THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT 02 PHỤC SINH
(Ga 3, 1-8)
Suy niệm:
Câu chuyện Tin Mừng xoay quanh cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô – người thuộc phái Pharisiêu.
Mở đầu câu chuyện, thánh Gioan giới thiệu rất rõ thân thế và sự nghiệp của Nicôđêmô, một người có thế giá. Ông đến gặp Chúa Giêsu vào thời khắc lạ thường, nội dung đề cập cũng không chung nhịp với suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Do Thái thời đó. Ông ngưỡng mộ Chúa Giêsu, ông gọi Chúa Giêsu là Thầy, là vị tôn sư, là người của Thiên Chúa (x.Ga 3, 2). Ông là người thông thạo luật Môsê nhưng lại không hiểu được chân lý mà Chúa Giêsu mạc khải. Chân lý đó dựa trên nền tảng là Luật Mới – Luật Yêu Thương. Luật Cựu ước xưa nay vốn dựa trên luật nhân – quả : có công được thưởng, có tội sẽ bị trừng trị. Tất cả những điều khoản trong luật được liệt kê rất rõ ràng và hướng dẫn rất cặn kẽ. Cứ chiếu theo luật có lẽ người phụ nữ ngoại tình đã bị ném đá cho đến chết ; Giakêu cũng chẳng có cơ hội làm lại cuộc đời và sẽ không có tông đồ Mathêu, tác giả sách Tin Mừng thứ nhất.
Tin mừng không nói rõ sau lần gặp gỡ này ông Nicôđêmô có trở nên môn đệ Chúa Giêsu hay không và nếu đọc tiếp những câu sau, chúng ta không nghe ông nói gì thêm nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp lại ông trong biến cố liệm xác Chúa Giêsu (x. Ga 19, 39). Có thể ông chỉ âm thầm theo Chúa xa xa, vì trên ông là cả một cơ chế pháp lý và một truyền thống tôn giáo lâu đời. Ông không dám công khai rẽ sang một lối khác. Nicôđêmô ơi, ông có thể là thánh trong Cựu ước, nhưng Chúa Giêsu nói, một người nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan Tẩy giả kia mà. Ông đang ngồi đối diện với Chúa Giêsu, thế nhưng ông chẳng thấy, chẳng nghe gì cả. Ông cần được “Ơn Trên” soi sáng, ông cần được thay tim, thay não. Ông cần được Thánh Thần làm mới lại tất cả nếu muốn tham dự vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa.
Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta đọc lại bài Tin Mừng này chắc hẳn Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong đời sống Kitô hữu của mình. Chúa Giêsu Phục Sinh đã thổi vào Giáo Hội một luồng sinh khí mới, một sức sống mới. Chính sự sống ấy đã nuôi dưỡng và làm phát triển Giáo Hội trong suốt hơn 2000 năm qua. Các môn đệ từ những con người nhát đảm, sợ sệt trở thành những chứng nhân can đảm và tuyệt đối trung thành với Thầy Chí thánh chính là nhờ được Thần Khí thanh luyện đó thôi. Hôm nay đến lượt tôi, Chúa cũng muốn biến đổi tôi trở nên khí cụ để xây dựng tình yêu thương và hiệp nhất trong Giáo Hội.
Mẹ Têrêsa Calcutta trong kinh nghiệm sống với Chúa và phục vụ người nghèo đã chia sẻ rất thật về thân phận con người trước tình thương bao la của Chúa: “Chúa yêu thương tôi không phải vì tôi tốt lành nhưng tôi đã cố gắng trở nên tốt vì tôi tin rằng Chúa yêu tôi”. Khi con người cố gắng trở nên tốt đó là tín hiệu tốt để Thiên Chúa có thể thực hiện quyền năng của Ngài trên con người đó. Những cố gắng đó được thực hiện dựa trên lòng tin - sản phẩm của Thần Khí. Thiết nghĩ, Nicôđêmô đã đi được một nửa hành trình đức tin, nghĩa là cố gắng trở nên tốt nhưng ông chưa buông lỏng cuộc đời ông trong lòng bàn tay Thiên Chúa nên ông vẫn còn khắc khoải đi tìm chân lý.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã phục sinh hơn 2000 năm nay và cuộc đời con đã đi qua không biết bao nhiêu mùa Phục sinh. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu lần con tự hỏi vì ai mà Chúa chấp nhận đi vào cuộc đời ? Vì ai mà Chúa đành chấp nhận mang thân phận con người yếu đuối và mỏng dòn? Xin cho con biết can đảm mở lòng ra để cho Chúa chạm vào những chỗ sâu nhất trong con, phá vỡ những tự mãn kiêu căng, loại trừ những tỵ hiềm ganh ghét để con được thanh thoát cùng với Chúa đi từ cõi chết đến cõi sống, đi từ sự sợ hãi đến hăng hái loan truyền tin vui Phục Sinh cho thế giới hôm nay.
Nt. Lan Chi