Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 8

NGÀY PHỤ NỮ

08 tháng 3 năm 2014

HƯƠNG THƠM BÊTANIA

flower53.jpgLỜI CHÚA:(Mc 14, 3-9)

3 Lúc đó, Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người.4 Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: "Phí dầu thơm như thế để làm gì?5 Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo." Rồi họ gắt gỏng với cô.6 Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa.7 Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!8 Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.9 Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô."

1. Hương Thơm đời con

Đức Giê-su đang dùng bữa tại một nhà ở Bêtania, thì một người phụ nữ đến. Tin Mừng theo thánh Gioan xác định rõ đó là cô Maria, em của chị Mát-ta và là chị của anh Lazarô (x. Ga 11, 32 và 12, 3). Nhưng các thánh sử Mát-thêu và Mác-cô chỉ nói đó là “một người phụ nữ”, như để bất cứ ai cũng có thể nhìn ra mình nơi người phụ nữ này.

Chị mang theo “một bình bạch ngọc chứa dầu thơm cam tùng tinh chất và rất đắt tiền”. Có lẽ không có điều gì đẹp và quí hơn để tượng trưng cho chính bản thân chị.

Chị đập bể bình bạch ngọc! Chỉ có Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể lại chi tiết lạ lùng này[1]. Tại sao lại đập bể bình? Và chị đã thực hiện điều này như thế nào? Chẳng lẽ đập bể bình ngay trên đầu Đức Giê-su, để dầu thơm tràn ra đúng chỗ! Hay chỉ đập gẫy cổ bình, sau đó đổ dầu thơm lên đầu Ngài?

Nhưng dù sao, bình bạch ngọc cũng đã vỡ rồi! Điều này diễn tả điều gì đó thật dứt khoát, thật triệt để tâm tình diễn ra ở trong tim của chị, dứt khoát và triệt để đến độ không thể lấy lại được nữa: bình ngọc đã bể, dầu thơm đã đổ, đổ tràn ra trên mái tóc của Chúa, tất cả dành cho Chúa, dành cho Chúa luôn. Thánh Gioan ghi nhận một chi tiết thật hiển nhiên, nhưng đầy ý nghĩa: “Cả nhà nực Hương Thơm” (Ga 12, 3). Chị đã “xức nước hoa” thật quảng đại lên tóc Chúa!

2. Hương Thơm và tiền bạc

Một cử chỉ đầy ý nghĩa như thế, nhưng lại bị người ta nhìn một cách tiêu cực; người ta không chỉ cảm thấy khó chịu trong lòng mà còn tỏ thái độ: họ xầm xì với nhau, rồi sau đó quay ra hằn học với chị. Chuyện xa xưa, nhưng lại diễn tả thật đúng thân phận người phụ nữ thuộc mọi thời (x. Lc 7, 36-50). Người ta đây là những ai? Đó là “một số người” theo thánh sử Mác-cô, là “các môn đệ” theo thánh sử Mát-thêu, là “Giuđa” theo thánh sử Gioan. Tóm lại, họ toàn là đàn ông!

Qua hình ảnh bình bạch ngọc đựng dầu thơm được dứt khoát và trọn vẹn trao tặng, chúng ta được mời gọi đọc ra lòng tin và tình yêu vô ngần vô hạn người phụ nữ dành cho Đức Giê-su. Nhưng có những người lại cho là uống phí và đánh giá quà tặng này bằng tiền bạc! Họ đưa ra những lí do rất hợp lí và hợp tình: hợp lí vì dầu thơm đáng giá cả năm trời làm lụng mà đổ “trớt quớt” đi hết như thế; hợp tình vì nếu đem bán đi sẽ có tiền đi giúp người nghèo. Nhưng những thứ “hợp” này chỉ là vẻ bề ngoài, vấn đề là con tim của họ hướng về đâu: người nghèo, Đức Giê-su hay tiền bạc? Tin Mừng theo thánh Gioan, qua nhân vật Giuđa, nói thẳng ra đó là vì lòng ham tiền (Ga 12, 6). Người ta cảm thấy tiếc tiền hơn là nghĩ đến người nghèo và càng không nghĩ đến số phận của Đức Giê-su, “Người Nghèo của Giavê”.

Người nghèo, nhưng ai là người nghèo? Chẳng lẽ Đức Giê-su không phải là “Người Nghèo” đích thật đáng để nhận một quà tặng như thế?

3. Hương Thơm Tin Mừng

Cái nhìn của Đức Giê-su là cái nhìn đón nhận, khác hẳn với cái nhìn của những người kia: “Hãy để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện với người ta?” Ngài bênh vực chị, một lời bênh vực vừa long trọng và vừa có tầm mức chưa từng thấy, tầm mức vĩnh hằng (c. 6-9).

Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa”. Một việc, nhưng người phụ nữ làm với trọn cả con tim và gói gém cả cuộc đời của mình vào đó. Qua ơn gọi đi theo Ki-tô trong ơn gọi gia đình và nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta được mời gọi tái hiện lại hành vi của người phụ nữ: “Cô đập ra, đổ dầu thơm lên đầu Người”; chúng ta hi sinh vì lòng mến Chúa và nhất là dâng hiến đời mình để làm “việc nghĩa” cho Chúa, ngang qua đời sống cộng đoàn, ba lời khấn và sứ vụ. Xin Ngài luôn bênh đỡ chúng ta.

Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu”. Đức Giê-su đồng hóa mình với người nghèo (x. Mt 25, 35), nhưng Ngài vẫn muốn mình được ưu tiên hơn mọi người nghèo mỗi khi ngài hiện diện. Bởi vì Ngài là Người Nghèo đích thật của Thiên Chúa (x. 2 Cr 8, 9; Pl 2, 5-11). Và chính khi chúng ta gắn bó với Đức Ki-tô nghèo khó, chúng ta mới có thể thực sự hướng đến với những người nghèo khó và bé nhỏ.

Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi để chuẩn bị ngày mai táng”. Đức Giê-su không chỉ xác chuẩn đây là một việc tốt dành cho Ngài, nhưng còn hướng nó tới cuộc Thương Khó Ngài sắp trải qua. “Hương Thơm Bêtania” được tháp nhập vĩnh viễn vào Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu.

Và sau cùng, Đức Giêsu long trọng tuyên bố cho mọi người: “Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ đến cô”. Tin Mừng là Tin Mừng sự sống, và hương thơm chính là biểu tượng của sự sống. Bởi lẽ, sự sống thì “thơm”, còn sự chết thì ngược lại. Hương Thơm Bêtania được Đức Giê-su đưa lên tầm mức Tin Mừng Sự Sống.

*   *   *

Như thế, Hương Thơm người phụ nữ “xức” lên mái tóc Đức Giê-su được gắn liền mãi mãi với Tin Mừng: Tin Mừng-Sự Sống-Hương Thơm. Nhưng trong thực tế, dường như người ta quên hoặc ít nói đến Hương Thơm này khi loan báo và giảng giải Tin Mừng. Dù vậy, Lời của Đức Giê-su vẫn cứ ứng nghiệm, ứng nghiệm cách lạ lùng ngang qua muôn vàn Hương Thơm cuộc đời của các Chị Em dâng hiến đời mình để phụng sự Chúa ở mọi thời, vẫn “âm thầm kể lại” hành vi dâng hiến của người phụ nữ xưa.

Bình bạch ngọc đời con đã vỡ tan.

Chất tinh khôi ứa tràn trên tóc Chúa.

Hương Thơm dịu lan tỏa mang Tin Vui.

Chúa sống mãi qua Làn Hương đời con.

Mến tặng Quí Soeurs, Quí Dì và tất cả Quí Chị Em, Nhân Ngày Phụ Nữ 08/03/2014. Xin Chúa làm cho cuộc đời của chúng ta trở thành HƯƠNG THƠM kể lại Tin Mừngcủa Đức Giê-su Ki-tô chết và phục sinh.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ



[1] Có thể đó là cách “mở” bình dầu thơm bình thường thời đó. Nhưng ở đây chúng ta muốn nhìn hành vi này ở bình diện biểu tượng.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_LM ĐAN VINH- HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy sau Lễ Tro: Mùa Chay- Sống mối liên hệ với Chúa và với tha nhân. Lm. Nguyễn Trường Sơn
     SUY NIỆM THỨ SÁU SAU LỄ TRO: ĂN CHAY. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Thứ Năm Tuần VIII Thường Niên A: NGHỊCH LÝ CỦA TIN MỪNG. Maria Phương Trâm, ĐMPC.
     THỨ TƯ LỄ TRO 2014. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên A: Gấp trăm, ngược đãi và sự sống. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Chúa Nhật Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên: ĐIỀU KIỆN ĐỂ VÀO NƯỚC TRỜI. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật VIII Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật VIII Thường Niên A: Yêu thương và tin tưởng vào Cha. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy tuần VIII Thường Niên C: TIN NHẬN QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC GIÊSU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí