THẬP GIÁ VÀ QUYỀN LỰC
Con
người luôn bị quyền lực cám dỗ. Cái quyền lực hấp dẫn, hứa hẹn đủ điều, ma mãnh
luôn làm cho con người chao đảo và bám víu vào nó như một con thiêu thân, sẵn
sàng làm tất cả để ngồi vào vị trí của quyền lực.
Thế
giới của lịch sử chứng minh bao chuyện đau thương, tàn nhẫn khi con người chạy
đua, cào cấu, vơ vét quyền lực cho mình. Trên đài vinh quang, con người tung
hoành làm mưa làm gió để minh chứng quyền lực mình đang thống trị. Nhưng sau
cái vinh quang của quyền lực là cả một thế giới đen tối khủng khiếp mà con người
phải gánh chịu.
Quyền
lực có mặt khắp nơi, trong tất cả mọi lãnh vực. Cái xã hội như nó vốn
là đầy dẫy những kiểu đam mê quyền lực ở nhiều góc độ, cách thức. Người ta
tranh giành quyền lực cho đảng phái, tập thể, và cho cả cá nhân. Nhiều chiến lược,
mưu kế lập ra để tấn công, chiếm đoạt và thâu tóm quyền lực. Không cần
phải trưng dẫn chiều dài lịch sử của những chế độ độc tài, muốn bá chủ toàn cầu
bằng những hành động phi lương tâm, tàn nhẫn với đồng loại. Quyền lực
thống trị kiểu đó luôn đi đôi với cái ác, sự vô cảm và chống lại tình yêu.
Quyền
lực to hay nhỏ, đều có cái khung vô hình tiềm ẩn chất chứa những ích kỷ, lươn lẹo,
nhưng mưu toan trục lợi cá nhân và chà đạp tương quan với đồng loại. Người to
tìm kiếm quyền lực cỡ bự, kẻ bé cũng mưu cầu cái quyền lực để ra oai, để thống
trị, để thâu tóm quyền lực trong cái ghế của mình. Cơn cám dỗ quyền lực xảy ra
mỗi ngày, mỗi giờ và trong mọi môi trường của cuộc sống: xã hội, tôn
giáo, trong môi trường tu trì…
Quyền
lực là cơn cám dỗ căn bản mà con người phải đối diện, và dễ bị sa lầy trong
vòng kim cô của nó. Không ai dám phủ nhận mình chưa từng bị cám dỗ bởi quyền lực,
bởi dường như nó đã ăn vào máu và thấm vào từng ngõ ngách của nhịp sống, đến độ,
người ta ăn uống, ngủ nghỉ cũng bị con ma quyền lực bám víu và lay động. Đó là
một loại cám dỗ tinh vi, siêu đẳng, dễ làm con người mắc bẫy, chết trong quyền
lực mà họ đang bám víu.
Đối
mặt với cơn cám dỗ quyền lực, con người tìm đến cây thập giá, để vượt thắng cái
hiểm nguy của quyền lực đang vây bủa. Cây thập giá, một hình ảnh minh họa của
câu chuyện quyền lực qua bao thế hệ, nhưng đồng thời, chính nơi thập giá, ta
tìm ra câu trả lời đích thực của một vương quyền thực sự, khuôn mặt tình yêu
nơi Thiên Chúa.
Khi
chiêm ngắm thập giá, nơi treo Đức Kitô, con người qua bao thế hệ vẫn nhận ra
cái thê lương của quyền lực khi ký bản án bất công cho người vô tội là Đức
Giêsu. Cái quyền lực thống trị mà con người bám lấy chỉ là một sự phi nhân, tệ
hại và đáng lên án, một thứ quyền lực bọt bèo, cái giả trá phi nhân, cái kinh
hãi của mưu mẹo của quyền lực thế trần.
Thập
giá chống lại quyền lực trần thế, chống lại cái ác, cái vô tâm, những thứ chủ
nghĩa ảo, đàn áp, bóc lột, mà kẻ nắm quyền đang hoành hành. Thập giá đứng giữa
thế gian, lặng im, nhưng lại trở nên bài ca oai hùng, thức tỉnh những con người
đang mê man trong quyền lực, đang nhấn chìm anh em mình trong bạo lực.
Thập
giá minh chứng một quyền uy vượt trên mọi thứ quyền lực tạm bợ của trần gian
khi được mang lấy trên mình Con Thiên Chúa, Đấng Thánh. Thánh Gioan đã nhìn cây
thập giá như là biểu chứng, bộc lộ vinh quang tình yêu của Thiên Chúa khi trao
ban Con Một cho nhân loại. Nơi Đức Giêsu, thập giá không phải là một nhục hình,
nhưng là ngai tòa mà Ngài hành xử vương quyền, không phải vương quyền theo kiểu
trần thế, nhưng là vương quyền của tình yêu.
Thập
giá không còn trở nên sự điên rồ, ô nhục theo kiểu trần thế (x. I Cr 1:18,
25), của một sự bại trận trong cuộc chiến với quyền lực thế gian, nhưng đã trở
nên cây mang lại hoa quả trường sinh, của sự vinh thắng, vượt lên trên quyền lực
của con người gian ác.
“Ôi
thập tự, chỉ ngươi là xứng đáng
Giá
chuộc đời, đem cất giữ trong tim!
Biển
trần gian, tàu cờ hiệu Máu Chiên
Ngươi
rước kẻ đắm chìm cho cập bến”
…
“Phúc
thay giá chuộc đời treo sẵn
Trên
cành ngươi trĩu nặng giờ đây,
Thân
hình Chúa Tể quyền oai
Cứu
người dương thế khỏi tay tử thần.”
(Thánh
thi Kinh Sáng- Kinh Chiều Bốn ngày đầu Tuần Thánh)
Từ
đây, khi đối diện với cám dỗ quyền lực thế trần, người Kitô hữu hiểu rằng, họ
có một con đường để đi tới vương quyền đích thực, chính là cây thập giá mà họ
mang vác mỗi ngày. Một cây thập giá trên vai là biểu chứng người môn đệ Đức
Kitô ( Lc9,23; 14,27; 23,26), ở nơi đó, vinh quang, quyền lực từ tình yêu
sẽ chỉ dẫn họ suy nghĩ và hành xử trong vương quyền của tình yêu tự hiến như Đức
Giêsu Kitô đã thể hiện cách trọn vẹn nhất.“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều
gì ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Nt.
Têrêxa Ngọc Lễ, OP