Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường
Niên C
ĐÁP LẠI TIẾNG GỌI TỪ THIÊN CHÚA
Trong những ngày qua, từ
nước Mỹ đến Việt Nam đều đang trải qua mùa bầu cử. Mặc dù có sự khác nhau về
cách thức, nhưng về tính chất có thể vẫn giống nhau. Những người làm chính trị
luôn tìm đủ mọi cách để hạ thấp đối thủ và giành cho mình quyền lãnh đạo. Để đạt
được mục tiêu này, họ có thể dùng đến những thủ đoạn chính trị để loại trừ
nhau, nói xấu nhau và khoe khoang những khả năng của mình.
Vào ngày 20/01/2016 vừa qua, tại
Giáo phận Bà Rịa đã diễn ra lễ tấn phong giám mục Emanuel Nguyễn Hồng Sơn. Ngài
đã chọn phương châm cho đời giám mục của Ngài là : Vâng nghe Thánh Thần. Điều
đó cũng phần nào cho thấy, khác với hoạt động chính trị, những ơn gọi, chức bậc
trong Giáo hội không phải là sự giành giật hay do khả năng của đương sự, nhưng
phát xuất từ lời mời gọi của Thiên Chúa và người được gọi đáp trả lại bằng sự cảm
phục trước quyền năng và hoàn toàn vâng theo tiếng của Thiên Chúa mời gọi.
Các bài đọc Lời Chúa hôm
nay diễn tả sự thánh thiêng và kỳ diệu của lời mời gọi này. Tiên tri Isai đã kể
lại ơn gọi Chúa ban cho ông. Vị tiên tri đã được thị kiến một khung cảnh hết sức
uy nghi của Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai toà vinh quang và có các thiên thần
chầu hầu. Các thiên thần không ngớt lời ca tụng tôn vinh Thiên Chúa : Thánh,
Thánh, Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh. Tiếng của các ngài càng làm cho
khung cảnh thêm uy linh, đất trời rung chuyển. Chứng kiến vinh quang của Thiên
Chúa, vị tiên tri cảm thấy mình bé nhỏ và vô cùng tội lỗi, bất xứng trước sự
thánh thiện của Ngài.
Thiên Chúa đã muốn chọn
ông trở thành kẻ nói lời của Ngài. Ngài đã sai sứ thần lấy hòn than đỏ hồng đặt
vào miệng ông và nói : Than hồng đã chạm vào môi ngươi, tội lỗi của ngươi đã được
tha. Hành động này như một sự thanh tẩy cả con người và tâm hồn của Isai, biến
đổi ông trở thành người của Chúa, dành để phục vụ Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa
không bắt ép ông, nhưng Ngài muốn những kẻ được tuyển chọn phải tự do nói lên ý
nguyện của mình. Cũng trong thị kiến đó, vị tiên tri đã nghe thấy tiếng của
Thiên Chúa : Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ? Trong niềm cảm mến và
hoàn toàn tự do vâng phục, vị tiên tri đã thưa lên cùng Chúa : Dạ con đây, xin
hãy sai con. Kể từ đó, Isaia đã trở thành kẻ được Chúa chọn để truyền đạt ý
Chúa cho dân, hướng dẫn dân đi theo đường lối của Thiên Chúa.
Nếu như tiên tri Isai được
nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa qua một thị kiến, thì Tin Mừng Luca cho thấy,
các môn đệ đầu tiên đã hoàn toàn bị chinh phục bởi quyền năng Thiên Chúa nơi Đức
Giêsu và khi Ngài mở lời mời gọi, các ông đã đáp lại một cách nhanh chóng và quảng
đại.
Thánh Luca kể rằng, trước
một đám đông chen lấn để được đến gần Chúa Giêsu, Người thấy hai chiếc thuyền đậu
gần bờ, những người đánh cá đã ra khỏi thuyền để giặt lưới. Ngài bước xuống một
chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon. Người xin ông chèo thuyền ra xa một chút
và ngồi đó để giảng dạy. Chi tiết này cho thấy chắc chắn việc Chúa Giêsu bước
xuống thuyền của Simon không phải là chuyện tình cờ, nhưng qua việc bước xuống
thuyền của ông, Chúa cũng muốn bước vào cuộc đời và tâm hồn ông. Ngài đã mở lời
để xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút, cũng có nghĩa là từ đây, ông được
tách ra khỏi đám đông một chút để ông được ở gần Chúa, bên Chúa và cùng Chúa phục
vụ cho việc rao giảng Tin Mừng.
Giai đoạn thứ hai, Chúa mời
ông đi thêm một bước nữa : Hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá.
Với phản ứng tự nhiên và với kinh nghiệm nghề nghiệp, Simon dường như không muốn
chấp nhận lời mời gọi này, ông đã thưa : Thưa Thầy, chúng tôi đã cực nhọc suốt
đêm mà không được gì cả. Lời thưa của Simon cho thấy sự vất vả luống công của
các ông trong đêm tối. Nhưng giờ đây gặp được ánh sáng từ nơi Chúa Giêsu, ông sẵn
sàng bỏ lại đàng sau những khả năng và những kinh nghiệm cá nhân để vâng phục mệnh
lệnh của Chúa Giêsu : Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới. Họ đã thả lưới và bắt được
rất nhiều cá, đến nỗi phải gọi thêm tàu khác đến chở giùm. Mẻ lưới này là mẻ lưới
quyền năng của Chúa Giêsu và kết quả này là do sự tin tưởng và vâng phục đáp trả
từ phía Simon.
