CHỦ NHẬT THĂNG THIÊN B
Thiên quốc hay trần gian ? Chúng ta thường bị lúng túng khi phải chọn giữa hai hướng ấy. Tuy nhiên việc Chúa Giê su về trời khẳng định rằng: càng hướng về trời, chúng ta càng hiện hữu tích cực ở trần gian. Do đó, sự thăng thiên của Chúa Giê su chỉ cho chúng ta hướng cuối cùng của cuộc đời đồng thời là lời mời gọi chúng ta phải hiện diện với tha nhân trong Tình yêu.
Sách Cv 1,1-11
Chúa Giê su rời xa và vĩnh viễn biến mất khỏi cặp mắt nhìn theo của các môn đệ. Thực là một nỗi kinh hoàng: Ngài đã ra đi và việc Nước Trời ngự đến dường như một lần nữa bị hoãn lại. Thực ra, Nước Trời đã hiện diện trong thế gian mhư một hạt mầm chỉ chờ đợi vươn lên. Sức mạnh của Đức Ki tô Phục sinh sẽ hoạt động nơi các môn đệ để một ngày không xa, Nước Trời sẽ vươn lên thành cây to để cho mọi chim trời đến trú ẩn.
Thánh vịnh 46
Thánh vịnh nầy là bài ca mừng Chúa là Vua toàn cõi đất. Giữa muôn dân, Ngài đã chọn một dân tộc để hiện diện. Nhưng một ngày kia, muôn dân nước sẽ qui tụ lại chung quanh đền thánh của Ngài.
Thư Ep 1,17-23
Trong thời gian bị giam giữ trong tù mà Ngài coi như đang chịu chết, thánh Phao lô đưa ra lời mời gọi hãy Yêu thương và Hiệp nhất giống như Chúa Giê su trước khi đi chịu khổ nạn. Tất cả mọi người chỉ làm nên một gia đình. Ngài ước mong sự Viên mãn của Đức Ki tô được hình thành trong Giáo Hội hiệp nhất nên MỘT trong Đức tin và sự hiểu biết Đức Ki tô.
Tin mừng: Mc 16,15-20
NGỮ CẢNH
Đoạn tin mừng nầy là phần cuối cùng của Tin mừng Mác cô, thường được gọi là đoạn kết chính lục, để phân biệt với câu kết văn chương ở 16,8. Nhiều tác giả than phiền về tính cách rời rạc thiếu bố cục của nó. Tuy nhiên nhìn kỹ chúng ta có thể nhận ra chủ đề nổi bật trong đọan nầy. Thực vậy, trong cc 9,14 tác giả trình bày sự tương phản giữa lời loan báo phục sinh của các sứ giả (Maria Mađalêna, hai môn đệ) và sự không tin của những người được loan báo (những kẻ đã ở với Ngài, nhóm Mười Một). Sau đó nhóm Mười Một được sai đi công bố Tin Mừng (c.15). Họ được báo trước về thái độ đáp trả: hoặc bằng đức tin kèm theo việc chịu phép rửa, hoặc bằng sự cứng lòng tin (16-18). Kết thúc, Chúa Giê su được cất nhắc về trời, và nhóm Mười Một ra đi rao giảng như lệnh truyền đã nhận (19-20).
TÌM HIỂU
Tin mừng: Tin mừng, hoặc là lời loan báo tân vương tức vị thiên sai, sẽ được mô tả bằng những từ giàu hình ảnh ở câu 19.
Mọi loài thọ tạo: tính phổ quát được nhấn mạnh ba lần trong ba kiểu nói khác nhau (“tứ phương thiên hạ”, “mọi loài thọ tạo”, “ai”) vừa tương ứng với quyền Chúa tể trên hoàn vũ của Chúa Giê su vinh quang, vừa áp dụng cho cuộc lữ hành mới mà ơn cứu độ đề ra: đức tin (so với đầu thư Rm 1,1-5). Điều nầy hoàn toàn phù hợp với đường hướng của Mc 15,39 cho thấy người tín hữu thứ nhất trong bản thân viên sĩ quan rô ma.
Chịu phép rửa: phép rửa không chỉ là một thực hành, một nghi thức, nhưng là điểm đến và đỉnh điểm của đức tin nhận Chúa Giê su như là đấng Cứu độ duy nhất.
Ai không tin: lặp lại chủ đề về sự không tin. Sự không tin nầy đưa đến xét xử và án phạt. “Tất cả những ai đã không tin vào chân lí, nhưng đã ưa thích sự gian ác” (2 Tx 2,12) đều sẽ bị lên án.
