CHỦ NHẬT 8 TN
Yêu thương và tin tưởng vào Cha
Tình yêu Thiên Chúa ban
cho chúng ta sự bình tâm giúp chúng ta nhìn mọi sự còn lại một cách tương đối.
Không ai có thể hoàn toàn thoát khỏi mọi nỗi âu lo vì đó là yếu tố trong cuộc
sống xã hội hôm nay. Lời cầu nguyện nhập lễ mời gọi chúng ta cẩu xin Chúa ban
ơn bình an, vì nó mang lại niềm hi vọng. Niềm hi vọng là chính Chúa Giê su
không ngừng cầu xin Cha của Ngài chăm sóc chúng ta.
Sách tiên tri Isaia 49,14-15
Thiên Chúa luôn luôn gìn giữ chúng ta trong tình yêu của
Ngài. Tiên tri so sánh Tình yêu của Thiên Chúa Cha với tình yêu của một người
mẹ trần gian không thể nào quên đứa con của mình. Ngài yêu thương chúng ta bằng
lòng nhân ái và xót thương, hơn bất cứ người mẹ tốt lành nhất trên trần gian.
Thánh Vịnh 61
Đây là Thánh Vịnh củng cố, trấn an người đang bị xao xuyến
và thúc đẩy họ hành động. Không bao giờ Thiên Chúa có thể quên người mà Ngài
yêu mến. Luôn hiện diện trong chúng ta nên Ngài là đấng mà chúng ta có thể cậy
nhờ.
Thư thứ nhất Cô rin tô 4,1-5
Chúng ta là những người quản lí của Thiên Chúa. Như những
người tôi tớ, chúng ta không được làm tôi một Ai khác, vì Ngài là Ông Chủ duy
nhất của chúng ta. Vì thế chúng ta không cần phải quan tâm đến những phê phán
của bất kì ai ngoài Thiên Chúa. Và chúng ta cũng hãy đối xử như vậy đối với tha
nhân, hãy để cho Thiên Chúa xét xử mọi người. Duy nhất Ngài là đấng có thể đem
ra ánh sáng mọi chỗ ẩn khuát. Nhất là hãy tránh những phán đoán hời hợt vội vã
về những người có trách nhiệm mục tử. Trái lại hãy kề vai với họ trong sứ mạng
nhiều khi rất khó khăn.
TIN MỪNG: Mt 6,19-34
NGỮ CẢNH
Chúng ta đang đọc bài
giảng trên núi của Chúa Giê su (cc.5-7). Cả đoạn nầy đưa ra hình ảnh về kho
tàng, và giáo huấn về sự giàu có đích thực cần phải tìm kiếm trước hết mọi sự.
Nó không có trên trần gian, nơi nó sẽ mục nát, nhưng chỉ có trên trời
(96,19-21). Một kho tàng mà chỉ có đôi mắt trong sáng mới có thể nhận ra
(6,22-23). Do đó, nó không phải là tiền của (6,24), nhưng là Nước Trời và sự
công chính của Thiên Chúa (6,25-34).
TÌM HIỂU
Những kho tàng: là cái có giá trị qua sự đánh giá của con người,
là cái mà tâm hồn mật thiết gắn bó (6,21). Chỉ có sự lựa chọn Nước Trời mới có
thể cho phép tích trử một kho tàng ở trên trời. Hình ành nầy sẽ trở lại trong
một dụ ngôn (13,44). Sự lựa chọn nầy, được bàn đến trong các đọan
7,13-15.24-27, sẽ được Chúa Giê su qui chiếu đến trong đoạn 16,24-26.
Lc cũng dạy rằng để tích
trữ kho tàng cần phải bỏ hết những gì mình đang có: “Anh em hãy bán hết những gì mình có và bố thí” (Lc 12,33).
Thánh Phao lô đưa ra cùng
một giáo huấn ấy trong thư gửi cho Timôthê: “Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn
ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững
chắc cho tương lai, để được sự sống thật”
(1, Tm 6,18-19).
Con mắt: phải hiểu từ nầy theo ngữ cảnh ở đây là thực hiện một sự lựa
chọn. Mắt, cũng như tâm hồn (6,21) trong Kinh Thánh chỉ tòan
vẹn con người trong cách hành xử, nhất là trong tương quan với Thiên Chúa. Như
tâm hồn, con mắt liên kết và đưa đến một hướng, xấu hoặc tốt. Mắt sáng, hay
chính xác hơn, đơn sơ, chỉ sự dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa, tâm hồn không
chia sẻ. Cùng ý tưởng nầy được diễn tả trong mối phúc thanh sạch trong tâm hồn: họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa (5,8). Tính từ
trong nguyên bản tiếng hi lạp được dịch là “đơn sơ”, “trong sáng”, hoặc từ “sự
đơn sơ”, xuất hiện trong Gc 1,5: “Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi”,
nghĩa là quảng đại; trong 2 Cr 11,3 nói đến sự “đơn sơ đối với Đức Ki tô” nghĩa là tòan bộ thuộc về Ngài.
Bóng tối: hình ảnh thường thấy trong Kinh Thánh để chỉ sự dốt nát hoặc
sự xấu xa. Lời mời gọi phải chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối (Ga 3,19; 8,12;
12,46; Rm 13,12; 2Cr 6,14; Ep 5,8; 1Tx 5,5) cũng còn xuất hiện trong tài liệu
phái Essêniên ở Qumran.
Làm tôi: Thánh Giêrônimô ghi chú ở đây rất đúng rằng Chúa Giê su
không nói về việc “sở hữu” tiền bạc, nhưng là “phục vụ” nó (x. Lc 6,13): tiền
bạc có thể trở thành một thần tượng. Thánh Giêrônimô chú giải: “Người nào làm tôi tớ tiền của sẽ phục vụ nó
như một tên đầy tớ; nhưng ai đã bẻ gẩy ách của sự giàu sang, sẽ đem của cải
ra phân phát cho mọi người như một ông
chủ”. Chủ đề trong đoạn nầy luôn là phải có một sự chọn lựa dứt khoát: giữa
ghét bỏ / yêu thương; yêu thích / khinh bỉ; Thiên Chúa / tiền của. Tương quan với
mối phúc khó nghèo (5,3).
Lo cho: động từ nầy sẽ xuất hiện trở lại 6 lần trong đọan 6,24-34;
một lần được dịch là “nhờ lo lắng”
(6,27). Đây là chủ đề trung tâm của đơn vị văn chương mới nầy.
Trong đọan nầy, sự lo lắng được hiểu là lòng gắn bó với của
cải vật chất, khiến người ta quan tâm thái quá đến độ “phục vụ” nó như một ông
chủ (x. 6,24). Do đó mà sự lo lắng nầy giết chết lòng tín thác vào Thiên Chúa
là Cha.
Chim trời: đoạn nầy gán một tầm mức quan trọng to lớn cho con người,
hình ảnh của Thiên Chúa, vươn tới Nước trời (“Chim trời..”, “Há anh em
không trọng hơn chúng sao?”). Với mục tiêu là chỉ tìm kiếm của cải Nước
Trời (6,24), người môn đệ Chúa Giê su được mời gọi tín thác hoàn toàn vào Thiên
Chúa là Cha, Người đã biết tất cả những gì chúng ta đang cần. Như thế ở đây
long trọng khẳng định tình phụ tử của Thiên Chúa. Tuy nhiên lòng tín thác ấy
không lọai trừ, thậm chí bao hàm, việc con người nỗ lực tìm kiếm cơm bánh hằng
ngày cho mình và cho người khác. Chắc hẳn, của cải vật chất được Thiên Chúa ban
cho, nhưng chúng cũng được làm ra bởi sự cố gắng của con người. “Ai không muốn làm việc, thì đừng ăn” (2
Tx 3,10).
Sự cố gắng cho sự sống
hằng ngày là điều kiện cho mọi người và của mọi xã hội. Sự vươn tới Nước trời,
như đã được mô tả trong đoạn nầy, là bầu khí trong đó người ki tô hữu được mời
gọi phải thực hiện cố gắng đó. Bản văn nầy là nền tảng lên án mọi văn hóa vật
chất dần dần phá hủy những dây liên kết xã hội bởi vì nó khiến con người không
còn tìm kiếm kho tàng đích thực.
Hoa huệ ngoài đồng: đó là giống hoa huệ nở rộ vào mùa Xuân ở Đất
Thánh, hoa đỏ, như chiếc áo khoác của vua (x. 27,28-31).
Những kẻ kém tin: kiểu nói Mt thích dùng (x. 8,26; 14,31;16,8;
17,20). Mời gọi người tín hữu nghiêm chỉnh tự hỏi chính mình về mối tương quan
với Thiên Chúa.
Ăn – uống – mặc: một cách diễn tả tòan bộ những nhu cầu vật chất
của con người. Lúc nào cũng thế, vấn đề kinh tế dưới nhiều hình thức chiếm dụng
thời gian dành cho cuộc sống thiêng liêng
Tìm kiếm: tìm kiếm Thiên Chúa nơi giáo huấn các tiên tri là một chủ đề
quan trọng. Ở đây muốn nói rằng trước tiên cần phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa,
và cùng lúc, sự công chính của Người. Đó chủ đề của toàn bài diễn từ được loan
báo trong các câu 5,6.10.20 và được lặp lại trong câu 6,1. Cần tìm kiếm sự công
chính của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa mà con người chỉ có thể đón nhận như là
một ân huệ.
SỨ ĐIỆP
Thiên Chúa và tiền của
“Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa tình yêu và Tiền của được”
Cả hai hoàn toàn đối nghịch nhau. Thiên Chúa và tiền của là hai ông thầy mà
chúng ta phải lựa chọn: hoặc là Thiên Chúa hay là tôi. Cái “tôi”, chính là cái
tôi thích tiện nghi, cái tôi thích tìm kiếm tiền bạc, lo lắng cho cái ăn cái
mặc. Đó là cái “tôi” muốn tự mình làm chủ lấy mình. Đó là cái tôi mà tôi có
khuynh hướng muốn phục vụ. Ở đây, từ “phục vụ” mang một ý nghĩa thờ phượng. Thế
mà, Kinh Thánh không ngừng nói với chúng ta rằng đấng duy nhất mà chúng ta thờ
phượng là Thiên Chúa. Chúng ta không được biến mình thành thần tượng vì tất cả
mọi thần tượng đều biến chúng ta thành nô lệ. Tiền của có thể trở thành một
thần tượng. Khi người ta bị ám ảnh bởi ham muốn luôn luôn chiếm đoạt nhiều hơn,
người ta sẽ mau chóng trở thành nô lệ. Không bao lâu chúng ta sẽ không còn thời
giờ để nghĩ đến những điều khác nữa. Vì thế chúng ta hãy cảnh giác những gì mà
chúng ta sở hữu để khỏi trở thành bị chiếm hữu hay bị truất hữu.
Chúng
ta đang sống trong thế giới càng lúc càng bị đồng tiền chế ngự. Lợi nhuận là
cái mà người ta quan tâm trước khi nghĩ đến ích lợi của người khác. Không phải
Chúa Giê su lên án việc sử dụng tiền của. Nó có thể rất ích lợi để mang lại cho
chúng ta những thứ cần thiết. Nhưng nó luôn luôn là một ông chủ xấu xa. Người
ta không thể kiếm tiền bằng mọi cách, nhất là dùng bạo lực. Nhiều người tưởng
rằng có nhiều tiền, họ sẽ sung sướng hơn. Xã hội chúng ta dễ tạo ảo tưởng đẩy
người ta đến khát vọng ấy, nhiều khi đến chỗ cuồng tín. Một vài vấn đề vật chất
có thể sẽ được giải quyết nhưng tiền bạc không thể bảo đảm tương lai cũng như
hạnh phúc đích thực cho chúng ta. Của cải tiêu xài mà chúng ta ki cóp tích trử
không bao giờ làm cho chúng ta thỏa mãn. Đàng khác, rồi sẽ có một ngày chúng ta
phải ra đi, chúng ta phải bỏ lại tất cả. Và Chúa Giê su chỉ muốn cho chúng ta
hiểu rằng nó sẽ không còn một ích lợi nào cả.
Chủ
nhật nầy, Đức Ki tô muốn nhắc chúng ta nhớ rằng tương lai của chúng ta ở trong
tay Thiên Chúa. Ngài là Cha chúng ta, một người cha yêu thương con cái mình và
muốn cho họ được hạnh phúc. Ngài gắn bó với họ như là của cải quí nhất của
Ngài. Ngài quan tâm đến mọi tạo vật Ngài đã dựng nên. Ngài nuôi dưỡng chim
trời. Ngài mặc cho chúng những bố áo hoa ngoài đồng nội, đẹp hơn những gì mà Sa
lô mon có lúc vinh hoa nhất trong cuộc đời ông. Đối với Ngài, chúng ta còn có
giá hơn gấp nhiều lần mọi chim trời và hoa đồng nội. Ngài mời gọi chúng ta hãy
rút ra các kết luận: đối với chúng ta đó là một lời mời gọi hãy đặt niềm tin
hoàn toàn nơi Ngài.
Một
cách cụ thể, Chúa Giê su nói với chúng ta hãy ngừng quì gối thờ lạy tiền bạc,
và coi các tấm ngân phiếu như những ảnh tượng để thờ phượng. Đừng lo lắng thái
quá. Cha trên trời biết rõ những gì mà chúng ta cần đến. Đó không phải là lời
mời gọi làm biếng hay dửng dưng đối với mọi sự. Chúng ta không phải là chim
cũng chẳng phải là hoa. Chúng ta có một khối ốc và những cánh tay để chinh phục
và sắp xếp mọi sự để mang lại điều tốt lành cho chúng ta và cho thế giới. Nhưng
ưu tiên lớn của chúng ta là ơn gọi trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa
Giê su mời gọi chúng ta hãy dành cho Ngài chỗ nhất trong cuộc đời chúng ta, chỗ
của vị Thầy, và không quan tâm đến mình, vì Ngài sẽ lo lắng cho chúng ta chu
đáo hơn.
Lời
mời gọi ấy của Đức Ki tô chúng ta phải không ngừng nghe lại và thấm nhập vào
tâm hồn chúng ta. Nguy hiểm chờ đợi chúng ta là đánh mất điều cốt yếu và sa vào
những con đường không đưa đến cuộc sống đích thực, những con đường cụt. Có
những điều mới nhìn thì lấp lánh, nhưng rút cục chỉ là ảo tưởng. Điều quan
trọng là tìm kiếm trước tiên Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài; nghĩa
là làm mọi sự để Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta và định hướng đời sống chúng
ta. Ngài không ngừng gọi chúng ta hãy điều chỉnh bản thân theo đúng ý Ngài mà
không quan tâm đến chính mình. Chúng ta không được do dự phó thác cho Ngài tất
cả những gì liên can đến chúng ta.
Lòng
tin tưởng vào Thiên Chúa không loại trừ những gian khổ trong cuộc đời nhất là
trong những tháng ngày khó khăn. Nhưng đức tin đến giải thoát chúng ta khỏi mọi
âu lo, hoặc ít nhất, nó giúp giảm thiểu để không bị chìm ngập. Khi người tín
hữu có kinh nghiệm đó, họ sẽ cảm nhận được bình an trong tâm hồn mà Chúa Giê su
thường hứa ban. Con người có giá hơn mọi của cải tiền bạc và giàu sang mà nó
chiếm hữu. Điều làm nên giá trị một cuộc sống đó là tình yêu mà chúng ta đặt
vào đó. Và chính đó là điều chúng ta sẽ bị xét xử.
Chân
trời của người tín hữu, đó là Nước Thiên Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, Thiên
Chúa là đấng duy nhất đáng được phụng thờ và tôn sùng. Thánh Phao lô nói với
chúng ta: “Dù anh em ăn, dù anh em uống,
hãy làm tất cả vì vinh quang Thiên Chúa”. Lo lắng cho tiện nghi được đầy đủ
là điều hợp lí, nhưng điều đó chỉ là phụ thuộc. Điều quan trọng là chúng ta
phải nắm lấy cơ hội đó để giải thoát tâm hồn khỏi những âu lo trần tục và hướng
đến điều ưu tiên nhất, đó là tình yêu Thiên Chúa và anh em: “Kho tàng anh em ở đâu, tâm hồn anh em ở đó”
(Mt 6,21).
Lạy
Chúa, ngày hôm nay, chúng con hướng về Chúa. Xin đừng để chúng con quá lo lắng,
nhưng cho chúng con luôn biết đặt trọn niềm tin vào Chúa. Xin dạy chúng ta
chúng biết giải thoát khỏi mọi ách nô lệ để trở thành người mang tình yêu của
Chúa đến cho anh em chúng con. AMEN.
ĐÀO SÂU
ĐẶT TRỌN NIỀM TIN CẬY VÀO THIÊN CHÚA
Is 49,14-15 Thiên Chúa không thể quên
dân Người
Tv 62,2 Chỉ trong Thiên Chúa linh hồn
chúng con mời được nghỉ yên
1Cr 4,1-5 Chính Thiên Chúa sẽ xét xử,
nên anh em đừng xét đoán nhau
Mt 6,24-34 Tin tưởng vào Thiên Chúa là
Cha chúng ta
1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?
THƯA: ĐẶT TRỌN NIỀM TIN CẬY VÀO THIÊN CHÚA. Hãy tin cậy Thiên Chúa
vì Người là Mẹ hiền không thể bỏ rơi con mình sinh ra (Bđ1). Lòng tin cậy ấy sẽ
giúp người tín hữu bình an trong Thiên Chúa là đấng ban cho tất cả những gì
chúng ta cần (BTM).
2. HỎI: Nội dung bài đọc một (Is 49,14-15) như thế nào?
THƯA: Đây là một phần của sứ điệp
an ủi (cc.
40-55) mà Tiên
tri I-sai-a thứ hai gởi đến đồng hương Do Thái đang bị lưu đày ở Ba-by-lon khi họ đang ở bên bờ vực của sự tuyệt vọng. Họ nghĩ
rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, nhưng Tiên tri khẳng định rằng Người không bao giờ quên
họ.
3. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Bài đọc một là một trích đoạn sách Tiên tri I-sai-a chương 49.
Bấy giờ dân Ít-ra-ên bị lưu đày ở Ba-by-lon đang trong cơn khốn cùng: đức tin
suy sụp kéo theo đời sống luân lí xuống rất thấp. Trong cơn khốn khổ và tuyệt
vọng ấy họ nói với nhau: “Thiên Chúa đã bỏ chúng ta rồi, Chúa đã quên chúng ta
rồi”.
4. HỎI: Trong tình huống ấy, Tiên tri I-sai-a đã làm gì?
THƯA: Ông tìm mọi cách để thuyết phục đồng bào mình rằng không gì có
thể tiêu hủy được Giao Ước mà Thiên Chúa đã kí với dân của Người. Vì cả khi con
người bất trung, thì Thiên Chúa vẫn luôn luôn trung tín, vì Người không thể
phản lại chính mình.
5. HỎI: Tiên tri I-sai-a đã dùng hình ảnh gì để thuyết phục?
THƯA: Để thuyết phục đồng bào mình kiên trì tin tưởng vào tình yêu
Thiên Chúa, Tiên tri I-sai-a đã dùng
hình ảnh người mẹ hiền luôn nhân hậu dịu dàng với con cái. Và cả khi người mẹ
có thể nhẫn tâm quên đứa con mình sinh ra, thì Thiên Chúa không bao giờ quên
dân Người đã chọn lựa.
6. HỎI: Tiên tri I-sai-a còn dùng hình ảnh nào nữa không?
THƯA: Trong chương 49, I-sai-a còn khai triển một loạt hình ảnh khác
để nói về Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, Ít-ra-ên là con yêu dấu: “ĐỨC CHÚA đã gọi
tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên
tôi” (49,1), là mũi tên quí nhất
trong ống đựng tên: “Người đã biến tôi
thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (49,2), là người đầy tớ làm mọi việc cho Thiên
Chúa: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung
của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang” (49,3), là dấu tình yêu khắc trên bàn tay Thiên
Chúa: “Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn
tay Ta” (49,16).
7. HỎI: Từ lúc nào thì các tiên tri nói về Thiên Chúa như một
người Cha.
THƯA: Ngay trong thời kì lưu đày, nghĩa là vào thế kỉ thứ 6 trước
CN, các tiên tri đã nói về Thiên Chúa như một người Cha nhân ái. Thí dụ như
Giê-rê-mi-a: “Vì đối với Ít-ra-en, Ta là
một người Cha, còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng” (Gr 31,9).
8. HỎI: Tiên tri I-sai-a đã gợi lên điều gì để nuôi dưỡng lòng
hi vọng của người Do thái lưu đày?
THƯA: I-sai-a nói về Thiên Chúa như người Cha sẵn sàng bay tới giúp
đỡ con cái mình. Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa giao ước nên chắc chắn Người sẽ đến
giải thoát dân Người khỏi cảnh lưu đày ở Ba-by-lon.
9. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (1Cr 4,1-5) như thế nào?
THƯA: Lời trần tình của Thánh
Phao-lô về lòng trung thành của Ngài như người đầy tớ Đức Ki-tô chăm lo quản lí
các mầu nhiệm Ngài giao phó.
10. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (6,24-34) như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng nằm trong bài giảng trên núi (ch. 5-7), thuộc
phân đoạn 5,17-7,12 nói về việc sống như con cái Cha. Sau khi khuyên mọi ngời
phải tích trử của cải bằng cách thờ phượng Thiên Chúa (19-24), Ngài khuyên đừng
bao giờ lo lắng cho cuộc sống (25-34). Có 3 ý chính: 1) đừng lo lắng cho mạng
sống mình (25-30); 2) đừng lo lắng về cái ăn cái mặc (31-33); 3) đừng lo lắng
về ngày mai (34).
11. HỎI: Đức Giê-su dạy chúng ta điều gì trong bài tin mừng?
THƯA: Đức Giê-su dạy chúng ta ba điều: một là phải sống tự do, hai
là kiểm điểm lại những ưu tiên trong đời sống chúng ta và cuối cùng hãy tin
tưởng vào Thiên Chúa Cha.
12. HỎI: Đức Giê-su muốn nói đến tự do nào?
THƯA: Sự tự do mà Đức Giê-su nói đến là hoàn toàn thong dong, không
bị tiền bạc của cải ràng buộc chi phối. Sử
dụng của cải như người chủ phương tiện, chứ không như tên nô lệ để nó sai
khiến. Đức Giê-su là mẫu gương tự do
tuyệt vời, thoát mọi ràng buộc vật chất. Thậm chí một nơi để sinh ra, một chốn
để nương tựa, một hòn đá để gối đầu Ngài cũng đã không có, vì “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa
làm tôi Tiền Của được” (6, 24)
13. HỎI: Lời dạy “đừng
lo” của Đức Giê-su có nghĩa gì?
THƯA: Đức Giê-su không dạy lười biếng, nhưng dạy từ bỏ mọi lo âu
thái quá cho những nhu cầu trong cuộc sống mà quên rằng Thiên Chúa là Cha biết
rõ những gì ta cần (x. 6,8.32).
14. HỎI: Phải kiểm điểm như thế nào các ưu tiên trong đời sống
chúng ta?
THƯA: Đức Giê-su mời gọi chúng ta phài trước tiên tìm kiếm Nước Trời
và sự công chính của Người.
15. HỎI: “Tìm kiếm sự
công chính của Thiên Chúa” có nghĩa gì?
THƯA: Sự công chính là điều Thiên Chúa muốn. Tìm kiếm sự công chính
là sống cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
16. HỎI: “Trước tiên
phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa” có
nghĩa gì?
THƯA: “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa
trước tiên”
có nghĩa là phải tìm cách để cho Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn và cuộc sống,
là phải sống làm sao để trọn vẹn cuộc đời mình là lời đáp trả quảng đại tình
yêu Thiên Chúa.
17. HỎI: Đức Giê-su mời gọi tin tưởng như thế nào?
THƯA: Điều thứ ba, chìa khóa giải quyết mọi sự, Đức Giê-su mời gọi
chúng ta phải tin cậy hoàn toàn nơi Thiên Chúa là Cha. Ngài dạy chúng ta đừng
lo lắng, nhưng hãy trao phó trọn vẹn cuộc sống chúng ta trong đôi tay hiền phụ
của Người.
18. HỎI: Ngài dùng hình ảnh gì để thuyết phục chúng ta?
THƯA: Ngài dùng hình ảnh chim trời và hoa đồng nội. Dù là những tạo
vật không đáng kể và cũng không làm lụng vất vả như con người nhưng cũng được
Thiên Chúa thương yêu quan tâm chăm sóc, thậm chí đến những chi tiết nhỏ nhặt
nhất như áo mặc bên ngoài. Ngài không đề cao lối sống nhàn rỗi, ăn bám, vô
trách nhiệm, nhưng muốn dạy mọi người làm mọi việc trong thanh thản và đầy lòng
tin tường nơi Thiên Chúa Cha.
19. HỎI: Còn con người thì sao?
THƯA: Mỗi người là cộng tác viên của Thiên Chúa có bổn phận quản lí
của cải mà Người ủy thác: “Hãy sinh sôi
nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá
biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (Stk 1, 28). Là người
quản lí của Thiên Chúa, nên trong mọi hoàn cảnh phải an tâm và tin tưởng: “Hãy nhìn xem chim trời... Hãy ngắm xem hoa
huệ ngoài đồng” (x. Mt 6, 26-28).
20. HỎI: Chúa muốn dạy gì khi nói: “Ngày nào có cái khổ của
ngày ấy”(Mt 6,34)
THƯA: Chúa muốn dạy chúng ta đừng quá ưu tư lo lắng cho ngày mai,
nhưng phải thực tế nhìn vào cuộc sống đầy khó khăn để kiên trì tin tưởng vào
Thiên Chúa.
21. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Đừng lo lắng thái quá! Vì như thế chúng ta không còn nhớ
đến Cha trên trời đang quan tâm chăm sóc chúng ta. Hãy đón nhận lời ân sủng ấy
và trải nghiệm thường xuyên trong cuộc sống để hiểu thế nào là tình yêu Thiên
Chúa dành cho chúng ta. 2. Thiên Chúa là kho tàng của cải vô tận, còn chúng ta
ôm lấy nỗi nghèo khó khôn cùng, vì thế hãy khôn ngoan tin tưởng cậy trông phó
thác vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Rồi chúng ta sẽ có cách vượt thắng mọi
khó khăn trên đường đời.
GLCG 322. Đức Ki-tô mời gọi chúng ta phó thác với tâm tình con thảo vào
sự quan phòng của Cha trên trời ( x. Mt 6,26-34). Thánh Phê-rô cũng nhắc:
"Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người vì Người chăm sóc anh em" (1Pr 5,7)
( x. Tv 55,23). 2113 398 2534 2289 2473. Thờ ngẫu tượng không
chỉ là sai lầm của dân ngoại, nhưng còn là một cám dỗ thường xuyên đối với tín
hữu. Thờ ngẫu tượng là tôn thờ và kính bái một thụ tạo thay vì Thiên Chúa, cho
dù đó là thần linh hay ma quỉ (ví dụ : giáo phái thờ Xa-tan), quyền lực, khoái
lạc, chủng tộc, tổ tiên, nhà nước, bạc tiền v.v. Đức Giê-su dạy : "Anh em
không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được" (Mt 6,24).
Rất nhiều vị tử đạo đã chết vì không chịu thờ phượng "Con Thú" ( x.
Kh 13-14 ) dù chỉ giả vờ thôi. Ai thờ ngẫu tượng là mặc nhiên không nhìn nhận
Thiên Chúa là Chúa Tể duy nhất, nên không thể thông hiệp với Thiên Chúa ( x. Ga
5,20; Ep. 5,5 ). 2547 305 Chúa khóc thương những người giàu có
vì họ tìm an ủi ( Lc 6,24) nhờ của cải dư dật; "kẻ kiêu căng tìm quyền lực
thế trần, còn người có tinh thần nghèo khó, tìm kiếm Nước Trời" ( T. Âu -
Tinh 1,1.3). Ai phó thác vào sự quan phòng của Cha trên trời, được giải thoát
khỏi những âu lo về ngày mai ( Mt 6,25-34 ). Ai tín thác vào Chúa sẽ được hưởng
hạnh phúc Chúa hứa ban cho người nghèo : Họ sẽ được thấy hạnh phúc. 2830 2638 Khi xin "lương thực", chúng ta muốn nói : Cha là
"Đấng ban cho chúng con sự sống,
không lẽ Cha lại không ban cho chúng con lương thực cần thiết để sống, cùng với
mọi của cải" "xứng hợp" cả tinh thần lẫn vật chất. Trong Bài
Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nhấn mạnh đến lòng tín thác của con cái : cộng tác
với Cha là Thiên Chúa Quan Phòng. Người không khuyến khích chúng ta thụ động,
nhưng muốn giải thoát ta khỏi mọi lo lắng và bận tâm. Người dạy ta sống tâm
tình phó thác của con cái Thiên Chúa.