CHỦ NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN A
Chương
trình hành động của Chúa Giê su
Đấng mà chúng ta chờ đợi đã đến,
nhưng chúng ta có thật sự nhận ra Ngài không? Nếu chúng ta thực sự khám phá ra
Ngài, chúng ta sẽ họp thành một dân tộc duy nhất đi theo Ngài. Sống không còn ý
nghĩa gì cả nếu thiếu tình thương và gặp gỡ người khác.
Sách Tiên
tri Isai 8, 23b --- 9, 3
Vào năm 721 trước Công Nguyện, cư
dân trong Vương quốc Israen thuộc các chi tộc Dabulon và Nép ta li đã bị người
As si ri lưu đày sang các nước trong vịnh Ba tư. Tại Giê ru sa lem, Isaia loan
báo họ sẽ được giải thoát trong tương lai. Lưu đày sẽ chấm dứt, và sự sống sẽ
hồi sinh. Thiên Chúa sẽ can thiệp bằng cách chiếu giải ánh sáng của Người trên
họ.
Thánh
Vịnh 26
Người tín hữu dâng lên Thiên Chúa
lòng tin tưởng của họ trước khi lâm chiến. Chúa là ánh sáng và là ơn cứu độ.
Ước gì Người luôn mang đến sức mạnh và an ninh. Và nhất là Ngài tỏ hiện ở cuối
con đường trên đất của kẻ sống!
Thư thứ
nhất Côrintô 1, 10-13.17
Người tín hữu Côrintô đã trở về với Đức Ki tô, nhưng có một số ít tạo
thành những phe phái đóng kín, tự hào mình thuộc về một tông đồ uy tín nào đó.
Đó là một gương xấu mà thánh Phao lô cực lực lên án. Chỉ có một Đức Ki tô dùng
thánh giá để cứu thoát chúng ta khỏi những cái nhìn phàm tục ấy
Tin
mừng: Mt 4,12-23
NGỮ CẢNH
Sau khi kết thúc trình thuật các cơn thử thách của
Chúa Giê su trong sa mạc (4,1-11), tin mừng Mt bắt đầu một đơn vị văn chương mới
gồm ba trình thuật những bước khởi đầu sứ vụ: rao giảng ở Ga li lê (4,12-17);
kêu gọi các môn đệ đầu tiên (4,18-22); một tóm lược về hoạt động của Ngài ở
Galilê (4,23-25).
Có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục sau đây:
1. Nhập đề: thời gian, nơi chốn (4,12-16)
2. Nội dung lời rao giảng (4,17)
2. Chúa Giê su gọi các môn đồ đầu tiên (4,18-22)
3. Các hoạt động khác của Chúa Giê su (4,23)
TÌM HIỂU
Đến ở Capharnaum: động từ nầy chỉ có Mt dùng để mô
tả Ca phar na um như thành phố quê hương của Chúa Giê su (9,1).
Đất Dơvulun và đất Napta li: đây là những phần đất
các bộ tộc xưa kia của Israel định cư, tương ứng với phần lớn địa bàn Ga li lê,
vào thời tiên tri Isaia, bị người Assyri chiếm đóng. Tiên tri loan báo rằng
chúng sẽ được giải thoát khỏi bóng tối nhờ một luồng sáng vĩ đại, có lẽ là biểu
tượng của một đứa trẻ sẽ lãnh nhận quyền tối thượng trên vai: “Một trẻ thơ đã
chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta, Người gánh vác quyền
bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố vấn kì diệu, Thần Linh dũng mãnh, người
cha muôn thở, thủ lãnh hòa bình” (Is 9,5).
Galilê: những lời trích dẫn CƯ mà Mt nhắc lại để
nói về Ga li lê, đối với ông là một luận chứng tín lí rất quan trọng.
Galilê là một tỉnh nằm gần lãnh thổ dân ngoại, dân
cư phức hợp nhiều dỏng giống khác nhau, do đó gây nên mối nghi ngờ đối với lãnh
đạo tôn giáo ở Giê ru sa lem. Galilê “phần đất của chư dân” (Is 8,23), lại có
thể là nơi sinh ra của đấng Messia mà các tiên tri loan báo sao? Trong Ga cũng
có âm vang vấn đề nầy (7,41.52).
Thế nhưng đó chính là nơi Chúa Giê su lớn lên (Mt
2,23) và sau khi lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan, Ngài đã chuẩn bị sứ vụ của
mình (4,12); nơi đó, sau khi phục sinh, Ngài đã hẹn gặp các môn đệ (28,10). Vì
thế, chính từ nơi đó phải bừng lên một nguồn sáng giữa đêm đen, theo lời của
tiên tri Isaia.
Qua cách trình bày trên, Mt đã muốn độc giả hiểu rằng
Chúa Giê su, đấng Messia, đã phải rời khỏi Giêrusalem, nơi của sự chết và khước
từ, để lui về Galilê, nơi mà không ai mong đợi Ngài. Đấng Messia là một người
Ga li lê. Ngài đã ra đi mạc khải mình ở nơi giáp ranh thế giới Do thái và dân
ngoại. Thậm chí đối với Mt, nếu Chúa Giê su ưu tiên hướng tới các chiên lạc của
nhà Israel (15,24), thì sự kiện Ngài đã sống và sinh hoạt trong vùng “Galilê
các dân ngoại”, loan báo rằng ơn cứu độ đã được ban cho tất cả mọi người.
Từ lúc đó, Chúa Giê su bắt đầu: sau phần được coi
là nhập đề, dường như kiểu nói nầy loan báo phần thứ nhất của sách tin mừng: phần
sau chúng ta sẽ thấy lại kiểu nói nầy ở câu 16,21 để loan báo phần thứ hai.
Phần tóm lược lời rao giảng của Chúa Giê su giống
y như những gì mà Gioan Tẩy giả loan báo trong câu 3,2. Điều đó nhấn mạnh đến
tính cách liên tục giữa Gioan và Chúa Giê su. Mc thì ngược lại, dành kiểu nói nầy
cho Chúa Giê su và thêm: “Hãy tin vào Tin mừng”. Có lẽ đối với Mt, cả hai từ
căn bản nầy về đức tin và Tin mừng là cách diễn tả sự mới mẻ của Chúa Giê su.
Những kẻ lưới người: những người nầy sẽ trở thành
những kẻ chài lưới bắt người (hình ảnh rất mạnh mẽ gợi lên những cuộc tranh đấu
vào lúc cuối thời gian). Nhưng trước tiên họ được kêu gọi phải tin, nghĩa là từ
bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giê su.
Theo Người: trình thuật có tính cách thần học, dù
mang nét tự phát và cụ thể. Như việc ông Si mông là người đầu tiên được kêu gọi
là một khẳng định tín lí hơn là một hồi kí lịch sử (trình thuật của Ga 1,35-42
có vẻ thực hơn!). Khía cạnh bất ngờ của lời mời gọi, không chuẩn bị gì cả, lời
đáp trả tức thời và hoàn toàn không phải là những dữ kiện hợp với thực tế. Tất
cả khởi đầu bằng lời mời gọi mà Chúa Giê su đưa ra; lời đáp trả phải tức thời
và có tính quyết định.
Trong các hội đường (của họ): Mt thường viết như
thế (“của họ”) có lẽ phản ảnh sự tách biệt giữa cộng đoàn của Ngài và Do thái
giáo chính thức.
Rao giảng Tin Mừng: x. Mc 1,1. Ngay diễn từ đầu
tiên trong Mc 1,14-15 thì đã đặt ra vấn đề tin và tin mừng. Còn Mt thì mới đưa
Tin mừng vào đây. Mối liên kết giữa Tin Mừng và Nước Trời nhắc lại rằng kiểu
nói “tin mừng” có ý nghĩa là một lời loan báo đầy phấn khởi về một biến cố lên
ngôi của một quân vương, ở đây là Đấng Messia-Vua.
SỨ ĐIỆP
Chủ nhật tuần trước đã đưa chúng ta từ thời gian
mùa Giáng sinh bước sang mùa thường niên. Điều đó muốn nói rằng chúng ta bắt đầu
đi từ đứa bé mới sinh ở Bết lê hem đến người rao giảng ở Ga li lê. Câu chuyện
chủ nhật nầy cần phải đặt sau phép rửa của Chúa Giê su và cuộc thử thách mà
Ngài trải qua trong sa mạc. Và như thế chúng ta bước sang một giai đọan mới
trong cuộc đời Ngài.
Trong trình thuật nầy, thánh Mát thêu xác định một
điểm mà nếu không để ý, chúng ta có thể hiểu sai: “Khi Chúa Giê su nhận được
tin Gioan bị bắt, Ngài lui về miền Ga li lê”. Chúng ta không được coi đây như
là việc Chúa Giê su chạy trốn bạo lực mà có thể Ngài là nạn nhân. Phần tiếp
theo giải thích cho chúng ta hiểu tại sao Ngài chọn đến miền ấy. Ở đây, chúng
ta đang đứng trước khúc quanh của lịch sử.
Thế thì, tại sao lại là Ga li lê?
Trước tiên, cần phải nhớ rằng Mát thêu nói với những
người Ki tô hữu Do thái trở lại. Ngài muốn chứng tỏ cho họ thấy rằng đấng mà họ
đặt tin tưởng đúng là Đức Ki tô. Nhưng trên tất cả, ông muốn cho họ hiểu rằng
Chúa Giê su không chỉ đến cho họ mà thôi. Ngài còn đến với những người đang bị
chìm ngập trong bóng tối ngọai giáo. Sứ điệp của Ngài là một tin mừng không chỉ
dành cho các tín hữu còn trung thành, nhưng cũng quan tâm đến những người còn ở
xa. Sứ mạng cứu độ của Ngài có tính phổ quát, bao quát hết mọi người thuộc mọi
dân nước và mọi thời đại.
Chính trong tinh thần đó mà Ngài đến với các đám
đông gồm người Do thái pha trộn với người ngoại. Galilê chỉ là nơi qua đường,
là cửa ngõ mở ra thế giới. Chính từ vùng đất bị khinh dể đó mà ơn cứu độ của
Thiên Chúa giải sáng trên mọi dân tộc. Ánh sáng ấy chỉ mong soi sáng mọi người
thuộc mọi dòng giống, mọi tôn giáo với những cuộc tranh giành, chiến đấu, ánh
sáng và bóng tối. Tin mừng của Đức Ki tô muốn đến với họ trong chính cuộc đời của
họ, việc làm của họ, và tất cả những gì quan trọng đối với họ.
Và để giúp cho mọi người nghe sứ điệp ấy, và để
Ánh sáng của Ngài được tỏa chiếu khắp nơi, Đức Ki tô cần có sự giúp đỡ. Chính từ
môi trường thấp hèn đó mà Ngài đã chọn các tông đồ của mình, trên bờ hồ chứ
không trên những bậc thềm đền thờ, giữa những người đánh cả ở biển hồ chứ không
từ những vị tư tế. Đó là những người ít học, và ít được chuẩn bị nhất sẽ trở
thành những người đầu tiên tiếp nhận Ánh sáng và đi theo đấng tự giới thiệu như
là Đường, Sự thật và là Sự sống.
Thánh Mát thêu mô tả sự đáp ứng của họ như sau: “Lập
tức, bỏ lưới, họ đi theo Ngài”. Lập tức. Hành động lập tức bỏ mọi sự để đi theo
Chúa Giê su không phát xuất từ ý chí của họ, nhưng từ sức mạnh thu hút của lời
Chúa. Hình như họ bị lôi kéo bởi một sức mạnh không thể cưỡng lại được. Những
ai cho rằng mình là người tín hữu trung thành coi chừng có thể làm cho người
khác thất vọng. Ở đây, những người đáp trả hăng hái nhất trước lời mời gọi của
Chúa Giê su là những người tội lỗi sống trong một vùng đất bị mọi người khinh dễ.
Những con người bất ngờ cảm nhận được lời mời gọi như một ánh sáng mà những người
Do thái trung thành đã không thể xác định được. Và “lập tức” họ đi theo Ngài.
Cuộc chinh phục phát xuất từ một vùng đất bị những
người thanh sạch nguyền rủa. Thế giới được canh tân đã bắt đầu từ một vùng đất
nhơ uế, nhưng rộng lòng tiếp nhận Thần khí, tiếp nhận Thiên Chúa, luôn thích thực
hiện những điều ngoài dự đoán. Với những người hoàn toàn dốt nát, Chúa Giê su
đã có những chương trình to lớn. Nhưng trước tiên, Ngài mời gọi họ đi theo
Ngài: “Thầy sẽ làm cho anh em trở thành những kẻ chài lưới người”. Quăng lưới để
bắt cá, có thể làm cho cá chết khi kéo nó ra khỏi môi trường sống tự nhiên. Ngược
lại, kéo con người ra khỏi bóng tối là giúp họ khỏi chết đuối, là cứu thoát họ.
Bài tin mừng hôm nay là lời mời gọi gửi đến tất cả
chúng ta. Ai trong chúng ta cũng đều nhận thấy con số những người ki tô hữu giảm
sút. Điều đó không có gì phải phàn nàn hay lo lắng. Chính Đức Ki tô tiếp tục mời
gọi những kẻ chày lưới người, không chỉ các linh mục, mà còn các tín hữu dấn
thân. Công đồng Vaticanô II nhiều lần nhắc nhở và nhấn mạnh sự kiện là với tư
cách người chịu phép rửa, tất cả chúng ta được gọi truyền giáo. Một ki tô hữu
chịu phép rửa mà không rao giảng tin mừng là một người ki tô hữu không xứng
đáng với danh hiệu mình lãnh nhận, vì không làm trọn sứ mạng Thiên Chúa giao
cho.
Tin mừng mà chúng ta phải loan báo không có biên
giới. Chúng ta phải loan báo cho mọi người. “Ngã tư các dân ngoại” mà chúng ta
phải đi đến không phải là một xứ sở xa xôi. Chắc chắn đó là nơi mà chúng ta
đang sống, gần tất cả những người đang chờ đợi một ánh sáng, một niềm hi vọng.
Trong bóng đêm của đau khổ, chúng ta có sứ mạng mang đến ánh sáng của tin mừng.
Tuy nhiên có một sai lầm cần phải tránh: người
loan báo tin mừng không được tự coi là đã hiểu biết về Chúa hơn những người
lãnh nhận. Động năng của việc truyền giáo đích thực thể hiện bởi việc không ngừng
quay trở về với Thiên Chúa và tin mừng Chúa Giê su Ki tô.
Điều trước hết phải quan tâm là dành ưu tiên cho
chương trình của Chúa Giê su, cho những ý tưởng của Ngài và sứ điệp của Ngài.
Điều đó giả thiết rằng chúng ta bỏ lại sau lưng ý tưởng cá nhân của chúng ta,
hay hoạt động nào đó mà chúng có nguy cơ ưu tiên hơn. Chúa Giê su nói với chúng
ta: “Hãy sám hối, hãy thay đổi tâm hồn; Nước Trời đã gần bên”. Chương trình vĩ
đại của Thiên Chúa là đưa mọi người đến với Người.
Trong tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các tín hữu nầy,
chúng ta hãy cùng nhau hướng về Chúa hiệp thông với anh em công giáo, tin lành,
chính thống và các giáo phái khác. Tất cả chúng ta tuyên xưng một Đức Ki tô và
muốn làm chứng cho Ngài. Nhưng sự chia rẽ của chúng ta là một phản chứng. Người
Ki tô hữu chia rẽ với nhau không thể thực sự làm chứng cho Tin mừng. Bấy giờ,
như các tông đồ biển hồ Galilê, chúng ta hãy đơn giản đi theo Đức Ki tô. Chính chung
quanh Ngài sự hiệp nhất của chúng ta sẽ được thiết lập. Ngài là Đường, là Sự Thật,
và là Sự sống. Chỉ mình Ngài mới có thể dẫn chúng ta đến với Cha.
ĐÀO SÂU
ĐỨC GIÊ-SU
LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN
Is 8,23-9,3
Một ánh sáng bừng lên chiếu soi miền Ga-li-lê
Tv 27,1
Chúa là ánh sáng và ơn cứu độ
1Cr 1,10-17
Gương xấu những chia rẽ trong Hội Thánh Đức Ki tô
Mt 4,12-23
hoăc Mt 4,12-17
Đức Giê su bắt đầu sứ vụ ở Ga-li-lê
1. HỎI: Các
bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?
THƯA: ĐỨC GIÊ-SU LÀ ÁNH SÁNG THẾ
GIAN. Trong hoạt động của Đức Giê-su, các tác giả đã nhìn thấy Ánh sáng đã bừng
lên soi chiếu trần gian, điều mà Tiên tri I-sai-a đã loan báo (BTM - Bđ1).
Thánh Phaolô nhắc lại cho cộng đoàn Cô-rin-tô những gì Ngài đã rao giảng cho họ,
để hàn gắn lại những chia rẽ trong cộng đoàn (Bđ2).
2. HỎI: Bối
cảnh bài đọc một (Is 8,23-9,3)
như thế nào?
THƯA: Vào khoảng năm 933 tr. CN
ít lâu sau khi vua Sa-lô-môn băng hà vương quốc Ít-ra-ên không còn thống nhất nữa,
nhưng bị chia làm hai: phía bắc là Vương quốc Ít-ra-ên, thủ đô là Sa-ma-ri,
phía Nam là vương quốc Giu-đa thủ đô là Giê-ru-sa-lem. Đây mới chính là vương
quốc hợp pháp, vì dòng dõi vua Đa-vít ngự trên ngai Giê-ru-sa-lem đúng với lời
Thiên Chúa hứa.
3. HỎI: Vị ‘Em-ma-nu-ên’
được hứa ấy là ai?
THƯA: Là vua Ê-giê-ki-a khi lên
ngôi mới có 7 tuổi.
4. HỎI: Tại
sao gọi ông là “Hoàng tử bình an”?
THƯA: Người dân hi vọng với sự
xuất hiện vị Vua nầy, Thiên Chúa sẽ nâng đỡ và giúp dân Người tìm lại được tự
do độc lập và không để cho các thế lực cường quốc đè bẹp mãi.
5. HỎI: “Một
ánh sáng huy hoàng.. bừng lên chiếu rọi” (c.9,1) chỉ điều gì?
THƯA: Tiên tri I-sai-a loan báo
một ánh sáng bừng lên chiếu rọi những người đang bị ngoại xâm sỉ nhục chính là
một trẻ thơ sẽ chào đời để giải thoát họ (9,5). Đức Giê-su chính là ánh sáng mà
Thiên Chúa ban để cứu độ nhân loại vì chính Ngài đã nói ‘Ta là ánh sáng cho trần
gian’ (Ga 8,12). Ánh sáng cứu độ bắt đầu soi chiếu trần gian khi Ngài khởi đầu
sứ vụ (Lc 4, 12-17).
6. HỎI: Niềm
vui được giải thoát được mô tả như thế nào (c.2)?
THƯA: Tiên tri I-sai-a so sánh
niềm vui được giải thoát khỏi ách đô hộ với niềm vui ngày mùa: “Họ mừng vui trước
nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt’ hay trong ngày Đại thắng quân
thù: ‘như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm” (9,2).
7. HỎI: “Trong
ngày chiến thắng quân Ma-đi-an” (c.3) mô tả điều gì?
THƯA: “Ngày chiến thắng quân
Ma-đi-an” kể trong sách Thủ lãnh (cch.7-8) là ngày mà con cái Ít ra ên đại thắng
quân Ma-đi-an hung mạnh hơn mình rất nhiều lần. I-sai-a nhắc lại để muốn nói rằng
ngày Thiên Chúa giải thoát dân Ít-ra-ên cũng là ngày Đại thắng mà Ngài ban cho
họ trong thời thủ lãnh.
8. HỎI: Sứ điệp của Tiên tri I-sai-a là gì?
THƯA: Tiên tri lên tiếng trấn
an dân Chúa đừng sợ, vì Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi Vương triều Đa vít. Dù trong
tình thế bi đát nhất, cũng hãy đặt trọn niềm hi vọng nơi Thiên Chúa, vì Người
không bao giờ từ bỏ kế hoạch cứu độ yêu thương của Người đối với nhân loại.
9. HỎI: Nội
dung bài đọc 2 (1Cr 1,10-17)
như thế nào?
THƯA: Khởi đầu thư 2 Cr, Thánh
Phao-lô nêu lên tệ nạn chia rẽ trong cộng đoàn Cô-rin-tô của Ngài và khẳng định
rằng Ngài được sai đi là để rao giảng tin mừng của Đức Ki-tô.
10. HỎI: Ngữ
cảnh đoạn tin mừng (Mt 4,12-23)
như thế nào?
THƯA: Chúng ta đang ở chương 4
tin mừng thánh Mát-thêu. Các chương đi trước đều nhằm mục đích tỏ cho thấy lời
tiên tri đã được ứng nghiệm nơi các biến cố xảy ra trong cuộc đời Đức Giê-su. Đoạn
tin mừng Mt 4,12-23 tóm lược cho thấy trước hoạt động của Đức Giê-su sẽ được
trình bày trong phần đầu Tin mừng (4,18-16,20). Có 3 ý chính: 1) Ga-li-lê, địa
bàn hoạt động của Đức Giê-su và lời rao giảng của Đức Giê-su (4,12-17); 2) Những
người đầu tiên được nhận lời rao giảng (4,18-22);4) Các hoạt động của Đức
Giê-su (4,23).
11. HỎI:
Thánh Mát-thêu nhắc tới Da-bu-lon và Nép-tha-li để làm gì?
THƯA: Qua việc nhắc lại hai địa
danh Da-bu-lon và Nép-tha-li, Thánh Mát-thêu muốn nói rằng cuối cùng ánh sáng
đã bừng lên trên Ít-ra-ên và toàn thể nhân loại. Ga-li-lê, ngã tư các dân tộc
là cánh cửa mở vào thế giới: chính từ đó mà ơn cứu độ của Thiên Chúa thực hiện
qua Đấng Mê-si-a sẽ đến với các dân tộc.
12. HỎI:
Thánh Mát-thêu có cho thấy trước sứ vụ của Đức Giê-su không?
THƯA: Có, thánh Mát-thêu dùng một
vài từ ngắn gọn để loan báo các biến diễn ra sau đó. Như khi kể lại việc Ngài bắt
đầu sứ vụ từ Ga-li-lê sau khi Gio-an Tẩy giả bị bắt, thánh Mát-thêu muốn cho thấy
rằng toàn thể cuộc sống Đức Ki tô diễn ra dưới dấu chỉ bách hại để dẫn vào vinh
quang tiếp theo sau. Như vậy Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan vô cùng, từ sự dữ Ngải
có thể biến nên sự lành để cứu độ loài người.
13. HỎI: “Từ
lúc ấy” có nghĩa gì?
THƯA: Tác giả dùng cụm từ ‘từ
lúc ấy’ để đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời Đức Giê-su: với việc
Gio-an Tẩy giả đi vào bóng tối và sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su bắt đầu, nhân
loại đã vượt qua giai đoạn quyết định từ thời đại lời hứa đến thời đại hoàn
thành.
