CHỦ NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN
Thình thoảng
chúng ta gặp những người có phản ứng thái quá, thậm chí khinh thường Lề luật mà
truyền thống để lại và thay vào đó một kiểu diễn tả
tâm tình tôn giáo ngẩu hứng của mình. Tin mừng của Chúa Giê su Ki
tô là một Hồng ân, đó là một món quà mà chúng ta là những người nhận lãnh. Thế
nên chúng ta không thể sửa đổi cho hợp với ý của mình. Là người Ki tô hữu tức
là chấp nhận những điểm qui chiếu do chính Đức Ki tô ấn định.
Sách Tiên tri Is 22, 19-23
Chúng ta đang ở cuối thế kỉ thứ 8 trước Công Nguyên. Một viên chức
âm mưu lôi kéo toàn đất nước vào một cuộc chiến tranh chống lại Assiri. Tiên tri
Isaia lên án những thủ đoạn đó vì nó cho thấy thiếu lòng tin vào Thiên Chúa.
Thánh Vịnh 137
Lời ca tụng Thiên Chúa đã ban cho tôi tớ
của Người can đảm và sức mạnh. Người đã quan tâm đến những kẻ khiêm nhu và
triệt hạ nhũng kẻ kiêu căng. Xin Người hãy tiếp tục phù trợ con cái Người.
Thư gửi Rm 11, 33-36
Sau khi đã cho thấy đâu là cuộc sống của
người tín hữu đầy tràn Thánh Thần, thánh Phao lô đã suy niệm về số phận của dân
Ít-ra-ên. Ngài tin tưởng rằng một ngày kia, dân của Ngài cuối cùng sẽ tìm được
chỗ đứng trong Giáo Hội của Thiên Chúa. Rồi ngài kết thúc suy tư của mình bằng
một lời ca tung Chúa. Ngài tiếp nhận với lòng biết ơn chương trình cứu độ của
Người mà Ngài tỏ lòng bái phục.
Mt 16: 13-20
NGỮ CẢNH
Với đoạn nầy chúng ta đi vào phần trung tâm
Tin mừng Mt. Lần đầu tiên Chúa Giê su hỏi ý kiến các môn đệ về bản thân Ngài
(16,13-20) ; và cũng là lần đầu tiên Chúa Giê su loan báo cuộc thương khó Ngài
sẽ phải chịu (16,21-23). Từ đây Chúa Giê su lìa bỏ miền Galilê để lên đường đi
về Giêrusalem, và dành thời giờ chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận cuộc Khổ nạn của
Ngài (16l, 24-28).
Có thể đọc bản văn theo bố cục sau đây:
1. Câu hỏi về chân tính Chúa Giê su và lời tuyên tín
của Phê rô (16, 13-16)
2. Tuyên bố về tư cách Phê rô (16, 18-19)
3. Lệnh cấm nói về chân tính của Ngài (16, 20)
TÌM HIỂU
Các ông thưa: ‘Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy giả, kẻ
thì bảo là ông Êlia: Câu trả lời của các
môn đệ cho thấy có nhiều ý kiến khác nhau về Chúa Giê su, nhưng tất cả đều
không tách rời lịch sử Israel: các câu trả lời cho thấy họ đều tin rằng Ngài rất
có thể là một sứ giả của Thiên Chúa đến để hoàn tất những lần can thiệp của Người
trong lịch sử
Thầy là ai:
Chúa Giê su hỏi ý kiến các môn đệ về sứ mạng lịch sử của Ngài đối với Thiên
Chúa và dân Ngài, điều mà câu trả lời của Phêrô sẽ khẳng định. Điều Ngài sẽ thực
hiện ở trần gian để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại sẽ cho biết Ngài là ai.
Con Thiên Chúa hằng sống:
Chỉ có Mt mới thêm chi tiết nầy vào câu trả lời của Phêrô và đã khiến cho người
ta có nhiều ý kiến về nó. Một số người xem đây là lời tuyên xưng thần
tính của Chúa Giê su: Chúa Giê su chính là Thiên Chúa. Một
số khác thì nghĩ rằng kiểu nói ấy chỉ có nghĩa: “Ngài là đấng Messia” mà thôi.
Mỗi ý kiến đều có đủ lý chứng hỗ trợ. Có lẽ lúc đầu kiểu nói ấy chỉ thuần tuý
có ý nghĩa thiên sai (= đấng Messia); nhưng sau đó được đọc lại dưới ánh sáng
phục sinh và mặc lấy đầy đủ ý nghĩa thần tính.
Không phải phàm nhân: dịch sát là “thịt và máu”. Đây là kiểu nói Hip pri để chỉ các yếu
tố tiêu biểu hình thành con người.
Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy
sẽ xây Hội Thành của Thầy:
Cách chơi chữ nầy cho thấy tính sáng tạo của Chúa Giê su. Trước Ngài, chúng ta
không hề gặp một thí dụ tương tự nào như thế cả. Trong tiếng Aram, Kêphas là tảng
đá. Biệt danh nầy sẽ mãi mãi gắn liền với Simon như tên riêng của ông. Cộng
đoàn tiên khởi biết đến ông dưới cái tên Kêphas (1Cr 1,12; 15,5; Gl 1,18; 2,9;
2,11.14). Đổi tên như thế là chuyện thường tình trong CƯ cho thấy mối liên hệ mới
mẻ giữa người đổi tên và người được đổi tên, đồng thời còn mặc thêm một ý nghĩa
mới nữa (Stk 17,5.15; 33,10; Ds 13,16; 2V 23,34; 24,17). Ở đây ý nghĩa thật rõ
ràng: đức tin mà ông Simon vừa tuyên xưng sẽ là tảng đá nền móng, tảng đá bền vững
trên đó Chúa Giê su sẽ xây Hội Thánh của Ngài. Thực ra, chính Chúa Giê su là nền
móng vô hình của Giáo hội (1 Cr 3,10-11; 1Pr 2,6-8; Ep 2,20), nhưng chính Phêrô
sẽ là nền móng hữu hình sau khi Ngài ra đi. Ta ‘sẽ xây’ qui chiếu đến tương lai
sẽ đến sau cái chết và Phục sinh của Chúa Giê su.
Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi: Qua câu nầy, hình như Chúa Giê su muốn nói đến quyền lực của âm
phủ, tức là nơi tạm trú của những người chết chờ ngày sống lại sau hết, chứ
không phải là hỏa ngục. Quyền lực ấy sẽ không thể kềm giữ những người sẽ thuộc
về cộng đoàn thiên sai trong cõi chết (Is 38,10; G 38,17; Tv 14; Kn 16,13). Nếu
Chúa Giê su đã muốn cho Giáo hội trường tồn, thì chắc chắn Ngài cũng muốn cho
những gì mà Ngài ban cho Phêrô cũng được trường tồn. Do đó sự kế nhiệm vai trò
ông Phêrô là điều hợp lý.
Chìa khoá Nước Trời:
Is 22,22 nhắc lại lời Thiên Chúa nói là Ngài sẽ đặt chìa khóa trên vai Engiakim
để ban cho ông quyền mở và đóng cửa vào hoàng cung, tức quyền cho phép hoặc
ngăn cản nhà vua ra vào. Trong Kh 3,7, chính Chúa Giê su tự giới thiệu như là Đấng
nắm chìa khóa nhà Đa vít. Chìa khóa ở đây ám chỉ đến thẩm quyền trong Do thái
giáo nhằm giải thích lề luật, ở đây chỉ thẩm quyền trên lời tuyên xưng Chúa Giê
su là Con Thiên Chúa.
Cầm buộc tháo cởi:
là quyền quyết định một hành vi hay thái độ có được Lề luật cho phép hay cấm
đoán. Thẩm quyền của Phêrô có liên quan đến giáo huấn của Chúa Giê su.
Rồi Ngài cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai
biết Người là Đấng Ki tô: có lẽ Chúa Giê su dè
dặt, sợ rằng tiết lộ quá sớm phẩm chức thiên sai của Ngài sẽ khiến bùng lên cơn
sốt quốc gia chủ nghĩa. Chỉ trong cái chết, Ngài mới hoàn toàn mạc khải phẩm chức
thiên sai của Ngài.
SỨ ĐIỆP
Biến cố mà chúng ta nghe kể lại hôm nay
nằm ngay trung tâm sách tin mừng Mát thêu. Sau một thời gian dài huấn luyện các
môn đệ, Chúa Giêsu muốn biết họ nghĩ gì về Ngài. Ý kiến của những người chung
quanh mà các ông nghe được thì rất khác nhau: “Có người bảo Ngài là Gioan
Tẩy giả; kẻ khác lại nói là Êlia; kẻ khác nữa là Giêrêmia hoặc một trong các
tiên tri”. Các ông đã biết rõ tất cả những câu trả lời là không đúng. Một
điều rõ ràng là càng ngày Chúa Giêsu càng bị nhiều người khước từ, nhưng các
môn đệ không nói đến các ý kiến đó.
Câu
hỏi thứ hai quan trọng hơn: Chúa Giê su muốn gợi ý các môn đệ nói lên niềm tin
của mình để làm nền tảng giúp họ dấn thân thực sự: “Đối với tất cả anh em,
Thầy là ai?” Chính Ngài đã chọn họ; Ngài đã kêu gọi họ đi theo Ngài. Ngài
đã đặt trọn niềm tin nơi họ. Và hôm nay, Ngài cần biết họ đã đi đến đâu trên
con đường đến với Ngài. Họ đã được mời gọi tuyên bố về điều mà họ nghĩ về Ngài
và vị trí của Ngài trong cuộc đời của họ. Ngài muốn câu trả lời của họ là một
lời tuyên xưng đức tin và nhất là lời tuyên xưng tình yêu.
Hôm nay, Chúa Giê su cũng đặt câu hỏi đó cho
chúng ta: đối với chúng ta, Chúa Giê su là ai? Câu trả lời mà Chúa Giê su cần
không phải là điều mà chúng ta học trong sách Giáo lí, nhưng phải phát xuất tự
đáy lòng mình. Thỉnh thoảng chúng ta nghe những cặp tình nhân nói với nhau: “Đời
của anh bắt đầu ngày mà anh gặp em”. Khi người ta thật sự gặp gỡ Đức Ki tô,
thì cũng giống như thế nhưng chiều kích lớn lao hơn nhiều. Đối với những ai từng
trải nghiệm thì đó là một sự khởi đầu mới, một giai đọan mới, một cuộc đời mới.
Tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa lấp đầy cuộc sống của họ và thật tuyệt vời.
Và đó cũng là điều xảy ra cho Phê rô. Lời
tuyên xưng của ông thật rõ ràng: “Ngài là Đấng Ki tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Đối với những ai chỉ coi Ngài như là một vị tiên tri nào đó, thì lời tuyên xưng
ấy thật quá sức tưởng tượng. Ngay cả các môn đệ lúc bấy giờ chắc chắn cũng hết
sức kinh ngạc. Nhưng Chúa Giê su thì không, Ngài biết rõ mọi sự, nên Ngài khẳng
định: “Không phải máu huyết đã mạc khải cho con điều ấy, mà là Cha Thầy đấng
ngự trên trời”. Máu huyết chỉ những phương tiện và những gì thuộc về con người.
Tất cả những điều đó không đủ để giúp người ta nhận biết Thiên Chúa. Cần phải
có tác động của Chúa Thánh Thần.
Lời tuyên xưng đó sẽ là điểm khởi đầu sứ mạng
mà Chúa Giêsu sẽ giao phó cho vị tông đồ của mình: “Anh là Phê rô, và
trên tảng đá nầy,
ta sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Lẽ ra Chúa Giêsu có thể chọn một con người
có văn hóa hơn là người chài lưới đơn sơ ở
hồ Tibêriát nầy. Nhưng Thiên Chúa không có cùng một cái nhìn giống chúng ta:
Ngài xây dựng trên một con người như thế với những yếu đuối và khuyết điểm của
họ. Và Ngài ban cho Simôn một tên gọi thần linh: Từ nay, anh sẽ được gọi là Phê
rô, nghĩa là Tảng đá. Phải, ‘Tảng đá’ là một tên gọi thần linh. Khi nói với
chúng ta về Thiên Chúa, Kinh Thánh muốn dạy chúng ta rằng Ngài là Tảng Đá cho chúng ta nương tựa.
Dù có những yếu đuối, Phê rô vẫn được Chúa Giêsu chọn để làm nền tảng xây dựng
Giáo Hội. Và trong suốt bề dài lịch sử Giáo Hội, Thiên Chúa thường chọn những
con người yếu đuối và bất toàn. Thậm chí một vài người là những tội nhân khét
tiếng. Nhưng một khi họ đã gặp được Đức Ki tô, họ đã trở nên những chứng nhân lớn
cho đức tin.
Tông đồ Phê rô do đó được chỉ định như là một
tảng đá. Không như một tảng đá kiên cố nằm im một chỗ. Sứ mạng của ông sẽ là sứ
mạng của một trận chiến. Chỉ cần đọc sách Công vụ để biết rằng ông phải đương đầu
với những khủng hoảng khó khăn và đau đớn, khủng hoảng tăng trưởng, cùng với những
bách hại đối với một cộng đoàn non trẻ. Chúa Giêsu sắp giao phó cho ông ‘chìa
khóa Nước Trời’. Khi người ta giao phó chìa khóa cho ai, thì đó là dấu của một
lòng tin tưởng hoàn toàn. Thiên Chúa tin tưởng nơi con người. Chúng ta phải tin
tưởng dù có những yếu đuối và bất trung đối với Ngài.
Ngài muốn chúng ta trờ thành những người cộng
tác. Nếu Chúa Giê su giao phó chìa khóa của vương quốc cho Giáo hội Ngài chính
là để mở ra, để chúng ta mở rộng vòng tay và tiếp đón. Chúng ta sống trong một
thế giới mà nhiều cánh cửa đã bị đóng chặt. Hãy nghĩ đến tất cả những người đau
khổ vì thất nghiệp, bị lọai trừ, nạn nhân của bạo lực, tất cả những người mà cuộc
sống không còn một ý nghĩa nào cả vì họ cảm thấy vô ích.
Ngày nay, chúng ta khám phá ra rằng Đức Ki tô
giao phó cho Phê rô sứ mạng mở cửa, tiếp đón nhân danh Thiên Chúa. Ngài cũng mời
gọi chúng ta trở thành những người cộng tác với Ngài, và Ngài luôn dấn thân bên
cạnh chúng ta để không ngừng mời gọi chúng ta tiến lên trước. Đức tin và sự gắn
bó của chúng ta với Đức Ki tô cho phép chúng ta trở thành những viên đá sống động
phục vụ Nước Trời.
ĐÀO SÂU
QUYỀN TỐI THƯỢNG CỦA PHÊ-RÔ
Is 22,19-23 Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó
Tv 138,1 Lạy Thiên Chúa trung thành, xin hãy tiếp tục công
trình yêu thương của Chúa
Rm 11,33-36 Mầu nhiệm cứu độ thật sâu thẳm khôn dò
Mt 16,13-20 Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời
1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo
chủ đề gì?
THƯA: QUYỀN CHÌA KHÓA. Nắm giữ chìa khóa là có toàn quyền trên nhà
Đa-vít sau Vua (Bđ1). Cũng như Phê-rô được trao chìa khóa Nước Trời là người
dùng lời dạy dỗ và gương sáng của mình để dẫn mọi ngời đến với Đức Ki tô (BTM).
Mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa thật sâu thẳm (Bđ2).
2. HỎI: Bối cảnh lịch sử bài đọc một (Is 22,19-23) như
thế nào?
THƯA: Bối
cảnh bài đọc một là triều đình Giê-ru-sa-lem dưới triều Vua Ê-giê-ki-a, nghĩa
là vào khoảng năm 700 trước Công Nguyên. Ê-giê-ki-a là con Vua
A-kha, là người mà tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây người thiếu nữ
mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14).
3. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Sách I-sai-a từ chương 13 đến 23 ghi lại những lời sấm của Thiên Chúa chống
lại nhiều nước. Bài đọc một trích từ chương 22 trực tiếp hướng tới
Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Giu-đa. Trong đó viên Tể tướng triều đình là Sép-na bị
Tiên tri phê phán nặng nề, và sẽ bị thay thế bởi En-gia-kim, một nhân vật sẽ nhắc
mọi người nhớ đến vinh quang Vua Đa-vít.
4. HỎI: Tể tướng triều đình có quyền hạn gì?
THƯA: Tể
tướng triều đình là một chức quan cao nhất trong triều đình có quyền hạn rất lớn
chỉ đứng sau Vua. Ngoài ra, ông còn được trao cho quyền chìa khóa, nghĩa là nắm
giữ mọi quyền hạn quyết định trong triều Vua: “Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt
trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được”
(Is 22, 22).
5. HỎI: Chìa khóa Đa-vít có ý nghĩa gì?
THƯA: Chìa
khóa là biểu tượng chỉ uy quyền hay quyền kiểm soát. Nắm trong tay chìa khóa
Đa-vít có nghĩa là nắm uy quyền tối cao trong triều Vua Đa-vít.
6. HỎI: Tiên tri I-sai-a vạch ra những sai lầm
nào của vị Tể tường nầy?
THƯA: Tiên
tri vạch ra hai sai lầm: một là cố vấn Vua liên minh với Ai cập,
một điều đi ngược lại với Giao Ước giữa dân Ít-ra-ên và Thiên Chúa. Hai là
ông chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không nghĩ gì đến Dân Chúa.
7. HỎI: Bài đọc một gửi đến sứ điệp nào?
THƯA: Bài
đọc một gửi đến nhiều sứ điệp: một là Thiên Chúa hiện diện
trong mọi ngóc ngách cuộc sống chúng ta, không có gì trong cuộc sống chúng ta
là vô nghĩa đối với Người. Hai là các tiên tri luôn quan tâm đến
những lợi ích đích thật của Dân Thiên Chúa. Ba là mối bận tâm
duy nhất của Thiên Chúa cũng như của các tiên tri là phục vụ Dân Người.
8. HỎI: Bài đọc một liên kết với bài tin mừng
như thế nào?
THƯA: En-gia-kim
được trao chìa khoá nhà Đa-vít là hình ảnh báo trước Đức Ki tô. Là
đấng phục sinh nên chỉ có Ngài mới có thể nắm quyền chìa khóa: “Ta là Đấng Hằng
Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử
thần và Âm phủ”(Kh 1,18). Lòng thương xót của Ngài rộng mở cho tất cả mọi
người được cứu độ.
9. HỎI: Bài đọc hai (Rm 11,33-36) có nội dung như thế nào?
THƯA: Ở đoạn cuối phần trình bày giáo lí, Thánh Phao-lô nhìn nhận chương trình cứu
độ nhân loại của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của loài người. Vì thế Ngài
lên tiếng ca tụng sự khôn ngoan đầy quyền năng của Thiên Chúa.
10. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 16, 13-20)
như thế nào?
THƯA: Đoạn Tin mừng (16,13-20) nằm ở trung tâm của tin mừng Mt. Đây là đoạn kết
thúc và cũng là cao điểm của phần đầu tin mừng bàn về sứ vụ của Đức Giê-su tại
Ga-li-lê, như là Đấng Thiên Sai được hứa ban (4,17-16,20). Chủ đề chính của đoạn
nầy là căn tính của Đức Giê-su, và việc Ngài trao quyền thủ lãnh cho Phê-rô. Có
ba ý chính, 1. Bối cảnh (c. 13a); 2. Ý kiến về căn tính của Đức Giê su (cc.
13b-17); 3. Trao quyền cho Phêrô (cc. 18-19) và kết luận (c. 20).
11. HỎI: Tại sao đoạn tin mừng nầy tạo khúc
quanh mới trong cuộc đời Đức Giê-su?
THƯA: Vì sau đoạn tin mừng nầy, thánh Mát-thêu viết: “Kể từ lúc ấy”, Đức
Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Ngài phải lên Giê-ru-sa-lem chịu nhiều
đau khổ bởi các Kì mục, Thượng tế và Kinh sư gây ra” (Mt 16, 21). Kể từ đây
Đức Giê-su bắt đầu đi vào giai đoạn mới hướng tới cuộc khổ nạn và phục sinh, bắt
đầu giáo huấn về cuộc khổ nạn dành riêng cho các môn đệ, đặc biệt chuẩn bị các
ông đối diện cái chết của Ngài.
12. HỎI: Tước hiệu ‘Con Người’ có
nghĩa gì?
THƯA: Tước hiệu ‘Con Người’ bắt nguồn từ đoạn sấm ngôn tiên tri Đa-ni-ên
7, 13-14. Khi áp dụng cho mình tước hiệu ‘Con Người’ Đức Giê-su muốn tự
mạc khải như là Đấng lãnh đạo Dân Thiên Chúa.
13. HỎI: Tước hiệu ‘Con Thiên Chúa’ có
nghĩa gì?
THƯA: Vào lúc bấy giờ, tước hiệu ‘Con Thiên Chúa’ đồng nghĩa với tước hiệu
‘Đấng Cứu độ là Vua’. Về sau, Hội Thánh được Chúa Thánh Thần soi sáng và
dạy dỗ, đã tin rằng Đức Giê-su chính là Con Một của Thiên Chúa.
14. HỎI: Điểm mới trong lời tuyên xưng của
Phê-rô là gì?
