Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

CỘNG ĐOÀN CHỨNG NHÂN

“Chính anh em là chứng nhân của Thầy” (Lc 24,48)

Kinh toi 3.jpg

Đó là lời mời gọi của Đức Giêsu cách đây hai ngàn năm vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay. Trước hết, lời đó khơi lên trong tâm trí chúng ta hình ảnh về một cộng đoàn Hội Thánh sơ khai, những người được chia sẻ cuộc sống với Đức Giêsu khi còn tại thế. Họ đã chứng kiến những lời Ngài nói, những việc Ngài làm, nhất là chứng kiến cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Khởi đi từ đó, lời loan báo về Đức Giêsu chết và sống lại là trung tâm của đời sống cộng đoàn Hội Thánh và công trình của Ngài còn tiếp tục cho đến tận thế (x.Cv 1,8). Sách Công vụ Tông đồ mô tả một vài đặc tính cơ bản của cộng đoàn này, và xem đó như là mẫu gương nền tảng cho đời sống Giáo Hội thuộc mọi thời đại. Những đặc tính tiêu biểu đó là:

1.      Lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ

Trước hết, lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ là lắng nghe “Tin Mừng”, vì Tin Mừng mà các Tông đồ rao giảng là làm chứng về đời sống, lời giảng, sứ vụ, sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Các ngài đã từng “mắt thấy tai nghe”, nên giáo huấn của các ngài không chỉ là lặp lại những cử chỉ, lời nói, việc làm của Đức Giêsu, mà còn khởi đi từ những trải nghiệm sâu sa với Người. Những tín hữu có lòng ao ước và sẵn sàng đón nhận Tin Mừng từ các Tông đồ, họ đến nghe các ngài rao giảng để được cứu rỗi và trở nên những người loan báo Tin Mừng, vì Tin Mừng chính là “sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1,16).

Ngày nay, Tin Mừng đã được các Tông đồ rao giảng - bởi thánh ý Thiên Chúa - các ngài đã truyền lại cho chúng ta qua Thánh Kinh để trở nên nền tảng và cột trụ cho đức tin của chúng ta (thánh Irênêo), nên chúng ta không thể trở thành một cộng đoàn nhân chứng sống động của Đức Kitô, nếu chúng ta không “chuyên cần lắng nghe Lời Chúa” và đào sâu đức tin do các Tông đồ truyền lại.

2.      Hiệp thông huynh đệ

“Hiệp thông” trong tiếng Hy Lạp là Koinonia. Tiếng này được dùng trong sách Công vụ Tông đồ có một tính cách đặc biệt của nó. Trong Tân ước, từ này có 4 nghĩa khác nhau nhưng bổ túc cho nhau: Một là liên kết tất cả mọi người trong cùng một niềm tin, cùng chia sẻ một Tin Mừng (Pl 2,1); Hai là chia sẻ của cải vật chất để tương trợ lẫn nhau (Cv 2,44); Ba là cùng thông phần vào thân mình Đức Kitô (1Cr 10,16); Bốn là quyên góp giúp đỡ các cộng đoàn khác phát triển (2 Cr 8,3-4; 9,12-13).

Từ các nghĩa trên đây, “hiệp thông” có thể được nhìn dưới hai chiều kích: hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông huynh đệ.

a.    Hiệp thông với Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, nhờ đức tin và phép rửa, người kitô hữu được sát nhập với Đức Kitô và được tham dự vào các mầu nhiệm của Người, nhất là mầu nhiệm sự chết và sự phục sinh (x. Rm 6,3-4). Để củng cố sự hiệp thông này, bí tích Thánh Thể là phương thế hữu hiệu giúp các chi thể liên kết mật thiết với Đức Giêsu và với nhau trong cùng một thân thể là Chúa Kitô. Thánh Gioan gọi sự liên kết này là sự hiệp thông tình yêu với Cha và Con, cũng như Cha và Con ở trong nhau và chỉ là một (x. Ga 14,20). Hiệp thông với Thiên Chúa chính là nền tảng cho sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau.    

b.      Hiệp thông huynh đệ: Sách Công vụ Tông đồ mô tả sự hiệp thông giữa các kitô hữu đầu tiên phát sinh vì họ có cùng niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh. Chính niềm tin tạo nên tình yêu huynh đệ vì là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng, nhưng niềm tin cũng là một hành động tự do sâu xa của mỗi người tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa và tín nhiệm lẫn nhau. Ngoài ra, tin vào Đức Kitô phục sinh đã làm thay đổi cả một lối sống của một tập thể. Thật vậy, tuy không cùng ngôn ngữ, nhưng họ lại “một lòng một ý” với nhau và coi “mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Cuộc lạc quyên cho các tín hữu tại Giêrusalem cũng là một bằng chứng về sự hiệp thông huynh đệ trong tình bác ái và công bằng: “kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2 Cr 8,15). Đức Bênêđíctô XVI cho đây là “một đòi buộc nền tảng” trong đời sống của kitô hữu.

Trong hai chiều kích trên, “hiệp thông với hy tế của Chúa Kitô là tuyệt đỉnh cho sự kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa” (Bênêđíctô XVI) nhưng đồng thời cũng diễn tả sự hiệp thông huynh đệ cách trọn vẹn giữa các môn đệ của Chúa Kitô.

3.      Dự lễ bẻ bánh

Sau lễ Ngũ Tuần, các tông đồ tràn ngập niềm vui vì được Chúa Thánh Thần ban sức mạnh để rao giảng về mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu. Tuy nhiên, niềm vui của các Tông đồ chưa được trọn vẹn nếu chỉ dừng lại bằng lời nói suông, mà bằng việc thực hành thường xuyên tham dự “bẻ bánh” (x. Cv 2,42).

Theo phong tục người Do Thái, bữa ăn cổ truyền luôn bắt đầu bằng việc bẻ bánh. Nhưng đối với các kitô hữu thời các tông đồ, “bẻ bánh” lại là một trong những đặc điểm của cộng đoàn các tín hữu, và được đặt ngang hàng với việc nghe giáo huấn của các Tông đồ và cầu nguyện. Vì thế, việc “bẻ bánh” gợi nhớ cử chỉ hiến tế duy nhất của Đức Giêsu: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em... Đây là máu thầy... đổ ra vì anh em” (x. Lc 22,19-20), và niềm tin vào Con Thiên Chúa. Hiến chế tín lý về Giáo Hội số 3 còn dạy rằng: “Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó, ‘Chúa Kitô là chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế’, thì công trình cứu chuộc của chúng ta được thực hiện”. Ngày nay, khi cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống tương quan tình yêu của Chúa Kitô với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Và từ việc chia sẻ bánh thiêng liêng này, nảy sinh nơi chúng ta khả năng chia sẻ cả sự sống và của cải, thậm chí còn hiệp thông trong việc mang gánh nặng cho nhau.

4.      Cầu nguyện không ngừng

Đây là một trong những điểm đặc trưng và quan trọng nhất đối với cộng đoàn được mệnh danh là “chứng nhân”, nhất là sau khi Chúa Phục Sinh, đoàn Tông đồ bắt đầu bước vào một cuộc sống mới, một sứ mệnh mới trong một khung cảnh cũng hoàn toàn mới. Phải chăng lời cầu nguyện của các Tông đồ lúc này mới thực sự trở nên quan trọng?  

Thông thường, theo luật Do Thái, Chúa Giêsu cũng như các Tông đồ đã có thói quen đến Hội Đường để cầu nguyện. Còn theo Công vụ các Tông đồ, những buổi cầu nguyện chung do các Tông đồ chủ toạ, được cử hành mọi nơi mọi lúc cũng như trong mọi hoàn cảnh. Nhưng trước hết, cộng đoàn các Tông đồ họp nhau để dâng lời chúc tụng-tạ ơn Thiên Chúa, vì tình yêu Người dành cho nhân loại là Đức Giêsu Kitô, đấng đã đem đến cho con người sức mạnh, niềm hy vọng và ơn cứu rỗi (x. 2,47). Ngoài ra, cầu nguyện còn giúp các Tông đồ ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống cũng như trong lịch sử, nhất là trong sứ mệnh được trao trước khi Đức Giêsu về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Đặc biệt trong những lúc gặp thử thách, đau khổ… cộng đoàn kitô hữu tiên khởi không tìm phân tích xem phải phản ứng thế nào, tìm các chiến thuật, tự vệ làm sao, dùng các biện pháp nàonhưng cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa trước cơn thử thách.

Trong thời đại hôm nay cũng vậy, mỗi một lời cầu nguyện của chúng ta, ngay cả khi chúng ta cầu nguyện trong nơi thanh vắng, âm thầm và cô tịch nhất, cũng sẽ không bao giờ lẻ loi và cằn cỗi, song là nhựa sống nuôi dưỡng chúng ta ngày càng dấn thân làm chứng cho Tin Mừng. Và chỉ khi lắng nghe và cầu nguyện, chúng ta mới có thể tiếp nhận ơn thánh của Chúa để phân định mọi việc và thi hành theo ý Thiên Chúa.

