Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 8

THỨ TƯ LỄ TRO 2014

GIŨ BỎ LỐI SỐNG GIẢ TẠO – GIẢ HÌNH

LE TRO_02.jpgBáo chí gần đây đã đề cập đến một đại gia đã bỏ rất nhiều tiền để trùng tu nhiều ngôi chùa ở Miền Tây, điều này thì không có gì đáng trách, nhưng điều người dân bức xúc và chỉ trích là sau khi các ngôi chùa hoàn tất, thì người ta thấy hình của ông và gia đình ông được đặt ngay trong chánh điện nơi thờ phật. Người dân cho rằng đó là một sự cao ngạo coi mình ngang hàng như Đức Phật, trong khi đó việc làm ăn của gia đình ông cũng đang nằm trong tầm ngắm của pháp luật. Một ví dụ khác: Có những vị cán bộ cấp cao trong giới lãnh đạo, bên ngoài họ mang bộ mặt thanh liêm, chuẩn mực, những người này vẫn cao giọng về sự đạo đức về thanh liêm của mình với cấp dưới, thế nhưng đàng sau đó ông có những khối tài sản quá lớn, có những phi vụ lót tay cả hàng triệu đôla…

Thói đạo đức giả, sống hình thức phô trương là một cám dỗ thường xuyên của mọi người, mọi giới, từ người bình dân đến người lãnh đạo, từ người tu hành đến giáo dân, nếu chúng ta không thường xuyên nhìn lại mình, xé bỏ cái vỏ bên ngoài để sống thật lòng với Chúa và với anh em, chúng ta củng sẽ rơi vào lối đạo hình thức đó.

Thưa quý OBACE mỗi năm Mùa Chay trở về, chúng ta lại nghe Lời Chúa thiết tha mời gọi trong bài đọc một: Hãy sám hối, hãy trở về với Chúa trong chay tịnh khóc lóc và than van, hãy xé lòng chứ đừng xé áo, để được ơn tha thứ, để được sống thân tình với Chúa. Lời mời gọi này là lời mới gọi phát xuất từ tấm lòng của một vị Thiên Chúa là Cha, Ngài luôn yêu thương, dù cho tội lỗi loài người đã ngập tràn, nhưng Thiên Chúa đã không hủy diệt con người, mà Ngài cho con người có cơ hội để làm lại cuộc đời, thay đổi lối sống. Nhưng Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ bày tỏ sự sám hối bên ngoài, mà Ngài muốn chúng ta phải chấp nhận một sự thay đổi triệt để và quyết liệt từ bên trong để làm mới lại cuộc sống của mình, làm hòa với Chúa và với anh em.

Nhận nắm tro rắc trên đầu là một cử chỉ khiêm nhường sám hối, giúp mỗi người nhìn nhận thân phận con người của mình chỉ là bụi đất, giới hạn, là thụ tạo lệ thuộc vào Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc đích thực và trường tồn mà thôi. Khi nhận tro trên đầu Giáo Hội lặp lại lời mời gọi của Chúa: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Với lời mời gọi này Chúa muốn chúng ta phải thực hiện hai việc song song đó là sám hốitin vào Tin Mừng, vì chúng ta không sám hối chỉ để than thân trách phận hay hối hận về quá khứ, mà là chấp nhận một sự thay đổi, từ suy nghĩ đến lời nói và hành động, giã từ quá khứ dĩ vãng, như con sâu lột bỏ cái vỏ cũ kỹ ghê sợ, để trở nên một con bướm đẹp, như cây mai cây đào chịu sự cắt tỉa đau đớn để đem đến một mùa hoa đón chào xuân mới. Tin vào Tin Mừng là tin vào Đức Giêsu, vì chính Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ duy nhất, là Tin Mừng cho nhân loại. Tin vào Tin Mừng là đón nhận và thực hành những gì Đức Giêsu truyền dạy là thực hiện giới răn lề luật của Ngài là để cho Ngài làm chủ, hướng dẫn và chi phối cuộc đời mình. Hai việc làm này phải là hai việc được thực hiện liên tục trong đời sống của người tín hữu.

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta những việc làm để thể hiện lòng sám hối đó là cầu nguyện, chay tịnh và bố thí. Người đời khi làm biệc bố thí thì muốn cho mọi người biết đến, muốn lập nhiều thành tích, đánh bóng tên tuổi, muốn khoe sự giàu có và lòng quảng đại, để mọi người khen thưởng ca tụng. Thế nhưng Thiên Chúa lại không muốn cách bố thí đó, nhưng Ngài muốn: Khi bố thí đứng khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả cốt để người ta khen. Thày bảo các con khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Như vậy Chúa muốn người môn đệ làm việc bố thí không phài như kẻ phân phát của dư thừa, mà là chia sẻ với những người túng thiếu cả những cái mình đang cần, và bố thì không vì lòng thương hại, nhưng vì nhận ra những người nghèo là hình ảnh của Chúa và họ cũng là con cái của Thiên Chúa.

Việc thứ hai để thể hiện sự sám hối là chay tịnh. Việc chay tịnh mà Chúa muốn không phải là những hình thức bên ngoài hoặc gương mặt ủ dột, mà trái lại chay tịnh là để kiềm chế làm chủ con người và những ham muốn đòi hỏi của xác thịt. Vì thế, việc chay tịnh không chỉ là việc ăn cái gì, ăn no hay ăn đói, nhưng là sự thanh thoát, giúp con người không bị ràng buộc bởi những đam mê ăn uống, dục vọng, hưởng thụ thỏa mãn. Khác với việc ăn chay của các tôn giáo khác, họ ăn chay để tránh rơi vào kiếp luân hồi, còn chay tịnh theo Kitô giáo là sống thanh thoát, là diệt trừ những tính hư tật xấu, diệt trừ những gian tham và những cám dỗ của dục vọng xác thịt, làm chủ bản thân, thể hiện đúng tư cách là một con người tự do, là con Thiên Chúa. Ngày chay không phải là ngày tìm mua con cá to nhất chợ, cũng không phải là cất tiền để làm giàu, nhưng là một sư hy sinh dành bớt phần chi tiêu trong ngày để chia sẻ với những anh em túng thiếu. Đó mới là cách chay tịnh Chúa muốn.

Cũng thế, việc cầu nguyện chính là những lúc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, như cha con, bạn bè gặp gỡ chuyện trò với nhau, tâm sự và lắng nghe nhau. Nhưng người biệt phái lại dùng việc cầu nguyện để phô trương sự đạo đức bản thân, để diễn kịch trước mặt thiên hạ, để tìm kiếm sự kính nể của mọi người. Trái lại Chúa muốn khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại, là tách khỏi sự ồn ào bên ngoài, đi vào chiều sâu tâm hồn để có thể tiếp xúc gặp gỡ riêng tư với Chúa, là để đối diện với Thiên Chúa, đối diện với chính mình, để cho Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn mình.

Thưa quý OBACE, một lần nữa mùa chay lại về, lời mời gọi hãy sám hối sửa đổi lại đời sống và tin vào Tin Mừng lại được gửi đến với mỗi chúng ta, đây có thể là cơ hội cuối cùng Chúa cho chúng ta, chúng ta sẽ đáp lại lời mời gọi này để sống mùa chay như thế nào?

Đừng ngần ngại cũng đừng mặc cảm, tôi tội lỗi thế này Thiên Chúa có tha cho tôi không, mà hãy lăn xả vào lòng thương xót của chúa để quyết tâm điều chỉnh lại cuộc sống, làm hòa với Chúa và với anh em. Hãy xem lại tương quan của mỗi người với Chúa, vì thực tế, nhiều người chỉ còn một chút có đạo vào ngày Chúa nhật mà thôi, còn ngoài ra không mấy khi họ nhớ đến Chúa, không cầu nguyện, không đọc kinh, không lãnh bị tích…, đó là một lối sống đạo khô cằn, đối phó hoặc là lừa dối lương tâm.

Hãy làm mới lại tưng quan trong gia đình với vợ chồng con cái, vì nhiều người đã để gia đình mình mất sức sống thiếu niềm vui và thiếu hạnh phúc, nhiều gia đình đã mất thói quen cầu nguyện, các thành viên sống trong một mái nhà mà như người xa lạ, không nói chuyện, không hiểu nhau, không thông cảm cho nhau. Hãy có gắng để bước đến với nhau, cầm lấy tay nhau và hãy dành cho nhau nhiều thời giờ, nhiều tình yêu thương và sự quan tâm hơn nữa.

Các bạn trẻ là những người con, cũng cần phải làm mới lại tương quan của mình với Chúa với gia đình và bạn bè. Đừng tự cho rằng, mình có thể làm được mọi sự mà không cần Thiên Chúa. Nghĩ như thế là hết sức sai lầm, vì không có Thiên Chúa tuổi trẻ của các bạn sẽ trở nên trống rỗng và mất ý nghĩa. Đừng quên gia đình chính là chỗ dựa là nơi an toàn cho các bạn, vì thế đừng quên vun đắp và làm hết sức góp phần làm cho gia đình các bạn có được nhiều niềm vui và tiếng cười, là vơi đi sự nhọc nhằn của mẹ cha. Đối với bạn bè, hãy đến với nhau bằng sự trân trọng và chân thành, bỏ đi những bất đồng bất hòa để có những mối tương quan bạn bè tốt đẹp, và còn phải thể hiện mình là những người Công Giáo, những người tin Chúa và là những người đáng tin.

Mỗi người hãy tân dụng mùa chay này để điểu chỉnh lại công việc, cách sống, gỡ bỏ những gì còn bận vướng trong tâm hồn, những việc làm bất công, cách cư xử thiếu bác ái, và biến mình trở nên dễ thương dễ mến trước mặt mọi người và nhất là nhờ sự thanh tẩy của Bí tích Giải tội, và những việc hy sinh, giúp tâm hồn chúng ta nên xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa. Amen

Lm. Đỗ Đức Trí

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

THỨ TƯ LỄ TRO ABC

Ge 2,12-18 ; 2Cr 5,20-6,2 ; Mt 6,1-6,16-18

PHẢI LÀM VIỆC LÀNH TRONG KHIÊM HẠ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 6,1-6,16-18

(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi trình bày về sự công chính mới trong việc tuân giữ các giới răn, Đức Giê-su đề cập tới việc canh tân các việc lành thế nào cho phù hợp với tinh thần mới của Người. Theo Đức Giê-su điều cốt yếu khi làm các việc đạo đức là phảilàm theo tinh thần khiêm tốn và vâng phục thánh ý Chúa Cha: Tránh làm các việc đạo đức hình thức theo người biệt phái như khua chiêng đánh trống khi bố thí để được người ta khen, cầu nguyện ngay giữa chốn đông người để cho người ta thấy, làm bộ mặt rầu rĩ thiểu não khi ăn chay để được người ta nể phục.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng. Chớ có phô trương cho thiên hạ thấy: Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Người phải tránh thói đạo đức giả hình của các người Pha-ri-sêu (Biệt phái), là những kẻ “nói mà không làm”, “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (x Mt 23,3.5). + Bố thí: Thời Đức Giê-su, bố thí được coi là việc công chính bậc nhất (x Hc 7,10). Hình như người ta ưa làm việc bố thí công khai, nên dễ đưa tới thái độ phô trương bề ngoài để được nhiều người ca tụng. + Đừng có khua chiêng đánh trống: Rất có thể những người Pha-ri-sêu thời Đức Giê-su dùng chiêng trống để thông báo cho những người ăn xin tập trung đến nhận quà. Tuy nhiên, không thấy bản văn nào nói đến việc này. Do đó, ta có thể coi đây chỉ là một kiểu nói phóng đại để làm nhấn mạnh tinh thần khiêm tốn, mà Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải có khi làm các việc đạo đức. + Chúng đã được phần thưởng rồi: Lời khen của người đời đã là phần thưởng cho những kẻ làm việc bố thí để tìm hư danh, nên họ sẽ không được hưởng phúc thiêng liêng trước mặt Chúa Cha trên trời.

- C 3-4: + Đừng “cho tay trái biết việc tay phải làm”: Là một kiểu nói có nghĩa là phải giữ kín không nói ra cho người khác biết việc lành mình đang làm.

- C 5-6: + Cầu nguyện: Chính Đức Giê-su đã nêu gương và dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (x. Mt 14,23). Theo các huấn thị của Người rải rác trong các Tin Mừng thì cách cầu nguyện đúng đắn phải mang những đặc tính sau: Phải cầu nguyện cách khiêm tốn trước Thiên Chúa (x Lc 18,10-14) và người đời (x Mt 6,5-6); Lời cầu phải chân thành, phát xuất tự đáy lòng (x Mt 6,7); Phải tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa Cha (x Mt 6,8; 7,7-11) và kiên trì nài xin (x Lc 11,5-8; 18,1-8). Lời cầu nguyện chỉ được Thiên Chúa chấp nhận nếu cầu xin với lòng tin (x Mt 21,22); Phải cầu nguyện nhân danh Đức Giê-su (x. Mt 18,19-20); và phải tin chắc Chúa sẽ thương ban điều tốt cho mình (x Mt 7,11). + Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy: Ở đây Đức Giê-su không đả kích việc cầu nguyện công khai và mang tính cộng đồng (x Mt 18,19-20), nhưng Người chỉ muốn môn đệ tránh cầu nguyện với ý muốn phô trương công đức để được ca tụng. + Hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha của anh: Đức Giê-su gợi lại cách thức cầu nguyện của ngôn sứ Ê-li-a khi ông cầu xin cho một đứa bé mới chết được sống lại (x 2 V 4,33). Cách thức cầu nguyện kín đáo này trái với lối phô trương của những người biệt phái. Cầu nguyện là sự gặp gỡ Thiên Chúa. “Vào phòng” là sự hồi tâm, đặt mình trước mặt Thiên Chúa nhờ đức tin. Thiếu điều này sẽ không còn là sự cầu nguyện đích thực nữa.

- C 16-18: + Ăn chay: Đã từ rất lâu, dân Ít-ra-en có tục lệ ăn chay mỗi khi có tang chế (x 2 Sm 3,35) và khi cầu xin Chúa ban ơn đặc biệt (2 Sm 12,16). Ăn chay theo luật Mô-sê là nhịn ăn uống trong thời gian 12 giờ ban ngày. Trong thời gian ăn chay, người ta sẽ không tắm rửa, để râu tóc mọc dài, và phải mặc một loại quần áo vải thô đặc biệt. Thời Đức Giê-su, dân Do Thái chỉ buộc phải ăn chay trong lễ Xá Tội nhằm ngày mùng mười tháng Bảy lịch Do thái, tức khoảng cuối tháng Chín dương lịch (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9), trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá và những khi gặp phải thiên tai. Khi ấy việc ăn chay sẽ do các đầu mục Do thái quyết định. Riêng người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12), nhưng việc chay tịnh của họ mang tính hình thức nhằm để phô trương (x Mc 2,18), nên Đức Giê-su không chấp nhận sự khổ chế này của họ (x Mc 2,19-20). + Còn anh, khi ăn chay…: Đức Giê-su muốn môn đệ của Người phải ăn chay trong sự kín đáo và khiêm tốn: thay vì rắc tro lên mặt, để râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn… thì họ cứ việc rửa mặt, chải dầu thơm giống như thường làm khi phải đi ra đường, mục đích để cho người khác không biết họ đang ăn chay.

4. HỎI ĐÁP:

- HỎI 1) : Khi Đức Giê-su nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (c. 4b.6b.18b), phải chăng Người muốn cổ võ một thứ luân lý vụ lợi: “Cho đi để được nhận lại” ?

- ĐÁP:

Thực ra không phải vậy. Vì nếu có ý khích lệ người ta làm việc thiện để được lợi cho mình, thì Đức Giê-su đã hứa ban những lợi ích thuộc về trần gian như tiền của, sức khỏe, sự thành công… Nhưng ở đây Người không cho biết phần thưởng của Chúa Cha sẽ ban là gì. Nơi nhiều đoạn khác, phần thưởng được hứa hầu như luôn là Nước Trời đời sau hoặc hoa trái thiêng liêng của Nước Trời là sự sống muôn đời (x. Mt 25,46; Mc 10,30). Các môn đệ sẽ được tham dự vào quyền làm chủ vũ trụ của Người (x. Lc 22,28-29), được xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en trong ngày tận thế (x. Mt 19,28). Ở đây, phần thưởng Đức Giê-su hứa cho những kẻ làm việc lành phải được hiểu theo nghĩa Cánh Chung, và mang tính vô thường, nghĩa là: được Chúa ban không vì việc làm đó đáng thưởng, nhưng chỉ vì tình thương và lòng nhân hậu vô biên của Người (Dụ ngôn đầy tớ vô dụng: Lc 17,7-10). Hơn nữa, phần thưởng ở đây còn được hiểu là chính Thiên Chúa. Những ai làm việc thiện trước mặt Thiên Chúa, với ý hướng muốn làm đẹp lòng Ngài và để tôn vinh Ngài, thì sẽ được gặp Ngài, được xem thấy Ngài và sẽ tìm thấy hạnh phúc cho bản thân sau này.

- HỎI 2): Việc ăn chay muốn đẹp lòng Thiên Chúa xứng đáng nhận được nhiều ơn lành của Ngài, người môn đệ ăn chay như thế nào ?

- ĐÁP:

Muốn cho việc ăn chay có giá trị trước mặt Thiên Chúa, thì cần tránh cách ăn chay hình thức đã từng bị Đức Chúa quở trách, và phải kèm theo những việc tốt xứng đáng được Đức Chúa chấp nhận, như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Chúa như sau: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn…”. Nào, cách ăn chay mà Đức Chúa ưa thích chẳng phải thế này đó sao: “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm… Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ ngươi kêu lên Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây!” (Is 58,6b-9a).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3).

2. CÂU CHUYỆN: CHỖ NÀO TRONG NHÀ THỜ LOÀI CHUỘT ÍT BỊ QUẤY RẦY NHẤT

Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ ở miền quê nước Pháp. Một hôm khi đi lang thang trong nhà thờ kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn. Hai con chuột làm quen và hỏi thăm về chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự: “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ !”. Nghe vậy, chuột thứ hai tỏ ra thông cảm với bạn liền nói: “Vậy thì bạn hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị quấy rầy !” Chuột thứ nhất ngạc nhiên nói: “Có một chỗ ở như thế trong nhà thờ thật ư ? Hãy cho tớ biết chỗ đó là chỗ nào vậy ?”. Chuột thứ hai đáp: “Đó là thùng quyên góp giúp đỡ người nghèo ở cuối nhà thờ này đấy !”.

3. SUY NIỆM:

1) Việc ăn chay cầu nguyện mang lại những ích lợi nào trong đời sống đức tin:

 - Một là ăn chay là một cách thế tỏ lòng sám hối giúp tránh được sự trừng phạt của Thiên Chúa. Ni-ni-vê là một thành phố tội lỗi lẽ ra đã bị Thiên Chúa tiêu diệt do tội qua nhiều. Nhưng khi nghe được lời ngôn sứ Gio-na rao giảng, dân thành đã cùng nhau ăn chay hãm mình để bày tỏ lòng sám hối nên cuối cùng đã được Thiên Chúa tha tội và Người đã bỏ ý định trừng phạt cả thành (x. Gn 3,1-10).

 - Hai là ăn chaykết hợp với cầu nguyện sẽ mang lại sức mạnh để xua trừ ma quỷ và tội lỗi. Khi ăn chay là chúng ta thực tập làm chủ sự thèm ăn của bản thân, nên cũng sẽ làm chủ được tính xác thịt. Ăn chay còn giúp chúng ta đón nhận được nhiều ơn Chúa để xua trừ ma quỷ như Đức Giê-su đã cho các môn đệ biết lý do các ông không trừ được ma quỷ như sau: “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17,21). Chính Đức Giê-su đã nêu gương ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày trước khi đi loan báo Tin Mừng để dạy các môn đệ rằng: khi làm một công việc về đức tin mà muốn đạt kết quả, chúng ta cần phải ăn chay cầu nguyện để được Chúa ban ơn trợ giúp mới hy vọng được thành công.

            - Ba là ăn chay phải gắn liền với việc thực thi công bình bác ái mới đẹp lòng Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Ngài. Do đó chúng ta cần phải gắn bó sự ăn chay với việc bác ái chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, hoặc góp phần vào các công trình phúc lợi xã hội hay việc xây dựng Hội thánh.

2) Phải ăn chay thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa?

Cốt yếu của việc ăn chay không phải là sự nhịn ăn, nhưng là tâm tình thống hối tội lỗi và quyết tâm quay về làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân, muốn được thêm ơn sủng của Thiên Chúa… Nếu không có những tâm tình ấy, việc ăn chay sẽ chỉ là một hình thức và không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tuyên sấm như sau: “Chúng có ăn chay, cầu khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe tiếng; có dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng chẳng tỏ lòng xót thương” (Gr 14,12).

Ăn chay cũng là một việc làm nội tâm và không cần cho người khác biết. Ngôn sứ Giô-en đã tuyên sấm lời Đức Chua như sau: “Ðừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Ge 2,13). Ðiều quan trọng là phải trở về với Thiên Chúa hơn là chay tịnh bề ngoài cho người ta thấy. Về phần Ngôn sứ I-sai-a, ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng của việc ăn chay phải đi đôi với sự thuẹc thi công bình bác ái như sau: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn… Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Ðức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? (Is 58,3-7).

3) Chúng tôi phải làm gì ?:

- Như vậy phải chăng chúng ta không cần phải ăn chay mà chỉ cần đối xử tốt với nhau, thực hiện công lý và bác ái thôi hay sao? Thực ra Chúa muốn chúng ta “các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ”  (Mt 23,23). Hình thức và nội dung phải đi đôi với nhau. Vì thế, khi ăn chay, chúng ta vừa nhịn ăn hoặc ăn ít để thực hiện khổ chế về hình thức, nhung cũng phải kèm theo nội dung là sự thực thi công bình bác ái nữa.

- Một việc đạo đức chúng ta cần thực hiện trong Mùa Chay là sự bố thí, quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất cho những người nghèo đói đang cần sự trợ giúp của chúng ta. Thánh Phao-lô đã khuyên các kỳ mục ở Ê-phê-xô: “Và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Thánh Gia-cô-bê cũng dạy các tín hữu phải thể hiện đức tin bằng hành động bác ái như sau: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì ?” (Gc 2,15-16).

- Việc bố thí chia sẻ giúp chúng ta ý thức giá trị tương đối của đồng tiền, biết dùng đồng tiền để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi anh em, giúp chúng ta bớt đi lòng dính bén với những của cải vật chất đời này như Đức Giê-su đã khuyên chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành như sau: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà chia cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).

- Cuối cùng Bố thí còn là cách đền tội hữu hiệu trong Mùa Chay này. Sứ thần Ra-pha-en đã khuyên cha con nhà Tô-bi-a thực hành sự bố thí như sau: “Bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công. Làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí sẽ được sống lâu” (Tb 12,8-9).

4. HỎI ĐÁP

HỎI: Trong Mùa Chay, ngoài những việc đạo đức thường lệ, ta nên làm thêm các việc đạo đức nào khác phù hợp tinh thần chay tịnh? 2) Hiện nay ta cần xét xem mình đang có mối tội đầu (thói hư tật xấu) nào và ta phải làm gì để tu sửa?

ĐÁP:

1) Việc đạo đức: Dự lễ và rước lễ hằng ngày, mỗi ngày cố gắng làm vài ba việc hãm mình hay việc bác ái để đền tội, quyết tâm tu sửa một thói hư như: Chửi thề tục tĩu, lười biếng đọc kinh tối gia đình, trốn trách nhiệm khi không đưa tiền về góp phần chi tiêu trong gia đình…

2) Hãy tập làm các việc tốt đối lập với thói hư, kèm theo một lời nguyệt tắt như: “Lạy Chúa Giê-su. Trong Mùa Chay này, xin giúp con quyết tâm chừa bỏ thói hay nói xấu kẻ con không thích, bằng cách mỗi ngày tìm ra một điểm tốt của họ và kể ra để khen họ với người thứ ba. Nhờ đó hy vọng con sẽ ngày một nên hoàn thiện giống nhú Chúa Cha trên trời nhiều hơn”.

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cùng với toàn thể Hội Thánh, con bước vào Mùa Chay. Con xin tạ ơn Chúa đã cho con có được một thời gian thuận tiện để duyệt xét lại cuộc đời của con, hầu phát huy những điều tốt và chấn chỉnh những sai lỗi thiếu sót nơi bản thân con. Xin chiếu dọi ánh sáng Lời Chúa để con nhận ra con người thật với những yếu hèn của con. Nhất là xin đổ Thần Khí của Chúa để nâng đỡ con. Chỉ nhờ ơn Chúa giúp con mới có thể mau mắn trỗi dậy trở về giao hòa với Chúa và ngày một trở nên con người mới theo ý Chúa muốn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH -  HHTM

 

SÁM HỐI VÀ GIAO HÒA

(Yo 2,12-18; 2C 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18)

Lời Mở Ðầu

Sau những ngày vui đầy ánh sáng và âm nhạc của lễ Giáng sinh, chu kỳ phụng vụ dẫn ta vào mùa Chay để chuẩn bị cử hành long trọng mầu nhiệm Vượt qua, gồm cái chết trên Thập giá và cuộc Phục sinh vinh quang của Chúa Cứu thế. Mầu nhiệm ấy, chúng ta cử hành mỗi ngày trong thánh lễ. Nhưng 40 ngày mùa Chay và 7 ngày Tuần thánh là thời gian đặc biệt Giáo hội dùng để giúp ta suy niệm về những khía cạnh huyền nhiệm nhất của cuộc sống, như: thân phận yếu hèn và tội lỗi của con người, sự hoán cải nội tâm, đời sống đền tội, ý nghĩa của thử thách, thân phận nô lệ và giải phóng, giao ước tình yêu và phản bội, đau khổ và hy sinh, cuối cùng là cái chết và Phục sinh như là giải đáp cho vấn đề gây cấn nhất của đời người: sự chết và cái gì bên kia sự chết?

Bởi đó phụng vụ mùa Chay mang một sắc thái khắc khổ, bi thống, vì biểu lộ những thực tại cứng rắn, gai góc nhất của cuộc nhân sinh. Nhưng vì đã nắm chắc giải đáp của đức tin xây dựng trên biến cố Phục sinh, nên phụng vụ mùa Chay cũng chan chứa một niềm vui khải hoàn và chiếu giãi một cái nhìn lạc quan. Vì thế các bài suy niệm mùa Chay phải dựa theo chuyển động hai thì của đoạn thư thánh Phalô gửi giáo đoàn Philipphê (2,6-11) bàn về mầu nhiệm Chúa Kitô: đi xuống đáy sâu của khốn khổ và hư vô để từ đó vươn lên đỉnh cao của vinh quang và sức sống. Chiều hướng suy niệm khởi sự từ các tương quan giữa con người và Thiên Chúa theo cách trình bày của Thánh Kinh và cách sắp xếp của Phụng vụ, để từ đó rút tỉa ra những ánh sáng soi dẫn cho thái độ sống hôm nay của Giáo hội, từ linh mục cho đến giáo dân.

Cũng như các tập suy niệm mùa Vọng và lễ Giáng sinh, các tập suy niệm mùa Chay và lễ Phục sinh này nhằm gửi đến anh em linh mục trước tiên, và để cho mỗi người tùy nghi chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa.

Các tập suy niệm mùa Chay và lễ Phục sinh năm nay sẽ gồm 10 chủ đề:

Lễ Tro: Sám hối và Giao hòa

Chúa nhật I: Chọn theo Chúa là đón nhận Giao ước

Chúa nhật II: Cái chết, con đường đưa tới sự sống

Chúa nhật III: Những đền thờ

Chúa nhật IV: Giờ của Chúa Yêsu

Lễ Lá: Chúa đến

Lễ Chúa lập phép Thánh Thể: Bữa tiệc giao ước

Khổ nạn: Tình yêu mạnh hơn cái chết

Phục sinh: Người đã sống lại vì ta

Suy niệm:

Mùa Chay thánh mở đầu bằng lễ Tro, một biểu tượng mang đầy ý nghĩa. Các bài đọc sách thánh chu kỳ B (Yo 2,12-18; 2C 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18), kêu gọi chúng ta hoán cải tâm hồn: trong tương quan nội tâm với Thiên Chúa và tương quan xã hội với loài người. 

1. Nhưng Vì Sao Có Nghi Lễ Xức Tro?

Trong lúc phẩm giá con người được đề cao: con người đầy sức sáng tạo, con người làm chủ trái đất và vận mệnh mình... thì tại sao người ta lại bôi tro lên trán tôi và nói với tôi: "Hãy nhớ rằng: ngươi là bụi tro và sẽ trở về bụi tro" (Kn 3,19)?

Ðó chính là lời Thánh Kinh mà Giáo hội có phận sự công bố. Nhìn con người một cách toàn diện nơi nguồn gốc, trong bản chất sâu xa và tại điểm chung kết của nó, Thánh Kinh cho ta câu giải đáp về quá khứ, hiện tại và tương lai của ta. Những trang đầu sách Khởi nguyên cho ta biết con người bởi đâu mà ra. - Bởi lời sáng tạo - đầy quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải ngẫu nhiên mà có. Theo ngôn ngữ tượng trưng của Thánh Kinh, bụi đất Thiên Chúa dùng để nặn nên thân xác con người, biểu hiện cho thân phận yếu hèn, mỏng dòn và giới hạn của nhân loại. Con người xuất hiện giữa vũ trụ do một hồng ân: tôi không tự tạo ra tôi nhưng tôi đã được tạo thành. Sự sống cũng là một ân huệ tôi đón nhận để vun trồng, phát triển, để làm vinh danh Chúa tôi, và như thế tôi cũng dự phần vinh hạnh. Phẩm giá con người hệ tại chỗ: khi được dựng nên, nó cũng nhận được khả năng sáng tạo tiềm tàng trong mình nó. Và ý Chúa muốn rằng: ai nhận được vốn là phải sinh lợi, làm lợi cho xã hội loài người và cho Nước Trời. Chính khả năng sáng tạo, làm chủ và phục vụ trong tinh thần liên đới cộng đoàn như thế là hình ảnh Thiên Chúa trong ta, làm cho ta nên giống Người. Ta giống Chúa, nhưng không phải là Chúa, vì chỉ mình Người là Ðấng Toàn Năng, có quyền tuyệt đối trên sự sống, sự chết. Còn ta chỉ là thụ tạo và đời đời có giới hạn.

Nghi lễ xức tro nhắc ta nhớ lại chân lý ấy.

2. Tội, Ăn Năn Tội Và Ðền Tội

Mỗi người khi tự nguyện chịu xức tro, không những thú nhận mình lệ thuộc vào Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, mà còn biểu thị tâm tình hoán cải, vì ý thức rằng mình đã phản bội, đã hèn nhát, đã phạm tội. Tội lỗi là một thực tế thuộc kinh nghiệm sống của mỗi người. Ai tự cho mình là vô tội là tự dối bản thân (1Yn 1,8) vì mỗi người đều đầy dẫy ích kỷ và ham muốn. Ðó là những tội phạm đến con người và phạm đến Thiên Chúa. Vì tội phát xuất tự lòng người, nên tiên tri Yôel kêu gọi chúng ta: "Hãy xé lòng, đừng xé áo" (2,13), hãy phản đối lại chính cái tà tâm trong ta bằng tâm tình sám hối, hoán cải, nghĩa là thay đổi kiểu nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn bên trong và hành động bên ngoài, cho phù hợp với những đòi hỏi thánh thiện của Giao ước tình yêu do Thiên Chúa ban cho dân Người.

Chúng ta là dân Thiên Chúa, là một cộng đoàn, trong đó có các thành phần liên đới với nhau trong điều phúc cũng như sự tội. Hoán cải phải xảy ra trong thâm tâm mỗi người. Nhưng mỗi thành phần dân Chúa phải chứng tỏ sự quyết tâm đổi đời bằng những hành vi cụ thể bên ngoài như ăn chay, hãm mình và từ bỏ, vì con người có một thể xác và sống trong tương quan xã hội.

Tội lỗi còn tạo ra sự chia rẽ, xa cách: con người không còn hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn gốc sự sống và tình yêu nữa, và như thế con người như bị dìm vào trong tình trạng buồn thảm của sự chết. Vẻ tang chế mà tiên tri Yôel muốn trùm lên các tội nhân biểu lộ tình trạng bi đát ấy, và tự nó, tình trạng đó đòi phải được cất đi và thay thế bằng niềm vui của sự giải hòa, nối lại Giao ước tình yêu.

Quả thật quan hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa là quan hệ của những người con với Cha mình. Người là người Cha nhân lành, lưu tâm đến từng tâm hồn con cái. Người nhìn vào đáy lòng ta và thấy tất cả trong âm thầm kín đáo (Mt 6,1-6.16-18). Những lời cầu nguyện chân thật nhất và đẹp lòng Người nhất là do thôi thúc của Chúa Thánh Thần, Thần Trí của Chúa Kitô, mà Chúa Cha gửi vào lòng ta, làm cho ta có thể kêu lên: "Abba, lạy Cha yêu dấu" (Yn 4,6; Rm 8,15). Tâm tình cầu nguyện phát xuất từ trong thâm cung của tâm hồn như một căn phòng kín đáo và yên tĩnh, như một nơi vắng lặng mà chính Chúa Kitô thích tìm đến để tâm sự với Cha mình. Mọi hành động thiện hảo khác cũng do Thần Trí của Chúa Kitô tác động trong tâm hồn ta mà sinh thành (Yn 5,22-26). Ðúng như lời Chúa Kitô đã nói: "Không có Ta các ngươi không làm được gì"; và Chúa Cha ưa thích những người thờ phượng Ngài trong Thần Trí và Sự Thật - Thần Trí của Chúa Kitô và của ta - và từ đó chiếu giãi ra trong hành động xã hội, và nhờ đó Sự Thật sẽ giải phóng loài người.

Chính Chúa Kitô muốn rằng ta phải chia sẻ của cải với anh em đồng loại. Bát cơm, manh áo hay ly nước lã ta trao cho người nghèo là như thể trao vào tay Chúa Kitô (Mt 25,35). Sự hãm mình, ăn chay và kiêng thịt chắc chắn mang ý nghĩa đền tội, kiềm chế dục vọng và tham dự vào mầu nhiệm thương khó của Chúa Cứu thế, nhưng nhất thiết phải kết thúc bằng hành động chia sẻ. Truyền thống xa xưa trong Kinh Thánh cũng như trong lịch sử Giáo Hội đều hiểu thế. Sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh chia sẻ. Thế nên, mùa Chay năm nay, trong hiện tình kinh tế của đất nước và đồng bào, Chúa đang kêu gọi chúng ta làm những hành vi cụ thể để xoa dịu đau khổ của Người trong những người anh em. Vì chúng ta thực sự gặp Chúa trong anh em. 

3. Tác Vụ Giải Hòa

Chúng ta làm môi giới cho nhau để gặp Chúa. Thánh Phaolô (2C 5,20-6,2) đặc biệt nói tới vai trò của linh mục là những cộng sự viên, đại diện của Chúa Cứu thế. Linh mục tham dự cách chính thức vào chức vụ môi giới của Ðấng đã giải hòa loài người với Chúa Cha trong mầu nhiệm chết và sống lại. Linh mục nhân danh Ðức Kitô kêu gọi, khuyên lơn loài người trở lại với Thiên Chúa. Cao quý và hệ trọng biết bao: lời giải tội và bàn tay vẽ dấu Thánh giá trên hối nhân! Qua hành vi của một tôi tớ phàm hèn, chính Thiên Chúa Ba Ngôi tha tội và ban sự bình an cho lương tâm hối nhân. Bí tích Cáo giải là nơi gặp gỡ giữa hai mầu nhiệm trọng đại: mầu nhiệm tình yêu thứ tha và mầu nhiệm tình yêu thống hối. Lòng thống hối đích thực và trọn hảo phát xuất từ tình yêu. Ðó là tiếng kêu của đứa con hoang đàng hướng lòng về Cha mình từ nơi xa xôi: "Lạy Cha, con đã làm phiền lòng Cha..." (Lc 15,21). Tình yêu có một sức mạnh bất khả kháng. Tình yêu trong lòng người con thôi thúc nó lên đường trở về. Tình yêu trong lòng người Cha thu hút, lôi kéo đứa con vào lòng mình để tha thứ và ban đầy hồng ân dư dật. Lời nói của linh mục phải giống như lời nói của Chúa Kitô: bắc nhịp cầu cho tình yêu tha thứ của Chúa Cha và tình yêu thống hối của tội nhân gặp nhau trong sự giải hòa, đem lại bình an và niềm vui của Chúa Thánh Thần cho mọi tâm hồn. Ðó quả là một tác vụ thánh. Chẳng những bí tích cáo giải là phương tiện thánh hóa con người, mà sâu xa hơn nữa: bí tích ấy chạm tới đáy lòng Thiên Chúa và tâm hồn hối nhân trong thực tại thánh thiện nhất là tình yêu. Tác vụ thánh đưa linh mục vào trong thâm tâm của tâm hồn Thiên Chúa và tâm hồn loài người. Ðiều đó đòi phải có sự tín nhiệm tuyệt đối từ phía Thiên Chúa và loài người và lòng khiêm cung kính cẩn từ phía linh mục đối với mầu nhiệm.

Nhìn ở bề sâu như thế, ta hiểu được vì sao tác vụ thánh có ưu thế trên cả mạng sống, và chu toàn tác vụ thánh là một bổn phận hệ trọng của linh mục, đầy tớ của Thiên Chúa và của loài người. Chính việc chu toàn tác vụ thánh ấy sẽ thánh hóa thừa tác viên.

4. Người Trở Thành Tội Vì Ta

"Ðức Kitô không hề biết đến tội, nhưng Thiên Chúa Cha đã làm cho Người trở thành tội vì ta" (2C 5,21).

Chúa Kitô không có tội theo nghĩa chủ động, luân lý; nhưng Người đã gánh chịu hậu quả của tội, nghĩa là gánh chịu sự vô phúc, bất hạnh do tội của ta gây nên. Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn nữa: "Chúa Kitô đã trở nên đồ chúc dữ vì ta" (Ga 3,13), vì như Sách Thánh đã chép: "Kẻ nào bị treo trên cây gỗ thì đã bị chúc dữ" (Tl 21,23). Tội đòi phải có sự đền tội. Chúa Kitô đã tự nguyện chấp nhận trở thành tội, "trong thân phận xác thịt tội lỗi của ta, để đền tội thay cho ta, va Người đã kết án tội ngay nơi thân xác Người" bị treo trên Thập giá (Rm 8,3). Người đã hành động như thế vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến ta. Tình yêu ngược đời ấy có sức đảo ngược lại tình thế: Người tái lập được sự công chính (Rm 8,4; 2C 5,21), nhận lại được phúc lành cho ta và làm sống lại sự sống thiêng liêng bởi Thánh Linh trong ta (Yn 3,14; Rm 8,4).

Một trong những khía cạnh của chức vụ tư tế là chuyển cầu và tế lễ đền tội cho Dân Chúa. Của lễ sống động nhất chính là bản thân người linh mục kết hiệp với mầu nhiệm Thập giá Chúa Kitô: trong lễ tế tạ ơn, trong sự cô quạnh của đời sống độc thân tận hiến, trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, trong việc chu toàn tác vụ thánh và trong thái độ sẵn sàng trở thành tội nợ vì Dân Chúa và thí mạng sống cho đoàn chiên, như Thầy Chí Thánh đã làm.

Giảng Lễ

Thánh lễ hôm nay rất đặc biệt. Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa, để biết đánh giá đúng mức phụng vụ mà chúng ta đang cử hành, hầu lãnh nhận được ơn Thánh Chúa muốn trao ban cho ta trong thánh lễ này.

Trước hết, bài sách Yôel gợi lên cho ta cả một bầu khí trang trọng ở trong lịch sử Dân Chúa. Con cái Israel bấy giờ đang lầm than khổ sở. Họ hao mòn kiệt sức. Họ bất lực, không thể tự chỗi dậy. Chúa sai tiên tri Yôel đến, bảo họ hãy thống hối ăn năn; hãy trở về với Chúa; hãy xin Ngài tha thứ và cứu độ. Ðó là đường lối duy nhất để được cứu vãn. Thế nên, từ già đến trẻ, từ tư tế đến thứ dân, từ cô dâu mới cưới đến người góa phụ khổ sở, toàn dân, cả nước hãy tuyên bố mở mùa chay tịnh, ăn năn thống hối các lỗi lầm để được giải thoát và cứu độ.

Hôm nay, Giáo hội cũng muốn mượn lời tiên tri trên để khai mạc mùa Chay Thánh. Giáo hội muốn các linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân, từ hôm nay, hãy chấp nhận một nếp sống chay tịnh. Không phải vì Giáo hội đang ở trong một tình cảnh khổ sở đặc biệt nào, nhưng vì lễ Phục Sinh sắp tới. Giáo hội nhớ: nếu muốn được sống lại với Ðức Kitô, người ta phải chấp nhận đi vào con đường thánh giá của Người. Và con đường thánh giá này, Người đã đi không phải vì tội lỗi riêng nào của Người, nhưng chỉ vì để cứu nhân loại khỏi cảnh lầm than do tội lỗi gây nên, hầu đi tới vinh quang hạnh phúc bất diệt. Vậy hôm nay, Giáo hội tuyên bố mùa Chay Thánh, là Giáo hội nhớ tới trách nhiệm của mình đối với toàn thể nhân loại. Thánh Tông đồ viết: "Toàn thể tạo vật đang rên siết, chờ đợi ngày con cái Chúa xuất hiện". Tất cả vũ trụ và lịch sử nhân loại hiện nay đang chờ đợi cộng đoàn Dân Chúa sống thánh thiện, để tất cả được thấm nhuần ơn thánh hầu đời sống trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, chấp nhận đi vào mùa Chay Thánh, là tham dự vào ý chí cứu nhân độ thế, vào chương trình cứu độ trần gian, vào đường lối đưa nhân loại đạt tới hạnh phúc chân thật. Thế nên các việc đạo đức trong mùa Chay này không phải chỉ có ý đền bù tội lỗi riêng của mỗi người, nhưng còn phải được hoàn thành trong thiện ý muốn cộng tác vào việc cứu thế của Ðức Kitô, vào trách nhiệm thánh hóa trần gian của Giáo hội.

Phải chăng các việc đạo đức mà Phúc Âm hôm nay đề ra cho chúng ta làm trong mùa Chay này, xem ra không tương xứng với mục đích và lý tưởng của mùa Chay mà chúng ta vừa gợi lên? Bố thí, cầu nguyện, ăn chay, đâu phải là những việc duy nhất và công hiệu hơn cả để thay đổi mặt đất này và làm cho đời sống con người thánh thiện và hạnh phúc hơn? Thong thả, chúng ta còn có cả một mùa Chay Thánh trên dưới 40 ngày để cô đọng lại lịch sử của Dân Chúa trong cuộc hành trình 40 năm tiến vào Ðất Hứa và nhất là để kết hiệp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm chay tịnh 40 đêm ngày trong rừng vắng. Trong 40 ngày sắp tới, Giáo hội sẽ dần dần đề nghị cho ta những công tác đạo đức để tu thân sửa mình đồng thời cũng để "bình thiên hạ", tức là đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Hôm nay chúng ta hãy bằng lòng với 3 công tác mà Phúc Âm đề ra. Ðó là 3 việc đạo đức mà mọi người Dothái tốt lành xưa vẫn làm. Làm được 3 việc ấy, người biệt phái trong Phúc Âm Luca tưởng đã có thể tăng công trước mặt Chúa. Ðức Kitô không phủ nhận những việc ấy. Ngài không đến để xác định những việc nào có giá trị đạo đức một cách máy móc, nghĩa là cứ làm xong là được rồi. Ngài đến để đặt nền tảng cho đời sống đạo chân thật. Ngài tuyên bố ngay trong câu đầu và câu cuối của bài Phúc Âm hôm nay: đừng chỉ giữ đạo trước mặt thế gian, một hãy cố gắng giữ đạo trước mặt Thiên Chúa Cha; đừng chỉ giữ đạo vì thói quen, vì tập quán, một hãy xây dựng lòng đạo đức chân thật ngay từ trong thâm cung lòng mình. Thế nên có lần Ngài lại nói: không phải những kẻ cứ kêu "Lạy Chúa, lạy Chúa" sẽ được vào Nước Trời đâu, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Chúa Cha mới được hạnh phúc đó mà thôi.

Vậy trong mùa Chay Thánh năm nay, chúng ta cũng hãy bắt đầu ý thức muốn sống đạo một cách chân thực. Nghĩa là ta đừng quan niệm đạo đức là đọc kinh, xem lễ vì thói quen nữa, nhưng phải cố gắng nội tâm hóa các việc đạo đức quen làm, tức là đưa các việc đó vào trong tâm hồn, vì có vào trong tâm hồn, các việc ấy mới là các việc đạo đức phát xuất từ tâm hồn chúng ta và mới trở thành các việc đạo đức đẹp lòng Chúa. Người đi lễ trong mùa Chay này hãy để cho các bài Sách Thánh, các bài kinh cầu nguyện, các bài ca phụng vụ, đi vào cho tới tận nơi thâm sâu của tâm hồn, để từ đó các lời thánh thiện kia sẽ ảnh hưởng tới đời sống. Và khi rước lễ rồi cũng vậy, ta hãy để cho Chúa Yêsu nói lên ở trong mình, hướng dẫn cuộc đời ta, làm cho đời sống phù hợp với tâm tình mến Chúa, yêu người ở mọi nơi. Một nếp sống đạo như thế, nhất định sẽ cải thiện cuộc đời của ta, canh tân não trạng và thái độ của mình; và như vậy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt cho xã hội.

Thế nên, thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai viết: "Ðây là thời gian thuận lợi, thời gian để Chúa cứu độ chúng ta". Ta hãy bắt chước con cái Israel ngày trước và toàn dân Chúa ngày xưa, lấy tro rắc trên mình để công bố ý chí đi vào mùa Chay Thánh, mà thống hối canh tân, để đem toàn dân Chúa và nhân loại đi vào con đường tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Lễ nghi làm phép và nhận tro bây giờ có một ý nghĩa sâu xa và quảng đại như thế. Ai tham dự cũng hãy cầu xin cho mình được tinh thần cứu thê của Ðức Kitô, để nhận tro rồi, chúng ta được ơn thánh lễ hỗ trợ, bắt đầu một nếp sống canh tân đời sống, chuyển lịch sử dân Chúa và nhân loại sang một giai đoạn tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Chúng ta hãy sốt sắng đứng lên cử hành nghi thức khai mạc mùa Chay với những tâm tình tốt đẹp ấy. 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_LM ĐAN VINH- HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên A: Gấp trăm, ngược đãi và sự sống. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Chúa Nhật Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên: ĐIỀU KIỆN ĐỂ VÀO NƯỚC TRỜI. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật VIII Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật VIII Thường Niên A: Yêu thương và tin tưởng vào Cha. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy tuần VIII Thường Niên C: TIN NHẬN QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC GIÊSU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Thứ Sáu Tuần VIII Thường Niên Năm C: ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABÉT. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     Thứ Năm Tuần VIII Thường Niên Năm C: ÁNH SÁNG ĐỨC TIN. Lm. Duy Khang
     Lời Chúa thứ tư sau Lễ Chúa Ba Ngôi : VINH QUANG CỦA ĐỨC KITÔ. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Nt. Maria Chinh Anh