CHỦ NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê su đã phá bỏ mọi ranh giới của dân
tộc tuyển chọn. Người Do thái biết mình là Dân được chọn của Thiên Chúa, nhưng
họ quên rằng họ cũng là những nhà truyền giáo và phải làm cho mọi người nhận
biệt Thiên Chúa duy nhất đã kết ước với họ. Chúa Giê su biết
điều đó và Ngài đã dẹp bỏ mọi giới hạn và như thế đáp ứng Thánh ý Thiên Chúa
yêu thương tất cả mọi người và làm cho họ được sống.
Sách Tiên
tri Isaia 56 1.6-7
Người Do thái bị lưu đày và bị đồng hóa với
dân các nước. Họ tự hỏi lối sống rập theo dân ngoại nơi họ sẽ như thế nào khi
họ sẽ trờ về quê hương. Tiên tri Isaia thử trả lời cho thắc mắc của họ. Ông
khuyên họ hãy tích cực tham gia vào cộng đoàn thánh của những người sẽ tin vào
Thiên Chúa đích thật.
Thánh Vịnh
66
Đây là lời chúc tụng Thiên Chúa vào mùa gặt
hái. Thánh vịnh nầy mời gọi tất cả các nước ca tụng Chúa vì những kì công Người
đã thực hiện. Đó là lối mở ra kỉ nguyên phổ quát mà Tin mừng công bố.
Thư gửi Rôma
11, 13-15.29-32
Thánh Phao lô thấy trong sự từ khước của người
do thái một điều gì đó mang tính tạm thời cho Giáo Hội. Cửa Nước Trời phải rộng
mở cho tất cả mọi người, đó là điều gây ra một phản ứng từ khước cho Dân Ưu
tuyển. Nhưng sẽ có một ngày, Dân tộc nầy sẽ tìm lại chỗ mà họ đã được mời gọi
trong Kinh Thánh đã được dọn sẵn cho người khác được vào. Sau khi đã nhận ra
tội lỗi của mình, họ sẽ khám phá ra Lòng Thương xót của Thiên Chúa.
Mt 15: 21-28
NGỮ CẢNH
Sau khi nhận thấy sứ vụ rao
giảng thất bại, không mang lại kết quả mong muốn, Chúa Giê su dồn mọi nổ lực dạy
dỗ các môn đệ. Bên cạnh đó, các cuộc tranh luận với người Biệt phái vẫn càng
ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Như trong đoạn đi trước (15,10-20 ), Chúa Giê
su tranh luận gay gắt với người Biệt phái về thức ăn sạch và nhơ uế. Ngài chủ
trương ngược lại truyền thống do thái, coi mọi thức ăn đều sạch. Lập trường đó
gây tức giận cho người Do thái. Đứng trước sự cứng lòng của họ, có phải Chúa
Giê su đã quyết định bỏ mặc Israel để từ đây đến với lương dân không? Mt trả lời:
Không phải thế! Và trong đoạn nầy, ông cố
gắng chứng minh qua phép lạ Chúa Giê su thực hiện cho một người ngoại đạo để tưởng thưởng lòng
tin của bà, và để khẳng định một lần nữa: “Ngài chỉ được sai đến với chiên lạc
nhà Israel thôi”.
Có thể đọc đoạn tin mừng
theo bố cục như sau:
1. Hoàn cảnh (15,21)
2. Chúa Giê su từ chối yêu cầu
của người phụ nữ (22-23a)
3. Chúa Giê su trả lời cho
các môn đệ: Ngài từ khước (23b-24)
4. Chúa Giê su tiếp tục từ
chối lời van nài của người phụ nữ (25-26)
5. Chúa Giê su khen ngợi và
thán phục đức tin của người phụ nữ (27-28).
TÌM HIỂU
Ra khỏi đó, Chúa Giê su lui về miền Tia và Si
đôn: Người ta không thể xác định lộ trình nầy vì nó mang một ý nghĩa thần học:
tác giả Mát thêu muốn cho thấy Chúa Giê su tiếp xúc với người dân ngoại sống
trong miền ấy. Tia và Si đôn là cụm từ truyền thống chỉ vùng đất
dân ngoại tại vùng bắc-đông-bắc Palestina thường được gọi là vùng Phênêkia. Dân
vùng nầy tự gọi mình là “dân Canaan”, và CƯ cũng như TƯ tiếp tục dùng tên gọi
đó.
Một người đàn bà Ca na an:
Người phụ nữ nầy không phải là người Do thái, nhưng là một người ngoại biết rõ
hoạt động của Chúa Giê su và do đó cũng có ít nhiều niềm tin của người Do thái.
Vì thế Bà gọi Chúa Giê su là con vua Đa vít, tuy không hiểu rõ danh xưng ấy có
nghĩa gì. Bà chỉ lặp lại điều mà Bà nghe người Do thái nói về Chúa Giê su.
Những con chiên lạc: có thể chỉ những tội nhân
ở Israel, mà cũng có thể chỉ toàn thể dân Israel, được coi như một đàn chiên lạc
mất chủ chăn của họ (9,36; 15,3-13).
Thầy chỉ được sai đến với những
con chiên lạc của nhà Israel mà thôi: Thoạt nghe, câu nầy có thể làm cho người ta khó
chịu. Thật ra nó xác nhận sứ mạng mà Chúa Giê su nhận lãnh
từ Thiên Chúa Cha, được các sấm ngôn CƯ loan báo. Sẽ có ngày Gia vê
đuổi các mục tử giả mạo nhà Israel để
ban trách vụ mục tử cho Đấng Messia (Ed 34, 23). Chúa Giê su loan báo giờ đó đã
đến. Ngài có sứ mạng tái lập Israel thành một đàn chiên duy nhất trung tín với
Thiên Chúa. Sau đó các dân tộc khác mới được quy tụ. Tuy
nhiên giai đoạn thứ hai nầy không trực tiếp thuộc về sứ mạng của Đấng Messia.
Chó con: Từ nầy (= kunarion)
được dùng thay từ ‘chó’ (= kuon) nhằm làm dịu bớt tính cách khinh miệt trong lời
nói của Chúa Giê su. Người Do thái thường gọi dân ngoại là ‘chó’ chứ không phải
là ‘chó con’.
Lòng tin của Bà mạnh thật:
Người phụ nữ Canaan nầy đã hiểu rằng Chúa Giê su không phải là một nhà thần
thông thường thấy nào đó hoạt động một cách cá nhân, nhưng là thừa tác viên thi
hành một kế hoạch của Thiên Chúa cho một dân ưu tuyển. Bà khiêm tốn nhìn nhận rằng
dân tộc ấy được ưu tiên trong chương trình cứu độ. Đức tin của bà hệ tại ở đó.
SỨ ĐIỆP
Một ngày nọ một người ki tô
hữu thấy một người hồi giáo đến nhà thờ cầu nguyện và khi được hỏi lí do, thì
người nầy trả lời: “Thiên Chúa của anh và Thiên Chúa của tôi là một. Tôi đến
nhà thờ nầy để cầu nguyện với Thiên Chúa của chúng ta”.
Bài tin mừng hôm nay cho
chúng ta thấy cuộc gặp gỡ của Chúa Giê su với một người phụ nữ Canaan. Thánh
Mát thêu viết cho những người Do thái tòng giáo. Ngài muốn
nhắc cho họ nhớ rằng Đức Ki tô không chỉ đến cho các tín hữu của dân tộc họ mà
thôi, mà còn cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Lời loan báo tin mừng
được gửi đến với tất cả mọi người, nhờ đó, người ngoại giáo từ khắp nơi đến với
cộng đoàn Ki tô mới hình thành. Và trong số họ, chắc chắc là có những người
Canaan ngoại giáo. Những người nầy không được nhiều thiện cảm dưới mắt nhiều
người khác. Người ta nghi ngờ họ ăn bánh của những người Do thái Ki tô giáo. Vì
thế Thánh Mát thêu kể lại câu chuyện về người phụ nữ Cana an nhằm
đưa ra một bài học cho cộng đòan Do thái trở lại với Chúa Giê su.
Có một người đàn bà ngoại
giáo đến với Ngài để xin chữa cho con gái của bà bị quỉ ám. Bà nầy gốc vùng Tia
và Siđôn, nay thuộc Li ban, nơi Chúa Giê su đã lui về ít lâu trước. Đối với
người Do thái thì đó là một người ngọai giáo. Bà ta và và những người ngoại
khác thường bị người Do thái khinh miệt như là “những con chó” nghĩa là bị đối
xử hết sức tồi tệ. Dù vậy để cứu con mình, bà tỏ ra dạn dĩ và bất chấp tất cả.
Lời van xin của bà là tiếng kêu của một đức tin lạ lùng phát ra từ một người
đàn bà ngọai giáo. Dù không biết gì về căn tính đích thức của Chúa Giê su, Bà
vẫn gọi Ngài như là ‘Đấng Messia’, ‘con Vua Đa vít’, và là ‘Chúa’. Đó là những
tước hiệu dành cho Thiên Chúa nên qua đó, bà tỏ cho thấy rằng hành vi đức tin
của bà đi xa hơn nhiều người tín hữu ngoan đạo.
Lòng khiêm nhường của người
phụ nầy khiến chúng ta nhớ đến những người cầu nguyện nổi tiếng bằng Kinh
Thánh, đặc biệt bằng các thánh vịnh. Như họ, bà ý thức sự thấp hèn và sự bất
xứng của mình trước mặt Chúa Giê su. Dù lần đầu bị từ
chối, bà vẫn tiếp tục đi theo nài nỉ Chúa Giê su. Câu trả lời của Chúa Giê su
có thể bị xem là cứng cõi; hơn nữa, cho thấy tinh thần cục bộ nếu chỉ nghe sơ
qua: “Ta chỉ được sai đến cho các chiên lạc nhà Israen”. Nhưng nếu đọc kĩ,
chúng ta sẽ khám phá ra điều nầy: các “chiên lạc” mà Chúa Giê su nói đó không
chỉ là những người tín hữu đích thật của luật Mô sê, mà còn chỉ tất cả những
người ngọai giáo mà các tiên tri và các Thánh vịnh thường nói đến. Họ không
phải là những người xa lạ đối với Thiên Chúa; họ cũng thuộc về Ngài. Ngài đến
để ban ơn cứu độ cho tất cả.
Thế rồi, một câu nói lạ lùng
khác: “Không nên lấy bánh của con cái mà đem cho chó con” (Mt 15, 26). Thật ra,
Chúa Giê su chỉ nhắc lại tiếng tăm người ta đồn về người Canaan: Ngài muốn cho
người phụ nữ nầy một cơ hội diễn tả trước mặt các môn đệ một đức tin mà họ
tưởng là không thể có được.
Và nhờ thế mà chúng ta nghe
được câu trả lời đáng khen ngợi của người đàn bà Canaan nầy. Chủ nhà thường để
cho các chó con ăn những miếng bánh vụn từ bàn rơi xưống. Bà tin vào một Thiên
Chúa có một trái tim luôn rộng mở cho tất cả mọi người, không trừ ai. Bấy giờ
Chúa Giêsu ngạc nhiên vì niềm tin đơn sơ nhưng chân thành đó, nên đã ban cho
như bà cầu xin. Bà không chỉ được những miếng bánh vụn, mà kể từ nay, Ngài cho
bà ngồi vào bàn ăn và được chia sẻ bánh của con cái. Như thế, chỉ có đức tin
mới quyết định Giao ước với Thiên Chúa chứ không chỉ là việc thuộc về một dân
hoặc thi hành các lề luật Mô sê.
Câu trả lời của Chúa Giê su
từ đó mang một chiều kích khác. Người phụ nữ Canaan không bị lọai trừ, không ở
ngòai dân Israel đích thật. Đức tin của bà đưa bà vào trong Vương quốc cánh
chung mà Thiên Chúa đã muốn thực hiện trong Con của Ngài. Những người ở ngoài
cũng được liên kết vào việc thờ phượng Chúa như người Do thái. “Nhà Cha Ta sẽ
là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is 56, 7).
Chúa Giêsu mạc khải rằng
Thiên Chúa sẵn sàng ‘bẻ khóa’ mở cửa trước cho người sĩ quan La mã ngọai đạo đã
thưa với Ngài: “Tôi không xứng đáng cho Ngài vào nhà tôi, nhưng chỉ mói một lời
và đầy tớ của Ngài sẽ được lành mạnh”. Ngài ngạc nhiên xác nhận rằng có những
người ở rất xa Thiên Chúa đã làm một bước đi còn dài hơn cả những người tín hữu
tốt nhất.
Ngày nay cũng thế, nhiều
người ngoại gõ cửa chúng ta. Có những thành phần các tôn giáo khác đang cố gắng
tìm hiểu sứ điệp tin mừng. Những người ‘tin sai quấy’, những người dửng dưng,
nhũng người rất xa đức tin hiện diện với cộng đoàn chúng ta trong các lễ hôn
phối và an táng. Họ tỏ ra quan tâm hơn người ta tưởng. Chúng ta đón tiếp họ như
thế nào? Chúng ta có gì để trao ban cho họ? Những miếng bánh vụn hay cả chiếc
bánh?
Rồi còn những người mà người
ta gọi là “những kẻ mới vào”. Họ ở xa đức tin, nhưng như người đàn bà Canaan,
họ đã gặp Đức Ki tô và đã thể hiện một bước đi ngoạn mục. Trong khi đó, những
ai tự cho là tín hữu thì vẫn bình chân như vại, vẫn khư khư và không nhúc nhich
trong pháo đài an toàn của mình. Tin mừng về người phụ nữ Canaan nầy là một bài
học quí giá cho tất cả các tín hữu. Tất cả được nhắc nhở rằng đức tin không bao
giờ dễ dàng cả. Nhưng Chúa Giê su chờ đợi chúng ta một niềm tin hoàn hảo. Với
Ngài, chúng ta được mời gọi luôn luôn tiến xa hơn trong đức tin.
Mỗi ngày chủ nhật chúng ta
được nuôi dưỡng bằng “Bánh sự sống”. Chúng ta hãy nài xin Chúa giúp đỡ chúng ta
tiến sâu trên con đường mà Ngài đến để vạch ra để trở thành những chứng nhân đức
tin và hi vọng cho tất cả những người chung quanh.
ĐÀO SÂU
THIÊN CHÚA BAN ƠN CỨU ĐỘ CHO
MỌI NGƯỜI
Is 56,1.6-7
Thiên Chúa đón nhận những người ngoại giáo đến cầu nguyện với Người
Tv 67,2
Nào muôn dân hãy tung hô Người, lạy Thiên Chúa
!
Rm 11,13-32
Vai trò dân Ít-ra-ên trng Giao Ước mới!
Mt 15,21-28
Đức Giê-su chấp nhận lời cầu xin của người phụ nữ ngoại giáo
1. HỎI: Các bài đọc được
liên kết theo chủ đề gì?
THƯA: THIÊN CHÚA BAN ƠN CỨU
ĐỘ CHO MỌI NGƯỜI. Thiên Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của những người ngoại
giáo (Bđ1), cũng như Đức Giê-su nhận lời van xin của người phụ nữ Ca-na-an ngoại
đạo (BTM). Thánh Phao-lô khẳng định vai trò cần thiết của Ít-ra-ên trong Giao Ước
mới (Bđ2).
2. HỎI: Bài đọc một (Is 56,1.6-7)
trích từ sách nào?
THƯA: Bài đọc một trích từ
phần cuối sách I-sai-a thường được gọi là sách I-sai-a thứ ba, từ chương 56 đến
66, được soạn tác trong những thập niên đầu sau cuộc Lưu đày, tức là khoảng cuối
thế kỉ 6 hay đầu thế kỉ thứ 5. Nội dung nằm củng cố niềm tin người Do thái hồi
hương đang thất vọng trước thực tế khó khăn ngoài dự tưởng.
3. HỎI: Bối cảnh bài đọc một
như thế nào?
THƯA: Sau 50 năm xa cách quê
hương, người lưu đày trở về thấy mọi sự thay đổi hoàn toàn. Họ phải chạm trán với
nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có, như phải làm sao để chung sống với những
người ngoại đã chiếm cứ và đang làm chủ mảnh đất của mình. Rồi có nên tiếp nhận
vào cộng đoàn những người mới theo đạo không? Một số chủ trương cần phải giữ sự
trung thành, một số khác tỏ ra cởi mở hơn với một số điều kiện.
4. HỎI: Tiên tri trả lời như
thế nào trước vấn đề ấy?
THƯA: Tiên tri truyền lại Lời
Chúa, quyết định mở cửa đón nhận những người tín hữu mới. Những ai có lòng
thành tâm muốn gia nhập cộng đoàn Do thái thì tiên tri mời gọi cộng đoàn hãy mở
rộng vòng tay tiếp nhận họ. Đối với những người còn hoài nghi, tiên tri nhấn mạnh
đó là lệnh truyền của Thiên Chúa.
5. HỎI: Đó có phải là điểm mới
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa không?
THƯA: Đúng vậy. Điểm mới và
quan trọng trong chương trình cứu độ được Thiên Chúa loan báo là từ nay ơn cứu
độ được mở rộng ra cho tất cả mọi người, không trừ ai. Đó là tính cách phổ quát
của ơn cứu độ.
