Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

TẢN MẠN SỨ VỤ MIỀN CAO

con duong.jpg

Nằm trăn trở trên giường, tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông nhà thờ đâu đó từ xa vọng lại. Tối hôm qua, tôi đã được người chị em nhắc nhở: Đúng 4 giờ là xe tới đón, do đó phải thức sớm hơn một chút! Bây giờ là 4 giờ thiếu 15 phút. Tôi choàng dậy, vệ sinh buổi sáng rồi nhanh chóng xách túi hành lý đi vội ra cổng. Người chị em đưa tôi đi cũng đã có mặt, nhưng chúng tôi phải chờ mất 1 tiếng đồng hồ sau xe mới tới. Chú lơ xe lịch sự mời chúng tôi ngồi hàng ghế phía sau bác tài xế, một chỗ ngồi tương đối thoải mái. Xe lăn bánh. Tuy lần đầu tiên đi sứ vụ ở miền đất biên giới xa xôi và tôi muốn thức tỉnh một chút để quan sát đường đi lối về, nhưng vì say xe nên người tôi cứ rũ ra và hai mắt díp lại, nhắm nghiền chẳng quan sát được gì cả…

Đúng 11g30 xe tới Đồn Tám (tên của đồn lính gác Biên phòng). Chúng tôi xuống xe. Tôi hít thở thật dài cách khoan khoái luồng khí mát trong lành ùa vào mặt. Chà ! trước mặt tôi là khoảng không gian mênh mông chập chùng, đồi nối tiếp đồi với ngàn cây xanh ngắt. Chị tôi lấy điện thoại di động để gọi. Chừng 20 phút sau, hai người chị em chạy 2 chiếc xe Honđa ra đón chúng tôi. Và khoảng 15 phút sau tôi đã đặt chân xuống thí điểm truyền giáo Bình Hà thuộc tỉnh Đăknông của Hội dòng chúng tôi.

Thí điểm này hiện có 3 chị em đang cắm trụ. Căn nhà của cộng đoàn được xây khá rộng rãi, nằm biệt lập trên một ngọn đồi. Hôm nay tôi được sai lên đây là để thay thế giúp cho một người chị em của chúng tôi về chữa bệnh. Chị em tay bắt mặt mừng vui vẻ và cùng chia sẻ bữa cơm thanh đạm.

Cơm nước xong, tôi đi một vòng quanh nhà để ngắm cảnh vật: Trước ngôi nhà có một khoảng sân đất rộng, có thể sinh hoạt được vài trăm người. Bên phải, là nương khoai tốt tươi với những chiếc lá lớn như bàn tay, dày và xanh mướt. Phía bên trái là vườn tràm mới hơn năm mà tán lá xum xuê tạo bóng mát rượi, rợp cả một khoảng đất rộng tới vài sào. Còn phía sau nhà là rẫy bắp với những trái to nặng đẫy đà đã ngả sang màu nâu chờ ngày hái mang về…Đúng là nương rẫy của núi rừng Tây nguyên: Phong phú, đậm đà và luôn ngọt ngào hương thơm mới…

Đêm đầu tiên ở vùng cao, tôi trăn trở cố ru giấc ngủ, thế nhưng dù đã mặc áo len, đội mũ len, đắp hai lớp chăn bông dày, cái rét vẫn cứ thấm vào da thịt khiến tôi không tài nào ngủ được. Chốc chốc lại nghe những luồng gió hú rền rĩ rít lên thật não nề làm cho tôi liên tưởng đến những căn nhà hoang trong những bộ phim ma. Tôi đã từng nhìn thấy nhan đề cuốn tiểu thuyết “Đồi Gió Hú” của nữ văn sĩ người Anh - Emily Bront, nhưng chưa hình dung “gió hú” như thế nào, thì bây giờ tôi đã trải nghiệm được. Hôm sau, tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các chị trong cộng đoàn, thì được chị em cho biết đây chính là “Đồi Gió Hú” (mặc dù đây không phải là nước Anh), và thường người ta đặt tên ‘Đỉnh gió hú’ cho bất cứ cái gì phơi mình dưới những cơn gió thổi hun hút. ‘Ồ, thảo nào, nhưng thây kệ’, tôi nghĩ thầm trong bụng, chỉ mong mình mạnh khỏe để có thể chia sẻ công tác với chị em. Tôi phải cầu nguyện nhiều, vì phần thì lạnh nên bụng dạ cứ lình xình không ổn, phần thì không ngủ được, chỉ sợ đổ bệnh nằm ra đấy thì khổ, nhưng tạ ơn Chúa tôi vẫn đủ sức khỏe để gánh vác công việc.

Thí điểm chúng tôi đang giúp có khoảng 2000  giáo dân nằm rải rác trên địa bàn  gần 20 cây số vuông, còn lại phần lớn là lương dân. Người dân ở đây hầu hết có gốc ở miền Bắc thuộc các tỉnh Ninh Bình, Nam định vào khai phá đất đai, canh tác cà phê, bắp, hoặc trồng bí, trồng bắp cải, khoai lang v.v…quanh năm quần quật trên nương rẫy, nhưng vẫn chật vật, thiếu thốn mọi bề. Chúng tôi ở đây như là một sự hiện diện mới mẻ, với hơn 2 hecta đất, cùng chia sẻ cuộc sống lam lũ của nhà nông, cũng trồng ngô khoai, bí bầu… và đã cảm nhận thực sự được những khó khăn trong việc mưu sinh của người dân địa phương.

Cuộc sống Kinh tế vật chất đã vậy còn đời sống tinh thần thì như thế nào? Vào một ngày nắng đẹp trời, tôi đã được người chị em dùng xe Honđa chở đi tham quan được vài giáo họ ở Sình Muống và Sình Voi. Đường đi vào các Sình thật dốc dác khó khăn. Những con đường đất đỏ, nắng thì mây bụi đỏ trời, mưa thì sình lầy trơn trượt như bôi mỡ, lên dốc xuống đồi với những sống trâu, ổ gà, ổ voi… có thể làm chùn bước chân người chiến sĩ. Vào rất xa mới có được một nhà giáo dân. Mấy trăm mét mới có một nhà. Có khi nhà này cách nhà kia cả hàng kilômét... Đi như thế tôi mới cảm nhận hết được sự khó khăn của người tín hữu sống ở nơi đây khi họ muốn tới nhà thờ để dâng lễ hoặc tham gia các sinh hoạt của họ đạo. Vì nhất là vào mùa mưa, nếu không phải là người cứng tay lái thì không thể đi xe đạp hay Honđa được, mà đường đất lại quá xa xôi. Chính vì thế mà sinh hoạt xứ đạo ở nơi đây cũng rất lỏng lẻo, mặc dù sự nhiệt tình của người làm tông đồ có thừa, cũng như sự khao khát của tấm lòng tín hữu cũng không thiếu.

Tuần lễ đầu tiên, hai chị trong cộng đoàn cho biết là cuối tuần có sinh hoạt trại dành cho giới trẻ. Địa bàn sinh hoạt là khu vườn tràm của các Dì, còn số thành viên tham gia thì chưa biết rõ. Các chị nhờ tôi phụ giúp, góp ý để chương trình được hoàn chỉnh hơn và tham gia đứng trạm. Hầu như từ đầu tuần đến giờ, do ảnh hưởng bão, ngày nào cũng vậy, ngay từ sáng sớm, những đám mây đen đã vần vũ  kéo đến trên bầu trời xám xịt. Những cơn mưa rải rắc hoặc ồ ạt trút xuống, cộng thêm những cơn gió giật từng hồi càng làm cho cảnh vật thêm ảm đạm, lạnh thấu xương. Chị em chúng tôi khẩn thiết cầu nguyện, khấn xin Chúa ban cho ngày cuối tuần nắng đẹp để các em có thể sinh hoạt trại. Đã thế, tình hình những người đăng ký tham gia sinh hoạt trại còn ảm đạm hơn. Thứ bảy cắm trại mà đến thứ năm rồi, tôi hỏi chị phụ trách giới trẻ về số người tham dự, chị vẫn nói là chưa biết, danh sách chưa nắm được, nhưng chương trình dự kiến cho khoảng chừng 50 bạn trẻ. Thật là  tồi tệ! (tôi nghĩ thầm). Vì thường ở các xứ, mỗi khi tổ chức cắm trại, chúng tôi thường lên danh sách và chuẩn bị các tổ có khi trước cả tháng để học hỏi và chia công tác, còn ở đây, chỉ một ngày nữa thôi là sinh hoạt trại, mà các tổ trưởng cũng chưa nắm được thành viên trong tổ mình là ai thì làm sao có thể phân chia công tác chuẩn bị. Thật là nhiêu khê! Tuy thế, tinh thần của chị phụ trách giới trẻ thật là đáng nể, chị tuyên bố: “Nếu không có người, thì dù chỉ có năm, mười người cũng vẫn cứ sinh hoạt. Và nếu như trời cứ mưa, thì ta vẫn cứ sinh hoạt (mặc dù chỉ sinh hoạt trong nhà).” Tối thứ sáu, trời vẫn cứ còn tiếp tục mưa. Những cơn gió rền rĩ làm nao lòng người. Chị em chúng tôi co ro trong nhà vì rét, nhưng cũng vẫn tiếp tục chuẩn bị cho xong những khâu cần thiết cho sinh hoạt trại ngày mai. Thật là ngạc nhiên! Sớm mai thức dậy, sau giờ cầu nguyện ban sáng, tiếng chim hót ríu rít rộn rã báo hiệu một buổi bình minh tươi đẹp. Bầu trời sáng hơn, những đám mây man mát nhẹ trôi và không có dấu hiệu trời mưa. Thật Chúa đã không phụ lòng những kẻ trông cậy vào Người.

Theo chương trình, sinh hoạt trại sẽ được khai mạc vào lúc 7g30. Thế nhưng do đường xá xa xôi, lại qua những ngày mưa lầy lội nên mãi tới 8g00 các trại sinh mới tụ họp tương đối đầy đủ. Có những bạn trẻ lúc này mới đến ghi tên tham gia sinh hoạt trại, và như dự kiến ban đầu, đã có khoảng 50 bạn trẻ tham gia ngày sinh hoạt trại hôm nay. Tuy chưa từng được sinh hoạt trại, nhưng các bạn trẻ ở đây đã sinh hoạt cách năng động, hết mình trong mọi lãnh vực: từ dựng trại nấu ăn cho đến các trò chơi thi đua chuyển bóng, đổ nước vào chai, ăn nhanh, đố vui và trò chơi lớn… Khẩu hiệu “Tuổi trẻ - Lên đường” được hô vang liên tục, và bài hát chủ đề “Gieo bước hành trình” cũng được ca lên theo nhịp điệu mạnh mẽ, rộn ràng làm phấn chấn tinh thần người trẻ…

Một ngày sinh hoạt đầy hứng khởi với sự hỗ trợ của tiết trời râm mát trôi qua thật nhanh. Đêm đến, trời trở lạnh, nhưng mọi người đều cảm thấy ấm áp hơn, khi quây quần quanh đống lửa trại. Không gian dường như lắng đọng lại trong cảnh trời đêm tĩnh lặng. Chúng tôi đã có nửa giờ cầu nguyện bên ánh lửa. Những lời nguyện cầu thiết tha xen với những tiếng ca trầm ấm dâng lên càng làm cho cảnh vật thêm linh thiêng. 20 giờ đêm, đống lửa đã tàn, giờ cầu nguyện cũng kết thúc, khép lại một ngày sinh hoạt năng động và bổ ích. Tôi thầm cầu nguyện cho các bạn trẻ giữ mãi được ngọn lửa nhiệt huyết và tinh thần năng động, để ánh sáng đức tin được ngày một lan tỏa trên miền đất biên giới xa xôi này.

Những ngày tiếp theo…

Ban ngày, chúng tôi làm các công việc trong sinh hoạt bình thường. Buổi tối, chúng tôi có các lớp giáo lý giúp cho giáo lý viên, hôn nhân hoặc tập hát cho ca đoàn. Hôm nào trời khô tạnh thì được 7,8 em hiện diện, hôm nào trời mưa thì được 2,3 em. Về hình thức, người ta dễ cảm thấy công việc tông đồ ở đây ít hiệu quả, mờ nhạt và buồn chán, tuy nhiên, đó cả là một sự cố gắng của người làm công tác tông đồ cũng như người tín hữu. Và chúng tôi tin rằng những hy sinh và cố gắng của chúng tôi sẽ không vô ích: Nó như đốm lửa nhỏ trong cánh rừng mùa thu một lúc nào đó sẽ làm bừng sáng lên cả góc trời. Nó cũng như “nắm men trộn trong thúng bột cho tới một ngày tất cả bột đều dậy men…”

Một tháng ở thí điểm biên cương tuy không nhiều, nhưng đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên, khơi lên trong tôi niềm thao thức về một đàn chiên tản mác, một cánh đồng lúa thiếu thợ gặt… Tôi thầm cầu nguyện cho quê hương tôi còn hơn 90% con người chưa nhận biết, chưa có niềm tin vào Thiên Chúa. Và còn biết bao người anh em tín hữu của tôi sống tản mác như đoàn “chiên không người chăm sóc”, đang cần những bước chân tông đồ, những tay thợ gặt lành nghề giúp đỡ…Ngày tôi lên đường, trời rét nhẹ. Tiếng chim ríu rít trên những rặng cây đón chào bình minh của một ngày mới đang tới. Những mầm xanh đang vươn lên từ những mảnh vườn ươm màu mỡ. Những quả đồi xanh cafê chè thoang thoảng mùi hương của những chùm hoa nở muộn. Những bác nông phu cặm cụi trên những cánh đồng đất đỏ tươi … Tất cả như đọng lại trong tôi hình ảnh của một ngày mai tươi sáng hơn và một niềm tin đang vươn lên trên mảnh đất đầy hứa hẹn.

Nt. Maria Chinh Anh.  

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     KHÔI PHỤC NIỀM TIN. Maria Thiên Ân
     “CHO HỌ ĐƯỢC SỐNG VÀ ĐƯỢC CHẾT NHƯ MỘT CON NGƯỜI”. Maria Nguyễn Thị Tố Quyên
     CHUYỆN “CÔ BÉ BÁN DIÊM”. Maria TQ
     THA THỨ ĐỂ ĐÓN NHẬN ƠN CỨU ĐỘ. Maria Thiên Ân
     NHỮNG NĂM TÔI CÔ ĐƠN. Thiên Ân
     CHUYỆN MỘT ĐÊM ĐÔNG. An-tôn Lương Văn Liêm
     TRỒNG CÂY ĐỨC TIN
     SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG.MBM
     TRUYỀN GIÁO TRONG THỜI ĐẠI @. Maria Nguyễn Thị Tố Quyên
     HÃY ĐI VÀ LÀM CHO NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC HẠNH PHÚC. Maria Nguyễn Thị Tố Quyên