CHỦ NHẬT HIỆN XUỐNG B
Được sống sung mãn và muôn đời: đó là niềm mong ước của tất cả mọi người ngay từ khi được tạo dựng. Nhưng tội lỗi đã làm cho niềm mơ ước chính đáng ấy trở thành vô vọng, khi giam hãm con người khiến họ không thể nào vươn tới. Nhưng Thiên Chúa tự bản tính là chia sẻ và ban ơn đã ban Thánh Thần của Người tràn ngập trên thế gian ngày Hiện Xuống. Chính từ đó ơn ban Thánh Thần bắt đầu sự đổi mới mọi sự.
Sách Cv 2,1-11
Lễ Hiện xuống là một khởi đầu. Sách Công vụ có mục đích cho thấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần bùng nổ trong thế giới. Và như thế chúng ta được loan báo công cuộc tái hòa hợp của nhân lọai diễn ra trong suốt Lịch sử nhờ những người tín hữu được Tình yêu Thiên Chúa nuôi dưỡng.
Thánh vinh 103
Người do thái ca ngợi Thần Khí Thiên Chúa, khi cảm nghiệm sức năng động của sự sống phát xuất từ Người. Đối với người ki tô hữu thì Thần khí đó là nguồn phát sinh một sự tái tạo thực sự. Ngài sẽ tái định hướng cho một thế giới phản ánh vinh quang Thiên Chúa.
Thư Gl 5,16-25
Ơn ban và đặc sủng chỉ có nghĩa trong mức độ giúp chúng ta xây dựng một cộng đòan trong Tình yêu. Cũng thế, sự khác biệt trong các vai trò không cho phép ai nghĩ mình trội hơn người khác. Mỗi người có một vị trí không thể thay thế được trong một tổng thể được liên kết bởi Chúa Thánh Thần muốn qui tụ mọi người trong TÌNH YÊU.
Tin mừng Ga 20,19-23
NGỮ CẢNH
So sánh với đoạn văn song song của Lu ca giúp ta nhận thấy rằng trong khi Lc dừng lại ở việc nhận biết Chúa Giê su phục sinh, thì Gio an lướt qua để dừng lại lâu hơn nơi con người Chúa Giê su đang hướng về tương lai và thông ban các quyền năng của Ngài. Như thế chủ ý của ông là muốn nhấn mạnh đến sứ mệnh của Giáo Hội phát sinh từ cuộc Phục sinh của Chúa Giê su.
Có thể đọc bản văn theo bố cục sau đây:
1. Thời gian, nơi chốn hoàn cảnh cuộc hiện ra: 19abc.
2. Chúa Giê su hiện đến (19d-20a) được các môn đệ nhận ra (20b).
3. Lời chào, sai đi, trao banThánh Thần và sứ mạng (21-23).
TÌM HIỂU
Vào chiều ngày ấy: bà Ma ri a Ma đa lê na đi ra mồ từ « sáng sớm » (20,1). Đối với nhóm Mười Một, một ngày dài đã trôi qua trước cuộc hội ngộ nầy. Các cuộc hiện ra của đấng Phục sinh với các môn đệ diễn ra vào buổi chiều (6,16; 13-17), nhưng cũng còn trong ngày thứ nhất (20,1.26).
Các cửa đều đóng kín: niềm tin của Ma đa lê na đầy ngẫu hứng và tình cảm. Bà đi thẳng đến Chúa và đã gặp thấy Ngài. Còn các môn đệ thì khác chưa hết “sốc” bởi nỗi sợ hãi người Do thái; dù có những bước chân của Phê rô và Gio an, họ vẫn còn ẩn trốn trong nhà. Vì thế Chúa Giê su cần phải cho họ niềm xác tín là Ngài đã sống lại. Các trình thuật nầy có lẽ phản ánh nỗi khó khăn mà Giáo hội gặp phải: một vài người mạnh dạn đến với Chúa, trong sự đơn sơ của niềm tin; một số khác thì chậm chạp hơn vì nhiều thử thách mà cộng đoàn phải vượt qua.
Chúa Giê su đứng giữa các ông: “Đâu có hai hay ba người tụ họp nhân danh ta, có ta ở giữa họ” (Mt 18,20).
Bình an cho anh em: lời chào được lặp lại ở câu 21. Đó là câu chào hỏi bình thường trong ngôn ngữ sê mít. Tuy nhiên, bình an là một khái niệm giàu ý nghĩa bao hàm toàn bộ những gì làm cho cuộc sống được hạnh phúc. Sự bình an của thời đại cánh chung là một ơn ban quí giá nhất của Thiên Chúa dành cho con người đã được các tiên tri loan báo. Ơn trên được ban cho là nhờ vào những nỗi khổ đau mà người Tôi Tớ phải gánh chịu: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5).
Khi Chúa Giê su xuất hiện ở giữa các môn đệ của Ngài, không những Ngài cầu chúc, mà còn ban cho sự bình an (x.14,27; 16,33). Sau nầy Phao lô sẽ nói về Đức Ki tô rằng: Ngài qui tụ các kẻ thuộc về Ngài trong chính sự chết và sự phục sinh của Ngài: “Ngài là chính sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14).
Xem tay và cạnh sườn: như ở Lu ca 24,39, Chúa Giê su muốn liên kết các đau khổ mà Ngài đã chịu với cuộc phục sinh của Ngài, khi tỏ cho thấy các vết thương của Ngài. Trong các tác giả tin mừng, chỉ có Gio an nói, và nói ba lần (ở đây và cc, 25-27) đến vết thương cạnh sườn Ngài (x. 19,34-37).
Vui mừng: giờ đây mọi sự đã thay đổi. Với sự phục sinh, lời kinh của Chúa Giê su dâng lên Cha đã được chấp nhận: “Để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (Ga 17,l3).
Thầy cũng sai anh em: Chúa Giê su hiện ra với các môn đệ của Ngài không chỉ để gợi lại cho họ kí ức về Ngài, nhưng còn để sai phái họ ra đi. Cả bốn tin mừng đều đồng qui về điểm đó (Mt 28,19; Mc 16,15; Lc 24,47; x. Cv 1,8).
Sứ mạng đó là một trong những đối tượng các lời cầu nguyện của Chúa Giê su cho các môn đệ của Ngài (17,18). Và cũng nhằm nối tiếp sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa Cha. Chúa Giê su lặp lại “Bình an cho các con”. Ra đi vào thế gian, họ mang theo mình sự bình an của Thiên Chúa.
Thổi hơi: đối với Gio an, cử chỉ nầy là dấu chỉ đưa đến một thực tại sâu xa hơn. Hơi thở mà Chúa Giê su khi sinh thì, đã trao lại trên thánh giá (19,30) là hơi thở của Thiên Chúa, tức là Thánh Thần. Ơn ban Thánh Thần đó được liên kết mật thiết với cái chết và sự phục sinh của Ngài. Lu ca bố trí biến cố Thánh Thần hiện xuống năm mươi ngày sau (Cv 2,1-4), cũng đặt mối tương quan đó trong một lời Chúa Giê su hứa cho các môn đệ vào chính ngày Phục sinh (24,49).
Với sự phục sinh Chúa Giê su, lịch sử cứu độ đạt tới giai đoạn cuối cùng. Vào lúc khởi đầu: Thiên Chúa đã “thổi sinh khí” (Stk 2,7) vào lỗ mũi người nam. Chúa Giê su phục sinh ngự tại trung tâm thế giới mới, mà ngài đã tác sinh bằng cách thông truyền hơi thở của chính Thiên Chúa để cho thế giới được sống.
Tha tội: sứ mạng truyền giáo bao gồm việc tha tội (x. Lc 24,47). Ngay từ đầu, sách tin mừng Gio an đưa ra một lời mời gọi tiếp nhận sự sống ngang qua niềm tin vào Chúa Giê su; do đó, tội lỗi, căn bản chính là sự từ chối tin. Gia nhập vào cộng đoàn các tín hữu, tức là những người đặt niềm tin vào Chúa Giê su phục sinh, có nghĩa là xác nhận rằng tội riêng đã được tha thứ.
Cầm giữ ai: tha thứ-cầm giữ chỉ là hai mặt song đối của một tổng thể duy nhất là sứ mạng của Chúa Giê su hoàn toàn hướng về ơn cứu độ (3,16-17; 5,20-30).
SỨ ĐIỆP
Hiện Xuống là ơn Ban Thánh Thần cho các tông đồ và cho toàn dân. Thánh Luca so sánh ơn ban ấy như Lửa cháy. Hình ảnh ấy gợi câu truyện trong Sách Xuất hành về bụi gai bốc cháy, một ngọn lửa cháy nhưng không thiêu rụi. Lửa của ngày Hiện xuống biểu hiện sức nóng và ánh sáng Chúa Thánh Thần mang đến. Chắc chắn đó không phải sức nóng thiêu đốt, mà là lửa mang lại bầu khí ấm cúng huynh đệ. Với Chúa Thánh Thần, đó là tình yêu mãnh liệt mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đó cũng là ánh sáng của đấng dạy dỗ chúng ta mọi sự và giúp chúng ta hiểu biết lời Đức Ki tô.
