Gợi ý suy chiêm Tin Mừng
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa 13/01/2014
XIN TRỞ NÊN CON YÊU DẤU
CỦA CHÚA
Mt 3,13-17
I. NHẬP NGUYỆN
Sau khi đã chọn những điều kiện tốt nhất, định tâm, nhận diện ra Chúa đang ở trước mặt mình, giờ đây, mời bạn cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn biết cầu nguyện trong giờ cầu nguyện này, và xin Ngài ban cho bạn ơn xin sau:
Xin Chúa giúp sức và ban cho con sức mạnh của Ngài, để con thực sự biết sống xứng đáng hồng ân Bí Tích Rửa Tội mà con đã lãnh nhận: trở nên người con ngoan, con yêu dấu của Chúa trước mặt anh chị em con.
II. SUY CHIÊM
Đọc Tin Mừng Mt 3,13-17 Sau đó suy theo từng điểm sau:
(Mỗi điểm chúng ta đi theo ba bước:
Đọc kỹ- Suy sâu- Cầu xin).
Các điểm suy chiêm:
1. “ Nhưng ông một mực can ngăn Người và nói” Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (c.14)
a. Đọc kỹ ( 3 lần),
b. Suy sâu theo các câu hỏi gợi ý:
Gioan Tẩy Giả thật ngạc nhiên và đặt vấn đề với Chúa Giêsu khi Ngài đến gặp ông để xin ông làm phép rửa cho Ngài.
- Tại sao Gioan lại ngạc nhiên như thế? Phải chăng vì Gioan đã biết rõ Đức Giêsu là ai ? Có phải Gioan đã từng rao giảng, giới thiệu về Đức Giêsu “ Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh ăn năn sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” ( Mt 3,11) và đó là Đấng đến sẽ xét xử nghiêm khắc con người ( x. Mt 3,12) và “ Chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” ( c.14)
- Gioan ngạc nhiên, đặt vấn đề với Đức Giêsu vì việc Chúa Giêsu chịu phép rửa từ ông đã làm cho ông bối rối, do chính ông cũng không hiểu tại sao một Đấng quyền thế hơn ông, Người mà ông không đáng xách dép, Người sẽ làm phép rửa cho dân trong Thánh Thần và lửa lại muốn đồng hạng với bao nhiêu con người tội lỗi. Thiên Chúa dường như đang muốn đảo ngược mọi vấn đề mà ông rao giảng, trái ngược với những mong đợi của ông? Nên vì thế ông mới muốn nổi loạn vì ý định của Chúa Giêsu?
- Điều này cho tôi thấy điều gì? Đứng trước ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, trước những kế hoạch của Thiên Chúa trong đời mình, đặc biệt với những điều trái ngược với điều tôi mong muốn, suy nghĩ…tôi cũng như Gioan: muốn nổi loạn, không muốn chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời của tôi? Hay tôi ngoan ngoãn để từ từ nghe được thông điệp của Chúa trên những biến cố, sự kiện, vấn đề trái ngược với những gì tôi suy nghĩ?
- Hãy xem tôi có thái độ nào…và lặng thinh để nghe Chúa nói, dạy cho tôi những điều cần thiết để chấp nhận thánh ý Chúa trên cuộc đời của tôi.
c. Cầu xin:
Tâm sự với Chúa tâm tình bạn đang có.
2. “ Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người” ( c. 15)
a. Đọc kỹ ( 3 lần),
b. Suy sâu theo các câu hỏi gợi ý sau:
- “ Đức công chính” và để giữ trọn đức công chính” mà Đức Giêsu nói ở đây được hiểu như thế nào?
Đức công chính, được hiểu là việc con người ý thức sâu sắc về tính siêu việt và thánh thiện của Thiên Chúa và sẵn sàng đáp lại chính xác trọn ý muốn của Thiên Chúa. Và hành động của con người luôn là phản ảnh ý muốn của Thiên Chúa.
Đối với người Do Thái, muốn nên công chính, họ phải lãnh nhận phép rửa của Gioan, một nghi thức biểu lộ sự thống hối ăn năn, biểu lộ ước muốn quay trở về với Giavê và sống trung thành với những đòi hỏi của Giao ước.
- Nếu Đức Giêsu là Đấng vô tội, tại sao Ngài lại muốn để Gioan làm phép rửa, cúi xuống để nhận lãnh phép rửa sám hối? Phải chăng Ngài muốn đồng hóa mình với những con người tội lỗi và liên đới với họ? Hay Đức Giêsu muốn đồng hóa mình với tội- nhân- hối- cải khi nhận lãnh phép rửa này?
Đức Giêsu phải thực hiện sự sám hối này với tư cách là đại diện cho toàn thể nhân loại. Để làm gì? Để con người, toàn thể nhân loại được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa.
- Như thế, muốn nên công chính, con người phải biết sám hối trước những lầm lỗi của mình, và phải biến đổi mình thành con người mới ( x. Ep 4,24; Cl 3,10), sống đúng bản chất thánh thiện và cao cả mà Thiên Chúa đã tạo dựng và phú ban. Nhìn lại mình, tôi thực sự xem mình là công chính hay chưa? Tại sao tôi vẫn chưa sống công chính trước Chúa? Những gì còn ngăn cản tôi, khiến tôi không dám nhìn nhận con người lỗi tội của mình, để tôi biết sám hối và quyết tâm biến đổi mình trở thành con người mới?
“Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người”. Nghĩa là, sau khi nghe Đức Giêsu trả lời, Gioan mới làm phép rửa cho Đức Giêsu. Ông đã phải tự xóa mình, thay đổi cái nhìn hiếu thắng, quan niệm về Đấng Messia trước đây của mình và thi hành ý muốn của Đức Giêsu.
- Phần tôi, trước những điều xem ra là “ khó nuốt”, tôi có sức để xóa mình, thay đổi lối nhìn để thay vào đó cái nhìn mà Thiên Chúa muốn trong những sự kiện của đời tôi hay không?
c. Cầu xin:
Hãy thinh lặng, lắng nghe tiếng Chúa nói với mình, rồi thưa chuyện cùng Chúa.
3. “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán”Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” ( c. 16- 17)
a. Đọc kỹ ( 3 lần),
b. Suy sâu theo các câu hỏi gợi ý sau:
Câu 17 đang diễn tả cuộc Hiển Linh của Thiên Chúa đến với con người “ tầng trời mở ra” –“ Thần Khí đáp xuống”- “ tiếng từ trời phán “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”
- Tiếng từ trời phán ra cho con người thấy Đức Giêsu, Người vừa chịu phép rửa, vừa ở dưới nước lên- , Đấng vâng phục Thiên Chúa, Đấng đứng về phía con người tội lỗi, Ngài là ai? Ngài có phải là Con yêu dấu của Thiên Chúa? Dù Người đứng về phía con người tội lỗi, nhưng tương quan của Người với Chúa Cha có bị tội lỗi làm gãy đổ?
- Tiếng từ trời phán “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” cho thấy Chúa Cha yêu Đức Giêsu bằng một tình yêu như thế nào? Và hài lòng về cách thức, sự vâng phục của Đức Giêsu đã thực hiện?
- Sự hiện diện của Thần Khí bên cạnh tiếng nói từ trời phán ra trong phép rửa cho chúng ta thấy điều gì? Phải chăng đó là một cuộc tấn phong Đức Giêsu để Ngài trở thành Đấng Messia?
- Khi tôi được chịu Phép Rửa, tôi cũng đã được trở nên con yêu dấu của Thiên Chúa, tôi được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt và được lãnh nhận Thần Khí. Nhưng nhìn lại đời sống, cách thức tôi đã sống: tôi đã thực sự sống xứng đáng là con cái của Thiên Chúa hay không? Nếu tôi chưa sống xứng đáng là con Chúa, tại sao? Tôi cần phải điều chỉnh những gì để trở thành người con yêu dấu của Thiên Chúa?
c. Cầu xin
Hãy thinh lặng, cố gắng lắng nghe tiếng Chúa nói với mình, rồi thưa chuyện cùng Chúa.
III. KẾT NGUYỆN
− Tâm sự cùng Chúa Giêsu theo tâm tình bạn đang có ( Tạ ơn hoặc xin lỗi Chúa…)
− Đọc lại đoạn Lời Chúa Mt 3,13-17 hoặc hát một bài phù hợp
Nt T. Ngọc Lễ,O.P