Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

BUỒN CHO ĐẾN BAO GIỜ

50916445_hanh_trinh.jpg

Bà phước rủ mình đi thăm người nghèo, mình gật đầu thật nhanh. 14giờ 30, năm cái mũ bảo hiểm to đùng, năm cái khẩu trang quá cỡ và ba cái xe gắn máy chờ mình ở cổng nhà dòng Mến Thánh Giá Sơn Tây. Mình chậm rãi leo lên chiếc xe của trưởng đoàn. Ba chiếc xe từ từ lăn bánh trên những ngõ ngách nhỏ hẹp, bị o ép bởi những bức tường cao có cổng kín.

Qua khu vực có những ngôi nhà kín cổng cao tường, thì đến cánh đồng của làng Xen Chiểu. Cánh đồng không mênh mông, nhưng vẫn đủ rộng để tầm nhìn không bị từ túng. Gió từ sông Hồng thổi lên, mơn man da mặt, mát rười rượi. Sướng quá! Sướng chưa đã, thì xe lại chui vào ngõ ngách của thôn làng, lại tường cao và cổng kín.

Khi không còn tường cao và cổng kín nữa, thì ba chiếc xe dừng lại. Có tiếng nói vọng ra từ một khẩu trang phập phồng:

-         Ông cố ơi, chị Câm đi vắng rồi.

-         Ai đâu vậy? Chờ được không?

-         Người ta bảo là chị ấy đi rửa bát mướn cho đám cưới. Ví lại, nếu chị ấy ở nhà, thì ông cố cũng chẳng phỏng vấn được đâu. Mời ông cố vào nhà bà cụ này thì tha hồ mà hỏi, tha hồ mà nghe…

Bà cụ già đã vượt mức “cổ lai hy”, móm mém đến tận cùng móm, vì chỉ còn giữ lại được hai cái răng vô duyên. Bà là thím dâu của chị Câm và là người thân duy nhất còn biết thương, còn biết xót đứa cháu bất hạnh. Bà cụ rất hồn nhiên, hỏi gì cũng trả lời hết ý. Khi giận thì sụ mặt xuống, đập tay lên đùi. Khi vui thì cười hô hố, để hở hết hai hàm răng trống trơn. Thấy bà cụ cởi mở và vui tính, mình tấn công ồ ạt.

-         Bà cụ ơi, chị Câm có hai đứa con. Vậy bà cụ có biết ai là bố của chúng nó không?

-         Biết chứ.

-         Tại sao bà cụ không yêu cầu những người ấy chu tròn bổn phận làm cha?

-         Há miệng mắc quai. Nói ra thì xấu hổ lắm.

-         Những người đàn ông ấy không xứng đáng là đàn ông.

-         Thằng cháu này được sáu tuổi, nó khoe là có một lần ông ấy cho nó hai chục nghìn.

-         Thế ông ấy có còn mon men và tò tí với chị Câm không?

-         Có, thằng bé này thấy. Nó cứ kể xoen xoét cho tôi nghe.

-         Thế bà cụ có sợ là cô Câm lại có bầu nữa không?

-         Không sợ. Nó đặt vòng rồi (cười hô hố)

Cuộc phỏng vấn còn kéo dài, lột hết mặt nạ của nhân tình thế thái. Đau xót vô cùng! Uất ức vô tận! Thân xác nghèo đói. Linh hồn teo tóp. Hôm nay thê thảm, ngày mai còn thê thảm hơn. Cái nhỏ của người mẹ là thế. Còn hai đứa con thì sao? Được bà phước cho tiền đi học, thì mừng nhưng lại mặc cảm với bạn bè. Không đi học, thì làm sao mà dám ngước mắt nhìn đời. Khổ ơi là khổ!...

***

Phỏng vấn bà cụ xong, ba chiếc xe lại lăn bánh. Lăn bánh mãi giữa những bức tường cao và những cánh cổng kín. Khi không còn tường cao và cổng kín nữa, thì ba chiếc xe dừng lại.

Có một căn nhà khiêm tốn chưa từng thấy trên trần gian này. Hai cái gường đơn kê sát nhau chiết hết 60 phần trăm diện tích của căn nhà. Hai đứa con lớn nằm chung nhau một cái. Người mẹ và thằng cu tí nằm chung một cái. Nếu chỉ có ăn và nằm, thì bấy nhiêu cũng đủ rồi. Nhưng… mình hỏi nhỏ bà phước.

-         Họ “ấy” ở đâu?

-         Bà phước thì thào: đàng sau nhà là ruộng. Chắc là mẹ con cùng ra đấy mà “ấy”.

Ngắm nghía căn nhà bé tí tẹo xong, mình ra ngoài sân để phỏng vấn “cô mẹ”. Người mẹ nhỏ và thấp bé như một cô gái tuổi ô mai. Cô có ba đứa con. Đứa lớn nhất học lớp một. Hai đứa em còn ở nhà với mẹ. “Cô mẹ” xốc nách thằng cu út, miệng cười tươi như hoa. Hai hàm răng trắng muốt và đều đặn, nổi bật lên giữa khuôn mặt ngăm ngăm đen. Thấy “cô mẹ” cởi mở và dễ thương, mình vào đề.

-         Bố mẹ cô hiện ở đâu?

-         Bố con chết từ hồi con còn bé tí. Mẹ con đi lấy chồng Trung Quốc từ hơn mười năm nay. Chẳng hề có tin tức gì.

-         Chồng chị làm nghề gì?

-         Con không có chồng (cười e lệ)

-         Thế chị làm nghề gì để nuôi ba đứa con?

-         Con sống bằng nghề ăn xin. Thấy con khổ, thì bà con cho: cho vài ba nghìn, cho vài ba bát gạo. Đôi khi có người mướn hái rau, nhổ cỏ. Mỗi ngày họ cho vài cân gạo, hoặc vài ba chục nghìn.

-         Cô sẽ cho ba đứa con học tới đâu?

-         Đời con quá khổ vì thiếu tất cả tình thương của bố mẹ. Bây giờ con sẽ dốc hết tình yêu, để lo cho các con của con. Tới đâu hay tới đó…

Nghe “cô mẹ” kể dốc bầu tâm sự, năm bà phước im lặng chẳng nói một lời. Ngậm ngùi, xót xa, cảm phục và thương mến. Tên “cô mẹ” là Hoa. Như vậy thì tương lai của ba đứa con sẽ đẹp như hoa. Hoa đẹp quá! Nhưng nếu cuồng phong nổi lên, thì lấy gì mà che cho hoa? Hoa sẽ tơi tả… người ơi! Hãy cứu lấy “hoa” hộ tôi với!

***

Giã từ “cô mẹ”, lòng mình vừa phấn khởi, vừa lo âu. Phấn khởi thì nhiều, nhưng lo âu thì nhiều hơn bội phần.

Ba chiếc xe lại lăn bánh. Hành trình giống hệt hồi nãy: tường cao, cổng kín và dừng lại ở chỗ không có tường. Mình đi theo năm bà phước bước vào căn nhà trống hoang. Chẳng thấy bóng người, chỉ thấy quần áo và đồ đạc vô trật tự.

Đang thất vọng và dòm ngó mông lung, thì có ba bóng người từ vườn chuối chui ra. Đi đầu là bà cụ già vừa gù lưng, kế đó là một phụ nữ trung niên vừa cao vừa ngơ ngơ như người không có linh hồn. Sau cùng là cô nữ sinh vừa đi vừa nghịch. Mình đon đả chào:

-         Chào bà cụ. Bà đi đâu về đấy?

-         Tôi đi ha đỗ (tỉa đậu). Có một tí vườn ở ngay đằng kia. Mời bác ngồi xơi nước.

-         Năm nay bà cụ thọ mấy mươi rồi?

-         Năm nay tôi được bảy mươi hai rồi.

-         Nhà bà cụ có mấy miệng ăn?

-         Có tôi với đứa con gái dở hơi và đứa cháu gái nghịch ngợm này.

-         Ai là lao động chính?

-         Một mình tôi phải làm tất tần tật. Đứa con gái của tôi to xác mà chẳng biết làm cái gì sất. Đứa cháu gái thì ham chơi.

-         Cháu học lớp mấy?

-         Nó đang học lớp bảy.

Mình sang phỏng vấn bà cụ thì một bà phước bước vào đóng vai MC giải đáp mọi thắc mắc đang luẩn quẩn trong đầu của mình.

1-     Bà cụ năm nay đã ngoài bảy mươi. Bà cụ bị viêm đa khớp. Lưng cụ không ưỡn thẳng được. Chân cũng không đứng ngay được. Một mình cụ phải đi cấy, đi làm cỏ và đi gặt. Cả nhà sống nhờ cụ và hai sào ruộng.

2-     Cô gái duy nhất của cụ thì bị sỏi mật, tay bị còng và trí khôn không phát triển. Tắm rửa và chải tóc cũng phải nhờ mẹ.

3-     Cháu Ly năm nay học lớp bảy, nhờ học bổng khiêm tốn 700.000/một năm của Caritas Hưng Hóa.

MC đang thao thao bất tuyệt, thì cô gái cao kều đến đứng sau lưng mẹ, vừa khóc nhệu nhạo, vừa gọi “mẹ… mẹ”. Tương lai mù mịt và đau thương chồng chất đều hiện hình rõ nét trên cặp mắt ngơ ngơ của đứa con gái cao kều và đâu cứng ngắc trên lưng bà già răng đen đang uốn cong thành ba khúc như chữ dét (Z). Mình nghiến răng, mím môi để giọt lệ khỏi rơi. Mình bá vai bé Ly và đặt vào tay bé tờ giấy 50.000 đồng. Mình ân cần nhắn nhủ: “Ông gửi con giữ hộ ông 50.000 đồng này. Nếu cuối năm học mà bà ngoại khen con là cháu ngoan, thì tờ 50.000 đồng này là của con. Nếu bà ngoại chê con là nghịch và lười, thì con phải trả lại cho ông. Con có đồng ý không?

-         Có.

-         Vậy ông cháu mình nghèo tay nhau một cái.

***

Sau một buổi chiều buồn man mác, ba chiếc xe máy lăn bánh uể oải hướng về trung tâm thị xã Sơn Tây. Chưa bao giờ mình có một chuyến viếng thăm thê thảm như thế. Ba người đàn bà không chồng mà có con. Sáu đứa nhỏ có mẹ, mà không có bố. Ít nhất là sáu người đàn ông có con mà nhắm mắt không nhìn.

Người ơi! Hãy cứu vớt ba người đàn bà đang ngoi ngóp trên làn sóng dập dồn. Người ơi! Hãy tung phao cứu hộ cho sáu em bé đang kiệt sức và sắp chìm lỉm xuống đáy vực thẳm…

Lm. Pio Ngô Phúc Hậu


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     CHỨNG NHÂN. ÔngTôma Trần Văn Ba
     CHỨNG NHÂN. Ông Phaolô Võ Kim Khôi
     BÀI CHIA SẺ CẢM NGHIỆM ĐỜI SỐNG TÂN TÒNG.Giuse Thạch Lộc
     TÂM TÌNH TRUYỀN GIÁO - MỘT THAO THỨC - Giuse Đinh Đức Đạo Giám mục Phụ tá Gp Xuân Lộc
     BÀI CẢM NGHIỆM GIÁO PHẬN XUÂN LỘC GÍÁO HẠT GIA KIỆM GIÁO XỨ ĐỨC LONG. M. Goretti Nguyễn Thị Giáng Hương
     TỔ TIÊN VÀ DÒNG HỌ - KHUNG CỬA ĐANG RỘNG MỞ CHÀO ĐÓN TIN MỪNG. Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
     LỜI KINH DƯỚI TRĂNG CỦA MỘT CHÚ BÉ CÓ HIV. MM, Tân, S.J.
     Công bố kết quả Giải Viết Văn Đường Trường Lần II (2014)
     ĐỊA PHẬN TRUYỀN GIÁO. Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
     TÂM SỰ kết thành LỜI KINH TẠ ƠN CỦA một NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV. MM Tân, SJ. ghi lại