SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN II PHỤC SINH NĂM B
Ai tin vào người Con thì có sự sống đời đời
LỜI CHÚA: Ga 3, 31-36
31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : "Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; 32 Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. 33 Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. 34 Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. 35 Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. 36 Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy."
SUY NIỆM:
Các mạng truyền thông đều đề cao tiện ích xóa bỏ mọi khoảng cách. Trong tích tắc, thông tin làn truyền khắp hành tinh. Người ta cũng không tiếp nhận thông tin một cách thụ động nữa, nhưng một cách chủ động bình luận phản hồi; cũng không còn phải qua trung gian ai nữa, nhưng một cách trực tiếp với bất cứ ai trên trái đất này. Nhờ vậy, con người có thể tự hào, mọi rào cản đã bị gỡ bỏ, mọi khoảng cách đã được thu hẹp lại. Tuy vậy, bài Tin mừng hôm nay, Tác giả Tin mừng thứ tư trình bày một khoảng cách phải nói là ‘nghìn trùng cách biệt’. Đó là khoảng cách giữa trời và đất. Nếu trời được hiểu như mặt trăng hay một tinh tú nào khác trên bầu trời thì vấn đề cũng đơn giản hơn. Nhưng trời ở đây chỉ về một thế giới thần linh, còn đất là thế giới phàm nhân chúng ta mới là vấn đề.
Khoảng cách này được Tác giả nhận định rằng: ‘Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người’ và dĩ nhiên đối lập với ‘kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất’. Vì vậy, hệ quả là: ‘Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người’. Sự khác biệt giữa các tộc người là ngôn ngữ và văn hóa, muốn hiểu nhau và chấp nhận nhau, người ta học biết ngôn ngữ của nhau và trao đổi giao lưu văn hóa. Nhưng giữa trời và đất không phải là hai môi trường xã hội mà là hai thế giới, cũng không phải là hai chủng người nhưng một là Đấng từ cõi trên, một bên là loài thụ tạo ở cõi dưới. Vì thế Đấng từ cõi trên thì vượt trên mọi người ở cõi dưới, nên người cõi dưới chỉ biết và nói về những gì thuộc cõi dưới, còn Đấng từ cõi trên không những thuộc về cõi trên, biết những điều thuộc cõi trên mà còn biết cả những gì thuộc cõi dưới vì Đấng ấy ‘ở trên mọi người’. Do đó không có sự tương tác để mà trao đổi giao lưu mà chỉ có ‘mạc khải và đón nhận’. Đấng từ cõi trên thì chẳng phải học biết gì nơi chúng ta cả, bởi Người dựng nên chúng ta mà, nhưng chúng ta thì phải học biết Người, vì Người là Đấng Tạo Hóa, là Nguyên Lý, là Cội Nguồn và cũng là Cứu Cánh của muôn vật. Chúng ta phải học biết Người để quy hướng về Người thì chúng ta mới thành toàn. Vì thế mà Người đã sẵn lòng mặc khải cho chúng ta biết về Người. Thế nhưng đã có một thực tế đau lòng mà Tác giả nêu ra: ‘nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người’. Đó là hoàn cảnh thật của nhân loại chúng ta. Vì thế mà công cuộc truyền giáo của Giáo Hội lúc nào cũng như chỉ mới bắt đầu và nỗi thao thức của Chúa Giêsu xưa cũng vẫn còn đó: ‘lúa chín đầy đồng mà thờ gặt thì ít, các con hãy xin Chủ ruộng sai thêm thợ gặt’!
Nhân loại thì cũng có người này người kia, có người từ chối thì cũng có người đón nhận. Điều quan trọng đối với cá nhân đang gặp gỡ Đấng từ cõi trên qua những giòng chữ của tác giả Tin mừng này thì mình đang đứng ở chỗ nào: ‘Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.’ Nếu chúng ta tin và chấp nhận mọi điều Chúa Giêsu đã dạy thì chúng ta được bảo chứng nơi Thiên Chúa là Đấng Chân Thật và nơi Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Bởi vì: ‘Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.’ Con người chúng ta có tự do, tin hay không tin, chấp nhận hay từ chối mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên hậu vận đời mình là do chính mình đã có hành vi chọn lựa ngay từ hôm nay: ‘Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy’. Lời cầu nguyện thích hợp chỗ này chính là lời của ông bố có đứa con bị quỷ ám mà các Tông đồ không trừ được (Mc 9,13-28): ‘thưa Thầy con tin, nhưng xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của con’.
Giuse Phạm Đình Hiền