LỄ THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ
Lời Chúa: Lc 6, 12 – 19
Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-mon mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đon đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Suy niệm:
Có một lần, khi đang dâng thánh lễ, một em Giúp Lễ đã không làm theo đúng ý tôi, tôi đã cốc đầu em một cái rất mạnh và trách em : “ Con đã giúp lễ cho cha biết bao năm rồi mà lại không hiểu ý cha à?!”. Hôm nay, khi suy niệm bài Phúc Âm theo thánh Luca trong ngày lễ kính hai Thánh Tông Đồ Simon và Giuđa, tôi sực nhớ lại câu chuyện đó và tự hỏi: Biết bao nhiêu lần Chúa Giêsu đã phải “chịu đựng” các Tông Đồ và cũng đã phải “chịu đựng” cả tôi nữa!
Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông Đồ. Một số nhà chú giải cho rằng Chúa cầu nguyện lâu như vậy là vì việc chọn gọi các Tông Đồ rất quan trọng đối với Chúa. Nhưng theo tôi, Chúa cầu nguyện lâu như vậy không phải vì việc chọn gọi khó khăn, nhưng là để xin cho các Tông Đồ sống trọn vẹn và sống đúng ơn được gọi được chọn của mình. Được gọi, được chọn thì dễ, nhưng để sống hoàn hảo và sống đúng ơn gọi của mình mới thật là khó, cần rất nhiều ơn lành của Thiên Chúa.
Theo Chúa bao nhiêu năm rồi, được Chúa dạy bảo bao nhiêu điều rồi, được chiêm ngưỡng cách sống của Chúa tận mắt rồi, thế mà khi Chúa nói đến cuộc khổ nạn của Ngài, Tông Đồ Trưởng Phêrô vẫn không hiểu, nên can ngăn khiến Ngài quở mắng là “đồ quỷ” (Mt 16,21-23). Cũng vậy, hai anh em Giacôbê và Gioan, mặc dù vừa nghe Chúa loan báo cái chết đau thương của Ngài, nhưng họ vẫn như hai người điếc, ngang nhiên xin xỏ Chúa cho “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả” khi Chúa “bước lên ngai vàng” (Mc 10,35-40). Chính ở đây, ta mới thấy hé mờ sự chịu đựng của Đức Giêsu trước các tật xấu và chậm hiểu của các Tông Đồ. Rồi nhất là khi Chúa bị bắt, bị giải đến dinh Thượng Tế Cai Pha, thì không còn thấy mặt một Tông Đồ nào, những người mà trước đó đã thề sống thề chết rằng họ sẽ không bỏ Thầy, không chối Thầy... Simon và Giuđa cũng trong số ấy (x. Mt 26,56b). Ôi bao nhiêu năm dạy dỗ đã trở thành công cốc!!! Thật đáng tiếc cho Đức Giêsu. Điều làm cho tôi hết sức ngạc nhiên là sau này, khi Phục Sinh, chúng ta không bao giờ thấy Chúa “lôi” lại chuyện xưa để trách mắng các Tông Đồ nữa. Thế mới biết Chúa Giêsu phải chịu đựng các ông biết là chừng nào !
Nhưng thật ra, Chúa Giêsu không chỉ “chịu đựng” các Tông Đồ mà thôi, nhưng ngày nay, từng giờ từng phút, Ngài vẫn tiếp tục chịu đựng chúng ta với biết bao nhiêu là tật xấu, khuyết điểm và bất toàn của chúng ta. Chúng ta có thể là các Kitô hữu đạo gốc, là những tu sĩ đã sống lâu năm trong đời tu, là những linh mục được huấn luyện kỹ càng về ơn gọi và sứ vụ của mình... thế nhưng chúng ta chưa sống đúng ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi tu sĩ và linh mục như lòng Chúa mong ước. Xét theo một khía cạnh khác, thay vì chúng ta đang là các môn đệ đi theo Chúa, nâng đỡ Chúa thì giờ đây trở thành “gánh nặng” cho Chúa, khiến Chúa phải chịu đựng, phải ưu tư lo lắng.
Mừng lễ kính hai thánh Tông Đồ Simon và Giuđa hôm nay, chúng ta có dịp xét lại cách sống ơn gọi hiện tại của mình xem có đúng như Chúa mong muốn chưa để rồi điều chỉnh lại. Cũng nhờ cơ hội này, chúng ta thấy Chúa không hiện ra nhãn tiền để phàn nàn hoặc trách móc về lối sống của chúng ta. Ngài không phàn nàn trách móc không phải vì ta vô tội và thánh thiện, mà chỉ vì Ngài yêu thương, nhẫn nại và chịu đựng chúng ta. Bởi “nếu Chúa cứ nhớ hoài sự lỗi”, thì “nào ai chịu nổi được ư ?”(TV 129).
Lm. Nguyễn Đức Ngọc.