TRUYỀN GIÁO
Con người ngày hôm nay đang sống trong sự tiến bộ của khoa học thế giới ngày càng đổi thay với tốc độ nhanh chóng, điều đó đặt ra cho chúng ta những vấn đề khi thi hành sứ vụ: làm sao có thể nối kết tương quan giữa Giáo Hội và thế giới để có thể loan báo Tin Mừng của thế giới đến cho mọi người. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là, tại sao phải truyền giáo, và truyền giáo bằng cách nào… Để hiểu được điều đó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đọan Tin Mừng theo thánh Matthêu 10 và thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.
Tại sao ta phải truyền giáo?
Ta phải truyền giáo vì: bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, hơn nữa, ơn gọi của ngừơi Kitô hữu là được tuyển chọn để sai đi loan báo Tin Mừng, tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu. Chúng ta suy nghĩ gì? Thực tại này thúc bách chúng ta điều gì?
Trước hết, chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi? Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở Tin Mừng Mt 9, 36-37: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về””.
Đám đông, một đám đông ô hợp, chưa tập hợp, chưa được ổn định, vì không người chăn dắt nên lầm than vất vưởng , bơ vơ lạc lõng; trong khi đó thợ gặt lại không đủ… Cả hai điều đó đã đánh động lòng thương của Chúa Giêsu, để rồi đưa đến quyết định chọn mười hai tông đồ, và sai các ông đi thi hành sứ vụ, đặc bịệt đến với những con người bơ vơ đó. Còn chiên, những con chiên vất vưởng đó là những người Do Thái tội lỗi, bị các giáo sĩ – những người điều hành tôn giáo bỏ rơi, không được quan tâm chăm sóc và dạy dỗ (Mt 10, 5-6), nên Ngài đã sai các ông đến với họ, để đưa họ về với đòan chiên.
Mặt khác, chính tại Á Châu, Thiên Chúa đã mạc khải và hòan thành ý muốn cứu độ của Người, là sai Con Một của Người sinh làm người và là một người sống chết tại Á Châu. Từ đó, thánh địa trở thành mảnh đất của lời hứa và niềm hy vọng cho tòan thể nhân lọai. Thế nhưng, cho tới nay, người Á Châu mới chỉ có khỏang 3% biết đến Tin Mừng. Vì thế truyền giáo thật là nhu cầu cấp thiết (Thư chung HĐGM VN)
Truyền giáo bằng cách nào?
a/ Truyền giáo bằng lời nói
Lời nói chiếm địa vị khá quan trọng khi chúng ta rao giảng Tin Mừng. Bởi lẽ, ngay từ đầu, lời đã tạo dựng, giáo dục và hình thành nhân cách. Trong mỗi hòan cảnh, Lời tỏ rõ những trì trệ bất công, cảnh tỉnh những người đang sống trong tình trạng nô lệ tội lỗi mà không hay biết mình đang làm nô lệ; Lời chỉ ra niềm hy vọng, giới thiệu lẽ sống cho những ai đang chưa tìm ra lý tưởng; Lời trao ban nghị lực cho những ai đang sợ hãi nhát đảm; Lời an ủi vỗ về xoa dịu những nỗi đau thương… do đó, ngày hôm nay, lời cũng không thể thiếu trong công cuôc rao giảng Tin Mừng. Tuy vậy, người môn đệ Thầy Giêsu cũng không vì thế mà xao nhãng những hành động cụ thể – hành động có sức lay chuyển lòng người: “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”; mạnh hơn nữa, Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II đã khẳng định: “ngày nay người ta chuộng chứng từ hơn Thầy dạy”, vì nếu người ta có chuộng thầy dạy là vì lời của người đó đã trở thành chứng từ.
b/ Truyền giáo bằng hành động
Qua những hành động của mình, Thiên Chúa cho thấy, đó là cách thức tốt nhất để lôi kéo mọi người. Ngài đã từng nói: “cho đến nay Cha tôi hằng làm việc thì tôi cũng vẫn làm việc…” (Ga 5, 17). Việc làm đó là những gì rất cụ thể để thể hiện tình yêu cho tha nhân. Và dù biết rằng việc làm đó có thể dẫn ngài đến cái chết nhục nhã trên thập tự giá… Ngài cũng sẵn sàng đón nhận chỉ với mục đích duy nhất là để mọi người thấy rõ tình Ngài yêu thương nhân lọai cho đến giọt máu cuối cùng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình.” (Ga 15, 3)
Ngày hôm nay, người môn sinh của Thầy Giêsu cũng sẽ dùng những việc làm cụ thể để chứng tỏ tình yêu và niềm tin, nhưng không phải là tình yêu của mình, mà là tình yêu đã được ươm mầm trong tình yêu Giêsu – Đấng đã yêu cho đến cùng; và niềm tin chính là lực đẩy – để hành động mãi kiên vững và không lạc mất mục tiêu. Điều này được thánh Phaolô nói rất rõ trong thư của Ngài: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17)
Sống giữa xã hội hôm nay, niềm tin đang bị chao đảo dẫn theo bao hành động điên cuồng. Vòng quay nghiệt ngã của cuộc đời dường như nuốt chửng đi định hướng sống của con người. Những tham sân si của danh vọng tiền – tài – tình, làm lung lạc ý chí phấn đấu của bao người đang mỏi mệt vì miếng cơm manh áo… Vì thế, người tông đồ cần hiểu môi trường và xã hội mình đang sống để biết những gì đang xảy ra quanh mình, mà có những hành động cụ thể cho từng hòan cảnh của cuộc đời, như chữa lành những người bị ám ảnh, bị ô uế bởi tiền bạc danh vọng, những đam mê sai trái; chỉnh đốn lại lối nhìn, nếp nghĩ cho những sai lạc, những lệch chuẩn trong xã hội; băng bó những tâm hồn rã rời, đau thương dập nát vì bạo động bất công; phục hồi những trái tim đã và đang héo tàn vì những chai sạn của hận thù chia rẽ… Đó là dấu cho thấy Nước Trời đang hiện diện như chính Đức Giêsu đang hiện diện hôm xưa tại hội trường Nazareth (Lc 4, 16).
c/ Truyền giáo bằng cách sống
Như Thầy Chí Thánh xưa, dù bị kẻ thù chống đối không ít, nhưng họ không thể phủ nhận tư cách Mêssia của Ngài: “Chưa hề có ai ăn nói được như ông ấy.” (Ga 7, 46); hay “ông ta làm việc gì cũng tốt đẹp…hơn cả các kinh sư và người Pharisêu…” (Lc 5, 16-17; Mc 2, 12). Phải chăng vì Thầy Giêsu đã ý thức và sống hết mình cho sứ vụ của Ngài, để rồi bằng những kinh nghiệm cá nhân Ngài truyền lại cho môn sinh cách thức có thể thành công trong đời tông đồ. Ta hãy xem lệnh truyền giáo và những đòi hỏi – chỉ dẫn cho sứ vụ Ngài ủy thác, từ những nhu cầu thiết thân với con người như áo quần, giày dép, bao bị, tiền bạc…, đến những thái độ cần có, cách ứng xử trong lời ăn tiếng nói với mọi người trong môi trường mình hiện diện mà thánh tông đồ Matthêu đã ghi lại trong Tin Mừng của Ngài: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn… (Mt 10, 9-10).
Đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêu chương 10 cho chúng ta thấy những chỉ dẫn của Chúa Giêsu trên con đường truyền giáo thật đơn giản mà sâu sắc, khôn ngoan mà lại không thể thiếu hiền hòa kiên nhẫn mà cũng không thể dung túng những phản trắc, chối từ…. Lối sống ấy được thể hiện rõ từng nét nơi con người Thầy Giêsu, và hôm nay được truyền lại cho các môn sinh của Ngài, và Ngài không ngừng mời chúng ta theo sát thay vì chỉ bước đi nửa vời.
d/ Truyền giáo bằng cách sống làm chứng và loan báo Tin Mừng
Tin Mừng là quà tặng Thiên Chúa ban cho mỗi người (Lc 2, 10), nên ai nhận được Tin Mừng cũng có nghĩa vụ loan truyền cho người khác. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “tự bản chất, Hội Thánh lữ hành phải loan báo Tin Mừng, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Chúa Cha (TG 2). Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu cũng quả quyết: “Không thể nào có công bố Tin Mừng thực sự, nếu các Kitô hữu không đồng thời lấy đời sống mình làm chứng đi đôi với lời mình rao giảng.” (TG 3)
Làm chứng là cách thế đầu tiên cũng có thể là cách thế duy nhất để loan báo Tin Mừng (Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 31); song việc trực tiếp loan báo Tin Mừng bằng lời nói vẫn là đòi hỏi của bản chất Tin Mừng, như các Tông đồ đã tuyên bố: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe mắt đã thấy, chúng tôi không thể nào không nói ra.” Cv 4, 20)
Chúa Giêsu không trực tiếp sai chúng ta như đã sai nhóm Mười Hai, nhưng chính đức tin của người Kitô hữu đưa chúng ta vào tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tiếp nhận Lời Chúa qua việc lắng nghe Chúa nói trong Kinh Thánh, trong cầu nguyện, đón nhận những công việc mà chính Chúa mời gọi chúng ta thi hành. Thật ra, chính Thánh Thần mà Cha hứa đã biến đổi nhóm Mười Hai, cũng sẽ biến đổi chúng ta mạnh dạn loan báo Tin Mừng về Thiên Chúa Tình yêu mà chúng ta đã cảm nghiệm. Trong cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, chúng ta sẽ nhận ra rằng chính Cha đã chọn chúng ta (Ep 1, 4), và Thánh Thần đã sai chúng ta đi như đã sai tiên tri Amos (Am 7, 12-15). Thánh Thần luôn cho chúng ta thấy được sự hiện diện của Ngài và hướng dẫn chúng ta tin vào Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, và đưa chúng ta vào sum họp trong nhà Cha – Đấng giàu lòng thương xót.
Là những người tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô – Đấng đã đến trần gian không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và thi hành ý Cha. Vậy nhà truyền giáo phải trở lại với Đức Kitô để cảm nghiệm được nội dung loan báo Tin Mừng là chính Đức Kitô, và trở nên hiện thân sống động của Ngài. Hơn ai hết, nhà truyền giáo được mời gọi trăn trở niềm trăn trở của Giáo Hội, được mời gọi dấn bước theo đường hướng và sự thúc đẩy của Thánh Thần Chúa qua Giáo Hội. Do đó với sứ mạng chứng nhân của Đức Kitô phục sinh, chúng ta biết quảng đại dấn thân, tiếp cận và đồng hành với thế giới đổi thay, để hòa nhập, rung cảm và chia sẻ với tha nhân trong tinh thần phục vụ. Hãy gắn bó mật thiết với Đức Kitô vì Người chính là con đường dẫn ta đến sự thật tòan diện và sự sống vĩnh hằng. Nhờ đó, chúng ta có thể khơi lên niềm tin cho con người thời đại và để làm chứng cho tình yêu Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
BM