Ngày 24 tháng 06
Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
THIÊN CHÚA THI ÂN
Tin Mừng Lc 1,57-66.80
57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con
trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và
thân thích đều chia vui với bà.
59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên
cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : “Không được ! Phải đặt tên cháu là
Gio-an.” 61 Họ bảo bà : “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy
cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là
gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều
bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng
Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp
miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế
nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong
hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Suy niệm
Ngoài Lễ Sinh Nhật
của Đức Giê-su, nghĩa là lễ Chúa Giáng Sinh, trong lịch phụng vụ của Giáo Hội,
chỉ có hai ngày lễ mừng sinh nhật : sinh nhật của Đức Maria (ngày 8/9) và
sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả (ngày 24/6). Chúng ta có thể hỏi: tại sao
cùng với Giáo Hội chúng ta chỉ mừng lễ sinh nhật của Đức Maria và của thánh
Gioan mà thôi, chứ không mừng sinh nhật của các vị thánh khác?
Đó là
bởi vì, sự sinh ra của Đức Maria và của thánh Gioan có liên quan đặc biệt đến
sự sinh ra của Đức Giê-su: Đức Maria được Thiên Chúa chuẩn bị cách đặc biệt,
ngay trong lòng mẹ, để sau này cưu mang và sinh ra Đấng Cứu Thế; còn sự sinh ra
của thánh Gioan nhắc nhớ cách Thiên Chúa hành động trong lịch sử cứu độ, và
cách hành động này sẽ trở nên viên mãn nơi Đức Ki-tô, ngay từ biến cố Giáng
Sinh của Người.
1. Thánh
Gio-an và lịch sử cứu độ
Như chúng ta đều
biết, theo lời kể của thánh Lu-ca, thánh Gioan là ơn huệ Thiên Chúa ban, khởi
đi từ cung lòng hiếm muộn và già cỗi của mẹ Elizabeth, như chính ông Zacharia
thú nhận : « Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã
già, và nhà tôi cũng cao niên » (Lc 1, 18) ; và chính sứ thần Gabriel
loan báo cho Mẹ Maria : « Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà,
tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng
là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng » (c. 36).
Sự kiện bà
Elizabeth với cung lòng vừa hiếm muộn và vừa già cỗi nhưng lại mang thai, đó là
vì « Chúa đã rộng lòng thương xót bà » (c. 58). Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với bà Elizabeth
nhắc nhớ lòng thương xót của Thiên Chúa trong toàn bộ lịch sử cứu độ : Thiên Chúa làm phát sinh sự
sống ở nơi mà con người vẫn chưa xuất hiện và ở những hoàn cảnh mà con người
hoàn toàn bất lực. Thật vậy, trong công trình sáng tạo, từ mặt đất trinh
nguyên, Thiên Chúa làm trào vọt ra sự sống, sự sống phong nhiêu của
muôn loài muôn vật, và nhất là sự sống của con người, được hình thành theo hình
ảnh của Thiên Chúa ; và trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn luôn làm trào
vọt ra sự sống ở nơi không còn hi vọng gì : đó là cung lòng đã chết của tổ
phụ Abraham và bà Sara, đó là biến cố Xuất Hành : « Đường của Chúa
băng qua biển rộng, lối của Người rẽ nước mênh mông, mà chẳng ai nhận thấy vết
chân Người » (Tv 77, 20), đó là sự sống, ngang qua ơn huệ lương thực, Chúa
ban cho Israel trong hành trình trong sa mạc, đó là sự khai sinh ra vương quốc
khởi từ những xung đột chết chóc, đó là niềm hi vọng, được nuôi dưỡng bằng lời
ca tụng, khi không còn gì để hi vọng : « Tôi đã tin, cả khi mình đã
nói : ôi nhục nhã ê chề… ». Và Đức Ki-tô sẽ đến để lấp đầy niềm hi
vọng này.
Bà Elizabeth vừa
già cỗi và và hiếm muộn, không thể sinh con, là hình ảnh nói lên chính tình
cảnh bi đát của Israen, của nhân loại và của từng người chúng ta, bất lực trong
việc xây dựng sự sống của chúng ta trong hiệp nhất và tình yêu, và vì thế để
cho bầu khí chết chóc làn tràn và để cho Sự Dữ ngự trị. Thiên Chúa đã tỏ lòng thương
xót đối với bà Elizabeth, khi cho bà cưu mang và sinh con, người con mang tên
Gioan, nghĩa là « Thiên Chúa Thi Ân », thì chắc chắn, Thiên Chúa cũng đã và đang
thương xót nhân loại chúng ta, Hội Dòng và cộng đoàn chúng ta, gia đình chúng
ta và từng người chúng ta.
2. Thánh Gioan và
Đức Ki-tô
Sự sống của thánh
Gioan là một tuyệt tác của Thiên Chúa, diễn tả quyền năng ban sự sống của
Người ; nhưng Đức Giê-su, sinh bởi Đức Maria, là tuyệt tác còn
lớn hơn và là tuyệt tác duy nhất: Mẹ sinh con không phải từ cung lòng già cỗi
hay hiếm muộn, nhưng là từ cung lòng trinh nguyên. Các Giáo Phụ nhìn ra đây là
hình ảnh diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi vì lúc khởi
đầu, Thiên Chúa cũng làm phát sinh sự sống từ mặt đất trinh
nguyên. Đó là vì, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và đây đã là Tin
Mừng cho loài người của chúng ta rồi : đó là Thiên Chúa có thể làm phát
sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Kitô, ở nơi mà con người
không còn hi vọng gì, ở nơi là tuyệt đối không thể đối với con người. Như thế
mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, trong ngày sinh nhật của thánh
Gioan và nhất là của Đức Giê-su, bởi vì Thiên Chúa sẽ làm trào vọt sự
sống từ sự chết, trong mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Trong đời sống dâng
hiến, các nam nữ tu sĩ được mời gọi sống « trinh nguyên » (trinh
nguyên, tiên vàn không phải thể lý, nhưng là một con tim ước ao sống bởi và
sống cho một Thiên Chúa), chính là để cho Thiên Chúa làm phát sinh sự
sống thần linh, bền vững và phong phú, bằng quyền năng sáng tạo của Ngài.
Ngoài ra, tên gọi
« Gioan » nghĩa là « Thiên Chúa Thi Ân » ; trong khi
tên gọi « Giê-su » nghĩa là « Thiên Chúa Cứu Độ », là Ơn
Huệ của mọi ơn huệ, là Ơn Huệ mà mọi ân huệ khác hướng tới và chỉ là dấu chỉ,
và là Ơn Huệ một lần cho tất cả. Như thế, thánh Gioan không chỉ loan báo Đức
Giê-su bằng cuộc đời và cái chết của mình, nhưng còn bằng chính biến cố sinh ra
và tên gọi nữa.
Xin cho chúng ta
cũng hướng về Đức Ki-tô như thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, ngang
tất cả những gì chúng ta là, được chất chứa trong « tên gọi » của
chúng ta ; và xin cho Người nổi bật lên trong cuộc đời, ơn gọi và từng
ngày sống của chúng ta.
3. « Chúc tụng
Đức Chúa… »
Về chuyện ông
Zacharia, cha của thánh Gioan, bị câm, nhưng ngay sau khi đặt tên cho con là
« Gioan », thì ông nói được, cũng rất có ý nghĩa. Bởi vì, sự kiện ông
không nói được, là một dấu chỉ nhắc nhớ ông rằng, có một lúc ông đã không tin
vào quyền năng Thiên Chúa có thể thi ân ở nơi mà con người không còn hi
vọng gì, có thể làm phát sinh sự sống nơi cung lòng hiếm hoi và già cỗi của bà
Elizabeth.
« Không nói
được », không chỉ là không nói được ngôn ngữ, nhưng nhất là không thể ca
tụng Chúa được. Thật vậy, khi người ta không tin, không nhận ra ơn Chúa ban cho
mình và người khác, thì không thể ca tụng Chúa được. Chính khi ông đặt tên cho
con là Gioan, « Thiên Chúa Thi Ân », thì ông « lưỡi ông lại mở
ra, ông nói được » và lời nói đầu tiên là lời chúc tụng Thiên Chúa :
Chúc tụng Đức Chúa,
là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.
Đó là lời tán tụng Benedictus bất hủ, vang lên mỗi ngày
trong Giờ Kinh Sáng của chúng ta. Ước gì, khi đọc hay hát lời chúc tụng này,
chúng ta mặc lấy tâm tình của ông Zacharia, bố của thánh Gio-an. Xin cho chúng
ta tin tưởng và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, để có thể cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa : « Lạy
Chúa, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài ». Nếu không, dù
chúng ta có nói bi bô suốt ngày, thì cũng như là « người câm » vậy
thôi !
Nhưng chúng ta được
mời gọi đi xa hơn, bằng cách định hướng đời mình và từng ngày sống theo năng
động chúc tụng Thiên Chúa. Và để được như thế, chúng ta cần tín thác và
nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, cần đặt đời sống, ngày sống và hành động
trên nền tảng tâm tình biết ơn đối với tình yêu và lòng thương xót của Chúa,
được bày tỏ cho chúng ta một cách thật hữu hình, có thể nhìn thấy được, đó là
Thánh Tâm của Chúa bị đâm thâu.
* * *
« Lạy Thiên Chúa,
là Cha của chúng con, xin thương xót chúng con, để chúng con đón nhận và xây
dựng sự sống của chúng con như ân huệ và theo ơn gọi Chúa ban, bằng cách gắn bó
mật thiết và nên một với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Cha, từ lúc chúng con sinh
ra cho đến lúc chúng lìa bỏ cuộc đời này, theo gương thánh Gioan Baotixita.
Amen »
Lm Giuse Nguyễn Văn
Lộc