GIỚI THIỆU THÔNG ĐIỆP
“SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ”
Lm. Alexis Tống Phước Hậu Cm.
Được ban hành ngày 7.12.1990, kỷ niệm 25 năm Sắc lệnh Truyền giáo (Ad Gentes), 7.12.1965, của Công Đồng Vaticanô II.
“Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” là thông điệp thứ 8 trong 14 thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vào năm thứ 13 của triều đại ngài.
Chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm, Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” là một văn kiện lớn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho một thế giới có tầm vóc toàn cầu vừa là mối bận tâm vừa là niềm hăng say của ngài ngay từ khi được bầu làm Giáo Hoàng. Hơn bất cứ một vị tiền nhiệm nào với tư cách là Đấng kế vị Thánh Phêrô, ngài đã đi khắp năm châu để củng cố niềm tin, để rao giảng Phúc Âm cùng với các anh em mình là các giám mục. Trong Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế”, ngài đã lấy lại những lời mà ngài đã nói với Hồng Y Đoàn năm 1980 : “Tôi đã rảo qua các nẻo đường của thế giới để loan báo Tin Mừng, để củng cố anh em tôi trong đức tin, để an ủi Giáo Hội, để gặp gỡ con người. Đó là những cuộc hành trình đức tin ... Đó là những cơ hội giảng dạy giáo lý lữ hành, những cơ hội loan báo Tin Mừng, trong việc mở rộng - qua mọi vĩ tuyến - Tin Mừng và quyền giáo huấn tông đồ tới mọi miền trái đất hiện nay” (số 63)
Đọc xong toàn bộ Thông điệp, chúng ta có thể tóm lược Thông điệp trong những nhận xét và cảm tưởng sau đây : Lạc quan – Sáng suốt – Tổng hợp.
Lạc quan : Còn hơn lạc quan nữa, phấn khởi của đức tin. Đức Thánh Cha nhắc lại tâm tình của Thánh Phaolô (1 Tx 2,2) là sự dạn dĩ (parrhesia) nghĩa là khả năng nói một cách can đảm. Cho dù một số người có một cái nhìn bi quan về thế giới trước ngưỡng cửa của năm 2000, Đức Thánh Cha khẳng định chúng ta vẫn có thể nhận ra “Một mùa xuân vĩ đại ... một Mùa Vọng truyền giáo” (số 86)
Sáng suốt : Cái nhìn lạc quan về thế giới như một luồng gió mát thổi suốt trên Thông điệp từ đầu tới cuối không cuốn đi sự sáng suốt về tình hình của Kitô giáo nói chung, và tình trạng Giáo Hội Công Giáo nói riêng trong thế giới ngày nay. Đức Thánh Cha, một nhà truyền giáo lưu động, đã đi khắp thế giới, có một nhận xét rất thực tế và chính xác về tình hình tôn giáo của thế giới hiện nay. “Con số những người chưa biết Chúa Kitô và chưa gia nhập Giáo Hội vẫn không ngừng gia tăng, thậm chí đã tăng gấp đôi từ sau Công Đồng ...” (số 3)
Đức Thánh Cha biết rõ sức sống mới và sự phát triển của Hồi Giáo và Phật Giáo ở hai lục địa lớn là Á Châu và Phi Châu. Ngài nhận thấy “Hoạt động truyền giáo ngày nay vẫn còn là một thách đố lơn nhất của Giáo Hội. Trong khi chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối Thiên niên kỷ thứ hai của Ơn Cứu Chuộc thì càng ngày càng thấy rõ là số các dân tộc chưa đón nhận lời loan báo đầu tiên của Đức Kitô, còn chiếm phần đa số trong nhân loại” (số 40)
Ngài không coi thường mối đe doạ đối với Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Kitô Giáo chính thức trước sự lôi cuốn của các “Giáo phái, các Giáo hội cực đoan (Fondamentalisme), nhất là ở Châu Mỹ La tinh” (số 50).
Chúng ta phải nhìn nhận là Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội đang trải qua một khủng hoảng trầm trọng. Có người cho rằng “Thời đại truyền giáo đã chấm dứt” vì “Tinh thần của Vaticanô 2 và Assisi”, như Đức Cha Lefebvre đã nói. Theo phe bảo thủ, chính Vaticanô 2 đã làm nguội đi lòng hăng say và lòng nhiệt thành truyền giáo, làm như thể thái độ cởi mở và tôn trọng các tôn giáo ngoài Kitô giáo, tuyên bố một cách long trọng về quyền tự do tôn giáo là nguyên nhân đã giết chết sự cấp bách của việc truyền giáo, vì truyền giáo bị đồng hoá với thái độ chiêu mộ đã lỗi thời (Prosélytisme dépassé). Trong khi đó, Thông điệp vẫn khẳng định là thành quả của Vaticanô 2 không bao giờ làm cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng bị thuyên giảm. Vì đó là sứ vụ mà chính Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo Hội.
Tổng hợp : Đức Thánh Cha muốn dung hoà và cố gắng nắm toàn thể một số vấn đề mà khi nhìn thoáng qua, chúng ta có thể xem như chúng đối lập nhau.
· Dung hoà sứ vụ truyền giáo phổ quát của Giáo Hội và sứ vụ truyền giáo đặc thù của các giáo hội địa phương (Truyền giáo đặc biệt cho dân ngoại : ad gentes)
· Làm chứng công khai về Chúa Kitô và tự do tôn giáo
· Nhiệm vụ thường xuyên phải rao giảng Tin Mừng và lòng thiện chí đối thoại với các tôn giáo bạn.
· Mời gọi hoán cải và dấn thân để thăng tiến con người và cổ vũ cho hoà bình.
· Sứ vụ chuyên biệt của các Linh mục Thừa sai, các Tu hội Truyền giáo và sứ vụ Tông đồ Giáo dân.
Đây không phải là một thái độ nhượng bộ tạm thời, nhưng chính là một nỗ lực tìm tòi và khám phá cái cũ và cái mới, một nỗ lực tổng hợp có tính sáng tạo, 25 năm sau Vaticanô 2.
Vì không thể trình bày Thông điệp dưới mọi khía cạnh trong phạm vi và thời gian bị hạn chế của bài này, chúng ta chỉ nêu ra vài đặc điểm sau đây :
I. Thần học về rao giảng Tin Mừng
II. Những nét đặc thù của việc rao giảng Tin Mừng
III. Những môi trường mới của việc rao giảng Tin Mừng
I. MỘT THẦN HỌC ĐƯỢC ĐỔI MỚI VỀ TRUYỀN GIÁO
Tiếp tục giáo huấn của Vaticanô 2, Thông điệp nhấn mạnh đến nền tảng Chúa Ba Ngôi và Chúa Kitô của Việc truyền giáo.
Giáo Hội là truyền giáo do tự bản tính, chứ không do từ mệnh lệnh của Chúa Kitô (số 5, 11)
Lý do căn bản của việc truyền giáo là sự mạc khải cuối cùng mà Thiên Chúa đã mạc khải về chính mình trong Đức Giêsu Kitô, vì thế tự bản tính, Giáo Hội có tính cách thừa sai. Giáo Hội không thể không loan báo Tin Mừng, tức chân lý toàn vẹn mà Thiên Chúa đã tỏ bày. (số 5)
Một nét độc đáo của thần học được canh tân là sự liên kết chặt chẽ giữa mạc khải Tin mừng của Tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người và sự cấp bách phải truyền giáo : “Giáo Hội không được phép từ bỏ việc loan báo rằng Chúa Giêsu đã đến mạc khải Dung Mạo của Thiên Chúa, qua Thập Giá và Phục Sinh, Người đã đem lại Ơn Cứu Độ cho mọi người ... sự sống mới trong Người là Tin Mừng cho con người thuộc mọi thời đại ...” (số 11)
Thông điệp cùng với Vaticanô 2, vẫn ý thức chỉ có Chúa Kitô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người vì “Chỉ nơi một mình Người, chúng ta được giải thoát khỏi mọi tha hoá, mọi lầm lạc, khỏi ách nô lệ của các quyền lực tội lỗi và cái chết” (số 11) nhưng Thông điệp còn đi xa hơn và vượt hẳn thuyết cổ truyền về mục đích và phương tiện để được cứu độ.
Theo thuyết cổ điển, mục đích duy nhất của việc truyền giáo là để cứu con người khỏi chết đời đời và phương tiện duy nhất để được cứu độ là Giáo Hội. Thông điệp khẳng định là ngoài ranh giới của Giáo Hội hữu hình, nhiều người cũng có thể được cứu độ nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động và thúc đẩy. Tại sao phải truyền giáo ? “... Chúng tôi xin trả lời rằng sự giải phóng đích thực là đón nhận tình yêu của Đức Kitô” (số 11)
Redemptoris Missio nhắc một cách rõ ràng sự trung gian duy nhất của Chúa Kitô, nhưng đồng thời, tuy không đích danh gọi một khuynh hướng thần học nào cả, Thông điệp nêu ra một vài khuynh hướng hơi lệch lạc, một vài vấn nạn và nguy hiểm về thần học truyền giáo xuất hiện sau Vaticanô 2.
A. NGUY CƠ THỨ NHẤT :
Thuyết tương đồng. (Indifférentisme) Mọi tôn giáo có giá trị ngang nhau – đồng nhất các tôn giáo.
Thuyết này chủ trương mọi tôn giáo đều có giá trị ngang nhau vì các tín hữu của các tôn giáo có thể được cứu độ trong chính tôn giáo của mình.
Thông điệp muốn nắm cả hai chân lý sau đây : “Cần nắm vững hai chân lý đó, nghĩa là mọi người đều thực sự có thể được Đức Kitô cứu độ và Giáo Hội cần thiết cho ơn cứu độ” (số 9). Vẫn biết ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người chứ không dành riêng cho những người tin vào Chúa Kitô hay đã gia nhập Giáo Hội. Nhưng điều này không miễn cho chúng ta phải có bổn phận và tiếp tục rao giảng Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất và Giáo Hội là Bí Tích của ơn cứu độ. Vì âân sủng Chúa ban cho mỗi người để đạt đến ơn cứu độ với sự cộng tác tự do đều từ Chúa Kitô mà đến và có một tương quan nhiệm mầu với Giáo Hội. (số 10)
B. NGUY CƠ THỨ HAI :
Thuyết dụ đạo, chiêu mộ (Prosélytisme). Nhiệt tâm dụ người ta theo đạo.
Thuyết này dẫn đến một thái độ thờ ơ trong việc rao giảng Tin Mừng vì sợ mang tiếng là dụ dỗ kẻ khác theo đạo và xâm phạm đến tự do lương tâm. Chiếu theo giáo huấn của Vaticanô 2 về “Tuyên ngôn tự do tín ngưỡng”, Thông điệp trả lời : “Lời loan báo và chứng tá về Đức Kitô, khi được thực hiện trong sự tôn trọng lương tâm, sẽ không xâm phạm đến tự do, đức tin đòi hỏi sự tự do gắn bó của con người” (số 8). “Giáo Hội đề nghị chứ không hề áp đặt : Giáo Hội tôn trọng con người và các nền văn hoá, đồng thời Giáo Hội dừng lại trước bàn thờ của lương tâm” (số 39)
Một số người lấy làm tiếc vì Thông điệp không đề cập đến những trang đen tối của lịch sử truyền giáo vì có những nơi và những lúc “bàn thờ của lương tâm” không được tôn trọng. Để trả lời thắc mắc này xin lưu ý là Thông điệp được ban hành năm 1990. Chúng ta phải chờ đến năm 2000, nhân dịp Năm Thánh, Giáo Hội mới nhận thức một cách công khai về những thiếu sót trên và đã có thái độ xin lỗi công khai. Ngày 12 tháng 03 năm 2000, tại nhà thờ Thánh Phêrô tại Rôma, là “Ngày tạ tội của Năm Thánh 2000” (Journée du Pardon de L’Année Sainte 2000) và ngày ban hành tài liệu “Ký ức và hoà giải : Giáo Hội và những lầm lỗi trong quá khứ” (Document : Mémoire et Réconciliation : l’Eglise et les fautes du passé)
C. ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN.
Một số nhà truyền giáo và thần học muốn thay thế việc rao giảng Tin Mừng bằng việc đối thoại liên tôn. Vaticanô 2, trong Tuyên ngôn Nostra Aetate về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo – 28.10.1965 đã có chủ trương tôn trọng và mộ mến các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Thông điệp nhắc lại là “Đối thoại không mâu thuẫn với sứ vụ đến với muôn dân (Ad Gentes), ngược lại, còn có liên hệ đặc biệt và diễn tả sứ vụ ấy” (số 25) Đức Thánh Cha không ngần ngại lấy lại những lời mà ngài mới vừa nói với các Giám mục Á Châu (23.6.1990) : “Mới đây tôi đã viết cho các Giám mục Á Châu : “Mặc dù Giáo Hội vui lòng nhìn nhận tất cả những gì là chân thực và thánh thiện trong các truyền thống tôn giáo của Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo, như là phản ảnh của Chân lý chiếu soi mọi người, nhưng điều ấy không làm giảm bớt bổn phận và quyết tâm công bố không chút do dự rằng Đức Giêsu Kitô là “Đường, Chân lý và là Sự sống” ...việc ấy không gạt bỏ lời mời gọi đón nhận đức tin và phép rửa mà Thiên Chúa muôn mời gọi các dân tộc ... Giáo Hội là con đường thông thường đưa đến ơn cứu đô và chỉ mình Giáo Hội có đầy đủ những phương thế đưa tới ơn cứu độ” (số 55)
D. MẦU NHIỆM NHẬP THỂ :
Để bênh vực mầu nhiệm nhập thể, Đức Thánh Cha bác bỏ nỗ lực của một số nhà thần học và kinh thánh muốn tách biệt Ngôi Lời và Chúa Giêsu Kitô, hoặc muốn tách biệt “Đức Giêsu của lịch sử” và “Đức Kitô của đức tin”. “Đức Kitô cũng là chính Đức Giêsu Nazarét, và Người là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để cứu độ loài người” (số 6)
Chúng ta cũng nên lưu ý đến vai trò của Chúa Thánh Thần mà Đức Thánh Cha đã đề cập rất sâu sắc và súc tích. “Chúa Thánh Thần là Đấng chủ động trong sứ vụ truyền giáo. Nhưng chúng ta đừng quan niệm Chúa Thánh Thần là Đấng thay thế Chúa Kitô, hay lấp đầy một chỗ trống giữa Đức Kitô và Ngôi Lời như một giả thuyết đã được tung ra. Chúng ta không được tách rời hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần với hoạt động riêng biệt của Người trong thân thể Đức Kitô, là chính Giáo Hội” (số 29)
Đức Thánh Cha không sợ các tôn giáo khác là một trở ngại cho việc truyền giáo, ngược lại, Đức Thánh Cha coi các tôn giáo như là một “Thách đố tích cực” (défi positif) đối với Giáo Hội ngày nay. Tại sao ? “Các tôn giáo khác thúc đẩy Giáo Hội khám phá và nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện của Đức Kitô và hoạt động của Chúa Thánh Thần, đồng thời cũng thúc đẩy Giáo Hội đào sâu căn tính của mình, và làm chứng về sự toàn vẹn của mạc khải mà Giáo Hội là người quản lý nhằm phục vụ lợi ích cho mọi người” (số 56)
Thông điệp xác nhận lại tư tưởng của Đức Hồng Y Tomko, chủ tịch Thánh Bộ Phúc Âm Hoá các Dân tộc, cảnh cáo một số thần học gia Á Châu muốn “Thuyết duy Thiên Chúa” (théocentrisme) thay thế “thuyết duy Kitô” (Christocentrisme) để tránh làm cho các tôn giáo bực tức.
E. TẬP TRUNG VÀO CON NGƯỜI
Cuối cùng Đức Thánh Cha lên tiếng phản đối những quan niệm “Tập trung vào con người” (anthropocentrisme) của ơn cứu độ và việc truyền giáo có khuynh hướng coi sự cứu độ là chủ yếu nhắm giải phóng con người khỏi những tha hoá, hoặc những quan niệm “tập trung vào nước Thiên Chúa” (Régnocentrisme) có khuynh hướng đề cao việc thăng tiến và cổ võ những “giá trị của nước Thiên Chúa” như hoà bình, đức công bằng, sự tự do, tình huynh đệ, mà không đề cập đến Đức Kitô” (số 17). Có lẽ Đức Thánh Cha ám chỉ thuyết “Thần học giải phóng” (théologie de la libération) có khuynh hướng biến “Nước Thiên Chúa trở thành một thực tại có tính cách hoàn toàn nhân loại và bị tục hoá ... không còn hướng đến siêu việt” (số 17)
Xét về thần học, Thông điệp không khẳng định mối tương quan giữa những giá trị nhân bản và ơn cứu độ Kitô giáo. Trong khi đó, “Loan báo Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phaolô VI (Evangelii Nuntiandi), cố gắng chứng minh, xét về thần học, mối tương quan cần thiết giữa việc rao giảng Tin Mừng và việc phục vụ con người trong sứ vụ duy nhất của Hội Thánh. Vì thế, một số nhà phê bình cho rằng “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” là một bước lùi so với “Loan Báo Tin Mừng”. (Evangelii Nuntiandi)
II. NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ CỦA VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG.
“Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” cố gắng tìm một sự quân bình mới (rééquilibrage) cho việc truyền giáo vì từ Vaticanô 2 cho đến 1990, thần học về truyền giáo có những thay đổi về các “địa điểm” và “cách thức truyền giáo”. Có người cho rằng “thời đại truyền giáo” đã chấm dứt và phải “hồi hương” các miền truyền giáo về với sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội (số 32), phải đưa môn Truyền Giáo Học vào môn Giáo Hội Học. Nói cách khác, quan niệm “các miền truyền giáo” đã thay đổi từ khi các nước thuộc địa đã dành lại độc lập. Trước đó chính trong Giáo Hội, người ta thường phân biệt và thường đề cập đến “Giáo Hội mẹ” và “Giáo Hội con” (Eglises Mères, Eglises Filles). Ngày nay, tất cả các giáo hội đều là các “Giáo Hội chị em” (Eglises Soeurs) và tất cả các “Giáo Hội địa phương” (Eglises locales) đều có trách nhiệm về sứ vụ truyền giáo toàn cầu theo tinh thần “Giáo Hội học” của Vaticanô 2.
Đức Thánh Cha rất ý thức về những thay đổi trên, Ngài còn thấy những “khía cạnh tích cực” của những thay đổi. Nhưng Ngài sợ rằng trao phó cho toàn thể Giáo Hội việc rao giảng tin mừng sẽ làm thiệt hại cho sự cấp bách rao giảng của sứ vụ truyền giáo đặc biệt của Giáo Hội. Ngài nhận thấy có một sự dè dặt nào đó trong việc sử dụng từ ngữ “miền truyền giáo” (missions) và từ ngữ “các nhà truyền giáo” (missionnaires), các từ ngữ này coi như đã lỗi thời và mang những âm hưởng lịch sử có tính tiêu cực, hình như người ta thích dùng từ ngữ “sứ vụ” (mission, ở số ít) và tĩnh từ “truyền giáo” (missionnaire, ở số ít) để nói lên tính chất của mọi hoạt động trong Giáo Hội (số 32). Vì thế, Đức Thánh Cha, tuy không bỏ hẳn từ ngữ “loan báo Tin Mừng” (évangélisation), chúng ta thấy ngài thường dùng từ ngữ “Ad Gentes” - “truyền giáo cho muôn dân”. Như thế sứ vụ truyền giáo “Ad Gentes” vẫn còn có giá trị. “... khi nói rằng tất cả mọi người Công giáo phải là nhà truyền giáo, điều đó không loại trừ, nhưng ngược lại càng đòi hỏi phải có các “nhà truyền giáo dành trọn cuộc đời để đến với muôn dân” do một ơn gọi chuyên biệt” (số 32).
Trong sứ vụ truyền giáo duy nhất của Giáo Hội, Thông điệp phân biệt ba tình trạng truyền giáo khác nhau, cho dù ranh giới giữa ba hoàn cảnh không rõ ràng.
- - Trước hết, đó là tình trạng mà hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm tới : các dân tộc, các nhóm người, các bối cảnh văn hoá xã hội chưa biết tới Đức Kitô và Tin Mừng của Người, hoặc đó là những nơi không có các cộng đồng Kitô hữu đủ vững mạnh để có thể hội nhập đức tin vào môi trường của mình, và loan báo đức tin cho những nhóm người khác. Đó là sứ vụ đến với muôn dân đúng nghĩa.
- - Tiếp đến, có những cộng đoàn Kitô hữu có một cơ cấu Giáo Hội vững mạnh và thích ứng được về đức tin và đời sống nhiệt tâm, những cộng đoàn này làm chứng cho Tin Mừng một cách rạng rỡ trong môi trường của mình, họ ý thức về nghĩa vụ truyền giáo phổ quát. Trong các cộng đoàn này có hoạt động mục vụ của Giáo Hội.
- - Sau hết là một tình trạng trung gian, nhất là trong các quốc gia có truyền thống Kitô giáo kỳ cựu, hoặc đôi khi ngay trong các Giáo Hội trẻ trung hơn. Ở đây, có cả từng nhóm những người đã lãnh Bí tích Thánh tẩy, nhưng đã đánh mất cảm quan về một đức tin sống động, hoặc đi đến chỗ không còn nhìn nhận mình là phần tử của Giáo Hội nữa, họ sống xa rời Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Trong trường hợp này, cần phải có một “cuộc loan báo Tin Mừng mới” hoặc “một cuộc tái loan báo Tin Mừng" (số 33)
Tuy tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh, các ranh giới của các vùng truyền giáo thay đổi liên tục, nhiều miền truyền giáo mới xuất hiện mà chúng ta không thể định vị trí theo chiều kích không gian, Đức Thánh Cha vẫn thích giữ lại cái “tiêu chuẩn địa lý” (critère géographique) để nói lên sứ vụ đặc biệt cho việc truyền giáo cho muôn dân. Lục địa Á Châu, với dân số lớn nhất thế giới, với số Kitô hữu ít ỏi là ưu tiên của mọi ưu tiên (số 37).
Đức Thánh Cha lưu ý đến những nơi, những nước vẫn còn là những “lãnh thổ truyền giáo” (terres de mission), vì thế phải cần đến những ơn gọi đặc biệt cho công việc truyền giáo ở những nơi đó.
Đức Thánh Cha nhắc đến những người đầu tiên chịu trách nhiệm về hoạt động truyền giáo, trước hết là Đức Giáo Hoàng, sau là các giám mục, các linh mục kế đến là tất cả các giáo dân, đặc biệt Đức Thánh Cha đề cập đến vai trò của các giáo lý viên (số 73)
Trong lúc Đức Thánh Cha động viên toàn Giáo Hội phải có tinh thần truyền giáo, Ngài khuyến khích và duy trì “ơn gọi truyền giáo” như là một “ơn gọi đặc biệt” trong Giáo Hội (số 65). Vì thế Ngài tha thiết kêu gọi các Hiệp Hội Truyền Giáo, các Dòng Tu Nam Nữ hãy hăng say, hãy có óc sáng tạo, hãy trung thành với đoàn sủng nguyên khởi của mình trong việc truyền giáo (số 66) Đức Thánh Cha cũng không quên tỏ lòng biết ơn và cảm phục đối với “các linh mục các tu sĩ nam nữ và giáo dân” vì lòng nhiệt thành của họ (số 60) Đức Thánh Cha mong muốn duy trì và khuyến khích kinh nghiệm của các Linh mục Fidei Donum, do Đức Thánh Cha Piô XII khởi xướng.
III. NHỮNG MÔI TRƯỜNG MỚI CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO.
Những chân trời của cánh đồng truyền giáo, trước ngưỡng cửa của năm 2000 thật lớn lao nếu chỉ đề cập đến khía cạnh địa dư. Nhờ những phương tiện truyền thông có tầm vóc toàn cầu, Tin Mừng đã được loan báo “đến tận cùng trái đất”. Nhưng sự tăng trưởng dân số toàn cầu, nhất là ở phía nam và phía đông làm cho nhiều người vẫn không biết đến Kitô giáo. (số 40). “Nhiều dân tộc mới đang bước vào sân khấu thế giới và chính họ cũng có quyền đón nhận lời loan báo ơn cứu độ” (số 40).
Vừa chú tâm đến “những lãnh thổ truyền giáo” (aires géographiques), nhưng Đức Thánh Cha vừa có một cái nhìn rất sâu sắc và thực tiễn về sự phức tạp của thế giới hiện nay, vì thế Thông điệp rất dè dặt khi phải xác định những “lãnh thổ truyền giáo” theo nghĩa địa dư.
Chương 5 nhận định về những lãnh vực con người, xã hội, văn hoá, chính trị v.v. vừa là những trở ngại vừa là những cơ may cho sứ vụ truyền giáo.
Làm sao Giáo Hội không thể không quan tâm đến hiện tượng các “đô thị khổng lồ” (Mégapoles) của thế giới hiện đại, ở đó, cả triệu người sống chen chúc trong tình trạng “vô danh” (Anonymat) (số 37).
Sứ vụ truyền giáo phải quan tâm đến những thành phố lớn, ở đó con người có những tập quán mới, những suy tư, những văn hoá mới. Những hình thức này lại ảnh hưởng trên toàn bộ dân chúng. “Tương lai của những dân tộc non trẻ đang thành hình trong các đô thị” (số 37).
- - Sứ vụ truyền giáo phải quan tâm đến giới trẻ, vì “tại một số quốc gia, họ chiếm hơn nửa dân số ... họ là tương lai của các lục địa”. Vì “các phương tiện Mục vụ thôn thường không còn đủ nữa ... phải có những Hiệp Hội (Associations) những Tổ Chức các nhóm và các trung tâm giới trẻ ... phải có các Phong Trào hiện đại của Giáo Hội (Mouvements ecclésiaux modernes)”. Khi đề cập đến các phong trào hiện đại của Giáo Hội, chúng ta có thể hiểu Đức Thánh Cha muốn nói đến các “Phong trào Thánh Linh” (Mouvements charismatiques), hoặc các “phong trào Phúc Âm” (Mouve-ments Évangéliques).
- - Điều đáng lưu ý là trong Thông điệp, Đức Thánh Cha đã chính thức công nhận và tín nhiệm Các cộng đoàn Giáo Hội cơ bản (Communautés de base) là sức mạnh loan báo Tin Mừng (số 51)
- - Trong những hiện tượng xã hội của thời đại “thảm hại và hấp dẫn” của chúng ta, Thông điệp quan tâm đến số phận của cả triệu người nghèo là đã lấy lại những lời của Hội nghị các Giám mục Châu Mỹ La tinh tại Puebla : “Giáo Hội trong toàn thế giới muốn là một Giáo Hội của những ngưòi nghèo” (số 60). Nhưng chúng ta đừng quên điều này, Đức Thánh Cha luôn nhắc đến và đề cao việc ưu tiên của sứ vụ truyền giáo không phải là làm cho con người bớt khổ về vật chất, nhưng làm cho con người thăng tiến về mặt thiêng liêng “Sứ vụ của Giáo Hội không phải là trực tiếp hành động trên bình diện kinh tế, kỹ thuật, chính trị hoặc đóng góp vật chất cho việc phát triển, nhưng sứ vụ đó thiết yếu hệ tại việc mang lại cho các dân tộc không phải cái “sở hữu nhiều hơn” nhưng là cái “hiện hữu tốt hơn”, bằng cách dùng Tin Mừng làm thức tỉnh lương tâm” (số 58).
- - Thế giới thông tin là một lãnh thổ truyền giáo của Giáo Hội trong thời đại chúng ta. Nhưng Giáo Hội phải gạt bỏ não trạng chỉ biết lợi dụng những phương tiện truyền thông, nhưng phải coi những phương tiện này là “một nền văn hoá mới”. Phải sử dụng những phương tiện truyền thông để rao giảng Tin mừng và đem sứ điệp Tin Mừng vào nền “văn hoá mới” (số 37).
- - Nếu Giáo Hội muốn rao giảng Tin Mừng cho những con người thời đại chúng ta, Giáo Hội không thể quên những “Aêrôpagô hiện đại” là những phong trào đấu tranh cho hoà bình, phát triển, nhân quyền, thăng tiến phụ nữ, trẻ em, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, các tổ chức quốc tế. Vì thế mà Giáo Hội muốn có mặt, có đại diện, có tiếng nói trong các tổ chức quốc tế. Ví dụ tại Liên Hiệp Quốc.
Liên quan đến truyền thông, Thông điệp không thể nào không nói tới Hội nhập văn hoá là một vấn đề lớn của việc truyền giáo ngày nay. Thông điệp trong chương 5 dành ba số (52,53,54) để nói về “làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hoá các dân tộc”.
Hội nhập văn hoá thường được hiểu là làm cho Tin mừng nhập thể vào các nền văn hoá được thành hình ngoài Kitô giáo, nhưng chúng ta nên lưu ý hội nhập văn hoá ngày nay cũng phải làm cho Tin Mừng nhập thể vào những “Aêrôpagô” mới của nền văn hoá Âu Châu.
Làm cho Tin Mừng thấm nhuần vào những văn hoá vừa mới thành hình là một vấn đề nan giải cho việc rao giảng của thời đại chúng ta. Thông điệp nhắc lại hai nguyên tắc không thể chối bỏ : “Sự tương hợp với Tin Mừng và sự hiệp thông với Giáo Hội phổ quát” (số 54).
Nhìn thoáng qua và trên lý thuyết, hội nhập văn hoá là một việc làm hết sức hấp dẫn nhưng một khi phải áp dụng những nguyên tắc trên vào một văn hoá cụ thể, chúng ta thấy xuất hiện nhiều cạm bẫy. Làm thế nào để tránh khỏi sự “tha hoá của Tin Mừng” trong một nền văn hoá và sự “đánh giá quá cao” của một nền văn hoá có thể làm cho Tin Mừng bị biến chất hoàn toàn. (số 54). Nếu nhìn lại lịch sử của việc rao giảng Tin Mừng, hơi tiếc là Thông điệp không đề cập đến cái “Quyền có thể sai lầm” (Droit de l’erreur) mà các nhà truyền giáo đôi khi đã vấp phải. Dù sao Thông điệp đã khôn ngoan nhắc lại rằng : “Hội nhập văn hoá phải là công việc của tất cả Dân Thiên Chúa chứ không phải chỉ là công việc của một vài nhà chuyên môn” (số 54)
IV. TẠM KẾT :
Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” thật sự là Hiến Chương của sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội cho thời đại chúng ta, cho Thiên niên kỷ thứ ba. Thông điệp đã nêu ra những nguyên tắc căn bản về tín lý. 25 năm sau Sắc lệnh “Ad Gentes” của Công đồng Vaticanô 2, Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” là một bằng chứng về việc đón nhận các giáo huấn của Công đồng và đem ra thực hành. Thông điệp không những mời gọi tất cả mọi Kitô hữu phải ý thức về trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, phát xuất từ Bí tích Rửa tội, Thông điệp còn trình bày cho chúng ta thấy rõ thực tại của thế giới hiện đại. Đức Thánh Cha, trong suốt Thông điệp, muốn truyền lại cho chúng ta điều mà ngài thường nhắc đến : sự phấn khởi của đức tin (enthousiasme de la foi)
“Niềm tin càng vững mạnh khi đem chia sẻ !” (số 2)
“Đối với câu hỏi : Tại sao phải truyền giáo ? Thì nhờ niềm tin và kinh nghiệm của Giáo Hội, chúng tôi xin trả lời rằng sự giải phóng đích thực là đón nhận tình yêu của Đức Kitô ... Truyền giáo là một vấn đề của niềm tin, đó thực là thước đo niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô và vào Tình yêu Người dành cho chúng ta” (số 11)
Bài này được viết dựa trên Tác phẩm :
LA MISSION DU CHRIST RÉDEMPTEUR
Lettre Encyclique De Jean Paul II
Introduction de Claude Geffré O.P
Les Editions du Cerf - 1992