Thái độ cầu nguyện của Kitô hữu
Lc
11,5-13
Bài
Tin Mừng chúng ta được nghe trong Phụng Vụ Lễ hôm nay, thứ Năm tuần 27 Muà Thường
Niên, đưa chúng ta học thái độ sâu xa của cầu nguyện Kitô giáo. Tiếp nối tinh
thần của Kinh Lạy Cha mà chúng ta được nghe trước đó, câu chuyện trong Tin Mừng
hôm nay được nhắc đến như cách thức cầu xin liên lỉ của con người hướng đến
Chuá Cha, như chuyện một người bạn đã nài xin bạn mình về một nhu cầu khẩn thiết :
Hết bánh đãi khách. Thực vậy, thái độ cầu xin của chúng ta, những Kitô hữu, với
Cha chúng ta trên trời mang một chiều kích liên đới thẳm sâu: Thái độ cầu
xin của người con hướng về cha, hay nói cách khác, đó là thái độ kính sợ của
con thảo với Cha mình, trong tín thác và bền bỉ.
1. Trước
hết, đó là thái độ tin tưởng
Từ
Kinh Lạy Cha mà Chuá Giêsu dạy các Môn Đệ cầu nguyện, đến dụ ngôn trong bài Tin
Mừng hôm nay, chúng ta thấy thái độ đâu tiên cần có của người cầu xin lên Thiên
Chuá : niềm tin yêu. Thực vậy, như tâm tình người con dành cho Cha của
mình, chúng ta biết cầu xin Cha Trên Trời những nhu cầu mình cần đến, đặc biệt
là những khi chúng ta thấy thật sự cần những nhu cầu đó; mà đôi khi đối với
chúng ta, nhu cầu đó là thật chính đáng, và khẩn cấp. Tuy nhiên, trước tiên và
trên hết mọi sự, đó là để Danh Cha cả sáng. Cho dù nhu cầu khẩn thiết đến đâu
đi nữa, thái độ cầu xin của chúng ta luôn biết đặt Thánh Ý lên trên, và làm trọng
tâm của lời cầu xin. Đức Giêsu đã là mẫu gương cho chúng ta : Trong Vườn
Giêtsimani, Người đã cầu xin Chuá Cha cất chén đắng, nhưng trên tất cả là: “một
theo ý Cha, đừng theo ý Con”. Chuyện người bạn nài van không ngớt, theo Tin Mừng,
nói lên sự bền bỉ hơn là một thái độ cố chấp, hoặc thiếu niềm hy vọng. Chúng ta
không mất niềm hy vọng nơi Chuá, bởi Người là Đấng Từ Bi Nhân Hậu; nhưng lời cầu
xin của chúng ta cũng không thể là một điều mà chúng ta bắt buộc Người phải đáp
lời, mà là biết lắng nghe điều Người muốn nói với chúng ta, trong thái độ tin
tưởng và vâng phục.
2. Cha
trên Trời là Đấng tốt lành
Cũng
trong lời cầu nguyện dâng lên Chuá Cha, con người biết nhìn nhận Thiên Chúa là
Đấng tốt lành. Nếu có thể nói theo cách con người, Thiên Chuá không ngại để
chúng là “làm phiền”, hoặc nói theo cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Evangelii
Gaudium, “Thiên Chuá không mỏi mệt tha thứ cho chúng ta.” Với thái độ tin tưởng
mà chúng ta đã nêu trên, còn một thái độ cần có trong cầu nguyện: can đảm và
liên lỉ. Người bạn trong Tin Mừng đã quả cảm xin mượn ba chiếc bánh, có thể nói
đó là cấp độ tối đa của tính quả cảm. Như Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc thường
ngày: Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày dùng đủ, thì việc chúng ta cầu
xin Cha chúng ta trên Trời cho thấy chúng ta cũng thường can đảm xin, xin cả điều,
mà với sức con người, có phần nhiều quá: hằng ngày dùng đủ. Nhưng Cha trên Trời
luôn rộng rãi thi ân giáng phúc cho chúng ta, những đứa con yếu hèn, cần nhiều
đến ơn trợ giúp của Cha trên Trời.
3. Mở
ra với tha nhân
Với
lời cầu nguyện như Kinh Lạy Cha, việc cầu xin của chúng ta cũng mang chiều kích
hướng về tha nhân nữa. Dĩ nhiên là hình ảnh người bạn biết cho vay, cho mượn
trong Tin Mừng mang tính ẩn dụ, nhưng chúng ta cũng có thể rút ra được từ dụ
ngôn này bài học về mối quan tâm dành cho tha nhân. Chính tinh thần của Kinh Lạy
Cha cũng cho chúng ta thấy điều đó: Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con
cũng tha kẻ có nợ chúng con. Có thể nói, đây là điểm son của nền luân lý Kitô
giáo: Biết tha thứ, bởi đã được thứ tha nhiều. Điều này đòi hỏi nơi chúng ta một
lòng quảng đại, không những lòng quảng đại được lý trí định hướng, mà còn được
Đức Tin soi dẫn. Thật không dễ dàng để tha thứ cho người khác, nhất là khi biết
người khác đã xúc phạm đến ta không ít, hoặc nguy hại hơn nữa: làm thiệt hại
thanh danh, sự nghiệp của mình. Nhưng sự tha thứ mà Đức Giêsu dạy chúng ta đưa
chúng ta đến sự bình an đích thực trong tâm hồn, trong ân sủng của Người, và nhất
là đưa chúng ta đến gần với Người hơn, kết hiệp với Người cách thâm sâu hơn, bởi
chính Người là nơi nương tựa an toàn và vững chắc cho hành trình đức Tin của
chúng ta trên cuộc đời này. Amen.