SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN V MÙA PHỤC SINH
LỜI CHÚA : Ga 14, 27 – 31a
27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : ' Thầy ra đi và đến cùng anh em '. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.
SUY NIỆM
Cuộc đời không gì đáng quí cho bằng sự bình an. Nơi đâu có an ninh là có sự thịnh vượng; tâm hồn có sự bình an là tâm hồn hạnh phúc. Lịch sử cho thấy đất nước ta có nhiều chiến tranh, do đó mà dân tộc ta thường lấy những từ mang tính chất cầu sự bình an để đặt tên cho các địa danh như Hòa Bình, An Bình, An Hòa, Bình An, Bình Lộc, An Lộc, Bình Long…Thế giới mong được bình an và lập ra những tổ chức đấu tranh cho hòa bình; xã hội lập ra những luật lệ để bảo vệ an ninh trật tự. Dù vậy, để có được sự bình an đích thực trong cuộc sống thì điều tiên quyết là mỗi con người phải có được sự bình an nội tâm; vì nó là nguyên lý của hòa bình, trật tự nằm sâu trong tâm hồn con người; tâm hồn con người có được bình an thì mới có khả năng kiến tạo sự bình an cho cuộc đời.
Người ta thường cầu chúc sự bình an cho nhau, vì nó là nguyên lý cần thiết của cuộc sống, nguyên lý của hạnh phúc đích thật; nhưng cầu chúc vẫn là cầu chúc, mong ước vẫn là mong ước và mong ước đó thật là chính đáng. Sự bình an mà con người tìm kiếm ở đây không phải là thứ bình an thủ phận của những kẻ nhát đảm, lười biếng thường thốt ra ‘xin cho tôi hai chữ bình an’ để trốn tránh trách nhiệm mà nó đòi hỏi sự tích cực phấn đấu cho chân lý và tình yêu. Tuy nhiên trong thực tế, sự bình an mà con người tìm kiếm dường như là việc mò kim đáy biển: Thế giới vẫn chiến tranh loạn lạc liên miên; không một ngày nào mà không có tội ác xảy ra trong xã hội; sự xung đột, hận thù, ghen ghét khiến con người luôn cảm thấy bất an, đau khổ... Vậy phải chăng tìm kiếm sự bình an trong cuộc sống là điều bất khả thi, không tưởng, và như thế lời hứa ban bình an của Đức Giê-su phải chăng cũng là hão huyền?
Sự tìm kiếm bình an thật là hão huyền nếu người ta đi tìm nó ngoài Thiên Chúa. Vậy mà con người ta lại mê lầm, thích tìm an toàn, hạnh phúc trong của cải, danh vọng, địa vị, những thỏa mãn cá nhân…và thực tế cho kết quả hoàn toàn trái ngược; vì khi chạy tìm những thứ ấy, tâm hồn họ lại càng bất an lắm khi bất hạnh, bởi lao vào những ganh đua mù tối và tham lam ích kỷ. Sự bình an đích thật chỉ phát xuất từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa ban bình an cho những tâm hồn biết khát khao tìm kiếm và thi hành thánh ý của Người với tấm lòng thanh, với bàn tay sạch. Tâm hồn con người được bình an khi lương tâm không trách cứ họ điều gì, bởi vì lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn. Do đó, tội lỗi chính là nguyên nhân của sự đau khổ và bất an.
Thiên Chúa đã ban con của Người - Đức Giê-su Ki-tô - đến để cứu con người khỏi tội. Đức Giê-su hứa ban bình an cho các môn đệ và Ngài đã thực hiện lời hứa đó vào buổi chiều ngày phục sinh sau khi đã tiêu diệt tử thần và sống lại vinh quang. Sự bình an của Chúa ban không như thế gian ‘ban tặng’, cầu chúc cho nhau, mà là sự bình an nội tâm đích thật; cái quí giá của sự bình an mà Thiên Chúa ban tặng không phải là sự bình an khi không gặp thử thách, đau khổ và sóng gió, nhưng là sự bình an người ta có được ngay khi phải đối mặt với những sự kiện như thế. Sự bình an Đức Giê-su ban đã khiến các Tông đồ từ là những kẻ yếu đuối nhát sợ (trốn trong nhà, đóng kín cửa) (x. Ga 20,19) trở thành những chứng nhân mạnh mẽ can đảm làm chứng cho sự thật, làm chứng cho Đức Giê-su Ki-tô. Sự bình an của Thiên Chúa ban khiến cho người ta không còn sợ hãi bất cứ thế lực xấu xa gian ác hay nghịch cảnh nào. Dù là phải bị thiệt thòi, bị bắt bớ, gông cùm, tù ngục, tra tấn…, người ta vẫn không hề nao núng để làm chứng cho Chúa (x. Cv 4,18-20; Cv 5,40…).
Một điểm chúng ta cần lưu tâm là: Để trao ban bình an cho các môn đệ, Đức Giê-su là một con người đầy sự bình an. Sự bình an nội tâm đã khiến Ngài đối mặt và đón nhận cuộc tử nạn sắp tới một cách hoàn toàn tự do và tự nguyện để chu toàn thánh ý của Cha. Vì vậy, như đã nói, để có thể trao ban và xây dựng bình an trong cuộc sống, chúng ta phải là người thực sự có được sự bình an của Chúa. Trong thực tế chúng ta đã có rất nhiều gương chứng nhân; những người được giải phóng khỏi những đam mê, tham lam bất chính, ích kỷ…; họ sống và làm chứng cho chân lý đến độ sẵn sàng từ bỏ hoặc chấp nhận mất những công việc ổn định đem lại lợi nhuận cao nếu vì nó mà họ phải thỏa hiệp với những con người, những thế lực có những hành vi xấu xa, mờ ám. Những con người như thế đã được giải phóng khỏi những ràng buộc và có được sự bình an đích thực trong tâm hồn. Họ rất xứng với lời hát củaThánh vịnh: “Kẻ tay sạch lòng thanh, sẽ được lên núi Chúa”. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết khát khao tìm kiếm Chúa và thánh ý của Người trong cuộc sống, để nhờ đó chúng ta lãnh hội được ơn bình an của người, hầu trở nên những kẻ kiến tạo hòa bình, đem tình thương và xây đắp cuộc sống tươi vui, hạnh phúc cho mọi người. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh