ĐẠI HỘI TRUYỀN GIÁO GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
DIỄN VĂN KHAI MẠC
Kính thưa Cha trưởng ban Loan Báo Tin Mừng,
Kính thưa quí cha, Quí tu sĩ Nam Nữ
Và quí anh chị tham dự Đại Hội Truyền Giáo
Tôi rất vui mừng có mặt hôm nay để nói đôi lời nhân dịp Đại Hội truyền Giáo của Giáo Phận, kỉ niệm 10 năm thành lập Ban Loan Báo Tin Mừng của Giáo Phận. Trước tiên tôi xin có lời chào trân trọng và quí mến gửi đến ban tổ chức và mọi người tham dự đại hội. Đặc biệt tôi xin cám ơn cha trưởng banvà mọi người cộng tác trong Ban Loan Báo Tin Mừng về những hoạt động trong 10 năm qua. Chắc chắn không thiếu khó khăn, nhưng quí cha quí tu sĩ nam nữ va quí anh chị đã nỗ lực dấn thân và cố gắng vượt qua những khó khăn đó với tinh thần Đức Tin. Xin Chúa chúc lành cho mọi người.
Đề tài của Đại Hội là “Canh tân đời sống Đức Tin- Canh tân hoạt động truyền giáo” . Đề tài gợi ra rất nhiều khía cạnh liên quan trược tiếp hay gián tiếp đến việc truyền giáo. Các bài thuyết trình đóng góp trong Đại Hội sẽ giúp làm sáng tỏ và mở ra những đi cho tương lai. Ở đây tôi chỉ muốn có đôi suy tư về hai điểm:
1. Những công tác trong việc canh tân hoạt động truyền giáo
2. Tương quan giữa Đức Tin và hoạt động truyền giáo
1.Những công tác trong việc canh tân hoạt động truyền giáo
Chỉ cần nhìn vào các bản thống kê tôn giáo là chúng ta sẽ thấy ngay nhu cầu cần phải canh tân hoạt động truyền giáo. Công tác truyền giáo đang được thực hiện có thể được đánh giá là tốt, nhưng cần phải được gia tăng và thích ứng hơn với những hoàn cảnh truyền giáo khác nhau.
Theo thống kê mới nhất, vào giữa năm 2012, dân số toàn cầu là 7.052.132.000 và số các Kitô hừu là 2.325.507.000 người. Như vậy, anh chị em chưa biết và chưa nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế là 4.726.625.000 người. Trong khi chúng ta chúng ta truyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ nhân loại, trên thế giới hôm nay còn 4 tỷ 726 triệu người chưa biết, chưa tin điều này. Sau hơn 2 ngàn năm Chúa Giêsu, đấng Cứu Độ nhân loại xuống thế, Ngài vẫn còn là một người xa lạ đối với đại đa số dân chúng trên thế giới. Do đó, việc truyền giáo không những cần thiết mà còn khẩn cấp nữa . Cần phải canh tân các hoạt động truyền giáo để đáp ứng đòi hỏi công việc trời bể này. Không lạ gì mà Đức Thánh Cha chân phước Gioan Phao Lô II đã tuyên bố trong thông điệp “sứ mệnh đấng Cứu Thế” như sau: “ Tôi thấy đã đến lúc cần phải huy động tất cả sức lực của Giáo Hội có thể đứng ngoài lề bổn phận tối hậu này là rao giảng chúa kitô cho mọi dân tộc” ( Rmi 3).
Tuy nhiên, số người dấn thân hoạt động truyền giáo chưa được bao nhiêu. Công việc truyền giáo chưa được quan tâm nhiều trong các sinh hoạt của các giáo xứ và các dòng tu. Nhiều khi người ta không ý thức được ngay cả sự hiện diện của các anh chị em lương dân sống trong gáo xứ , có khi ngay bên cạnh nhà thờ. Do đó, việc canh tân hoạt động truyền giáo bằng việc bắt đầu khơi lên bầu nhiệt huyết truyền giáo nơi mọi thành phần trong Giáo Hội: Linh mục, tu sĩ và mọi anh chị em giáo dân . Việc truyền giáo phải trở thành thao thức nung nấu tâm can của mọi thành phần trong Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt trong giáo phận Xuân Lộc chúng ta.
Sau gần 500 năm cha ông chúng ta và chính chúng ta được lãnh nhận Đức Tin và thừa hưởng bao công khó của các vị thừa sai ngọai quốc, đã đến lúc người công giáo Việt Nam phải mở rộng biên cương, dấn thân đem tin mừng tình yêu của Chúa Giêsu đến mọi hang cùng ngõ hẻm trên đất nước Việt Nam và trên khắp thế giới. Do đó, gâu lên ý thức truyền giáo nơi mọi thành phần dân Chúa và làm cho công tác truyền giaó hiện diện sống động trong các sinh hoạt của giáo xứ, của dòng tu chính là công tác và cũng là công tác hàng đầu cần phải làm trong việc canh tân hoạt động truyền giáo trong lòng mọi tín hữu, trong các giáo xứ, các giới, các hội đoàn và các dòng tu.
Khía cạnh thứ hai trong công tác canh tân hoạt động truyền giáo phát xuất từ tính cách phức tạp và đa dạng của hoàn cảnh truyền giáo không đơn giản chỉ là vấn đề người nghèo, vấn đề hôn nhân khác đạo hay vấn đề gia đình rối.
Anh chị em lương dân có thể là những người nghèo, nhưng cũng có thể là những người cũng rất giàu; họ là những gnười ở vùng sâu, vùng xa, nhưng cũng có thể là những người sống tại thành phố, trong các ngôi biệt thự hay tòa nhà cao ốc, họ có thể là những người ít hay thất học, nhưng rất nhiều người là sinh viên, giáo sư đại học; họ có thể là những nông dân , nhưng cũng có thể là doanh nhân, giám đốc công ty xí nghiệp; họ là những người thấp cổ bé miệng, nhưng họ cũng có thể là những người có nhiều khả năng và nhiều quyền thế…Đứng trước một thực tại truyền giáo đa dạng và phức tạp như thế, các hoạt động và nhân sự truyền giáo cũng phải uyển chuyển đa dạng về sinh hoạt và về thành phần tông đồ hoạt động. Việc canh tân hoạt động truyền giáo không những phải tìm ra phương thức thích hợp cho các hoàn cảnh khác nhau, mà còn phải mời gọi được nhiều tìn hữu dấn thân truyền giáo. Các tín hữu này thuộc nhiều thành phần khác nhau: giầu , nghèo, người thôn quê, người thành thị, người chất phát ít học, người học hành, khoa bảng…
2.Tương quan giữa Đức Tin và hoạt động truyền giáo
Điều thứ hai tôi muốn có đôi suy tư là mối tương quan giữa đức tin và hoạt động truyền giáo. Đây chính là việc tìm ra khởi điểm của việc canh tân hoạt động truyền giáo.
Đề tài của đại hội là: “Canh tân đời sống Đức Tin- Canh tân hoạt động truyền giáo” nếu chúng ta muốn cho ý tưởng được rõ hơn , chúng ta có thể thay đổi đề tài một chút như sau: “Canh tân đời sống đức tin để canh tân hoạt động truyền giáo”
Việc dấn thân hoạt động truyền giáo không đơn thuần là kết quả của các chương trình mục vụ, hay việc tổ chức sinh hoạt hoàn hảo, nhưng là hoa trái của đời sống đức tin sâu đậm. Giữa đức tin và sinh hoạt truyền giáo có một mối liên kết trực tiếp. Mối tương quan mật thiết này đã được Đức Thánh Cha chân phước Phao Lô II diễn tả trong thông điệp “ sứ mệnh Đấng Cứu Thế” : Truyền giáo là một vấn đề của Đức Tin, một chứng tỏ xác thực cho thấy niềm tin của chúng ta nơi Đức Kitô và nơi tình người yêu thương chúng ta. Việc truyền giáo của Giáo Hội phát xuất chẳng những từ lệnh Chúa truyền, mà còn từ những đòi hỏi sâu xa nơi sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta nữa. Những ai được tháp nhập vào Giáo Hội Công Giáo phải cảm nậhn được đặc ân này, và chính vì ký do đó họ càng buộc phải làm chứng cho đức tin cũng như cho đời sống Kitô giáo, như là một việc phục vụ anh chị em của mình và như là một đáp ứng tương xứng với Thiên Chúa. Họ luôn luôn phải nhớ rằng họ có được điều kiện sống tuyệt vời này không phải là do công lênh của họ, mà là do ân sủng đặc biệt của Chúa Kitô; và nếu không đáp ứng ân sủng này trong tư tưởng, lời nói và việc làm, thì chẳng những họ sẽ không được cứu độ, mà cò bị phán xét nghiêm ngặt hơn nữa (Thông điệp sứ mệnh Đấng Cứu Thế 11)
