Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 4

NGÀY MỒNG HAI TẾT

KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN

Mt 15,1 – 16 

K8D5D1CAJ99DQKCAB4PKZ5CAZUA31HCAJNK30XCAUACXFDCAKU9Y4NCAQNFW75CAJ33KQ4CAP3A981CALLK0UXCAB6NCIACAMILIOCCA6FDZI8CATBRK80CASLM91MCAS7WGW0CAL1ZB2OCALJ5APF.jpgLễ Hội Mùa Xuân bao giờ cũng thế - Sau một giấc ngủ đông lạnh lẽo, cảnh vật như bừng thức dậy để cùng tham gia vào bản hòa tấu rộn ràng của thiên nhiên đang rung lên trong nhịp sống mới. Bầu trời như cao hơn, trong hơn với ánh nắng ấm dịu dàng hòa quyện trong hương muôn hoa xuân khoe sắc. Tiếng chim hót ríu rít dưới những tán lá xanh um  rung rinh trong làn gió nhẹ khiến lòng người tự dưng bay bổng lên cao, để cùng vũ trụ ca lên khúc hát ngợi khen “Đấng tác sinh muôn loài”… Nhưng điều đặc biệt là hòa trộn trong cái rộn ràng ấy, ai ai cũng có thể cảm nhận, hít thở được cái khí chất thiêng liêng cao quí của tinh hoa đất trời, như muốn chúc phúc, và trao ban niềm vui, hạnh phúc cho con người. Bởi thế theo truyền thống của đạo công giáo, những ngày này là những ngày lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu xin những điều tốt đẹp nhất cho con người.

“Cây có cội, nước có nguồn, con người cũng có tổ tiên…” Bầu khí linh thiêng của những ngày đầu năm mới, rất thích hợp để Giáo hội tôn vinh và mời gọi con cái bày tỏ tấm lòng hiếu kính đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên - những người đã cộng tác trực tiếp với Thiên Chúa trong việc sinh thành dưỡng dục con người. Vì thế Giáo hội đã dành riêng ngày mồng hai tết để thi hành nghĩa vụ này đặc biệt qua Thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời.

Sau việc kính yêu Tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự thì việc tôn kính và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ là bổn phận hàng đầu của con người (x. Xh 20,12). Bởi thế trong Kinh Thánh, đặc biệt sách Huấn ca có dạy: "Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7,27-28); hay: “Kẻ tôn kính cha được xá lỗi lầm, và trọng kính mẹ khác nào tích trữ bảo tàng” (Hc 3,3 – 4), “Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc” (Hc. 3,8), “Kẻ tôn kính cha, sẽ được hoan lạc nơi con cái. Vào ngày khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời” (Hc 3,5)…; hoặc: “ Con ơi, hãy săn sóc cha mẹ con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng  phải cảm thông, đừng cậy mình sung sức mà khinh dể người” (Hc 3, 12 – 13). Bên cạnh đó, Huấn ca cũng lên án những người con bất hiếu ngỗ nghịch: “Kẻ bỏ bê cha, giống như đứa lộng ngôn, kẻ khinh dể mẹ, chọc giận Chúa Tạo thành (Hc 3,16). Còn Thánh Phao lô trong thư gửi các Giáo đoàn đã nhắn nhủ:  “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều đẹp lòng Chúa (Cl 3,20), “Hãy tôn kính cha mẹ, đó là điều răn thứ nhất, để ngươi đựơc hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”. (Ep 6,1 - 2).

Trong tinh thần con cái Thiên Chúa, Giáo hội dạy chúng ta: “Lòng tôn kính (hiếu thảo) của con cái đối vớiptTet1.jpg cha mẹ phát xuất từ sự biết ơn đối với những người đã cho chúng được sống và nhờ tình yêu và công lao của họ, giúp chúng lớn lên về tầm vóc, khôn ngoan và ân sủng”. (SGL.HTCG. s. 2215) hoặc : “Hiếu kính cha mẹ là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (Giáo lý Tân định)…

Hơn nữa, chữ hiếu luôn được đề cao trong đời sống gia đình cũng như xã hội của người Á đông. Và đặc biệt hơn nữa việc tôn kính Ông Bà cha mẹ lại là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt nam, biểu lộ qua tín ngưỡng Thờ Kính Tổ Tiên, hay còn gọi cách bình dân là “Đạo thờ ông bà”. Do đó đừng ai trong chúng ta vì ham vui hay vì lợi ích cá nhân mà bỏ quên nghĩa vụ đối với ông bà cha mẹ trong những ngày này.

Giáo lý nhà Phật dạy: Hiếu thảo với cha mẹ là biết vâng lời cha mẹ và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn; chứ không phải là nuôi dưỡng cha mẹ, cho cha mẹ áo quần đẹp để mặc, rồi cho là đã hết lòng hiếu thảo rồi! Không phải như vậy!
Thế nào là trọn vẹn chữ hiếu? Ðầu tiên mình phải biết nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, không chống đối, không làm ngược lại lời cha mẹ. Phải hết sức cung kính nghe theo lời cha mẹ dạy; lúc đối đáp với cha mẹ thì phải hết sức "hòa nhan duyệt sắc," nhỏ nhẹ, ngoan ngoãn. Cha mẹ sai bảo điều gì thì phải làm ngay, không được lười biếng hoặc tỏ thái độ không vui, không thích. Nếu mình có điều gì sai lầm, bị cha mẹ rầy la, thì phải hết sức vui vẻ mà tiếp nhận, không được có thái độ cứng đầu, không chịu lãnh hội lời chỉ bảo. (Vạn Phật thành…)
Tình cảm giữa cha mẹ - con cái luôn là thiêng liêng cao quí. Xưa nay, từ đông chí tây, từ cổ chí kim đều khen ngợi tôn vinh những người con thảo hiếu và lấy làm tấm gương cho cách ứng xử của con người đối với đấng bậc sinh thành. Thảo kính cha mẹ là một chân lý bất hủ của mọi đời, có nguồn gốc từ chính Thiên Chúa. Chân lý ấy được Đức Giêsu làm nổi bật và khẳng định rõ trong bài Tin mừng hôm nay - Ngài dạy chúng ta: “Giới răn Thiên Chúa” vượt trên mọi thứ luật lệ của con người, và lòng hiếu thảo đối với mẹ cha thì vượt trên mọi lễ phẩm dâng tiến Chúa (x.Mt 15,3 – 6). Người lên án gắt gao thói giả hình của con người, thường chú trọng những cái bề ngoài mà quên đi nội dung chính yếu của lề luật là tình yêu thương, Ngài nói: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.”  Như thế các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia…” (Mt 15, 3 – 6).

Trong cuộc sống trần thế, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nhau và cho nhau. Con người sống là để chuyển trao yêu thương và làm cho tình yêu đó sinh hoa kết trái nơi vạn vật, nhờ đó vũ trụ thêm đẹp, trái đất thêm xinh. Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, tình yêu cao đẹp nhất, thiêng nhất vẫn là tình phụ tử, mẫu tử. Đó là tình yêu cho đi vô điều kiện, không tính toán: “Công cha như núi ngất trời, nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông”. Bởi thế, con người không được phép viện một lý lẽ nào để từ chối bổn phận hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Những ai còn được diễm phúc sống gần mẹ cha, chúng ta phải biết ơn và cảm tạ Chúa. Vì có biết bao nhiêu người sống cô đơn không người thân thuộc, thiếu tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ, họ khao khát tình yêu cha mẹ, hoặc mong muốn có cha mẹ để mà kính yêu phụng dưỡng mà không thể có. Còn chúng ta, có được ân huệ cha mẹ ở gần bên mà lại không cám ơn Chúa, biết ơn cha mẹ mà phụng dưỡng các ngài cho phải đạo thì tội rất lớn. 

Tuổi già là tuổi cô đơn, dễ buồn, dễ tủi thân. Cô đơn buồn tủi vì sức khỏe giờ đây đã xuống dốc không còn linh hoạt để có thể đi đây đó hay làm việc. Cha mẹ già nhiều khi phải lủi thủi ở nhà một mình trong khi con cháu bận rộn với công ăn việc làm hoặc vui chơi học hành… Mặt khác, người ta thường nói “một già, một trẻ bằng nhau”, vì thế mà các cụ rất cần sự yêu thương thông cảm và chăm sóc của con cháu. Có những người rất hiếu thảo với cha mẹ, thường hay sắm sanh quà cáp, biếu xén cha mẹ thứ này, thứ kia nhưng các cụ vẫn không vui. Bởi vì lễ vật đâu bằng tấm lòng – Vật chất dư thừa nhưng trong cách đối xử thiếu thương yêu và thông cảm nên không xóa đi được nỗi cô đơn, lo lắng, buồn chán chất chứa trong lòng. Trái lại, nếu được con cháu yêu thương thông cảm và có những chăm sóc tế nhị sẽ giúp các ngài được an ủi và thấy lòng nhẹ nhàng vui thỏa.

Lạy Chúa là Thiên Chúa Tổ tiên chúng con!

Chúng con xin dâng lên Người lời cảm tạ,

Đã ban cho chúng con có mẹ cha để chuyển trao tình yêu của Người cho chúng con.

Chúng con xin Chúa chúc lành cho ông bà cha mẹ chúng con,

Cho các ngài được an vui trong tuổi già bên đàn con cháu.

Xin cho chúng con biết ghi nhớ công ơn Tổ tiên, ông bà, cha mẹ,

Đã sinh thành dưỡng dục chúng con.

Để biết đáp đền cho cân xứng.

Lạy Thiên Chúa là Chúa xuân vĩnh cửu!

Xin ban cho Tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng con

Được chia sẻ hạnh phúc và niềm vui của xuân lòng người

Xuân yêu thương bất diệt muôn đời. Amen.

Nt. Maria Chinh Anh. 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Thường Niên Năm C - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên_Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA MÙNG 3 TẾT.
     SUY NIỆM LỜI CHÚA MÙNG 2 TẾT.
     SUY NIỆM LỜI CHÚA MÙNG 1 TẾT- CẦU BÌNH AN TRONG NĂM MỚI.
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     GIỌT MỒ HÔI CÓ CHÚA(Thứ Bảy sau CN IV Thường Niên A – MỒNG BA TẾT). Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT.
     ƠN BÌNH AN ( Ngày mồng một Tết)
     THỨ BẢY TUẦN IV THƯỜNG NIÊN NĂM C-CHÚA GIÊ SU CHẠNH LÒNG THƯƠNG-Lm. Đaminh Tiến
     THỨ SÁU TUẦN IV THƯỜNG NIÊN NĂM C - TIẾNG NÓI LƯƠNG TÂM- Nt. Madalena Nguyễn Thị Lan O.P
     NGÀY ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN 2.2.2010 - “CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN THIẾT MÀ THÔI . . . ” - Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
     CHÚA NHẬT TUẦN IV THƯỜNG NIÊN NĂM C- Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông