Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI BÀU HÀM

MỘT CƠ HỘI LỚN

Nhập đề:

“Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh thần theo Ý Định của Thiên Chúa Cha” (Ad Gentes số 2). Quả vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh trước khi về trời đã ban lệnh truyền cho Giáo Hội: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20).

Hội Thánh luôn xem việc loan báo Tin Mừng là căn tính, là sứ mạng chính yếu, là sự sống, là máu huyết của mình. Ngay từ thời các thánh tông đồ, đặc biệt là Thánh Phaolô với câu nói đầy nhiệt huyết “khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16), Hội Thánh đã không ngừng ra đi đến với muôn dân. Tiếp sau đó là các thế hệ các nhà truyền giáo cứ nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Công đồng Vaticanô II đã dành riêng 2 sắc lệnh đề cập tới công cuộc truyền giáo như Ad Gentes (1965) và Apostolicam Actuositatem. Hội Thánh đã cho thiết lập cả một Thánh Bộ lo công cuộc truyền giáo. Các vị giáo hoàng liên tục đưa ra các thông điệp, các tông huấn, các sứ điệp về truyền giáo. Đan cử như: Thông điệp Evangelii Nuntiandi (1976) của Đức Thánh Cha Phaolô VI, Thông điệp Redemptoris Missio (08/12/1990) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II; Tông Huấn Christifideles Laici (1989) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II; và mới đây nhất là Sứ điệp Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, công bố ngày 16/11/2013, nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ (được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro Brazil, từ ngày 23-28/07/2013) với chủ đề: “Hãy Đi Và Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ” (x. Mt 28, 19).

Như vậy có thể khẳng định: việc truyền giáo luôn là việc cần thiết và cấp bách cho mọi Kitô hữu ở mọi thời đại. Đối với anh chị em giáo dân giáo xứ Bàu Hàm, chúng ta phải luôn nhắc nhở cho nhau về bổn phận truyền giáo của người Kitô hữu. Để có một ý tưởng suy tư, một cái nhìn bao quát và một hướng đi cụ thể về truyền giáo nơi Giáo hội địa phương, trước hết, chúng ta tìm hiểu sơ lược về lịch sử hình thành, về tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa các cộng đồng tại Bàu Hàm. Sau đó, xác định đâu là những điểm thuận lợi và không thuận lợi, đặc biệt nhấn mạnh đâu là những lý do của tình trạng “chậm trễ” Tin Mừng nơi Bàu Hàm hiện nay. Cuối cùng, chọn ra những giải pháp, đường hướng thực tế cho việc loan báo Tin Mừng đáp ứng công cuộc truyền giáo và Tân Phúc Âm Hóa trong thế giới ngày nay.

I/ Lịch sử hình thành, vài nét văn hóa tín ngưỡng người Nùng và các cơ sở tôn giáo hiện nay tại Bàu Hàm.

1/ Lịch sử hình thành

Năm 1954, tình hình đất nước chính trị bất ổn, dòng người di cư rất lớn từ Bắc vào Nam. Tháng 7 năm 1954, đại tá Voòng A Sáng (chỉ huy tiểu đoàn người Nùng, đóng tại Quảng Ninh) dẫn theo các gia đình quân nhân và một số người khác vào miền nam, đóng trại tại Sông Mao, Bắc Bình Thuận. Khoảng năm 1958, lại cũng vì hoàn cảnh thời cuộc, nhất là vì sự mưu sinh, nhóm người Nùng này một lần nữa phải xé lẻ đi khắp nơi: Long Khánh, Tây Ninh, Sài gòn... và một số gia đình đã đến Nông Trường Sông Thao (nay là xã Sông Thao) sinh sống. Từ năm 1960, người này giới thiệu người kia, các gia đình người Nùng theo chân nhau tìm đến Sông Thao rồi sau đó khai phá sâu thêm vào trong vùng núi Sóc-lu (Núi Sóc-lu hiện nay một phần thuộc xã Bàu Hàm, và phần lớn thuộc xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) hình thành cộng đồng người Nùng rất đông, phát triển thành xã Bàu Hàm.

Năm 1969, một số người Công Giáo từ dưới Bến Tre lên Bàu Hàm làm ruộng rẫy, trồng thuốc (thuốc rê) và xắc thuốc mướn cho người Nùng địa phương. Công việc làm ăn thuận tiện, vì vậy một số người cũng đã tìm cách đưa gia đình và người thân an cư lạc nghiệp  ở nơi đây. Sau biến cố 1975, chương trình “Vùng Kinh Tế Mới” nở rộ khắp nơi, có thêm nhiều người Công Giáo từ khắp các nơi, nhất là vùng lân cận như Quảng Tâm, Thanh Bình, Tâm Hòa… đến phá rừng hoặc sang nhượng lại đất để làm rẫy. Thời gian đầu còn đi đi về về, sống rải rác, nhưng dần dần thì định cư, qui tụ dần dần hình thành Giáo Họ Giuse-Bàu Hàm. Năm 2008, Giáo Họ Giuse Bàu Hàm được Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh nâng lên Giáo xứ Bàu Hàm.

Tháng 9 năm 1994, xã Bàu Hàm lại được tách chia thành 2 xã: xã Bàu Hàm và xã Sông Thao. Trên địa bàn 2 xã có 90% là người dân tộc, đặc biệt phải kể đến là người Nùng, số còn lại là người Thổ, người Tày, người kinh…

2/ Vài nét văn hóa và tín ngưỡng người Nùng

Người Nùng tại Sông Thao-Bàu Hàm từ trước đến nay, cơ bản vẫn giữ những nét phong tục tập quán của Người Nùng nói chung. Nguồn sống chính của người Nùng là làm rẫy làm ruộng. Trước kia là chủ yếu là lúa, ngô và đậu. Sau này thì họ cũng trồng những cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều. Ngoài ra họ còn trồng cây thuốc rê, hàng năm đem lại nguồn lợi đáng kể.

Trong gia đình, quan hệ giữa bố chồng, anh chồng với nàng dâu có sự cách biệt nghiêm ngặt. Theo phong tục Nùng, dù là con anh, con em, con chị… ai nhiều tuổi hơn được gọi là anh là chị. Người Nùng có thói quen ít khi gọi thẳng tên người ông, người cha mà thường gọi theo tên của đứa cháu đầu, con đầu của họ. Khi đặt tên con phải tuân theo hệ thống tên đệm của dòng họ.

Về tín ngưỡng, người Nùng thờ cúng tổ tiên trong nhà. Bàn thờ tổ tiên có bài vị, lư hương và được đặt vào nơi trang trọng nhất. Vào những ngày đầu tháng, ngày rằm họ thường đốt hương. Ngày lễ, tết có cúng chè, rượu và các món ăn. Người Nùng cúng ma sàn (pi thang sàn) và cô hồn đầu ngõ vào dịp tết nguyên đán. Những gia đình cùng một dòng họ thì cùng chung một miếu thờ thổ công, thổ địa.

Các thầy tào, thầy mo theo ý tưởng từ xưa, họ có khả năng tiếp xúc với các loại ma thần nên được gọi là “cân thả hụng” (người mắt sáng). Họ hành nghề cúng bái, cầu sự tốt lành cho người dân. Vì thế họ được mọi người kính nể. Trong các nghi lễ ma chay cưới hỏi của người Nùng, các thầy cúng rất quan trọng. Các thầy cúng hầu như định đoạt các giờ giấc cũng như sắp xếp các lễ nghi và được gia chủ nhất nhất tuân theo.

3/ Các cơ sở tín ngưỡng-tôn giáo tại Sông Thao và Bàu Hàm

Các cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo hiện nay tại Sông Thao và Bàu hàm có thể thống kê như sau:

a/ Nhà Thờ Bàu hàm:

Nhà thờ Giáo xứ Bàu Hàm được xây dựng vào năm 1988 bằng cây, tre, lá sau đó được trùng tu bằng gạch, xi măng, sắt thép vào năm 1996 và giữ nguyên hiện trạng cho đến nay. Nhà thờ tọa lạc tại ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tô giới Giáo xứ Bàu Hàm hiện nay gồm 2 xã Sông Thao và Bàu Hàm, với diện tích 48,76 km2 (diện tích xã Bàu Hàm: 22,47 km2 ; diện tích xã Sông Thao: 26,29 km2) 

·        Đông giáp Giáo xứ Xuân Đức, hạt An Bình.

·        Tây giáp: Giáo xứ Bình Minh & Giáo xứ Hiển Linh, hạt Gia Kiệm.

·        Nam giáp: Giáo xứ Hưng Lộc & Thanh Bình, hạt An Bình.

