CHỦ NHẬT 5 PHỤC SINH
Cơ cấu Giáo Hội có tầm quan trọng nhất định, nhưng điều chính yếu vẫn là Tình yêu mà Chúa Giê su chuyển thông cho Giáo Hội. Nếu có thể chuyển thông Tình yêu ấy ngang qua các kênh nhân loại là chúng ta thì Giáo Hội sẽ trở thành thực tại sống động. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận bị xén tỉa, vì còn nhiều điều trong chúng ta làm cản trở lưu thông cho dòng suối Tình yêu ấy.
Sách Cv 9,26-31:
Trở lại với Ki tô giáo, thoạt đầu Thánh Phao lô đã trở thành đối tượng nghi ngờ cho các ki tô hữu trước kia đã biết ngài là người bách hại ki tô giáo. Nhưng chính đức tin được đổi mới đầy năng động đã phá đổ bức tường nghi ngờ ấy. Nhờ vậy, Thánh Phao lô đã sớm khẳng định mình như là một trong những nhà truyền giáo nhiệt thành nhất.
Thánh vịnh 21:
Các câu trích dẫn ở đây là những câu kết thúc Thánh vịnh 21 mô tả lời kinh của người đang lâm cảnh khốn cùng cầu cúu với Thiên Chúa. Những lời ấy được Chúa Giê su thốt lên trên Thánh Giá: “Lạy Thiên Chúa con, tại sao Người bỏ con?”. Tiếng kêu tuyệt vọng chuyển thành niềm xác tín lạc quan. Cuộc sống được tái sinh.
Thư 1Ga 3,18-24:
Là những kẻ tội lỗi, chúng ta có thể rơi vào cảnh tuyệt vọng khốn cùng. Nhưng nếu chúng ta thực sự nhìn lên Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận được xác tín rằng chúng ta được Người yêu thương. Nhờ vậy, đến lượt chúng ta, chúng ta có thể YÊU THƯƠNG người khác không phải bằng lời, nhưng bằng hành vi và chân lí.
Tin mừng: Ga 15,1-8
NGỮ CẢNH
Đọan Tin mừng nầy nằm trong bài diễn từ dài khởi từ 13,31 đến 17,26, sau trình thuật rửa chân, khi Giu đa bỏ phòng tiệc ra đi và trước trình thuật Thương khó. Các tác giả thường gọi là diễn từ Tiệc li, thuộc thể văn đặc biệt thường thấy trong Thánh Kinh (Stk 49; Đnl 31; Gs 23; 1Sm 12; 1V2,1-9; Cv 20.18-35..). Tuy nhiên bài diễn từ của Chúa Giê su chứa đựng nhiều suy tư độc đáo về mối tương giao với Chúa Cha cũng như với các môn đệ, về ý nghĩa sứ mạng và cuộc Khổ nạn của Ngài..
Đọan văn của chúng ta thuộc phần đầu của chương 15 gồm có ví dụ về cây nho, qua đó Chúa Giê su nhấn mạnh đến sự lưu chuyển đầy sức sống giữa cây và cành nho, là điều kiện để sinh hoa trái. Sự liên kết giữa Ngài và các môn đệ cũng phải như thế.
TÌM HIỂU
Thầy là: Chúa Giê su tự đồng hoá với một loài cây lưu chuyển nhựa nuôi sống cành cây và cho hoa trái. Nhựa đây chỉ sự sống của Ngài, tình yêu mà Ngài lãnh nhận từ nơi Cha và thông ban lại cho các môn đệ. Thân và cành làm thành một cây nho duy nhất, một thực thể duy nhất; thánh Phao lô sau nầy cũng có một suy tư tương tự: Đức Ki tô là thân còn các ki tô hữu là chi thể, đồng thời vừa là thủ lãnh và toàn thân (1Cr 12,14-27; Ep 4,15-16).
Cây nho thật: Chúa Giê su là đấng được so sánh với cây nho, cũng như Ngài là bánh thật (6,32).
Thanh sạch rồi: cách dịch khác: tỉa sạch rồi. Từ nầy trong hi ngữ theo ngữ cảnh có lẽ nên được dịch là: “được sạch vì đã được cắt tỉa”; “đã sạch nhờ đã được thanh luyện” nghĩa là “bởi Lời” hoặc bởi hành động của Thiên Chúa (c.2). Hành động nầy của Thiên Chúa nơi người tín hữu giống như hành động của người trồng nho tỉa cắt những cành khô và mầm chồi vô ích khỏi cây nho.
Lời: được lãnh nhận và chăm sóc, lời Thiên Chúa xây dựng đức tin, làm thay đổi cách suy nghĩ, hối thúc thay đổi cuộc sống. Như lưỡi kiếm (Ep 6,7; Dt 4,12), Lời Thiên Chúa thanh tẩy tâm hồn bằng ý hướng tốt, trong khi lên án (phân tách) người từ chối. So sánh để thấy cách ứng xử khác biệt của ông Phê rô và Giu đa trong việc rửa chân trước một lời mời gọi duy nhất.
Vào lửa: các c. 5-6 nhấn mạnh đến sự khắc khe trong những đòi hỏi của Thiên Chúa. Lúa lép thì bị quăng vào lò lửa (Mt 13,30.40-41), người được mời mà không mặc áo cưới bị ném ra ngoài (Mt 22,13). Không ai để một cành khô héo trên cây, nhưng ném nó vào lửa. Đó há chẳng phải là một qui chiếu đến hoả ngục, vì bị tách khỏi tình yêu của Thiên Chúa sao? Dù sao đi nữa thì đây là một lời cảnh cáo nghiêm khắc, một lời mạnh mẽ của Chúa Giê su mời gọi hãy trổ sinh hoa trái, đặc biệt hơn hết là trong tình yêu thương nhau (15,12).
Nếu anh em ở lại trong Thầy: ở đây chúng ta thấy điểm cốt yếu của sứ điệp. Lời mời gọi trung thành luôn luôn được nhấn mạnh và gởi đến cá nhân từng người. Tình yêu của Cha đối với Con, tình yêu của các tín hữu đối với Đức Ki tô và tình yêu của Con đối với Cha tất cả là một tình yêu độc nhất (15,9-11).
Anh em sẽ được như ý: lời cầu nguyện đã được chấp nhận bởi lẽ nó phát xuất từ những kẻ ở lại trong Đức Ki tô. So sánh với 14,13.
Điều Chúa Cha được tôn vinh là: các môn đệ sẽ làm cho “Nước Thiên Chúa” phát triển nếu họ luôn luôn liên kết sâu xa với Con là đấng đã mạc khải cho họ tình yêu và chương trình của Cha. Các môn đệ sẽ trở nên xứng đáng với danh hiệu của mình nếu biết làm trổ sinh hoa trái, điều mà Đức Ki tô đã dạy họ, nghĩa là sống Tin mừng.
SỨ ĐIỆP
Nếu quen thuộc với thế giới Kinh Thánh, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy nhiều bản văn Cựu Ước và Tân ước nói về Vườn nho. Nho là một trong những sản phẩm chính của nền kinh tế Israel và của cả vùng Trung Đông thời đó. Nhưng điều quan trọng hơn, vườn nho là hình ảnh thích hợp để diễn tả Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài.
Với trang Tin mừng nầy, chúng ta đang ở trung tâm đức tin, trong đó Chúa Giê su cho biết Ngài không chỉ là một người hướng đạo, một người bạn, mà còn là sự sống của chúng ta. Ngài đang sống trong chúng ta. Ngài làm cho chúng ta sống bằng chính sự sống thần linh của Ngài. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài là « cây nho thật » nhưng không đứng một mình, vì Ngài là gốc nho tràn đầy sức sống, nơi đó Ngài muốn tháp vào tất cả những ai sống bằng chính sự sống của Ngài; « Ta là cây nho và anh em là nhành nho ». Là người Ki tô hữu, chúng ta được tháp ghép vào Ngài qua đức tin và phép Rửa. Và điều mà Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là chúng ta phải là những cành nho tràn đầy nhựa sống và hoa trái.
Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta thực sự liên kết với Đức Ki tô; có một từ được lặp lại bẩy lần trong một vài hàng, đó là động từ « ở lại ». Chúa Giê su nói với chúng ta: « Hãy ở lại trong Thầy ! ». Rõ ràng người ki tô là những người ở lại trong Đức Ki tô, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể ở lại trong Chúa Giê su? Làm sao chúng ta có thể chắc rằng chúng ta gặp Ngài ? Điều đó không thể xảy ra như đối với người láng giềng, vì chúng ta không gặp Chúa Giê su trực tiếp nhưng qua các trung gian, và phải qua ba con đường: Con đường Lời Thiên Chúa, con đường cầu nguyện và các bí tích, và con đường đời sống thường ngày.
Con đường Lời Thiên Chúa: Để ở lại trong Đức Ki tô, chúng ta phải ở lại trong Lời của Ngài. Chúng ta phải dành thời giờ để tiếp nhận Ngài. Thiên Chúa nói với chúng ta qua bất cứ biến cố nào trong đời sống, nhưng đặc biệt nhất là qua Phụng vụ và Kinh Thánh. Do đó, chúng ta phải tự hỏi: chúng ta có dành thời giờ để đón nhận Lời ấy không?
Con đường thứ hai để ở với Đức Ki tô, đó là con đường cầu nguyện và các bí tích. Để ở với Ngài, phải nói với Ngài và lắng nghe Ngài. Đó là lời cầu nguyện trung thành, đều đặn và thường xuyên, chứ không chỉ là « một lời kinh ngắn ». Người ta nói chuyện với Chúa Giê su để giao phó một ai đó cho Ngài, hoặc để cám ơn hoặc để xin Ngài soi sáng đời sống chúng ta. Nói chuyện với nhau cũng có nghĩa là gìn giữ. Cầu nguyện giúp chúng ta nuôi dưỡng tinh thần tin mừng trong cuộc đời chúng ta, đặc biệt là tình yêu thương nhau để có thể hiệp thông với Đức Ki tô. Sự hiệp thông nầy cũng được thực hiện qua các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể. Đó là nguồn cội và đỉnh cao của toàn đời sống Ki tô và việc phúc âm hóa. Nó giúp chúng ta được kết hợp với Đức Ki tô, làm một với Ngài, và kín múc từ nơi đó tình yêu của Ngài để chan hòa trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Con đường thứ ba là cuộc sống hằng ngày: ở lại trong Đức Ki tô không có nghĩa là trốn chạy hay xa rời đời sống hằng ngày, nhưng phải bám rễ và sinh hoa trái. Điều làm nên giá trị của một cuộc sống, không phải là những lời nói hay đẹp mà là tình yêu tthương nhau, cử chỉ chia sẻ, tiếp nhận và liên đới với nhau.
Khi khỏe mạnh giống như cành nho xanh tốt, chúng ta làm việc đạt năng suất cao, có cảm nhận như mình được gắn liền với sự sống của Chúa, không những bằng những hoạt động khác nhau mà còn bằng lời cầu nguyện, qua việc dâng các hoạt động của chúng ta. Bấy giờ chúng ta có cảm giác là những người đầy tớ tốt lảnh của Thiên Chúa và người khác. Chúng ta có cảm giảm sống tốt với Thiên Chúa, với người khác và với chính mình. Chúng ta không còn đòi gì hơn nữa.
Nhưng khi chúng ta yếu mệt, tựa như những cành nho khô héo, chúng ta cảm thấy mình sa sút, dễ có cảm nhận mình trở nên vô ích, không làm được gì, thậm chí còn gây cản trở. Đó là lúc mà chúng ta cần phải đào sâu sứ điệp Tin mừng. Chúa Giê su không đòi chúng ta phải làm những gì vượt quá sức mình, nhưng “hãy nên phong phú, sinh hoa trái; chính đó là điều tôn vinh Thiên Chúa Cha”. Điều Ngài đòi hỏi đó là gắn bó với Ngài trong mọi tình huống đời sống. Bấy giờ, cuộc sống chúng ta sẽ sinh hoa trái và Thiên Chúa sẽ hãnh diện vì chúng ta. Nhờ vậy mà chúng ta tìm được ý nghĩa cho đời sống.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Cựu Ước dùng hình ảnh vườn nho để nói đến điều gì?
THƯA: Nho là sản phẩm quen thuộc và gần gủi với dân Israên nên Cựu Ước dùng hình ảnh vườn nho để nói đến Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Thiên Chúa lả chủ vườn nho hằng quan tâm chăm sóc vườn nho là Israên.
2. HỎI: Các ngôn sứ đã tiên báo như thế nào về vườn nho ấy?
THƯA: Các ngôn sứ thường so sánh Israên với vườn nho mà Thiên Chúa đã chọn lựa và chăm sóc với hi vọng là nó sẽ mang lại hoa quả tốt tươi, nhiều tôi tớ trung tín và ngoan ngoãn (Is 5,1). Nhưng Ít ra ên đã làm cho Thiên Chúa thất vọng: “Ta chờ đợi một một mùa thu hoạch tốt, nhưng nó chỉ cho nho dại”. Vì thế nó bị bỏ hoang và trở nên sa mạc. Isaia cắt nghĩa: “Vườn nho chính là dân Israel thay vì làm theo ý muốn của Thiên Chúa lại xúc phạm đến lề luật công chính và tình yêu của Ngài”.
3. HỎI: Như thế, theo tiên tri thì Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài đã ra như thế nào?
THƯA: Lời ấy cho thấy biết Giao ước đã không còn, nội dung Giao Ước không còn giá trị, vì trong khi Thiên Chúa trung tín trong tình yêu thương Dân Ngài, thì lòng dân thì bất trung, bỏ Chúa và chạy theo bục thần.
4. HỎI: Tại sao thế?
THƯA: Tại các lãnh đạo Do thái giáo đã đưa dân đến chỗ lầm lạc. Tiên tri Giê rê mia đã vạch trần lỗi lầm của họ: “Vườn nho của Ta, nhiều kẻ chăn chiên đến phá hoại, thửa đất của Ta chúng giày xéo. Thửa đất yêu quý của Ta, chúng biến thành sa mạc cằn cỗi, chúng biến thành nơi cằn cỗi hoang vu” (Gr 12,10).
5. HỎI: Và Thiên Chúa đã phản ứng ra sao?
THƯA: Thiên Chúa là chủ vườn nho không đành nhìn vườn nho của mình bị tan nát, nên Ngài đã loan báo một tương lai tươi sáng của vườn nho: “Ngày ấy, các ngươi hãy ca ngợi vườn nho tuyệt diệu. Chính ta, Đức Chúa, Ta là người canh giữ vườn nho, vẫn đều đặn tưới nước. Ta cảnh giữ ngày đêm, không cho ai phá hoại” (Is 27,2-6). Qua đó, Ngài loan báo Giao ước mới.
6. HỎI: Khi nói: “Ta là cây nho đích thật”, Chúa Giê su muốn nói điều gì?
THƯA: Israên chỉ là vườn nho không cho trái tốt, có nhiều tôi tớ phản phúc, nhiều người thờ ngẫu tượng. Israên do đó chỉ là vườn nho bất toàn và tạm bợ, khiến người ta phải chờ đợi cây nho đích thực. Chúa Giê su không chỉ là vườn nho của Thiên Chúa mà là chính Cây nho thần linh, không bao giờ tàn tạ và suy yếu đi, vì có sức sống thần linh. Như thế Chúa Giê su có quyền ban sự sống thần linh cho tất cả mọi người để biến họ trở thành con cái hoàn hảo của Thiên Chúa (17,1-2). Như thế, ngang qua Ngài, lời hứa ban Giao Ước mới đã thành sự thực.
7. HỎI: Chúa Giê su nói với ai?
THƯA: Chúa Giê su muốn nói đến các nhà lãnh đạo Israên, các thầy tư tế và các kì mục đã không đáp lại một cách đúng đắn ơn gọi và sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao phó. Họ đã được trao cho sứ mạng quản lí vườn nho của Ngài. Nhưng họ đã làm cho Ngài thất vọng, vì không mang lại cho Ngài một hoa quả nào như Ngài mong đợi.
8. HỎI: Chúa Giê su muốn nhấn mạnh điều gì khi nói: “Cha Thầy là người trồng nho”?
THƯA: Thiên Chúa Cha là người trồng nho khi Ngài qui tụ người Israên thành dân riêng của Ngài. Ngài quan tâm đến họ như người trồng nho chăm sóc vườn nho của mình. Nhưng vì Israên không đáp ứng ước mong của Ngài, nên Ngài phải thay thế bằng cây nho đích thực là Đức Ki tô, Con Một Ngài. Ngài là người trồng nho khi sai Con Ngài đến trần gian, cắt tỉa qua cuộc khổ nạn và sự chết, đổ tràn nơi Chúa Giê su sự sống và năng lực tác sinh nhờ sự sống lại. Và hiện giờ, Thiên Chúa Cha vẫn là người trồng nho: như là chủ vườn đích thực, Ngài mong muốn thu hoạch mùa trái dồi dào từ cây nho của Ngài. Ngài còn phải cắt tỉa để cho cây nho được dồi dào sức sống hơn.
9. HỎI: Cành có cần thiết cho cây nho không?
THƯA: Bây giờ Chúa Giê su nói đến vai trò của các môn đệ trong chương trình cứu rỗi. Cây nho dù tốt đến mấy cũng sẽ không có trái nếu không có cành mang trái. Cũng thế, Đức Ki tô cũng thực sự cần con người để tiếp tục hiện diện và hoạt động cách hữu hình trong thế gian.
10. HỎI: “Anh em là cành” có nghĩa gì?
THƯA: Dù cành luôn cần thiết cho cây, nhưng người tín hữu cũng chỉ là khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa mà thôi. Vì để sinh hoa trái, người tín hữu nhất thiết cần đến sức sống thần linh từ Đức Ki tô. Điều nầy đòi cành phải liền cây, nghĩa là phải có một sự hiệp thông mật thiết và thường xuyên giữa Đức Ki tô và người tín hữu. Vì thế Chúa Giê su đã truyền dạy: “Hãy ở lại trong Ta và Ta trong các ngươi”.
11. HỎI: Chúng ta tìm thấy lời chứng về sự kết hiệp nầy ở đâu?
THƯA: Nơi Thánh Phao lô. Thật vậy, Thánh Phao lô luôn tự xưng là tôi tớ và thừa tác viên của Đức Ki tô, không ngừng nhận lãnh từ nơi Thầy sự sống thần linh: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Ki tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
12. HỎI: Và kinh nghiệm sinh hoa trái dồi dào?
THƯA: Chúa Giê su đã cho biết qui luật phát sinh hoa trái: “Ai ở trong ta và ta ở trong nó, kẻ ấy sẽ sinh nhiều hoa trái”; “Ngoài ta, các ngươi chẳng làm được chi”. Về điều ấy, thánh Phao lô cũng là chứng nhân: “Hiện tôi có là gì, thì đều bởi ơn Thiên Chúa và ơn Ngài xuống cho tôi đã không ra hư luống, trái lại, tôi đã tận lực lao công hơn họ hết thảy. Nhưng chẵng phải tôi đâu, nhưng là ơn Thiên Chúa với tôi” (1Cr 15,10).