CHÚA NHẬT TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN B
Đâu là con đường Đức Tin? Trước tiên đó là nhận thức sự nghèo khó và bần cùng của mình. Sự nhận thức ấy mở ra ước muốn gặp gỡ Đấng có thể lấp đầy mọi khoảng trống. Đấng đó là Chúa Giê su, Ngài sẽ đến và hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Rồi chúng ta còn cần phải chiến đấu chống lại sự thống trị của môi trường chung quanh, của thế giới tội lỗi đang tìm mọi cách để lôi kéo chúng ta xa lìa con đường mà chúng ta đã chọn lựa.
Sách Tiên tri Giê rê mia :
Trong những lời sấm an ủi, Giê rê mi a bảy tỏ niềm hân hoan trước ơn Cứu độ mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho Dân Người đang lâm cơn nguy biến, vì bị lưu đày. Trước lòng thống hối của họ, Thiên Chúa tha thứ và muốn gọi họ trở về đất hứa. Thiên Chúa vẫn luôn luôn trung thành với Giao Ước của Người: tất đều được mời gọi hưởng niềm Vui.
Thánh vịnh 125:
Thánh vịnh nầy được xếp vào lọai ‘Thánh vịnh lên đền’, được hát lên khi các đoàn hành hương trẩy hội tiến về Giê ru sa lem vào những dịp lễ lớn. Thánh vịnh nầy tưởng nhớ cuộc trở về của những người bị lưu đày.
Thư Do thái:
Bản văn chúng ta đọc hôm nay dường như không nằm trong đường hướng ý tưởng các bản băn Phụng vụ khác. Nó cho thấy chức thượng tế Đức Ki tô khác hẳn với chức tư tế của các Thầy Lê vi như thế nào, dù cả hai đều thi hành một chức năng như nhau: là Thượng tế, tức là trở thành người trung gian, chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa và con người. Đức Ki tô đã thực hiện một cách mĩ mãn sứ vụ của mình khi trở thành nơi gặp gỡ quyết định giữa Thiên Chúa và loài người trong chính bản thân.
Tin mừng: Mc 10, 46b-52
NGỮ CẢNH
Cùng với trình thuật phép lạ chữa lành người mù Giêrikhô nầy, Mác cô kết thúc phân đoạn trung tâm sách Tin Mừng bắt đầu từ 8,27 đến 10,52 và khởi đầu một phân đoạn mới.
Mở đầu bằng câu 46, Mác cô nói rằng khi ra khỏi thành Giêrikhô, có các môn đệ và một đám đông đi theo Chúa Giê su. Rồi ở câu 52 kết thúc, tác giả cho biết anh mù khi được sáng mắt, đã “đi theo Ngài trên con đường Ngài đi”. Do vậy, trình thuật nầy đề cao việc người môn đệ đi theo Chúa Giê su. Anh mù được sáng mắt trở thành người môn đệ mẫu mực, và phép lạ đã thực hiện một sự thay đổi nền tảng nơi người muốn thực sự đi theo Chúa Giê su.
TÌM HIỂU
Đến thành Giêrikhô: cả ba tin mừng nhất lãm đều có nhắc tới chặng dừng chân ở Giêrikhô trên hành trình tiến về Giêrusalem. Theo lịch trình của Mác cô thì Chúa Giê su và nhóm Mười hai từ bờ bên kia sông Giorđanô đến đó (10,1). Trong khi Mác cô đặt trình thuật nầy vào lúc Chúa Giê su vừa đến Giêrikhô, thì Mát thêu đặt phép lạ khi Chúa Giê su và nhóm môn đệ ra khỏi thành Giêrikhô.
Batimê: Khác với các tác giả khác, Mác cô cho biết tên và nghề nghiệp của người mù.
Con Vua Đa vít: đây là tước hiệu Thiên sai bình dân gán cho Chúa Giê su báo trước lời tung hô của quần chúng khi Người vinh hiển tiến vào thành Giêrusalem (Mc 11,10). Đây là lần đầu tiên Chúa Giê su được gọi là Con Vua Đa vít trong Mác cô, là tin mừng không chép lại gia phả của Chúa Giê su, cũng không nói đến Bết lê hem, kinh thành của Vua Đa vít nơi Người giáng sinh.
Nhiều người: chúng ta nên chú ý đến tính cách rất linh động, nhiều màu sắc trong trình thuật (đám đông người chung quanh, tiếng kêu lặp lại nhiều lần của Batimê, ngưòi mù quẳng chiếc áo choàng của mình và chạy đến Chúa Giê su), như vẫn thường thấy trong nhiều trình thuật của Mác cô (đặc biệt x. 5,21-43; 9,14-27).
Người ta gọi anh mù: câu 49 và 50 đặc biệt của Mác cô, tạo cho trình thuật một hoạt cảnh sống động như thật.
Thưa Thầy (Rabbôni): cách gọi nầy đặc biệt trong Mác cô mới có (Mt và Lc chỉ có cách gọi: Lạy Thầy) (x. Mc thích để nguyên ngữ Aram: 5,41; 7,34). Tiếng ấy có nghĩa là Thầy ơi giống như Rabbi (9,5) nhưng có vẻ thân mật hơn. Gioan thì đặt lời nầy trong miệng của Maria Mađalêna khi nhận ra Chúa phục sinh (Ga 20,16).
Lòng tin của anh đã cứu anh!: ngoại trừ ở đây, kiểu nói chỉ xuất hiện trong Mc thêm một lần nữa ở 5,34. Nhờ vào lòng tin của mình, Batimê được chữa lành và được cứu độ ngay tức khắc.
Tức khắc: kiểu nói Mác cô ưa dùng (x: 1,12.20; 2.12; 5,30) làm nổi bật quyền năng chữa bệnh siêu phàm của Chúa Giê su (so với trường hợp chữa lành không xảy ra tức thì được kể lại trong 8,22-26).
Đi theo Người trên con đường Người đi: Anh mù nhận ra Chúa Giê su như là Con Vua Đa vít, lấy lại thị giác và ngay liền đó đi theo Người như một người môn đệ (1,18;2,14). Con đường là một chủ đề đặc biệt xuyên suốt đoạn 8,22-10,52. Xem 8,27; 9,33; vv..
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng Chúa Giê su đi ngang qua Giê ri cô.
Chuyến đi ngang qua Giê ri cô nầy là chặng đường chót đến Giê ru sa lem và đồng thời cũng hướng về cuộc Khổ nạn. Cuộc gặp gỡ của người mù có thể củng cố thêm ĐỨC TIN cho các môn đệ vừa được nghe loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê su như một thử thách lớn. Hơn nữa, Chúa Giê su trình bày cho họ một mẫu Đức tin đồng thời thực thi quyền năng của Ngài trên mọi bệnh hoạn tật nguyền.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng biết mình mù thật là bước khởi đầu được Thiên Chúa cứu chữa. Có thể nói đôi mắt mù của anh Ba-ti-mê còn sáng hơn cả đôi mắt sáng của hai tông đồ Gia-cô-bê và Gio-an (và của mưòi tông đồ kia), vì trước câu hỏi của Chúa Giê-su: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" thì hai ông Gia-cô-bê và Gio-an đã không ngần ngại xin: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang" trong khi anh Bar ti mê chỉ xin: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được." Và bằng chính đôi mắt được chữa lành, anh Bar ti mê đã trở thành người môn đệ mẫu mực, hăng hái đi theo Chúa Giê su trên đường Thập giá bỏ lại sau lưng những người môn đệ kia, thất thểu lê bước..đi trên con đường chẳng đưa tới đâu.
TIN MỪNG HÔM NAY ĐÒI CHÚNG TA
Nhìn nhận tình trạng mù lòa thiêng liêng của chúng ta.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thấy rõ sự mù lòa của chúng ta trước Tin mừng. Chúng ta phải trở thành một quyển TIN MỪNG mở ra cho những người khác để họ có thể đọc khi nhìn chúng ta sống. Tiếc thay, thường thì chúng ta lại sống theo lí tưởng trần tục hòan toàn xa lạ với TIN MỪNG của Chúa Giê su Ki tô. Như Bar ti mê, người mù Giê ri cô, chúng ta hãy kêu lớn sự khốn khổ của chúng ta.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng Bar ti mê kêu cứu đến lòng nhân từ của Chúa Giê su.
