Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 12

CHỦ NHẬT LỄ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

sn gioan tay gia.jpgThánh Gioan Tẩy giả có một vị trí độc nhất vô nhị trong chương trình của cứu độ của Thiên Chúa. Ngài được gọi từ trong lòng mẹ để làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Và Ngài đã hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa đã giao phó cho Ngài cách tuyệt vời, đã được chính Chúa Giêsu trân trọng: “Trong số những người được sinh ra, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả” (Mt 11,11).

Sách Tiên tri Isaia 49,1-6

Tiên tri Isaia cho biết Thiên Chúa đã gọi ông từ trong lòng mẹ để biến ông trở thành “Ánh sáng muôn dân”. Tiên tri nói với dân Do thái trong một thời kì khó khăn, vì họ thấy mình không ra gì so với các dân tộc giàu có và hùng cường chung quanh. Vì thế tiên tri trấn an họ rằng họ sẽ có chỗ đứng trong thế giới rộng lớn nầy. Đó là sứ mạng biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa.

Thánh Vịnh 138

Trong lời cầu nguyện, tác giả nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cõi thâm sâu tâm hồn mình. Kinh nghiệm ấy giống với kinh nghiệm của người tôi tớ trong bài đọc thứ nhất. Hơn ai hết, Chúa biết rõ từng người. Người tín hữu ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước sự hiện diện của Thiên Chúa đang hoạt động để biến đổi mình.

Sách Công Vụ 13, 22-26

Trong Hội đường, thánh Phao lô tìm cách liên kết anh em trong đức tin với Đức Ki tô. Vì thế ngài đặt bài giảng bám rễ sâu trong lịch sử cứu độ, trong đó, Chúa Giê su phải được coi như là điểm đến mà Thiên Chúa đã ấn định. Phao lô nhấn mạnh đến dòng dõi vua Đa vít của Chúa Giê su vì đó là điểm quan trọng đối với người Do thái. Ngài còn nhắc lại vai trò quyết định của Gioan Tẩy giả. Nhờ phép rửa sám hối và lời rao giảng, ông đã cho thấy Ánh sáng sẽ soi sáng thế gian.

Tin Mừng Lc 1,57-66.80

NGỮ CẢNH

Đoạn Tin mừng nầy được rút ta từ hai chương đầu tin mừng thánh Luca được cấu trúc theo kiểu song đối mà người ta thường sử dụng nhằm giới thiệu hai nhân vật là Chúa Giê su và Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta có thể nhìn qua cách bố cục để nhận ra sự trổi vượt của Chúa Giê su đối với Gioan:

Tryền tin cho Dacaria (1,5-25) – Truyền tin cho Đức Maria (1,26-38)

Thăm viếng Bà Êlisabét (1,39-56)

Kinh Mangificat (1,46-56)

Gioan sinh ra và cắt bì (1,57-58) – Chúa Giê su giáng sinh (2,1-20), cắt bì (2,21)

Kinh Bênêdictus (67-79) – Dâng Chúa Giê su trong đền thờ (2,22-24)

Tuổi thơ của Gioan (1,80) – Tuổi thơ của Chúa Giê su (2,36-38).

TÌM HIỂU

Láng giềng: tin vui loan truyền. Mỗi đứa bé sinh ra đời là một ơn ban của Thiên Chúa, nên cần phải tiếp nhận với tất cả niềm hân hoan. Một lần nữa, Thiên Chúa đã ban ơn cho một người phụ nữ son sẻ trở thành người mẹ hạnh phúc (Tv 113,9).

Làm phép cắt bì: thể theo lệnh truyền Thiên Chúa ban cho ông Abram: “Ðây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì” (Stk 17,10). Một đứa bé được cắt bì được gia nhập vào dân Giao Ước; được gọi là con cái Abram. Ngày đó là một ngày đại lễ, ngày nó nhận tên riêng.

Da ca ria: những người láng giềng muốn giữ cho dòng tộc được nối tiếp, họ không hề biết đặc ân mới mẻ mà Thiên Chúa vừa ban cho gia đình này.

