Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 19

Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.

CHÚA GIÊSU ĐI TRÊN MẶT BIỂN VỚI PHÊRÔ

220.jpgCHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Người bắt buộc": Một thành ngữ dị thường! Tại sao Chúa Giêsu phải ép các môn đồ ra đi? Phải chăng vì họ không muốn để Người một mình trong đêm vắng? Hay vì Người sợ các môn đồ nhiễm lây sự kích thích muốn tôn Người làm vua của đám đông phấn khởi trước phép lạ hóa bánh ra chiều (x Ga 6,14-15).

"Còn đò thì... lắc lư với sóng": Matthêu nói về con đò như nói về một thực thể cộng đồng mà ta có thể coi là biểu tượng của Giáo Hội ở câu 33 cũng thế, tác giả không bảo là các môn đồ mà là "những kẻ ở trong đò”.

"Canh tư' đêm tối, người đi trên biển đến cùng họ": Canh tư tương ứng với khoảng thời gian 3-6 giờ sáng. Phép lạ được kể ở đây gợi nhớ nhiều đoạn Cựu Ước cũng nói Thiên Chúa đi trên biển (G 9, 8; 38, 16; Tv 77, 20; Hb 3, 15; Hc 24, 5), nhưng theo một ngôn ngữ ẩn dụ. Thành ra có sự song song giữa Chúa Giêsu và Giavê vậy.

"Chính là Ta": Qua kiểu nói đây, chắc hẳn Chúa Giêsu trước tiên muốn sửa sai ngộ nhận của các môn đồ (Người không phải là ma) và đồng thời trấn an họ, vì họ chẳng nhận ra đó chính là Người. Nét này gặp lại trong các trình thuật diễn tả Đấng Phục sinh hiện ra dưới một hình dạng khác lạ(x. Lc 24, 36tt). Nhưng vì ở đây Chúa Giêsu tỏ mình qua việc thi thố một quyền năng siêu phàm trên vũ trụ, nên cần phải nối kết với các cuộc thần hiển của Cựu Ước, trong đó Giavê vẫn thường giới thiệu mình bằng một thành ngữ tương tự: ‘Chính là Ta’ hay ‘Ta là’ (St 17, 1; 26, 24; 28, 13; 35, 11; 46, 3; Xh 3, 6. 14). Một lần nữa, Matthêu kín đáo nhấn mạnh rằng có một tương hợp giữa Chúa Giêsu và Giavê.

"Và Phêrô bắt đầu đi trên nước": Người môn đồ được một quyền lực thần thông như Thầy, đó là chi tiết làm nổi bật hơn nữa ý nghĩa Giáo Hội học của đoạn văn. Đây là một đặc điểm của thần học Matthêu, theo đó Chúa Giêsu cũng san sẻ quyền tha tội (9, 6) cho các môn đồ Người (9, 8; 16, 19; 18, 18). Tuy nhiên Phêrô chỉ đi được trên nước nhờ niềm tin của ông. Thánh sử còn nhấn mạnh ở nhiều đoạn khác quyền năng ấy của đức tin cùng hiệu lực lạ lùng và tức khắc của nó. Như với viên sĩ quan đến xin người chữa bệnh cho tên đầy tớ, Chúa Giêsu đã trả lời rằng: "Ông hãy đi, ông đã tin sao, thì sẽ được như vậy". Và ngày giờ ấy tên đầy tớ đã được khỏi (8, 13). Vì đối với người có lòng tin thì "không có gì mà không làm được" (17, 20).

"Lạy Ngài, xin cứu tôi": Như tiếng kêu của những người đi đò gặp cơn bão tố ("Lạy Ngài, xin mau cứu, chúng tôi chết mất": 8, 24), tiếng kêu của Phêrô làm vang vọng nhiều lời cầu khẩn của nhiều Thánh Vịnh, trong đó người tín hữu xin Thiên Chúa đến giúp mình khỏi luồng nước đang dọa đe (Tv 69, 2 và 15; 144, 7; xem thêm Tv 18, 17; 32, 6; Is 43, 2- 3). Thành thử đây là một lời cầu nguyện nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu dù với chút ít nghi ngờ.

"Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa": Như các chỗ khác trong Tin Mừng, lời tuyên tín này chắc hẳn không có giá trị như việc các môn đồ nhìn nhận tử hệ tự bản tính của Chúa Giêsu; song là nhìn nhận tử hệ theo nghĩa rộng; đây chỉ là lời công bố về thiên sai tính của Người. Tuy nhiên, có thể cộng đoàn Kitô hữu hậu-phục-sinh sau đó dùng lại lời tuyên tín của Phêrô và thêm vào ý nghĩa đầy đủ là Thánh Thần soi sáng. “Những kẻ ở trong đò" nghĩa là ở trong Giáo Hội, theo gương Phêrô và các môn đồ, tuyên xưng Chúa Giêsu thực là Người Con duy nhất của Thiên Chúa tối cao.

KẾT LUẬN

Matthêu trình bày một cuộc thần hiện dành riêng cho "các kẻ ở trong đò", nghĩa là cho Giáo Hội của Đấng Phục Sinh: trong Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa Cứu Thế của thời Xuất Hành tiếp tục giải thoát Israel mới khỏi những luồng nước khủng khiếp hằng rình chực nuốt lấy họ (x. Xh 14 và 15). Sự hiện diện đáp cứu của Người giữa cơn bão táp là nền tảng niềm tin của các tín hữu và cho phép họ nói lên cách vững lòng: "Ngài thật là Con Thiên Chúa".

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Điều đã xảy đến cho Phêrô, thủ lãnh các sứ đồ, sẽ mãi là kiểu mẫu và gương soi cho mọi kẻ tin. Ở đây, Phêrô đại diện toàn thể Giáo Hội đang đứng trước mặt Thầy mình. Giáo Hội biết rằng mình được bảo đảm vượt thắng mọi thử thách nguy biến, rằng mình sẽ chẳng bao giờ đắm chìm, mất hút trong giòng lịch sử, với điều kiện cương quyết giữ vững đức tin. “Nếu không gắn bó với Ta, các ngươi sẽ chẳng đứng vững được" (Is 7, 9). Điều này có giá trị đối với dân Giao ước mới như đối với dân Giao ước cũ.

2) Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng lặng yên. Người không cần ra lệnh như đã làm trong cơn bão táp (8, 26). Sự hiện diện của Người đủ sức đem lại yên tĩnh và chế ngự ngũ hành cuồng điên. Trong đời ta cũng thế. Nếu biết đặt Chúa Giêsu ở trung tâm đời mình như một hiện diện đích thực và sinh động, ta sẽ được an bình nội tâm, dù bên ngoài phải tư bề sóng gió.

3) Chúa Giêsu ra nơi vắng vẻ để cầu nguyện, một lối cầu nguyện thật đặc biệt như giòng sông êm ả giữa Chúa Cha và Người. Không phải Người chẳng thích lối cầu nguyện phụng vụ hay cầu nguyện công khai đâu (ta đã thấy Người cầu nguyện trước đám đông lúc hóa bánh ra nhiều: 14,19), nhưng thỉnh thoảng Người cảm thấy cần có một lối cầu nguyện đơn sơ và cá nhân như thế. Trong việc này cũng như trong mọi chuyện khác của đời Người, Người là gương mẫu cho ta: không thể tưởng tượng ra một môn đồ Chúa Giêsu không biết bắt chước Người trong việc cầu nguyện.

4) Tin là nhảy xuống nước để đi gặp Chúa Giêsu. Nếu lúc ấy ta sợ, thế của ta sẽ trở nên nguy hiểm hơn lúc ta bằng lòng ở lại trên đò với các kẻ khác. Một khi đã liều, thì phải liều cho đến cùng tận. Nếu không nỗi sợ hãi sẽ nhận chìm ta. Tuy nhiên, dù bấy giờ sợ hãi, dù không còn sức tin tưởng trước cơn bão hoài nghi và chướng ngại, ta vẫn còn có thể kêu lên: "Lạy Chúa, xin cứu con". Và Người sẽ không bỏ lỡ cơ hội để nói với ta: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!”.

5) Phêrô bắt đầu chìm xuống "lúc thấy gió mạnh" (c.30), ông đã chia trí không nhìn đến sự hiện diện trấn an của Chúa Giêsu. Nhưng ông lại được cứu một khi quay nhìn về Người.

6) Thử thách, khổ đau, thất bại không vùi dập nhận chìm Kitô hữu, nhưng cảnh tỉnh, thanh luyện niềm tin.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIX Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIX Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ hai Tuần XIX Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIX Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIX Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIX Thường niên - Duyên Trần
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIX Thường niên - Nt. M. Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM A- CON TƯỞNG!.. Lm Gioan B Phan Kế Sự
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM A-DÌU NHAU TIẾN BƯỚC. Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Phao lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm HK
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C- SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT.Lm Jos Tạ Duy Tuyền