TỔ TIÊN VÀ DÒNG HỌ
KHUNG CỬA ĐANG RỘNG MỞ CHÀO ĐÓN TIN MỪNG
Mùa
thu 1965, bắt đầu năm học lớp Đệ Nhị của Tiểu Chủng viện Qui Nhơn, tôi được
nghe đọc và giải thích Thông cáo của các Giám mục về việc Tôn kính Ông bà Tổ
tiên. Đó cũng là thời điểm tôi bắt đầu tò mò ghi chép và chắp nối những thông
tin về dòng tộc của mình. Hai câu chuyện cứ đan dệt với nhau trong hồn tôi và
cùng phát triển cho đến năm 1990, thì bắt đầu trào tuôn thành một dòng chảy.
Chúa Quan phòng đã thương ban cho tôi một cảm nghiệm và khám phá mục vụ lý thú:
Câu chuyện thờ cúng tổ tiên không chỉ có chiều kích về với cội nguồn mà còn là
chuyện gặp gỡ anh em cùng dòng họ.
Kỷ
niệm 50 năm áp dụng huấn thị của Tòa thánh về việc Tôn kính Ông bà Tổ tiên, có
nhiều khía cạnh để nói: đức tin, phụng tự, văn hóa, vv… Riêng bài này xin đề cập
tới khía cạnh loan báo Tin mừng. Đã qua rồi những thế kỷ trong đó việc Tôn kính
Ông bà Tổ tiên là một trở ngại, đã đến lúc đây lại là cánh cửa mở ra đầy hy vọng.
CỘI NGUỒN, TỪ ĐƯỜNG, GIA PHẢ
Người
chưa có đức tin Kitô giáo thì bảo tôi được Tổ tiên phù hộ, người có đức tin thì
bảo tôi được ơn Chúa Quan phòng. Chiều 11-9-1990, 15 năm sau ngày thụ phong
linh mục, tôi về Hà Tĩnh thắp hương ra mắt Tổ tiên tại từ đường dòng họ chúng
tôi ở Hà Hoàng, do những anh chị em ngoài Công giáo quản lý. Chiều hôm sau, tôi
trở lại từ đường cùng với khoảng ba mươi người Công giáo từ giáo xứ quê nhà của
tôi, có người trong dòng họ, có người ngoài, và cùng cử hành thánh lễ tại đó với
sự hiện diện của khoảng bốn mươi người ngoài Công giáo cùng dòng họ. Hôm trước
là sự tìm về của một giọt máu, hôm sau là sự trở về của một nhánh họ, sau hơn
hai trăm năm xa cách. Hôm sau nữa tôi lên đường ra Bắc, với ước mơ tìm viếng
ngôi mộ vị thủy tổ hồi thế kỷ IX tại Hải Dương. Lạ thay, nhờ những giúp đỡ bất
ngờ, tôi đã tìm được rất nhanh: một người vừa nghe biết tôi đi tìm mộ đã chỉ
cách đến đó nhanh nhất, một người vừa nghe biết tôi mong tìm đọc gia phả đã cho
tôi địa chỉ người quản lý gia phả, với tên đường và số nhà chính xác…
Khi
tôi dâng lễ tại từ đường, có thể một số người còn tự hỏi tôi thật lòng hay chỉ
đóng kịch bên ngoài. Đến lúc nhận được những tấm ảnh tôi gửi về, chụp toàn cảnh
ngôi mộ tổ, kèm với bản đồ đường đi tới đó và đường tới nhà người quản lý gia
phả, ai nấy đều bảo rằng tôi là một người có hiếu với Tổ tiên và có lòng với họ
hàng, dòng tộc. Tin loan nhanh khắp các nhánh họ Võ tỉnh Hà Tĩnh, và cả bên
ngoài ranh giới tỉnh ấy. Người ta vui không phải vì một kẻ đi hoang trở về,
cũng không phải một người đi học phương xa đem lại cho quê nhà những điều mới lạ,
nhưng vui vì có thêm một người cùng chen vai gánh vác việc chung, với những
sáng kiến bất ngờ đầy ý nghĩa…
Đã
hơn hai trăm năm, những người Công giáo ở phía bên này đường cái quan, còn những
người khác đức tin ở phía bên kia, cách nhau một quãng đồng, không qua không lại.
Bỗng dưng sau thánh lễ hôm ấy, những con người tưởng chừng đã xa lạ lại trở nên
gần gũi. Cuộc sống thay đổi, mấy năm sau, cụ tộc trưởng bảo tôi: “Từ đó, dòng họ
nhà ta đâm chồi nẩy lộc, như bí như bầu!”.
Không
chỉ là việc thắp nhang nhưng còn là cội nguồn và dòng họ
Hai
mươi lăm năm sau việc áp dụng huấn thị Plane compertum est (từ
1965-1990), người Công giáo chỉ mới bận tâm một điều là dư luận “theo Đạo là bỏ
Ông bỏ Bà”, không chịu cúng giỗ Ông Bà… Thật ra còn những điều khác nữa:
+
Việc thắp nhang gắn với từ đường và ngày giỗ
+
Từ đường và ngày giỗ gắn với gia phả và dòng họ
+
Bỏ cúng giỗ không chỉ là bỏ Ông Bà mà còn là xa anh em dòng họ.
CHUNG MỘT THAO THỨC – ĐỒNG CẢM
Mười
lăm năm sau chiến tranh, việc đi lại khắp các miền đất nước trở thành dễ dàng.
Người ta thăm viếng nhau, tìm kiếm tung tích những người thất lạc và tìm kiếm họ
hàng, nối bản thân, gia đình và gia tộc mình với gốc tổ. Người ta photocopy những
thông tin tìm được và chia sẻ với nhau. Tôi nhận được hàng chục bản sao gia phả
những nhánh họ cùng phát tích từ Hà Hoàng, những nhánh từ các huyện khác nhau của
Hà Tĩnh, những nhánh ở Nghệ An, cả những nhánh đã di cư vào Lâm Đồng và Đồng
Nai…
Năm
1996 đến dự một buổi hội thảo tại Hà Nội bàn về họ Võ gốc Hà Hoàng, tôi được biết
người ta đã hình thành nhiều ban liên lạc họ Võ. Mấy năm sau các ban liên lạc
này liên kết với nhau thành Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ Việt Nam. Lên mạng internet,
ta thấy rất nhiều dòng họ đã liên kết với nhau từ địa phương tới trung ương, tiến
đến thành lập Hội Đồng Dòng Họ cả nước. Ngày càng nhiều những đại hội toàn quốc
của các dòng họ, có dòng họ còn phát hành cả thẻ hội viên...
Cùng
lúc, trước tình cảnh việc học sa sút, nhiều gia tộc đã tổ chức việc khuyến học
cho con em; nhiều từ đường được tôn tạo hoặc xây mới; nhiều tác phẩm nghiên cứu
riêng về từng dòng họ được ấn hành. Những sự kiện từ dưới lên đã cộng hưởng với
các ban liên lạc hoặc Hội đồng Dòng họ từ trên xuống, tạo nên một luồng văn hóa
lôi cuốn cả sự chú ý của tổ chức UNESCO.
Vào
Google và gõ: "gia phả - dòng họ - nguồn cội", chỉ trong 6 trang, ta
đã đọc thấy 18 trang web riêng của các dòng họ:
trinhtoc.com, hovuvovietnam.com, donghoninh.wordpress.com, nguyendac.com, hophamlangnhuong.com, hodinhvietnam.com, hothaicamlo.info, hodangbinhnghi.com, hodovietnam.vn, hohoanghuynhvietnam.vn, hopham.org,mactoc.com, hokhuatvietnam.org, hothan.org,danggia.org, hotvietnam.org, dangtocvietnam.com, trandang.net
Mỗi
người có thể gõ tìm "nguồn gốc họ X" và dễ dàng tìm được thông tin của
dòng họ mình, cả những họ ít gặp như họ Trình, họ Lữ, họ Lại, họ Thân, họ Kiều...
Gõ
"ban liên lạc dòng họ X" hoặc "đại hội dòng họ X", ta còn
có thể khám phá ra rằng việc liên kết các họ tộc không dừng lại trên các phương
tiện thông tin mà còn đi vào hoạt động thực tế khá rầm rộ.
Người
ta không khép lại riêng với dòng họ mình. Trên bước đường lý thú này, tôi còn
nhận được sự đồng cảm của những người khác dòng họ. Cả người họ Nguyễn, họ Mạc,
họ Văn đã đến thăm tận phòng tôi và tôi cũng đến đáp lễ tận nhà họ… chỉ để trao
đổi kinh nghiệm về việc kiếm tìm và trao đổi những thông tin mới…
Một
trong các bản sao gia phả tôi nhận được, ghi rằng người em vị tổ đời thứ tư của
Võ tộc Hà Hoàng không vô tự nhưng con cháu hiện ở tại làng Chánh Trạch, huyện
Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Do đó, khi quay về sống tại Qui Nhơn, tôi đã rảo khắp
các huyện xã Bình Định để kiếm tìm chứng từ trên giấy trắng mực đen, và cuối
cùng đã tìm thấy.
MỘT CƠ HỘI MỚI… LẠI SẮP VUỘT
MẤT?
Phong
trào liên kết dòng họ phát triển hết sức nhanh. Trên mạng, mỗi dòng họ không phải
chỉ có một website… Đọc thử một số thông tin, ta sẽ thấy chỉ dăm tháng sau đại
hội dòng họ cấp tỉnh một nơi nào đó, các đại hội cấp thành phố, huyện và thị xã
đã nối đuôi theo.
Số
nhà thờ dòng họ tân tạo ngày càng nhiều (“nhà thờ” là một kiến trúc biệt lập,
dành riêng cho việc thờ phụng, phân biệt với “từ đường” là gian thờ trong nhà vị
trưởng tộc, thường có tính cách hạn hẹp trong vòng ba hay bốn đời). Trên địa
bàn tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến giữa tháng 10-2013, chỉ riêng dòng họ Võ đã
có thêm ba nhà thờ mới, hai do bà con góp sức chung công, một do những người
khá giả trong gia tộc… Cùng lúc, có những nhóm đồng tộc nghèo và ít người,
không sao làm nổi nhà thờ riêng. Có lẽ chính cái nghèo ấy đang biến họ thành đối
tượng của lòng thương xót Chúa: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước
Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Chính Thiên Chúa là Cha nhân ái đang dành
cho họ một mái nhà chung, nhà thờ hay từ đường trăm họ, nơi Ngài quy tụ dân
nghèo của Ngài.
Phong
trào có một ưu điểm là vượt trên ranh giới địa phương, không phân biệt lương
giáo. Nếu người Công giáo biết quan tâm nhập cuộc thì đây là cơ hội rất tốt để
hòa đồng với bà con cùng dòng họ.
Phong
trào này thúc đẩy người ta tìm dựng lại gia phả, lập lại từ đường, tổ chức lại
các ngày giỗ chung (ở miền Trung gọi là "tế hiệp"). Một số bà con ở
thôn quê cảm thấy an tâm vì giờ đây đã có một chỗ dựa, đã được thuộc về một tổ
chức sinh hoạt văn hóa, vừa mang tính huyết tộc, vừa mang tính tâm linh. Cũng
có thể vì thế họ thấy không cần phải có một tôn giáo... Đây cũng là điểm đáng
cho các giới chức Công giáo suy nghĩ khi theo đuổi ước mơ chia sẻ Tin mừng với
đồng bào.
Trào
lưu văn hóa tâm linh này còn song đôi với sự bùng phát những tin tưởng về phong
thủy, dễ khiến người lương thêm khép lòng lại với Tin mừng. Ngược lại, nó cũng
ôm theo cả những mâu thuẫn, khiến người ta lúng túng. Nếu người Công giáo biết
dấn thân nhập cuộc kịp thời thì đây lại có thể thành một cơ hội mới của Tin mừng,
cơ hội đem lại ánh sáng cho những mảng kiếm tìm còn tăm tối, cơ hội để giúp mọi
người nhận ra chỉ có một Thiên Chúa là Cha Chung, là Nguồn Cội đích thật duy nhất.
Nếu nhập cuộc, ta sẽ thành đồng hội đồng thuyền; nếu không, một lần nữa, ta lại
thành kẻ bên lề, xa lạ…
MỘT MÁI TỪ ĐƯỜNG CHO TRĂM HỌ
Ta
vẫn bảo nhau: Loan báo Tin mừng là đến với anh em và đưa anh em về với Chúa. Đức
Thánh Cha Phanxicô còn bảo rằng: Giáo hội ngày nay phải “đi ra”. Tại Việt Nam,
con đường anh em cùng dòng họ có lẽ là con đường dễ nhất để ta đến với người và
giúp người đến với ta. Nó là con đường của gặp gỡ, và nhờ đó, xóa mờ những ngộ
nhận.
Sau
tết Quý Tỵ 2013 tại giáo xứ Song Mỹ thuộc giáo phận Nha Trang, một số bạn trẻ họ
Võ đã có sáng kiến xin cha sở một thánh lễ cầu nguyện cho những người cùng họ
còn sống và đã qua đời. Với bức tâm thư trang trọng gửi đến mọi gia đình họ Võ
trong giáo xứ, đã có trên 100 người đến dự lễ. Sau thánh lễ hơn 50 người đã ở lại
gặp nhau tại hội trường giáo xứ. Họ chia sẻ tâm tình thật chan hòa rồi thảo luận
sôi nổi và đi đến bốn quyết định: Thứ nhất, đề cử ra một ban liên lạc họ Võ
Công giáo của giáo xứ; thứ hai, mỗi lần có người họ Võ trên địa bàn giáo xứ qua
đời, sẽ tặng một vòng hoa phúng điếu ghi dòng chữ: "Ban Liên lạc họ Võ
Công giáo giáo xứ Song Mỹ thành kính phân ưu"; thứ ba: anh chị em đồng tộc
Công giáo sẽ nhắc nhau sống tốt hơn để khỏi phụ lòng bà con đồng tộc ngoài Công
giáo; Thứ tư: Từ đây về sau, mỗi năm tới ngày này, đều xin lễ như thế và mỗi
gia đình họ Võ Công giáo sẽ mời một gia đình họ Võ người lương đến dự thánh lễ.
Có thể lắm người được mời sẽ không đến nhưng nhiều người khác sẽ đến. Họ sẽ hiểu
thế nào là gia đình con cái Chúa, sẽ hiểu cách người Công giáo tôn kính và cầu
nguyện cho ông bà tổ tiên. Tết Giáp Ngọ 2014, kinh nghiệm đã rõ hơn. Thư mời được
gửi đến tất cả các gia đình đồng tộc, không phân biệt lương giáo. Nội dung mời:
Tham gia buổi giao lưu sinh hoạt đồng tộc. Chú thích cuối thư mời: “Chúng tôi
xin đính kèm chương trình thánh lễ cầu nguyện cho bà con đồng tộc tại nhà thờ
giáo xứ. Quý vị nào muốn tham dự, xin vui lòng cho biết trước để chúng tôi tiện
bề tiếp đón”.
Kinh
nghiệm khá giản dị, thiết tưởng bất cứ nhóm đồng tộc nào tại mỗi giáo xứ, dù
đông người hay ít người, cũng đều có thể làm được. Sau bao năm ly loạn, khi hòa
bình lập lại, đa số người mình, lương cũng như giáo, hiện không còn gia phả,
không còn từ đường, lắm khi không còn nhớ ngày giỗ của dòng họ mình. Thế nhưng
khi ta nhận biết Thiên Chúa là Cha, Ngài đã cho lại chúng ta tất cả và còn hơn
thế nhiều. Không còn gia phả, nhưng chúng ta biết rõ mình là anh em con một Cha
trên trời. Không còn từ đường nhưng chúng ta lại có chung một nhà Chúa là từ đường
của muôn dân, bởi lẽ hai chữ từ đường trong tiếng Hán dịch
sang tiếng Việt không gì khác hơn là nhà thờ. Có thể
không còn nhớ ngày giỗ của dòng họ nhưng chúng ta có ngày lễ của những vị thánh
tử đạo cùng dòng họ.
NGÀY TRUYỀN THỐNG TỪNG DÒNG HỌ
TẠI CÁC GIÁO XỨ
Từ
kinh nghiệm trên đây, ta có thể nghĩ đến ngày truyền thống từng dòng họ tại các
giáo xứ. Tại bất cứ giáo xứ nào, hằng năm mỗi dòng họ đều nên có một ngày sinh
hoạt, tốt nhất là vào ngày lễ một vị thánh trong dòng họ. Có 69 vị thuộc 17 dòng
họ: Bùi (2), Đặng (1), Đinh (3), Đỗ (3), Đoàn (3), Hà (2), Hồ (1), Hoàng/Huỳnh
(1), Lê (7), Nguyễn (24), Phạm (5), Phan (3), Tạ (1), Tống (1), Trần (4),
Trương (2), Vũ/Võ (6). Lại cũng có 29 vị không rõ dòng họ. Hẳn Chúa Quan phòng
muốn dành ra một số vị thánh không rõ dòng họ để bất cứ dòng họ nào cũng có thể
nhận làm của mình.
Nên
mời tất cả các gia đình đồng tộc trên địa bàn giáo xứ, cùng con dâu, con rể và
cả bà con đồng tộc ngoài Công giáo cùng tham gia. Nội dung chính là thánh lễ và
giờ gặp gỡ trước hoặc sau thánh lễ.
Thử
hình dung xem, mỗi năm trong mái ấm từ đường của trăm họ tại giáo xứ liên tiếp
có ngày giỗ Công giáo của họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Phan, họ Trần, vv… Sẽ ấm
cúng biết bao khi cả bà con đồng tộc người lương cùng đến dự. Rồi tới ngày tế
hiệp của họ, họ lại mời các đồng tộc Công giáo và cả vị thủ từ của từ đường
muôn dân là cha xứ đến dự. Dòng họ là con đường thật hồn nhiên để ta đến với
anh em và đưa anh em đến với Chúa. Ta có những cơ hội tốt nhất để giải thích
cho bà con lương dân hiểu giáo lý của Hội Thánh Công giáo về Đạo Hiếu và việc
thờ cúng Tổ tiên để giúp họ nhận biết và thờ phượng Cội Nguồn muôn đời muôn thuở
là Cha trên trời.
Từ
năm này sang năm khác, sự giao lưu gặp gỡ lương giáo sẽ ngày càng thêm dày và
thêm thân tình. Chắc hẳn sau năm, bảy năm, không ít người sẽ nhờ đó mà nhận được
ơn đức tin vào Chúa Cứu Thế Giêsu.
Ngày
truyền thống từng dòng tộc tại mỗi giáo xứ sẽ tạo cơ hội để tập thể đồng tộc
Công giáo tìm hiểu lòng tin và mối chân tình của tập thể đồng tộc ngoài Công
giáo đối với Tổ tiên, và cũng là cơ hội để chia sẻ lòng tin với họ. Những cố gắng
cá nhân dễ rơi vào mỏi mệt, nhưng khi biến thành ý chí tập thể, sẽ trở nên bền
bỉ lâu dài. Giữa một xã hội nhiều sức ép, việc từng người tiếp nhận đức tin lắm
ngại ngùng, nhưng khi được những người thân cùng chia sẻ, đức tin sẽ đầy sức mạnh.
THỂ NGHIỆM TẠI GIÁO PHẬN QUI NHƠN
Con
đường dòng họ mở ra một viễn tượng không biên giới cho việc loan Tin mừng. Tuy
nhiên, ta sẽ không thể đáp ứng nổi, do đó cần biết tự giới hạn địa bàn của
mình: trong một Giáo phận hay một Tỉnh.
Năm
2009, cụ Võ Huề ghé thăm tôi. Cụ là hậu duệ của tiền hiền Võ Lực, mộ hiện ở
nghĩa trang giáo xứ Phú Hữu, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tôi chia sẻ với cụ
về sinh hoạt liên kết họ Võ hiện nay ở khắp trong nước và hải ngoại. Cụ thấy
ngay đó là một nỗ lực rất tích cực có thể góp phần giáo dục hữu hiệu cho lớp trẻ.
Do đó, cụ đã năng nổ liên lạc và vận động để có được cuộc họp mặt một số bà con
Công giáo họ Võ vào dịp sinh nhật Tổ Võ Hồn, ngày mùng 8 tết Canh Dần, 2010.
Cuộc
họp mặt đã đề cử ra một ban liên lạc họ Võ Công giáo tỉnh Bình Định, chuẩn bị
cho những cuộc họp mặt về sau. Thế rồi chúng tôi đã có ngày Võ Tộc Công Giáo
Bình Định lần thứ hai, vào mùng 8 tết Tân Mão, 2011 và lần thứ ba vào mùng 8 tết
Nhâm Thìn, 2012. Cả hai lần đều được Đức Giám mục chủ sự thánh lễ đồng tế.
Năm
2013, chúng tôi hành hương kính viếng 4 từ đường Võ tộc thuộc 2 huyện An Nhơn
và Tây Sơn, viếng mộ tiền hiền họ Võ tại nghĩa trang giáo xứ Phú Hữu và cử hành
thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ này. Có khoảng 300 người, cả lương lẫn giáo cùng
tham dự. Trong năm 2013, người ta tổ chức xây dựng Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ cấp tỉnh,
các huyện, thị và thành phố đều khắp tỉnh Bình Định. Vững tâm do thấy đã có một
linh mục đồng tộc dấn thân vào chuyện dòng họ, anh chị em Võ tộc Công giáo tại
một số nơi đã tích cực tham gia vào cơ cấu dòng họ tại địa phương.
Năm
2014, thay vì sinh hoạt chung, chúng tôi đề nghị tổ chức xin lễ tại từng Giáo xứ
và đã có thánh lễ cầu nguyện cho bà con đồng tộc họ Võ tại 12 giáo xứ của Giáo
phận Qui Nhơn vào cùng ngày mùng 8 tết.
Do
sự quen biết ngày càng rộng rãi, chúng tôi đã được mời tham dự các đại hội tại
các huyện cũng như ngày giỗ tại các từ đường. Chúng tôi đã trao tặng rộng rãi
quyển sách có giới thiệu 6 vị thánh họ Võ, DVD “Tâm ca mùa báo hiếu” (10
bài hát “cầu cho cha mẹ” của nhạc sĩ Phanxicô, với hình ảnh phụ họa về cách thể
hiện Đạo Hiếu của người Công giáo). Sắp tới đây, món quà được chọn để tặng là
quyển “Đạo Yêu thương” của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Điều đáng nói là
chúng tôi đã loan Tin mừng cách hồn nhiên giản dị, như khi mình vừa được lành bệnh
nan y và lớn tiếng mách cho mọi người biết toa thuốc quý; và còn đáng nói hơn nữa,
anh chị em lương dân đã đón nhận những món quà đức tin ấy cách trân trọng.
CẦN CÓ MỘT QUYỂN “SÁCH GIA LỄ
CÔNG GIÁO”
Thông
cáo 1965 kết thúc: “Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận
thông cáo này không những trong các nhà thờ mỗi khi có dịp, không những cho anh
em giáo hữu mà cho cả người ngoài Công giáo. Các vị phụ trách Công giáo Tiến
hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các
buổi họp và các khóa huấn luyện”.
Nói
chung, các cha đều có trình bày trên tòa giảng, cả trong những dịp tang lễ và
hôn lễ, trong các lớp dự bị hôn nhân. Cũng có những người muốn thúc đẩy cho việc
tái hội nhập vào văn hóa dân tộc tiến nhanh, thế nhưng hình như chưa mấy ai hưởng
ứng. Phải nói rằng, sau 50 năm, nếu để khai báo thành quả, hầu như chúng ta
chưa làm được gì mấy. Lắm người bảo việc áp dụng huấn thị “Plane compertum est”
cách nửa vời càng dễ gây phản tác dụng vì dễ khiến người lương nghĩ rằng người
Công giáo không thật lòng trong việc này.
Sau
những năm tích cực nhập cuộc, tôi nghĩ sự trì trệ có phần là do thiếu tài liệu
hướng dẫn cụ thể. Cho tới nay chưa có tài liệu hướng dẫn thực hành chính thức
nào đi xa hơn những nguyên tắc trong hai bản thông cáo 1965 và 1974. Nhiều giáo
dân muốn áp dụng nhưng có lẽ chỉ biết cách mơ hồ, không rõ phải làm gì trong thực
tế.
Đi
tìm hiểu cách thực hành của anh chị em lương dân, tôi sớm nhận ra rằng các truyền
thống đạo hiếu được duy trì và phổ cập đồng bộ trong dân chúng có lẽ là do sự
góp phần rất lớn của một quyển sách mỏng tên là “Thọ Mai gia lễ”. Cũng có một
vài quyển gia lễ khác nhưng có lẽ quyển Thọ Mai thịnh hành nhất và có ảnh hưởng
rộng nhất. Nay nếu muốn cho việc áp dụng thông cáo của Hội Đồng Giám Mục đi sâu
vào tận các gia đình, cũng cần có một quyển “Gia lễ Công giáo” với những chỉ dẫn
cặn kẽ về những dịp đặc biệt trong gia đình”, với những hướng dẫn về cúng lễ
gia tiên, dọn tất niên, tưởng nhớ gia tiên dịp tết nguyên đán, lễ giao thừa, lễ
minh niên, lễ bổn mạng một người trong gia đình, giáp năm ngày rửa tội, thôi
nôi hoặc sinh nhật, nghi thức lễ cưới ở gia đình, giáp năm ngày cưới, lễ giỗ và
làm phép nhà; về việc chăm sóc bệnh nhân và cầu nguyện cho người hấp hối; rồi về
việc viếng thi hài, canh thức cầu nguyện tại tang gia, nhập quan, động quan và
di quan, trước khi hạ huyệt, nghi thức hoả táng và nghi thức tiếp nhận di cốt về
gia đình…
TRÁNH BỊ NGỘ NHẬN MỘT LẦN NỮA
Lắm
người, không những ngoài Công giáo mà cả không ít tín hữu Công giáo hiểu quan
điểm mới của Giáo hội Công giáo cách quá đơn giản, tưởng rằng qua việc cho phép
tái lập bàn thờ gia tiên, cúng giỗ và nhang đèn,... Giáo hội cũng chấp nhận
luôn cả những tiểu tiết của dị đoan mê tín. Đây là một điểm hết sức quan trọng
cần xác định ngay từ đầu để tránh ngộ nhận.
Quan
điểm mới của Giáo hội Công giáo, được khẳng định vào năm 1964-1965, dựa trên bước
tiến tích cực về phong hóa, "những tin tưởng sai lạc kia cũng không còn phải
là chuyện chung của quảng đại quần chúng", tuy nhiên sang đầu thế kỷ 21,
diễn biến thực tế lại rất đáng lo ngại, người tín hữu Công giáo cần biết nhận định
và chọn lựa sáng suốt.
Ngày
nay dường như sự phục hưng tinh thần gia tộc, với việc xây dựng từ đường, tôn tạo
mồ mả cha ông đi đôi với sự phát triển những tin tưởng về phong thủy. Ngoài việc
xem phương hướng, coi ngày giờ, người ta còn dùng những đồ vật trấn phong thủy
như la kinh, la bàn, đá phong thủy đồ thị, đồng tiền cổ của các đời vua, xương
thú vật, cẩm thạch, đá thạch anh, bùa chú, châu sa, thần sa… Các cửa hàng phong
thủy lớn nhỏ mọc lên nhan nhản ở các thành phố, với những món hàng giá lên đến
vài chục triệu đồng, cũng có những món hàng cao cấp lên đến tiền tỉ. Nhưng phần
lớn các món hàng phổ thông được bán với giá vài trăm ngàn đồng tới vài chục triệu
đồng là bán chạy nhất và nhiều người ưa chuộng hơn cả. Trước đây việc phát huy
Tây học, cuộc vận động của Tự Lực Văn Đoàn và các tác giả cùng thời cũng như ảnh
hưởng Kitô giáo qua môi trường giáo dục đã đẩy lùi các tin tưởng và thực hành
phong thủy, nhưng vài chục năm trở lại đây người ta lại đua nhau chạy theo
phong thủy, mong nhờ đó mà mình và con cháu làm ăn phát đạt. Nhiều người nhìn
phong thủy như một khoa học đang cần được nghiên cứu kỹ, tuy nhiên với quảng đại
quần chúng, những tin tưởng phong thủy chỉ là chuyện “có thờ có thiêng, có
kiêng có lành”, tức là tin mà không biết tại sao, và một sự tin tưởng như thế
thì không thể đi đôi với đức tin vào tình thương của Thiên Chúa.
Mở
Google, gõ "mê tín", ta gặp hằng ngàn bài lên tiếng về một tệ nạn mới
của xã hội: cầu cơ, xin keo, xin xăm, coi ngày giờ, xem hướng, đốt vàng mã, ông
địa, thần tài... Người ta dựng nên cả những văn phòng, những trung tâm nghiên cứu
khoa học về cõi âm, để hiện đại hóa và hợp pháp hóa việc buôn thần bán thánh.
Có cả những bậc trí thức không vững lập trường, hoặc vì ham lợi, ham danh, đua
đòi hoặc vì ham vui đã chạy theo những sự mê tín đáng tiếc. Truyền thông đại
chúng đã có nhiều đợt lên tiếng vạch trần những chuyện vớ vẩn ấy. Những người
nhờ một nhà ngoại cảm tìm mộ rồi kiểm tra chéo bằng một nhà ngoại cảm khác đều
gặp kết quả trớ trêu dở khóc dở cười. Những anh chị em ngoài Kitô giáo giữ vững
lương tri đều nhất quyết không tìm thông tin về quá khứ từ bất cứ hình thức đồng
cốt nào, vì họ thấy trước sẽ lâm vào tình trạng khó xử: tin cũng không được mà
chẳng tin cũng không được.
Do
thiếu ánh sáng mặc khải, người ta không biết rằng kẻ thù của loài người là ma
quỷ luôn xúi giục mọi người mê theo của cải vật chất. Ma quỷ đầy ghen tương, nó
đã đánh mất hạnh phúc đời đời nên quyết không để cho con người hưởng được hạnh
phúc ấy. Mọi hoạt động của nó đều nhằm lôi kéo con người lìa xa nguồn cội là
Thiên Chúa và đánh mất hạnh phúc đích thật trong Ngài. Nó quá rõ không gì có thể
mê hoặc lòng người cho bằng lợi (x. Mt 6.19-21.25-34; 19,23-26) và danh (x. Lc
14,7-11; Ga 5,44). Bài học quanh ta sờ sờ trước mắt, biết bao người vì chút tư
lợi và hư danh mà bán rẻ lương tâm, quên mất quyền lợi của quốc gia dân tộc, biết
bao kẻ giàu lên một chút là cậy của khinh người, coi thường cả trời đất, biết
bao gia đình tan rã vì tiền bạc, biết bao tổ chức tốt lành bỗng chốc một sáng một
chiều lòng người ly tán chỉ vì tiền bạc của cải...
TỎA SÁNG ƠN LÀM CON THIÊN
CHÚA
Bất
cứ ai bận tâm đến tiền đồ dân tộc đều âu lo trước sự tan rã tinh thần đạo lý đã
bùng phát và ngày càng lan nhanh lan rộng. Một trong những lý do sâu xa khiến
người ta hối thúc nhau dựng lại tình gia tộc là mong nhờ đó mà cứu vãn tình thế,
dựa vào Tổ tiên và dòng họ để phục hồi ý thức luân lý (lương tâm) cho con cháu.
Sự cổ võ con em sống xứng danh dòng họ cũng có phần kết quả nhưng không nhiều,
không giành giật nổi với ảnh hưởng của những phim ảnh xấu và những mẫu sống
tiêu cực trong xã hội. Trên thực tế, các hoạt động về dòng họ dù có phát triển
rầm rộ cũng chỉ cuốn hút những người ở tuổi về hưu. Những người nhiệt tình thuộc
lứa tuổi 30-45 thường rất hiếm hoi, dù có tham gia tuổi bày vẫn dành ưu tiên thời
giờ cho việc kinh doanh hơn là cho dòng họ.
Người
Kitô hữu cần thấy rõ điều ấy để mạnh dạn nói với mọi người rằng đáp số hữu hiệu
cho bài toán suy đồi đạo lý không nằm ở đạo hiếu trần gian nhưng ở lòng hiếu thảo
với Cha Cả trên trời.
Để
chữa lành bệnh dịch bạo lực và gian dối đang lan tràn hiện nay, cần phải giúp mọi
người nhận ra mình là con cái của Thiên Chúa Tạo Hóa Tối Cao và là anh em của mọi
người.
Ở
một xã hội nào đó, người dân có thể tự giác đến độ bỏ rác vào túi áo đợi cho
vào giỏ rác, thay vì ném xuống đường, hoặc đến độ dù đường vắng ngắt vẫn không
vượt đèn đỏ. Còn ở một xã hội đã quá quen với sự ích kỷ và giả dối, ta có thể lấy
gì để phục hồi tinh thần tự nguyện hơn là dạy cho người ta biết đến tình thương
của vị Cha Chung đầy nhân ái, Đấng thấu suốt cõi lòng và ân thưởng cả những điều
quảng đại bé nhỏ nhất (x. Mt 10,41-42). Ích chung đòi phải quên lợi riêng, cho
nên ai cũng ngại. Nhờ nhận biết mình là con Thiên Chúa, người tín hữu sẽ quả cảm
sống tinh thần quảng đại vì ích chung, bắt đầu từ chính mình. Chính tinh thần
quên mình vì ích chung sẽ giúp ta dám sống công bằng và chân thật, là những giá
trị đang trở nên hiếm hoi giữa một xã hội đang quay cuồng chạy theo vật chất.
Muốn
xây dựng một thế hệ hào hùng, thượng võ và quả cảm quên mình vì đồng loại, trước
hết cần dạy cho họ biết hiếu thảo với Cha Cả trên trời, Đấng đang liên lỉ ngỏ lời
với con cái mình cách thầm lặng nơi lương tâm họ. Việc giáo dục này chúng ta có
thể thực hiện được bằng cách chính chúng ta cố gắng thêm một chút để sống trọn
lý tưởng hiệp thông của Tin mừng và chia sẻ với các tín hữu mới lý tưởng chính
chúng ta đang sống. Đây là thách đố đặt ra cho cộng đồng tín hữu Công giáo
trong việc dạy giáo lý cho bạn trẻ Kitô hữu cũng như cho các tín hữu mới.
Dạy
giáo lý không chỉ là truyền đạt những hiểu biết về Thiên Chúa và chương trình
tình thương của Ngài, nhưng là dẫn vào một nếp sống mới, dưới sức tác động của
Chúa Thánh Thần, tức là sống theo linh đạo của người làm con Thiên Chúa. Nói một
cách giản dị, đó là sống theo Kinh Lạy Cha.
Kinh
Lạy Cha giúp người tín hữu thoát ra khỏi chính mình. Những ý nguyện nơi phần thứ
nhất của kinh này dạy ta đặt mục đích đời mình nơi Thiên Chúa chứ không phải
nơi tiền bạc. Ý nguyện của phần thứ hai nhắc ta sống phó thác vào tình thương
quan phòng của Thiên Chúa. Chính trên những cơ sở ấy mà ta có thể sống yêu
thương, hiệp thông, tha thứ và quên mình vì ích chung (x. Mt 6,25-34).
MỘT VÀI ĐIỂM CẦN ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH
Xin
được tóm tắt ở đây một vài trăn trở đã trình bày trong loạt bài “Năm mươi năm
thờ cúng Tổ tiên”.
1.
CẦN THÊM NHỮNG LỜI NGUYỆN MỚI CHO LỄ GIỖ
Năm
2012, một vị thừa sai bị Văn Thân sát hại năm 1885 được đưa hài cốt từ một nơi
hoang phế về sân nhà thờ. Thánh lễ đồng tế trang trọng với các bài “Lễ Giỗ” và
cha xứ thản nhiên đọc lời nguyện cầu cho linh hồn vị thừa sai sớm được lên chốn
nghỉ ngơi. Ta không thể trách vị cha xứ trẻ. Bản văn phụng vụ chỉ có một hướng
duy nhất là cầu hồn nên ông đành đọc lời nguyện cầu hồn cho vị tử đạo chết cách
nay đã hơn một thế kỷ! Giỗ 30 năm, 50 năm hay 100 năm, nếu ta chỉ có những lời
nguyện nhấn mạnh việc cầu xin ơn giải thoát cho những người đã chết, liệu người
ngoài Công giáo sẽ nghĩ gì về đức trông cậy của ta và về lòng thương xót của
Thiên Chúa?
Một
người thân vừa nằm xuống, đang chờ Đấng Thẩm Phán hoàn tất cuộc thanh tẩy nhưng
con cháu ở trần gian đã cảm thấy ấm lòng khi nghĩ đến sự che chở phù hộ của người
ấy. Ta vừa cầu xin Chúa thanh tẩy người thân yêu vừa xin người thân yêu chuyển
cầu trước nhan Chúa. Hai điều ấy không hề mâu thuẫn. Người ra đi đã thuộc về
vĩnh cửu, còn người đang ở lại thuộc về thời gian, ta không thể lấy suy luận
duy lý mà cắt nghĩa.
Thiết
nghĩ ngay cả trường hợp giỗ một năm hay cả giỗ 100 ngày đi nữa, lễ giỗ không chỉ
có một ý nghĩa duy nhất là cầu cho người quá cố sớm được giải thoát. Ước mong
sao Ủy Ban Phụng Tự có thể biên soạn và xin Tòa thánh phê chuẩn một số lời nguyện
lễ Giỗ không theo hướng cầu hồn nhưng mang ý nghĩa tưởng nhớ, tiếc thương, hiệp
thông giữa người sống với người chết cũng như giữa những người còn sống trên đời.
2.
NHỮNG LỜI CA CẦU CHO NGƯỜI ĐÃ KHUẤT HỢP VỚI PHỤNG VỤ HƠN
Khái
niệm “ngục tối” không hề xuất hiện suốt 230 trang quyển “Nghi Lễ An Táng và
Thánh Lễ Cầu Hồn”. Khái niệm vực sâu được nhắc tới một lần, trong Tv 129/130.
Thế nhưng cũng như trong Kinh Chiều lễ Giáng sinh, thánh vịnh này được
dùng làm đáp ca để hát lên niềm hy vọng của người đang chìm đắm được cứu thoát:
“Bởi Chúa luôn từ ái một niềm – ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa!” Tựa như trong
bài “Trong gian truân tôi đã kêu cầu và Chúa đã đáp lời tôi”. Bài “Từ vực sâu u
tối” và những bài tương tự không có gì sai tín lý nhưng có lẽ không đúng tinh
thần phụng vụ lễ an táng.
Ước
mong sao các nhạc sĩ sẽ tìm thấy nơi những từ ngữ có tần số xuất hiện cao trong
quyển nghi thức vừa nói để chọn chủ đề viết lên những bài ca tràn đầy hy vọng.
Chẳng hạn, Sống (125 lần), Hằng sống (23), Chết (145), Tin (98), Sống lại (62)
+ trỗi dậy và Phục Sinh (29), Phúc (71), Cứu (68), Hưởng (45), Vinh quang (42),
vv…
3.
TÌNH CHA TRONG KINH NGUYỆN THÁNH THỂ
Nơi
các “Kinh tạ ơn” trong bản dịch Sách Lễ Rôma 1992 có hai điểm khác hẳn bản dịch
các “Kinh nguyện Thánh Thể” trước đó:
-
Khi thưa với Ngôi Cha, mọi chữ "Domine" đều được chuyển thành
"Cha" thay vì dịch sát chữ là "Chúa".
-
Ở lời nguyện cầu cho kẻ chết của các Kinh nguyện Thánh Thể 1, 2 và 3 đều có
thêm mệnh đề: "Đặc biệt xin Cha nhớ đến các bậc Tổ tiên và thân bằng quyến
thuộc chúng con đã lìa cõi thế".
Đó
là hai đóng góp của linh mục đoàn Giáo phận Kontum được Ủy Ban Phụng Tự trực
thuộc HĐGMVN lúc ấy tiếp nhận, những đóng góp nhằm tạo thuận lợi cho anh chị em
lương dân nhận ra tình Cha của Thiên Chúa. Nay trong bản dịch “Nghi Thức Thánh
Lễ” (NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005) đóng góp thứ hai vẫn còn được duy trì, còn
đóng góp thứ nhất bị quên mất. Thiết tưởng đây là một đóng góp hết sức ý nghĩa,
có tác dụng lớn trong việc loan báo Tin mừng và xây dựng lòng đạo cho Dân
Chúa, cần được phục hồi.
4.