Gioan: đó là tên gọi mà thiên thần đã chỉ cho ông Da ca ria (1,13). Khi đức Maria vào nhà, Bà  Êlisabét nhận ra con của Đức Maria và chào mẹ Chúa của mình. Bà đã hiểu chương trình mà Thiên Chúa đã thực hiện cho bà. Từ đây, con bà cần phải được gọi là Gioan, nghĩa là “Chúa đoái thương ban ơn”, để loan báo cho mọi người biết Thiên Chúa giờ đây thực hiện ơn cứu độ đã hứa ban.

Cha: người ta quay sang người cha, nhưng cần phải ra dấu cho ông vì ông còn điếc và không nói được. Lúc ông tái nhập vào xã hội cũng giống như lúc ông ra khỏi: “người ta ra dấu hỏi ông” đối chiếu với “ông đã làm dấu hiệu cho họ và bị câm” (1,22): giờ đây đã đến lúc kết thúc phụng tự bỏ dở ở đền thờ.

Gioan: Da ca ria loan báo ơn gọi của con ông: “Chúa đoái thương ban ơn”; đứa bé sẽ là người như Thiên Chúa muốn. Một cách thiêng liêng hai vợ chồng này làm điều mà “những người thu thuế và tội lỗi” sẽ làm khi họ đến xin lãnh phép rửa tội: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (3,10). Như thế, Ông Dacaria và bà Êlisabét đã là những môn đệ đầu tiên của Gioan Tẩy giả. Và giờ đây, Gioan khai mạc sứ vụ của mình. Ông chuẩn bi ngay con đường, dẫn đưa các tâm hồn của cha ông về với con cái (1,17), hướng đến đấng sẽ Rửa trong Thánh Thần.

Chúc tụng Thiên Chúa: Thầy tư tế đã nói được ngay lập tức để tôn vinh lời Thiên Chúa hoàn tất mọi điều Ngài đã hứa. Và đây một lần nữa ông làm “chủ tế”.

Hoang địa: câu truyện về ông Gioan bắt đầu trong đền thờ Giê ru sa lem, giờ đây tiếp tục trong hoang địa, nơi hoang vắng và không có sự sống, nhưng cũng là nơi lắng nghe Lời Thiên Chúa: “Lời Thiên Chúa đến với ông Gioan, con ông Da ca ria, trong hoang địa” (3,2). Từ nơi không có sự sống ấy, lời Thiên Chúa đã đưa ông Gioan ra đi làm tiên tri, để ông tỏ mình cho dân Ít ra en, như đã từng dẫn ông ra từ lòng mẹ son sẻ.

SỨ ĐIỆP

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, đúng 6 tháng trước ngày sinh nhật của Chúa Giê su. Ngoài Đức Maria, Gioan là vị thánh duy nhất được Giáo hội mừng sinh nhật, bởi vì cuộc đời của các ngài không thể hiểu được nếu không qui chiếu đến Chúa Giê su. Các ngài được sinh ra vì Chúa Giê su: Đức Maria để làm mẹ, còn Gioan thì để chuẩn bị cho Ngài xuất hiện. Chính qua họ mà mọi lời hứa của Thiên Chúa đối với dân Ngài được hoàn thành mỹ mãn.

Để hiểu sứ điệp bài tin mừng hôm nay rõ hơn, cần phải biết ý nghĩa các tên gọi. Tên gọi ông Dacaria có nghĩa là: “Thiên Chúa nhớ đến”. Ghi tâm khắc cốt chân lí ấy thật là quan trọng. Thỉnh thoảng chúng ta có cảm tưởng là Thiên Chúa đã quên chúng ta. Khi chứng kiến bạo lực lan tràn trên thế gian, nhiều người tự hỏi Thiên Chúa đang ở đâu và Ngài đang làm gì. Ngài đang làm gì khi vào thời đó, đất nước Ítraen bị quân đội La mã chiếm đóng. Ngày nay Thiên Chúa nói với chúng ta rằng Ngài không quên chúng ta. Ngài luôn ở về phía những người bị áp bức và tất cả những ai đang đau khổ. Ngài loan báo cho họ rằng sự dữ sẽ không phải là tiếng nói cuối cùng. Điều quan trọng là đứng vững và kiên trì trong đức tin.

Tên gọi Gioan có nghĩa là “Thiên Chúa đoái thương ban ơn”. Và điều đó đã thành sự thật: Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cho Bà Êlisabét và ông Dacaria. Ngài ban cho họ niềm vui có một đứa con trai. Thiên Chúa ban ơn cho dân Ngài và cho toàn thể nhân loại. Ngài thấy những đau khổ của họ, nhiều người bị giam hãm trong vòng bạo lực, thù hận, ích kỉ, oán ghét nhau. Tất cả những điều đó chỉ nhấn chìm con người trong bất hạnh mà thôi. Nhưng cũng như vào thời ông Mô sê, Thiên Chúa đã can thiệp để mở cho họ một con đường giải thoát. Thiên Chúa đã giải thoát dân Ngài và sẽ thực hiện cho tất cả mọi người ở mọi thời đại.

Sứ mạng của Gioan chính là loan báo và chuẩn bị cho Chúa đến. Thiên Chúa đoái thương ban ơn, nhưng ơn sủng của Ngài mời gọi mọi người sám hối và quay trở về. Người ta chỉ tiếp nhận Đức Ki tô Cứu thế khi tiếp nhận sứ điệp của Gioan Tẩy giả: “Hãy ăn năn sám hối”. Và để tỏ rõ quyết tâm quay trở về, mọi người được mời gọi chịu phép rửa sám hối. Đó chưa phải là phép rửa ki tô mà chúng ta đã nhận lãnh, nhưng chỉ là một câu trả lời cho tất cả những người xin Thiên Chúa thanh tẩy họ khỏi tội lỗi. Phép Rửa trong tương lai mới là quan trọng hơn cả: “Tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng sẽ đến đấng quyền thế hơn tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài. Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa”.

Bằng cách đó Gioan Tẩy giả đã chuẩn bị cho Đức Ki tô cứu độ đến. Ngài đã tỏ Chúa Giê su cho các đám đông thời Ngài thấy và khuyên họ đến với Ngài. Theo chân Gioan Tẩy giả, tất cả chúng ta được mời gọi chuẩn bị cho Đấng Cứu thế đến trong cuộc đời, gia đình, nơi làm việc và giải trí của chúng ta. Chuẩn bị những con đường cho Chúa là gỡ bỏ những tảng đá vấp, là san bằng đồi núi ích kỉ, là lấp đầy mọi lủng sâu dửng dưng. Dọc suốt sứ vụ, Gioan nhấn mạnh đến sự chia sẻ, công chính và trân trọng người khác. Đó là bước đầu cần phải thực hiện để dọn một nơi cho Ngài ngự đến.

Mừng sinh nhật Gioan Tẩy giả là để chuẩn bị mừng sinh nhật Chúa Giê su sẽ đến trong ngày lễ Giáng sinh. Nhưng đừng quên rằng chính nơi chúng ta, trong đời sống chúng ta mà Đức Ki tô muốn sinh ra. Ngài sai chúng ta đi khắp thế gian để loan báo cho mọi người biết rằng Thiên Chúa đoái thương ban ơn. Chúng ta sinh ra là để làm môn đệ Chúa Giê su và chuẩn bị tâm hồn mọi người để tiếp nhận Ngài. Theo gương Gioan Tẩy giả, chúng ta được mời gọi làm hết sức mình để thi hành sứ mạng ấy bằng cách đừng để cuộc sống phân tán trong những chuyện phù phiếm.

Thiên Chúa đến với chúng ta để ban ơn. Mỗi ngày chủ nhật, Ngài gặp gỡ cộng đoàn qui tụ nhân danh Ngài, và đó là biến cố lớn nhất trong tuần. Tất cả chúng ta là những người tội lỗi được mời gọi sám hối. Sứ mạng của chúng ta là làm việc hằng ngày để cho chương trình của Thiên Chúa cứu độ mọi người được thành công. Chính vì sứ mạng đó mà chúng ta được mời gọi nuôi dưỡng bằng Lời Đức Ki tô và Mình Thánh Ngài. Thiên Chúa cần mỗi người chúng ta để cho khắp nơi nhận biết ơn cứu độ. Chúng ta hãy cầu nguyện để theo gương Thánh Gioan Tẩy giả chúng ta được can đảm công bố Nước Trời đang đến.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Tại sao Giáo Hội công giáo mừng sinh nhật Gioan Tẩy giả vào ngày sinh ra chứ không vào ngày từ trần như các thánh khác?

THƯA: Thông thường, Giáo Hội gọi ngày các thánh qua đời là ngày sinh nhật (= dies natalis: ngày sinh ra), tức là ngày sinh vào cuộc sống đời đời, và mừng lễ vào ngày ấy. Nhưng đối với Gioan, Giáo hội tin rằng Ngài đã được thánh hiến trong lòng mẹ, bởi sự hiện diện của Đức Ki tô khi Đức Maria viếng thăm bà Êlisabết. Chính vì lẽ đó mà Giáo Hội mừng lễ vào ngày sinh ra của Ngài, sáu tháng trước ngày Chúa Giê su giáng sinh.

2. HỎI: Bài đọc thứ nhất nói gì?

THƯA: Bài đọc thứ nhất trích từ chương 49 sách tiên tri Isaia, là bài ca Người tôi tớ của Thiên Chúa. Dù bài ca nầy thường áp dụng cho Đấng Ki tô, nhưng ở đây cũng có thể áp dụng để  chỉ ơn gọi và sứ mạng các tiên tri, trong đó có Gioan Tẩy giả.

3. HỎI: Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phao lô nói gì về Gioan Tẩy giả?

THƯA: Bài đọc thứ hai trích từ bài giảng của Phao lô tại Psiđia, Thổ nhỉ kì ngày nay, trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất của Ngài. Ngài duyệt lại lịch sử cứu độ từ Abraham cho đến Chúa Giê su nhằm cho người Do thái thấy rằng Chúa Giê su chính là Đấng Messia mà họ trông đợi. Trong dòng lịch sử ấy, Gioan Tẩy giả có một vai trò quan trọng là làm Tiền hô cho Đấng Cứu thế, bằng lời rao giảng kêu gọi người Ít ra ên chịu phép rửa tỏ lòng sám hối và giới thiệu Chúa Giê su cho mọi người: “Nhưng kìa đấng đến sau tôi, và tôi không xứng đáng cởi dép cho Người” (Cv 13,25).

4. HỎI: Hai chương đầu tin mừng Luca có cấu trúc gì đặc biệt?

THƯA: Hai chương đầu tiên tin mừng Luca đã được soạn tác theo phương pháp tác giả loan báo ngay đầu sách (1,1-4). Chúng được cấu trúc song đối chặt chẽ: có hai trình thuật truyền tin (cho Dacaria và Đức Maria), có hai cuộc sinh ra; hai cuộc cắt bì (của Gioan Tẩy giả và Chúa Giê su). Ý nghĩa toàn bộ các trình thuật ấy được giải thích trong ba bài thánh ca tạ ơn: kinh Magnificat, kinh Benedictus, và kinh Nunc Dimittis. Rõ ràng Luca muốn nhấn mạnh rằng hai cuộc giáng sinh ấy hoàn tất các lời Thiên Chúa hứa với nhân loại.

5. HỎI: “Lòng thương xót” mà láng giềng thân thích đã nhận ra là gì?

THƯA: Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa đã dành cho bà Êlisabết, dù son sẻ và đã luống tuổi nay được phúc sinh con. Người phụ nữ Do thái không có con là nỗi ô nhục, nên việc Gioan  Tẩy giả sinh ra là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho bà và gia đình bà.