·        Bắc giáp: Giáo xứ Võ Dõng, hạt Gia Kiệm.

Giáo xứ Bàu Hàm hiện nay vẫn được xem như một giáo xứ truyền giáo. Tỉ lệ giáo dân rất ít: 708 người (theo báo cáo thường niên 2012) trên gần 20.000 người thuộc 2 xã Bàu Hàm và Sông Thao chiếm tỉ lệ 3,5 % (theo thống kê năm 2009, dân số 2 xã Bàu Hàm và Sông Thao tổng cộng 19.260 người: Bàu Hàm có 10.565 nhân khẩu, Sông Thao có 8695 nhân khẩu).

b/ Chùa Pháp Bảo: thuộc ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm. Do một nhóm người Việt gồm khoảng 100 hộ, 525 nhân khẩu thành lập. Hiện chưa có trụ trì nhưng được một vị sư thầy đang trụ trì tại chùa Long Hưng, xã Hưng Thịnh vào hướng dẫn.

c/ Miếu Quan Âm: thuộc ấp Tân Hợp, xã Bàu hàm, do dân địa phương vào những năm mới lập nghiệp xây dựng lên. Hằng năm vào ngày 15 tháng 7 âm lịch có tổ chức cúng Vía Các Cô Hồn.

d/ Miếu Địa Mẫu: Thuộc ấp Tân Việt xã Bàu hàm, do dân địa phương lập để thờ Phật Bà. Vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng người dân thường đến vái nhang và xin xăm.

e/ Miếu Quan Đế: thuộc ấpThuận Hòa, xã Sông Thao. Do một số người Hoa Nùng ở Sài Gòn lập năm 1963, thờ vị Quan Đế, cầu xin cho công việc làm ăn buôn bán được may mắn thuận lợi. Ngày Vía Đức Thánh Quan Đế được mừng vào ngày 24 tháng 6 âm lịch hằng năm (ngày sinh thánh Quan Đế). Trong ngày mừng Vía, có cúng tế Quan Đế và tiệc mừng khá linh đình.

II/ Những thuận lợi và không thuận lợi cho việc Loan Báo Tin Mừng tại Bàu Hàm

Tổng kết 15 năm loan báo Tin Mừng gần đây tại Bàu hàm (từ năm 1998 đến năm 2013) có khoảng 165 người trở lại đạo Công giáo (chưa tính những người thuộc Bàu Hàm-Sông Thao được giới thiệu học giáo lý và rửa tội tại nơi giáo xứ khác). Trong 165 người tân tòng nơi giáo xứ Bàu Hàm, có 150 người ghi trong sổ rửa tội giáo xứ Bàu hàm từ năm 1998-2013 và 15 người được Rửa Tội tại giáo xứ Hà Nội ngày khánh nhật truyền giáo trong 3 năm: 2010, 2011,2012. Trung bình mỗi năm có 11 người theo đạo. Số tân tòng chiếm 23% số giáo dân (165/708). Những con số cũng khá ấn tượng so với nhiều nơi khác! Thế nhưng thật lòng chúng ta phải thừa nhận, số người tin vào Đức Giêsu Kitô tại đây vẫn còn quá “khiêm tốn”: 708 người trên tổng số 19260 người dân toàn vùng, tỉ lệ chỉ vào khoảng 3,5%. Ánh sáng Tin Mừng của Chúa Kitô lần đầu tiên được chiếu tỏa nơi vùng Bàu Hàm có thể ghi nhận vào năm 1969 khi những người Công Giáo từ Bến Tre lên lập nghiệp. Đã 44 năm trôi qua, thời gian truyền giáo cũng khá dài. Như vậy câu hỏi đặt ra: Đâu là lý do của tình trạng “chậm trễ” Tin Mừng nơi mảnh đất Bàu Hàm?

1/ Trở ngại, rào cản

a/ Lý do khách quan

Có những lý do khách quan mà các buổi hội thảo về truyền giáo thường nêu ra sau đây:

- Thời cuộc bất ổn, chiến tranh liên miên.

- Thể chế chính trị áp đặt ý thức hệ vô thần cùng với những ảnh hưởng của não trạng vô thần thực tiễn.

- Thế giới tục hóa. Người ta chỉ lo tìm kiếm của ăn vật chất, sự sống trần gian, cơm áo gạo tiền mà chưa lo nghĩ đến của ăn thiêng liêng, sự sống đời đời.

- Người Nùng đơn sơ, không lo xa. Họ chỉ lo cái trước mắt, cái thấy được con những điều thần thiêng họ không quan tâm lắm. Hoặc trái lại, có người lại mê tín dị đoan, cái gì cũng tin cũng thờ.

- Thiếu nhân sự và huấn luyện nhân sự dành cho việc truyền giáo.

Nếu có dịp chúng ta sẽ tìm hiểu sâu xa hơn về những nguyên nhân khách quan này.

b/ Lý do chủ quan

Lý do chính yếu làm chậm trễ cho việc loan báo Tin Mừng ở Bàu Hàm đó là chưa có sự khám phá và đụng chạm đích thực. Quả thật, từ trước đến nay chưa có một “đầu tư” đáng kể nào cho việc Truyền giáo tại Bàu hàm. Mặc dù từ năm 1969 đã có người công giáo hiện diện, nhưng mãi đến năm 2008 cộng đoàn giáo họ Giuse Bàu Hàm mới thực sự trở thành giáo xứ truyền giáo với khoảng 600 giáo dân và đến 06/01/2010 Giáo xứ mới có linh mục chánh xứ tiên khởi. Tuy nhiên, Giáo xứ trong suốt hành trình mới dừng lại ở việc giữ đạo, chưa tiến đến việc truyền đạo: chủ chăn còn lo chăm sóc mục vụ: Dạy giáo lý, củng cố đức tin, hướng dẫn đời sống và ban các Bí Tích cho người tín hữu. Giáo dân cũng còn đang chậm chạp lo thăng tiến đời sống đức tin của mình.Tóm lại, chúng ta chưa thực sự tìm hiểu anh chị em lương dân, chưa gần gũi họ, chưa tiếp cận họ để mà Truyền Giáo. Cơ hội lớn cho việc truyền giáo đã hơn một lần bị bỏ qua, quên lãng.

Đúng ra cũng có ít nhiều cuộc tiếp cận truyền giáo cho lương dân, nhưng cách thức truyền giáo còn sáo mòn chưa uyển chuyển. Ai cũng biết bác ái là bản chất của Kitô giáo nhưng bác ái khác với truyền giáo. Truyền giáo bằng bác ái có mặt tiêu cực của nó. Giúp đỡ về vật chất, cách này cách khác, để lôi kéo một số người theo đạo không phải là cách hay. Bởi vì truyền giáo theo cách này chỉ mời gọi được một số nhỏ những người quá nghèo, đói khổ. Hơn nữa, có câu nói không được thuận tai “theo đạo vì gạo”, sau theo đạo, khi không còn có được sự trợ giúp về vật chất họ đã bỏ đạo hoặc vẫn như là người “ngoại giáo” mặc dù đã được rửa tội.

Một lý do góp thêm phần làm trì trệ việc loan báo Tin Mừng tại Bàu hàm phải kể đến đó là thiếu vắng những nhà thừa sai, những vị truyền giáo chân chính. Hiện nay (tháng 8/2013), vẫn chưa có sự hiện diện của một tu hội hay hội dòng nào trên đất Bàu hàm. Hay nói cách khác chưa có tu hội, hội dòng nào để tâm tìm hiểu, nghiên cứu, để rồi đưa ra chiến lược, sách lược hay sai cử nhân sự của mình đến Loan Báo Tin Mừng nơi Bàu Hàm. Trong báo cáo truyền giáo tại Đại Hội Loan Báo Tin Mừng Toàn Quốc tại Giáo xứ Hà Nội ngày 30/9-2/10/2012, rất nhiều các hội dòng đã báo cáo về sự hiện diện của mình tại nhiều thí điểm truyền giáo rất xa xôi, nhưng có lẽ các hội dòng cũng như các nhà truyền giáo đã bỏ quên thí điểm truyền giáo rất gần: anh chị em lương dân tại Bàu hàm.

2/Thuận lợi

Mặc dù rất là nhiều nguyên nhân khiến “chậm trễ” và làm “lỡ đò lỡ chuyến” Tin Mừng nơi Bàu hàm, nhưng vẫn còn có nhiều điểm thuận lợi cho việc truyền giáo tại Bàu hàm, hay có thể nói, vẫn còn đó cơ hội rất lớn cho việc Truyền Giáo tại Bàu hàm. Chúng ta có thể kể ra 3 điểm thuận lợi chính sau đây:

Trước tiên là về Tín ngưỡng, người Nùng họ thờ cúng tổ tiên ông bà. Trong việc ma chay, ngày lễ, ngày tết, ngày giỗ kỵ của ông bà cha mẹ, người Nùng họ tổ chức rất chu đáo và long trọng. Điều này không phải là rào cản, trái lại rất gần với giáo lý Giới Điều Thứ Bốn, thảo kính cha mẹ, của đạo Công Giáo. Ngoài việc thờ cúng ông bà cha mẹ, người Nùng còn hay lập miếu thờ các vị thổ công, thổ địa. Ở xã Sông Thao có Miếu Quan Đế. Xã Bàu Hàm có Miếu Địa Mẫu và Miếu Quan Âm. Họ tôn kính và cầu xin những vị thổ công thổ địa này phù hộ cho dân được an cư lạc nghiệp. Có thể nói việc thờ cúng này chỉ gói gọn ở việc thắp hương khấn vái. Đối với đa số người Nùng, họ cũng ít quan tâm tìm hiểu lai lịch các vị ấy thế nào. Trong một năm thường chỉ có ngày Vía các vị thổ công thổ địa là được tổ chức cúng tế và ăn mừng khá linh đình. Các ngày còn lại trong năm rất hiếm có người đến miếu khấn vái. Một số nhà truyền giáo xem việc thờ cúng này là một rào cản Tin Mừng. Nhưng xét cho cùng thì vẫn có thể xem là điều thuận lợi. Tìm trong các hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô có một câu chuyện rất hay. Khi dân ngoại thành Athens dâng tặng các bàn thờ cho các thần Vô Danh vì sợ sự trừng phạt của các thần mà họ không biết. Thánh Phaolô đã biến điều này thành một lợi thế: “Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị Thiên chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó... Ngài ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự.” (x. CV 17, 22-25). Chúng ta có thể học bài học truyền giáo này của Thánh Phaolô để tiếp cận và giới thiệu Đức Giêsu cho người Nùng tại Bàu Hàm.

Điểm thứ hai, nhìn vào lịch sử hình thành Bàu hàm, chúng ta có thể thấy có một điểm tương đồng rất lớn giữa người Công Giáo miền nam và người Nùng tại Bàu Hàm. Biến cố di cư năm 1954 đem đến rất nhiều mất mát lớn cho cả hai. Vì lý do chính trị, nhiều người phải chấp nhận rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, để mong tìm cho mình và gia đình nơi sống mới tốt đẹp hơn. Người ta thường nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng bệnh tương lân”. Ý nói rằng: những vật có cùng tiếng thì đáp lại với nhau. Những vật có cùng khí chất thì tìm đến nhau. Hiểu sâu xa hơn là những người có ý chí giống nhau (đồng khí) thì tìm đến nhau (tương cầu). Những người cùng bệnh thì thương xót nhau (tương lân). Khi người ta cùng một hoàn cảnh giống nhau thì người ta dễ thông cảm với nhau. Điều này được thể hiện rất là rõ nét trong việc người Nùng sau khi di cư vào nam, họ vẫn qui tụ với nhau, sống liên đới với nhau, giúp đỡ nhau. Như vậy, người Nùng và người Công Giáo Miền nam rất dễ gần nhau, thông cảm và hiểu nhau, đó là điểm thuận lợi vô cùng cho việc truyền giáo.

Cuối cùng, như nói ở trên, người Nùng họ sống liên đới gắn bó với nhau, qui tụ cùng nhau, học hỏi và bắt chước nhau. Đây là nét văn hóa có tính cộng đồng rất cao của người Nùng. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Yêu nhau rào dậu cho kín” nhưng người Nùng xây nhà lại không có hàng rào hàng dậu, họ xây nhà dành sân phơi phía trước nhà khá rộng, đều nhau. Mỗi nhà có thể mượn sân của những nhà bên cạnh để phơi phong hay tổ chức tiệc mừng đình đám hoặc có thể dễ dàng qua lại với nhau khi “tắt lửa tối đèn” giúp đỡ lẫn nhau. Người Nùng có rất nhiều lễ hội và qui tụ rất đông trong các ngày lễ hội. Có thể kể đến là lễ hội Tả Tài Phán. Hàng năm lễ hội Tả Tài Phán được tổ chức rất lớn. Lễ hội này có nguồn gốc và quan niệm không được rõ ràng lắm về một vị Sơn Thần (Sơn Đại Nhân). Niềm tin dân gian cho rằng: Trong những ngày diễn ra lễ hội, vị Thần này rảo qua khắp hang cùng ngõ hẻm để bắt những oan hồn, những người “chết đường chết chợ”, không ai cúng vái đem về để siêu độ siêu thoát cho họ. Lễ hội Tả Tài Phán cũng là dịp để cầu bình an cho dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Những biểu lộ qua các lễ hội, chúng ta có thể thấy được nhu cầu tâm linh của người Nùng rất cao, họ đang mong ước sự tự do trọn vẹn, hạnh phúc đích thực và điều đó chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy được khát vọng của họ. Ngoài ra, người Nùng rất dễ bắt học theo, bắt chước người khác. Trong công việc làm ăn, khi có người làm thành công thì có rất là nhiều người làm theo. Mô hình “Đàn Sếu Bay” được rất là nhiều nước trên thế giới áp dụng để phát triển kinh tế. “Tính bầy đàn” có thể được xem là một lợi thế trong việc rao giảng Tin Mừng. Điều quan trọng là chúng ta phải làm cách nào tìm ra được “con Sếu đầu đàn” của người Nùng và hướng dẫn con Sếu này bay vào “vùng trời” của Giáo Hội.

III/ Truyền Giáo Bàu Hàm

Vẫn còn đó cơ hội rất lớn và cũng có rất nhiều những phương thế để Truyền Giáo cho anh chị em lương dân người Nùng tại Bàu Hàm. Tuy nhiên, xin gợi ý ba việc cần thiết phải làm ngay:

- Canh tân “công tác mục vụ” (Pastoral care).

- Xúc tiến việc “tân Phúc Âm hóa”.

- Đẩy mạnh công tác Truyền Giáo (Ad Gentes).

 1/ Canh tân công tác mục vụ

“Không ai có thể cho cái mình không có”. Trong một chút chia sẻ suy tư, Mai Nhật Thi đã viết: Nếu bạn là người Công Giáo, bạn muốn loan báo Tin Mừng cho người khác, mà “Tin Mừng” đó đối với bạn không có gì để “Mừng”, không có gì để “Vui”, thì bạn làm sao đem “vui mừng” đến cho ai? Người có đạo mà không thực sự hạnh phúc trong ơn gọi người Kitô hữu của mình thì làm sao có thể chia sẻ niềm vui và loan báo Tin Mừng cứu độ? Như vậy, chủ chăn cần phải cố gắng giúp cho cộng đoàn giáo xứ trở nên cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Ai ai cũng vui sướng được là thành viên của cộng đoàn giáo xứ. Ai ai cũng cảm nhận được hạnh phúc vì mình là con cái của Giáo Hội, con cái Thiên Chúa.  Người ta thường hay nói đi đạo, giữ đạo, giữ luật nhưng người Kitô hữu phải hiểu rằng mình chính là người được săn sóc và yêu thương. Một điều đáng buồn là lâu nay nhiều tín hữu vẫn xem các giờ cử hành phụng vụ, nhất là thánh lễ ngày Chúa Nhật, là việc giữ luật, bắt buộc. Họ đến cách gượng ép. Họ tham dự cho xong lần chiếu lệ. Công tác mục vụ cũng cần phải được canh tân để làm sao các buổi cử hành phụng vụ thực sự là ngày hội ngày vui, mọi người đến với lòng khao khát yêu mến và trở về với niềm vui sướng hân hoan.

Việc hội nhập văn hóa cũng là khía cạnh chúng ta phải để ý lưu tâm, đặc biệt là việc kính nhớ tổ tiên. Trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ vừa qua, Giáo xứ Bàu hàm cổ võ các gia đình lập bàn thờ gia tiên trong nhà để kính nhớ, cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ. Lại nữa, nếu có đi thăm hỏi chúc tết trong những ngày Xuân, thì sẽ không nên phân biệt lương giáo, mỗi khi đến nhà ai đều có thể xin gia chủ thắp nén hương nơi bàn thờ ông bà tổ tiên của gia đình mình đến thăm trước, sau đó mới nói chuyện thăm hỏi và chúc tết. Mặc dù chưa có những phản hồi rõ ràng, nhưng điều này chắc chắn đã gây được nhiều cảm tình đối với anh chi em người Nùng.