Thánh Gioan nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần cũng là Đấng Bảo vệ mà Chúa Giê su đã hứa ban cho các tông đồ của Ngài. Như họ, chúng ta cũng cần một đấng bảo vệ chúng ta, không phải trước mặt Thiên Chúa bởi vì Ngài là Tình yêu, nhưng trước tòa án trần gian và trước chính chúng ta. Ngài bảo vệ chúng ta trước tòa án để chúng ta trung thành với sứ mạng chứng nhân của mình. Hơn nữa, nhiều khi cám dỗ thường đến từ chính chúng ta. Rất thường chúng ta hay dè dặt khi phải dấn thân phục vụ người khác. Nhiều lần chúng ta nói: « Tôi không có khả năng, chúng tôi không đủ người, với hoàn cảnh chúng tôi, chúng tôi không thể làm.. » Nhưng Đấng bào chữa luôn hiện diện để bảo vệ cho những người khác. Ngài là Đấng đã thúc đẩy các tông đồ ra đi trước mặt đám đông, trước mặt cả những người đã lên án Chúa Giê su.
Những con người từ bấy lâu bị giam kín ấy đã ra đi. Họ bắt đầu công bố các điều kì diệu của Thiên Chúa. Họ đã loan báo tin mừng đảo lôn mọi sự: Chúa Giê su mà anh em đã giết chết trên thập giá, Thiên Chúa đã phục sinh. Ngài vẫn sống mãi trong vinh quang. Có người đã ví Hiện xuống chính là Phục sinh bắt đầu cháy lên; đó là lửa của tình yêu phải được lan tràn khắp nơi trên mặt đất.
Giáo Hội của Hiện xuống là một Giáo Hội lắng nghe, tìm cách trở nên mọi sự cho mọi người. Và ngôn ngữ mà chúng ta phải nói, trước tiên đó chính là ngôn ngữ đức tin, hi vọng và bác ái. Đó là ngôn ngữ tình yêu tỏa sáng. Thế giới chúng ta cần những chứng nhân tỏa sáng, được Thánh Thần Chúa hiện diện trong tâm hồn. Khi đến với Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cầu xin rằng: « Xin hãy đên ! ». Bấy giờ Ngài là đấng xâm chiếm. Cuộc sống ki tô của chúng ta trở thành một kinh nghiệm sống tràn đầy Thánh Thần. Khi Ngài đến, Ngài hành động. Chính Ngài khởi động Giáo Hội khắp nơi trên toàn thế giới.
Cần phải cầu nguyện vời Ngài: “Xin Ngài hãy đến” khi chúng ta gặp trở ngại, khi chúng ta sợ dấn thân, khi chúng ta không thể tha thứ. Có nhiều trường hợp rất khó khăn khiến cho người ta không dám đến gặp linh mục. Bấy giờ Thánh Thần sẽ là người bảo vệ họ giúp họ hiểu rằng đối với Thiên Chúa, không có tình huống nào là vô vọng cả. Ngài là sức mạnh để khởi động và tái khởi động, là đấng không mệt mõi đẩy chúng ta tiến lên phía trước. Tất cả chúng ta có thể cầu xin được tiếp nhận Ngài: tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta đến với Ngài.
Nếu Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta, trước hết không phải vì chúng ta mà vì người khác. Ngài đến ban cho chúng ta sức mạnh và sự can đảm, để đi đến với họ, để nghe họ, hiểu họ, nhận ra điều tốt nơi họ, cái gì làm nên giá trị cuộc đời họ. Ngài muốn biến chúng ta thành những chứng nhân nhiệt thành cho Tin mừng và Vương quốc của Ngài. Khi Chúa Giê su sai Thánh Thần của Ngài đến trong Giáo Hội, chính là để Giáo Hội trở thành người tôi tớ nghèo. Ngài không muốn Giáo Hội đơn thuần là một cơ chế, nhưng phải là một cộng đoàn huynh đệ của những người yêu mến Chúa.
Cũng có khi Giáo hội quên ơn ban độc nhất ấy của Chúa; Giáo hội quên rằng mình ở trong chế độ Hiện xuống cho đến tận cùng thời gian. Khi Giáo hội quên rằng Thánh Thần tình yêu vừa là sự giàu có, vừa là sự khó nghèo, khi Giáo hội nhường bước cho ảnh hưởng thế gian, bấy giờ Giáo hội sẽ suy tàn; và trở nên yếu đuối. Giáo Hội không còn làm chứng nữa; không còn là muối đất và ánh sáng trần gian nữa. Giáo Hội ngừng sáng kiến và trở thành viện bảo tàng, chỉ lo quản trị và tinh thần lề luật. Lúc bấy giờ, Giáo hội gây thất vọng.
Vì thế thỉnh thoảng phải đánh thức Giáo Hội. Phải có một ngọn gió mạnh cuốn những chiếc lá vàng, một ước muốn phiêu lưu mạo hiểm. Khi khai mạc Công đồng Vatican II, Đức Gioan 23 chúc cho Giáo Hội hưởng bầu khí mát mẻ. Khi Giáo Hội và mọi người để cho Thần Thần hướng dẫn, thì những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, văn minh không còn là những trở ngại nữa. Trái lại, chúng trở thành những cách thức độc đáo để mỗi người sống và cử hành niềm hi vọng của con người và những điều kì diệu Thiên Chúa đã làm.
Ngày hôm nay, cũng Thánh Thần ấy của Thiên Chúa hiện diện. Cùng với Đức Maria và các tông đồ, chúng ta là những người được qui tụ trước từ mọi dân nước dưới bầu trởi nầy. Chúng ta đi vào cuộc tạ ơn của chính Đức Ki tô. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện Thánh Thần của Thiên Chúa. Xin Ngài giúp cho Giáo Hội chúng ta hôm nay được làm chứng sức sống ấy, với khả năng qui tụ và hợp nhất trong niềm kính trọng sâu xa các giá trị của mỗi người.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Lễ Ngũ tuần trong do thái giáo là lễ gì?
THƯA: Ngũ tuần là năm mươi ngày sau lễ Vượt qua. Trong Cựu Ước còn được gọi là “lễ các tuần” (7x&+1), là một lễ buộc những người do thái phải “đến trước nhan Chúa” hoặc đi hành hương về Giê ru sa lem (x. Xh 23,16; Đnl 16,16; Ds 28,26). Lễ Ngũ tuần thoạt đầu là lễ nông nghiệp, 50 ngày sau khi thu hoạch lúa, người nông dân cử hành lễ nầy để liên hoan mừng mùa gặt tốt đẹp. Dần dần, người ta mặc cho lễ nầy ý nghĩa tôn giáo: 50 ngày sau mùa gặt, người ta đem bánh, chiên, bò, dê để dâng lễ biểu lộ lòng biết ơn sâu xa của người lao động đối với các ơn Thiên Chúa ban. Như thế, lễ 50 hoàn tất ngày lễ đầu mùa gặt hái và bầu khí do đó sầm uất, hân hoan hơn. Tiến trình tôn giáo hóa tiếp tục: lễ dâng bó lúa đầu mùa được đồng hóa với lễ Vượt Qua, kỉ niệm lần đầu tiên dân được tế lễ Chúa sau khi thoát ách nô lệ. Và 50 ngày sau, người ta kỉ niệm ngày kí kết giao ước Si nai.
2. HỎI: Và cuối cùng, ngày lễ 50 được đánh dấu bởi ơn ban Thánh Thần?
THƯA: Đúng vậy, Chúa đã muốn dùng lễ nầy để ban Thánh Thần của Ngài một cách dồi dào trên các tông đồ và Giáo Hội.
3. HỎI: Tại sao tác giả mô tả: “mọi người đang tề tựu ở một nơi”?
THƯA: Mọi người đang tề tựu ở một nơi trong ngày lễ Ngũ tuần là hình ảnh của Hội thánh, một cộng đoàn tín hữu được Đức Ki tô qui tụ lại, được Thánh Thần linh hoạt để tiếp tục sứ mạng của Ngài trên trần gian.
4. HỎI: Các chi tiết: “Một tiếng động, gió mạnh, hình lưỡi lửa” muốn gợi lên điều gì?
THƯA: Hội Thánh Đức Ki tô khởi đầu trong ngày lễ Ngũ tuần được mô tả qua các chi tiết một cuộc thần hiển. Đó là việc Thiên Chúa tỏ mình ra một cách hữu hình. Trong Cựu Ước nhiều cuộc thần hiển được ghi lại trong các đoạn: St 12,7; 18;32,31; Xh 13,21; 24,16-18; Ds 12,7-8). Dù vẫn thường lặp đi lặp lại rằng, người ta không thể thấy Thiên Chúa mà còn sống (Is 19,21;33,20), nhưng Cựu Ước vẫn kể lại những cuộc hiện ra cho ông Mô sê và các người khác (Xh 3,1-6; 33,17-23;34,5-9; Is 6,1-5). Đến thời Tân Ước, các sách Tin mừng cũng lể lại các cuộc Thiên Chúa hiện ra trong phép Rửa của Chúa Giê su và Biến hình của Ngài (Mc 1,9-11; 9.2-8). Hôm nay, qua tiếng động mạnh, tiếng gió thổi, hình lưỡi lửa, Thiên Chúa cho thấy Ngài hành động mạnh mẽ nơi các Tông đồ.
