GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU KITÔ
Lời Chúa: Mt 1,1 – 17
(1) Ðây là gia
phả Ðức Giêsu Kitô, con cháu vua Ða-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: (2)
Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các
anh em ông này; (3) Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác;
Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; (4) A-ram sinh
Am-mi-na-đáp; ông Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xam-môn; (5)
Xam-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; (6)
Gie-sê sinh Ða-vít.
Vua Ða-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; (7)
Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; (8)
A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; (9)
Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; (10)
Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; (11)
Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở
Ba-by-lon.
(12) Sau thời
lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;
(13) Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim;
En-gia-kim sinh A-do; (14) A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin;
A-khin sinh Ê-li-hút; (15) Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh
Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; (16) Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của
bà Ma-ri-a, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Ki-tô.
(17) Như thế,
tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Ða-vít, là mười bốn đời; từ vua
Ða-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở
Ba-by-lon đến Ðức Kitô, cũng là mười bốn đời.
Suy Niệm
Một ông vua có vị tướng rất giỏi. Khi vị
tướng trở thành Kitô hữu thì ông ấy thường làm chứng niềm tin về Đấng Cứu Thế
đã đến thế gian. Nhà vua không hiểu được nên đã nói: - Trẫm là vua, nếu
muốn thi hành điều gì thì chỉ cần truyền lệnh cho thần dân là đủ. Lẽ nào Đức
Kitô là Vua trên các vua mà lại tự hạ mình xuống thế gian này? Điều đó thật vô
lý.
Nhà vua muốn cho vị tướng về vườn, vì tội tin
theo Đức Kitô, nhưng có lòng yêu mến ông nên vua hứa nếu ông giải nghĩa rỗ thì
sẽ được tha tội. Vị tướng xin sau 24 giờ sẽ giải thích. Ông bèn sai thợ mộc làm
một tượng gỗ và cho mặc quần áo giống y hoàng thái tử mới 2 tuổi. Ngày hôm sau,
vua cỡi thuyền rồng dạo chơi trên sông. Vị tướng ra hiệu cho người thợ mộc ném
cái tượng gỗ ấy xuống nước. Vua ngồi trên thuyền thấy tượng gỗ rơi tưởng là con
mình ngã xuống sông, không kịp hỏi ai, vua liền nhảy ùm xuống nước, bơi ra cứu
con.
Vị tướng bèn hỏi vua: -Sao vua không sai đầy
tớ nhảy xuống vớt hoàng thái tử, mà lại là chính vua, đến nỗi gần chết đuối và
ướt hết long bào. Vua trả lời: -Đó là do lòng thương.
Vị tướng liền tâu: -Thiên Chúa là Đấng dựng
nên thần, nên đức vua và muôn vật, cũng không đành lòng sai ai xuống để cứu
thế; nhưng vì yêu thương, nên Ngài đã từ trời để xuống trần gian mà cứu vớt ta.
Đó cũng là do nơi lòng thương ta vậy.
Bắt đầu tuần Bát Nhật, từ 17.12 cho đên 24.12, Giáo hội
dành ra các bài đọc trong thánh lễ được tuyển chọn cách đặc biệt để chuẩn bị gần cho lễ Giáng Sinh và giới thiệu
những nhân vật có liên hệ trực tiếp tới cuộc Giáng Sinh này.
Bài Tin mừng hôm nay trình bày Đấng sắp sinh
ra chính là Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài đã đi vào
dòng lịch sử nhân thế để từ đó sẽ cứu chuộc loài người.
Chúa đã thực hiện việc cứu chuộc loài người
bằng những gì loài người không thể ngờ được. Chúa đã không cứu loài người từ
trời cao. Dĩ nhiên là Ngài có thể và dư uy quyền để làm được việc đó. Để cứu
loài người Chúa đã nhập thể và nhập thế để từ đó Chúa đưa loài người sa ngã
đứng lên.
Chúng ta thấy cứu một người sắp chết đuối
bằng cách từ trên bờ thảy cho người đó một chiếc phao, dĩ nhiên không có ý
nghĩa cho bằng chính mình nhảy xuống nước để cứu người đang chết đuối lên bờ.
Và chính Thiên Chúa đã làm như thế.
Ngoài ra Tin mừng hôm nay còn cho biết: qua
những nhân vật bất xứng trong gia phả, ta nhận thấy Thiên Chúa có thể nhìn đến
và sử dụng ta, không gì có thể cưỡng lại ý định của Chúa, dù nó là quá khứ đen
tối hay sự bất toàn của ta.
Bởi vì trong Đức Kitô, Đấng được xức dầu của
Thiên Chúa, những gì hèn hạ đã trở nên cao trọng, những gì xấu xa đã được thanh
tẩy, những gì vô nghĩa được mặc một giá trị và những gì trần tục sẽ được thần
linh hóa. Chúng ta đừng mặc cảm về những yếu hèn của mình, nhưng hãy tin tưởng
và trông cậy để dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa.
Các bạn thân mến,
Tuần Bát Nhật này có mục đích hướng lòng ta
về Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ ta. Vì thế qua bản gia phả này, ta cảm nhận được
tình yêu của Chúa, xác tín và mau mắn hơn nữa trong việc chuẩn bị tâm hồn và đời
sống để đón nhận Chúa Kitô, và nhất là trong giờ sau hết của cuộc đời chúng ta.
Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh
(trích Câu chuyện Đức Giêsu hôm qua và hôm nay,
tr.43-44)