Được gặp Chúa Giêsu, nghe
lời Ngài giảng và hoàn toàn vâng theo Lời Ngài đã đưa đến một mẻ lưới đầy cá lạ
lùng. Simon đã nhận ra Chúa Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng, là Đấng vô
cùng thánh thiện, ông đã sấp mặt xuống dưới chân Chúa Giêsu. Thái độ cung kính
sấp mình như thế là thái độ dành riêng cho Thiên Chúa. Giống như Isaia ngày xưa
khi chứng kiến sự uy nghi của Thiên Chúa thì đồng thời nhận ra sự bất xứng của
mình, Simom hôm nay cũng thế, ông đã khiêm tốn thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin hãy
tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi.
Gặp Đức Giêsu và chứng kiến
mẻ cá lạ lùng khiến cho không chỉ Simon mà Giacôbê và Gioan là những người bạn
chài cũng kinh ngạc và khâm phục. Từ việc xin Simon chèo thuyền ra khỏi bờ một
chút, đến việc truyền cho ông chèo thuyền ra chỗ nước sâu để thả lưới, thì giờ
đây, Chúa Giêsu đã mở ra trước mắt ông một lời mời gọi rộng lớn hơn và đặc biệt
hơn: Đừng sợ, từ nay, anh sẽ là người thu phục người ta. Anh sẽ không còn là kẻ
bắt cá nữa, nhưng anh sẽ bước ra với thế giới, kể cả những chỗ nước sâu nước
xoáy, để đem mọi dân mọi nước về cho Chúa. Anh sẽ không phải là kẻ quyền lực
hay cai trị, nhưng là kẻ mời gọi và thu phục mọi người về cho Chúa.
Trước một lời mời gọi và một
sứ mạng lớn lao như thế, Simon và các bạn chắc chắn chưa hiểu và chưa thể hình
dung hết về sứ mạng ấy, nhưng các ông đã đáp trả một cách nhanh chóng và dứt
khoát: Thế là, họ đưa thuyền vào bờ và bỏ hết mọi sự mà đi theo Người. Một quyết
định tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra là một sự đánh đổi và là một thái độ
hoàn toàn tin tưởng, phó thác cho quyền năng của Thiên Chúa. Chấp nhận đi theo
Chúa, các môn đệ đã phải chấp nhận bỏ lại đàng sau một nếp sống cũ đã trở thành
quen thuộc, đã nhiều năm gắn bó. Họ bỏ lại hết mọi sự, tức là bỏ lại đàng sau
thuyền và lưới có nghĩa là bỏ lại tài sản và của cải, để từ đây có thể thanh
thoát đi theo Chúa, không còn bị bận vướng bởi các thứ của cải trần thế. Bỏ hết
mọi sự, tức là các ông cũng chấp nhận bỏ lại đàng sau các mối liên hệ tình cảm
cha mẹ, vợ con, gia đình, bạn hữu để từ đây, các ông sẽ sống với Chúa Giêsu và
sẽ có mối tương quan mới rộng lớn hơn và thực thi một sứ mạng phổ quát hơn.
Tiếng gọi đến từ Thiên
Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn chờ đợi sự tự do đáp trả của con người. Một khi đã sẵn
sàng thưa tiếng xin vâng để phó trọn cuộc đời cho Chúa, Chúa sẽ dùng người ấy để
nói về Chúa và thể hiện quyền năng của Ngài cho anh chị em. Thiên Chúa cũng đã
bước vào cuộc đời của mỗi chúng ta, Chúa cũng đang muốn mượn chiếc thuyền cuộc
đời của mỗi người. Ngài muốn chúng ta chèo thuyền ra khỏi đám đông một chút để
mỗi người thoát khỏi sự ồn ào của cuộc sống bên ngoài, của công việc, để có thể
dễ dàng truyện trò với Chúa. Chúa muốn mỗi người gặp Chúa qua cầu nguyện và tâm
sự riêng tư với Chúa, nhất là để có thể nghe được tiếng Chúa mỗi ngày.
Hơn nữa, Chúa cũng muốn mỗi
chúng ta chèo thuyền ra chỗ nước sâu hơn để thả những mẻ lưới của sự vâng phục
trong đức tin. Hãy ra khỏi sự êm ấm và những tiện nghi sẵn có và an toàn của
mình, để có thể đến với anh chị em chung quanh. Hãy đến với những người trong
gia đình, những người đang đau khổ bất hạnh, những người đang bị bỏ rơi ngay
bên lề cuộc sống của chúng ta. Chèo thuyền ra chỗ nước sâu để thả những mẻ lưới
của tình yêu thương, sự thông cảm, sự quan tâm vào sâu trong lòng người khác, đụng
chạm đến trái tim và tâm hồn chứ không chỉ là sự quan tâm hời hợt bên ngoài.
Trước vinh quang thánh thiện
của Thiên Chúa, con người luôn bất xứng vì thấy mình thấp hèn và tội lỗi. Thiên
Chúa không quan tâm đến quá khứ tội lỗi, Ngài cũng không đặt bất cứ điều kiện
nào cho kẻ Ngài mời gọi ngoại trừ sự vâng phục và hoàn toàn quảng đại từ bỏ mọi
sự để theo Chúa. Ngày nay, với cuộc sống sung túc hơn, sự lôi kéo mời chào của
vật chất và lối sống hưởng thụ dễ dãi, khiến cho nhiều người, đặc biệt là giới
trẻ ngại ngùng không dám đáp lại lời mời gọi của Chúa. Lời Chúa nói với Simon
cũng là nói cho mỗi chúng ta: Đừng sợ, từ nay, anh, chị sẽ trở nên kẻ chinh phục
người ta. Xin cho chúng ta đừng nại vào bất cứ một lý do hoặc một khó khăn nào
để thoái thác lời mời gọi này. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức
Trí – Gp. Xuân Lộc