CHỦ NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN
Lời Chúa dạy chúng ta biết Chúa Giê su đến trần gian là để hoàn tất điều mà CƯ đã loan báo: Ngài trở trở thành “Đấng bị đâm thâu” để ban ơn cứu độ cho chúng ta. Do đó, bổn phận chúng ta là phải thể hiện những gì mà Thập giá của Chúa Giê su mang lại: đó là cuộc sống tương xứng với Tình yêu mà Người đã dành cho chúng ta.
Sách Tiên tri Da ca gia 12,10-11
Mới nhìn thì dường như Thiên Chúa đã lìa bỏ Dân Người. Tiên tri Da ca ria không phủ nhận sự thật phủ phàng đang diễn ra trước mắt. Nhưng kinh nghiệm sau lưu đày đã dạy ông không được mất lòng tin nơi Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Người là Đấng tín trung sẽ thực hiện lời hứa: “Trong ngày ấy, Ta sẽ đổ xuống nhà Đa vít Thần khí..”
Thư gửi tín hữu Galata 3,26-29
Ơn gọi người Ki tô hữu thật cao vời, đòi hỏi họ phải có những nghĩa vụ tương xứng. Nhờ mặc lấy Đức Ki tô, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Vì thế chúng ta phải cởi bỏ tất những gì cũ kỹ trần gian để mặc lấy Đức Ki tô trong đời sống mới.
Tin mừng Lc 9, 18-24
NGỮ CẢNH
Lời tuyên tín của Ông Phê rô tiếp nối một cách hợp lí trình thuật hóa bánh ra nhiều (9,10-17): Phê rô nhân danh Nhóm Mười Hai nhận ra Chúa Giê su là Đấng Ki tô (= Đấng Messia), trong khi Chúa Giê su một lần nữa loan báo rằng đấng Messia phải chịu Khổ nạn (9,18-22). Chúa Giê su còn tiếp tục đưa ra những đòi hỏi khắt khe về điều kiện làm môn đệ đi theo Ngài, bởi vì Nước Trời đến ngang qua thập giá (9,23-27).
Có thể đọc theo bố cục sau đây:
- 9, 18-21: Phê rô tuyên xưng đức tin
- 9,22: Chúa Giê su báo trước Khổ nạn
- 9,23-27: Huấn du về người môn đệ
TÌM HIỂU
Cầu nguyện: khác với Mc và Mt, Lc không xác định ngày giờ cũng như nơi chốn câu truyện nầy. Nhưng ông là người duy nhất cho biết Chúa Giê su đang cầu nguyện. Cũng như các lần khác (3,21; 6,12; 9,28), qua đó ông muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các biến cố: chính trong lời cầu nguyện mà Chúa Giê su đã tỏ ra dứt khoát và quyết tâm trong các tuyên bố và quyết định của mình.
Thầy là ai?: câu hỏi về căn tính của Chúa Giê su đã là tâm điểm của sách Tin mừng cho đến giờ: 4,22.36.41; 6,5; 7,16.19.39; 8,25; 9,9. Lần nầy câu hỏi có tính quyết định nơi miệng Chúa Giê su. Trước khi hỏi các môn đệ về điều ấy, Ngài hỏi họ điều mà dân chúng, và đặc biệt đám đông vừa được ăn no, nghĩ như thế nào về Ngài. Các câu trả lời tương ứmg với điều mà Hê rô đê đã biết được (9,7-8).
Đã sống lại: các tiên tri thời trước đã bị bách hại vì đã rao truyền Lời Chúa vào thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Dù đã chết, nhưng các ngài vẫn sống trong kí ức của người dân đang mong chờ từ các ngài một sự can thiệp mới trong lịch sử. Ý nghĩa của từ “đã sống lại” có một giá trị hạn chế; hoàn toàn khác với ý nghĩa mà Chúa Giê su dùng.
Còn anh em: có lẽ tốt hơn nên dịch: “Đối với anh em, ta là ai?”. Nhóm Mười hai, cũng như các độc giả tin mừng, nhận được câu hỏi nầy như là một cơ hội để nói lên đức tin của mình và để dấn thân khi nói lên niềm tin ấy. Đó là câu hỏi có ý nghĩa sống còn: toàn thể sự sống tùy thuộc vào câu trả lời.
Đấng Ki tô của Thiên Chúa: ông Phê rô trả lời nhân danh nhóm Mười hai. Thông thường ông là phát ngôn nhân của họ. Lời tuyên bố của ông chủ yếu cũng chính là lời mà người ta đọc trong Mc 8,30: “Thầy là Đấng Ki tô” và trong Mt 16,16: “Thầy là Đấng Ki tô, con Thiên Chúa hằng sống”. Kiểu nói của Luca: “Đấng Ki tô của Thiên Chúa” được dùng lại trong câu 23,35; có nghĩa là đó là Đấng Messia, đấng Ki tô, được Thiên Chúa sai đến, nhưng không nói gì về thiên tính của Chúa Giê su. Ông Phê rô chỉ nói rằng ông nhận ra nơi Đức Giê su là Đấng Messia thiên hạ đợi trông. Các thiên thần (2,11), ông già Si mê ông (2,26) và chính ma quỉ (4,41) cũng đã giới thiệu Ngài như thế.
Truyền các ông không được nói: cũng như với ma quỉ (4,41), Chúa Giê su cấm nhóm Mười Hai nói lên điều ấy. Câu trả lời của ông Phê rô là đúng (x. Mt 16, 17), nhưng Chúa Giê su không cho là đủ: có lẽ nó quá gắn liền với phép lạ hóa bánh ra nhiều và các dấu chỉ thiên sai về sự thịnh vượng vật chất. Sự cấm đóan không chỉ là vấn đề khôn ngoan; nó còn là một điều liên hệ đến đức tin: Ông Phê rô và các bạn của ông chưa có thể công bố thiên sai tính đó cho bao lâu mà các ông còn chưa hiểu khía cạnh Khổ nạn của đấng Messia. Ngài muốn bảo vệ chân lí về căn tính của Ngài: Đấng Messia chăng? Đúng, nhưng là một Đấng Messia đau khổ.
Phải: đây là lời loan báo Khổ nạn thứ nhất (x. 9,43-44;18,31-33). Như trong Mc và Mt, cả ba lời loan báo được trình bày ở ngôi thứ 3, dưới danh nghĩa là Con Người (x. 5,24).
Chúa Giê su nói đến một điều thiết yếu, đó là phải trung thành với chương trình của Thiên Chúa, như Ngài đã nhận được trong lời cầu nguyện, lòng trung thành với thánh ý của Cha mà Ngài đã nhìn thấy trước đối với Ngài là sự hạ mình nơi loài người. Sau nầy Chúa Giê su sẽ cắt nghĩa sự cần thiết ấy cho các môn đệ đi làng Em maus, khi qui chiếu đến Thánh Kinh (24,26). Ở đây, Chúa Giê su gần với người Tôi tớ của Isaia 53 hơn là Con Người của Đa ni ên 7,13-14.
Sẽ trỗi dậy: kiểu nói nầy có thể chỉ được dùng y như thế sau biến cố Phục sinh. Ở đây có lẽ chúng ta đứng trước một công thức giáo lí của các cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy ở đó một dấu chỉ của một giáo huấn Chúa Giê su nói về cuộc Khổ nạn của Ngài và hé mở cho thấy sự hoàn tất đi xa hơn. Viễn tượng hoàn tất đã cho phép đức tin của các môn đệ được hồi phục sau thử thách.
Với mọi người: khác với Mc, Lc không kể lại việc nhóm Mười Hai không hiểu Lời Chúa Giê su nói (Mc 8,32-33). Nhưng bù lại, liền ngay sau đó, ông thêm một vài lời khuyên thiết yếu nhắm đến tất cả những ai muốn đi theo Ngài. Và như thế đề ra những điều kiện để làm người ki tô hữu. Như Thầy mình, người môn đệ không thể trốn tránh việc phải vác lấy thập giá. Chúa Giê su sử dụng một ngôn ngữ gần như là luật pháp theo kiểu châm ngôn (x. 14,26-33 bản văn gần giống ở đây).
Thập giá mình: x. 14,27 bản văn song song. Về từ “thập giá”, x. giải thích ở Mc 8,34. Chúa Giê su không nói Ngài sẽ bị treo trên thập giá, nhưng bị giết, và không xác định gì thêm. Kiểu nói ở đây được hiểu theo nghĩa luân lí: chấp nhận những khó khăn phải gánh vác và phải hiấn dâng trong cuộc sống như Chúa Giê su. Trong trường hợp Luca, ý nghĩa luân lí còn được nhấn mạnh bởi kiểu nói “hằng ngày” (x. 11,3: lương thực hằng ngày). Do đó, viễn tượng gian khổ chỉ có ý nghĩa khi được qui chiếu đến Chúa Giê su bị đóng đinh mà thôi: từ bỏ có nghĩa là bỏ rơi những giấc mơ thiên sai và chấp nhận mầu nhiệm của một đấng Messia đóng đinh.
Liều mất – sẽ cứu được: đây là cái mâu thuẫn lớn nhất của tin mừng, gần như là một tổng hợp các mối phúc thật (6,20-23). Để đạt tới một cuộc sống khác, cần phải chết đi trong cuộc sống trần thế. Đó là một điều cần thiết mà người ta đã biết tới trước Chúa Giê su (Kn 3,1-7). Nhưng mầu nhiệm thập giá mang lại một ánh sáng mới: con người không thể tự cứu lấy mình và bằng chính sức riêng của mình. Để được cứu rỗi, cần phải có một niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa, và đặt mình trong bàn tay của Thiên Chúa Đấng Cứu độ. Đó là cách mà Chúa Giê su đã sống cuộc sống và cái chết của Ngài cho chúng ta: “Con Người” đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (19,10).
SỨ ĐIỆP
Để hiểu được bài tin mừng hôm nay, cần phải trở lại mạch văn đi trước. Chúa Giê su vừa chữa những bệnh nhân và hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông. Đó là những thành công nhất định. Nhưng Chúa Giê su không tìm cách làm hài lòng quần chúng. Ngài không đến trần gian để tìm điều đó. Thế nên Ngài rút lui vào nơi thanh vắng, dành thời gian cầu nguyện. Ngài không muốn quay lưng lại với sứ mạng đích thực của mình.
Sau đó, trong lúc trò chuyện thân mật với các môn đệ, Ngài hỏi họ: “Người ta bảo Thầy là ai? Họ nghĩ thế nào về sứ mạng của Ngài? Ngài biết rõ họ không thực sự hiểu mình. Họ chỉ bị thu hút bởi các phép lạ mà Chúa Giê su thực hiện. Trước lúc chuẩn bị lên đường đi Giê ru sa lem để chịu khổ hình, Chúa Giê su muốn thử niềm tin của các môn đệ nhằm mời gọi họ tiến thêm một bước nữa.
Dù được Chúa Giê su ân cần chỉ dạy, Nhóm Mười hai cũng không hiểu biết gì hơn các thầy kí lục. Khi khẳng định rằng Chúa Giê su là Đấng Cứu thế, họ nói lên một chân lí, nhưng điều họ nghĩ còn rất xa với ý nghĩa đích thực. Ngài không phải là Đấng Cứu thế theo cách mọi người quan niệm. Ngài không muốn đề cập đến những ngóc ngách tế nhị của lề luật hay muôn ngàn vấn đề mà các thầy Ráp bi đặt ra. Ngài cũng không phải là người đứng lên hô hào dân chúng kháng chiến chống lại sự áp bức của người La mã.
Ông Phê rô tuyên xưng rằng Chúa Giê su là Đấng Cứu thế, nhưng không thể nói gì hơn về niềm tin của mình. Chính Chúa Giê su sẽ giúp ông hiểu rõ hơn qua các lời loan báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Tạm thời, Ngài phải giữ im lặng. Ngài muốn tránh cho đám đông không sa vào những con đường lầm lạc. Chỉ có cuộc thử thách vượt qua mới dứt khoát giúp cho mọi người hiểu rõ con đường cứu thế mà Thiên Chúa Cha đã chọn lựa cho Ngài.
Và ngày nay, Chúa Giê su cũng đặt câu hỏi ấy cho tất cả mọi người chúng ta: đối với chúng ta, Chúa Giê su là ai? Vấn đề không phải là nói lên những gì chúng ta biết về Ngài, nhưng là tự hỏi: đâu là chỗ đứng của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Một câu trả lời lý thuyết suông thì chưa đủ. Câu trả lời đúng phải tìm trong cuộc sống thực tế của chúng ta. Điều quan trọng là xem chúng ta có sống nhờ Ngài và theo sứ điệp của Ngài không. Một số người coi Ngài như là một nhà tư tưởng lớn đã làm đảo lộn cả lịch sử thế giới. Nhưng đối với chúng ta, điều cốt yếu là tương quan giữa Ngài với chúng ta. Ngài có phải là một đấng quan trọng trong cuộc đời chúng ta không?
Ngày hôm nay, lời Chúa Giê su cảnh báo các môn đệ cũng dành cho từng người chúng ta: “Ai muốn đi theo Thầy, hãy vác thập giá mình mỗi ngày!”. Đi theo Chúa Giê su là dấn thân trên con đường sứ mạng để loan báo Nước Thiên Chúa. Đó là một điều thiết yếu không thể thay đổi được. Đi theo Chúa Giê su, chính là để cho Ngài dùng Lời hướng dẫn chúng ta. Ngài là Con đường, là Sự thật và là Sự Sống. Chính nhờ Ngài mà chúng ta đến cùng Cha. Ngài sẽ dẫn chúng ta ngang qua các con đường mà chúng ta không thấy trước. Nhưng một điều chắc chắn là không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.
Chứng từ tuyệt vời của anh Charles de Foucauld có thể minh họa cho lời mời gọi ấy. Về cuộc đời tội lỗi quá khứ trước khi được ơn trở lại, anh nói: “Tôi đã sống không có đức tin. Tôi đã sống mười hai năm mà không từ chối cũng như không chấp nhận tin tưởng điều gì cả, vì tôi thất vọng về sự thật”. Thế rồi sau khi đã khám phá Thiên Chúa, anh hiểu rằng mình chỉ có thể sống nhờ Người mà thôi. Thế rồi anh vào nhà dòng khổ tu Đức Mẹ Tuyết ở Ardèche. Tiếp đến, anh sang Pa lét tin na, Si ria và Al giê ri. Sau khi thụ phong linh mục, anh sống đời ẩn tu ở Sa ha ra, chăm sóc bệnh nhân, chia sẻ cuộc sống với những người nghèo khổ. Anh muốn theo gương của Chúa Giê su trong đời sống nghèo hèn và ẩn dật.
Chứng từ ấy cho chúng ta thấy tin mừng mà Đức Ki tô loan báo hôm nay đã được thể hiện như thế nào. Nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng một khi đã trở thành người ki tô hữu, chúng ta đã quyết định đi theo Đức Ki tô và gắn bó với Ngài suốt đời. Và cần phải tỏ rõ quyết tâm đó. Khi đã để Chúa Giê su xâm chiếm cuộc đời thì không thể tiếp tục cuộc sống quá khứ nữa, nhưng phải hoàn toàn thay đổi theo đòi hỏi của Ngài.
