Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại
dịch?
Khi một số quốc gia tuyên bố tạm
đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ có đông người tham dự giữa cơn đại dịch, đã có
nhiều tiếng nói chỉ trích và cười cợt vang lên. Nhiều người không hiểu tại sao
phải đến nỗi đình chỉ Thánh Lễ. Họ đặt câu hỏi: Chẳng phải khi con người hãi sợ
và hoang mang là lúc họ cần đến Chúa và Thánh Lễ nhất đó sao? Đình chỉ Thánh Lễ
phải chăng chỉ là dấu chỉ của sự nhượng bộ vì sợ hãi? Chẳng phải đó là dấu hiệu
của việc thiếu tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Chúa? Có người còn
nhìn việc không dám cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch như là dấu chỉ thất bại của
niềm tin tôn giáo trước biến cố tai hoạ và đau khổ của nhân loại. Một số người
nối kết chuyện các Giáo Phận tự ý đóng cửa nhà thờ với việc cấm đạo ở những
nước độc tài. Nhiều người quá khích còn diễn dịch xa hơn khi cho rằng việc đình
chỉ Thánh Lễ bị là quyết định của Satan đang hoạt động trong Giáo Hội…
Gia An, SJ - CTV Vatican News
Hẳn đây phải là tiếng nói của những người giàu lòng
đạo đức. Hơn nữa, có thể những tiếng nói này đều xuất phát từ ý tốt, từ lòng
yêu mến Giáo Hội và yêu mến Thánh Lễ. Tuy nhiên, cần đủ bình tâm hơn để suy xét
lại những tình cảm đạo đức ấy thì mới có thể có một cái nhìn quân bình và
thiêng liêng thật sự. Bằng không, lòng tin theo cảm tính luôn có nguy cơ dẫn
người ta đi sai đường.
Cử hành Thánh Lễ theo một cách
khác
Thánh Lễ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ
Thiên Chúa với tư cách là một cộng đoàn. Nói cách khác, Thánh Lễ không chỉ là
nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, mà còn là nơi con người gặp gỡ nhau. Chiều
kích cộng đoàn và yếu tố con người quan trọng đến độ nếu không giải quyết được
những khúc mắc từ yếu tố con người, rất khó để chúng ta có thể dâng Lễ lên
trước tôn nhan Thiên Chúa. Chẳng hạn, Đức Giê-su có lần dạy rằng nếu một người
muốn dâng lễ vật trước bàn thờ Thiên Chúa, mà chợt nhớ ra mình còn có chuyện
bất hoà với người anh em của mình, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi
làm hoà với người anh em, rồi trở lại dâng lễ vật của mình cho Thiên Chúa (x.
Mt 5,23-24). Lời dạy của Đức Giê-su không có nghĩa là việc dâng lễ vật trước
bàn thờ Thiên Chúa không quan trọng, nhưng việc ấy vẫn có thể tạm hoãn lại, cho
đến khi những khúc mắc từ phía con người được giải quyết.
Khúc mắc mà cả thế giới đang phải đối mặt bây giờ là
chuyện lây nhiễm theo cấp số nhân của bệnh dịch. Khi hội họp đông người trong
một không gian hẹp, nguy cơ bệnh dịch bị lan truyền và nhân rộng là điều không
ai có thể phủ nhận. Giáo Hội Công Giáo luôn xác tín rằng Thánh Lễ là tâm điểm
trong đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu. Nhưng Giáo Hội chưa bao giờ dạy
rằng Thánh Lễ là một cử hành phép thuật có khả năng giúp con người miễn nhiễm
khỏi bệnh dịch. Nhà thờ cũng không phải là nơi bất khả xâm phạm đối với virus.
Thế nên trong hoàn cảnh hiện tại, cần phải lắng nghe tiếng nói của những người
có chuyên môn hơn là chỉ hành động theo cảm tính đạo đức. Tinh thần trách nhiệm
và cảm thức về sự liên đới không cho phép chúng ta nhắm mắt làm ngơ như thể
không có chuyện gì xảy ra. Như thế, ở những nơi xảy ra bệnh dịch, tạm đình chỉ
việc cử hành Thánh Lễ có đông người tham dự là một quyết định đúng đắn và khôn
ngoan.
Dẫu vậy, cần phải minh định rằng ở đây không phải là
không cử hành Thánh Lễ mà là Thánh Lễ được cử hành theo một cách khác. Trong
hoàn cảnh bất khả kháng, người tham dự Thánh Lễ không thể họp nhau thành một
cộng đoàn đông đúc tại nhà thờ, nhưng vẫn có thể hiệp thông để theo dõi và tham
dự Thánh Lễ qua các phương tiện truyền thông. Không nên quên rằng đây thật ra
là cách tham dự Thánh Lễ thường xuyên của các bệnh nhân, những người già, hay
những người bại liệt. Họ là những người không đến nhà thờ được vì lý do sức
khoẻ, và phải tham dự Thánh Lễ từ xa. Không ai nói rằng họ “mất Thánh Lễ”, hoặc
họ tham dự Thánh Lễ như thế là không xứng đáng trong hoàn cảnh của họ. Vì vậy,
ở những vùng tâm điểm của dịch bệnh, khi mọi người bị cách ly và việc cử hành
Thánh Lễ bị tạm đình chỉ, đây là thời điểm đặc biệt mà cả những người “khoẻ
mạnh” cũng được mời gọi thông phần tham dự Thánh Lễ từ xa. Đây là cách hiệp
thông hữu hiệu để cầu nguyện cho mình và cho cả thế giới. Đây cũng là cách các
Kitô hữu cộng tác hữu hiệu với những người có trách nhiệm trong vệc đề phòng
bệnh dịch lây lan, tránh gây thêm nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Tín thác hay thử thách?
Dĩ nhiên, vẫn có nhiều người đạo đức muốn được tham dự
Thánh Lễ một cách trực tiếp và bình thường. Họ có lo sợ, nhưng vẫn sẵn sàng đến
tham dự Thánh Lễ đông người và cho rằng như thế mới là hết lòng đặt trọn niềm
tín thác vào Chúa Quan Phòng. Nếu những người này còn được sống trong vùng đảm
bảo an toàn thì không sao. Nhưng nếu chung quanh mọi người đều đang phải cố
gắng làm hết sức có thể để cách ly, để hạn chế đi lại và tiếp xúc, để không làm
bệnh dịch lây lan… thì việc “tuyên xưng đức tin” theo lòng đạo đức thái quá sẽ
là rất sai lầm. Đó không phải là tín thác. Đúng hơn, đó là thử thách Thiên
Chúa.
Tin Mừng của ngày Chúa nhật I Mùa Chay kể lại việc
Chúa Giê-su chịu cám dỗ. Thánh Mát-thêu kể rằng trong cơn cám dỗ (Lc 4,9-12)
quỷ đưa Đức Giê-su lên nóc cao của Đền Thờ, nghĩa là dồn Người vào chốn nguy
hiểm, rồi thách Người nhảy xuống. Lý luận của ma quỷ là thế này: phải tín thác
vào sự quan phòng của Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa sẽ sai thiên thần của
Người gìn giữ, nâng đỡ và không để cho kẻ tín thác vào Người bị tổn hại gì. Đức
Giê-su đương nhiên không chiều theo lối thách thức đầy ngạo mạn như thế. Đây là
câu trả lời của Người: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”
(Lc 4,12).
Rất nhiều người hiểu sai lầm về sự quan phòng của
Thiên Chúa, cứ cho rằng Chúa quan phòng theo kiểu sẵn sàng ra tay thực hiện
phép lạ để cứu những người đang gặp nguy hiểm. Đương nhiên, Thiên Chúa quan
phòng là điều những người có đức tin không thể chối cãi. Nhưng quan phòng không
có nghĩa là Thiên Chúa phải làm tất cả, và con người không cần làm gì. Biết có
nguy hiểm mà người ta vẫn cố chấp lao đầu vào nguy hiểm, thì sự cố chấp ấy
không thể nhân danh niềm tin vào sự quan phòng. Một cách cụ thể, trong thời
gian này, sự quan phòng của Thiên Chúa được thể hiện qua hướng dẫn của những
người có chuyên môn, qua lời khuyên và chỉ dẫn của những người có thẩm quyền.
Một người tín thác vào Thiên Chúa là người biết cộng tác với những hướng dẫn
thiết thực ấy để không trở nên sai lầm vì chủ quan hoặc vì đạo đức cuồng tín.
Sau khi đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình, lúc đó con người
mới có thể bình an đặt trọn vẹn mọi sự vào trong bàn tay quan phòng yêu thương
của Thiên Chúa.
Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
Khôn ngoan theo truyền thống Kinh Thánh dạy rằng con
người không được nại vào Danh Thiên Chúa để giải quyết chuyện của con người.
“Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng”
(Xh 20:7, Đnl 5:11). Con người không được nại vào Thiên Chúa để chạy trốn và
chối bỏ trách nhiệm của mình. Có những người rất dễ kéo Chúa vào để đổ lỗi cho
bất cứ chuyện gì. Cả khi chính mình là người sai lầm và gây ra hậu quả, họ vẫn
trách Chúa tại sao không quan phòng phù trợ. Đó là dấu chỉ của những đức tin và
lòng đạo đức chưa trưởng thành: giống như con nít, hay hờn dỗi và thích đổ lỗi,
chứ không biết nhận trách nhiệm về mình.
Trong thời gian qua, để trấn an nhau, người ta chuyền
nhau bức hình Chúa Giê-su với dòng chữ: “Đừng lo bị nhiễm Virus Corona, vì đã
có Chúa ở cùng”. Cần phải trấn an nhau để tránh tâm lý hoảng loạn là điều nên
làm. Tuy nhiên, nếu không khéo, điều người ta đang làm không phải là trấn an mà
là dùng niềm tin sai lầm và lòng đạo đức thái quá để ru ngủ nhau. Nói rằng mình
có Chúa ở cùng nên không sợ bị nhiễm virus, vậy phải giải thích thế nào với
những người đã bị nhiễm virus? Chúa không ở cùng họ hay sao? Có Chúa – không lo
bị nhiễm virus, là một công thức rất trẻ con, vừa phản khoa học vừa phản đức
tin. Đừng nại vào Danh Chúa một cách bất xứng như thế!
Cha Anthony de Mello kể lại một câu chuyện ngắn như
sau. Có một chàng trai trẻ tìm đến với một nhà thông thái để xin học về Thiên
Chúa. Chàng trai bước vào căn lều của nhà thông thái và thưa:
- Thưa thầy, con
là người tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Để chứng minh điều đó, con
đã để con lừa của con bên ngoài mà không cần phải cột dây lại, dù con biết ở
đây có nhiều kẻ trộm cắp. Con tin Chúa quan phòng sẽ giúp giữ con lừa của con.
Nhà thông thái ngước mắt lên nhìn chàng trai rồi hỏi:
- Này con, từ bao
giờ mà Thiên Chúa bị biến thành kẻ giữ lừa cho con thế?
Này
bạn là người đạo đức thái quá và cuồng tín, từ bao giờ Thiên Chúa bị giản lược
thành tấm bùa hộ mệnh chống virus cho bạn thế?