Ngoài ra, các nghi thức an táng, lễ cầu hồn, thánh lễ tại nghĩa trang ngày 02/11 hàng năm cũng gây ấn tượng rất tốt đối với anh chị em người Nùng cần được cử hành cách long trọng và sốt sắng.

2/ Xúc tiến việc “Tân Phúc Âm Hóa” qua việc đối thoại

Thế giới đang đổi thay biến chuyển từng ngày. Phương cách truyền giáo cũng phải thích nghi với thời đại. “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Diễn văn cho hội nghị lần thứ XIX của CELAM, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Các sân khấu xã hội văn hóa đang thay đổi một lần nữa mời gọi chúng ta điều gì đó: Sống cách mới mẻ kinh nghiệm đức tin cộng đoàn và việc loan báo nó, bằng một sự Phúc Âm hóa mới mẻ trong hăng say, trong các phương pháp, trong các lối diễn tả của mình” (Diễn văn hội nghị CELAM lần thứ XIX, ngày 09/03/1983, số 3)

Sứ Điệp Đại Hội toàn thể lần thứ X của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đưa ra nền linh đạo Tân Phúc Âm Hóa gồm 10 chiều kích cơ bản. Đó là kim chỉ nam để canh tân các sứ giả Tin Mừng phục vụ công cuộc Tân Phúc Âm hóa tại Á Châu. Ở đây chúng ta nhấn mạnh đến chiều kích thứ 5: Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ. Sứ Điệp viết: “Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu. Đối thoại phải là tiêu chí cho mọi hình thức thực thi sứ vụ và phục vụ tại Châu á. Đặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Đối thoại như thế là lối sống và phương cách truyền giáo của chúng ta. Đối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng” (Sứ Điệp FABC lần thứ X)

3/Loan Báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa

Trong sứ điệp công bố ngày 16/11/2012, nhân ngày giới trẻ thế giới 2013, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI viết: “Cha muốn mỗi người trong các con hãy tự vấn chính mình: Tôi đã bao giờ có đủ can đảm để đề nghị một người trẻ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chưa? Tôi đã bao giờ mời gọi ai đó dấn thân vào hành trình khám phá niềm tin Kitô giáo chưa?” (x. Sứ Điệp QTGT 2013 số 5). Lời của Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ thế giới, cũng là muốn nhắc nhở chúng ta bổn phận loan báo tin mừng cho anh chị em lương dân. Rất là nhiều người kitô hữu sợ nói về Chúa, e ngại đối diện với anh chị em lương dân. Điều này có thể chỉ là một chút tâm lý nhút nhát cố hữu bấy lâu nay của người Công Giáo. Thực ra, con người luôn khao khát đi tìm chân thiện mỹ. Trong cuốn sách “Tự Thú”, thánh Augustino viết: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con luôn khắc khoải cho tới khi tâm hồn con được nghỉ an trong Chúa”. Thánh nhân đã bộc lộ tâm tư khắc khoải của mình là mong mỏi gặp Chúa để được an thỏa. Hẳn đây cũng chính là mẫu số chung, là tâm trạng của rất là nhiều người, trong đó có người Nùng: Khao Khát Tìm Gặp Chúa. Vì thế, dựa theo hình ảnh người phụ nữ Samariatanô bên giếng Giacóp (x. Gioan 4, 5-42), sứ điệp của THĐGM thế giới về Tân Phúc Âm Hóa đã nhận định: “không có người nam hay người nữ nào mà, vào một thời điểm nào đó trong đời mình, không ở gần bên một giếng nước với một cái vò rỗng và niềm hy vọng tìm được sự thể hiện khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn, niềm duy nhất có thể mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống… Như Chúa Giêsu bên bờ giếng Sychar, Giáo hội cũng cảm thấy bổn phận bên cạnh con người thời nay, để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, để họ có thể gặp gỡ Ngài, vì chỉ mình Ngài là dòng nước mang lại sự sống đích thực và vĩnh hằng” (x. THĐ GM số 1). Sứ điệp còn nhắc nhở: “Chính chúng ta làm cho những kinh nghiệm Giáo hội có thể được tiếp cận cách cụ thể, gia tăng những giếng nước mời gọi con người khao khát đến, để giúp gặp gỡ Chúa Giêsu, nơi dễ chịu trong các sa mạc của cuộc sống. Các cộng đoàn kitô hữu có trách nhiệm về điều đó và, nơi chúng, chính mỗi người môn đệ của Chúa cũng có trách nhiệm” (x. THĐ GM số 3).

Như vậy chúng ta cần gia tăng ngày càng nhiều giếng Giacóp là sự hiện diện của cá nhân, của cộng đoàn: cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn các dòng tu, các hội đoàn Loan Báo Tin Mừng... Cần dấn thân hơn nữa vào việc loan báo Tin Mừng mọi lúc mọi nơi. Can đảm nói về Chúa “khi thuận lợi cũng như lúc không thận lợi”. Có lẽ từ trước đến nay chúng ta còn hờ hững, còn xem nhẹ việc loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa. Trong số 7 của Sứ Điệp Giới Trẻ Thế giới 2013, Đức Thánh Cha tha thiết mời gọi: “Đức Giêsu cần sự dấn thân và làm chứng của các con. Cho dẫu là khó khăn hay thiếu sự hiểu biết, các con đừng để mình bị nản chí trong việc mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đến bất cứ nơi đâu mà các con hiện diện.” (x. Sứ Điệp QTGT 2013 số 7).

Kết Luận:

Như đã nói từ đầu, Truyền giáo luôn là sự sống còn của Giáo Hội. Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Giáo hội nếu không Truyền giáo sẽ mất căn tính không còn là Giáo Hội của Đức Kitô nữa. Bổn phận Truyền Giáo là bổn phận tự bản tính của người Kitô hữu. Mọi người, không miễn trừ một ai, đều có bổn phận ấy. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Tôi cảm thấy đã đến lúc cần phải đầu tư tất cả mọi khả năng và sức lực của Giáo Hội vào công tác tân Phúc Âm hóa và công việc truyền giáo. Không kitô hữu nào, không cơ quan nào của Giáo Hội được trốn tránh nhiệm vụ hết sức cao quý này là loan truyền Chúa Kitô cho mọi dân tộc” (RM, 3). Giáo Hội đã công bố rất nhiều tài liệu quan trọng, chi tiết, cụ thể về vấn đề này. Thế nhưng ích gì cho việc Truyền giáo nếu mỗi người Kitô hữu vẫn bàng quan ngồi chờ, vẫn cứ khoanh tay đứng nhìn. Lời Chúa vẫn khẩn thiết kêu mời: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành muôn đệ” (x. Mt 28, 19). Muốn được làm được điều đó, mỗi người chúng ta phải thực sự có lòng yêu mến Chúa và Giáo hội với một chút can đảm dấn thân.

Xin được trích phần kết luận của Sứ điệp Đại Hội FABC lần thứ X để kết luận: “‘Đoàn chiên bé nhỏ’ của Chúa Giêsu không được rụt rè hoặc sợ hãi giữa hàng tỉ người Châu Á, chiếm hơn 60% dân số thế giới. Bởi vì chúng ta có chính Đức Giêsu Kitô, là nguồn duy nhất mang lại niềm tin cho  chúng ta, là hồng ân độc đáo Thiên Chúa ban cho loàn người”. (x. Kết luận của Sứ Điệp Đại Hội FABC lần thứ X)

                                              Linh mục Giuse Nguyễn Thái Cường

                                                               Giáo xứ Bàu Hàm

                                                               Giáo Hạt An Bình

                                                            Giáo Phận Xuân Lộc

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     Loan báo Tin mừng - những bài học lịch sử
     NHỮNG NẺO ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG. Anna Phan Thị Thu
     HAI LỜI DI CHÚC (phần 2). G. Tuấn Anh
     HAI LỜI DI CHÚC. G Tuấn Anh
     Lòng nhân hậu bị xúc phạm. MM Tân, S.J.
     BI KỊCH CỦA NHỮNG CẢNH ĐỜI, TRONG MẦU NHIỆM CUỘC ĐỜI. MM Tân SJ
     NẺO ĐƯỜNG NÀO CHÚA TÌM GẶP CON. MM Tân, S.J.
     HÃY ĐỂ THIÊN CHÚA CHẠM ĐẾN TRÁI TIM. G. Tuấn Anh
     VINH QUANG TỪ ĐAU KHỔ. Nt. Têrêxa Ngọc Lễ, OP.
     XIN CHO CON ĐÓNG ĐINH VỚI NGÀI. G. Tuấn Anh