SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ
TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN
LỜI CHÚA: Mc 1,
29-39
(29) Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Ðức Giêsu đi đến nhà hai
ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. (30)
Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói
cho Người biết tình trạng của bà. (31) Người lại gần, cầm lấy tay bà
mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
(32) Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và
những ai bị quỷ ám đến cho Người. (33) Cả thành xúm lại trước cửa. (34)
Ðức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng
không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
(35) Sáng sớm,
lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở
đó. (36) Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. (37) Khi
gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" (38)
Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh,
để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." (39)
Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ
quỷ.
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay nằm
trong trình thuật về một ngày của Chúa Giêsu tại Caphacnaum. Trong trình thuật
này chúng ta sẽ biết rõ những công việc, lời nói, hành vi cụ thể... của Chúa
Giêsu trong một ngày sống bình thường như thế nào ?.
Trong câu 29, thánh sử
viết : “Vừa ra khỏi hội đường... một nơi người Do Thái dùng để cầu nguyện, nghe
đọc Lời Chúa và cách giải nghĩa Lời Chúa của các kinh sư và luật sĩ hay những
người nam đã trưởng thành. Sau khi được bổ dưỡng tinh thần, Chúa Giêsu liền đi
đến nhà ông Simon và Anrê, có ông Giacôbê và Gioan đi cùng (x.c.29b). Đây là bộ
4 luôn có mặt tại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Họ
chứng kiến nhiều phép lạ cả thể và đặc biệt ở đây, họ đã thấy một người thân
của họ được chữa lành: “Bà mẹ vợ ông Simon lên cơn sốt, nằm trên giường” và “lập
tức, họ nói cho Chúa Giêsu biết tình trạng của bà...” (c. 30). Chỉ là một cơn
sốt nhưng do bởi lòng tin vào Tình Yêu và quyền năng của thầy mình, họ nói với
Chúa Giêsu về căn bệnh của bà, mong Người chữa lành và Người đã đáp ứng đòi hỏi
đó bằng hành động : “lại gần, cầm tay, đỡ dậy” (c. 31a). Đây là cử chỉ Chúa
Giêsu thường làm khi Ngài cho kẻ chết sống lại hoặc như muốn truyền sức sống cho
người sắp chết. Đây cũng là một hành động bày tỏ uy quyền của Thiên Chúa đối
với thể xác con người. Cử chỉ của Chúa Giêsu đã đưa tới hiệu quả tức thời : “cơn
sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài” (31b). “Cơn sốt dứt” như là lời đáp trả về
quyền năng của Thiên Chúa đã chiến thắng trên sự chết và bệnh tật, còn “ bà
phục vụ như một lời tạ ơn mà con người cần phải có khi nhận ra Tình yêu quyền
năng của Thiên Chúa.
Một buổi sáng sau khi cầu
nguyện và đọc sách thành, Chúa Giêsu đã thực hiện công việc bác ái đối với
người thân của môn đệ mình. Còn ở câu 32 miêu tả cảnh chiều tối, lúc mặt trời
đã lặn; thì Chúa Giêsu đã làm gì ? Chúng ta nghe tiếp “người ta đem mọi kẻ ốm
đau, bị quỷ ám đến cho Người”. Chỉ vỏn vẹn trong một câu mà thánh sử đã khẳng
định cho chúng ta về cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu trên quyền lực ác thần,
bệnh của thể xác và bệnh trong tâm hồn. Đây là tính cách Mêsia của Người. Người
đến để giải phóng con người khỏi gông cùm của tội lỗi hay trói buộc của ma quỷ.
Ngài đến để con người được tự do, tự do đi vào đường lối của Thiên Chúa và thực
thi ý Chúa. Sau khi trừ quỷ, Chúa Giêsu không cho chúng nói về danh phận của
mình (x. c.34). Vì sao thế? Có lẽ vì thời đó, người Do Thái quan niệm về Đấng
Mêsia theo lẽ trần tục là : Đấng Mêsia sẽ giải phóng họ khỏi ách độ hộ của đế
quốc Roma. Ý nghĩa này mang tính chính trị, trần gian khác xa với chương trình
cứu độ của Thiên Chúa đã hoạch định về sứ vụ của Đấng Mêsia- Con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không muốn họ hiểu sai về ý nghĩa và mục đích của Thiên Chúa Cha,
nên Người đã cấm đoán quỷ tiết lộ cho dân chúng biết xuất xứ của Người.
Câu 35 là một câu chuẩn
mực cho đời sống tông đồ của chúng ta. Sau mỗi lần làm phép lạ hoặc chữa
lành.... “Người đều lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện”. Đây là tâm điểm và
là đỉnh cao trong đời sống hoạt đọng công khai của Chúa Giêsu. Ngài luôn nối
kết với Cha trong công việc, lời nói, đến nỗi Ngài nói : “Ta và Cha Ta là một”
(Ga 10 ,30). Ngài không đi tìm vinh quang cho mình nhưng luôn “làm cho danh Cha
rạng sáng”. Ngài không để mình bị chìm khuất trong lời ca tụng của trần gian,
nhưng luôn tìm ý Cha để thực hiện “ lương thực của Ta là làm theo ý Cha Ta”. Và
điều này đã được chứng minh trong các câu 36,37,38: “Các môn đệ đi tìm Chúa, họ
thưa : Mọi người đang tìm Thầy”. Họ tìm vì họ muốn có một vị vua làm phép lạ để
đời họ được sung sướng theo kiểu trần thế, vật chất. Họ tìm một vị vua sẽ làm
thỏa mãn các nhu cầu của họ. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời : Hãy đi đến nơi
khác.... vì Thầy đến để làm việc đó”. Một sự dứt khoát, cắt đứt mọi dây dưa
vinh quang trần thế, mà chỉ chuyên chăm vào sứ vụ được trao, thực hiện chương
trình cứu độ của Chúa Cha mà thôi.
Lạy Chúa, ngày nay chúng con cũng làm những công việc tông đồ
, bác ái. Chúng con là những linh mục, tu sĩ, giáo dân nữa... Nhưng nhiều lúc
chúng con mãi tìm thành công, kết quả thật tốt, những hào nhoáng bên ngoài mà
quên mất chăm lo đời sống cầu nguyện, kết hợp với Chúa. Xin Chúa giúp chúng con
luôn trở lại với Chúa mỗi ngày qua Thánh lễ, chầu Thánh Thể, đọc Lời Chúa để
những gì mà chúng con kín múc được từ bàn tiệc ấy, trở thành nguồn lương thực
nuôi sống chúng con trên bước đường loan báo Tin Mừng Nước Chúa. Amen.
Nữ
Tỳ Thánh Thể