Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Thứ Năm Tuần Thánh

“YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG”

Lời Chúa: Ga 13, 1- 15

(1) Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

(2) Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4) nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

(6) Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" (7) Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". (8) Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!" Ðức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa". (10) Ðức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch".

(12) Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Suy Niệm

Trong tờ Daily Mail số ra ngày 5/4/2014, có kể về một cậu bé tại Trung Quốc tên là Hiểu Thiên 5 tuổi đã được chẩn đoán có một khối u ác tính trong não. Trước đó vài tháng, mẹ của cậu bé (34 tuổi), cũng được chẩn đoán là mắc bệnh suy thận mãn tính, mà chỉ có thể chữa khỏi bằng cách ghép thận. Mặc dù đã cố gắng điều trị cho con, và bác sỹ nói có dấu hiệu tích cực về căn bệnh, nhưng cậu bé sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành.

Hiểu Thiên đã đề nghị hiến thận cho mẹ khi cậu bé từ giã cõi đời này. Ban đầu mẹ của cậu bé kịch liệt phản đối việc này, nhưng dưới sự khuyên nhủ của bà ngoại Hiểu Thiên và các bác sỹ, sự khẩn cầu thiết tha của con trai, mẹ cậu bé đã buộc phải đồng ý. Mẹ Hiếu Thiên sau ca mổ cho biết: “Điều an ủi tôi nhất bây giờ là trong cơ thể tôi có một phần của Hiếu Thiên con trai tôi".

Một phát ngôn viên của bệnh viện nói rằng: “Cậu bé Hiểu Thiên này đã làm một hành động rất dũng cảm, vì không những cậu đã di nguyện hiến thận trái cho người mẹ suy thận của mình, mà còn tặng thận phải cho một người phụ nữ 21 tuổi và lá gan cho một người đàn ông 27 tuổi, sau khi trút hơi thở cuối cùng vào hôm 2/4/2014. 

Cả 3 người đều được cấy ghép thành công. Cậu bé qua đời và đã cứu sống được 3 mạng người. Sự ra đi của cậu bé thật dũng cảm, tự chọn cái chết cho mình đã khiến toàn bộ đội ngũ y-bác sỹ, gia đình và cả những người không quen cảm phục, nên biết òa khóc trong đau đớn xót xa và cúi đầu tiếc thương em”.

Thưa quý ông bà và anh chị em, trước lễ Vượt Qua Đức Giêsu biết giờ của Người đã gần đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người đã yêu thương họ đến cùng. Hành động trước tiên mà Chúa Giêsu thực hiện đó là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Một cử chỉ của yêu thương, khiêm tốn, phục vụ, và tha thứ.

Rửa chân là cử chỉ của sự yêu thương, trong Tin mừng thánh Gioan ghi lại cử chỉ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối cùng của cuộc đời Ngài trên trần gian. Đây là hành động yêu thương. Người rửa chân là “người thực hiện hành động yêu thương”, còn người được rửa chân là “người học được bài học về yêu thương”, đồng thời cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.

Rửa chân là cử chỉ của sự khiêm tốn. Khiêm tốn chính là nền tảng mọi nhân đức. hành động rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ hoặc của kẻ nô lệ. Với xã hội Do thái ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho ông chủ. Ở Việt Nam không có tập tục rửa chân, nhưng tôi tớ lại phải khom lưng hoặc nằm xuống cho ông chủ bước qua,.rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm tốn đó.

Rửa chân là hàng động của người phục vụ: Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã tự hạ mình để làm việc của người tôi tớ để rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13:16a; Ga 15:20) và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13:16b). Trước hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta bài học về sự phục vụ người khác cách vô vị lợi. “Vì con người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để phục vụ…”

Rửa chân là hành động của sự tha thứ: đứng trước lầm lỗi của nhân loại, Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước. Nguyên tổ phạm tội bất tuân, Thiên Chúa biểu lộ sự tha thứ bằng việc hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến để cứu chuộc. Sau này với các tội nhân, chính Chúa Giêsu luôn tìm cách và tạo mọi điều kiện để hoán cải và đưa họ trở về, như Matthêu, Giakêu, Phaolô…

Tóm lại, tham dự nghi thức ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần phải học được nơi Chúa Giêsu mẩu gương về tình yêu thương đến cùng, bằng hành động khiêm tốn, phục vụ và tha thứ. Nếu như cậu bé Hiểu Thiên trong câu chuyện trên, đã làm một hành động rất dũng cảm, trước khi từ giã cõi đời này vì đã di nguyện hiến cơ phận cho người mẹ, và tặng thận phải cho một người phụ nữ 21 tuổi và lá gan cho một người đàn ông 27 tuổi được sống.