5. HỎI: Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các Tông đồ mang lại hậu quả nào?
THƯA: Ngay lập tức, các ngài đầy Chúa Thánh Thần như các tiên tri trong những giây phút xuất thần và thiêng liêng nhất. Các ngài bắt đầu dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau để ca tụng các kì công của Thiên Chúa.
6. HỎI: Có bao nhiêu dân tộc nghe được những điều kì diệu ấy?
THƯA: Trong đoạn sách Công vụ nầy, tác giả kể 12 dân tộc đã được nghe các tông đồ ngày lễ ngũ tuần, tiêu biểu cho tất cả các dân tộc trên trần gian đều được Chúa gọi về để hưởng hồng ân mà Ngài đã từng hứa ban.
7. HỎI: Đó là hồng ân gì?
THƯA: Tiên tri Giô ên đã loan báo rằng sẽ đến ngày Thiên Chúa đổ thần khí của Ngài trên mọi người, hết thảy đều sẽ nói tiên tri và tiếng lạ: “Trong những ngày đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên tôi nam tớ nữ. Ở dưới đất cũng như trên trời, Ta sẽ cho xuất hiện nhiều điềm lạ là máu, lửa và cột khói” (Ge 3,1). Hôm nay, trong chính ngày lễ Ngũ tuần, việc đó đã xảy đến.
8. HỎI: Tại sao gọi Chúa Thánh Thần là đấng Bào chữa?
THƯA: Bào chữa là người được gọi đến trước tòa án để bênh vực cho bị cáo. Chúa Thánh Thần là Đấng Bào chữa, vì Ngài sẽ bênh vực các môn đệ trước tòa án trần gian. Chính Ngài sẽ nâng đỡ họ hoàn thành sứ mạng chứng nhân cho Chúa Giê su cho đến cùng.
9. HỎI: Ơn ban Chúa Thánh Thần có giúp cho việc hình thành Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và loài người không?
THƯA: Rất cần. Chúa Thánh Thần sẽ đưa Giáo Hội vào chân lí toàn diện, nghĩa là giúp cho loài người hiểu biết Thiên Chúa một cách đúng đắn hơn. Con người tự sức mình không thể nào vươn tới chân lí toàn diện ấy được, phải có ơn ban Thánh Thần Chân lí, như lời sấm Tiên tri Isaia: “Ta sẽ ban cho chúng một tâm hồn để nhận biết rằng chính Ta là Đức Chúa. Chúng sẽ là Dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Gr 24,7).
10. HỎI: Lửa nói lên điều gì?
THƯA: Trong Cựu Ước, lửa dùng để báo hiệu việc Chúa hiện diện, làm ánh sáng dẫn dắt dân đi trong đêm tối và để thánh hóa các lễ dâng. Do đó, lửa trong ngày lễ Hiện xuống nầy có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện, hướng dẫn, thánh hóa, khích lệ các môn đệ.
11. HỎI: Sách Công vụ của thánh Luca thì đặt việc Chúa Thánh Thần Hiện xuống trong ngày lễ Ngũ tuần, còn tin mừng thánh Gioan thì lại đặt việc Chúa Giê su ban Thánh Thần vào chiều ngày Chúa sống lại, tại sao có sự khác biệt đó?
THƯA: Hai Thánh sử đi theo hai đường hướng khác nhau trong việc chuyển thông niềm tin cho các tín hữu. Thánh Gioan thì nhấn mạnh đến tính cách duy nhất của mầu nhiệm Phục sinh: Chúa Giê su sống lại , được tôn vinh (lên trời) và ban Thánh Thần của Ngài cho Giáo Hội. Còn Thánh Luca thì lại chú ý đến huấn giáo mầu nhiệm bằng cách suy ngắm mầu nhiệm Phục sinh bằng ba cử hành khác nhau: Chúa Giê su sống lại, Chúa Giê su lên trời 40 ngày sau, và Chúa Thánh Thần Hiện xuống 10 ngày sau đó. Phụng vụ đã theo đường hướng nầy.