6. HỎI: Tiên tri có đưa ra
điều kiện gì không?
THƯA: Tiên tri đưa ra ba điều
kiện để được tiếp nhận: một là giữ ngày sa bát, hai là thực hành Giao Ước, ba
là làm những điều đẹp lòng Chúa.
7. HỎI: Bài đọc một gửi đến
sứ điệp nào?
THƯA: Bài đọc một gửi đến sứ
điệp nầy: từ nay, bất cứ ai giữ lề luật và thi hành sự công chính đều được tiếp
nhận vào trong Nhà của Thiên Chúa: “Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ
toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của
muôn dân” (56,7).
8. HỎI: Nội dung bài đọc hai
(Rm 11,13-32)
như thế nào?
THƯA: Thánh Phao-lô cho biết
trước kia là người ngoại nay đã tin vào Đức Kitô và trở thành tông đồ dân
ngoại. Và dù có làm cho đồng bào Do thái của ông phân bì, thì ông cũng chấp nhận,
miễn là dân ngoại cũng được cứu độ.
9. HỎI: Bối cảnh bài tin mừng
(Mt 15,21-28)
như thế nào?
THƯA: Sau cuộc tranh luận về
ô uế (15,1-20), Đức Giê-su quyết định hướng về phía dân ngoại (c 21), tức là
vùng phía bắc Pa-lét-ti-na, là phần đất ô uế dưới mắt người Do thái vì không
tuân giữ luật trong sạch của Mô-sê. Tại đó, người đàn bà Ca-na-an ngoại giáo
đến đón gặp Ngài (cc.22-28). Có 3 ý chính: 1. Bối cảnh câu chuyện (cc. 21-22a),
2. Cuộc đối thoại (cc. 22b-27), -3. Kết luận (c. 28).
10. HỎI: Tia và Si-đôn là những
địa danh mang ý nghĩa gì?
THƯA: Tia và Si-đôn là cụm từ
truyền thống chỉ vùng đất dân ngoại tại vùng bắc-đông-bắc Pa-lét-ti-na thường
được gọi là vùng Phê-nê-ki-a.
11. HỎI: Thái độ im lặng kì
lạ của Đức Giê-su trước lời van nài của người đàn bà khiến người ta nghĩ đến dụ
ngôn nào?
THƯA: Dụ ngôn ‘người bạn
quấy rầy’ trong tin mừng thánh Lu ca (11, 5-8) qua đó, Đức Giê-su dạy các môn
đồ phải cầu nguyện một cách kiên trì và không bao giờ được nản lòng.
12. HỎI: Tại sao Đức Giê-su
giữ thái độ im lặng với người đàn bà Ca-na-an; có phải Ngài tỏ ra dửng dưng với
bà ta không?
THƯA: Chắc chắn là không,
Đức Giê-su biết trước các phép lạ mà Chúa Cha đã định trước để hoàn thành sứ
mạng được giao phó cho Ngài.
13. HỎI: Thế thì tại sao
Ngài không quan tâm đến yêu cầu của bà?
THƯA: Vì Ngài muốn thử thách
lòng tin của người đàn bà: đơn giản là Ngài không phải là một nhà thần thông
nào đó, nhưng là Con Vua Đa vít, nghĩa là Đấng Mê-si-a sinh ra từ dòng dõi Đa
vít
14. HỎI: Cụm từ ‘Những con chiên
lạc’ chỉ ai?
THƯA: Có thể chỉ những
tội nhân ở Ít-ra-ên, mà cũng có thể chỉ toàn thể dân Ít-ra-ên, được
coi như một đàn chiên lạc mất chủ chăn của họ (9,36; 15,3-13).
15. HỎI: Tại sao Đức Giê-su
trả lời Ngài chỉ được sai đến với các chiên lạc nhà Ít-ra-ên?
THƯA: Thoạt nghe, câu nầy có
thể làm người ta khó chịu. Thật ra nó xác nhận sứ mạng mà Đức Giê-su nhận lãnh
từ Thiên Chúa Cha, được các sấm ngôn CƯ loan báo. Sẽ có ngày Thiên Chúa loại
các mục tử giả để giao phó đàn chiên cho Đấng Mê-si-a (Ed 34, 23). Giờ đây, Đức
Giê-su xác nhận giờ đó đã đến. Ngài đến với sứ mạng qui tụ Ít-ra-ên thành một
đàn chiên duy nhất trung tín với Thiên Chúa. Rồi sau đó mới quy tụ các dân tộc
khác.
16. HỎI: Đức Giê-su có đòi
buộc người đàn bà phải giữ luật Mô-sê không?
THƯA: Không. Ngài không đòi
điều kiện gì cả ngoài đức tin.
17. HỎI: Đức tin của người
đàn bà Ca-na-an hệ tại ở điều gì?
THƯA: Đức tin của bà hệ tại
ở ba điều: một là bà tin rằng Đức Giê-su không phải là một người làm phép lạ
nào đó hoạt động một cách cá nhân, nhưng là thừa tác viên của Thiên Chúa; hai
là bà đã không thất vọng trước thái độ khước từ của Đức Giê-su nhưng kiên trì
tin tưởng vào tình thương của Ngài; ba là bà nhận thức ưu tiên của dân Ít-ra-ên
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
18. HỎI: Sự kiên trì của người
đàn bà phát xuất từ đâu?
THƯA: Từ lòng yêu mến con
gái của bà. Khi có lòng yêu thương, người ta sẵn sàng kiên trì trong mọi sự cho
đến khi đạt được điều mình mong ước.
19. HỎI: Đứa con gái của bà
bị ma quỉ hãm hại, vậy cả người ngoại giáo Ca-na-an cũng tin vào sự hiện diện
của ma quỉ sao?
THƯA: Có thể là như vậy.
Điều quan trọng ở đây là nếu ma quỉ hành hạ cả những người ngoại, thì điều đó
có nghĩa là ơn sủng mà Thiên Chúa của người Do thái ban phát không chỉ dành
riêng cho dân Do thái mà thôi, mà cho tất cả các dân tộc, bởi vì tất cả đều là
con cái Đấng Tối cao. Thế nên, Đức Giê-su sẽ chữa lành con gái bà.
20. HỎI: Đâu là Giáo huấn
ngang qua đọan tin mừng nầy?
THƯA: 1. Khi xuất hiện trên
trần gian, Đức Ki tô đã thay đổi hoàn toàn viễn tượng Giao ước và do đó, ơn cứu
rỗi mà Thiên Chúa ban cho: từ nay viễn tượng phổ quát sẽ thay thế viễn tượng
quốc gia. 2. Việc đi vào Vương quốc không cần điều kiện về giòng dõi nữa, mà
chỉ nhờ đức tin dựa trên nền tảng là lòng quảng đại của Thiên Chúa. Chính nhờ
đức tin mà tất cả mọi người sẽ được qui tụ trong Đức Ki tô, Con Thiên Chúa Cha.
3. Nhờ cái chết cứu độ của Đức Ki tô, tất cả đều được mời vào bàn tiệc cứu độ
và hiệp thông. Không còn cảnh người thì được ăn bánh, kẻ thì chỉ được những
miếng bánh vụn, nhưng tất cả sẽ được ăn no và được sống nhờ vào Thân mình và Máu
Đức Ki tô. Tất cả sẽ được thông phần trong cùng một tấm bánh và cùng một chén
rượu để làm nên một thân thể duy nhất trong Đức Ki tô
21. HỎI: Đối với các tông đồ
sau Lễ Hiện xuống, việc nhớ lại phép lạ nầy của Thầy mình sẽ rất quan trọng?
THƯA: Đúng vậy. Và còn hơn nữa.
Thật vậy, sau lễ Hiện Xuống, các môn đệ sẽ nhìn ra trong câu truyện nầy như một
lời của Đức Giê-su mời gọi các ông loan báo Tin mừng khắp nơi.
GLCG 439 528-529 547. Nhiều
người Do Thái, kể cả một số người ngoại cùng chia sẻ niềm hy vọng của Ít-ra-en,
đã nhận ra nơi Đức Giê-su những nét cơ bản của "Con vua Đa-vít" là Đấng
Mê-si-a mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Ít-ra-en ( x. Mt 2,2; 9,27, l2,23; l5,22;
20,30; 2l,9.l5). Đức Giê-su đã chấp nhận danh hiệu Mê-si-a mà Người có quyền
lãnh nhận ( x. Ga 4,25-26; ll,27;), nhưng một cách dè dặt vì danh hiệu này bị một
số người đương thời hiểu theo một quan niệm trần tục ( x. Mt.22,4l-46) nặng phần
chính trị ( x. Ga 6,l5; Lc.24,2l).