Thì những cử chỉ và việc làm của Chúa Giêsu hôm nay thật cao vời vô tận. Không những Người đã cứu thoát chúng ta khỏi sự nô lệ tội lỗi, mà Người còn giải thoát chúng ta khỏi sự chết muôn đời. Và nếu như người mẹ của cậu bé Hiểu Thiên vui mừng và cảm động sau khi ca mổ thành công bà nói: “Điều an ủi tôi nhất bây giờ là trong cơ thể tôi có một phần của Hiếu Thiên con trai tôi".

Thì hành động tự hiến của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể còn huyền diệu và cao vời hơn biết mấy nữa, vì sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể không chỉ cứu sống một vài người, mà là toàn thể nhân loại. Nhất là mỗi lần chúng ta rước Mình Máu Người là chúng ta được ở trong Người và Người ở trong chúng ta. Bao lâu chúng ta còn tin nhận Người, thì bấy lâu chúng ta còn được Người ở lại trong chúng ta. Đó là điều chính Người đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” và cũng là hành động của sự yêu thương đến cùng. Amen.

Antôn Nguyễn Chân Hồng

 

Tình yêu đến cùng 

Rửa chân và Thánh Thể(Ga 13, 1-15)

Để chiêm ngắm, có thể nói “mầu nhiệm rửa chân” hơn, bởi vì Đức Giê-su nói với thánh Phê-rô: “việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu”, chúng ta được mời gọi chú ý đến bối cảnh. Đức Giê-su rửa chân cho các các môn đệ trong bối cảnh, Người “biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”.

Đức Giê-su từ cung lòng của Thiên Chúa Cha, sinh ra trong thế giới của chúng ta bởi quyền năng của Thánh Thần, và từ thế giới của chúng ta, Người về với Chúa Cha, sứ mạng của Người là bày tỏ “tình yêu đến cùng” của Ba Ngôi Thiên Chúa cho loài người và cho từng người. Như thế, hành vi “rửa chân” của Đức Giê-su hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua, để diễn tả mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Khi chiêm ngắm “mầu nhiệm rửa chân”, xin Chúa ban cho chúng ta ơn nhận ra điều Chúa muốn thông truyền cho chúng ta, chính là tình yêu đến cùng và sự sống viễn mãn của Người, và để cho con tim của chúng ta được chinh phục hôm nay, suốt đời và mãi mãi; như Người nói với thánh Phê-rô:

Nếu Thầy không rửa cho anh,

anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.

1. Đức Giê-su rửa chân (c. 1-5)

a. “Mầu nhiệm rửa chân” và bí tích Thánh Thể

Tại sao thánh sử Gioan không tường thuật biến cố Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể ? Có thể là vì ba Tin Mừng nhất lãm đã tường thuật rồi, nên thánh Gioan cảm thấy không cần phải nhắc lại, nhưng muốn làm bật lên ý nghĩa « hiện sinh » của mầu nhiệm Thánh Thể, nghĩa là Giáo Hội được mời gọi không chỉ cử hành, nhưng còn sống mầu nhiệm Thánh Thể ; hay đúng hơn, cử hành và sống mầu nhiệm Thánh Thể phải là hai chiều kích hướng về nhau trong cùng một hành trình đi theo Đức Ki-tô trong cuộc sống. Hơn nữa, đối với thánh Gioan, lòng ước ao trao ban chính mình như là của ăn và của uống, đã có từ rất sớm và đã được Chúa bày tỏ rồi (x. Ga 6).

Như thế, thay vì chỉ hiểu hành vi rửa chân như là một bài học thực hành, một gương mẫu, về việc phục vụ khiêm tốn, chúng ta được mời gọi hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thánh Thể :

 

Mc 14, 22

Ga 13, 4-5

Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh,
dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông
và nói: « Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy »

 

Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ …

 

So sánh hai trình thuật, chúng ta có thể nhận ra rằng hành vi rửa chân cho các môn đệ mang tầm mức Thánh Thể : một bên, Đức Giêsu trở nên của ăn, một bên, Ngài trở nên người tôi tớ phục vụ bàn ăn. Cả hai đều là hành vi trao ban chính ngôi vị : một đàng là sự sống, một đàng là danh dự. Cả hai cử chỉ đều diễn tả tình yêu tuyệt đỉnh : « Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng » (c. 1). Chính vì thế mà, Đức Giêsu nói với Phêrô : « việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu ».

Như thế, cũng như mầu nhiệm Thánh Thể, hành vi rửa chân muốn diễn tả tình yêu đến cùng của Đức Giê-su dành cho các môn đệ. Tuy nhiên, như chính hành vi rửa sạch gợi ra, qua hành vi rửa chân, Đức Giê-su làm cho các môn đệ trở nên thanh sạch tận căn, làm cho chúng ta nên công chính tận căn, bằng chính ngôi vị của Ngài, bằng sự sống của Ngài, bằng máu của Ngài.

b. “Mầu nhiệm rửa chân” và hành vi phản bội

“Trình thuật rửa chân” của Tin Mừng theo thánh Gioan được đánh dấu rõ nét bởi hành vi phản bội: ở phần đầu (c. 2), phần cuối (c 18) và phần giữa (c. 11).

“Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.

“Người biết ai sẽ nộp Người” (c. 11), trong lời tường thuật này của thánh sử Gioan, Giuđa được nhìn như là tác nhân.

“Nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (c. 18; trích Tv 41, 10). Trong lời nói này của chính Đức Giê-su, Giuđa được nhìn trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là Satan, không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng người chúng ta.

c. Chiêm ngắm Đức Giê-su rửa chân

Vậy, chúng ta hãy dừng lại thật lâu để chiêm ngắm Đức Giê-su rửa chân: Nhìn Đức Giê-su và từng người; lắng nghe sự thinh lặng và tiếng nói nội tâm; quan sát cử chỉ rửa chân và phản ứng của từng người. Và nếu Đức Giê-su rửa chân cho tôi thì sao?

Chúa muốn nói gì với chúng ta ngang qua hành vi rửa chân? “Đôi chân” của chúng ta ở vị trí nào trong cơ thể, sạch đẹp ra sao, dùng để làm gì, nói lên điều gì, mang những ý nghĩa nào? (thấp nhất, bẩn nhất, hay đi “lung tung”, mang nhiều dấu ấn và dấu vết cuộc đời nhất…). Ngài không nói, nhưng chúng ta có nghe tiếng lòng của Ngài không, nghe được tiếng lòng của các môn đệ không? Không có mùi thơm của nước hoa (ngược lại là mùi hôi chân!), nhưng chúng ta có ngửi ra được mùi thơm tình yêu cho đi đến cùng và một cách nhưng không của Đức Giê-su không? Chúng ta có nếm được sự ngọt ngào của tình yêu này không? Đức Giê-su đụng đến chân của các tông đồ: lòng của ngài xúc động thế nào, lòng các môn đệ và lòng chúng ta có xao động không? Chúng ta có kinh nghiệm được Chúa “rửa chân” chưa?

Đặc biệt là Ngài rửa chân cho từng người (chứ không phải, Ngài rửa chân cho một môn đệ, rồi môn đệ này rửa chân cho môn đệ kia). Ngài tự làm lấy tất cả. Hành vi này tương ứng với hành vi trao “bánh” cho các môn đệ trong các trình thuật Nhất Lãm. Qua hành vi này, Ngài ước ao chia sẻ chính ngôi vị của Ngài và những gì thuộc về Ngài, như Ngài sẽ nói với tông đồ: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, Ngài nói với Phêrô, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (c. 8). Chứ không phải chỉ là làm mẫu cho chúng ta bắt chước. Chúng ta đừng quên ánh mắt và tâm tình của các môn đệ.

2. Không hiểu (c. 6-11)

Không có tông đồ nào phản ứng, chỉ có một mình tông đồ Phêrô thôi. Thật đáng khâm phục ! Vì không thể để cho Thầy của mình, Chúa của mình cúi xuống rửa chân cho mình được. Chúng ta hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa ông Phê-rô và Đức Giê-su: “Thầy mà rửa chân cho con sao?” Trong câu trả lời, Đức Giêsu nói rằng: “việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu”. Thật lạ lùng, đồng thời cũng diễn tả tình yêu đến cùng của Người: ông chưa hiểu, nhưng Ngài vẫn cứ rửa, vẫn cứ trao ban; như hàng ngày Đức Giêsu vẫn cứ rửa cho chúng ta qua rất nhiều ân huệ, nhất là qua Mình và Máu Ngài, cho dù chúng ta không hiểu, hay đúng hơn, không thèm hiểu. Đó là bởi vì, Ngài hi vọng rằng, có một ngày “đẹp trời” nào đó, chúng ta sẽ hiểu ra. Ngoài ra, nơi Phê-rô và các môn đệ, không chỉ có vấn đề không hiểu, nhưng còn có vấn đề chưa hoàn hảo. Ngài vẫn “rửa chân” cho chúng ta, trong bí tích Thánh Thể, như thế đó. Bởi vì ơn huệ ở ngọn nguồn, luôn luôn là ơn huệ nhưng không.

Phêrô vẫn chưa chịu, vì ông đóng kín mình trong cách hiểu của mình: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu”. Đức Giêsu đành phải mặc khải cho ông lời hứa chung phần. Mặc khải quá lớn, nhưng điều kiện cũng không kém lớn: đó là để cho Thầy cúi xuống rửa chân, để cho Thầy trở thành lương thực cho anh, để Thầy trở thành sự sống cho anh.

Lời hứa “chung phần”, nhưng là phần gì đây, đối với Phêrô và đối với chúng ta? Có vẻ Phêrô ngộ ra, nên ông chịu để cho Thầy rửa chân. Nhưng lời của ông để lộ ra cách ông hiểu vẫn còn nhiều vấn đề: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”. Rửa “nhiều phần” như vậy, phải chẳng là để được “nhiều phần” hơn người khác. Và “nhiều phần”, phải chăng là chỗ ngồi bên phải hay chỗ ngồi bên trái, bên phải, là bổng lộc, là đỗ đạt, là vinh dự…?

3. Đức Giê-su giải thích hành vi rửa chân (c. 12-15)

Hãy lắng nghe lời giải thích của Đức Giê-su. Chúng ta có thể chú ý đặc biệt đến lời sau đây: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. “Như Thầy đã làm cho anh em”, nghĩa là như Thầy đã “rửa chân” cho từng người trong anh em. Vì thế, lời của Đức Giê-su không dừng lại ở mức độ, Ngài đã nêu gương hạ mình phục vụ, và chúng ta được mời gọi bắt chước. Điều này cũng đúng nhưng chưa đủ, vì Thầy và trò vẫn còn ở bên ngoài nhau, và trò bắt chước Thầy một hồi là đuối! Chính chúng ta phải có kinh nghiệm được Đức Giê-su đích thân “rửa chân”, lúc ấy chúng ta mới có lòng ước ao và có sức mạnh nội tâm “rửa chân” cho nhau.

Nhưng rửa chân có nghĩa là gì, phải chăng là một nghi thức mà mỗi năm chúng ta lập lại một lần hay nghe kể lại một lần? “Như Thầy đã làm cho anh em”, cho từng người trong anh em, là một điều không dễ hiểu, như Đức Giêsu vừa nói với Phêrô: “việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”; và càng không dễ đón nhận, vì quá nhưng không. Chúng ta thích cái gì sòng phẳng hơn, vì như thế mình làm chủ được. Hành vi “rửa chân” được Tin Mừng Gioan đặt vào chỗ của mầu nhiệm Thánh Thể, nên cũng là một mầu nhiệm: Ngài trao ban chính sự sống và ngôi vị cho chúng ta, dù chúng ta ở trong tình trạng nào, để chúng ta “được chung phần” với Ngài. Chính tình yêu nhưng không này mới làm cho chúng ta có thể “rửa chân” cho nhau theo cách của Đức Giê-su.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Thứ Năm Tuần Thánh: SÁNG KIẾN CỦA TÌNH YÊU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc
     Suy Niệm Thứ Tư Tuần Thánh. Lm. Thiện Duy
     Suy Niệm Thứ Ba và Thứ Tư Tuần Thánh Năm A: Giu-đa và Phê-rô trong kế hoặc cứu độ của Thiên Chúa. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần Thánh: TIỀN VÀ TÌNH. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá: Cuộc thương khó của Chúa Giê su. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá: Cuộc thương khó của Chúa Giê su. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay: CHÚA GIÊSU LÀ ĐẤNG KIỆN TOÀN KINH THÁNH LOAN BÁO
     Suy Niệm Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay: KHÔNG TIN HAY TIN CHÚA GIÊSU. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Thứ Tư Tuần V Mùa Chay. Nt. Maria Chinh Anh
     SUY NIỆM CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc