Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 5

THỨ SÁU SAU LỄ TRO

TINH THẦN CỦA VIỆC GIỮ LUẬT

cau nguyen.jpg

LỜI CHÚA: Mt 9, 14-15

14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” 15 Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

SUY NIỆM

Có một người đàn ông đi hành đạo. Đường đi phải qua một con sông lớn nhưng ông không có bất kỳ phương tiện nào. Sau một hồi suy nghĩ, ông quyết định đi nhặt các cành cây rồi kết lại thành một chiếc bè đơn giản. Để chiếc bè nổi trên mặt nước, ông dùng hai bàn tay làm mái chèo. Cuối cùng ông cũng qua được bờ bên kia. Nhưng vừa bước chân lên bờ, ông băn khoăn nhìn chiếc bè và tự hỏi: Mình đã vất vả mới làm được chiếc bè này, bỏ đi thì tiếc quá, hay là mình kéo chiếc bè theo?

Chiếc bè chỉ là phương tiện giúp người ta qua sông an toàn chứ không phải cái để nắm giữ. Nếu cứ tiếc nuối và nắm giữ chiếc bè người đàn ông trên sẽ không thể tiếp tục hành trình. Trong cuộc sống chúng ta cũng thường bỏ qua những điều chính yếu nhưng lại nắm giữ những cái lặt vặt phụ thuộc. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta thường giữ đạo, tham dự thánh lễ vì thói quen hơn là vì yêu mến.

Trước khi Chúa Giêsu xuất hiện, một số người Do thái cũng giữ luật do truyền thống hay do thói quen. Vì thế có lần các môn đệ ông Gioan Tẩy Giả đến trách Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? Đức Giêsu trả lời: Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9, 14-15). Theo truyền thống Do thái, việc ăn chay chính là thái độ tỉnh thức chờ đợi Đức Chúa đến. Khi Đức Chúa xuất hiện, đoàn dân không còn mang vẻ mặt buồn rầu ủ rũ nhưng hân hoan tiến vào phụng sự Người. Đức Giêsu tự ví mình là chàng rể trong tiệc cưới. Sự hiện diện của chàng rể đem lại niềm vui cho những vị khách thế nào thì Đức Giêsu cũng đem lại niềm vui hạnh phúc cho nhân loại như vậy. Đức Giêsu chính là hiện thân của tình thương Thiên Chúa. Đức Giêsu xuất hiện để thiết lập giao ước mới với nhân loại, giao ước tình yêu trung kiên bền vững.

Khi đến trần gian Đức Giêsu đã khẳng định: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13). Từ đây mọi việc ăn chay bác ái đều phải quy chiếu về lòng yêu mến Thiên Chúa. Những người giữ đạo theo kiểu hình thức thường để khoe khoang mà đánh mất trọng tâm của Tin mừng. Chúa Giêsu đã đến uốn nắn lại những sai lầm trong việc giữ đạo. Chúa thiết lập giao ước mới để kiện toàn giao ước cũ. Chúa chắp cánh cho lề luật để lề luật trở thành phương tiện đưa dẫn con người đi về với Thiên Chúa.

Trong sứ điệp mùa chay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta sống tinh thần mùa chay là phải diễn tả đức tin của mình qua từng hành động cụ thể. Việc giữ luật phải phát xuất từ lòng yêu mến thực sự. “Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi trái tim của con người và làm cho họ cảm nghiệm một tình thương trung tín, cho họ có khả năng thi hành lòng từ bi thương xót. Thật là một phép lạ luôn mới mẻ, sự kiện lòng thương xót của Chúa có thể chiếu tỏa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân và hướng dẫn những công việc mà truyền thống của Giáo Hội gọi là “Thương linh hồn bảy mối, thương xác bảy mối!”

Đức Thánh Cha còn giải thích thêm: “Những công việc từ bi bác ái ấy nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta được diễn tả qua những hành vi cụ thể thường nhật, nhắm giúp đỡ tha nhân về mặt thể lý và tinh thần, và chúng ta sẽ bị phán xét về những hành vi ấy, đó là: cho kẻ đói ăn, viếng thăm, an ủi, dạy dỗ họ. Vì thế tôi cầu mong rằng “trong Năm Thánh, dân Chúa suy tư về những công việc từ bi bác ái thể lý và tinh thần. Đây sẽ là một cách thức tỉnh lương tâm chúng ta thường bị ngái ngủ trước thảm trạng nghèo đói và để ngày càng đi sâu hơn vào trọng tâm của Tin Mừng, trong đó dân nghèo là những người ưu tiên được lòng thương xót của Chúa chiếu cố” (ibid. 15).

Đức Thánh Cha cũng phê bình những người không muốn nhìn nhận mình là kẻ lầm than cần lòng thương xót của Chúa. Ngài viết: “Đứng trước tình yêu mạnh mẽ như cái chết của Chúa, người nghèo hèn lầm than nhất chính là người không chấp nhận thực trạng của mình. Họ tưởng mình là người giàu có, nhưng trong thực tế họ là người nghèo nhất trong những người nghèo. Thực trạng họ như vậy vì họ làm nô lệ cho tội lỗi, tội thúc đẩy họ sử dụng giàu sang và quyền lực, không phải để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, nhưng để bóp nghẹt nơi họ ý thức sâu đậm theo đó họ không là gì khác hơn là một người hành khất nghèo. Hễ họ càng có quyền bính và giàu sáng, thì họ càng trở nên mù quáng gian dối. Họ đi đến độ không muốn nhìn thấy người nghèo Lazarô ngồi ăn xin nơi cổng nhà của họ” (Lc 16,20-21).

Thật là một nghịch lý khi chúng ta giữ cặn kẽ các điều luật của Chúa mà lại sống thiếu bác ái đối với tha nhân. Chúng ta bằng lòng với việc giữ tỉ mỉ các điều luật ngoại trừ luật bác ái. Chúng ta sẵn sàng gân cổ bênh vực công lý nhưng lại bỏ qua những nhu cầu cần thiết của tha nhân. Cuộc sống xã hội hôm nay còn nhiều người nghèo khổ, nhiều gia đình rơi vào cảnh bế tắc, chúng ta được mời gọi ra khỏi tháp ngà của sự yên ổn và ích kỷ để đến với tha nhân. Thiên Chúa không chỉ ở trong đền đài thành quách, nhưng Người đang bị kỳ thị chống đối nơi những vùng đất chìm trong chiến tranh khủng bố. Thiên Chúa không chỉ hiện diện những đại lộ thẳng tắp tinh tươm sạch sẽ, nhưng Người đang co ro ẩn mình nơi góc phố với những người nghèo không nhà không cửa. Thiên Chúa không ở nơi lễ hội cờ hoa đình đám nhưng Người âm thầm ẩn giấu nơi những người khiêm tốn phục vụ. Ước gì mỗi kitô hữu chúng ta biết đến với Chúa và với tha nhân bằng cả con tim yêu mến, cảm nhận niềm vui sâu xa trong tâm hồn khi thi hành luật Chúa và quảng đại hiến dâng đời mình để phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống đến tận cùng và thể hiện trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, xin cho chúng con dám trao tặng cho tha nhân tất cả những gì lãnh nhận từ nơi Chúa. Xin cho mọi người trên thế giới biết nỗ lực vun trồng sự yêu thương hiệp nhất nơi gia đình và giáo xứ. Xin biết đổi tâm hồn chúng con thành bình da mới để mang lấy hương rượu mới nồng nàn, hầu cho cuộc sống chúng con say men tình mến Chúa và thắm thiết tình nhân loại. Amen. 

Nt. Maria Anh Thư, OP

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần V Thường Niên - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa - Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm: "Mưu sự tại nhân - Thành sự tại Thiên"_ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     MỒNG BỐN TẾT: THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM: "NĂM MỚI SẼ LÀM GÌ ?"_
     THỨ TƯ LỄ TRO: TRỞ VỀ ĐỂ TẬN HƯỞNG LÒNG XÓT THƯƠNG_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Mồng Hai Tết: Tri Ân Ông bà cha mẹ_ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Thánh Lễ Tân Niên, Năm Bính Thân_ Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc
     MỒNG MỘT: LỄ MINH NIÊN BÍNH THÂN 2016
     THÁNH LỄ GIAO THỪA BÍNH THÂN: CẦU XIN PHÚC- LỘC-THỌ. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Giao Thừa: Tống cựu nghinh tân_ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C: ĐÁP LẠI TIẾNG GỌI TỪ THIÊN CHÚA_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C: HÃY RA KHƠI THẢ LƯỚI BẮT CÁ_ Lm. Đan Vinh