CHỦ NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
Không gì làm chúng ta lìa xa Thiên Chúa hơn sự khoe khoang và tìm kiếm vinh quang cho chính mình. Nết xấu ấy đóng kín con người trong giới hạn của mình và đồng thời dẫn đưa họ đến chổ tiêu diệt kẻ khác. Nó đi ngược lại với cách hành xử của Thiên Chúa: Người mạc khải Vinh Quang, nghĩa là Tình yêu bằng cách tự xóa chính mình. Phần chúng ta, trong chính sự tự xóa ấy chúng ta có thể khám phá ra sự cao cả đích thực của mình.
Huấn ca 3,17-18.20.28-29
Sách Huấn ca cống hiến cho chúng ta hoa trái của suy tư về Lịch sử Dân Thiên Chúa cùng lúc về kinh nghiệm của con người. Đó là việc lên án sự kiêu căng ngạo mạn của con người. Sự cao cả đích thực được tỏ hiện trong sự Khiêm nhu của Con người khiêm tốn mở rộng tâm hồn đón nhận sự Khôn Ngoan.
Thánh Vịnh 67
Vinh quang của Thiên Chúa đã được tỏ hiện trong cách mà Người đã tự đặt mình phục vụ những người khiêm nhu. Như thế, cách hành xử tương tự sẽ giúp cho chúng ta được lớn lên.
Hr 12,18-19.22-24a
Tác giả của đoạn văn nầy cảm thấy bị đánh động bởi sự mâu thuẩn giữa cách Thần hiển huy hoàng của Thiên Chúa trong Do thái giáo và sự thể hiện mình một cách khiêm tốn nơi Chúa Giê su. Ông cũng nhấn mạnh đến tất cả những khác biệt giữa một nền phụng tự được cử hành long trọng và nền phụng tự đơn giản của ki tô giáo. Thế mà chính nền phụng tự nầy đã đưa con người tiến gần cộng đoàn Các Thánh. Chúa Giê su dẫn chúng ta đến gặp Thiên Chúa trong bầu khí hân hoan.
Tin mừng Lc 14,1a.7-14
NGỮ CẢNH
Thêm một giáo huấn nữa trên hành trình đi lên Giê ru sa lem. Nhân khi dự một bữa tiệc ở nhà thủ lãnh người Pha ri sêu, Chúa Giê su chữa một người mắc bệnh phù thũng (14,1-4). Nhân đó, Ngài chất vấn họ về việc nghĩ ngày sa bát (14,5-6). Vì không ai trả lời, nên Ngài bắt qua giáo huấn về việc chọn chỗ rốt hết trong khi dự tiệc (14,7-11), và việc mời những người nghèo (14,12-14). Sau cùng, Ngài kể dụ ngôn nói về bữa tiệc thời sau cùng: chủ nhà mời gọi mọi người, kể cả người nghèo, đến dự tiệc, sau khi những người được mời trước đều từ chối đến dự (14,15-24).
TÌM HIỂU
Dùng bữa: câu truyện nầy chỉ có trong Lu ca. Đây là bữa ăn thứ ba mà Chúa Giê su dùng tại nhà một ngừoi Pha ri sêu. Điều nầy cho thấy Chúa Giê su tỏ ra lịch sự với họ; nhưng những bữa ăn như thế nầy luôn luôn kết thúc bằng một cuộc tranh luận (x. 7,36;11,37).
Dò xét: chi tiết nầy cho thấy bầu khí không thoải mái của bữa tiệc.
Dụ ngôn: ở mức độ đầu tiên của câu truyện, chúng ta tìm thấy một lời dạy về cách đối xử ở đời (x. Cn 25,6-7). Nhưng lời dạy nầy trở thành một dụ ngôn khi người ta nghĩ đến Thiên Chúa khi mời mọi người: trước lời mời ấy, người ta chỉ có thể đáp trả bằng thái độ khiêm nhu. Câu truyện nầy chỉ có trong Luca và nhắc lại tiệc cưới Giao Ước (5,35).
Ai tôn mình lên: sự khiêm nhường giả dối có thể được khen ngợi trước mặt người khác nhưng không thể qua mặt Thiên Chúa. Khiêm nhường là cửa hẹp dẫn đến ơn cứu độ (13,24): bởi vì Thiên Chúa “dẹp tan những người kiêu căng” (1,51-52). Đức tính nầy gần với sự nghèo khó (6,20). Chúng ta cũng đọc được câu nầy sau dụ ngôn về người Pha ri sêu và người thu thuế (18,14), nhắm đề cao sự khiêm nhường trong đức tin.
Sẽ bị hạ xuống: “Anh em hãy hạ mình trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (Gc 4,10; x. 1Pr 5,5-6). Nhiều bạn hữu của Thiên Chúa sẽ sống đức khiêm nhường cách thẳm sâu!
Những người nghèo khó: câu nầy của riêng Lu ca và chuẩn bị cho dụ ngôn đi sau. Chúng ta gặp lại ở đây bốn hạng người bất hạnh trong câu 21. Người nghèo không được mời đi dự tiệc, cả trong xã hội Híp pri và trong xã hội Rô ma trong đó Lu ca đã sống. Kính nhường họ có nghĩa là xem trọng họ về tư cách con người, chứ không phải vì tiền của hay những đức tính bên ngoài. Chúa Giê su không ngừng mời gọi những người không có hạnh phúc. Tiêu chuẩn của lòng bác ái là sự quan tâm vô vị lợi đến những người đau khổ (x. 6,31-35).
Có phúc: mối phúc của tình yêu hay thương xót, giống như Thiên Chúa: “Phần thưởng các con sẽ trọng hậu và các con sẽ là con của Đấng Tối cao” (6,35).
SỨ ĐIỆP
Chỗ rốt hết.
Bài tin mừng kể lại một hôm, Chúa Giê su được mời đi ăn tiệc. Ngài quan sát những gì đang xảy ra. Những người được mời đi vào bàn ăn. Một vài người đứng ở cửa và chờ người ta đến dẫn vào chỗ. Một vài người khác đi thẳng đến những nơi dành riêng cho khách quí coi như dành cho mình. Nhưng nếu có nhân vật quan trọng hơn đến vào phút chót, chủ nhà sẽ dành cho họ chỗ nhất. Người tự phụ đã ngồi chỗ ấy, sẽ phải đi xuống và sẽ xấu hổ.
Đó là điều đã xảy ra trong bữa tiệc mà Chúa Giê su được mời đến. Người Pha ri siêu thích đi tìm chỗ nhất. Họ thích những dấu hiệu danh vọng mà người ta dành cho mình. Đã nhiều lần Chúa Giê su cảnh giác các môn đệ của Ngài trước những thói kiêu căng tự mãn của người Pha ri siêu. Hôm nay, Ngài đưa ra những lời khuyên rất rõ ràng: “Khi anh em được mời đi ăn cưới, đừng ngồi vào chỗ nhất..” Chẳng những Ngài dạy mà còn áp dụng cho mình. Vào buổi chiều thứ Năm tuần thánh, Ngài đã ngồi vào chỗ của người nô lệ để phục vụ các môn đệ bằng cách rửa chân cho họ.
Bài tin mừng nầy đến với chúng ta trong thực tại thế giới hôm nay. Trong thế giới chúng ta đang sống, người ta quá chú trọng đến cái “diện mạo bên ngòai”. Ai cũng muốn đánh bóng cái tôi của mình, muốn tỏ cho thấy mình là người số một, là người mạnh nhất và tìm cách chế ngự người khác. Đức Ki tô chỉ cho chúng ta thấy những nguy hiểm của thói ham danh đó. Ngài nhắc chúng ta nhớ đến sự ngu ngốc của việc “đánh bóng mình” và nhất là Ngài cho thấy sự cao cả của lòng khiêm nhường.
Hình ảnh minh hoạ tuyệt vời nhất cho bài tin mừng chúng ta tìm thấy trong cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria. Đó là người phụ nữ khiêm hạ nhất trên trần gian. Nhưng hôm nay, Người được trân trọng nhất. Lời kinh Magnificat nói với chúng ta: “Thiên Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ” Chúng ta cũng có một chứng từ tuyệt vời nơi cuộc đời người nữ đan tu Tê rê xa Li si eux. Khi chị qua đời, người ta tự hỏi sẽ nói điều gì về một người đã không làm gì đáng được kể lại. Vậy mà cho đến nay đã có hơn 4600 cuốn sách viết về cuộc đời của một người đã không làm điều gì lạ lùng để được nhắc đến. Người đã hiểu rằng tính kiêu ngạo làm cho con người trở nên ngu ngốc và xa rời Thiên Chúa. Ngược lại, sự khiêm nhường là con đường hòang vương đưa đến sự thánh thiện. Chính nó đem lại giá trị cho những việc đơn sơ nhất.
Bài tin mừng nầy mời gọi chúng ta quay về với Thiên Chúa. Chính nhờ vậy mà chúng ta hiểu rõ sự lớn lao và sự cần thiết của đức khiêm nhường. Trước nhan Người, chúng ta sẽ khám phá ra rằng vì không thể tự mãn với chính mình nên chỉ còn cách phó thác cho Người. Tất cả điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta nhìn lại hình ảnh mà chúng ta có về Thiên Chúa. Thông thường, người ta hình dung Người như một vị Thiên Chúa “quyền năng vô song”, khá giống với một tượng khổng lồ bằng sắt không rỉ. Cách hình dung ấy chỉ qua là nét họa lớn vô cùng của tính kiêu căng của những người quyền lực nhất trên thế gian nầy. Thiên Chúa chân thật thì khiêm nhu, vì Người là tình yêu, mà tình yêu không bao giờ tự cho mình ở trên người khác.
Tòan bộ sách tin mừng nói về một Thiên Chúa tình yêu. Chính tình yêu đã dẫn Chúa Giê su đi tìm chỗ rốt hết. Ngài đã chọn ở về phía người bé nhỏ, người khiêm nhu, những người bị lọai trừ. Những người không là gì cả thì lại rất quan trọng trước mắt Thiên Chúa. Họ có chỗ nhất trong trái tim Người. Nếu chúng ta muốn tìm Đức Ki tô, thì hãy đến với họ vì đó là nơi mà Ngài hẹn gặp chúng ta. Nếu chúng ta khinh thường họ, chúng ta phạm tội chống lại tình yêu mà Ngài mang đến cho họ. Tình yêu ấy là phổ quát. Ngài tin tưởng nơi chúng ta để chúng ta trở thành chứng nhân cho tình yêu đó.
Chính khi đi theo Đức Ki tô và sống như Ngài trong sự khiêm nhường và quảng đại mà chúng ta sẽ tìm được niềm vui chân thật. Trong một thế giới mà tất cả đều phải trả tiền, người ta phải nhận ra những người ki tô hữu qua sự phục vụ miễn phí mà họ cống hiến cho những người nghèo nhất. Nếu người ki tô hữu không theo gương của Thầy chí thánh mình, thì chứng từ của họ sẽ mất ngay tất cả nội dung.
Tất cả chúng ta đã nghe nói về Thánh Charles Foucauld. Lúc đầu, ông chỉ là một vị sĩ quan trác táng, cả ngày chỉ biết ăn chơi, nhậu nhẹt. Rồi một hôm, anh đã nghe một bài giảng của Cha Huvelin nói: “Chúa Giê su đã chiếm chỗ rốt hết đến nỗi không ai có thể giật lấy khỏi Ngài”.
Lời ấy đã thúc đẩy Charles de Foucauld sám hối và trở về. Anh liền lui về Na gia rét để tìm chỗ rốt hết; anh đã muốn ở cùng một nơi, trong cùng điều kiện khiêm hạ và ẩn dật của Chúa Giê su Na gia rét. Sau đó anh đến sống trong cảnh tĩnh mịch hoang vắng ở sa mạc Sa ha ra giữa những người Touareg. Charles de Foucauld chỉ muốn đi theo Đức Ki tô trên con đường khó khăn của tình yêu. Anh không còn tìm kiếm vinh quang cho bản thân mình nữa, mà là đi xuống đến chỗ cuối cùng, để có thể yêu thương đến cùng, yêu thương cho đến hiến thân.
Khi cử hành lễ Tạ ơn nầy, chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã mời chúng ta đến tham dự. Ngài đã trở nên “người tôi tớ” của tất cả mọi người; Ngài đã đến để đảo lộn ngôi thứ trong các đám tiệc để dành chỗ nhất về cho những người bé nhỏ và khiêm nhường; Ngài đã rửa và lau chân cho các môn đệ. Và nhất là Ngài mời chúng ta đến sự cao cả thật sự, sự cao cả mà Ngài chia sẻ với Chúa Cha và ChúaThánh Thần đến muôn đời. Amen.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Sách Huấn ca là sách gì?
THƯA: Trong Giáo Hội Công giáo, sách Huấn ca được xếp vào loại sách Giáo huấn của Giáo Hội. Sau sách Thánh Vịnh, Huấn ca được dùng nhiều nhất trong phụng vụ. Thậm chí, có lúc được Giáo Hội thời đầu đã dùng như sách giáo lí chính thức.
Sách Huấn ca do ông Ben Xira viết bằng tiếng Híp ri vào khoảng thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên tại Do thái, rồi cháu nội của ông dịch ra tiếng Hi lạp. Nội dung gồm một bộ sưu tập các lời khôn ngoan về mọi đề tài cần thiết cho cuộc sống đức tin.
2. HỎI: Khôn ngoan theo Kinh thánh có nghĩa gì?
THƯA: Khôn ngoan trong Kinh thánh có nghĩa là nghệ thuật sống hạnh phúc mà ai cũng khao khát tìm kiếm. Riêng dân Ít ra ên được diễm phúc biết rằng: Mọi sự khôn ngoan đều bắt nguồn từ Thiên Chúa” (Hc 1,1).
3. HỎI: Người khôn ngoan trong Kinh Thánh ao ước điều gì?
THƯA: Vì mọi sự khôn ngoan đều bắt nguồn từ Thiên Chúa nên “Người khôn ngoan ao ước có đôi tai thính để lắng nghe Người dạy bảo”.
4. HỎI: Đức tính nào cần thiết để lắng nghe?
THƯA: Là Đức Khiêm nhường. Người khiêm nhường nhận rằng mình không biết gì, nên luôn rộng mở đôi tai sẵn sàng lắng nghe những lời Thiên Chúa phán dạy. Còn người kiêu căng tự phụ mình biết tất cả nên bỏ qua mọi lời giáo huấn của Thiên Chúa. Tình cảnh ấy thật vô phương cứu chữa vì cội rể sự dữ ở trong tâm hồn nó (c 28).
5. HỎI: Với những kẻ khiêm nhường Thiên Chúa làm gì?
THƯA: Thiên Chúa có thể làm những điều cao cả cho những kẻ khiêm nhường> Người biến họ thành những tôi tớ cộng tác tích cực trong việc thực hiện chương trình cứu độ của Người.
6. HỎI: Tiên tri Isaia đã mô tả người tôi tớ như thế nào?
THƯA: “Đức Chúa đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50,4-5)
7. HỎI: Ông Mô sê có phải người Tôi trung của Thiên Chúa không?
THƯA: Phải. Ông là bậc tôi trung vĩ đại và không mệt mõi phục vụ chương trình của Thiên Chúa. Sách Dân số đã cho biết sở dĩ ông được như thế vì: “Ông là người khiêm tốn nhất, không ai sánh được” (Ds 12,3)
8. HỎI: Và Chúa Giê su?
THƯA: Chúa Giê su là người Tôi Trung tuyệt vời của Thiên Chúa. Chính Ngài đã nói: “Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29).
9. HỎI: Còn Thánh Phao lô?
THƯA: Thánh Phao lô luôn tự cọi mình như là khí cụ Thiên Chúa dùng đã loan báo tin mừng cho muôn dân: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi.. Nhưng Chúa quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh’, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 11,30;12,9)
10. HỎI: Người ta nhận xét rằng Luca là tác giả tin mừng thích kể lại nhiều bữa ăn của Chúa Giê su, có đúng không?
THƯA: Đúng. Tin mừng Lu ca kể lại nhiều bữa ăn của Chúa Giê su dùng tại nhà ông Simong Pharisiêu (7,36); nhà cô Mát ta và Maria (10,38); rồi lại một nhà người Pha ri siêu (11,37); nhà Gia kêu (19); bữa tiệc Vượt qua (22). Chúa Giê su coi các bữa ăn là quan trọng đến nỗi Ngài bị tiếng xấu là một người “mê ăn mê uống” (Lc 7,34). Đặc biệt, ba bữa ăn nơi nhà Pha ri siêu đã khiến cho tương quan giữa Ngài và họ trở nên căng thẳng..
11. HỎI: Còn bữa ăn mà bài tin mừng hôm nay nói đến như thế nào?
THƯA: Đây là bữa ăn thứ ba nơi nhà người Pha ri siêu, vào một ngày Sa bát.
12. HỎI: Ngày sa bát có ý nghĩa như thế nào?
THƯA: Ngày sa bát có ý nghĩa quan trọng đối với người Do thái. Sa bát có nghĩa ngưng làm việc. Ngày đó, mọi người phải ngưng tất cả mọi công việc để thờ phượng Thiên Chúa. Trong truyền thống Do thái giáo, sa bát là ngày kĩ niệm ngày Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, ngày Thiên Chúa ra tay giải thoát Dân Người khỏi Ai cập, trong niềm vui mong chờ ngày Thiên Chúa tái tạo mọi sự. Việc cử hành ngày sa bát được đánh dấu bằng một bữa ăn lớn.
13. HỎI: Tương quan giữa Chúa Giê su và Biệt phái như thế nào?
THƯA: Tương quan giữa Chúa Giê su và Biệt phái vửa thân tình vừa nghiêm khắc.
14. HỎI: Thân tình là sao?
THƯA: Thân tình vì biệt phái là những người rất tốt. Phong trào biệt phài phát xuất từ ý muốn sám hối, từ bỏ mọi dính dáng đến chính trị, mọi cách sống buông thả. Họ cố gắng trung thành tuyệt đối với truyền thống mà họ lãnh nhận từ cha ông để sống đẹp lòng Thiên Chúa qua việc giữ trọn mọi lề luật.
15. HỎI: Nhưng tại sao Chúa Giê su nghiêm khắc phê phán lối sống ấy?
THƯA: Phong trào ấy hoàn toàn đáng được kính trọng. Nhưng sở dĩ Chúa Giê su nghiêm khắc phê phán lối sống ấy, vì lí tưởng tôn giáo đẹp nhất có thể có những tảng đá ngầm. Việc giữ luật quá nghiêm khắc có thể sinh ra một lương tâm quá khắt khe dễ dẫn đến việc khinh khi những người không sống được như vậy. Sâu xa hơn, ý muốn sống tách biệt với mọi người đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa là muốn qui tụ mọi người trong tình yêu cứu độ. Lối sống nguy hiểm ấy khiến cho Chúa Giê su phải có những lời cứng rắn cảnh giác họ.
16. HỎI: Trong Cựu Ước có dạy cách xử thế khôn ngoan như Chúa Giê su không?
THƯA: Có. Như trong sách Huấn ca: “Khi người quyền thế mời con, con hãy lẩn đi. Như thế, người ta càng mời mọc con hơn nữa” (Hc 13,9) hay trong sách Châm Ngôn: “Thà được người ta bảo: “Xin mời ông lên trên! Còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25,7).
17. HỎI: Thế thì dụ ngôn của Chúa Giê su có điều gì mới?
THƯA: Dụ ngôn Chúa Giê su còn đi xa hơn. Như cách các tiên tri dạy dỗ, Ngài muốn mở mắt cho những người biệt phái trước khi quá muộn: tự hào thái quá về mình có thể dẫn đến mù quáng. Hơn nữa, Ngài muốn vạch trần nơi họ sự nguy hiểm của việc khinh dễ kẻ khác, vì để vào Nước Trời cần phải trở nên giống như trẻ nhỏ (x. Lc 9,46-48; Mt 18,4). Con đường sám hối dẫn vào Nước Trời chỉ có thể thực hiện được nếu biết tự nhận mình là kẻ yếu đuối trước mặt Thiên Chúa (Lc 18,10-14).
18. HỎI: Người Pha ri siêu đã mời Chúa Giêsu ăn tối, để cố ý dò xét Ngài?
THƯA: Đúng, người Pha-ri-siêu đã mời Chúa Giêsu không phải để cảm nhận vinh dự được một bậc thầy đến nhà mình, nhưng chính là để dò xét Ngài. Thật vậy, từ lâu, người Pha-ri-siêu tỏ ra có thành kiến và thù nghịch đối với Chúa Giê su. Động từ ghép theo nghĩa đen có nghĩa là: “để dò xét Ngài gần hơn”.
19. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu trong dụ ngôn nói đến một tiệc cưới?
THƯA: Để không xúc phạm các vị khách có mặt tại bữa tiệc được chiêu đãi để dò xét về giáo huấn của Ngài.
20. HỎI: Tác giả tin mừng ám chỉ đến ai khi nói về những người chọn chỗ nhất?
THƯA: Ông ám chỉ đến các thầy thông giáo và người Pha-ri-siêu, hay tự phụ về bản thân và bằng lòng với sự nổi tiếng đối với dân chúng. Ngoài ra, họ còn thích được người khác chú ý bằng cách chiếm hàng ghế đầu trong các hội đường và các bữa tiệc (Lc 11,43, 20,46).
21. HỎI: Khi được mời dự tiệc cưới hãy chọn nơi cuối cùng, để có thể che giấu ý định chiếm chổ nhất, rồi sau đó để cho ngừi ta yêu cầu chiếm vị trí đầu tiên; trong trường hợp đó, người ấy có khiêm tốn không?
THƯA: Hoàn toàn không, đó sẽ là sự khiêm tốn giả tạo. Sự khôn ngoan mà Chúa Giê su dạy không được hiểu như là một cách khôn khéo để được nâng lên, nhưng là một thái độ bên trong phát xuất từ một niềm tin chân thành và sâu sắc về sự bé nhỏ và bất xứng của mình.
22. HỎI: Đâu là mục đích của Chúa Giêsu khi kể dụ ngôn này?
THƯA: Chúa Giê su có ý định đề ra một bài học về sự khiêm tốn cho các môn đệ bằng cách thúc đẩy họ phát triển trong tâm hồn niềm tin cơ bản ấy. Tuy nhiên, lời dạy của Chúa nhằm mục đích không chỉ để ra những bài học về lịch sự xã hội, cho bằng nâng cao cái nhìn về phía Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa yêu thương người khiêm nhường và từ chối kẻ kiêu căng và tự phụ. Người còn tự hiến và đến ngự nơi tâm hồn những người quảng đại, biết vui mừng hi sinh một cái gì đó của riêng mình để nhường lại cho những người cần nó nhất. Họ sẽ được Chúa Thánh Thần ngự đến và ban niềm vui tự hiến vì lợi ích của cộng đồng mà không mong đền đáp hoặc phần thưởng nào khác.