Những dấu lạ: các dấu lạ nầy xem ra vừa quá lạc quan vừa quá giới hạn (so với 10,29-30 theo đó lời hứa phần thưởng bị sửa đổi ở hai chi tiết: “cùng với các sự bách hại” và “trong tương lai, sự sống đời đời”). Nhưng ở đây tác giả dùng bề ngoài của các dấu chỉ nầy như biểu tượng để nói đến sự hiệu nghiệm hiện tại của Lời.
Các dấu chỉ nầy dường như được ban cho tất cả các tín hữu, hoặc cho toàn thể Giáo Hội, thậm chí được gắn liền với Lời do nhóm Mười một rao giảng (16,20). Không có mâu thuẫn giữa các c. 17 và 20, nhưng là sự bổ sung cần thiết theo nhiều khía cạnh.
Được đưa lên trời: việc tôn vinh và tức vị của Chúa Giê su được mô tả bằng nhiều hình ảnh lặp lại các từ dùng để mô tả việc ông Ê li a được mang đi (2 V2,9): Lc 9,51; x. Cv 1,2.11.22. Ông Ê lia được giới thiệu như là vị tiên tri phải đến chuẩn bị con đường cho Chúa có thể đi vào cung thánh của Người (Ml 3,1.23, được Mc trích dẫn 1,2). Nhiệm vụ của ông đã được ông Gio an Tẩy giả, vị tiền hô của Chúa Giê su thực hiện trong cái chết chứng nhân. Ông được nhắc đến trong cái chết của Chúa Giê su (15,35-36), và trong lúc ngài được lên ngôi trong đền thờ thiên quốc.
Với các ông: trong đoạn nầy (16,19-20), không có sự tách biệt giữa Chúa được tôn vinh và các tông đồ công bố Tin mừng: chính Đức Ki tô hoạt động và làm cho Lời được hiệu nghiệm. Ngang qua vai trò thiết yếu của các tông đồ, Đức Ki tô là đấng trung gian duy nhất của ơn cứu độ. Như trong CƯ, Thiên Chúa củng cố lòng tin của những ai cộng tác vào trong công trình của Người bằng chính sự hiện diện của Người (Stk 28,15; Xh 3,12; Tl 6,12-13; Gr 1,8.19; 15,20), thì cũng thế, Chúa Giê su củng cố những người Ngài sai đi bằng chính sự hiện diện đầy hiệu năng của Ngài (Mt 28,20).
SỨ ĐIỆP
Đối với Chúa Giê su, Thăng Thiên là một chiếc cầu mở ra đưa chúng ta đi từ bờ nầy sang bờ bên kia, từ triền bên nây sang triền bên kia thung lũng. Cái chết luôn luôn là một câu hỏi lớn đặt ra cho con người. Trải qua bao thế kỉ, con người vẫn luôn tìm cách tưởng tượng ra cuộc vượt qua ấy. Trong các nền văn mình cổ xưa, người ta đặt những vật dụng thường ngày, như áo quần, thực phẩm trong các quan tài và nghĩ rằng đó là cách an toàn giúp người chết vượt qua bên kia thế giới.
Ngày hôm nay, các bản văn kinh thánh nói với chúng ta về các môn đệ thấy Chúa Giê su cất mình lên và biến mất trước mắt các ông trong đám mây. Trong kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng «Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa Cha ». Trong thế giới Kinh thánh, vị trí ấy dành cho Vua. Trong đền thờ Giê ru sa lem thiên quốc, ngai tòa của Ngài đặt bên tay phải của Thiên Chúa. Mừng lễ thăng thiên, tức là mừng lễ Đức Ki tô Vua vũ trụ. Không phải là một vì Vua tìm cách áp đặt sức mạnh của mình, nhưng đến tìm cứu những người đã hư mất. Ngài muốn nối kết tất cả trong vinh quang của Ngài. Ngài mở ra cho chúng ta một lối đi. Tất cả phụng vụ Thánh thể được nuôi dưỡng bằng niềm hi vọng ấy: « Chúng con chờ đợi niềm hạnh phúc mà Chúa đã hứa.. đó là việc Đức Giê su Ki tô đấng Cứu độ chúng con ngự đến».
Như vậy chiếc cầu Chúa Giê su đã mở ra cho chúng ta. Nó gồm hai cột dựa trên hai bờ. Cột thứ nhất, chính là trái đất chúng ta, Chúa Giê su đã vượt qua chiếc cầu nầy, nhưng Ngài không bao giờ phá hủy nền móng của nó trong thế giới nầy là quê hương của Ngài trong suốt 30 năm. Ngài không từ chối nhân tính của Ngài. Trong các lần hiện ra sau khi sống lại, Ngài cẩn thận chỉ cho các môn đệ cứng lòng tin các vết thương lỗ đinh nơi bàn tay và bàn chân của Ngài. Trải dài trong suốt sứ vụ, Ngài đã đồng hành với họ, với những người tội lỗi, bệnh nhân và tất cả những người bị thương tích vì cuộc đời. Ngài đã tha thiết mở cho họ một con đường hi vọng.
Khi đã đến bờ bên kia chiếc cầu, trong nhà Cha Ngài, Chúa Giê su đã cắm nhân tính của Ngài trên một chiếc cột thứ hai, mà chúng ta chưa biết. Nhưng chúng ta tiếp nhận sự hiện diện sống động của Ngài mỗi lần mà chúng ta họp nhau để cử hành Thánh thể. Chính Ngài đã hứa với chúng ta: « Khi hai hay ba người tụ họp với nhau vì danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ ». Với Ngài, tình yêu mạnh hơn sự chết. Trong lúc vượt qua giai đoạn nầy, chúng ta không mất nền tảng của nhân tính. Nhưng Chúa Giê su đã cho chúng ta đi vào sự phục sinh tròn đầy. Đúng, Thăng thiên đúng là một chiếc cầu.
Trong khi chờ đợi, chúng ta có một sứ mạng phải hoàn thành. Để hiểu rõ, chúng ta trở lại bài trình thuật tạo dựng con người: Thiên Chúa phán: « Hãy sinh sôi cho đầy mặt đất và thống trị nó » (St 1,28). Không thống trị bằng sức mạnh mà là quab tâm chăm sóc bằng tình yêu. Phải làm sao cho thế gian biết được tình yêu Thiên Chúa và có thể đáp trả lại. Đó là sứ mạng mà Chúa Giê su đã giao phó cho các tông đồ trước khi biến mất trước mắt các ông: « Anh em hãy đi khắp thế gian, rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật ».
Điều mà Chúa Giê su đã làm, Giáo Hội phải tiếp tục: Chúa Giê su đã tha thứ; Giáo Hội tha thứ qua bí tích Hòa giải. Chúa Giê su đã ban Thánh Thần: Giáo Hội ban Thánh Thần qua bí tích rửa tội, thêm sức và truyền chức. Để thực hiện sứ mạng đó, chúng ta không cô đơn; Chúa Giê su ở với chúng ta. Ngài đi trước chúng ta trong tâm hồn những người mà Ngài đặt trên đường chúng ta. Cùng với Ngài mà chúng ta có thể « xua đuổi ma quỉ » ngăn cản không cho chúng ta thấy nơi mọi người là anh em. Cùng với Ngài mà chúng ta nói một ngôn ngữ mới là tình yêu. Và dù có phải đối diện trước những thuốc độc vả những thói quen xấu dựng lên những hàng rào không thể vượt được, với Ngài chúng ta vẫn sẽ sống còn.
Kể từ khi Chúa thăng thiên, chúng ta không còn được thấy Chúa Giê su nữa, nhưng thế gian phải được nhìn ngắm dung nhan Ngài qua chúng ta, nghe sứ điệp của Ngài ngang qua lời nói và đời sống chúng ta. Và nhất là, họ phải khám phá trong chúng ta một cái gì đó của tình yêu mặn nồng của Thiên Chúa đối với loài người.
« Hãy đi khắp thế gian, hãy thu tập các môn đệ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và con và Thánh Thần; hãy dạy họ giữ tất cả những giới luật mà Thầy truyền cho anh em ». Hơn bao giờ hết, Giáo hội cần sự gắn bó của chúng ta với Chúa. Chính trong sự hiệp thông với Giáo Hoàng, các Giám Mục và mọi người ki tô hữu mà chúng ta có thể là những chứng nhân đích thực của Đức Ki tô phục sinh. Ngài là « Đường, là Sự Thật, và là Sự sống ». Chính qua Ngài và với Ngài mà cuộc sống của chúng ta cũng sẽ là cuộc thăng thiên về với Cha, một cuộc vượt qua đến bờ bên kia đầy ánh sáng, tình yêu và bình an.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Tại sao sách Công vụ (bài đọc 1, của Luca) cho biết khoảng 40 ngày sau khi sống lại Chúa Giê su đã lên trời trước mắt các Tông đồ. Nhưng trong tin mừng thứ ba (cũng củaLuca) thì lại kể việc Chúa lên trời liền với việc Chúa sống lại.
THƯA: Đó là hai cách nói về một mầu nhiệm duy nhất. Câu truyện được kể trong sách Công vụ là việc Chúa Giê su phục sinh hiện ra lần cuối cùng cho các môn đệ trước khi không còn xuất hiện công khai trên thế gian nầy nữa cho đến khi Ngài trở lại. Còn việc Chúa Giê su lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa nằm trong mầu nhiệm Phục sinh. Chúa Giê su khi sống lại đã ở ngay trong vinh quang Thiên Chúa Cha, nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh: “đã ngự bên hữu Thiên Chúa”. Thỉnh thoảng Ngài hiện ra với các môn đệ để củng cố Đức tin của họ.
2. HỎI: “Ngự bên hữu Thiên Chúa” có nghĩa gì?
THƯA: Đó là cách nói Kinh Thánh có nghĩa là “ngang hàng với Thiên Chúa”, chỉ Chúa Giê su đã được trao quyền bá chủ trên trời dưới đất, dẫn dắt toàn thể tạo vất đến chốn vinh quang, và đồng thời trở thành đấng cầu bầu cho loài người.
3. HỎI: Sứ điệp của các thiên sứ gửi cho các môn đệ là gì?
THƯA: Các thiên sứ bảo các môn đệ đừng cứ đứng nhìn trời, nơi Chúa Giê su đã lìa xa các ông (Cv 1,11). Để ở lại trong tình yêu của Ngài thì hãy thi hành lệnh truyền Ngài để lại, là làm chứng nhân cho Ngài trên khắp cùng trái đất cho đến khi Ngài trở lại.
4. HỎI: Mầu nhiệm lên trời có nghĩa gì?
THƯA: Việc Chúa Giê su lên trời và và việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống không thể tách rời khỏi mầu nhiệm Phục sinh, vì cả ba đều nhằm khai triển mầu nhiệm Phục sinh của Đức Ki tô. Lên trời có nghĩa là kết thúc các lần hiện ra của Chúa Giê su Phục sinh với các Tông đồ, kết thúc sự hiện diện của Đấng Phục sinh dưới hình thức thấy được, sờ được, nhưng không có nghĩa là Ngài vắng mặt. Trái lại, mầu nhiệm lên trời mở ra sự hiện diện mới của Đức Ki tô ngang qua hoạt động Chúa Thánh Thần. Từ nay, Chúa Giê su hiện diện trong Giáo Hội cùng với sứ mạng loan báo tin mừng.
5. HỎI: Lệnh truyền cuối cùng của Chúa Giê su là gì?
THƯA: Lệnh truyền cuối cùng quan trọng của Chúa Giê su nói đến sứ mạng phổ quát: “Hãy đi khắp muôn dân, rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. Chúa Giê su muốn các môn đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài là mang tin mừng cứu độ đến cho mọi người.
6. HỎI: “Hãy đi” có nghĩa gì?
THƯA: Lệnh truyền “hãy đi” đòi các môn đdồ phải rời Giêrusalem để đi đến với mọi người “khắp muôn dân”. Sứ mạng đòi phải khởi hành, rời bỏ nơi ở, khỏi môi trường xã hội, khỏi thế giới tinh thần của mình. Đối với các môn đệ, là phải đi ra khỏi môi trường Do thái để đến với lương dân, dù họ ở gần hay xa trên phương diện địa lí.
7. HỎI: “Rao giảng tin mừng”: tin mừng nào?
THƯA: Tin mừng mà các môn đồ phải rao giảng cho mọi người chính là công cuộc cứu độ trần gian do Thiên Chúa thực hiện qua cuộc tử nạn và tôn vinh của Chúa Giê su.
8. HỎI: Cho ai?
THƯA: “Cho mọi loài thụ tạo”. Chỉ có con người mới có thể nghe lời rao giảng và đáp lại bằng đức tin. Nhưng chắc hẳn Mác cô cũng tới ảnh hưởng của mầu nhiệm cứu độ trên toàn thể tạo thành trong vũ trụ, như thánh Phao lô đã khẳng định: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài. Quả thế muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy, tuy nhiên vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không lệ thuộc vào cảnh hư nát mà được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,19-22; Cl 1,1-23).
9. HỎI: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin”, dấu lạ là gì?
THƯA: Dấu lạ mà Chúa Giê su nói tới là những đặc sủng Ngài sẽ ban tràn đầy cho Giáo Hội. Nguyên ngữ dấu lạ có nghĩa là “quà tặng, ơn ban” (1Cr 12,27-31); tương đương với “ân sủng” (Rm 1,5), “ơn” (Ep 4,7.11), hay “ơn gọi” (Rm 1,1). Do đó, dấu chỉ là những kết quả mà Thánh Thần mang lại cho người tín hữu, chứ không do công lao của họ. Dấu chỉ có thể được coi như ơn gọi xây dựng cộng đoàn và phục vụ tha nhân trong tình yêu mến.