5.      Dấn thân truyền giáo

Sau khi Chúa về trời, các Tông đồ cùng Đức Maria qui tụ Nhà Tiệc Ly để cầu nguyện, và khi cầu nguyện xong “ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4,31). Theo tác giả sách Công vụ Tông đồ, Chúa Thánh Thần mới là động lực thúc đẩy các Tông đồ làm chứng cho Lời bằng việc rao giảng bên ngoài, còn chính Ngài hoạt động trong các tâm hồn để họ tin mà được cứu rỗi. Điều Chúa muốn cho cộng đoàn các tín hữu tiên khởi cũng như cho Giáo Hội của Ngài sau nhiều lần hiện ra đó là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mt 28, 15-16).

Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ có thể mở toang cánh cửa để Ngài tác động mà làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại. Nhưng trước khi đến với mọi dân tộc, các Tông đồ làm chứng cho nhau về sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa bằng kinh nghiệm gặp gỡ của chính các ngài. Nhờ đó, lòng tin của các ngài càng được củng cố và được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, không có niềm vui nào trọn vẹn nếu không được chia sẻ và trao ban, nên “mỗi ngày, trong đền thờ và tại tư gia, các ngài không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu” (Cv 5,42). Chương 3 câu 1-10 của sách Công vụ các Tông đồ kể lại: hai tông đồ Phêrô và Gioan đã làm cho một người què đi được nhân danh Đức Giêsu Kitô, nhưng hai vị đã bị bắt vì loan báo sự Phục Sinh của Chúa cho toàn dân (x. Cv 3,11-26). Trước những cơn bách hại phải chịu vì Chúa Giêsu, cộng đoàn các kitô hữu tiên khởi bất chấp mọi khó khăn, cấm đoán, các ngài “không xin Chúa đánh trả lại những người bỏ tù Phêrô và Gioan; mà chỉ xin được loan báo Lời Chúa với tất cả sự thẳng thắn” (x. Cv 4,29), nghĩa là cầu xin đừng mất đi sự can đảm của đức tin, can đảm loan báo đức tin.... Tuy nhiên, trước hết cộng đoàn kitô hữu phải tìm đọc các biến cố dưới ánh sáng đức tin qua Lời Chúa để giúp hiểu được những thực tại của thế giới” (Bênêđíctô XVI, bài giảng tại Hội trường Phaolô VI sáng thứ tư 19.1.2011).

Mỗi người chúng ta cũng phải là một chứng nhân truyền giáo sống động trong thế giới hôm nay như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mời gọi: “Mỗi kitô hữu, trong bản chất, là một chứng nhân”.

Kết luận

Khởi đi từ cộng đoàn các tín hữu tiên khởi, Hội Thánh hôm nay noi theo mẫu gương sống động của các Ngài, là gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh qua bí tích Thánh Thể và Phụng vụ. Nhờ mối tương quan mật thiết này, Hội Thánh đón nhận không chỉ niềm vui, mà còn được ơn Chúa biến đổi: biến đổi từ lối nhìn, biến đổi cung cách sống và nỗ lực làm chứng cho Chúa mỗi ngày bằng chính đời sống đức tin của mình. Sống niềm tin của cộng đoàn các tín hữu tiên khởi là trở thành những con người mới, làm chứng cho một thực tại siêu việt và tiên báo một cuộc sống mai hậu trong thế giới này.  

Nt. Maria Phạm Thị Hoa

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     ĐẠI HỘI TRUYỀN GIÁO - GIÁO PHẬN XUÂN LỘC: TÂN PHÚC ÂM HÓA. GM. Giuse Nguyễn Năng
     KHÁI QUÁT VỀ TRUYỀN GIÁO. lm. Jos Hoàng Quảng
     DIỄN VĂN KHAI MẠC ĐẠI HỘI TRUYỀN GIÁO GIÁO PHẬN XUÂN LỘC . GM.Đaminh. Nguyễn Chu Trinh
     CHỜ ĐỢI TRONG HY VỌNG - MỘT CHỜ ĐỢI HẠNH PHÚC. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
     NỖI SỢ CỦA CON NGƯỜI.Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
     TRONG KHỐN CÙNG, CON TIN, NGÀI LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ CON. Nt Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     Hoang địa mới. MM Tân S.J.
     Chuyện dưới đất. MM Tân, S.J.
     SỐNG CHO SỰ THẬT: CON ĐƯỜNG TỬ ĐẠO. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     NĂM THÁNH ĐỨC TIN -10/2012 - 11/2013: ĐÔI DÒNG SUY TƯ. Antôn Lương Văn Liêm