Đức Thánh Cha Bênêdicto XVI cũng nói một điều trong tự sắc (Cửa Đức Tin) để tuyên bố mở năm đức tin cho tất cả Giáo Hội nhằm mục đích canh tân đức tin của mọi thành phần trong Giáo Hội. Công việc canh tân Đức Tin có những yếu tố sau đây:
a.Cần phải có một cuộc trở lại chân thật với Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại (X.Cửa Đức Tin, 6) để khám phá lại hành trình đức tin để làm cho sáng tỏ niềm vui và lòng hăng say nhiệt tình vì gặp được Chúa Kitô (X.Cửa Đức Tin ,2)
b.Cần phải tăng cường việc suy tư để xác tín về Đức Tin, qua việc yêu thích lắng nghe và nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa (X.Cửa Đức Tin ,3) và qua việc học hỏi các văn kiện của Công đồng Vaticanno II (X.Cửa Đức Tin ,5) và sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (X.Cửa Đức Tin ,11).
c.Tuyên xưng và cử hành Đức Tin tại các nhà thờ cũng như tại tư gia
d. Sống Đức Tin, tức là đưa Đức Tin vào cuộc sống theo mẫu gương của những chứng nhân của Đức Tin bắt đầu từ chính Đức Mẹ, qua các thánh tông đồ, các tín hữu đầu tiên, các Thánh Tử Đạo, những tín hữu, nam cũng như nữ đã dâng hiến cuộc sống trong đời sống thánh hiến. Các tín hữu đã sống Đức Tin trong gia đình, nghề nghiệp. (X.Cửa Đức Tin ,13).
e. Hăng say truyền giảng Tin Mừng (X.Cửa Đức Tin ,7). Truyền đạt Đức Tin cho các thế hệ trẻ và cho anh chị em lương dân hay nói theo từ ngữ của đại hội thì đây chính là dấn thân trong việc truyền giáo.
Xem như thế thì việc dấn thân truyền giáo là hoa trái của đời sống Đức Tin sống động. Việc canh tân truyền giáo tùy thuộc vào canh tân Đức Tin. Đời sống Đức Tin là nguồn gốc của việc dấn thân truyền giáo. Do đó, bên cạnh các suy tư về các chương trình, phương thức hay cách tổ chức việc truyền giáo, cần phải tìm kiếm một hành trình khơi dậy sống động đời sống đức tin của mỗi tín hữu và của cả cộng đoàn tín hữu, như các giáo xứ và cộng đoàn dòng tu. Trong nỗ lực tìm kiếm hành trình canh tân đời sống đức tin ngoài các văn kiện của Công Đồng Vaticano II và sách giáo lý giáo hội công giáo, giáo phận Xuân Lộc chúng ta còn có thêm các tài liệu về chương trình mục vụ 5 năm chuẩn bị mừng Kim Khánh Giáo phận.
Trên đây là mấy đều tôi muốn chia sẻ với Đại Hội, cầu chúc đại hội đạt được nhiều kết quả, để khơi dậy tinh thần truyền giáo nơi mỗi thành phần của giáo phận trong năm mới 2013 này. Xin Mẹ Maria mà phụng vụ tôn kính ngày hôm qua dưới tước hiệc “Mẹ Thiên Chúa” cầu bầu cho Đại Hội mọi ơn lành và hướng dẫn mọi người trong suốt những ngày đại hội này để chính những người tham dự đại hội được canh tân trong Đức Tin và thăng tiến trong thao thức truyền giáo. Nhờ vậy, Đại Hội sẽ làm lan tỏa cho tất cả giáo phận bầu nhiệt huyết và niềm vui truyền giáo.
Thân mến kính chào quí Cha, qui tu sĩ nam nữ và anh chị em
Đaminh. Nguyễn Chu Trinh
Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc