BIẾT MÌNH, BIẾT CHÚA ĐỂ CHIA SẺ NIỀM VUI CỦA CHÚA
Giuse Đinh Đức Đạo
“Khi những người ông Gioan sai đến đã ra về, Chúa Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: ‘Anh em đi xem gì trong sa mạc? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra làm gì? Để xem một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.” (Mt 11,7-10)
Từ bài giảng của Chúa, chúng ta có thể nhận ra hai yếu tố của Tu Đức Truyền Giáo và là đề tài cho bài nói truyện hôm nay: “Biết mình, biết Chúa”.
I. BIẾT MÌNH
cc. 7-8: “Anh em đi xem gì trong sa mạc? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra làm gì?”
1. Câu hỏi lạ đời của Chúa
Sự kiện được xảy ra vào cuối đời của thánh Gioan Tẩy Giả. Trước đó, các sách Tin Mừng kể là dân chúng kéo nhau vào sa mạc nơi Gioan Tẩy Giả rao giảng và làm phép rửa để chịu phép rửa. Thế thì vì sao Chúa còn hỏi “Anh em vào sa mạc xem gì hay tìm gì?” Rõ ràng là xem, đi tìm Gioan Tẩy Giả. Các môn đệ có thể trách Chúa như khi có người đàn bà chạm vào Ngài và Ngài hỏi: “Ai đã chạm vào ta?” và các môn đệ ngạc nhiên, có lẽ hơi khó chịu trả lời: “Thầy coi, dân chúng đang chen lấn chung quanh Thầy thế này mà Thầy lại hỏi ‘Ai chạm đến ta?’” (Mc 5,30-31).
2. Vấn đề của nội tâm
Chúa hỏi và Chúa đưa ra hai giả thuyết: Đi tìm cây sậy phất phơ trước gió và đi tìm xem người mặc gấm vóc lụa là. Té ra nói là đi tìm Gioan Tẩy Giả để được rửa tội, nhưng thực chất lại là tìm cái khác. Đó là vấn đề hàm hồ, không rõ ràng hay hơn nữa giả dối và mâu thuẫn của nội tâm con người.
Nói về nội tâm và để cắt nghĩa tính cách nền tảng của đời sống nội tâm trong cuộc đời tu trì và tông đồ tận hiến, có lẽ không gì cắt nghĩa rõ cho bằng dụ ngôn Chúa nói trong sách Tin Mừng thánh Matthêu (7,21-23) :
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”
Áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay, có lẽ chúng ta có thể diễn tả lại đoạn Sách Thánh như sau: "Trong ngày ấy, nhiều người sẽ nói với Ta rằng: 'Lạy Chúa, Chúa không nhớ sao, con đã xây mấy Nhà Trẻ”; người khác thì nói: 'Lạy Chúa, con đã mở được mấy lớp học tình thương”; người khác nữa lại nói: “Lạy Chúa, con đã hô hào lạc quyên giúp đỡ người nghèo, con đã đi thăm tận nhà những ông già bà lão cô đơn, con còn can đảm nói lên bênh vực người bị áp bức, người bị đối xử bất công'; người khác nữa thì nói: 'Lạy Chúa, con đã dạy bao nhiêu trẻ biết đọc biết viết, con còn dạy chúng đọc kinh và xưng tội rước lễ, con đã tổ chức các hội đoàn hát khản cổ tôn vinh Chúa; có khi con còn chịu đựng hy sinh, nhịn ăn nhịn uống để dạy các em…” Và cứ thế, người ta lần lượt lên trình diện và khoe nhưng công việc tốt lành đã làm.
Nhưng lúc đó, theo bài dụ ngôn, Chúa sẽ nói: "Ta chưa hề bao giờ biết người, hãy khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!" Lời trách mắng của Chúa thật dễ sợ nói lên tất cả tính cách trầm trọng của vấn đề. Nhưng có cái lạ là Chúa đi quở trách rất nặng nề những người, nói cho cùng, đã làm những điều thiện, điều tốt có ích cho tha nhân. Tại sao vậy? Lý do là họ đã lấy danh nghĩa Chúa để phục vụ chính mình, đã dùng công việc của Chúa để thực hiện một chương trình nhân loại, một tham vọng cá nhân. Lý do rất đơn giản, nhưng lại là cái cốt tủy của tất cả cuộc đời phục vụ tông đồ tận hiến. Nhiều người có thể cùng làm một công việc, nhưng lý do, mục đích và tinh thần có thể rất khác, có thể còn trái ngược nhau nữa. Công việc giúp đỡ phục vụ, tự bản tính, là một diễn tả của tình yêu, nhưng trong thực tế, lắm khi lại không phải như thế. Có người phục vụ vì tình yêu Chúa thúc đẩy; có người phục vụ vì bản tính tự nhiên thích phục vụ; người khác phục vụ hết mình để cạnh tranh ảnh hưởng; cũng có thể có người phục vụ để trả đũa người khác, v.v. Chính vì vậy mà công việc từ thiện bác ái tự bản tính là công việc tốt và có tính cách xây dựng, nhưng trong thực tế lắm khi không những không xây dựng mà còn gây chia rẽ. Người ta cũng đánh đấm nhau vì công việc bác ái đấy. Nhiều người suốt đời vất vả phục vụ người nghèo đói, bệnh tật mà trong tâm hồn vẫn đầy dẫy kiêu căng, hờn giận, bạo động, áp bức. Công việc phục vụ của họ chẳng xây dựng cho họ, mà cũng chẳng xây dựng những người họ phục vụ.
Tôi có nghe người ta kể một câu truyện ngồ ngộ, không còn nhớ nghe ở đâu, nhưng đại khái truyện kể có tên là “Cái Rắm” và kể như sau:
Một hôm nhà vua đang ngự triều bỗng đánh rắm. Các quan bên trái lắng tai nghe rồi tâu: “Muôn tâu bệ hạ, nghe như tiếng đàn, tiếng sáo ạ”, các quan bên phải thì hít hà rồi tâu: “Muôn tâu bệ hạ, ngửi như mùi huệ mùi lan ấy”. Nhà vua nghe tâu sướng tai lắm, nhưng rồi đâm lo và nói: “Phàm thiên hạ đánh rắm thời phải thối và nghe cũng chói tai, nay trẫm đánh rắm lại thơm và còn nghe du dương, e trẫm băng hà đến nơi”. Tả hữu mặt chảy dài. May sao giữa lúc đó nhà vua lại phun ra phát rắm thứ hai. Các quan bên phải liền vươn cổ ra tâu: ‘Muôn tâu bệ hạ thối rồi ạ!’ Các quan bên trái cũng không kém, liền tâu: “Muôn tâu bệ hạ, không những thối mà còn thối nhiều rồi ạ!”
Các quan thi nhau khen vua! Tiếng là khen vua, nhưng thực chất là lấy lòng vua, mong được lợi lộc. Như vậy là ích kỷ, tìm tư lợi chứ đâu có quí hóa gì vua!
Tại sao cái lòng của con người lại hồ đồ, lộn xộn như thế? Lý do vì bản tính loài người đã bị ô nhiễm bởi tội nguyên tổ.
Vì vậy, nhu cầu đầu tiên của tu đức tryền giáo là nhận ra lòng mình và con người thực của mình để thanh luyện, mong được thanh thoát trước tất cả, mà tóm lại thì cũng chỉ là “Ba thù”: Tình, Tiền, Danh vọng.
II. BIẾT CHÚA
Cc 9-10: Thế thì anh em vào sa mạc để làm gì? Để xem một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng:Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.”
1. Nhận ra căn tính của Gioan Tẩy giả
- Chúa dẫn người ta gạt bỏ các hậu ý để ý thức rõ mục đích của việc vào sa mạc. Đó là để tìm, để xem, để nghe Gioan Tẩy Giả.
- “Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa”. Các ngôn sứ kêu gọi Dân Chúa ăn năn trở lại, loan báo lời hứa cứu độ. Gioan Tẩy Giả không chỉ loan báo lời hứa, nhưng chỉ rõ chính Chúa là Đấng Cứu Độ. Vì vậy, nhận ra căn tính và sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả cũng là khám phá ra căn tính của Chúa.
2. Nhận biết ra Chúa
- Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Độ Thiên Chúa Cha đã hứa từ thời nguyên thủy. Chúa Giêsu là biểu hiệu của tình yêu trời bể của Thiên Chúa Cha. Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã không gửi một nhân vật hoàn hảo, một Thiên Thần hay Tổng Lãnh Thiên Thần mà đã đích thân đến để cứu chuộc nhân loại qua Con Một Yêu Quí Duy Nhất của Ngài. Đó là Chúa Giêsu.
- Quả thật, Chúa có sai các Thiên Thần, các Ngôn Sứ đến, nhưng đó chỉ là những sứ giả, dọn đường cho Con Một Duy Nhất của Ngài nhập thể làm người để cứu chuộc loài người và canh tân toàn thể vũ trụ.
- Nhưng còn biết bao nhiêu người chưa biết được điều này. Họ vẫn còn mải mê đi tìm một Đấng Cứu Độ nào khác.
Dân số |
2000 |
2009 |
2025 |
2000 - 2025 |
|
|
|
|
|
Dân số toàn cầu |
6,085,572,000 |
6,828,157,000 |
8,010,511,000 |
1,924,939,000 |
Dân số kitô |
2,013,132,000 |
2,271,727,000 |
2,714,741,000 |
701,609,000 |
Dân số không kitô |
4,072,440,000 |
4,556,430,000 |
5,295,770,000 |
1,223,330,000 |
|
|
|
|
|
Công giáo |
1,052,924,000 |
1,134,584,000 |
1,317,038,000 |
264,114,000 |
Hồi giáo |
1,226,046,000 |
1,449,614,000 |
1,880,731,000 |
654,685,000 |
Ấn giáo |
798,610,000 |
913,455,000 |
1,091,008,000 |
292,398,000 |
Không tôn giáo |
764,483,000 |
773,947,000 |
819,374,000 |
54,891,000 |
Tôn giáo trung quốc |
367,967,000 |
388,609,000 |
425,919,000 |
57,952,000 |
Phật giáo |
366,625,000 |
387,872,000 |
438,079,000 |
71,454,000 |
Đạo truyền thống |
241,554,000 |
266,281,000 |
287,041,000 |
45,487,000 |
Vô thần |
145,375,000 |
148,346,000 |
149,110,000 |
3,735,000 |
Tôn giáo mới |
101,044,000 |
106,183,000 |
110,814,000 |
9,770,000 |
Đạo Sikh |
20,484,000 |
23,988,000 |
29,483,000 |
8,999,000 |
Do thái giáo |
14,035,000 |
15,088,000 |
16,779,000 |
2,744,000 |
Source: International Bulletin of Missionary Research (David B. Barrett & Todd M. Johnson),
January 2009. vol. 33, n. 1, p. 32.
III. Tu đỨc truyỀn giáo
Nhiệm vụ chia sẻ niềm vui của Chúa và làm cho mọi người biết Chúa, yêu mến Chúa và đón nhận Chúa đòi hỏi nhiều tác động, dưới nhiều khía cạnh. Ở đây, chúng ta chỉ bàn qua ít dòng ngắn gọn một vài khía cạnh của tâm hồn người tín hữu có nhiệm vụ đưa Chúa đến cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.
1. Khơi dậy trong lòng niềm vui vì được biết Chúa và đã gặp được Chúa. Hành trình thiêng liêng của niềm vui:
TÌNH YÊU VỢ CHỒNG |
|
CẦU NGUYỆN, TÌNH YÊU GIAO ƯỚC |
1. Hiện diện: nhớ nhau, nghĩ đến nhau ngày đêm. Hình ảnh của người yêu là
- Sức mạnh nâng đỡ
- Nguồn gợi hứng
- Sức mạnh chi phối |
T
Ì
N
H
|
1. Cầu nguyện liên lỉ, làm mọi sự dưới ánh sáng của sự hiện diện của Chúa. Chúa là:
- Sức mạnh nâng đỡ
- Nguồn gợi hứng
- Sức mạnh chi phối |
2. Gặp gỡ và trò truyện
- Khen ngợi, nói lên lòng quí mến, cảm phục
- Cám ơn
- Xin giúp đỡ
- Xin lỗi, làm hòa
- Trò truyện, trao đổi, chia sẻ tâm tư để hiểu nhau, hiệp thông với nhau |
Y
Ê
U
G
I
A
O |
2. Giờ kinh nguyện
- Ngợi khen, thờ lạy Chúa
- Tạ ơn Chúa
- Xin ơn
- Xin ơn tha tội
- SUY NGẮM |
3. Ở bên nhau
Diễn tả sự dâng hiến chính mình, không bằng lời nói mà bằng sự hiện diện |
Ư
Ớ
C |
3. Chiêm niệm
Hiện diện, hiệp nhất, dâng hiến |
- Xác tín Chúa Giêsu là kho tàng quí giá, là viên bích ngọc.
- Sẵn sàng bỏ tất cả, chịu thiệt thòi vì Chúa: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đã chấp nhận mất hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3,7-11).
- Sống thân tình mật thiết với Chúa Giêsu trong tình yêu giao ước. Đây chính là đời sống cầu nguyện mà chúng ta có thể diễn tả qua kinh nghiệm tình yêu giao ước mà chính Chúa đã dùng để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời (Mt 9,14-15; Mt 22,1-12; Mt 25,1-13).
2. Thương yêu anh chị em lương dân và khao khát chia sẻ với họ niềm vui được biết Chúa Giêsu
Anh chị em lương dân không phải là một nhóm đồng nhất, nhưng là một thực thể hết sức phức tạp và khác biệt nhau. Về hoàn cảnh kinh tế, xã hội họ có thể rất giầu hay rất nghèo hoặc không giầu, không nghèo; về phương diện quyền lực, họ có thể là thành phần thấp cổ bé miệng, bị bỏ rơi hay bị áp bức, nhưng họ cũng có thể là những người có quyền thế; về học lực, họ có thể là những người ít học hay còn mù chữ nữa, nhưng cũng có thể là những người trí thức, bằng cấp đầy mình; về tôn giáo, họ có thể thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, hay không thuộc tôn giáo nào và còn coi mình là vô thần nữa; đối với Chúa Giêsu và Giáo Hội, họ có thể là những người có cảm tình và kính phục Chúa và Giáo Hội, nhưng họ cũng có thể là những người rửng rưng hay lạnh nhạt, và có khi còn là những người ghét bỏ, chống đối và tìm cách làm hại Giáo Hội nữa.
Bất cứ họ là hạng người nào, các môn đệ Chúa vẫn một mực thương yêu, kính trọng và can đảm thông truyền cho họ tình yêu của Chúa.
3. Một mẫu gương của thời đại: ĐTC Gioan Phaolô II
Trong thời đại chúng ta, một khuôn mặt sáng ngời, lôi cuốn đông đảo dân chúng và cũng có thể nói là hình ảnh của thánh Phaolô, Tông Đồ Truyền Giáo là ĐTC Gioan Phaolô II đáng kính. Suốt 26 năm trong sứ mệnh chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, ngài đã vượt trùng dương loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc, mọi tầng lớp. Chính cái chết của ngài cũng là một lời loan báo Chúa Giêsu một cách hùng hồn. Chắc chắn mọi người đã theo dõi đầy đủ các tin tức và hình ảnh chung quanh cái chết và Thánh L:ễ an táng của ngài. Tôi xin được nhắc lại đây 5 sự kiện:
- Cỗ quan tài gỗ trơn đơn sơ được đặt nằm ngay trên nền của công trường đền thờ Thánh Phêrô.
- Thánh Lễ, tự nhiên có một cơn gió mạnh nổi lên, tư từ lật mở từng trang, từ đầu đến cuối cuốn Thánh Kinh đặt trên quan tài của ngài.
- Ngay sau khi ngài qua đời, không ai bảo ai, không ai tổ chức, tự nhiên dân chúng ùn ùn kéo về đền thờ Thánh Phêrô kính viếng thi hài của ngài. Người ta nói là có chừng 4 triệu người. Để có thể vào đền thờ, đi qua trước thi hài của ngài trong giây lát, người ta phải nối đuôi chờ đợi 12, 14 giờ đồng hồ, chịu đựng ban ngày trời nóng, ban đêm khí hậu lạnh. Họ là mọi thứ bậc người: đàn ông, đàn bà, già, trẻ, lớn, bé; họ là các giáo hữu, con cái của Giáo Hội Công Giáo, nhưng cũng có nhiều người thuộc các giáo hội Chính Thống, Tin Lành và ngay cả các tín hữu của các tôn giáo khác như Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, và có thể cũng có những người vô thần hoặc thù địch với Tin Mừng của Chúa…
- Hiện diện trong Thánh Lễ an táng, có đầy đủ thủ lãnh các quốc gia và của các tôn giáo. Họ xin đến chứ không phải được mời và họ phải ngồi ở hàng ghế đã được Toà Thánh xếp theo vần thứ tự tên các nước theo tiếng Pháp. Cho nên có sự kiện thủ lãnh các quốc gia kình địch với nhau ngồi bên nhau và cũng bắt tay chào hỏi nhau!
- Các hãng truyền hình đã đồng loạt loan báo tin tức về cái chết và các sự kiện diễn tiến sau khi ngài qua đời. Có những đài truyền hình phát hình 24/24 giờ một ngày.
Cái chết của ĐTC Gioan Phaolô II là một lời loan báo hùng hồn và vĩ đại về Chúa Giêsu. Ngài đã lôi kéo bao nhiêu người, không phải chỉ những người về Roma, mà còn bao nhiêu người theo dõi tin tức và các lễ nghi qua các phương tiện truyền thông. Sức mạnh nào đã lôi kéo người đoàn lũ đông đảo như vậy? Sức mạnh nào đã qui tụ được các thủ lãnh các quốc gia và đại diện các tôn giáo và có sức hoà giải tất cả như vậy? Đây không thể là kết quả của sức người phàm, nhưng phải là sức mạnh linh thiêng của Thiên Chúa, có sức thúc đẩy, hàn gắn và qu tụ lòng người. Về phíc ĐTC Gioan Phaolô II, ngài đã là một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Thiên Chúa, diễn tả qua khẩu hiệu của ngài: “Totus Tuus”. “Tất cả con là của Mẹ” và phần thứ II hiểu ngậm: “để tất cả con thuộc về Chúa Giêsu”. Yếu tố quan trọng ở đây nằm ở chữ “Totus”, có nghĩa là “tất cả”, ‘trọn vẹn”.
Cỗ quan tài bằng gỗ đơn sơ đặt trên nền công trường đền thờ Thánh Phêrô cũng kéo sự chú ý của nhiều. Lý do không phải vì nói lên sự nghèo khó. Nghèo khó thì có gì mà hấp dẫn? Sức hấp dẫn nằm ở lý do của sự nghèo hèn đơn sơ: Ngài đã chọn duy chỉ mình Chúa, đã sống hoàn toàn cho Chúa và vì Chúa. Đúng là “Totus Tuus”. Chính vì thế, qua sự nghèo hèn và đơn sơ của ngài, Chúa đã có thể thể hiện tất cả sức mạnh của ơn thánh và tình yêu của ngài.
- Chúa Giêsu việc tông đồ
- Việc tông đồ gia đình
- Gia đình Chúa Giêsu: bạn bè
- Bạn bè chương trình mục vụ
- Chương trình mục vụ hội dòng, cộng đoàn
- Hội dòng, cộng đoàn
Sự kiện cơn gió nổi lên, như thể một ngón tay từ từ lật giở từng trang, từ đầu dến cuối của cuốn Thánh Kinh đặt trên cỗ quan tài và sau cùng thì gấp lại: có người cho đó là tình cờ, người khác cho đó là sự can thiệp trực tiếp của Chúa. Ai muốn cắt nghĩa theo chiều hướng nào tùy ý. Nhưng sự kiện đó có nói lên một điều quan trọng của cuộc đời thiêng liêng của ngài. Đó là ngài đã sống Tin Mừng cách trọn vẹn; cuộc đời của ngài đã được thấm nhuần bằng Lời Chúa; ngài đã sống tất cả sứ điệp Ơn Cứu Độ. Đúng là “Totus Tuus”. Sự kiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn một khía cạnh tế vi của sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa.
Dâng hiến tất cả cho Chúa không phải chỉ có ý nghĩa sẵn sàng từ bỏ tất cả vì Chúa và chịu thiệt thòi vì Chúa, mà còn có nghĩa là để cho lòng mình được thay đổi theo tinh thần của Chúa và mọi khía cạnh của con người mình đều được thấm nhuần bằng tinh thần của Chúa Giêsu để trở thành hương thơm của Người. Tôi muốn lặp lại lời của thánh Phaolô: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng cho chúng ta tham dự cuộc khải hoàn trong Chúa Kitô, và đã dùng chúng ta mà làm cho hương thơm của sự nhận biết Chúa Kitô lan toả khắp nơi trong thế giới. Thực vậy, chúng ta là hương thơm của Chúa Kitô dâng kính Thiên Chúa, toả ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất.” (2Cor 2,14-15).
Ước chi trong hàng ngũ các nữ tu của giáo phận Xuân Lộc, có nhiều chị em, bất cứ ở đâu cũng biết ướp thế giới bằng đời sống một người môn đệ của Chúa Giêsu, đã được thấm nhuần tinh thần và tình yêu của Chúa Giêsu nên làm lan tỏa những mùi hương thơm của Người. Gặp được một chị Dòng của giáo phận Xuân Lộc là người ta ngửi được hương thơm ngào ngạt có tên là Giêsu.