nếu anh quên đức tin của anh, Đức Ki tô ngủ và anh coi chừng bị đắm” (thánh Au gu ti nô).
Ngày chủ nhật hôm nay, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nghe lời Chúa Giê su: “Tại sao các ngươi lại sợ? Tại sao không tin vào Thầy?” Ngài cũng trách chúng ta khi chúng ta núp sau những bức tường an ninh giả tạo. Đó là lời mời gọi lay động mạnh mẽ và tiến về phía bở bên kia, nơi sứ mạng đang chờ đợi chúng ta.
Bấy giờ chúng ta không còn bị chướng ngại nào cản trở để lớn tiếng kêu lên Đức Ki tô giữa cơn bão cuộc đời chúng ta. Như các môn đệ đã làm. Đừng bao giờ nghi ngờ về sự hiện diện của Chúa ngay cả khi tất cả đều xấu đi. Không gì có thể cản trở Nước Thiên Chúa lớn mạnh một cách âm thầm, như hạt giống rơi trên đất. Được thúc đẩy bởiChúa Thánh Thần thổi đâu tùy ý,nhân loại đang bay về phía bờ bên kia.
Vậy thì hãy tin tưởng, đừng sợ. Cảm tạ Chúa phục sinh luôn hiện diện giữa lòng cuộc sống và bão táp chúng ta. Và nhất là đừng bao giờ quên rằng sứ mạng đang chờ đợi chúng ta.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Sách Gióp là sách gì?
THƯA: Sách Gióp là một trong 7 sách thuộc loại sách Khôn ngoan, hay giáo huấn. Đây là một kiệt tác trong văn chương thế giới, một tiếng kêu lâm li thống thiết về thân phận con người chơi vơi trong cuộc “đời là bể khổ”.
2. HỎI: Câu chuyện về ông Gióp ra sao?
THƯA: Ngày xưa có một người tên là Gióp, một người công chính kính sợ Thiên Chúa và luôn xa lánh điều dữ. Vì thế, Thiên Chúa ban cho ông được hạnh phúc, giàu có và một gia đình đông đúc. Ông chăm sóc và lo lắng cho con cái mình đi trên đường công chính. Về mọi khía cạnh ông không có gì phải mơ ước nữa. Nhưng rồi một ngày kia, tai họa dồn dập xảy đến cho gia đình ông: trong một thời gian ngắn, tất cả đều đã ra đi, từ khối tài sản kết xù đến đàn gia súc, và đau thương hơn cả là tất cả các con cái ông đều chết.
3. HỎI: Kết cục ra sao?
THƯA: Ông mất hết tất cả, chỉ còn sức khỏe, nhưng rồi cũng không bao lâu, họa vô đơn chí, tài sản quí giá cuối cùng nầy cũng ra đi. Lần nầy, ông mắc phải một chứng bệnh ngoài da khủng khiếp, biến ông thành một người ai thấy cũng sợ hãi tránh xa. Vì thế ông phải bỏ thành phố và nhà cửa, để sống cô độc một mình. Ngay chính bà vợ của ông cũng không hiểu ông, đã buông lời nhục mạ ông.
4. HỎI: Gióp đã phản ứng như thế nào?
THƯA: Toàn bộ quyển sách ghi lại những lời ta thán về những cơn đau khổ thể xác và tinh thần trước cái chết sớm mà ông phải chịu đựng. Ông cảm thấy chán chường, tuyệt vọng trước thái độ thiếu hiểu biết và đồng cảm của bạn bè, và nhất là sự im lặng của Thiên Chúa.
5. HỎI: Điều gì làm ông ray rứt nhất?
THƯA: Điều làm ông đau đớn nhất là sự bất công mà ông phải chịu đựng. Vào thời ấy, trong dân Ít ra ên ai cũng nghĩ rằng sự công chính của Thiên Chúa hệ tại ở việc thưởng công những người sống ngay lành và trừng phạt những kẻ ác ngay trong cuộc sống nầy. Thế thì tại sao mọi tai ương khủng khiếp đổ ập xuống đầu ông trong khi suốt đời ông luôn cố gắng sống tốt lành.
6. HỎI: Các bạn ông có giúp ông được gì không?
THƯA: Ba người bạn nghe ông hoạn nạn đã từ xa lặn lội đến an ủi ông. Nhưng qua các lí luận dài dòng và cổ hủcủa họ, chẳng những họ không giúp ông khuây khỏa phần nào, mà còn làm cho ông thêm đau khổ. Họ lí luận rằng: đau khổ là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ tội lỗi, nên những đau khổ ông đang gánh chịu chứng minh rằng ông đã phạm tội.
7. HỎI: Gióp đáp trả như thế nào?
THƯA: Gióp từ chối các lời giải thích sơ sài ấy, và muốn các bạn hãy im tiếng, vì họ càng nói, thì ông càng chìm sâu vào trong nỗi cô đơn khốn cùng. Cách hay nhất mà họ có thể an ủi ông là hãy lắng nghe ông nói. Dù kêu la phản kháng trước cơn đau khổ khủng khiếp của mình, ông vẫn luôn khẳng định rằng: Thiên Chúa luôn là Đấng Công chính.