6. HỎI: Và tiếp đến, lòng thương xót của Thiên Chúa còn dành cho ai nữa?

THƯA: Lòng thương xót Thiên Chúa không chỉ dành cho gia đình Gioan, mà còn dành cho toàn dân riêng của Ngài. Các bài thánh ca tiếp sau đã nói lên điều đó: “Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”(1,50); “Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời ”(1,54; “Đã tỏ lòng thương xót đối với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước” (1,72); “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta”(1,78).

7. HỎI: Cắt bì và đặt tên có ý nghĩa gì trong Do thái giáo?

THƯA: Cắt bì là biến cố quan trọng vì qua đó đứa bé được tiếp nhận vào thành phần dân Giao Ước với Thiên Chúa. Như lời Thiên Chúa truyền cho tổ phụ Abraham: “Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác.  Ðây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì: đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi.  Sinh được tám ngày, mọi con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì, từ thế hệ này qua thế hệ khác...” (Stk 17,9-12).

8. HỎI: Tên gọi và đặt tên cho con trẻ có quan trọng gì không?

THƯA: Trong truyền thống Thánh Kinh, tên gọi chính là người và việc đặt tên rất quan trọng. Khi Thiên Chúa đặt tên cho ai là để mạc khải và trao cho một sứ mạng. Tên gọi Gioan tiếng Híp pri là Yôkhânân có nghĩa là Thiên Chúa đoái thương ban ơn. Sứ mạng của Gioan giờ đây là tiền hô cho mọi người biết và chuẩn bị đón Đấng Cứu thế mang lại ơn cứu độ cho loài người.

9. HỎI: Tại sao thánh Luca nói: “Ai nấy đều bỡ ngỡ”?

THƯA: Thánh Luca mô tả “ai nấy đều bỡ ngỡ” trước việc đặt tên Gioan cho đứa trẻ. Bỡ ngỡ là phản ứng khi chứng kiến một biến cố vượt quá trí hiểu biết của mình, đặc biệt trước những biến cố thuộc về quyền năng Thiên Chúa. Thái độ bỡ ngỡ đưa người ta đến sự sợ hãi trước sự hiện diện của Thiên Chúa (65a).

10. HỎI: Tại sao “láng giềng ai nấy đều kinh sợ” (65a)?

THƯA: Sợ hãi là phản ứng tiếp sau thái độ ngỡ ngàng trước những điều kì diệu do Thiên Chúa thực hiện (x Lc 1,12; 5,26; 7,16; 8,35). Họ kinh sợ trước việc lạ lùng là miệng lưỡi ông Dacaria mở ra và nói lại được sau khi đặt tên cho con trẻ là Gioan.

11. HỎI: Câu hỏi: “Đứa trẻ nầy rổi ra sẽ thế nào đây” có nghĩa gì?

THƯA: Thánh Luca đặt ra câu hỏi: “Đứa trẻ nầy rồi ra sẽ thế nào đây” nhằm chuẩn bị độc giả cho phần kế tiếp nói đến sứ mạng và cuộc sống chứng nhân kì diệu của Gioan Tẩy giả (3,1-20; 7, 18-30; 9,9). Đó là kiểu soạn tác đặc biệt của Thánh Luca.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Mình Máu Chúa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Mình Máu Chúa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên - Nt. Thiên Thảo SJP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm Paul. Nguyễn Nguyên
     SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN XII THƯỜNG NIÊN NĂM B: SỨ VỤ DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA. Lm. Đan Vinh
     LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ. Antôn Lương Văn Liêm
     SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XII THƯỜNG NIÊN NĂM A- LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ. Nt. Maria Chinh Anh OP.
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚ BA NGÔI- TÌNH YÊU DIỆU KÌ. Lm Phao Lô Nguyển Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI- HUYỀN NHIÊM TÌNH YÊU. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI.
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XII THƯỜNG NIÊN NĂM C- TÔI MUỐN, ANH SACH ĐI. Phan Nhã
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XII THƯỜNG NIÊN NĂM C- YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ. Thiên Thảo SJP