Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 9

CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU CHÚA:

LƯƠNG THỰC CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

minhmautchua.jpg

Từ sau vụ cá chết hàng loạt ở Miền Trung vừa qua, người dân Việt Nam dường như quan tâm nhiều hơn đến môi trường, đặc biệt là thực phẩm. Người ta thấy rằng, chính người Việt đang đầu độc người Việt bằng thực phẩm bẩn, không an toàn. Do lợi nhuận che mờ lương tâm, nhiều người đã đưa vào thị trường những thực phẩm tẩm ướp hóa chất độc hại nguy hiểm, như thịt hư thối thành thịt tươi, heo ướp hóa chất biến thành thịt bò, heo bơm nước, hải sản ngâm formol, thủy sản nhiễm độc, rau củ quả bị ngâm hóa chất. Điều này khiến cho người tiêu dùng lo sợ. Những thực phẩm độc hại tẩm hóa chất này là nguyên nhân khiến cho bệnh ung thư ngày càng phát triển và lan rộng. Một vị đại biểu Quốc hội đã phải lên tiếng : Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa trang lại gần như bây giờ. Câu hỏi nhiều người đặt ra lúc này là ăn gì cho an toàn, ăn gì để khỏi bị bệnh và ăn gì để khỏi chết ?

Hôm nay, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta một thứ lương thực an toàn, ai ăn sẽ được sống đời đời, đó là Mình và Máu Chúa Giêsu. Mừng lễ Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi tôn thờ, siêng năng lãnh nhận và học nơi Chúa Giêsu tấm gương của lòng thương xót. Ngài chạnh lòng thương khi thấy con người bơ vơ lạc lõng, đói khổ, Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Hơn nữa, Chúa Giêsu xót thương đến độ ban tặng chính Máu Thịt Ngài làm của ăn, của uống đem lại sự sống cho nhân loại. Lương thực này nuôi sống linh hồn và thân xác con người và là lương thực bảo đảm đem lại sự sống đời đời.

Thánh Luca kể lại : Lúc ấy, Chúa Giêsu nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những người cần được chữa lành. Điều này cho thấy, Chúa Giêsu đang rao giảng về vương quốc tình yêu của Ngài, đó là nước trời, nơi con người được sống trong tình yêu và hạnh phúc, được gặp gỡ và sống kết hiệp với Thiên Chúa. Để vào vương quốc tình yêu này, con người cần được chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn. Chỉ những ai để cho Thiên Chúa chạm vào tâm hồn, chữa lành những vết thương do tội lỗi gây ra, để cho Thiên Chúa phục hồi khả năng yêu thương, thì mới có thể gia nhập vào vương quốc tình yêu.

Các tông đồ dường như vẫn còn tách biệt giữa sự sống đời đời với sự sống thể xác. Các tông đồ nghĩ rằng, mình không có trách nhiệm với những lãnh vực thuộc trần thế, không có trách nhiệm với chuyện đói no của đám đông. Chúa Giêsu không chỉ quan tâm chữa lành tâm hồn, giáo lý của Ngài không xa rời những nhu cầu thực tế. Vì thế, khi chiều tàn, các tông đồ muốn tìm một giải pháp dễ dãi, xin Chúa giải tán đám đông để họ tự lo chuyện ăn uống và cuộc sống của họ. Chúa Giêsu đã không đồng ý với suy nghĩ và giải pháp của các tông đồ, Ngài nhấn mạnh với các ông : Chính anh em hãy cho họ ăn. Điều đó cho thấy, giáo lý của Chúa Giêsu không chỉ hứa hẹn một cuộc sống mai sau, nhưng phải bắt đầu ngay hôm nay. Cũng vậy, người môn đệ của Chúa không chỉ nhắm đến những hứa hẹn nước trời, nhưng phải lo toan cùng một mối lo với cuộc sống của dân chúng, đồng hành và còn phải có giải pháp cho những nhu cầu của cuộc sống.

Các tông đồ đã cảm thấy như bất lực trước một nhu cầu quá lớn của đám đông, các ông đã thật thà thưa với Chúa về sự giới hạn của mình : Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho dám đông này. Đối với Thiên Chúa, việc nhiều hay ít không quan trọng, chỉ cần các ông có dám nghĩ đến người khác trước, hay nghĩ đến bản thân trước, có dám mở lòng, mở tay để cho đi phần thức ăn của mình hay không mà thôi.

Chúa Giêsu đã muốn dùng đôi tay của các ông để chuyển tải lòng thương xót của Ngài. Ngài đã bảo các ông sắp xếp cho đám đông ngồi lại thành từng nhóm. Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Với cụm từ : Chúa cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ nhắc ta nhớ đến một công thức hết sức quen thuộc Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly và vẫn còn được thực hiện mỗi ngày nơi bàn tiệc Thánh Thể. Từ phép lạ hóa bánh nuôi năm ngàn người ăn no, Tin Mừng liên kết và báo trước cho chúng ta phép lạ Thánh Thể. Tại bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Ngài. Từ đây, qua tay các tông đồ, Mình và Máu Thánh Chúa được tiếp tục dọn ra cho mọi người, mọi thời. Mình và Máu Chúa được trao cho các tông đồ trong bữa tiệc ly sẽ thực sự trở thành lương thực được dọn ra cho mọi người ăn no nê và ăn đến dư thừa. Chúa không bao giờ để những người theo Chúa phải đói của ăn thiêng liêng, hoặc ra về mà tâm hồn còn trống rỗng thiếu thốn.

Thánh Phaolô cho thấy bài học quan trọng nhất ông đón nhận được từ nơi Chúa Giêsu, đó là tấm gương về sự trao hiến, phó nộp chính con người và mạng sống qua màu nhiệm Thánh Thể. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra và nói : Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Thánh Phaolô đã nhìn thấy nơi hành động này sự hy sinh trao tặng. Chúa Giêsu đã có sáng kiến bẻ chính con người và mạng sống của mình để trao tặng cho các môn đệ. Bánh này không còn phải là bánh thường nữa mà là cả con người và sự sống của Chúa Giêsu được trao ban cho nhân loại. Ai ăn bánh này sẽ đón nhận được sự sống của Chúa Giêsu, nói cách khác, chính sự sống của Chúa Giêsu được lưu chuyển và biến đổi người lãnh nhận nên giống Chúa Giêsu.

Cũng vậy, Người cầm chén rượu và nói : Chén này là Giao Ước Mới lập bằng Máu Thầy, mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Khi lãnh nhận Bánh và Chén của Chúa, chúng ta không chỉ lãnh nhận cho riêng mình, mà còn phải biết nghĩ đến người khác, sẽ phải bẻ tấm bánh cuộc đời mình để sẻ chia cho mọi người. Chúa Giêsu còn muốn các tông đồ liên tục cử hành việc này để tưởng nhớ đến Chúa và để các ông tiếp tục bẻ tấm bánh sự sống của Chúa trao cho mọi người.

Một đòi hỏi và cũng là điều kiện khi lãnh nhận Bánh và Chén của Chúa, đó là phải loan truyền Chúa đã chịu chết và đã sống lại. Của ăn Mình Máu Chúa là chính Thiên Chúa hằng sống và là của ăn đem lại sự sống. Vì thế, khi lãnh nhận, chúng ta sẽ đón nhận được chính Thiên Chúa, Đấng đã chết và đã sống lại để đem lại sự sống cho chúng ta. Chúng ta sẽ phải tiếp tục loan báo cho mọi người về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài bằng chính cuộc sống mới của mình. Một khi được ăn bánh và uống chén của Chúa, chúng ta không thể để tội lỗi và sự lười biếng trong tâm hồn, trái lại, phải sống với một tinh thần mới, quyết tâm mới và con người mới.

Tôn thờ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được mời gọi siêng năng đến chiêm ngắm, tôn thờ và ăn Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì chạnh thương nhân loại bơ vơ đói khổ, Chúa Giêsu đã hiến ban thịt máu và mạng sống trở nên lương thực nuôi sống con người trên hành trình dương thế. Lương thực này tuyệt đối an toàn và bảo đảm dinh dưỡng cho đời sống đức tin của tín hữu. Vì vậy, để có thể sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trên trần gian và đạt được hạnh phúc nước trời, chúng ta không thể không ăn lương thực thần linh, lương thực của lòng xót thương này.

Mình Máu Chúa được trao ban cho chúng ta phát xuất từ lòng xót thương và tình yêu không vơi cạn của Chúa Giêsu. Vì thế, khi đón nhận Máu Thịt của Chúa, chúng ta đón nhận sự sống và cả con người của Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ phải trở nên tấm bánh xót thương cho anh chị em. Các bậc cha mẹ sẽ phải trở nên tấm bánh cho gia đình, dám bẻ cuộc đời mình để hy sinh vun đắp cho con cái. Đừng bao giờ nuôi con bằng dòng máu bẩn, hoặc mồ hôi nhiễm độc, do gương xấu hoặc do đời sống lười biếng ; cũng đừng bao giờ ướp con cái bằng hàn the hay formol là sự gian dối, sự chết hoặc lối làm ăn quanh co, gian trá. Trái lại, hãy nuôi dưỡng con cái bằng những giọt mồ hôi, những dòng máu sạch và ướp gia đình bằng tình yêu và đời sống đạo đức.

Chính anh em phải cho họ ăn, đó cũng là điều Chúa muốn nơi mỗi chúng ta. Là con của Chúa, chúng ta không thể trốn tránh hay thoái thác bổn phận yêu thương và chia sẻ. Chúng ta không thể nại vào bất cứ lý do gì để biện minh cho sự hẹp hòi, ích kỷ của mình, nhưng phải có một tâm hồn quảng đại, một trái tim chạnh thương trắc ẩn, một đôi tay sẵn sàng chia sẻ, dù phải cho đi phần ăn còn lại của mình. Đòi hỏi này luôn là một thách thức cho tất cả chúng ta.

Xin Chúa biến trái tim của ta nên giống trái tim của Chúa, biến cuộc sống ta nên giống Chúa để chúng ta có thể yêu anh em như Chúa yêu và chia sẻ, phục vụ anh em như Chúa đã phục vụ. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IX Thường Niên - Nt Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy tuần IX Thường Niên B: Đồng Xu Vô Giá. Lm. Peter Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi”. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên: ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên: SỰ SỐNG LẠI – TIN ĐƯỢC KHÔNG? Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần IX Thường Niên B: NỘP THUẾ CHO XÊ-DA. Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần VIX Thường Niên B: ĐÁ TẢNG GÓC TƯỜNG
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi: TÔN VINH THIÊN CHÚA TÌNH YÊU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi: YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT CHIA SẺ NHƯ CHÚA BA NGÔI. LM ĐAN VINH
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên C: GHI NHỚ TRONG LÒNG. Thiên Thảo SJP