8. HỎI: Đau khổ đã giúp ông đạt được điều gì?
THƯA: Đau khổ đã giúp ông tiến xa trên con đường hiểu biết về Thiên Chúa. Lúc đầu, ông luôn khẳng định rằng, mình không có tội nên những gì xảy đến đều bất công. Nhưng rồi ông nhận thấy trong cuộc sống nầy, không thiếu người ác vẫn sung sướng trong khi người lành lại bị đau khổ. Chính kinh nghiệm ấy giúp ông nhận ra mình sai lầm về sự công chính của Thiên Chúa. Và cuối cùng, khi cạn hết lý lẽ, ông khiêm nhường nhìn nhận rằng chỉ có Thiên Chúa mới nắm được những mầu nhiệm của cuộc đời.
9. HỎI: Còn Thiên Chúa trả lời cho ông như thế nào?
THƯA: Ngài trách các bạn ông nhưng không trách cứ ông. Trái lại, Ngài còn khen ngợi ông vì đã nói đúng về Ngài. Điều đó có nghĩa là ông có lí do để kêu khóc, than van khi đau khổ. Nhưng Ngài mời gọi ông đi xa hơn bằng cách chiêm ngắm công cuộc Tạo dựng và khiêm nhường nhận mình dốt nát không biết gì về Thiên Chúa. Chính Ngài cảnh giác: “Tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các người và nếu không hiểu về sự công chính của Ngải thì người ta không được phép phản kháng Ngài.
10. HỎI: Sách Gióp có giải quyết về vấn nạn đau khổ không?
THƯA: Không. Sách Gióp không cho ta lời giải đáp về vấn nạn đau khổ, nhưng chỉ cho chúng ta một con đường. Đừng kêu la than vãn nhưng hãy giữ lòng tin tưởng và mạnh mẽ trong bàn tay của Thiên Chúa: vì Ngài ở với chúng ta hết mọi ngày cho đến tận thế. Chúa Giê su không đến để giải thích sự đau khổ nhưng để hiện diện và chịu đau khổ với chúng ta.
11. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một như thế nào
THƯA: Bài đọc một trích dẫn phần đầu lời Thiên Chúa phán với ông Gióp để trả lời cho thắc mắc đặt ra về vấn đề người công chính chịuđau khổ (38, 1-40, 5). Như trong các cuộc thần hiển lớn, Thiên Chúa đáp lại bằng cách đặt cho Gióp những câu hỏi. Bài đọc một là một phần trong bốn câu hỏi: câu hỏi thứ nhất (4-7) liên quan đến việc tạo dựng trái đất. Câu thứ hai liên quanđến biển. Câu thứ ba (12-15) liên quan đến ngày xuất hiện. Câu thứ tư (16-21) liên quan đến vực thẳm bóng tối và sự chết.
12. HỎI: Bài đọc thứ nhất trích từ sách Ông Gióp (38, 1.8-11) có ý nghĩa như thế nào?
THƯA: Bài đọc thứ nhất (G 38, 1.8-11) là lời Thiên Chúa nói mạc khải cho biết quyền năng của Người chế ngự trên cả thiên nhiên được tỏ hiện qua việc Người đã đặt định Lề luật cho thiên nhiên và con người không thể thay đổi được. Nếu chúng ta thực sự tin tưởng vào Thiên Chúa thì tại sao chúng ta lại phải nói cho Ngài điều phải làm để cứu giúp chúng ta khi gặp khó khăn? Người biết rõ hơn chúng ta điều gì tốt lành cho chúng ta.
13. HỎI: Lời Chúa nhằm mục đích gì?
THƯA: Lời Chúa phán nhằm mục đích cho ông Gióp thấy rằng con người hoàn toàn không có quyền đánh giá toàn bộ công trình của Thiên Chúa, và không thể đưa ra phán quết nào về các dự phóng đằng sau nó. ‘Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết,
để làm cho kế hoạch của Ta ra tối tăm khó hiểu?’ (38,2)
14. HỎI: ‘Biển’ trong kinh thánh có ý nghĩa gì?
THƯA: Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, ‘biển’ là nơi có các sức mạnh tà thần cư ngụ và hoạt động (x. G 7, 12; Is 27,1; 51,9t; Đn 7…). Biển gợi lên một sức mạnh không thể kềm hãm được luôn luôn rình rập nuốtsống thế giới loài người và tiêu diệt sự sống. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã nhốt nó trong những giới hạnnhất định không thể thoát ra được. Vì thế, biển được trình bày trước nhan Ngài như một đứa trẻ sơ sinh mà Thiên Chúa ‘lấy mây đen và bóng tối làm tả bao bọc lại.’
15. HỎI: Còn con người thì sao ?
THƯA: Thiên Chúa chế ngự biển cả bằng cách giam cầm nó và ra lệnh cho nó.Con người không có khả năng đó, và khi họ quên điều ấy, họ đã làm mờ tối kế hoạch của Thiên Chúa không phải trong chính nó, mà là trong tâm tư và ý tưởng của họ.
16. HỎI: Câu 10-11 có nghĩa gì?
THƯA: Thiên Chúa bảy tỏ quyền uy của Ngài bằng cách ra lệnh cho biển, một địch thủ khiến loài người khiếp sợ, phải dừnglạinơi ranh giới Ngài ấn định. Trong khi thế lực của ma quỉ tác hại thế giới loài người, thì Thiên Chúa đã chế ngự nó bằng cách giam hãm nó lại.
17. HỎI: Thiên Chúa nhắc điều đó để làm gì?
THƯA: Tất cả những điều đó, Thiên Chúa nhắc cho ông Gióp không phải để bắt nẹt ông, hạ thấp ông hay áp đặtquyền uy của Ngài, nhưng để ông phải có lòng tín thác vào Ngài. Ý thức những giới hạn của con người sẽ giúp họ có những tương quan đúng đắn với Thiên Chúa.
18. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Sau bài diễn từ bằng dụ ngôn (4,1-34), Mc gom vào đây bốn phép lạ mời gọi người ta đặt câu hỏi về căn tính của Ngài. Bấy giờ, Chúa Giê su đang ở trên bờ phía Tây hồ Ga li lê với dân chúng, Ngài truyền cho các môn đệ sang bờ bên kia, phần đất của các dân ngoại. Giữa biển Ngài dẹp yên sóng gió (4, 35-41). Rồi trên bờ bên kia, Ngài chữa một người bị quỉ ám (5, 1-20) khiến cho dân ngoại kinh ngạc. Trở về bờ bên nầy, Ngài chữa lành người bị băng huyết và cho con gái ông Gia ia sống lại. Mọi người đều kinh ngạc sững sờ (5, 21-43). Bốn phép lạ tỏ rõ quyền năng siêu phàm nơi con người Chúa Giê su, khiến người ta đặt câu hỏi về chân tính của Ngài: ‘Người nầy là ai?’ (4,41).
19. HỎI: ‘Hôm ấy’ là ngày nào?
THƯA: Mác cô viết ‘Hôm ấy’ nhưngkhông quan tâm đến thời gian thực, vì ở đây, Mác cô có ý đặt trình thuật các phép lạ vào trong một ngày gọi là: ‘Ngày các phép lạ’.
20. HỎI: Tại sao Chúa Giê su ‘bỏ lại đám đông’ bên bờ hồ?
THƯA: Một lần nữa, Chúa Giê su lại rời bỏ đám đông và truyền lệnh cho các môn đệ qua bờ bên kia. Chi tiết ấy cho thấy Ngài không muốn để cho đám đông bắt ngài và luôn đi xa hơn. Chúng ta lại tìm thấy câu: “Nào chúng ta hãy đi nơi khác” của 1,38. Như thế, Chúa Giê su là người khởi xướng chuyến vượt biển xem ra nguy hiểm nầy.
21. HỎI: Chúa Giê su ‘ngủ’ có nghĩa gì?
THƯA: ‘Ngủ’ chi tiết khá bi kịch nầy có nhiều ý nghĩa. ‘Ngủ’ thường được dùng trong Thánh kinh để chỉ sự chết. Ngòai ra trình thuật qui chiếu đến sách Giô na (1,4-16): cũng một kiểu mô tả cơn bão; đó là giấc ngủ của nhân vật chính trong câu truyện, trong khi các người khác tỏ ra sợ hãi, và kêu cứu.
22. HỎI: Phép lạ Chúa Giê su để lại cho các môn đệ bài học gì?
THƯA: Khi dùng quyền năng truyền cho các lực lượng đối nghịch với con người phải im tiếng, Chúa Giê su tỏ ra Ngài là Chúa để các môn đệ hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài. Và được gió và biển phải tuân phục Ngài, từ nay họ không còn phải sợ chúng nữa.
23. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa hôm nay như thế nào?
THƯA: Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm hai điều: một là Thiên Chúa làm chủ mọi biến cố của cuộc đời. Hai là Chúa Giê-su Ki-tô không chỉ là Đấng làm chủ cả biển rộng nước sâu và phong ba bão táp mà còn làm chủ mọi biến cố, mọi sự kiên xẩy ra, mọi tâm hồn con người.
24. HỎI: Phải thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay như thế nào?
THƯA: Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải tin tưởng, cậy trông, phó thác cách tuyệt đối vào Thiên Chúa, và vào Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Một cách cụ thể mỗi người, mỗi cộng đoàn cần nhìn lại thái độ và cách hành xử của mình, xem mình có thật sự và tuyệt đối tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Thiên Chúa, vào Chúa Ki-tô không? Cách kiểm chứng dễ nhất là xem trước những khó khăn, trở ngại, khổ đau mình nghĩ tới ai đầu tiên và chạy tới đâu trước hết? Có phải là Thiên Chúa không? hay là ông thày tướng, bà thày bói hoặc là những người có chức, có quyền, có tiền có thể giúp mình thoát khỏi tình trạng bế tắc?