Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 1

Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Thường Niên

HÃY NÊN SẠCH

la.jpg

LỜI CHÚA: Mc 1, 40-45

40 Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. 41 Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” 42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”. 45Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người. 

SUY NIỆM

Bệnh tật, đau khổ, tội lỗi luôn là một gánh đè nặng trên thân phận con người. Chỉ khi nào trút được gánh nặng ấy, con người mới tìm được niềm vui và hạnh phúc.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện của một người bị bệnh phong cùi đã được Chúa Giêsu chữa lành và giải thoát anh khỏi mọi nỗi tủi nhục. Thời Cựu ước phong cùi bị xem là căn bệnh nan y, bệnh thời đại. Từ thời ông Môsê đã có những điều luật chi tiết đối với người bệnh phong được ghi thành một chương trong sách Lêvi. “Khi một người nào đó bị vết thương phong, thì phải đưa nó đến với tư tế. Tư tế sẽ khám nếu ở trên da có nhọt trắng, và nhọt ấy làm cho lông chuyển sang màu trắng, và trong nhọt có thịt đỏ lòm sùi ra, thì đó là bệnh phong kinh niên ở da thịt nó. Tư tế sẽ tuyên bố nó là ô uế...Người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên ‘Ô uế ! Ô uế !’ Bao lâu còn mắc bệnh thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13, 9-11.45-46).

Thời Tân ước, tức là thời Chúa Giêsu, những người mắc bệnh phong vẫn bị xã hội loại trừ một cách nghiệt ngã. Họ bị thứ vi trùng gặm nhấm thân xác tứ chi, tinh thần còn bị đè nặng bởi sự khinh miệt ghẻ lạnh của xã hội và phải sống cách ly với mọi người. Trong Tin Mừng hôm nay, người bệnh phong đã chạy đến quỳ xuống xin Chúa Giêsu: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Sự thành khẩn của anh đã khiến Chúa Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch” và một phép lạ kỳ diệu đã xảy ra. Hành động ‘đụng tay’ diễn tả cực độ lòng thương xót của Chúa Giêsu. Vì tình thương, Chúa Giêsu đã không sợ vi phạm luật Môsê đụng chạm đến kẻ ô uế. Chúa Giêsu vừa chữa bệnh cho người phong cùi vừa chữa bệnh ‘thành kiến’ cho dân chúng và các tư tế Do Thái.

Ý thức sứ mệnh “Thiên Sai”, Chúa Giêsu đến gánh lấy mọi tội lỗi của trần gian, giải thoát con người khỏi mọi đau khổ, tội lỗi và án chết đời đời. Tác giả Marcô đặt phép lạ chữa người bệnh phong ngay buổi đầu khởi sự rao giảng Tin Mừng nhằm nhấn mạnh sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu. Sau 30 năm sống ẩn dật tại Nagiarét, Chúa Giêsu bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Để khởi đầu cho giai đoạn quan trọng này, Chúa Giêsu đã dìm mình xuống dòng sông Giođan để được Gioan Tẩy giả làm phép rửa. Lúc ấy, trời liền mở ra và Thánh Thần Chúa dưới hình chim bồ câu ngự xuống, bỗng có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Chúa Giêsu là Đấng vô tội mà đã hòa vào dòng người tội lỗi, hạ mình xuống gánh lấy mọi yếu hèn của nhân loại. Người đến với muôn dân, ban bố ơn lành và chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tin Mừng cứu độ là gì nếu không phải là con người được chăm sóc và yêu thương. Nước Trời là gì nếu không phải là lúc con người được sống hạnh phúc sung mãn.  

Thiên Chúa dựng nên loài người vốn đáng quý, chỉ vì tội lỗi làm cho hình ảnh con người bị hoen ố. Chúa Giêsu đến loại trừ tội lỗi và những sự xấu xa chứ không loại trừ con người. Người bệnh phong bị xem như mất tất cả, mất tự do và lẽ sống. Chúa Giêsu đã đến phục hồi phẩm giá và đem lại tự do, cho anh được hòa nhập vào với cộng đồng nhân loại. Vì thế anh đã được khuyên đi trình diện với các tư tế.

Thiên Chúa dựng nên con người và cho được tận hưởng hạnh phúc. Người luôn yêu thương quảng đại ban cho chúng ta ân sủng để tiến tới sự hoàn thiện. Người biết rõ mọi nhu cầu, ước muốn và những yếu đuối của chúng ta. Con người đáng quý hơn cả chim trời hoa cỏ ngoài đồng, Thiên Chúa hằng chăm sóc và giữ gìn chúng ta như con ngươi trong đôi mắt Người.Chúa Giêsu chính là món quà vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại. Chỉ nơi Chúa Giêsu, con người mới được giải thoát khỏi sự trói buộc của tội lỗi và sự chết, được lãnh nhận nguồn sức sống Thần Linh và tìm thấy ý nghĩa đích thực cho cuộc đời mình.

Từ khi tội lỗi nhập vào trần gian khiến loài người bị đẩy đến chỗ hư vong, vì thế Chúa Giêsu đã đến để kiện toàn tất cả, để băng bó chữa lành, để phục hồi nhân phẩm mà con người đã bán rẻ cho những đam mê tội lỗi. Với con mắt đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa hằng tuôn đổ ân phúc của Người ngay cả lúc chúng ta gặp đau khổ thất bại và mang đầy những lầm lỗi. Vì thế chúng ta chỉ có thể đạt đến hạnh phúc khi nhận ra những giới hạn của thân phận con người trước tình thương vô biên của Thiên Chúa.

Với trái tim đầy nhân ái, Chúa Giêsu thực sự là vị lương y luôn thấu hiểu mọi nỗi khổ đau của thân phận loài người nên đã tự nguyện mang lấy gánh nặng của tội lỗi và bệnh tật. Người nâng đỡ, an ủi giúp họ thoát khỏi tình trạng đau khổ đang đè nặng, trao cho họ ơn tha thứ và sự bình an. Người không chỉ chữa bệnh nhưng là phục sinh số phận.

Cuộc sống xã hội hôm nay còn rất nhiều người mang những chứng bệnh nan y cả thể xác lẫn tâm hồn, họ đang cần được chữa lành, cần được lắng nghe và cảm thông. Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi thăm viếng, an ủi và nâng đỡ những người đau yếu, bệnh tật, tội lỗi. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải có trái tim nhân ái như Chúa Giêsu, biết rung cảm trước nỗi đau của người khác, giúp họ đón nhận mọi nghịch cảnh trong niềm tin tưởng phó thác.

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên loài người giống hình ảnh Chúamang bản tính thiện toàn tốt đẹp, nhưng vì tội lỗi chúng con đã làm cho hình ảnh ấy hoen mờ và méo mó, xin cho chúng con biết sám hối ăn năn, khiêm tốn chạy đến với lòng thương xót của Chúa để được chữa lành mọi thương tích nơi thân thể và tâm hồn. Amen.

Nt. Maria Anh Thư, OP

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I - Mùa Thường Niên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Mùa Thường Niên _Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Thường Niên_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Thường Niên _Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Thường Niên C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ bảy Tuần I Thường Niên - Lm.J.P

Các bài viết cũ hơn
     Đọc và chia sẻ TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – số 11: Sự mới mẻ vĩnh hằng. MM Tân S.J. chia sẻ
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư tuần I Thường Niên B
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần I Thường Niên B. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần I Thường Niên. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm tin Mừng Thứ Hai tuần II Thường Niên A: CŨ VÀ MỚI. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần I Thường Niên A: BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI. Nt. Anna Nguyễn Thị Nguyện
     Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu tuần I Thường Niên: Lễ thánh Antôn, viện phụ. Lm. Duy Khang
     Suy niệm Tin Mừng thứ năm Tuần I Thường Niên: CAN ĐẢM ĐẾN VỚI CHÚA. Nt. Maria Phương Trâm
     Suy niệm Tin Mừng thứ Tư tuần I Thường niên A: MỘT NGÀY CỦA CHÚA. Nt. Maria Chinh Anh