Thứ 3
tuần I Thường Niên
Sức mạnh của
Lời Chúa
LỜI
CHÚA: Mc
1,21b-28
(21) Ðức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người
vào hội đường giảng dạy. (22) Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của
Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh
sư.
(23) Lập tức, trong hội đường của họ, có
một người bị thần ô uế nhập, la lên (24) rằng: "Ông Giêsu
Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi
biết ông là ai rồi: ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!" (25)
Nhưng Ðức Giêsu quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" (26)
Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (27)
Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì?
Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần
ô uế và chúng phải tuân lệnh!" (28) Lập tức danh tiếng Ngươi
đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.
SUY NIỆM
Quý vị và các bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Maccô cho chúng thấy sức mạnh tác
động và ý nghĩa vô cùng lớn lao của lời Chúa đối với con người.
Trước tiên, Lời của
Chúa là “lời dạy có thẩm quyền”. Thánh Maccô nói : “Ngày sabát, Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy. Thiên
hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm
quyền, chứ không như các kinh sư.
Quả vậy, trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, nhiệm vụ chính của Chúa Giêsu
là giảng dạy. Đối tượng giảng dạy của Ngài là mọi thành phần dân chúng, là môn
đệ, là những người chưa tin nhận Chúa, là kẻ chống đối, là người tìm cách bắt
bẻ và mưu hại Ngài… Nội dung giảng dạy của Ngài là giáo lý tình yêu. Ngài dùng
lời mà giảng dạy, hơn thế nữa Ngài còn dạy bằng chính cuộc sống của Ngài. Hôm
nay, mọi người đã công nhận lời Ngài là lời “có thẩm
quyền”, lời giáo huấn, lời bảo ban.
Lời của Chúa cũng là lời chữa lành. Người bị thần ô uế ám hôm nay, chắc hẳn anh ta bị khổ về cả
tinh thần lẫn thể xác. Anh ta bị thế lực sự dữ vây hãm và đè nặng. Có thể anh
ta chưa bị thần ô uế làm hại, nhưng có lẽ anh ta cũng không thể bình an vươn
lên với sức mạnh và ân sủng. Chúa đã đến, Ngài dùng sức mạnh của Lời Ngài mà
phán với thần ô uế “hãy xuất khỏi người
này”, lời
của Ngài đã tiêu diệt sự dữ, làm cho anh được chữa
lành... Quả vậy, tất cả những ai đã gặp được Lời Chúa, đều đã gặp được thần
dược chữa lành.
Lời của Chúa cũng là lời chỉnh đốn sửa phạt. Khi người bị thần ô uế nhập la lên trước sự hiện diện và sức
mạnh quyền năng Chúa. “Chúa Giêsu quát mắng
nó : câm đi…” Trong cuộc sống, có những lời nói của con người làm tổn hại đến
nhau, có những lời vô nghĩa, có những lời trao yêu thương nồng ấm, nâng đỡ,
chúc lành… Thần ô uế hôm nay đã bộc phát lời “đau đớn tiếc nuối”… “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến
ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?” Chúng la lên danh thánh Chúa Giêsu :
“Tôi biết ông là ai rồi : ông là Ðấng
Thánh của Thiên Chúa !" Chúa Giêsu dùng sức mạnh của lời để chỉnh đốn
lời của thần ô uế, Ngài quát mắng nó “câm
đi”, Ngài nghiêm giọng để nhắc nhở chúng về lời tuyên xưng danh Chúa phải
là lời thành kính, trân trọng và yêu thương.
Lời
của Chúa còn là lời tạo dựng.
Lời diễn tả quyền năng của Chúa Giêsu trong câu chuyện tiêu diệt thần ô uế hôm
nay cũng là một hình thức của Lời tạo dựng, vì Lời Ngài có sức tiêu diệt sự dữ tái
tạo sự sống, đem bình an tâm hồn, đưa con người lại tình trạng ân sủng với
Thiên Chúa. Chúa Giêsu hành động bằng lời tạo dựng, nghĩa là Ngài đã làm cho ý
muốn của Ngài trở thành hiện thực, trở nên tốt đẹp và hoàn thiện như thuở ban
đầu.
Như thế, chức năng
và sức mạnh của Lời Chúa trước tiên là “nói về” chính Thiên Chúa : Thiên Chúa
luôn luôn làm những gì tốt đẹp nhất cho con người, Ngài luôn yêu thương, nhưng
Ngài cũng rất công minh, không bao giờ nhường bước trước thế lực sự dữ, không
bao giờ thua cuộc hay thỏa hiệp. Chức năng và sức mạnh của Lời Chúa còn là lời
“nói với” con người : nói bằng dạy dỗ, bằng sửa phạt, bằng chữa lành, bằng yêu
thương.
Suy niệm về sức mạnh của Lời Chúa, chúng ta cũng được mời gọi
lắng nghe lời Chúa nói với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Ước gì khi nghiệm
ra sức mạnh của Lời Chúa trên cuộc đời mình, chúng ta cũng ý thức về nhiệm vụ
phải làm cho Lời Chúa được muôn người nhận biết, cho đến tận cùng cõi đất. Ước
gì khi nhận ra sức mạnh của lời, chúng ta cũng biết trao cho nhau những lời
xinh đẹp nhất, có sức mạnh yêu thương và chữa lành.
Lạy Chúa, thế giới hôm nay cũng như hôm qua vẫn có những
người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ tật bệnh, bệnh tật trong lối nhìn, lối nghĩ, lối
sống ; vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,.… Xin cho chúng con sức mạnh của
Lời Chúa để chúng con lướt thắng sự dữ.… Xin cho chúng con, biết dùng lời lẽ đức
tin để nâng đỡ và yêu thương nhau mỗi ngày một hơn. Amen.