Nghe biết Chúa Giê su đi ngang qua, Bar ti mê, con của Ti mê, diễn tả niềm TIN bằng cách kêu cứu đến lòng Nhân lành của Chúa Giê su. Anh tin vững vàng rằng Chúa Giê su là Đấng Messia Thiên Chúa đã hứa, bởi vì anh gọi Ngài là “Con Vua Đa vít”. Không quan tâm đến việc đám người chung quanh ngăn cản, tìm cách bắt im tiếng, anh lớn tiếng bảy tỏ Đức tin của mình với Đấng Cứu độ đầy lòng thương xót.
TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA
Rằng DANH Chúa Giê su là toàn năng.
Chúng ta có thể dùng lời kêu xin của Bar ti mê để cầu nguyện vì đó là tiếng kêu của ĐỨC TIN. Cha mẹ nào cũng rất vui khi nghe gọi tên con mình, nên Chúa Giê su dạy chúng ta: “Tất cả những gì các người cầu xin cùng Cha ta nhân danh Ta thì sẽ được nhậm lời” (Ga 14,13). Bởi thế, lời cầu của Bar ti mê rất hiệu quả nơi Tình thương của Thiên Chúa và có thể trở thành lời kinh không ngừng vang lên trong chúng ta như đã được Chúa Giê su dạy trong Tin mừng Lu ca 21,36: “Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Lời cầu nguyện đơn sơ đó, chúng ta có thể lặp lại theo nhịp thở trong cuộc đời chúng ta, thậm chí trong cả giấc ngủ của chúng ta. “Lạy Chúa Giê su, con Vua đa vít, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”. Hãy kêu cầu Người để biết Lời cầu nguyện của Đức tin kì diệu như thế nào. Nhân DANH cực thánh của Chúa Giê su, chúng ta có thể nhận được tất cả những gì chúng ta cầu xin.
TIN MỪNG HÔM NAY ĐÒI CHÚNG TA
Kêu lên Thiên Chúa bằng những lời nguyện ngắn.
Đó là những lời nguyện ngắn gọn phát xuất từ tâm hồn chúng ta dọc theo suốt cuộc sống hằng ngày để kêu xin Thiên Chúa cứu giúp trong mọi hòan cảnh, để mời Người đến với cuộc sống của chúng ta, để cho lòng chúng ta như một ngọn đèn cháy sáng sẵn sàng phục vụ. Khi YÊU THƯƠNG, ta không để người yêu biến khỏi ánh mắt.. ngay cả khi ở xa, tâm hồn vẫn thổn thức nhớ đến người yêu. Càng cảm nghiệm Đức tin, lời nguyện của chúng ta càng sống động.
TIN MỪNG HÔM NÓI VỚI CHÚNG TA
Tin mừng hôm nay có nói với chúng ta không? Bartimê, chính là hiện thân nơi mỗi người chúng ta. Người mù, là chính chúng ta. Biết bao lần chúng ta mù lòa trước các dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa như một nụ cười, một tình thân ái. Rồi chính chúng ta, có khi chúng ta nói: “Tôi không biết tôi đang ở đâu. Tôi mất phương hướng. Tôi không còn thấy rõ nữa. Có nhiều người tôi không muốn thấy. Rõ ràng có nhiều cái mù lòa trong đời sống chúng ta.
Tin mừng cho biết, người mù cũng là người ăn xin. Và mỗi người trong chúng ta cũng là người ăn xin. Hoặc đúng hơn, chúng ta phải là người ăn xin. Vấn đề của người ăn mày không phải chỉ có việc xin của bố thí. Điều cần thiết là phải mở rộng tâm hồn và sẵn sàng đưa tay về phía Thiên Chúa để khỏi phải cam chịu kiếp sống mù lòa. Đó là một trong các mối phúc mà chúng ta đã nghe: Phúc cho những ai nghèo khó trong tâm hồn, những ai hòan tòan hướng về phía Chúa và rộng mở trước tình yêu phong phú của Người. Những người đó sẽ được no thỏa.
Lm. Phao lô Nguyễn Văn Đông.