Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 27

SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

binh minh.jpg

LỜI CHÚA: Lc 11, 1 – 4

(1) Có một lần Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông gioan đã dạy môn đệ của ông". (2) Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

Triều Ðại Cha mau đến,

(3) Xin Cha cho chúng con ngày nào có lượng thực ngày ấy;

(4) Xin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha

cho mọi người mắc lỗi với chúng con,

và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ".

SUY NIỆM

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa

Không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv. 19,2)

“Địa cầu tràn ngập vinh quang Thiên Chúa…” (x.Tv 19)

Vâng, nếu bạn đã từng để cho lòng mình ngất ngây trước vẻ đẹp của trời đất: trong cảnh bình minh rực rỡ ríu rít đầy tiếng chim của miền rừng núi, hay trong không gian xanh ngút ngàn mờ ảo sương sớm của biển khơi; say sưa tung tăng trong những buổi trời nắng đẹp giữa công viên đầy hoa lá cỏ cây hay ngất ngây trước núi đồi hùng vĩ… bạn thấy rằng tất cả mọi sinh linh, mọi tạo thành đang hòa tấu khúc hát ca ngợi vẻ đẹp huy hoàng rạng rỡ của Thiên Chúa – một vẻ đẹp sung mãn dồi dào mà kinh thánh đã nói: “Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp.” (x.St1)

“Nguyện cho danh thánh Cha vinh hiển” (c.2) là một lời cầu nguyện truyền giáo; là lời xin cho mọi người nhận ra sự hoàn mỹ tốt lành của Cha mà nhận biết Cha – Đấng tạo thành trời đất. Cách đặc biệt hơn như chúng ta đã từng biết: “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống và sống dồi dào” (Thánh I-rê-nê). Thế nhưng, ngày nay vẫn còn biết bao con người sống kiếp lam lũ lầm than, đói nghèo, không có điều kiện để sống đúng với nhân phẩm; những nạn kỳ thị chủng tộc, giai cấp, phân biệt đối xử giới tính; những trẻ em bị bóc lột sức lao động, không được chăm sóc; những nạn buôn người…. Tất cả làm nên một khoảng ‘trời đen’ của nhân loại khiến cho mọi con người, nhất là người Ki-tô hữu chân chính phải nhức nhối, không thể dửng dưng làm ngơ. Vì vậy, lời cầu xin cho “Danh thánh Cha vinh hiển” cũng là lời cầu nguyện cho nhân loại có được một cuộc sống dồi dào, hạnh phúc; có thể tận hưởng được những ân phúc, ân lộc mà Thiên Chúa ban cho qua thiên nhiên, qua vũ trụ và con người, hầu con người được sống xứng đáng với phẩm giá là con Thiên Chúa; và đồng thời biết chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp; đẩy lui những bất công còn tồn đọng trong xã hội, thắp sáng ngọn lửa tin yêu xua đi những mây mù hắc ám góp phần làm lành mạnh môi trường sống của nhân loại.

“Xin cho chúng con lương thực hằng ngày” (c.3)

Lương thực là để nuôi dưỡng đời sống con người. Có lương thực nuôi dưỡng phần xác, có lương thực nuôi dưỡng tinh thần, có lương thực nuôi dưỡng linh hồn. Con người có đầy đủ những lương thực trên nuôi dưỡng thì mới phát triển hài hòa, quân bình hầu có đầy đủ năng lực để sống, làm việc và phục vụ với hết khả năng, nhiệt tâm và tình yêu. Thế nhưng, ngày nay có rất nhiều người (nếu không nói là đại đa số) chỉ biết  chăm lo phát triển vật chất, thỏa mãn những nhu cầu thể lý, tìm kiếm ‘vinh thân phì gia’ mà đời sống tâm linh lại èo uột có nguy cơ chết yểu. Cái đói thể lý người ta có thể rất dễ nhận ra và dễ quan tâm; nhưng ngược lại, cái đói tâm linh thì người ta không dễ nhận ra và thường bỏ mặc không quan tâm, mặc dù nó là tác nhân gây ra nhiều hậu quả vô cùng tai hại ảnh hưởng đến hạnh phúc và đời sống sung mãn của con người. Chúng ta hãy cầu xin Cha ban cho chúng ta có đầy đủ lương thực hằng ngày để sống và thi hành ý Cha.

“Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (c. 4).

Điều kiện để được tha thứ là chính bản thân mình phải biết sống thứ tha. Tại sao tôi cầu mong Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi tôi; tha nhân đối xử khoan dung đối với tôi, mà tôi lại hà khắc với người anh em. Tha thứ không phải là chuyện dễ làm. Tuy nhiên, chúng ta hãy mở lòng mình ra trước Thiên Chúa, khiêm tốn xin ơn chữa lành để ta có thể hòa giải với Thiên Chúa, với chính bản thân, để có thể sống hòa giải với tha nhân. Bởi vì, nếu tôi không thể tha thứ cho chính mình thì tôi rất khó để có thể tha thứ cho người khác thật lòng. Có những người nhiệt tâm, thiện ý có thừa, họ cho rằng đối với bản thân họ thì việc tha thứ cho tha nhân thật dễ hơn là tha thứ cho chính mình rất nhiều. Chúng ta không thể phủ nhận suy nghĩ của họ. Tuy nhiên, nó thường chỉ đúng khi người ta tha thứ những khuyết điểm của người khác mà những khuyết điểm ấy không trực tiếp làm tổn thương đến bản thân họ (nhất là đến danh dự, lòng tự trọng). Tôi biết có những người rất tốt lành, nhưng lại mang trong lòng những vết thương không xóa nổi; hay nói khác đi, tận đáy lòng họ chưa thể tha thứ cho người làm tổn hại đến mình, làm mất thanh danh tiếng tốt của mình. Họ có thể quên tạm thời, nhưng khi có những hoàn cảnh, sự kiện gợi đến, lòng họ vẫn sôi lên nỗi niềm cay đắng. Những vết thương như thế phải cần rất nhiều ơn Chúa để chữa lành và cho chúng ta thấy để sống tha thứ không phải là chuyện dễ. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống khiêm tốn, chân nhận và chấp nhận những giới hạn của bản thân và sống khoan dung đối với tha nhân.

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (c.4)

Con người ngày nay phải đương đầu với rất nhiều thứ cám dỗ về danh, lợi, thú. Thậm chí người ta có thể coi nó là mục tiêu để đạt tới trong cuộc đời. Có những người để cho danh, lợi cuốn hút đến bất chấp thủ đoạn. Có những người chạy theo lạc thú trong những cuộc tình và coi nó như một ‘mốt thời thượng’ mà đánh mất tình yêu thủy chung, coi nhẹ đời sống hôn nhân gia đình…và còn biết bao nhiêu thứ cám dỗ khác nữa. Vì vậy, lời cầu xin “chớ để chúng con sa chước cám dỗ” phải tha thiết hơn bao giờ hết – xin Chúa giúp chúng ta có được đôi mắt tâm linh sáng suốt để biết biện phân những giá trị cao đẹp trong cuộc đời và chọn chúng làm mục tiêu hướng tới để hoàn thành sứ mạng và ơn gọi mà Thiên Chúa trao phó cho mỗi con người.

Và bây giờ, mời bạn cùng tôi, chúng ta hãy chậm rãi đọc kinh lạy Cha – lời kinh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã dạy:

Lạy cha chúng con ở trên trời

Chúng con nguyện danh cha cả sáng

Nước cha trị đến

Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Nt. Maria Chinh Anh

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên - Lm . J. P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên- Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên-Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên- Lm.JB

Các bài viết cũ hơn
     100 Truyện Tích Về Chuỗi Hạt Mân Côi
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên A- Lễ Mẹ Mân Côi. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên A: TÂM ĐIỂM YÊU THƯƠNG. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Fatima, 13.10.1917 - Một Phép Lạ Vĩ Đại Chưa Từng Xảy Ra!
     5' Suy Niệm Lời Chúa - Tuần XXVII TN A
     Chúa Nhật XXVII Thường Niên A - Kinh Thánh Bằng Hình - Việt Anh
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII THường Niên A: TRỞ THÀNH NGƯỜI THỢ CÓ TRÁCH NHIỆM
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII THường Niên A: ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊ-SU: VIÊN ĐÁ GÓC BAN ƠN CỨU ĐỘ. Lm Đan Vinh
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Thường Niên A - Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     CHUỖI KINH MÂN CÔI - Hiệu Quả Phi Thường Qua Hàng Thế Kỷ