“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ cứu lấy nó”. Một người kitô hữu trước tiên không tìm sự thành công cá nhân mình, sự cứu độ cá nhân, sự bảo đảm cho cá nhân mình. Ngày nay, trong khi mọi người cố tìm mọi cách để bảo đảm cho cuộc sống, thì ki tô hữu là người liều mất tất cả. Một khi đã dành Ưu tiên cho chính Chúa Giê su Ki tô, cho Nước Trời, thì người ấy chấp nhận hi sinh tất cả những điều còn lại.
Chúa Giê su dạy chúng ta rằng, từ bỏ chính mình, một cách nào đó có nghĩa là không còn coi bản thân mình là tất cả, nhưng là chấp nhận một người Khác ở trung tâm cuộc sống chúng ta, là thay đổi cách nhìn của chúng ta về Thiên Chúa, về người khác và về thế gian.
Mỗi ngày chủ nhật, chúng ta qui tụ chung quanh Chúa Giê su để lắng nghe lời Ngài, để cho Ngài chất vấn chúng ta, và để dâng Thánh lễ. Ngài là Tình yêu tự hiến của Thiên Chúa Cha. Chúng ta phải truyền tình yêu đó như một kho tàng quí giá cho tất cả những người chung quanh. Chúng ta hãy sống bí tích Thánh Thể như một thời điểm quan trọng giúp chúng ta tái qui chiếu cuộc sống chúng ta với Ngài.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Tiên tri Dacaria là ai?
THƯA: Sách tiên tri Da ca ria thường được coi là tác phẩm của hai tiên tri khác nhau. Vị tiên tri thứ nhất rao giảng vào khoảng năm 520 trước Công nguyên. Lời rao giảng được chép lại trong các chương 1-8. Vị thứ hai (gọi là Đệ nhị Da ca ria) vào thời muộn hơn rất nhiều, có lẽ vào khoảng năm 300 trước Công nguyên. Lời rao giảng của ông được ghi lại trong các chương 9-14. Da ca ria là tiên tri có ảnh hưởng nhiều trong Tân Ước (x. Mt 21,4-5; Ga 12,15; Mc 14,27; Mt 26,31; Mt 27,9-10; Ga 19,27; Kh 1,7).
2. HỎI: Bài đọc một nói gì?
THƯA: Đây là bản văn Kinh Thánh có liên hệ với chúng ta nhiều nhất. Các tín hữu đầu tiên tìn rằng: “Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ”. Nhưng họ tìm hiểu: “Cứu độ chúng ta như thế nào”. Và họ đã tìm ra câu trả lời trong đoạn văn Dacaria. Chúa Giê su cứu chúng ta khỏi sự thù hằn, bạo lực, ích kỉ là mầm móng mọi sự dữ trong chúng ta. Nói theo Dacaria, Ngài biến đổi tâm hồn bằng đá nên tâm hồn bằng thịt. Và bằng cách để cho thân mình bị đâm thâu qua vì chúng ta.
3. HỎI: Bản văn nói tới “Ngày ấy”, vậy “ngày ấy” là ngày nào?
THƯA: “Ngày ấy” được lặp đi lặp lại nhiều lần để nói rằng đây là ngày hoàn tất mọi sự, ngày mà người ta chờ đợi từ lâu. Ngày ấy là Ngày của Chúa, ngày mà chính Thiên Chúa chờ đợi, ngày mà vì đó, Người đã dựng nên thế gian và con người; ngày chứng kiến chương trình của Người hoàn thành.
4. HỎI: “Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa vít và dân cư Giê ru sa lem..” câu ấy có nghĩa gì?
THƯA: Đối với độc giả Do thái, câu ấy có ám chỉ đến việc Đấng Messia ngự đến. Lần nào Kinh Thánh nói đến nhà Đa vít, thì đều ám chỉ đến Đấng Messia. Vì thế, Ngày của Thiên Chúa chính là ngày mà Đấng Messia hoàn thành chương trình cửu độ của Thiên Chúa.
5. HỎI:”Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu như người ta khóc than đứa con một” có nghĩa gì?
THƯA: Đấng Messia sẽ bị đâm thâu, nghĩa là bị hiểu lầm, bị từ khước, và bị giết chết. Nhưng sau đó, mắt người ta sẽ mở và nhận ra Ngài chính là đấng Messia. Bấy giờ họ sẽ hối tiếc đau đớn vì cách đối xử của mình, họ sẽ khóc, sẽ để tang. Họ nhận ra rằng việc từ khước Đấng Messia là tội giết chết một nhận vật đáng kính trọng nhất.
6. HỎI: Bối cảnh của bài tin mừng là gì?
THƯA: Chúa Giê su vừa chữa lành và hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông (8,40-56; 9,12-17). Liền sau đó, Ngài đặt ra câu hỏi: “Ta là ai?”, trước hết cho đám đông, và sau đó cho các môn đệ. Ngài muốn giúp các môn đệ tìm ra câu trả lời riêng cho cá nhân mình.
7. HỎI: Tại sao Thánh Lu ca không xác định rõ nơi xảy ra việc tuyên tín?
THƯA: Mát thêu và Mác cô nói rõ việc tuyên tín xảy ra ở Xê da rê, vùng dân ngoại. Còn Lu ca thì không xác định, vẫn coi biến cố nầy xảy ra trong vùng Ga li lê (cc.3-9). Theo Luca, thì chỉ sau Hiện xuống, thì việc turyền giáo mới lan rộng ra khắp các dân tộc.
8. HỎI: Tại sao chỉ có Lu ca mới nói rõ Chúa Giê su cầu nguyện?
THƯA: Sở dĩ Lu ca nói đến việc Chúa Giê su cầu nguyện vì ông muốn lưu ý là mọi biến cố quan trọng trong đời Chúa Giê su, như việc tuyên tín ở đây, đều xảy ra trong bầu khí cầu nguyện.
9. HỎI: Ý kiến chung của dân chúng như thế nào?
THƯA: Người ta bảo Ngài là một vị tiên tri. Tiên tri nào thì tùy theo quan điểm của mỗi người: người thì cho Ngài Gioan Tẩy giả sống lại, người khác lại cho là Êlia, hay một tiên tri nào đó. Rõ ràng là sau lời rao giảng và các phép lạ Chúa Giê su thực hiện, người ta đã nhận ra Ngài là người của Thiên Chúa.
10. HỎI: Còn các tông đồ trả lời như thế nào?
THƯA: Ông Phê rô lên tiếng nói: “Ngài là Đấng Messia của Thiên Chúa”. Nghĩa là Ngài là Đấng được Xức dầu, đấng có Thần khí Thiên Chúa ngự và đến để khai mạc Nước Thiên Chúa. Chính việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều là bằng chứng cho Phê rô tin rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện.
11. HỎI: Tại sao Chúa Giê su cấm các môn đệ không được nói điều ấy với ai?
THƯA: Bởi vì Chúa Giê su không muốn người ta hiểu lầm về tính cách Thiên sai của Ngài. Ngài chính là Đấng Messia, nhưng là một vị Messia chịu đau khổ. Đó chính là điều mà người ta khó lòng chấp nhận.
12. HỎI: Trong lời loan báo khổ nạn, tại sao Chúa Giê su nói đến việc “phải” chịu nhiều đau khổ?
THƯA: Vì đó là con đường thiết yếu mà Đấng Messia phải đi qua để làm tròn sứ mạng cứu thế theo như Thánh ý Thiên Chúa Cha. Từ xưa, tiên tri Da ca ria đã báo trước: “Ngày ấy, chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu” (Dcr 12,10).
13. HỎI: “Vác thập giá mình hằng ngày” là gì?
THƯA: Đó là những khó khăn, thử thách trên đường truyền giáo. Như Thầy mình, người tín hữu phải chấp nhận luận lí của hạt lúa mì gieo xuống đất: “Ai yêu sự sống mình sẽ mất, còn ai liều mất sự sống mình vì Thầy, sẽ cứu được nó”.