CHẠY ĐUA VỀ LÒNG THÀNH KÍNH
Tham
dự các buổi cúng giỗ, ta chứng kiến một cảnh trái ngược: Đang khi những người
hành lễ rất thành kính thì những người khác ở xung quanh vẫn ngồi hút thuốc nói
chuyện bình thường. Ta cứ thản nhiên nói chuyện, nhưng một khi đã tiến vào hành
lễ (niệm hương) thì điều mọi người chờ đợi nơi chúng ta là sự thành kính. Đi xa
hơn, khi đến nhà thờ Công giáo, người ta cũng chờ đợi nhìn thấy nơi những người
hành lễ một sự thành kính ít là ngang bằng với sự thành kính của họ trước bàn
thờ Tổ tiên.
5.
TRẢ LẠI CHÚA NHẬT CỦA TIẾNG GỌI ĐỜI ĐỜI
Những
lý do đưa đến việc ban hành huấn thị Ex quo singulari năm 1742
rất nghiêm túc, không dừng lại nơi chuyện thắp nhang hay không thắp nhang nhưng
chạm đến những sự thật về cánh chung học và cứu chuộc học. Trong lịch phụng vụ
của Giáo hội Công giáo, mỗi năm 365 ngày có riêng một ngày để nói về sự cùng tận
của lịch sử nhân loại. Cả ba năm A, B và C Lời Chúa của Chúa Nhật 33 Thường
niên luôn tập trung vào chủ đề ngày cánh chung.
Thế
nhưng từ 26 năm qua, Chúa Nhật 33 Thường niên năm nào cũng phải nhường chỗ Lễ
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Giáo dân Việt Nam không còn được nghe giảng về cánh
chung, đang khi văn minh vật chất ra rả 24/24 giờ dạy họ bám lấy hạnh phúc đời
này như sẽ chẳng bao giờ phải chết. Không còn được nghe nói về cánh
chung, sự mất mát trong đời sống tâm hồn của tín hữu thật khó lường được! Oái
oăm làm sao, chính việc cử hành đức tin của tiền nhân lại khiến đức tin của con
cháu bị bốc hơi!
LỄ HỘI 24-11. TẠI SAO KHÔNG?
Nhiều
gia đình và giáo xứ Việt Nam đặt bức ảnh các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam trên bàn
thờ Tổ tiên, cùng một bàn thờ vừa tưởng niệm các bậc Tổ tiên theo huyết thống vừa
tưởng niệm các tiền nhân trong đức tin. Đó là một sáng kiến tốt có thể dẫn đến
việc hóa giải chuyện xưa và nay. Thế nhưng do việc cử hành trọng thể vào ngày
Chúa nhật, lễ mừng các Thánh Tử vì đạo không thể nào rơi một ngày nhất định để
mà nhớ. Ngay cả trường hợp ngày 24-11 nhằm vào Chúa Nhật, việc mừng trọng thể
các Thánh Tử vì đạo Việt Nam vẫn bị dịch lên Chúa nhật trước đó. Không được cử
hành vào một ngày cố định, lễ mừng này sẽ không bao giờ trở thành một lễ trọng
mang tính quần chúng được.
Cần
lưu ý, người Việt không bao giờ thay đổi ngày giỗ. Ai gặp trở ngại thì khỏi phải
về dự, việc cử hành sẽ không vì bất cứ lý do gì mà xê dịch, dù chỉ một nhúm người
bằng nắm tay vẫn nhất định củ hành đúng ngày. Tại các tỉnh miền Trung, bất cứ
chùa Bà, chùa Ông hay chùa Hang nào, bất cứ lăng Cô, miếu Cậu nào cũng đều có
ngày lễ truyền thống tự phát rất rình rang, nhờ một điều là họ cử hành vào một
ngày cố định, không bao giờ thay đổi. Người ta không đợi nghỉ lễ Chúa nhật mới
cử hành. Đã là một lễ truyền thống thì bất cứ nhằm ngày nào trong tuần nó vẫn
giữ tầm quan trọng không điều gì giành lấn được, dù có ai đến dự hay không nó vẫn
cứ tiến hành, ai có lòng quan tâm đến thì phải nhớ lấy ngày ấy mà trẩy hội. Thiết
tưởng chúng ta cũng thế, sự kiện chuyển sang Chúa nhật tự nó không phải là một
tôn vinh nhưng là một sự hạ giá các Thánh Tử vì đạo. Nó cho thấy ngày lễ của
các ngài không bằng một lễ cưới, không đủ sức để khiến người dân nghỉ việc mà
trẩy hội. Nếu muốn bà con người lương cũng biết đến lễ hội các Thánh Tử vì đạo,
ta cần cử hành cố định vào 24-11. Nếu 24-11 nhằm Chúa nhật, ta sẽ cử hành vào
ngày Thứ Bảy, 23-11.
***
Sau
cùng, khi đã có được cơ hội gặp gỡ thân tình, ta đừng tiếc với anh chị em mình
một lời chia sẻ, một món quà ý nghĩa. Một ngày kia ta sẽ được nghe Chúa nói:
“Khi Ta đói khát Tin mừng, con đã cho Ta một DVD, một quyển sách nói về ơn cứu
rỗi”. Vâng, lẽ nào ta lại muốn rồi sẽ phải nghe Chúa hỏi: “Tại sao con đã tiếc
với Ta một cuộc gọi, một tin nhắn, một bản nhạc chờ mang tín hiệu đức tin?”
Dĩ
nhiên việc gieo trồng không kém phần vất vả nhưng rồi mùa gặt đến, giọng hân
hoan, mặt rạng rỡ, ta sẽ ôm những bó lúa trĩu nặng trên tay mà trở về trong tiếng
hát tạ ơn vì những bà con cùng dòng họ với mình và cả nhiều anh chị em khác đã
trở nên con cái của Cha Cả trên trời. Cúi xin Cha Chí Thánh chúc lành cho những
ước mơ đang lớn dậy trong lòng mỗi chúng ta.
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá
Khánh
(Giáo phận Qui Nhơn)