THƯA: Điểm mới nằm trong việc lời tuyên xưng Phê-rô nối kết hai tước hiệu lại làm
một: Đức Giê-su chính là Đấng Cứu độ và là Con Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa mạc
khải như tình yêu phó mình trong tay người đời.
15. HỎI: Liền sau khi Phê-rô tuyên xưng đức
tin Đức Giê-su đã làm gì?
THƯA: Ngài đã trao cho ông sứ mạng làm tảng đá nền móng xây dựng Hội Thánh của
Ngài.
16. HỎI: Ai xây dựng Hội Thánh?
THƯA: Chính
Đức Giê-su: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Chúng ta không được giao
phó nhiệm vụ xây dựng Hội Thánh, mà chi lắng nghe lời Thiên Chúa phán dạy.
Chính Đức Ki tô phục sinh, Con Thiên Chúa hằng sống xây dựng Hội Thánh, nên
chúng ta có thể chắc chắn rằng: “Quyền lực tử thần sẽ không thể thắng nổi”
(Mt 16,18).
17. HỎI: Đâu là nền tảng của Giáo Hội Chúa Ki
tô?
THƯA: Chính Đức Giê-su là Tảng đá trên đó Giáo hội được xây dựng, vì chính Ngài
qui tụ, xây dựng và điều khiển Giáo hội.
18. HỎI: Vậy tại sao Đức Giê-su lại gọi
Phê-rô là đá tảng trên đó Giáo Hội được xây dựng?
THƯA: Giáo Hội chỉ có một nền tảng là Chúa Ki tô. Còn Phê-rô được gọi là đá tảng
trên đó các yếu tố khác biệt của Giáo hội được qui tụ và hoà hợp với nhau. Hơn
nữa ông còn được quyền cầm buộc. Trong Giáo hội trần thế đang trên đường tiến về
Nước Trời, chẳng phải tất cả đều tinh sạch và hoàn hảo cả đâu. Phêrô sẽ thi
hành nhiệm vụ phân biệt, phê phán xem các phần tử của Giáo hội có sống phù hợp
với chương trình của Chúa Ki tô không. Sứ mạng được uỷ thác cho Phêrô là như thế.
19. HỎI: Giáo Hội có cần thiết để gặp gỡ Đức
Ki tô không?
THƯA: Vì chính Đức Ki tô đã thiết lập Giáo Hội, nên muốn đến với Đức Ki tô, phải
qua Giáo Hội. Không ai có thể đi đến Đức Ky tô mà không ngang qua Giáo hội, một
xã hội vừa nhân loại, vừa siêu nhiên. Không ai có thể một mình và trực tiếp tìm
gặp Chúa Ki tô mà chẳng cần đến Giáo hội. Vì như thế là tự tạo ra một Đấng Cứu
độ theo ý mình, là tưởng tượng ra một vì Chúa theo sở thích của mình, là từ chối
chấp nhận Đức Giê-su như Ngài đã tự mạc khải cho ta.
20. HỎI: Vậy Giáo Hội là ơn cứu độ cho lòai
người sao?
THƯA: Đúng
vậy. Giáo hội là ơn cứu độ cho loài người: Dù khuôn mặt nhân loại của Giáo hội
nhiều khi có thể làm ta tức giận hay trở nên chướng kì, thì Giáo hội vẫn luôn
là người duy nhất nắm giữ những lời hằng sống, sử dụng năng lực sáng tạo của
các bí tích và mở được cửa Nước Trời. Và ngay cả những người vô tín, vốn từ chối
Giáo hội hay lương dân không biết đến Giáo hội, cũng vẫn nhận được trong tâm hồn
ơn sống phù hợp với tiếng nói lương tâm của họ nhờ sự trung gian không ngừng của
Mẹ Giáo hội.
21. HỎI: Sức mạnh của Giáo hội đến từ đâu?
THƯA: Đến
từ Thiên Chúa, như lời hứa của Đức Ki tô: “Quyền cửa âm phủ không thể thắng
nổi”. Thật vậy, Giáo hội là thực tại nhỏ bé nhất, nghèo nàn nhất, ít được
chú ý nhất, ít hùng mạnh nhất so với các thực tại khác trên trần gian, vì Giáo
hội được qui tụ chung quanh một máng cỏ và một cây thập giá. Nhưng Giáo hội
cũng là một thực tại cao quí nhất, phong phú nhất, vinh quang nhất và hùng mạnh
hơn hết trong mọi thực tại dưới bầu trời nầy, vì Hài nhi sinh ra trong máng cỏ,
Con người bị đóng đinh trên thập giá đã phục sinh và đang hiển trị.
22. HỎI: Ai là thù địch của Giáo Hội?
THƯA: Quyền
lực của sự chết. “Quyền lực sự chết sẽ không thắng được Giáo hội
của Thầy!” Lời khẳng định ấy của Đức Giê-su tỏ ra mong manh biết mấy trước
tất cả những xấu xa mà kẻ thủ ma quỉ đã gieo vào lòng Giáo Hội! Sự hiện diện của
Thiên Chúa ở giữa chúng ta xem ra bất lực trước tất cả mãnh lực của sự chết
không ngừng áp bức Giáo Hội. Trong trần gian, vóc dáng Giáo hội nhỏ xíu gần như
vô nghĩa, bị xâu xé và tan nát bởi biết bao nhiêu mâu thuẩn nội bộ, bao nhiêu
phản chứng, cũng như nhiều lời trách cứ và hăm doạ từ bên ngoài!
23. HỎI: Bổn phận của người tín hữu là gì?
THƯA: PHẢI
LÀM CHỨNG: Phải dẹp bỏ nỗi sợ hãi và biết rằng lòng can đảm luôn luôn đòi hỏi sự
kính trọng và lòng tin tưởng. Nhờ bí tích Rửa tội chúng ta là những nhà truyền
giáo và Chúa giao cho chúng ta một vùng ảnh hưởng mà Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta
phải trả lời, vì một ngày nào đó Chúa sẽ đến để gặp chúng ta, để qua chúng ta gặp
những người khác.
24. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Khám phá và tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng
sống không chỉ bằng lời mà còn bằng việc làm và cách sống nữa. Nói cách khác
tất cả lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, hành động của chúng ta phải là cách/lời tuyên
xưng Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống! 2. Thiết lập
một mối tương quan mật thiết, gắn bó và riêng tư với Chúa Giê-su Ki-tô, như trò
với Thầy và như bạn với bạn. Càng sống gần gũi, thân mật với Chúa Giê-su, chúng
ta càng biết Người là Ai.
0GLCG 153 552 1814 1996 2606 Khi Thánh Phê-rô
tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đức Giê-su tuyên
bố với thánh nhân rằng: "Phàm nhân không tài nào mặc khải cho anh điều ấy
được, nhưng chính là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã mặc khải"(Mt 16,17)
( x. Gl 1,15; Mt 11,25). Đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, là nhân đức siêu
nhiên do Người phú bẩm. Để có được đức tin nầy, cần có ân sủng Thiên Chúa đi
trước giúp đỡ và có sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và
qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt tinh thần và ban cho "mọi người
cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý" (DV 5). 424 638
552. Nhờ Thánh Thần tác động và nhờ Chúa Cha lôi kéo, chúng tôi tin và
tuyên xưng về Đức Giê-su như sau: "Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng
sống" (Mt l6,l6). Chính trên tảng đá đức tin này như thánh Phê-rô tuyên
xưng, Đức Ki-tô đã xây dựng Hội Thánh của Người (x.Mt l6,l8; T. Lê-ô cả, bài giảng
4,3; 5l,l; 62,2; 83,3). 440 552 550 443. Khi thánh
Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, Người chấp nhận và liền đó tiên
báo cuộc khổ nạn của Con Người. (x. Mt. l6, l6-23). Người đã mặc khải vương quyền
Đấng Mê-si-a của Người, một mặt hệ tại căn tính siêu việt của Con Người "
từ trời xuống" (Ga 3,l3) (x. Ga 6,62; Đn 7,l3) và mặt khác trong sứ mệnh cứu
chuộc như Người Tôi Tớ đau khổ: "Con Người đến, không phải để được kẻ hầu
người hạ nhưng là để hầu hạ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người"
(Mt 20,28) (x. Is 53,l0-l2). Do đó ý nghĩa thật sự về vương quyền của Người chỉ
được biểu lộ trên Thập Giá (x. Ga l9, ll-22; Lc 23,39-43). Chỉ sau khi sống lại,
Vương Quyền Mê-si-a này mới được thánh Phê-rô công bố trước mặt dân Thiên Chúa
: "Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh
em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng
Ki-tô" (Cv 2,36).