Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 27

Lễ Mẹ Mân Côi

KINH MÂN CÔI - LỜI KINH CỦA SỨC MẠNH

ME MAN COI.jpg

Kính thưa quý OBACE, trong một năm, Giáo Hội đã dành rất nhiều ngày để tôn kính Đức Maria. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn muốn dành trọn hai tháng để tôn kính đặc biệt người mẹ của mình. Tháng năm là tháng của niềm vui hân hoan, con cái từ khắp nơi đem về dâng Đức Mẹ những bông hoa, những điệu múa để tỏ lòng thảo hiếu biết ơn. Đặc biệt, tháng mười hàng năm, Giáo hội kêu gọi mọi người đến với Mẹ Maria qua việc đọc kinh Mân Côi với lòng tin tưởng phó thác. Trải  qua lịch sử hơn hai ngàn năm, chắc hẳn Giáo Hội đã có kinh nghiệm và đón nhận được sự trợ giúp kỳ diệu của Đức Mẹ qua lời Kinh Mân Côi. Vì thế, trong ngày lễ Mân Côi hôm nay, chúng ta có dịp suy gẫm và cảm nhận sự kỳ diệu nơi lời kinh đơn sơ này – Lời kinh có sức mạnh chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa và trái tim từ mẫu của Mẹ; là lời kinh có sức mạnh bảo vệ gia đình và chống lại ma quỷ.

1/ Kinh Mân Côi có sức mạnh chạm đến Lòng thương xót của Chúa và trái tim từ mẫu của Mẹ.

Kinh Kính Mừng là lời kinh đơn sơ nhất, là lời kinh mà chúng ta có thể thuộc khi còn trong vòng tay của cha mẹ. Lời kinh này ca tụng quyền năng của Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa đã chuẩn bị từ ngàn xưa. Lời tuyên phạt con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa ngươi và người phụ nữ, giữa miêu duệ ngươi và miêu duệ người ấy, Người miêu duệ ấy sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi thì rình cắn gót chân Người”. Qua lời này, Thiên Chúa đã nghĩ đến Đức Maria và đã tuyển chọn Mẹ.

Đến thời đã định, Thiên Chúa sai sứ thần đến hỏi ý kiến Đức Maria. Việc làm này của Thiên Chúa cho thấy, Ngài hoàn toàn tôn trọng Đức Maria, Ngài muốn để cho Mẹ hoàn toàn tự do nói có hay không trước lời đề nghị của Thiên Chúa. Khác với Eva đã muốn mình ngang hàng với Thiên Chúa, dẫn đến hành động bất tuân, thì Đức Maria chỉ dám nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa và hoàn toàn vâng phục thánh ý Ngài. Câu chuyện Truyền Tin cho thấy, khi gặp Đức Mẹ, sứ thần đã hết sức cung kính và dùng một lời chào vô cùng trang trọng: “Mừng vui lên hỡi Bà Đầy Ơn Phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Lời chào này trước hết là lời ca tụng Thiên Chúa - Đấng đã đổ đầy ơn phúc xuống trên Mẹ và tuyển chọn Mẹ. Kế đến là lời cung kính chào mẹ vì Mẹ đã dám mở lòng, làm cho mình trở nên khiêm nhường trống rỗng để cho Chúa đổ tràn đầy ơn phúc của Ngài xuống trên Mẹ. Ơn phúc lớn lao nhất đó là việc Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Cụ thể cho việc Thiên Chúa ở cùng Mẹ đó là: “Này bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai.. đặt tên là Giêsu… Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.

Khi đọc kinh mân côi: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà…” là chúng ta lặp lại lời của sứ thần ca tụng Thiên Chúa và kính mừng Mẹ. Ca tụng lòng thương xót của Chúa vì Ngài không để cho nhân loại phải chìm trong đau khổ và sự chết nhưng đã ra tay cứu chuộc nhân loại. Ngài không tiếc chính Con Một mình nhưng đã trao tặng Người con ấy cho nhân loại chúng ta. Vì thế, lời kinh Kính Mừng là lời kinh ca tụng Lòng Thương Xót Chúa. Đức Maria đã thưa tiếng “Xin Vâng” để cho Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài. Với lời thưa khiêm nhường này, Mẹ đã hoàn toàn trao phó cuộc đời mình cho Thiên Chúa và có thể nói từ giây phút này, Mẹ cũng trao phó cả cuộc đời cho nhân loại. Do đó, khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta cũng chạm đến lòng từ mẫu của Mẹ. Vì thế, mỗi khi lời kinh này được đọc lên với sự thành tâm tin tưởng, Thiên Chúa sẵn sàng ra tay trợ giúp chúng ta qua sự bầu cử của Mẹ và vì Mẹ.

2/ Kinh Mân Côi có sức mạnh bảo vệ các gia đình – Theo thống kê cách đây ít năm của đài BBC cho thấy: Các gia đình duy trì việc đọc kinh mân côi vào các buổi tối thì ít đổ vỡ hơn các gia đình không đọc kinh. Trong kinh nghiệm đời sống đạo cũng chứng minh cho chúng ta rằng: Gia đình nào mỗi ngày xụm họp cùng nhau trước bàn thờ Chúa, cùng cất lên lời kinh Kính Mừng Maria…thì Chúa và Đức mẹ sẽ gìn giữ và ở lại với gia đình ấy. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon tại Cana. Tin Mừng ghi lại: Chúa Giêsu và Đức Maria được mời dự tiệc. Chính vì được mời dự tiệc, mà hôm đó, Đức Mẹ, với sự nhạy bén tinh tế của một người mẹ, đã xin Chúa Giêsu can thiệp để giải cứu gia đình đám cưới khỏi tình trạng thiếu rượu. Khác với những khách mời khác, Mẹ hiện diện trong tiệc cưới không chỉ để chia sẻ niềm vui, mà Mẹ còn hiện diện như người có trách nhiệm, là thành viên trong gia đình. Chính vì sự hiện diện tích cực như thế, Mẹ quan sát thấy sự lúng túng của gia nhân và gia đình khi hết rượu. Mẹ đã chủ động quay về phía Chúa Giêsu và đề nghị với Chúa: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ muốn xin với Chúa can thiệp để cho cuộc vui của bữa tiệc không bị gián đoạn, cho gia đình không phải xấu hổ và cô dâu chú rể không phải khó xử. Chúa đã ra tay, Ngài đã làm cho nước hóa thành rượu, không phải là rượu thường, mà là rượu ngon hơn trước, khiến cho mọi người ngạc nhiên.

Cũng vậy, nếu mỗi gia đình chúng ta mời Chúa và Đức Mẹ vào trong gia đình của mình, mời các Ngài cùng dùng bữa tối với gia đình; mời Chúa cùng hiện diện trong giờ kinh mỗi ngày và cùng chia sẻ mọi lo toan của gia đình, Chúa và Đức Mẹ sẽ giải gỡ các khó khăn của gia đình. Việc cùng nhau đọc kinh mỗi tối, mời Chúa hiện diện trong gia đình, trong mỗi bữa ăn không phải là điều khó, chỉ có điều là chúng ta có muốn mời Chúa hay không mà thôi. Việc đọc kinh mân côi với nhau, không quan trọng ở việc đọc nhiều hay ít, nhưng quan trọng là việc chúng ta ở bên nhau và mời Chúa và Mẹ hiện diện. Vì thế, có thể đọc mười kinh mỗi tối cũng được. Ngoài ra, lúc đi làm, khi đi đường, lúc rảnh rỗi, hãy nhớ đến Chúa và Đức Mẹ qua tràng chuỗi mân côi. Trên trang mạng cách đây không lâu có đăng hình của một bác chạy xe ôm, lúc không có khách, trên tay bác luôn có tràng chuỗi nhỏ và miệng thầm thĩ đọc kinh, lần hạt. Chúng ta cũng có thể thấy nhiều người như thế, khi đi thể dục, khi đạp xe, hay lúc đi đường, trên tay vẫn có tràng hạt và miệng thầm thĩ: “Kính mừng Maria...” Chắc chắn Chúa và Đức Mẹ không bỏ rơi những người thành tâm như thế.

3/ Kinh Mân Côi có sức mạnh chống lại ma quỷ. Ma quỷ là một thế lực có thật trên trần gian này và nó có sức mạnh chi phối được nhiều người, cũng như gây ra nhiều tai ương và đau khổ cho con người. Ma quỷ còn có khả năng mượn những điều tốt đẹp và nhiều khi nó nhân danh Thiên Chúa để gieo những điều xấu và sự dữ. Trong lần cám dỗ Chúa Giêsu, nó khoác lên mình cái áo tốt đẹp, nó nói lời của Thiên Chúa và nó nhân danh Thiên Chúa để xúi Chúa Giêsu làm theo ý riêng của mình mà không theo ý Thiên Chúa Cha. Trong lịch sử Giáo Hội và thế giới, ma quỷ cũng dùng rất nhiều cách thế để kéo con người dần dần đi xa con đường của Thiên Chúa, làm sai ý Chúa. Có nhiều lần nó dùng cả những người được xem là thánh thiện, như các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ để gây chia rẽ trong Giáo Hội. Làm thế nào để phân biệt việc làm của Thiên Chúa, của Đức Mẹ với việc làm của ma quỷ? Việc của Thiên Chúa thì đem đến bình an, còn việc đưa tới bất an, lo sợ là do ma quỉ. Chỉ có Chúa và Đức Mẹ mới có thể đem bình an đến cho con người; Chúa và Đức Mẹ không bao giờ hù dọa con người. Việc hù dọa con người chắc chắn là do ma quỷ.

Trong lịch sử cũng cho thấy ma quỷ rất sợ Thánh Giá và tràng hạt Mân Côi. Bộ phim kinh dị “The Nun” đang thu hút nhiều người trong vài tuần qua đã cho thấy, Đức Maria là người dẫn đường và tràng hạt mân côi là vũ khí để chống lại ma quỷ. Cuộc chiến giữa ác quỷ Valak và các Sơ trong phim đó là một cuộc chiến có thực trong đời sống tự nhiên và thiêng liêng. Đó là cuộc chiến giữa Đức Tin và Sự Sợ Hãi, cuộc chiến mà ở đó chỉ có Lời Cầu Nguyện, Đức Tin và Sự Hy Sinh mới có thể chiến thắng được ma quỷ. Trong cuộc chiến với ma quỷ, nhiều khi ta cứ tưởng rằng Thiên Chúa không có mặt và Ngài không hiện hữu. Nhưng thật sự Ngài vẫn ở đó để đồng hành với chúng ta, và có Mẹ Maria ở bên che chở chúng ta. Vì thế, đừng ngại ngùng cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi mà thưa lên rằng: “Kính mùng Maria đầy ơn phúc … Thánh Maria … cầu cho chúng con”. (x Fb Vĩnh Tài Bùi)

Chuỗi Mân côi không làm cho chúng ta trở nên quê mùa hay lạc hậu, cũng không làm ta thất vọng. Những lúc đau khổ, khi vui, khi buồn, lúc gia đình căng thẳng, khi nóng nảy bực bội, khi bế tắc trong cuộc sống…, hãy tin tưởng cầm lấy tràng hạt Mân Côi, chúng ta sẽ thấy phép lạ thật lớn lao được ban cho chúng ta.

Xin cho chúng ta biết đáp lại lời mời gọi của Me Fatima: không ngừng canh tân đời sống, tôn sùng Đức Mẹ và nhất là siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày; Mẹ sẽ ở bên giải gỡ cho những khó khăn của chúng ta và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên - Lm . J. P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên- Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên-Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên- Lm.JB

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH -HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên_Lm Micae Vũ An Lộc.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên_Tam Thái.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên C: TRỞ NÊN NGƯỜI NHÀ CỦA CHÚA TRONG GIA ĐÌNH GIÁO HỘI_ Lm. Dom. Thành Tiến
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên Năm C_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên Năm C_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên Năm C_Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên Năm C_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc