Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

HỘI NHẬP TIN MỪNG VÀO VĂN HÓA

CON ĐƯỜNG KHỔ ẢI

 

Linh Mục Giuse Trịnh Tín Ý

 

DSC_5806_Small_680.jpg“Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa”[1]. Và do những gãy đổ trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với nhau, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người bị méo mó. Nhưng dù phai lạt hình ảnh Thiên Chúa, con người vẫn còn đó nét cao đẹp phản ảnh Thiên Chúa. Nét cao đẹp này là tâm chất, thiện căn của con người hòa nhập với nhau, toát ra phong cách sống, hình thành nề nếp, phong tục, trở nên các giá trị được xã hội chọn lựa. Đó là văn hóa. Đức Giêsu làm người đã nhận lấy một gia đình, làm con cháu trong một dòng họ, hòa mình giữa dân tộc, tháp nhập vào một nền văn hóa. Nói khác Đức Giêsu đã hội nhập vào một nền văn hóa và giảng dạy Tin Mừng Cứu Độ qua một nền văn hóa. Theo mẫu hội nhập văn hóa của Người, Giáo Hội đòi chúng ta hội nhập văn hóa để loan báo Tin Mừng đến các nền văn hóa.

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, khi dọc ngang khắp những nẻo đường truyền giáo, Thánh Phaolô đã xác nhận, “Với người Do Thái, tôi đã trở nên Do Thái, để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật... Để chinh phục những người sống theo Lề Luật”[2]. Không phải vì lợi ích rao giảng, Phaolô chỉ muốn cải trang để thay đổi hời hợt một nếp sống kiểu đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy! Nhưng Phaolô muốn hội nhập tận căn như Huấn Thị Đi Tìm Đường Hướng Mục Vụ Cho Văn Hoá (ĐTHMV) của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Hóa giải thích: “Vấn đề là Phúc Âm hóa Văn hóa và các nền văn hóa của con người (không phải chỉ hời hợt theo kiểu trang trí hoặc như một lớp dầu bóng bên ngoài, nhưng còn sống chết biến đổi tận gốc rễ)”. Theo nghĩa rộng và phong phú của từ ngữ Phúc Âm hóa được đề cập trong Hiến chế Gaudium et Spes, Phúc Âm hóa bao giờ cũng lấy con người làm khởi điểm và luôn trở về với các mối tương quan của con người với nhau và với Thiên Chúa. Trong Thông Điệp Redemptoris Missio, Đức Gioan Phaolô II cũng xác định, hội nhập văn hóa là “biến đổi sâu đậm những giá trị văn hóa chân thực nhờ hội nhập các giá trị. Trong đường hướng mục vụ về văn hóa, quan trọng là làm sao khôi phục con người toàn vẹn vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa[3] bằng cách kéo họ ra khỏi cơn cám dỗ lấy mình làm tâm, khi thấy mình hoàn toàn độc lập với Đấng Tạo Dựng”. Lời khẳng định này như đã tiên đoán những thách thức cam go của cuộc loan báo Tin Mừng giữa dòng hội nhập khi đối diện với những nền văn hóa.

Có thể nói, đường đi loan báo Tin Mừng đúng là đường vào hội nhập văn hóa. Trên đường hội nhập, Tin Mừng có thể gặp những con người lấy mình làm tâm, thấy mình hoàn toàn độc lập với Đấng Tạo Dựng[4]. Giữa môi trường văn hóa, người loan báo Tin Mừng có thể nóng lòng hội nhập, muốn tránh va vấp, sợ mích lòng người nên đành nhượng bộ nề nếp văn hóa, chịu sứt mẻ bản chất Kitô Giáo. Nhiều trường hợp người rao giảng còn thừa nhận chủ trương tương đối hóa Tin Mừng, hoài nghi quyền năng và nội dung Lời Chúa. Như thế “cần chuẩn bị kỹ để cuộc đối thoại (với văn hóa) không làm suy yếu lòng mình gắn bó với Đức Tin”[5]. Khởi từ Lời Chúa, từ giáo huấn của Giáo Hội và kinh nghiệm của các nhà loan báo Tin Mừng, chúng ta đi tìm một nẻo hội nhập trong môi trường văn hóa Việt Nam hôm nay.

I/ Loan báo Tin Mừng cho các nền văn hóa

“Hãy đi khỏi xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất ta sẽ chỉ cho ngươi”[6]. Abraham được lệnh ra đi đến một vùng trời khác, một mảnh đất khác, nghĩa là Thiên Chúa muốn ông đoạn giao với nền văn hóa xưa cũ đã băng hoại do lầm lỗi của con người, “Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen làm hồ. Họ nói, ‘Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất’”. Đây là nền văn hóa “tường gạch” (St 11,3) lấy mình làm tâm, thấy mình hoàn toàn độc lập với Đấng Tạo Dựng[7]. Sáng Thế đã dùng kiểu nói rất tượng hình ‘làm xáo trộn tiếng nói’ để làm dở dang kế hoạch của xã hội loài người tự mãn, chối từ Chúa. Nói khác, Thiên Chúa đã hội nhập văn hóa để giáo hóa con người. “Đây tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng... Nào ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa”[8].

Và suốt dòng lịch sử Dân Chúa “Lịch sử Giao Ước cũng chính là lịch sử của việc khai sinh một nền văn hóa mà chính Thiên Chúa đã khơi nguồn trong Dân Ngài”[9]. Thuở đầu, với trình độ chẳng hơn gì dân Ninivê ‘không phân biệt tay trái với tay phải’[10], nhóm dân bé nhỏ lang thang đi tìm “Đất Hứa”, dân sống nền văn hóa du mục, nền văn hóa mang tính bảo tồn nòi giống trước kẻ thù là bệnh tật, hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên và những bất trắc trên đường hành trình, nên bàng bạc trong sách Lêvi, Đệ Nhị Luật những hướng dẫn trần trụi về vệ sinh, y tế, trao đổi hàng hóa, lương thực. Sau nền văn hóa du mục là văn hóa chiến tranh với nét đặc trưng “mắt thay mắt, răng đền răng”. Những năm tháng thời chiến còn để dấu vết tương tàn không chỉ về cơ sở vật chất nhưng còn ngay trên tương giao con người. Trong một hoàn cảnh chinh chiến cụ thể, với tầm hiểu thiển cận, luật tương giao đành dừng lại mức độ “mắt thay mắt, răng đền răng”. Nghĩa là đạo lý tình thương còn bị bó hẹp trong nền văn hóa không cao hơn ngọn lau! Dần dần nền văn hóa tình thương tỏ dạng như một bình minh mới cho Dân Chúa. Nền văn hóa tình thương được khẳng định từ ngày người dân đủ tầm với tới mức “yêu anh em như chính mình”. Nền văn hóa này sẽ nở hoa với Tin Mừng của Đức Kitô: “Anh em hãy yêu nhau như Thày yêu thương anh em” và Thày đã liều mạng vì anh em.

1/ Thánh Kinh, con đường hội nhập văn hóa

Kinh Thánh là phương tiện Thiên Chúa muốn và đã sử dụng để tự mạc khải mình, nên đã được nâng lên một bình diện vượt trên cả văn hóa[11]. Nếu ngôn ngữ được coi là sản phẩm đắc dụng của mọi nền văn hóa, Thánh Kinh chuyển tải Lời Chúa qua ngôn ngữ trong văn hóa. “Để biên soạn các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người, nhưng khi được Thiên Chúa dùng để làm công việc này, họ vẫn được tận dụng mọi khả năng và tài sức của họ”[12]. “Lời Thiên Chúa được diễn tả trong lời con người, hoàn toàn giống như ngôn ngữ của loài người”[13]. Trong một nền văn hóa, ngôn ngữ không chỉ mang ý nghĩa văn từ nhưng qua văn từ, kiểu thức diễn tả, bối cảnh văn hóa, xã hội, người đọc còn khám phá thấy nội dung người viết muốn diễn đạt theo ánh sáng Thiên Chúa soi dẫn. Ở đây văn hóa trở thành chiếc đò độ người vượt bến mê về cõi giác.

Thực tế với công trình chuyển dịch Thánh Kinh sang Việt Ngữ, tại Việt Nam trước khi Dei Verbum ra đời, đã có hai bản dịch Thánh Kinh trọn bộ do các tác giả Công Giáo thực hiện: Bản dịch của Cố Chính Linh xuất bản năm 1913 và bản phỏng dịch Thánh Kinh của Linh Mục Gérard Gagnon (CSsR) xuất bản năm 1963... Ngoài hai bản dịch toàn bộ Thánh Kinh này còn có những bản dịch một vài phần trong bộ Kinh Thánh của ông Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, của Linh Mục An Sơn Vị, Linh Mục Trần Văn Kiệm; chưa kể những bản dịch của anh em Tin Lành. Trong vòng bốn mươi năm nay, sau khi Dei Verbum ra đời, có bốn bản dịch toàn bộ Thánh Kinh: Bản dịch của Linh Mục Đaminh Trần Đức Huân, dịch từ bản Phổ Thông (La Tinh), xuất bản năm 1970; của Linh Mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR, dịch từ nguyên bản Do Thái, Hy Lạp, Aram, xuất bản năm 1976; của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn xuất bản năm 1985; của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch từ nguyên bản tiếng Do Thái, Hy Lạp, Aram, xuất bản năm 1998. Ngoài ra Ủy Ban Phụng Vụ, Mỹ Thuật và Thánh Nhạc cũng đã dịch các bài đọc trong Phụng Vụ được sử dụng trước 1975[14]. Nhờ những công trình dày công sức đó tín hữu Việt Nam đã quen đọc và thấm nhuần Lời Chúa trong cuộc sống.

Ngoài ra tại Giáo Phận Kon Tum, ngay từ thuở các Linh Mục Thừa Sai, Giáo Phận đã nỗ lực chuyển dịch bản văn Thánh Kinh sang tiếng bản địa. Đáng chú ý nhất là bộ Cựu Ước bằng tiếng Bahnar dày 640 trang và bộ Tân Ước Bahnar 603 trang. Cả hai bộ sách này do công sức của Linh Mục Den (người Bahnar), Cha Marty, Rannou, Bonnet, Clément và được năm yao phu Bahnar cộng tác. Và Giáo Phận còn xuất bản một sách lễ thường ngày (tiếng Bahnar) và bốn Kinh Nguyện Thánh Thể[15]. Nhờ những bộ Thánh Kinh này bằng tiếng bản địa, Lời Chúa thấm đẫm văn hóa Bahnar và in dấu trong lòng người dân bản địa.

Chúng ta thấm cảm “Lời Thiên Chúa được diễn tả trong lời con người, hoàn toàn giống như ngôn ngữ của loài người”[16]. “Sứ điệp Mạc Khải, được khắc ghi trong lịch sử thánh, bao giờ cũng được diễn tả trong phong cách của nền văn hóa, luôn gắn kết với, và trở thành một thành phần trong toàn bộ nền văn hóa ấy. Kinh Thánh, Lời Thiên Chúa được diễn tả trong lời con người, tạo nên một nguyên mẫu cho việc gặp gỡ hiệu quả giữa Lời Thiên Chúa và nền văn hóa”[17]. “Niềm vui và hãnh diện được lắng nghe Lời Chúa trực tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và đáp trả Lời Chúa bằng những lời kinh tiếng hát phù hợp với tinh thần của nền văn hóa chúng ta đã củng cố thêm chân tính của nền văn hóa này, và góp phần thật sự vào cuộc phát triển con người toàn diện. Chúng ta đang đi lại con đường tổ tiên đã đi cách nay ba bốn trăm năm. Là Dân Thiên Chúa trong lòng dân tộc Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam cảm tạ Thiên Chúa vì từ bao đời nay đã được nuôi dưỡng bằng Lời Ban Sự Sống và hằng được nhìn thấy Lời ấy không ngừng trổ sinh hoa trái, đem lại những mùa gặt phong phú dồi dào”[18].

2/ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Nền Văn Hóa

Khi Thày lên trời, Thày đã lệnh cho môn đệ lên đường, “Thày đã được trao quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...”[19]. Thày đã không lệnh cho anh em đến với những con người vô gia đình, vô tổ quốc nhưng đến với “muôn dân”, nói khác đến với những con người cụ thể thuộc về một sắc dân, một nền văn hóa nào đó. Thuở đầu tiếp cận với các nền văn hóa, có vẻ anh em môn đệ bối rối thấy Giáo Hội Sơ Khai trăm hoa đua nở các sắc thái văn hóa: có nơi nam giới nhập Kitô Giáo vẫn phải làm nghi thức cắt bì[20], có giáo đoàn phụ nữ vào giữa cộng đoàn phải mang mạng che mặt. Có nơi anh em nan giải về chế độ nô lệ (Phaolô đã khuyên nô lệ Onêsimo về lại với ông chủ Philêmon) và khắt khe với tương quan vợ chồng: vẫn một xương một thịt như Thày dạy nhưng người vợ xuất giá cứ phải tòng phu: người chồng là đầu của vợ![21]. Nhưng để hoạt động loan báo Tin Mừng hội nhập vào văn hóa nơi môi trường rao giảng, anh em đã nỗ lực vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ, nề nếp gia đình, thói tục xã hội, lập trường chính trị, niềm tin tôn giáo để hòa nhập vào cuộc sống người dân địa phương, để biết “ăn những thứ người ta dọn cho, vào nhà nào hãy ở lại cho tới lúc ra đi...”. Dần dà các môn đệ Đức Kitô với kinh nghiệm dầy dạn, anh em nhìn nhận, “Nhờ hội nhập văn hóa, Giáo Hội làm cho Tin Mừng nhập thể trong các nền văn hóa khác nhau đồng thời cũng đưa các dân tộc cùng với nền văn hóa của họ vào trong cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội chuyển giao cho họ những giá trị riêng của mình, đồng thời cũng thu nhận những yếu tố tốt đẹp đã tồn tại trong các nền văn hóa đó và đổi mới chúng từ bên trong. Về phần mình, nhờ hội nhập văn hóa, Giáo Hội trở nên dấu chỉ sáng tỏ hơn về bản chất của mình, và thành khí cụ thích ứng hơn cho sứ mạng”[22].

Giáo Hội Việt Nam mấy trăm năm hành trình truyền giáo đã không ngừng nỗ lực hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam. Chỉ nói riêng trong lãnh vực ngôn ngữ như biểu tượng cuộc hội nhập văn hóa, chúng ta ngưỡng phục các nhà truyền giáo ban đầu, các ngài cố công khai thông trở ngại lớn nhất cho công trình loan báo Tin Mừng: sự khác biệt ngôn ngữ. Trong những năm đầu tiếp xúc với văn hóa Việt Nam, Linh Mục Thừa Sai Girolomo Majorica (1591-1656) là người đầu tiên có sáng kiến quy tụ xung quanh mình một số giáo dân người Việt giúp ngài biên soạn tài liệu bằng Hán-Nôm để truyền giáo... Thường những người giúp cũng có một số vị am tường nho học. Trong số đó có Thày Phanxicô (-1640)... Một trong những sáng tác chữ Nôm của ông là Phục Dĩ Chí Tôn, giúp cộng đoàn giáo dân ban đầu biết nguyện kinh chung... Trong số những tác phẩm chữ Nôm đáng chú ý nhất Linh Mục Majorica biên soạn là cuốn Các Thánh Truyện Khải Mông. Ngoài ra người ta còn chú ý tới một số tác phẩm chữ Nôm như Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan (1670), năm bia tích tử đạo Hán Nôm (1794-1860) tại Phát Diệm, Tự Vị của Taberd (1838). Đặc biệt Sấm Truyền Ca là cuốn giáo lý Kinh Thánh Cựu Ước được viết tay truyền miệng thể hiện hội nhập tinh thần văn hóa Á Đông”[23]. Về chữ Quốc Ngữ La Tinh hóa. “Trong những nước thuộc khối chữ vuông ngoại vi Trung Hoa, chỉ có Việt Nam là quốc gia duy nhất sáng lập và duy trì chữ Quốc Ngữ La Tinh Hóa... Khi tiếp xúc với Tây Phương qua nhân tố Công Giáo, các nhà truyền giáo sáng tạo chữ Quốc Ngữ La Tinh Hóa và phát triển có phần âm thầm, lẻ loi, xa lánh xã hội, giới hạn trong hoàn cảnh Công Giáo thời cấm cách, đã được phổ cập cho toàn dân qua giáo dục và hành chính, ...”[24]. Những tác phẩm chữ Quốc Ngữ La Tinh Hóa thuở đầu như Dictionarivm Annamiticvm của Linh Mục Đắc Lộ, Dictionarium Anamitico-Latinum Taberd xuất bản, Phép Giảng Tám Ngày...[25]. Hôm nay các nhà nghiên cứu đều đồng tình, Linh Mục Đắc Lộ là người có công đầu trong việc soạn thảo chữ Quốc Ngữ La Tinh Hóa nhưng công trình này còn được nhiều nhà truyền giáo và giáo dân Công Giáo thuở đầu đóng góp, cải tiến, bổ sung. Công trình này đã trải dài mấy trăm năm qua và đang là gia sản quý giá không chỉ cho những công trình truyền giáo nhưng cho cả dân tộc Việt Nam hôm nay.

3/ Kể Chuyện Chúa Giêsu Cho Người Á Châu

“Có người nói lịch sử Giáo Hội chính là lịch sử truyền giáo. Dòng lịch sử nhiều tầng, nhiều màu sắc này, khởi nguồn từ thời Tân Ước, bằng nhiều phương cách đã chứng minh, Giáo Hội từng thông hiểu và thực hiện sứ vụ truyền giáo”... Đức Gioan Phaolô II xác nhận trong Redemptoris Misso (RM) lối nhìn căn bản của Ad Gentes: sứ vụ truyền giáo, là thực tại đơn lẻ nhưng phức tạp và phát triển đa phương. Để tiếp tục cuộc tìm kiếm năng động những phương cách truyền giáo của Giáo Hội thích hợp với một thời điểm và nơi chốn nhất định nào đó, hội nghị này đề nghị một lối hiểu và thực hiện truyền giáo chú trọng trên Truyện Đức Giêsu tại Á Châu”[26]. Đại Hội Về Truyền Giáo Á Châu họp tại Chiang Mai, Thái Lan từ ngày 18 đến 22 tháng 10 năm 2006 đã chọn đề tài Kể Truyện Chúa Giêsu (KTCG). Những điểm nhấn của tài liệu Đại Hội này đáng chúng ta suy nghĩ rất nhiều về cuộc loan báo Tin Mừng cho nền văn hóa Á Châu hôm nay:

Giáo Hội kể truyện Chúa Giêsu bằng cảm nghiệm về Thầy. Câu truyện kể về Giêsu tại Á Châu sẽ thuyết phục hơn nếu kể bằng cảm nghiệm. Ngày nay, thế giới, nhất là Á Châu, tin vào nhân chứng hơn những lời thuyết giảng (Evangelii Nuntiandi). Các tông đồ tiên khởi gốc Á Châu đã nói bằng cảm nghiệm. Họ nói về Lời Sự Sống sau khi chính tai nghe, chính mắt thấy, chính tay sờ chạm[27]. Thiếu cảm nghiệm sâu sắc về Đức Giêsu Cứu Thế, làm sao có thể kể về ngài với sức thuyết phục? Thánh Phaolô chia xẻ: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi; hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”[28]. Kể truyện Giêsu tại vùng đất Á Châu đòi Giáo Hội giao tiếp với Thầy trong cầu nguyện và thờ lạy, tương tác với anh em, đặc biệt là người nghèo, và liên đới với những biến cố tạo nên “dấu chỉ thời đại”.

Truyện về Giêsu biểu tỏ căn tính Giáo Hội giữa người nghèo, giữa các văn hóa và tôn giáo Á Châu. Người kể chuyện Giêsu không thể, không nên che dấu căn tính môn đệ Đấng Cứu Thế. Có điều, liên hệ dằng díu giữa con người, văn hóa, chiều hướng xã hội... tạo nên câu chuyện và bản tính nhân vật. Truyện về Chúa Giêsu kể tại Á Châu luôn liên đới căn tính và truyện kể của các văn hóa, tôn giáo khác. Người kể truyện Giêsu lên tiếng trước tín đồ các tôn giáo khác.

Giáo Hội là tiếng nói của những câu truyện bị dấu nhẹm. Tại mọi phần đất Châu Á, việc che giấu các câu truyện là tình trạng tệ hại diễn ra hàng ngày. Người nghèo đói, những em bé gái bị bán làm nô lệ tình dục, các phụ nữ, di dân, tỵ nạn, dân thiểu số, người bản xứ đang là nạn nhân của nhiều loại bạo động như bạo động trong gia đình, chính trị, sắc tộc, môi trường... Đó mới chỉ là thiểu số so với nhiều truyện bị ém nhẹm. Giáo Hội kể truyện Giêsu, Đấng đã nói nhưng “lời rơi vào tai kẻ điếc”, rồi bị kết án để không thể tiếp tục kể truyện của mình. Vì thế tại Á Châu, Giáo Hội tỏ lòng kính trọng Thầy bằng cách chính mình làm người kể chuyện thay kẻ không có tiếng nói trong xã hội, để lời Thầy vang lên trong chính những câu truyện bị dấu nhẹm kia. Truyện về Giêsu nếu chỉ đem canh giữ như báu vật trong bảo tàng sẽ không trở nên nguồn ban sức sống. Trong Ecclesia In Asia (EAs 19-20,22), Đức Gioan Phaolô II gợi lên thử thách đi tìm lối giảng huấn có thể mang Chúa Giêsu đến gần hơn với dòng tri thức Á Châu. Thử thách này đặc biệt dành cho các nhà thần học. Đức Thánh Cha tin, cũng câu chuyện ấy có thể được kể trong chiều hướng mới và trong ánh sáng tình huống mới.

Giáo Hội lưu giữ ký ức về Đức Giêsu sống động. Tại Á Châu, Giáo Hội kể truyện Giêsu để giữ ký ức về Thầy sống động. Nuôi sống truyện về Thầy, không thể cất dấu truyện trong lãnh địa bất khả xâm phạm. Truyện Giêsu được gìn giữ khi được chia sẻ. Giáo Hội Á Châu sẽ can đảm khám phá những phương cách mới để kể về Thầy, để giữ truyện về Thầy sống động, và trao gửi tiềm lực của truyện đến làm mới các thực tế Á Châu. Giáo Hội Á Châu lên đường khám phá với niềm tin nơi Thánh Linh và lòng trung thành cùng Truyền Thống Giáo Hội hoàn vũ. Nếu bẻ bánh trong Thánh Thể không được cảm nghiệm qua thái độ sẻ chia, quan tâm và hiệp thông, bẻ bánh chỉ còn là lễ nghi thiếu ý nghĩa. Chiếc nhẫn giám mục phải là câu chuyện về một cuộc sống phục vụ cộng đồng, nếu không nhẫn chỉ là trang sức. Hình ảnh một linh mục hiện thân Đức Kitô phải là chuyện đời một con người luôn sẵn sàng đến với anh chị em, nếu không linh mục chỉ còn là tước vị mà không là thiên chức.

Khi tìm về cội rễ truyện Đức Giêsu, Giáo Hội có thể chấn chỉnh những ấn tượng sai lạc về tính vọng ngoại nơi các giáo điều, nghi lễ và biểu trưng (EAs 20). Tìm về cội rễ để không sai lạc, và không kể câu truyện lạ lẫm với chính Thầy. Cộng đồng Kitô Hữu sẽ đánh mất căn tính nếu không kể được câu truyện là chính căn tính của mình. Toàn thể Giáo Hội được mời gọi truyền giáo. Giáo Hội địa phương tại Á Châu cần nhận biết và phát triển những quà tặng được Thánh Linh cảm hứng để đóng góp vào cuộc kể truyện Giêsu. Toàn thể Giáo Hội, hoa trái của cuộc kể truyện Chúa Giêsu, cũng trở thành người kể truyện.

Đức Gioan Phaolô II chia sẻ trong Ecclesia In Asia (EAs), tín hữu chia món quà từ Đức Giêsu không để kết nạp, nhưng vì vâng lời Thiên Chúa, và đó là hành động phục vụ các dân tộc Á Châu (EAs 20). Hãy để câu truyện được nên lời và có sức cảm hóa. Hãy để Thánh Linh gõ cửa trái tim và ký ức người nghe, rồi mời gọi họ thay đổi. Rất nhiều các sắc tộc nghèo khổ của Á Châu sẽ tìm thấy nét đồng cảm và niềm hy vọng trong truyện về Giêsu. Cũng có thể các nền văn hóa khác nhau của Á Châu sẽ chạm phải thử thách trước ý niệm tự do thực sự trong truyện về Thầy. Có thể nhiều tôn giáo khác nhau của Á Châu sẽ ngỡ ngàng trước lòng kính trọng những ai biết tìm Thiên Chúa, kiếm nét thánh thiện thực sự trong truyện về Thầy.

Là người kể truyện của Thánh Linh, Giáo Hội Á Châu sẽ bước vào thế giới và ngôn ngữ của người nghe, và từ giữa anh chị em, kể truyện về Thầy như truyện đã từng được kể ngày Phục Sinh xưa. Tuy nhiên, điều đó cũng là Giáo Hội Á Châu sẽ tìm tiếng Thánh Linh, lắng nghe người nghèo cùng các nền văn hóa và tôn giáo khác nếu muốn lên lời một cách ý nghĩa. Giáo Hội kể truyện phải là Giáo Hội biết lắng nghe[29].II/ Bi kịch hội nhập

Vùng Châu Đốc gần biên giới Việt Nam-Campuchia có loài cây chà là với thân cành rất đẹp. Nhiều nhà đẹp vùng phố thị muốn có cảnh đẹp đi đặt nhà vườn vài ba cây chà là về trồng cho rủ bóng bên thềm. Họ phải trả giá cho mười cây để có được một cây, vì loài chà là quen với khí hậu, thổ nhưỡng biên giới. Về với môi trường phố thị, mười cây chỉ sống một. Đó là bi kịch sinh thái loài cây cỏ. Con người cũng có nỗi buồn tương tự: bi kịch hội nhập văn hóa. Theo lệnh Thiên Chúa “Hãy đi khỏi xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất ta sẽ chỉ cho ngươi”[30], Abraham bỏ quê cha đất tổ, bỏ cha mẹ anh em, đưa vợ và đứa cháu họ (Lot) lên đường đi Canaan. Ông và gia đình dựng lều sống ở đây, nhưng liên tục di dời lều này đến lều khác[31], lang bạt từ Sichem đến Négeb, quá cảnh sang Ai Cập[32] tránh cơn đói rồi về lại Canaan sống ở Bethel[33]. Sau đó gia đình cư ngụ ở Mambré gần Hébron. Sống lang thang du mục, Abraham thấm thía tâm sự làm khách lạ sống cảnh nhập cư[34]. Đời nhập cư của Abraham biểu trưng bi kịch hội nhập văn hóa. Nghe Chúa, ông bỏ lại quá khứ ra đi, đức tin lại đòi ông hội nhập với môi trường nhập cư. Lầm lũi hội nhập với dân bản địa nhưng văn hóa lại muốn chia cắt vì cõi tâm ông luôn hướng về quê cha đất tổ. Đời Abraham lúc nào cũng thấp thoáng thấy mình làm khách lạ trong làng mình. “Lịch sử của dân Thiên Chúa bắt đầu bằng thái độ gắn bó với đức tin, nhưng gắn bó với đức tin cũng là chia cắt với văn hóa...”[35].

Chiều dài của Tin Mừng đi vào một nền văn hóa cũng là chiều dài bi kịch hội nhập. “Việc đoạn giao Tin Mừng với văn hóa chắc chắn là bi kịch của thời đại chúng ta, cũng như từng là bi kịch trong các thời đại khác. Vì thế phải hết sức nỗ lực bảo đảm cho văn hóa hoặc chính xác hơn là các nền văn hóa được Phúc Âm hóa trọn vẹn. Các nền văn hóa ấy cần được tái sinh nhờ gặp gỡ Tin Mừng. Nhưng nếu Tin Mừng không được loan báo, sẽ chẳng có cuộc gặp gỡ này”. Để làm được việc đó, cần phải loan báo Tin Mừng theo ngôn từ và văn hóa của con người”[36].

Ở đây kinh nghiệm loan báo Tin Mừng tại Tây Nguyên đặt ra vấn đề, nếu “loan báo Tin Mừng theo ngôn ngữ và văn hóa”[37] của các anh em Dân Tộc Thiểu Số, nhà truyền giáo vừa phải nỗ lực gìn giữ vừa ra sức đầu tư phát triển ngôn ngữ, văn hóa này cho ngang tầm nền văn hóa của anh chị người Kinh xung quanh. Nếu chỉ nhất định ta về ta tắm ao ta, chúng ta sẽ đụng mặt với thực tế phũ phàng là cả ngôn ngữ, văn minh, khoa học, kỹ thuật bản địa không đủ ổn định, không đủ tầm để giao dịch và phát triển. Tin Mừng có cho phép chúng ta một mực “gìn vàng giữ ngọc”, mà vô tình cản đà phát triển của dân bản địa? Nhất nữa trong thời điểm chủ trương toàn cầu hóa đang phát triển tốt đẹp, nếu như vừa cố giấy rách giữ lấy lề, vừa cố đi lại từ bước đầu, đầu tư để phát triển trên mọi lãnh vực với người ta, như người ta, chọn lựa này có khả thi? Và nếu lơ là với phát triển, để cho dân bản địa quẫy quật trong một rừng những nỗi khó của cảnh chậm tiến, chúng ta có yên lòng loan báo Tin Mừng? Đức Phaolô VI nhắc chúng ta, “Phát triển là tên gọi mới của hòa bình”.

