HÃY ĐỂ THIÊN CHÚA CHẠM ĐẾN TRÁI TIM
Thiên Chúa không chỉ là Đấng sáng tạo vũ trụ, Đấng làm chủ không gian, thời gian mà còn là Đấng có làm chủ trên sự sống và sự chết.
Khi đối chiếu giữa các tôn giáo, thỉnh thoảng ta vẫn thường nghe “đạo nào cũng nhắc nhở con người ăn ngay ở phải”. Nói như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Một trong những khác biệt cơ bản và rất quan trọng giữa Kitô giáo với các tôn giáo bạn chính là đại lễ Phục sinh. Đại lễ này là tâm điểm, đức tin và niềm hy vọng của đời sống Kitô hữu.
Đức Giêsu khi còn tại thế, Ngài đã tỏ ra quyền năng tên cái chết được lĩnh hội từ Chúa Cha, khi làm cho vài người chết sống lại như: con trai bà góa (Lc 7, 11) hay Lazaro (Ga 11). Và Ngài cũng tiên báo, “Con Người sẽ phải chịu chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mc 8, 21). Một dấu chỉ khác cũng dùng để loan báo cho sự Phục sinh qua lời nói của Chúa Giêsu “Cứ phá đền thờ này đi, Ta sẽ xây lại trong ba ngày” (Mt 26, 61).
Trước đó trong Cựu ước, chúng ta cũng bắt gặp môt số đoạn mô tả các ngôn sứ được Thiên Chúa ban cho sức mạnh thắng cả thấn chết như tiên tri Elia, Elisa.
Khái niệm “từ trong cõi chết sống lại” vẫn còn rất mơ hồ đối với nhóm môn đệ thân tín. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó và chịu chết trên thập tự đã gây cho các ông một nỗi lo sợ và thất vọng. Sau khi sống lại, Ngài đã hiện ra với các tông đồ để cũng cố lòng tin, an ủi, khích lệ và ban bình an cho các ông. Ngài cho các môn đệ sờ tay vào lỗ đinh, cạnh sườn và ngồi ăn cùng họ để phá tan những nghi ngại về khái niệm “hồn ma” của người chết, trong quan điểm bình dị của các học trò.
Tuy vậy chúng ta vẫn cảm thấy rất khó hiểu, vì khi đạt tới vinh quang viên mãn trong ánh Phục sinh sau nhiều đau đớn về thể xác, tủi nhục về tinh thần, Ngài lại không tỏ hiện vinh quang ấy cho những người không tin, đánh đập, phỉ báng vào Ngài (đám đông, lính canh, các biệt phái, quan tòa…).
Nói đến Phục sinh là nói đến Thánh giá. Thánh giá và Phục sinh không thể tách rời nhau, sự song hành này là một bằng chứng cho qui tắc vàng cho cuộc đời của Kitô hữu. Chúng ta chỉ đạt đến bờ bến của vinh quang của đời sống siên nhiên khi đã trải qua con đường thương khó của chính mình ở trần thế. Chúa Giêsu quả quyết "Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất, không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12, 24).
Ân sủng lớn nhất của con người- ơn cứu chuộc đã trổ sinh ở chặng cuối của con đường thập giá, nơi đó nỗi khổ đau khủng khiếp mà Đức Giêsu phải gánh lấy, do cộng hưởng từ ba nỗi đau: thể xác (roi vọt, đóng đinh), tinh thần (môn đệ từ chối, bỏ chạy) và cả tâm linh (cảm giác bị Chúa Cha bỏ rơi).
Con đường thập giá của mỗi cá nhân chúng ta phải đón nhận trên đường lữ hành ở trần gian này cũng sẽ biểu hiện dưới một trong ba nỗi đau mà Thầy Giêsu đã đi qua. Thánh Inhaxio khởi đầu việc sáng lập dòng tên bởi một tai nạn gãy chân, mẹ Teresa thành Calcuta chịu đựng các đêm tối của đức tin, đức P.X Nguyễn Văn Thuận phải nhiều tháng cô đơn trong các căn phòng tồi tệ, lạnh giá và còn rất nhiều điển hình khác.
Thánh Phaolo nói “tất cả đều là ân sủng”, ngay cả những nỗi đau đớn kể trên cũng là ân sủng, nếu chúng ta tin tưởng, an bình vượt qua vì lòng mến Chúa. Đặt niềm tin vào ân sủng chúng ta sẽ đón nhận sự biến đổi lớn lao- chứ không dừng lại ở mức thay đổi. Những ai mạnh dạn để Thiên Chúa chạm đến trái tim mình, chúng ta sẽ thấy sức mạnh của sự biến đổi này. Thánh Gioan Maria Vianney là một điển hình, ngài bị bề trên khuyên từ hãy bỏ giấc mơ làm linh mục do kém trí lực. Nhưng sau này, ngài lại trở thành vị thánh bổn mạng của các mục tử vì ngài tin rằng “điều nhỏ bé mà tôi góp phần sẽ sinh hoa trái nếu ơn Chúa chạm đến nó và đó là điều tôi cần xin Chúa”.
Suy niệm mầu nhiệm Phục sinh, chúng ta nhận ra rằng, một sự biến đổi sâu sa theo hướng thẳng đứng nhờ ơn Chúa và sự lòng nhiệt thành của một cá nhân, sẽ tiệm cận đến khái niệm “phục sinh” của cá nhân ấy.
Lạy Chúa, xin hãy chạm đến trái tim, để biến đổi lòng mến nơi chúng con, xin hãy chạm đến khối óc, để chúng con hiểu thêm mầu nhiệm thánh giá, xin chạm đến môi miệng, bàn tay, để chúng con biết ca tụng, tuyên xưng, truyền rao danh Ngài.
G. Tuấn Anh