14. HỎI: Tại
sao Thánh Mát-thêu dùng kiểu nói ‘Nước Trời’ thay cho ‘Nước Thiên Chúa’?
THƯA: Tin mừng Thánh Mát-thêu
viết cho người Do Thái nên dùng kiểu nói ‘Nước Trời’ thay cho ‘Nước Thiên Chúa’
theo thói quen của người Do thái để tránh gọi Danh thánh và tôn kính Người.
15. HỎI: Tại
sao phải hối cải?
THƯA: Lời Đức Giê-su loan báo
Nước Trời đang đến gần là lời Thiên Chúa mời gọi mọi người đến ơn cứu độ, buộc
họ phải dứt khoát chọn lựa và sự chọn lựa ấy phải được biểu lộ bằng lòng sám hối
và đức tin.
16. HỎI: Việc
kêu gọi các môn đệ đầu tiên có gì đặc biệt?
THƯA: Việc kêu gọi các môn đệ đầu
tiên được tường thuật theo lối văn ‘kêu gọi’ các tiên tri trong Cựu Ước: lời mời
gọi của Thầy ngắn gọn, cộ động vào điều thiết yếu còn sự đáp trả môn đệ phải
mau mắn tức thời. Điều mà Đức Giê-su đòi hỏi nơi người môn đệ là từ bỏ mọi sự
không chút do dự mà đi theo Ngài.
17. HỎI: Ngư
phủ bắt người là sao?
THƯA: Thành ngư phủ bắt người
có nghĩa là thành người rao giảng và chứng nhân Nước Trời.
18. HỎI: Tại
sao thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến việc Đức Giê-su chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền
trong dân?
THƯA: Thánh Mát-thêu muốn nói rằng
hoạt động chữa bệnh của Đức Giê-su đáp lại lòng chờ mong của dân chúng và đặc
biệt làm trọn lời Tiên tri I-sai-a loan báo về Người Tôi tớ Thiên Chúa: “Chính
Người đã mang lấy bệnh tật của dân Người” (53,4).
19. HỎI:
Theo tin mừng Mát-thêu, lời sấm Tiên tri I-sai-a có được hoàn tất không?
THƯA: Có, lời sấm Tiên tri
I-sai-a trong bài đọc một được hoàn tất trong tin mừng Mát-thêu: “Nước Thiên
Chúa đã đến gần”.
20. HỎI: Sứ
điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Cảm tạ vì muôn ơn gọi
mà Đức Ki-tô dành cho con người và cầu nguyện xin cho tất cả được biết quảng đại
từ bỏ mọi sự mà dấn bước theo Chúa. 2. Hăng say nhiệt thành đáp lại lời kêu gọi
sám hối của Chúa Giê-su Ki-tô: xét xem chúng ta cần thay đổi lãnh vực nào trong
đời sống (tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với
chính mình, tương quan với của cải vật chất và thiên nhiên)? và chúng ta chọn
biện pháp nào để thay đổi một cách hữu hiệu và lâu bền nhất? 3. Hăng say nhiệt
thành đáp lại lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giê-su Ki-tô: xét xem chúng ta đã
và đang dấn thân như thế nào cho sứ vụ được sai đi loan báo Tin Mừng Nước Trời
và cứu độ chúng sinh?
GLCG 1989 1427. Công trình
đầu tiên Chúa Thánh Thần thực hiện nơi con người là sự hoán cải, nghĩa là cho
họ nên công chính như lời rao giảng của Đức Giê-su từ buổi đầu của Tin Mừng :
"Anh em phải sám hối, vì triều đại Thiên Chúa đã đến gần" ( Mt 4,17).
Dưới tác động của ân sủng, con người quay về với Thiên Chúa và từ bỏ tội lỗi,
nhờ đó được Thiên Chúa ban ơn tha thứ và sự công chính. "Như thế, công
chính hóa không chỉ là tha tội, mà còn thánh hóa và canh tân con người nội
tâm"(Cđ Tren-tô : DS 1528).