1/ Khuynh Hướng Tục Hóa Trong Văn Hóa

Đức Phaolô VI đã điểm mặt nền văn hóa tục hóa đang rộ lên. Theo đó Thiên Chúa trở thành phù du, cồng kềnh. Vì muốn đề cao quyền lực con người, khuynh hướng tục hóa nhất định gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Như thế thường ngày chúng ta phải đối mặt với một xã hội tiêu thụ, với con người luôn chạy theo khoái cảm, tràn đầy khát vọng quyền lực, thống trị. Tất cả được coi là những giá trị mới lên ngôi. Hôm nay Đức Bênêđitô XVI lại báo động, tại nhiều môi trường văn hóa, đang xuất hiện khuynh hướng tục hóa len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, muốn xóa bỏ tương quan thế giới, con người với Đấng Siêu Việt để xây dựng não trạng Thiên Chúa vắng mặt trong đời sống và ý thức con người. Theo Ngài, khuynh hướng này không chỉ là mối đe dọa hời hợt nhưng có lúc đã xâm nhập ngay trong lòng Giáo Hội, bóp méo niềm tin Kitô Hữu và từ đó tác động trên lối sống, cách ứng xử Kitô Giáo[38].

Đáng buồn, khi rời ghế nhà trường, ra đời bước sang môi trường nghề nghiệp, vì cầu mong chức vị, thăng tiến nghề nghiệp, nhiều bạn trẻ đã giã từ nhà thờ, công khai phủ nhận tư cách Kitô Hữu, dứt khoát với niềm tin trong quá khứ. Các bạn làm như xa lạ, chưa từng biết Đức Kitô, chưa bao giờ gặp Đức Kitô, Thần Tượng các bạn tôn thờ, đeo đuổi. Trong một cuộc trắc nghiệm về Thần Tượng Tuổi Sinh Viên ở một Câu Lạc Bộ Trẻ (Sàigòn), có 310 bạn trẻ tham dự. Trong số có 215 người chọn Bill Gates làm thần tượng, 32 chọn chính trị gia, 7 người chọn giới ca sĩ, 5 người chọn người thân như cha mẹ hay người yêu, còn lại 59 là phiếu trắng. Đáng tiếc, không ai chọn Đức Kitô hoặc muốn chọn nhưng không dám viết ra! Chuyện cũng dễ hiểu, ngay từ nhỏ, năm bảy giờ mỗi ngày các em sống chung và học hành trong bầu khí “vắng Chúa”, về nhà may ra được ít phút buổi tối nguyện kinh “có Chúa”. May mắn hơn mỗi tuần có vài giờ đi lễ và dự lớp giáo lý “bên Chúa”. Nếu gia đình không trân trọng Chúa, cha mẹ không thiết tha với đạo lý Chúa, bận tâm với Lời Chúa, tuổi trẻ sẽ dễ chia tay với Chúa lúc nào không hay. Một lần trong lớp học, em học sinh lớp ba, theo lời cô giáo khuyến khích đã giơ tay hát cho cô và các bạn nghe. Nhưng chỉ hát được câu đầu rồi em bị cô giáo tới bịt miệng không cho hát tiếp, vì em đã hát bài hát em từng thuộc lòng, bài hát lớp giáo lý hay hát: Giêsu Kitô Con Người tuyệt diệu, Giêsu Kitô, Người Anh dấu yêu...”(bài hát của Cha Tiến Lộc khá phổ biến ở đây). Cô giáo biết rõ, chúng ta biết rõ Giêsu Kitô có thể gây hệ lụy không nhỏ cho cả cô và trò!

Giáo Hội nhắc các gia đình, đặc biệt gia đình trẻ: “Vì là chiếc nôi của tình yêu và sự sống, gia đình cũng là cội nguồn của văn hóa. Đó chính là nơi đón nhận sự sống và là trường dạy nhân bản, là nơi những vợ chồng tương lai được đào tạo cách tốt nhất để nên những cha mẹ có trách nhiệm”[39].

Mặt khác, chúng ta không quên khuynh hướng tục hóa đã sẵn chủ ý gạt bỏ Thiên Chúa trong đời, nên dành quyền ứng xử với mầm sống, bào thai. Theo đây sự sống được coi như sản phẩm con người tạo ra, và người tùy tiện ứng xử. Ngày xưa cùng lắm tương quan bố mẹ với con cũng chỉ tới mức, bố mẹ đặt đâu, con ngồi đo. Hôm nay khác, bố mẹ cho sống, con được sống, bố mẹ bắt chết, con phải chết! Đường hướng giáo huấn của Giáo Hội đã rõ, “Để Tin Mừng có thể sâu đặm cảm hóa môi trường văn hóa, Tin Mừng sẽ thấm nhuần mọi tầng lớp người, biến đổi con người từ bên trong để đổi mới lòng người. Đây không chỉ là rao giảng Tin Mừng cho những vùng địa lý ngày càng rộng thêm và tăng số người đón nhận Tin Mừng ngày càng đông hơn. Tin Mừng còn tác động mạnh mẽ để biến đổi triệt để các tiêu chuẩn xét đoán, các giá trị khẳng định, các mối bận tâm, cách suy nghĩ, nguồn cảm hứng và đặc biệt thay đổi những lối sống ngược dòng với Lời Chúa và kế hoạch cứu độ”[40]. Vấn đề là mọi người đều nỗ lực nhưng theo phương cách nào, với phương tiện nào để đạt mục đích đó. Chúng ta vẫn cần suy nghĩ, thực nghiệm và góp phương thế, góp sáng kiến với nhau và với những vị có trách nhiệm về vấn đề này.

2/ Di Căn Của Chứng Thờ Ngẫu Thần

Ngay từ thời Cựu Ước, các tiên tri đã quyết liệt chống lại khuynh hướng thờ ngẫu thần. Và dân vừa thờ Thiên Chúa vừa dan díu với ngẫu thần sẽ bị coi là “ngoại tình”. Trong vụ Aaron đúc bò vàng cho dân thờ, Chúa đã nói với Maisen: “Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập’... Bây giờ cứ để mặc ta, cứ để cơn thịnh nộ của ta bừng lên phạt chúng...”[41]. Với dân Do Thái, trong thời chiến tranh, họ dễ bị cám dỗ thờ thêm các thần lương dân đã bị họ khuất phục. Suốt thời các vua, luôn có những cuộc chiến tôn giáo chống lại chuyện thờ cúng các thần lương dân để khẳng định dân chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Cựu Ước cũng ghi nhận, “Vua Hôsê đã làm điều ngay chính trước mắt Đức Chúa, đúng như Vua Đavid tổ phụ Vua đã làm. Chính Vua đã dẹp các tế đàn ở nơi cao, đập bể các trụ đá, bổ các cột thờ và đập tan con rắn đồng ông Maisen đã làm. Vì cho đến thời đó con cái Israel vẫn đốt hương kính nó”[44]. Hôm nay trong cuộc hội nhập văn hóa, Giáo Hội còn đang phải đối mặt với khuynh hướng thần hóa. Thuở trước người ta bị cám dỗ tôn thờ các thần thánh lương dân, hôm nay người ta lại thấy con người là thần thánh. Trong công trình của các khoa học gia về sinh học, nhiều người đang hứng chí thấy con người như đang tiến lên “làm trời”, giật lấy khỏi tay Chúa quyền “tạo ra sự sống!”. Những bài báo đăng tải các phát minh sinh học, từ chuyện cừu Dolly ra đời (Dolly ra đời đã dẫn tới bao nhiêu con cừu khác, “cừu sinh sản vô tính” và cừu được sinh sản vô tính!) tới những công trình sinh học tạo ra phôi, sinh con trong ống nghiệm..., tất cả như tiềm ẩn thách thức, thách thức con người đứng lên làm trời! Chuyện tưởng như tới nơi rồi. Thời nay, nhiều tín hữu đã “vô tư” chấp nhận hướng nghiên cứu tạo phôi người để chữa bệnh chức năng cho con người, chấp nhận hay vận động thụ thai nhân tạo khi hiếm muộn, dù Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã nói rõ, “Cùng một sự lên án về mặt luân lý (việc phá thai) đó cũng liên quan đến phương pháp khai thác các phôi và các thai người còn sống, đôi khi được sản xuất cho mục đích đó bằng sự thụ tinh trong ống nghiệm hoặc như ‘vật tư sinh học’ để sử dụng, hoặc như kẻ cho cơ quan hay cho mô để đem ghép nhằm chữa trị một số bệnh. Giết chết những hữu thể người vô tội, dù có vì lợi ích của người khác, thực tế là một hành động tuyệt đối không thể chấp nhận”[42]. Theo Ngài, “Từ trong dạ mẹ, con người thuộc về Thiên Chúa là Đấng dò xét và thấu biết tất cả, là Đấng hình thành và tác tạo nó từ tay Ngài, đã nhìn thấy nó khi nó còn là một phôi nhỏ không có hình dạng xác định và đoán thấy nơi nó con người trưởng thành nó sẽ trở nên ngày mai, mà ngày giờ đã được đếm và ơn gọi đã được ghi vào ‘Sách Sự Sống’”[43]. Thực tế ở Việt Nam không nhiều trường hợp lấy quyền làm người lên làm trời nhưng ngược lại, bị di chứng của nền văn hóa ngẫu thần không ít các vợ chồng hiếm muộn đi cầu thai. Dĩ nhiên với lòng tin, tín hữu vẫn sốt sắng cầu xin Chúa ban cho mình ơn sinh con. Đó là nguyện ước với Chúa và vẫn phó thác thực hiện ý Chúa hơn theo ý riêng. Nhưng đi cầu thai là khác. Khi ước muốn sinh con được trao gửi trọn vẹn cho lời cầu và lời bảo đảm của ai đó để đi tới những lời hứa hẹn minh thị như thần thánh, trường hợp này người đi cầu thai và người hứa hẹn thành thai đều liên đới trong thái độ lấy quyền làm người lên làm trời! Và cũng đáng ngạc nhiên, khi tín hữu đi gặp thày bói toán xin chọn cho ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ, để chọn giờ an táng, định ngày xuất hành..., nhiều những lời bói toán đã gây rạn nứt hạnh phúc gia đình. Chẳng hạn hai vợ chồng bị thày bói “định liệu” cho là kỵ tuổi, khắc mệnh, khắc khẩu! Lời bói đã thành nỗi ám ảnh và gây ra mặc cảm bất hòa nên dễ cãi vã nhau, chống đối nhau, dễ xa nhau. Có phải chứng thờ ngẫu thần từ thuở nào trong bối cảnh một nền văn hóa tăm tối sơ khai đã để di chứng ngẫu thần trong đời người, đời tín hữu. Ở đây các nhà truyền giáo và tái truyền giáo hẳn có thể trị liệu hậu quả di chứng này bằng chứng từ sống động của đời sống như một cách gột rửa bối cảnh đen tối của nền văn hóa xưa cũ. Khi kỷ niệm lần thứ 25 Hiến Chế của Công Đồng về Phụng Vụ, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại: “Việc thích nghi với các nền văn hóa cũng đòi tín hữu hoán cải tâm hồn và thậm chí, khi cần, đòi họ đoạn giao với các tập tục của tiền nhân không còn thích hợp với đức tin Công Giáo. Để đáp ứng đòi hỏi đó tín hữu cần được đào luyện nghiêm túc về thần học, lịch sử và văn hóa cũng như cần một phán đoán lành mạnh trong việc phân biệt những gì cần thiết và ích lợi với những gì không cần thiết hoặc có hại cho đức tin”[44].

3/ Lòng Đạo Đức Bình Dân

“Lòng đạo đức bình dân là một cách thức con người diễn tả đức tin và tương quan của họ với Thiên Chúa, với ơn quan phòng của Ngài, với Đức Mẹ và các Thánh, với đồng loại mình và những người đã chết hoặc với tạo vật, và biết chắc rằng lòng đạo đức ấy hoàn toàn thuộc về Giáo Hội. Thanh tẩy và làm cho việc diễn tả lòng đạo đức bình dân theo đúng giáo lý, tại một số nơi, có thể là yếu tố quyết định cho việc loan báo Tin Mừng cách sâu rộng để nâng đỡ và phát triển ý thức cộng đoàn đích thực trong việc chia sẻ đức tin, đặc biệt nhờ việc thể hiện lòng đạo đức của dân Thiên Chúa trong các dịp lễ lớn”[48]. Tại Việt Nam hôm nay, có vẻ càng ngày càng đông đảo tín hữu, vì lòng mộ mến Đức Mẹ, lòng ngưỡng phục các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nên thường xuyên lặn lội đi hành hương khắp nơi. Giáo phận nào cũng có những điểm hành hương và tổ chức các cuộc hành hương kính viếng Đức Mẹ hay suy tôn các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc tổ chức thánh lễ, chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi và các giờ kinh nguyện, viếng Đức Mẹ, suy niệm về cuộc đời các Thánh Tử Đạo tại các điểm hành hương rất chu đáo và sốt sắng. Gần như mỗi dịp hành hương đều có linh mục ngồi tòa ban bí tích Hòa Giải. Lạ là trong số khách hành hương không ít các lương dân cũng sốt sắng tham gia hành hương chung với các tín hữu. Rõ ràng bầu khí, khung cảnh hành hương, những lời kinh, ánh nến cháy sáng, thái độ quỳ gối chắp tay cung kính bái lạy trước bàn thờ Chúa, trước ảnh tượng Đức Mẹ và các thánh đã nên lời giục giã lòng người sốt mến, mừng vui muốn làm con thảo của Chúa. Không thể phủ nhận đường hành hương đã gợi nhớ con đường đời khổ ải, và khích lệ lòng người về nép mình nơi bàn tay Chúa che chở, bàn tay Mẹ đỡ nâng. Hành hương cũng là dịp cho bao nhiêu người con xa lạc trở về làm lành với Chúa và làm hòa với anh chị em mình.

Huấn Thị Tìm Một Hướng Mục Vụ Cho Văn Hóa từng nhắc nhớ, lòng đạo đức bình dân là cách cảm nghiệm đức tin trong đời tín hữu nhưng đang bị khuynh hướng tục hóa đe dọa, cần được lưu tâm giữ gìn, “Trong các quốc gia mà ta vẫn gọi là ‘Kitô Giáo’, từ thế hệ này đến thế hệ kia, đã phát triển một lối hiểu biết và sống đức tin toàn diện, đến độ ít nhiều đã thấm sâu vào đời sống cá nhân và xã hội: các ngày lễ địa phương, các truyền thống gia đình, các lễ mừng khác nhau, việc hành hương, v.v.. Điều này tạo nên nền văn hóa toàn diện, tác động đến hết mọi người, một nền văn hóa được xây dựng và tổ chức trên đức tin. Nhưng nền văn hóa ấy dường như đang bị phong trào tục hoá đe dọa trầm trọng. Quan trọng là nâng đỡ những cố gắng lớn lao hơn nhằm làm sống lại những truyền thống này”.

Tiếp đây là huyền thoại Một Chuyến Đi[45] thay lời kể truyện về lòng tin của những ai từng hành hương. “Một trong ba nhà đạo sĩ nhìn thấy ngôi sao trời đông, ông nhất định lặn lội đi gặp mặt người Con của Đấng Chí Tôn. Hôm trước ngày lên đường, Đạo Sĩ báo cho cô tỳ nữ nhỏ nhất của mình, nàng được tháp tùng đi theo, dù nàng không được chỉ định phải thi hành một phần vụ gì cụ thể và quan trọng. Theo lời Đạo Sĩ, nàng chỉ cần lanh tay, lẹ mắt, thấy gì cần thì làm. Đêm hôm ấy lục lọi mãi, nàng mới tìm được trong rương của mình ba vật dụng làm đồ chơi cho Hài Nhi Chí Tôn, theo như cách gọi của nàng. Vật thứ nhất là một vòng giây lục lạc. Vật thứ hai là chiếc áo bằng lông cừ, mẹ nàng đã đan cho nàng hồi còn bé. Vật thứ ba là một bao hạt sen. Theo ý nàng, nàng sẽ nấu chè mời mẹ Hài Nhi ăn cho mát.

Vừa ra khỏi thành và đi vào rừng biên giới, Đạo Sĩ gặp một đoàn người ăn xin. Ông phân chia một ít lương thực cho họ. Trước khi ra đi nàng tỳ nữ bắt gặp đôi mắt nài nỉ của một em bé ngửa tay xin nàng bố thí. Nàng đành lòng đưa bao hạt sen cho em bé. Đi được nửa đường, tại một nơi nghỉ chân nàng thấy em bé mù ngồi ở vệ đường ăn xin. Nàng lại gần đeo vào tay em bé cái vòng giây lục lạc.                             

Sau khi đã vào trong xứ Do Thái, thời tiết ngày càng trở lạnh. Tại làng Belem, nhiều trẻ em đi ăn xin, vừa đi vừa run lẩy bẩy. Một em nhỏ nhất đã đến và đứng lẩn quẩn bên nàng. Cô tỳ nữ mở gói quà cuối cùng, lấy ra chiếc áo lông mặc cho em bé. Ngay lúc ấy có tiếng gọi lớn, “Đây là nhà của Đấng Chí Tôn”. Mọi người sụp lạy và Đạo Sĩ bảo gia nhân đem lễ vật vào. Cùng lúc hai đạo sĩ khác cũng đến nơi. Mọi người tấp nập, rộn ràng, chen lấn. Cả Thánh Giuse và Mẹ Maria, ai ai cũng bận rộn chào hỏi, tiếp rước... Thấy người tỳ nữ đứng vẩn vơ, không có việc gì, cả hai tay đều rảnh rỗi, lập tức Mẹ Maria giao Chúa Hài Nhi cho nàng, “Con bồng giùm mẹ để mẹ đi đun trà các vị uống kẻo lạnh”. Nàng không ngờ Con Đấng Chí Tôn bỗng nhiên đến trên tay nàng và đang tìm hơi ấm trong cõi lòng nàng!

Hành hương là những chuyến đi tìm gặp gỡ Chúa, Đức Mẹ và các vị linh thánh mà tôi yêu mến. Nhưng trong đời, những chuyến đi tìm gặp gỡ anh chị em mình cũng là anh chị em của Chúa để biểu lộ lòng thương mến như nàng Tỳ Nữ đây cũng đúng là hành hương. Và đời còn biết mấy những chuyến hành hương, những chuyến đi của lòng tin yêu và hy vọng đang chờ chúng ta thực hiện.

III/ Loan Báo Tin Mừng Trong Nền Văn Hóa Việt Nam

Việt Nam đang chuyển mình từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Tự nhiên chúng ta nghe tiếng gãy đổ của truyền thống và nhìn rõ những ngắt đoạn của các giá trị đạo lý Đông Phương nơi gia đình và xã hội như đức hạnh hiếu trung với nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và lòng nhân hòa, từ bi... “Than ôi văn minh Đông Á trời thu sạch, này lúc cương thường đảo ngược ru!”[50]. Nhưng lịch sử vẫn xuôi dòng tiến hóa. Hôm nay ở khúc quanh lịch sử này, bao giờ chẳng vậy, đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, Giáo Hội Việt Nam vẫn nỗ lực loan báo Tin Mừng giữa thời điểm này, đất nước này, một đất nước còn ngổn ngang trăm mối. Nhưng tình thế càng tơ vò, càng cần thiết một cuộc hội nhập văn hóa để thăng hoa văn hóa. “Đối với Giáo Hội, loan báo Tin Mừng là đem Tin Mừng vào mọi tầng lớp nhân loại, và nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng biến đổi nhân loại từ bên trong và làm mới lại nhân loại ấy... Đây không chỉ là rao giảng Tin Mừng cho những vùng địa lý ngày một rộng thêm hoặc cho số người ngày một đông hơn, mà còn tác động, và nhờ sức mạnh của Tin Mừng, thay đổi triệt để các tiêu chuẩn xét đoán của con người, các giá trị mang tính quyết định, các mối bận tâm, các cách suy nghĩ, các nguồn cảm hứng cùng những lối sống trái nghịch với Lời Chúa và kế hoạch cứu độ”[46]. Chúng ta ý thức, hội nhập văn hóa không là “gìn giữ thái độ hoài cổ, sao chép quá khứ trần tục như khoa khảo cổ, nhưng được mời gọi đem sức mạnh Tin Mừng vào giữa lòng văn hóa và các nền văn hóa”[47]. Nhưng rút từ kinh nghiệm của các nhà truyền giáo ban đầu, Giáo Hội rất tán thành lòng đạo đức bình dânnhư cách để con người diễn tả đức tin và tương quan của họ với Thiên Chúa”[48].

Đàng khác, theo hướng của Ủy Ban Truyền Giáo thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, chúng ta suy nghĩ nhiều, tìm cách thích hợp nhất kể truyện Chúa Giêsu cho người dân Việt. Thần học kể truyện nhắm làm mới mẻ những tư tưởng truyền thống nhờ hòa nhập những dạng thức truyện kể. Thần học kể truyện rất trân trọng các ẩn dụ, biểu tượng, dụ ngôn, thuật tu từ, loại hình tiểu sử và sử thi. Khoa thần học này không dẫn người suy tư trên cảm nhận thực nghiệm như các ngành khoa học nhưng đưa người suy tư trên trình thuật và trên thần học về trình thuật. Ưu điểm của thần học kể truyện là khả năng đưa người vượt quá giới hạn luận chứng của lý luận để huyền đồng với cảm nghiệm, khởi từ trình thuật ban đầu[49]. Từ những điểm tựa trên, chúng ta đi tìm một hướng loan Tin Mừng cho nền văn hóa Việt Nam hôm nay.

1/ Huyền đồng Thiên Chúa với Ông Trời

Việt Nam có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng nhưng dù là tín đồ Phật Giáo, Khổng Giáo hay Lão Giáo, hầu hết dân mình vẫn tin vào Ông Trời. Ông Trời là Đấng Tối Cao, là chủ của trời đất và giữ vận mạng mọi người. Ông Trời từ bi, nhân ái, thấu suốt lòng dạ con người và luôn mong muốn mỗi người ăn ngay ở lành. Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy chén cơm, Lấy rơm đun bếp. Hoặc Lưới trời lồng lộng! Con người có thể né tránh nhau nhưng chẳng ai thoát được quyền năng Ông Trời! Ông Trời là gốc tổ, Trời sinh, Trời dưỡng:

Con chim nó hót trên cành

Nếu Trời không có, có mình làm sao?

Con chim nó hót trên cao

Nếu Trời không có, làm sao có mình?

Ông Trời trong niềm tin dân gian là Đấng hộ phù, độ phước cho con người. Trời ban phước cho ai làm lành lánh dữ: Ở hiền thì lại gặp lành. Những người nhân đức Trời dành phước cho / Ở xởi lởi Trời cởi ra cho. Ở so đo Trời co ro lại. / Trời cho, hơn lo làm. / Nhưng Ông Trời không cho phép con người ỷ vào ơn Trời và đòi con người cộng tác vun đắp cho đời no đủ hạnh phúc: Phí của Trời, mười đời chẳng có. / Những ai đói rách rạc rời. Bởi phụ của Trời, làm chẳng có ăn. / Trời nào phụ kẻ có nhân. / Trời nào có phụ ai đâu. Hay làm thì giầu, có chí thì nên. / Của Trời, Trời lại lấy đi. Giương hai mắt ếch, làm chi được Trời. Trời gìn giữ mọi vận hành của trời đất: Núi kia ai đắp nên cao. Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?

            Đặc biệt dân gian luôn hết lòng biết ơn Ông Trời đã đổ tràn ơn phúc:

Ơn Trời mưa nắng phải thì

Nơi thì cầy cạn, nơi thì bừa sâu. 

Nhờ Trời mưa gió thuận hòa

Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau. 

Nghiêng vai ngửa vái ông Trời

Đương cơn hoạn nạn, độ người trần gian 

Xưa kia chỉ biết kêu Trời

Mà nay đã biết gọi Trời là Cha

Trần gian chẳng phải là nhà

Đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.

Nhưng hôm nay khuôn mặt Ông Trời đã phai lạt dần, phai lạt do người ta không thích dính líu với Trời, nên hình thành những giáo án giảng dạy tại các lớp thấp, lớp cao để khước từ Trời. Một Cha sở kể, họ đạo của cha ở giữa vùng đồng khô cỏ cháy. Một ngày dân trong vùng được điều động đi khơi sâu kênh dẫn nước chống hạn hán, cha sững sờ thấy một đám đông vác cuốc xẻng ra đồng, đi đầu là hai người giơ cao biểu ngữ, “thằng trời hãy tránh ra xa, để ông thủy lợi đứng ra làm trời”. Rõ ràng khi người ta đóng kín con người trong vòng hưởng thụ và lợi nhuận vật chất, nhiều người dân sẽ chạy đua với lợi nhuận bằng mọi giá, bất kể sức khỏe sinh mạng của ai. Theo đó công nghệ lương thực ra đời. Người ta chế tạo patê, thịt nguội với hàn the (Borax), giữ bánh phở, hủ tíu tươi lâu bằng thuốc ướp xác phóoc môn (formol). Hành phi bán rộng rãi cho các nhà hàng trong nước và ngoài nước, được chế biến với dầu múc từ ống cống. Nước tương, nước mắm mở ngỏ cho 3-MPCD, một độc chất gây ung thư vượt mức từ 2mg / kg trở lên. Sữa nhiễm Mélamine gây tử vong cho bao nhiêu trẻ em. Và đồ chơi trẻ em làm hại gan, gây suy thận. Người ta còn hãi hùng với công nghệ trồng rau muống tại Củ Chi với Fortazeb, Mexyl MZ và nhớt thải xe máy... Trường hợp loan báo Tin Mừng cho một nền văn hóa có chiều hướng bất đồng với Tin Mừng, “hội nhập văn hóa theo Thông Điệp Redemptoris Missio, là khôi phục lại con người toàn vẹn vì họ ‘được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa’[50] bằng cách kéo họ ra khỏi cơn cám dỗ lấy mình làm tâm, khi thấy mình hoàn toàn độc lập với Đấng Tạo Dựng[51].

Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh tại UNESCO: “Chiều kích đầu tiên và căn bản của văn hóa chính là một nền luân lý lành mạnh và một nền văn hóa đạo đức”. Cụ thể giữa môi trường xã hội, mỗi người sẽ thành chứng nhân của lòng tôn thờ và vâng phục Thiên Chúa, Ngài thấu suốt tâm lòng người và sống động nơi lương tâm con người, dạy chúng ta biết chọn tốt loại xấu, chọn yêu thương bỏ ganh ghét. Một linh mục tại Long Khánh thường giao dịch với một ngân hàng lớn tại Sàigòn. Một lần anh tới nhận tiền cho một cộng đoàn. Mấy nhân viên ngân hàng sơ ý đã trao lầm cho anh số tiền lớn. Nhận tiền xong anh về ngay, quên không đếm lại. Chiều hôm ấy các nhân viên liên hệ trong vụ đếm lầm đã bao chiếc xe mười hai chỗ lên gặp anh. Nhưng anh vắng nhà, cả nhóm đành ngồi chờ và gặp anh lúc đã khuya. “Thưa Cha, xin cha kiểm lại giùm số tiền cha mới lãnh hồi sáng. / Tôi chưa đụng tới, nếu dư vẫn còn đó, chẳng ai lấy đâu mà lo!” Vậy là anh đã gửi lại trọn số tiền đếm dư. Có ai đó chân thực nói cảm tưởng mình, “Đúng là Cha có Chúa, Trời xanh có mắt!” Những thể loại chứng từ “Cha có Chúa” sẽ mạnh mẽ thuyết phục các anh chị em mình trở về với Trời xanh có mắt, về với Đấng Tối Cao. Khuôn mặt của Ông Trời đúng là tiền dung khuôn mặt Thiên Chúa. Không sốt ruột được, chúng ta phải chờ, mưa lâu thấm đất, lòng người tin có Ông Trời, một nền văn hóa thấm nhuần ý Trời sẽ mở ra cho siêu việt. Và “Khi đã ăn rễ sâu trong kinh nghiệm, các nền văn hóa cho thấy đặc tính của con người là mở rộng cho những gì phổ quát và siêu việt”[52].

2/ Đi tìm Tình Yêu và Hạnh Phúc Trong Mái Ấm

Vào thời người ta còn yên trí “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, người phụ nữ luôn phải gánh chịu thiệt thòi, một cô gái bị tố cáo ăn cơm trước kẻng có thể bị làng bắt vạ, cạo đầu bôi vôi, thả trôi sông cho ra phận vô thừa nhận. Cũng trường hợp này, người phụ nữ Do Thái có thể bị ném đá đến chết. Ngày thánh Giuse sững sờ nhận ra Đức Mẹ có vòng số hai bất thường, Giuse vội vã xếp khăn áo, xách vali bỏ đi một mình để mặc Nàng bụng mang dạ chửa! Nhưng Thiên Sứ đã ngăn lối anh đi, “Này anh Giuse, là con cháu Đavid, đừng ngại đón Maria vợ anh về vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần...”[53]. Maria ngày ấy đã vui lòng nhận lãnh sứ vụ làm mẹ Con Thiên Chúa, bất chấp hiểm nguy, vất vả, chẳng lo gánh nặng trách nhiệm. Nàng đã ‘xin vâng’ là vâng đến cùng. Còn những ‘nàng Maria hôm nay’ có thể đang ngần ngại chẳng dám dấn thân cho nền văn minh sự sống. Sợ con sinh ra ăn mất phần mẹ cha, anh em, lo con thành gánh nặng cho mẹ nên mẹ cha đã ‘xử’ con trước khi con chào đời. Theo AP ngày 5.9: Bà Sakineh Mohammadi-Ashtiani, 43 tuổi, có 2 con, bị chính quyền Tehran kết án ném đá do ngoại tình. Phát ngôn viên của Đức Benedictô XVI cho biết: “Lập trường Giáo Hội Công Giáo phản đối án tử hình đã rõ, và ném đá là hình thức nhẫn tâm”. Thông báo của Vatican cho biết những phương thế can thiệp để bênh vực nhân quyền được thực hiện qua ngoại giao, và trong quá khứ Vatican đã từng can thiệp vào những sự kiện tương tự. Vào tháng 7, chính quyền Iran cho biết họ sẽ không thực hiện hình thức ném đá nhưng có thể chọn treo cổ! Không biết những người liên đới trong vụ án này, người tố cáo, người xét xử có thấy mình trong sạch hơn nạn nhân bị khép án tử hình này, tử hình mẹ, cũng là liên đới bức bách hai người con! Trong lòng dạ con người, chẳng lẽ lòng khoan dung, nhân ái đã bị xóa sạch.

Khi xóa đi khuôn mặt ông Trời, người ta dành lấy quyền tùy tiện ấn định các giá trị của cuộc sống. Trong đó, sự sống cao cả do Chúa ân ban được đưa ra cân đo, ước giá theo những tiêu chuẩn hưởng thụ, kinh tế, xã hội. Chúng ta không ngạc nhiên khi hay tin Việt Nam là cường quốc phá thai đứng đầu thế giới. Eo ơi! Mấy triệu người phá thai mỗi năm, phá vô điều kiện, phá ở mọi thời điểm của thai kỳ! Khi coi thường sức sống là quà tặng của tình yêu, con người cũng từ chối chính tình yêu chân thực và chỉ còn lại gia sản vật chất, tiện nghi và cuộc sống chung làm nền tảng. Hạnh phúc gia đình được đánh giá bằng hưởng thụ nên không đủ sức kết nối các phần tử của gia đình. Gia sản ba mẹ để lại cho con là tài khoản, căn nhà, chiếc xe, nếu hân hạnh hơn con cái được cha mẹ lo cho mớ kiến thức kỹ thuật khoa học làm vốn vào đời. Và chấm hết!

Bước ngoặt của hành trình hội nhập văn hóa hôm nay là Phúc Âm hóa nền văn hóa thực dụng, “Phúc Âm hóa bao giờ cũng lấy con người làm khởi điểm và luôn trở về với các mối tương quan của con người với nhau và với Thiên Chúa”[54]. Ở đây trong tình thế này, nhắm Phúc Âm hóa gia đình, chúng ta lại chọn giải pháp Kể Truyện Chúa Giêsu. Mỗi người trong nhà sẽ không ngừng kể truyện nhà Nazaret cho nhau nghe, vợ chồng kể cho nhau, cha mẹ kể cho con cái. Những câu truyện đời chồng, đời vợ, đời Con của Nhà Nazaret được kể lại cùng với cảm nghiệm thực tế đời mình sẽ tạo những cảm nhận mới, sinh khí mới cho gia đình. Những truyện kể theo ơn soi dẫn của Thánh Linh sẽ truyền tải sức cháy nóng và ánh sáng cho mái ấm, củng cố những mối tương giao vợ với chồng, cha mẹ với con cái và gia đình với Chúa. “Một câu truyện sẽ chẳng bao giờ đơn thuần là truyện. Câu truyện thực sự trở thành truyện khi được kể lại hay thuật lại, và hy vọng được lắng nghe. Ngày nay, một trong những tên gọi của kể truyện là chia sẻ”. Có ai khám phá ra niềm vui của gia đình hôm nay là nói cho nhau nghe, nghe nhau nói, chính lúc nghe và nói, lúc chia sẻ với nhau Tin Mừng, mỗi người sẽ hiểu nhau hơn, hiểu Lời Chúa hơn. Từ đây mái ấm gia đình thành thửa ruộng màu mỡ cho tình yêu và hạnh phúc nở hoa. Một buổi tối trước bữa ăn, cô bé sáu bảy tuổi dằn bên dưới cái chén của mẹ một mảnh giấy: Mẹ ơi, mẹ nhớ không? Tiền quét nhà 2.000đ, tiền ẵm em 3.000đ và rửa chén 1.000đ. Tổng cộng 6.000đ. Người mẹ vừa trong bếp ra ướt đẫm mồ hôi trên trán, nhìn tấm “hóa đơn” của cô con gái mà xót xa. Nhưng bà vẫn tỉnh bơ như chẳng biết chuyện. Buổi tối hôm sau, dưới chén của cô có tờ giấy gập đôi: “Con yêu, Chúa Giêsu sống với mẹ cha ở nhà Nazaret có tính công làm mộc với cha, rồi bắt Mẹ Maria trả tiền đâu? Còn mẹ, công mang thai con, mẹ tính 0đ, công mẹ sanh con tính 0đ, mấy năm dạy dỗ, bảo bọc con, mẹ tính 0đ. tổng cộng 0đ!” Những dòng kể truyện đời của Chúa Giêsu, thánh Giuse, Đức Mẹ đã làm cô bé thổn thức, “Con xin lỗi mẹ”. Mẹ con ôm nhau nước mắt lưng tròng. Hạnh phúc ơi!

3/ Giới Thiệu Văn Hóa Tình Thương Cho Giới Trẻ

Đức Bênêđitô XVI trong thông điệp đầu tiên Thiên Chúa là Tình Yêu (TCLTY) đã để lộ nỗi băn khoăn trước tiên của ngài về thời đại, ngài lo ngại con người lạc hướng khi đi tìm tình yêu chân thực: “Trong thông điệp đầu tiên của mình, tôi muốn đề cập đến tình yêu Thiên Chúa trao ban hào phóng trên chúng ta và đến lượt chúng ta phải thông truyền cho người khác”[55]. Riêng với giới trẻ chúng ta đồng cảm nỗi lo của Đức Bênêđitô XVI. Trong tình hình hiện nay, nhiều người bạn đang rủ nhau “thức thời” trước tình yêu. Nhưng đáng buồn tình yêu các bạn thường đón nhận là tình yêu đáng ngờ, là eros hơn là agape. Nhiều bạn trẻ hôm nay chẳng đồng tình với Giáo Hội, “với tất cả những lề luật và cấm đoán của mình, phải chăng Giáo Hội đang biến thứ quý nhất trong cuộc đời thành một điều cay đắng? Giáo Hội đang thổi còi chặn lại khi niềm hoan lạc, một hồng ân do Tạo Hóa trù định, đang mang đến cho chúng ta một niềm hạnh phúc như một nếm thử nhất định về Thiên Chúa?[56]. Trước suy nghĩ ngược dòng đạo lý đó, Đức Thánh Cha cảnh giác các bạn, “Khi yêu không chỉ có hồn yêu hay xác yêu mà thôi, song chính là con người, một nhân vị, một tạo vật hiệp nhất gồm cả thể xác và linh hồn. Chỉ khi nào cả hai chiều kích thật sự được kết hiệp, lúc đó con người mới đạt đến tầm vóc đúng mức của mình. Chỉ khi đó tình yêu, eros mới có thể trưởng thành và đạt đến sự cao cả đích thật của nó”.

Nhiều người nhận xét, giấc mộng công danh đang áp lực mãnh liệt trên các bạn trẻ, làm như các bạn chỉ qua con đường đậu đạt bằng cấp mới có công danh, sự nghiệp nên mọi vốn liếng đầu tư thời gian và sức lực đều dành cho thi cử. Thi đậu bằng xong lại tham gia thi tuyển xin việc, có việc rồi còn thi tiếp lên vị trí cao, quyền hành lớn, chẳng chút bận tâm tới ý nghĩa cuộc đời, lý tưởng trong đời. “Đường đi khó không khó vì lên trên ngó xuống, mà khó vì lòng người ngại xuống ham lên”. Dĩ nhiên đường công danh cũng song hành với “con đường tình ta đi”. Nhưng tình yêu ở đây chỉ là thứ bóng mát trưa hè, là bến đậu giữa biển đời giông gió, là tiện nghi êm ái trong nếp sống hưởng thụ. Thứ tình yêu này chẳng cứu được chúng ta thoát những cơn mê tham, tham sân si, mê danh giá. Có phải các bạn đã từ bỏ agape và dứt khoát chọn eros? Không, các bạn đang buông trôi, có gì ăn nấy, có hướng là đi, có nhà thì trọ. Vấn đề là các bạn chưa cảm nhận được agape, “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá, chỉ biết yêu thôi chả biết gì”[57]. Loan Tin Mừng cho giới trẻ ở đây hôm nay chúng ta chọn gặp gỡ các bạn để hiểu biết, cảm thông nhau, không vội kết án, loại trừ nhau, và giới thiệu cho nhau nền Văn Hóa Tình Thương của Đức Giêsu. Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu khẳng định: “Chỉ thái độ sẵn sàng gặp gỡ người anh em tôi và chứng tỏ cho người ấy thấy tình yêu của mình, mới làm cho tôi cũng nhạy cảm với Thiên Chúa. Chỉ khi tôi phục vụ người anh em tôi, mắt tôi mới mở ra cho tôi thấy những gì Thiên Chúa đã làm cho tôi và Ngài yêu tôi biết dường nào”[58]. Và tiếp đó chúng ta kể truyện tình yêu của Chúa Giêsu cho giới trẻ và “hãy để câu chuyện lên tiếng và cảm hóa. Hãy để Thánh Linh mở cửa trái tim và ký ức người nghe, rồi mời gọi họ thay đổi Giáo Hội Á Châu khuyến khích việc tái khám phá các phương cách mới khi kể truyện Đức Giêsu, tìm lại nét sống động của lối kể truyện và khai thông tiềm năng lối kể chuyện ấy cho cuộc tái tạo những thực tế Á Châu”. Việt Nam mới tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu, người vừa lãnh giải Fields toán học ở tuổi ba mươi tám. Một bông hoa tỏa hương trong vườn hoa VN, chúng ta cũng được thơm lây. Bao nhiêu phim ảnh, báo chí trong và ngoài nước đã hết lời ca tụng tài năng xuất chúng này. Nhưng khi người ta tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu, có ai chạnh lòng nghĩ tới một chàng trai đất Việt đã chết mất rồi. Có lẽ người Việt chúng ta không ai để ý tới anh nhưng chính Đại Sứ Canada tại VN đã đích thân ghé nhà anh ở Huế, thăm người má anh và tôn vinh anh. Người bạn trẻ này trong một cuộc du ngoạn mùa hè chung với các bạn sinh viên cùng trường, điểm cắm trại là vùng rừng núi bên cạnh bờ hồ. Các bạn trẻ không để ý tới độ sâu của hồ nên đồng loạt năm người cùng nhảy xuống tắm, tất cả đều chới với trong hồ nước. Không ngờ trong cơn nguy cấp giữa vùng núi rừng hoang vu này chỉ mình chàng trai Việt biết lội, anh cố hết sức đưa được ba bạn. Nhưng đáng tiếc anh kiệt sức không cứu nổi người thứ tư và cũng không cứu được chính mình. Người bạn trẻ đã chết chung hôm ấy với bạn trong lòng nước hồ! Việt ơi, anh chẳng tài nghệ xuất chúng như ai, anh chỉ có tâm hồn rộng mở và đôi tay luôn sẵn sàng làm gì đó cho nhau, sẵn sàng cứu vớt nhau dù cứu nhau cũng là liều mạng mình. Có thể chẳng ai để ý tôn vinh anh nhưng Việt ạ, chính tình yêu và chính Đấng là Tình Yêu muôn thuở đã tôn vinh anh muôn đời.

Trong đời có thể bạn và tôi, chúng ta chẳng danh giá gì với ai nhưng chúng ta tin, khi cúi xuống với nhau, chính tình yêu và chính Đấng là Tình Yêu tôn vinh chúng ta.

KẾT

Procusto, một tên cướp ác độc và ngang ngược, hắn thường ngang nhiên chận người ở các ngã ba, ngã tư đường phố để ăn cướp. Lạ đời, trong những vụ cướp bóc, Procusto không mảy may lấy của ai đồ vật gì, vàng vòng, tiền của hắn phớt lờ, hắn chỉ chú ý tới con người. Thủ tục cướp bóc của hắn rất khác người. Trước tiên hắn cho đồng bọn mang vũ khí chận bắt người. Bắt được ai, bất kể nam nữ, các đệ tử trói cổ lôi ngay về sào huyệt hành sự! Trước tiên hắn cho cột nạn nhân vào một chiếc giường đặc biệt với thước tấc được tính toán chính xác. Chính Procusto chỉ huy, nạn nhân nằm trên giường nếu dài quá khổ, hắn ra lệnh chặt bớt chân cho vừa giường, nếu ngắn hơn khổ giường, phải cột giây vào chân để đồng bọn ra sức kéo cho dài vừa. Ai vừa vặn hắn thả cho về. Nghe nói tên cướp này cứ len lỏi sống giữa dân chúng, ngày ngày đi cướp bóc khắp nơi và ẩn náu rất kỹ, nên qua bao nhiêu thời, chuyện cướp bóc mờ ám này vẫn trót lọt, chưa một lần bị đem ra ánh sáng xét xử! Có tin đồn đại mãi tới hôm nay con cháu Procusto vẫn đang hành nghề đây đó ngay giữa thanh thiên bạch nhật!

Chuyện kể về tên cướp Procusto chỉ là huyền thoại chống lại thái độ khép kín đời người vào một khuôn mẫu tạo ra từ một lối nhìn, một quan điểm, một lập trường tù túng nào đó. Trong khi đời là dòng chảy uốn lượn thênh thang và sống là tự do đáp ứng lời mời gọi của Đấng là chính tự do và khuôn mặt con người giống bóng hình Thiên Chúa tự do, “Ai không chống lại Thày là đứng chung phía với Thày”.

Loan báo Tin Mừng là cuộc gặp gỡ của Tin Mừng với anh chị em mình, những con người được mời gọi sống cuộc sống tự do của con cái Thiên Chúa. Và chính ơn ban tự do là nền của văn hóa bản địa với những nét đặc trưng, nét cao đẹp và cả những bóng tối. Loan báo Tin Mừng trước tiên không là đưa một khuôn mẫu văn hóa sẵn có chụp lên một địa phương, một vùng đất, một quốc gia nhưng là “biến đổi sâu đậm những giá trị văn hóa chân thực nhờ hội nhập các giá trị. Trong đường hướng mục vụ về văn hóa, quan trọng là làm sao khôi phục lại con người toàn vẹn vì họ ‘được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa’”[59].

Chúng ta tâm đắc với khẳng định của Đức Bênêđitô XVI, “chính những tiến bộ về văn hóa cho thấy trong con người có cái gì đó vượt trên các nền văn hóa. ‘Cái gì đó’ chính là bản chất của con người: bản chất này là thước đo văn hóa và là điều kiện để bảo đảm con người không phải là tù nhân của bất cứ nền văn hóa nào, nhưng con người khẳng định phẩm giá riêng mình bằng cách sống theo sự thật sâu thẳm về hiện hữu của mình”[60].

                                                                                      

1 St 1,26

2 1Cr 9, 19-21

3 St 1, 26

4 Redemptoris Missio

5 Tài liệu của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Hóa trong Đại Hội năm 2008, chủ đề The Challenge For The Pastor and The Faithful of Secularized Countries

6 St 11,3

7 Sđd.

8 St 11, 5-8

9 ĐHMV 3

10 x. Jonah 4, 11

11 ĐTHMV 3

12 Dei Verbum, 11

13 Sđd, 13

14 Dấu Ấn 350 Năm Giáo Hội Công Giáo Tại Việt Nam t.426

15 Lịch Sử Giáo Phận Kon Tum, tài liệu chính thức của Giáo Phận

16 Dei Verbum, 13

17 ĐTHMV 3

18 Dấu Ấn 350 Năm Giáo Hội Công Giáo Tại Việt Nam t. 427

19 Mt 28,19

20 x. Cv 16, 3

21 Ep 5, 23

22 Redemptoris Missio, 52

23 Dấu Ấn 350 Năm Giáo Hội Công Giáo Tại Việt Nam, t. 437

24 Chữ Quốc Ngữ LaTinh Hóa, Đỗ Hữu Nghiêm

25 x. Mission in Asia, telling the story of Jesus.

26 St 12,1

27 St 12,9

28 St 12, 10-20

29 St 13, 1-4

30 St 23, 4

31 Evangelii Nuntiandi, 18-10

32 ĐTĐHMVVH, 4

33 Sđd, 4

34 x. Evangelii Nuntianđi 55

35 x. Sứ Điệp của Đức Bênêđitô XVI trong phiên Khoáng Đại của Hội Đồng Giáo Hoàng Văn Hóa với đề tài Giáo Hội Và Thách Thức Tục Hóa. Ngày 8 tháng ba 2008

36 ĐTĐH 14

37 ĐHMV 4

38 Xh 32, 7-9

39 2V 3,4

40 TMSS 63

41 Tv 139/138,1.13-16; TMSS 60

42 Vicesimus quintus annus, 16

43 ĐTHMV; Lumen Gentium, 67

44 trích từ Hạt Nước Hay là Đại Dương xb. 1995 của Giáo Sư Nguyễn Văn Thành

45 Tàn Đà

46 ĐTHMV

47 Fides et Ratio 71

48 x. Lumen Gentium, 67; ĐHMVVH 28

49 x. Dictionnaire Critique de Théologie. Jean-Ives Lacoste. 1998

50 St 1, 26

51 Fides et Ratio, 70

52 Mt 1, 20

53 Veritatis Splendor, 53

54 TCLTY 1

55 TCLTY 3

56 Sđd 3

57 Xuân Diệu

58 TCLTY 18

59 St 1, 26; Redemptoris Missio

60 Veritatis Splendor, 53

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     LOAN BÁO TIN MỪNG THEO CHỈ DẪN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II. Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên
     MỘT LÀN ĐIỆU DÂN CA TRÊN QUÊ HƯƠNG QUAN HỌ. MMsj
     CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU TRONG CẢNH SỐNG CỤ THỂ.Lm. Giuse Đinh Đức Đạo
     MẸ VÀ LỜI KINH. Têrêsa Vô Thường
     TÂM HỒN HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG: NGUỒN AN ỦI VÀ ĐỠ NÂNG. Lm Giuse Đinh Đức Đạo
     TRƯỚC LÚC LÊN ĐƯỜNG.MMsj
     SỐNG YÊU THƯƠNG. Lm Giuse Đinh Đức Đạo
     LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ: TÂM TÌNH CỦA MỘT TÂN TÒNG
     TÂM HỒN TÔNG ĐỒ-Lm. Giuse Đinh Đức Đạo
     NGÀI SAI TÔI ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG- Lm Giuse Đinh Đức Đạo.