SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH NĂM B
LỜI CHÚA:(Ga 15,9-17)
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy, Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thươong của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy . Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
SUY NIỆM:
Tin Mừng Thánh Gioan ngày hôm nay nói về chủ đề “ Hiệp Thông”. Một tương quan liên vị kéo từ Thiên Chúa là chính Chúa Cha, qua Chúa Giêsu là Chúa Con và đến với các môn đệ là chính mỗi người Kitô hữu. Chúng ta hãy cùng nhau xem cách trình bày của Chúa Giêsu về gốc rễ của sự hiệp thông và cách thức biểu lộ sự hiệp thông ấy như thế nào.
Mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nêu bật cội nguồn của sự hiệp thông là Chúa Cha “ Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. ( c. 9). Chúa Giêsu muốn khẳng định Ngài đi theo lối bước của Chúa Cha trên con đường Tình Yêu. Vì Cha đã làm như vậy, nên Chúa Giêsu cũng làm y như thế, Chúa Giêsu chính là bản sao tuyệt vời của Chúa Cha về Tình Yêu. Nói chính xác hơn: Chúa Giêsu và Chúa Cha là một ( 10,30). Kế đó, Chúa Giêsu nài xin các môn đệ: “ Hãy ở lại trong Tình yêu ấy và Ngài đưa ra một cách thức biểu lộ Tình Yêu đó là : giữ các điều răn (c.10). Ở đây, Ngài tôn trọng sự tự do của mỗi người, Ngài không ép buộc ai với từ “ Nếu ....” Nghĩa là : Nếu anh em muốn ở lại trong Thầy, nếu anh em muốn hiệp thông với Cha và Thầy..., thì giữ điều răn. Điều này theo tâm lý bình thường thì đúng thôi. Khi yêu ai, là chúng ta nhớ lời người ấy căn dặn và luôn làm vui lòng người ấy, mặc dù không có ngươì ấy ở bên cạnh. Một lần nữa chúng ta thấy Chúa Giêsu lại nêu ra hình ảnh của Ngài như một tấm gương “ như Thầy đã giữ điều răn... ( c.10b) và ở lại trong”. Ngài đã nói và đã thực thi điều Ngài truyền dạy. Vậy điều răn của Ngài là gì ? Điều Thầy truyền dạy là điều nào? Thưa, cả hai câu hỏi chỉ có một câu trả lời. Đó là yêu thương nhau”. Đây là giới luật của người Kitô hữu. Chúng ta sẽ yêu theo cách thức nào? . Ở đời bây giờ người ta yêu nhau đều có mục đích, người thì yêu vì danh vọng, địa vị vì muốn thăng quan tiến chức nên yêu bản thân con người thì ít mà yêu chỗ đứng, cái ghế, cái tên... thì nhiều . Người khác thì yêu vì tiền của, giàu sang. Mãnh lực đồng tiền đã xoay chuyển và đổi màu tình yêu. Có người tỏ ra hào hiệp hơn thì yêu vì thương hại, vì muốn tỏ ra anh hùng bênh vực kẻ yếu đuối... Chúa Giêsu cũng đã đưa ra một mẫu Tình Yêu : Như Thầy đã yêu ( c,12). Thầy yêu bằng cách nào vậy ? Đó là “ hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (c. 13). Một Tình Yêu cần đánh đổi bằng chính cái mà chúng ta yêu quí và gắn bó với nó nhất, đó là “ mạng sống”. Một Thiên Chúa yêu thương đến nỗi ban Con Một ( 3,16) cho thế gian chỉ là một thụ tạo của Ngài. Một Thiên Chúa dùng chính cái chết của Ngài để thể hiện và gióng lên tiếng nói yêu thương. Một Thiên Chúa đi đến tận cùng của Tình Yệu : dùng cái chết để minh chứng Tình Yêu của Ngài cho loài thụ tạo mà Ngài có đủ quyền năng khiến nó yêu Ngài, nhưng Ngài cảm thấy bất lực trước tự do của con người.
“Nếu thực hiện điều Thầy dạy, anh em là bạn hữu của Thầy” (c.14). Ồ ! thật đơn giản và thân tình biết bao khi chúng ta yêu Chúa và yêu nhau thì chúng ta là bạn của Chúa. Một địa vị được ban cho thụ tạo và người thụ tạo đó lên ngang hàng với Đấng tạo ra nó. Một người bạn được chia sẽ và được lắng nghe bao tâm sự vui buồn của người kia. Mọi bí mật mà Chúa Giêsu nghe được từ Chúa Cha, nay được loan truyền giữa các môn đệ, những người đi theo nghe và giữ các điều răn của Chúa.
“ Không phải anh em chọn Thầy, nhưng chính Thầy chọn anh em...và sai anh em ra đi... sinh hoa trái” ( c.16). Toàn bộ câu này nói lên Tình Yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với chúng ta. Không phải vì chúng ta đã có công trạng gì hay xứng đáng để Chúa gọi, chọn, nhưng Chúa gọi chọn là vì Ngài yêu chúng ta, thế thôi. Lời Chúa hôm nay thật đúng khi dành cho Thánh Matthia Tông đồ. Chính Chúa Thánh Thần truyền chọn ông qua việc cầu nguyện và rút thăm của các Tông đồ với một tiêu chuẩn “ là người cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu trong suốt thời gian Người sống giữa chúng tôi”. Ý nói : đây phải là người đã sống, đã ở với Chúa Giêsu, chứ không đơn giản chỉ trên danh nghĩa là người môn đê. Khi Chúa Giêsu chọn chúng ta, khi chúng ta ra đi làm sứ vụ Chúa Giêsu giao phó, khi chúng ta làm trổ sinh hoa trái qua việc gắn liền với cây nho là ở với Chúa Giêsu, thì chúng ta xin gì sẽ được như ý trong danh Chúa Giêsu.
Cuối bài Tin Mừng là câu 17 nhấn lại một lần nữa lời mời gọi của Chúa Giêsu : hãy yêu thương nhau. Khi yêu thương nhau là chúng ta ở trong Chúa Giêsu và chắc chắn sẽ ở lại trong Chúa Cha. Đây là một tác động hỗ tương qua lại giữa Thiên Chúa và con người mà Chúa Giêsu là Đấng trung gian, là sợi dây nối kết, là chất keo dính.... tạo thành một khối thống nhất giữa Cha – Con- các môn đệ là chúng ta. Đây là sự hiệp thông trong Thiên Chúa, là mục đích mà Chúa Giêsu đã đến trần gian, đã chết và Phục Sinh... nhằm “ qui tụ mọi con cái tản mác khắp nơi về một mối” (11,52).
Lạy Cha, xin hãy liên kết chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và của mỗi người tín hữu chúng ta.
Nữ Tỳ Thánh Thể