Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 1

CHÚA NHẬT II TN A:

TA ĐẶT NGƯƠI LÀM ÁNH SÁNG CHO MUÔN DÂN

1326468786_taman.gifThưa quý OBACE

Trong lịch sử chúng ta thấy có những con người, sự xuất hiện của họ đã làm thay đổi cục diện thế giới, có người đưa thế giới đến sự thay đổi tích cực, nhưng cũng có những con người lại hoàn toàn gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhân loại. Ví dụ: Với sự xuất hiện của Napoleon hoặc Hitler đã đưa thế giới vào cảnh chiến tranh giết chóc tàn khốc, song cũng có những con người như Louis Pasteur và các nhà khoa học chân chính khác đã cứu nhân loại khỏi những căn bênh hiểm nghèo. Người ta cũng không thể phủ nhận được, với sự xuất hiện của những người như Bill Gate và Steve Jobs đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và phương thức cũng như công nghệ thông tin ngày nay; Đức giáo Hoàng Fancis vừa mới được báo time bình chọn là nhân vật của năm 2013, mặc dù ngài mới chỉ xuất hiện với thế giới trong cương vị Giáo hoàng được 10 tháng, song Ngài đã và đang có một ảnh hưởng lới trên thế giới về lối sống và luồng gió mới Ngài đang đem vào Giáo Hội.

Cũng vậy với sự xuất hiện công khai của Chúa Giêsu ở vùng Galilea- sông Jodan quả thật là một sự kiện hết sức quan trọng và gây sự chú ý cho nhiều người. Tuy nhiên, cho đến ngày nay nhiều người vẫn chỉ nhìn Đức Giêsu như bao các ngôn sứ khác trong Cựu ước, mà không tin Ngài là Thiên Chúa.

Vì thế các tác giả tin Mừng đã muốn khẳng định cho chúng ta rằng Đức Giêsu Nazareth là chính Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, Đấng đã đến từ nơi Thiên Chúa Cha, Ngài chính là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Biến cố xuất hiện công khai của Chúa Giêsu như mở đầu cho một thời đại mới và đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nhân loại và cả thế giới này. Gioan Tẩy giả cho thấy, lúc đó mặc dù ông đang là tâm điểm thu hút nhiều người tuốn đến với ông, nhưng khi nhìn thấy Chúa Giêsu xuất hiện, thì Gioan  nhận ra rằng nhiệm vụ của ông đã vào hồi kết. Ông nhường bước và long trọng giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người: Đây là chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian. Với lời giới thiệu này thì người Do Thái nào cũng nghĩ ngay đến hình ảnh ngày lễ xá tội hàng năm, vị Thượng tế phải đại diện cho dân chúng đặt tay trên đầu một con chiên trước đền thờ Chúa để xưng thú tất cả tội lỗi của dân, và con chiên ấy trở thành con chiên gánh tội cho dân.

Khác với các tiên tri khác là những người chỉ tiên báo về Đấng Cứu Thế, thì Gioan đã chỉ đích danh Đấng Cứu thế cho mọi người. Ông còn giải thích thêm: Chính Người là Đấng tôi đã nói đến: Người đến sau tôi nhưng trổi vượt hơn tôi và Ngài có trước tôi. Như thế có nghĩa là Gioan đã giới thiệu cho mọi người biết địa vị trổi vượt cua Đức Giêsu và thời đại của Đấng Mesia đã bắt đầu, thời đại của ánh sáng cứu độ đã đến. Gioan đã tuyên xưng niềm tin của mình khi tin nhận Ngài là Đấng có trước ông, là Đấng hiện hữu từ muôn đời, nay xuất hiện giữa loài người và mang lấy tất cả sự giới hạn của con người. Gioan đã nhớ lại mấy ngày trước đây Ngài đến xin ông làm phép rửa, và khi  vừa ra khỏi nước thì trời mở ra và Thần Khí của Thiên Chúa như chim bồ câu đậu xuống trên Người. Gioan cũng cho biết chính Đấng sai ông làm phép rửa đã cho ông một dấu chỉ: Ngươi thấy Thần Khí ngự xuống trên ai thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần và Đức Giêsu chính là Đấng ấy và những ai tin và lãnh nhận phép rửa bởi Đức Giêsu cũng sẽ đón nhận được Thần Khí của Ngài.

Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa đã được sai sai đến trần gian với sứ vụ đem ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất. Lời của Isaia trong bài đọc một đã ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Giêsu, Ngài trở thành Đấng quy tụ muôn dân nên một, đem nhà Jacop trở về, chiếu tòa vinh quang Thiên Chúa cho mọi người mọi dân. Thiên Chúa còn nói với Người rằng: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đên tận cùng trái đất.

Do bởi tội lỗi và sư bất tuân của Adam Eva đã làm cho bóng tối của sự chết bao trùm nhân loại, với sự bắt tay thỏa hiệp với Satan, tổ tông loài người đã đưa cả nhân loại rơi vào sư trói buộc của ma quỷ và dục vọng, thế giới và con người như chìm ngập trong tăm tối không còn biết đường đi. Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài là ánh sáng đã xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết, Ngài đã chỉ cho nhân loại con đường ánh sáng và hy vọng con đường giải thoát.

Sứ mạng trở thành ánh sáng và đem ơn cứu độ đến cho muôn dân của Chúa Giêsu vẫn còn liên tục được thực hiện qua những con người mà Chúa đã tuyển chọn, trước hết đó là các tông đồ kế đến là mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô rất ý thức điều đó khi nói với cộng đoàn Corintô rằng: Tôi là Phaolô, bởi ý của Thiên Chúa đã được gọi là tông đồ của Chúa Giêsu Kitô và ông Xôthênê là anh em của chúng tôi. Vì ý thúc mình là người được chọn để đem ánh sáng cứu độ đến với muôn dân, nên Phaolô và các tông đồ đã chấp nhận nên như ngọn đuốc đốt cháy cả cuộc đời mình để chiếu tỏa ánh sáng cho thế giới hôm nay. Từ những con người đầu tiên này, mà chúng ta hôm nay biết Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Cũng thế, mỗi chúng ta trong ngày lãnh Bí tích rửa tội, qua cha mẹ đỡ đầu Giáo Hội đã trao cho ta ngọn nến sáng với lời căn dặn rằng: Các con hãy sống như con cái sự sáng và chiếu tỏa ánh sáng cho muôn người cho đến ngày được gia nhập đoàn rước nước trời. Như thế giữ cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng, và chiếu tỏa ánh sáng cho mọi người là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Thưa quý OBACE lời Chúa hôm nay cũng đang nói với chúng ta: Ta đặt ngươi làm ánh sáng cho muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tận cùng trái đất. Trong năm Sống và Loan báo Tin Mừng này, trước hết để có thể trở thành ánh sáng muôn dân, thì mỗi người cần phải kiểm tra lại ngọn lửa đức tin của mình đang trong tình trạng nào? Nó còn cháy sáng bừng bừng hay đã bị tàn lụi và trở nên leo lét yếu ớt ? Để cho ngọn lửa đức tin có thể cháy sáng, thì nó cần phải đốt bằng những thứ dầu nguyên chất đó là đời sống cầu nguyện, là việc lãnh nhận các bí tích thường xuyên, để nuôi dưỡng cho đức tin của mình. Kế đến ngọn đuốc này cần phải được che chắn bằng lời của Chúa qua việc đọc, lắng nghe và thực hành thì mới có thể chống chọi được với những cơn gió bão của các tư tưởng sai lạc, khuynh hướng, trào lưu chống phá đức tin ngày nay. Chúng ta không thể giữ riêng ánh sáng này cho mình mà phải soi chiếu cho anh em.

Để có thể chiếu tỏa ánh sánh cho mọi người, thì đòi chúng ta phải chấp nhận sự hy sinh và hao mòn cuộc đời của mình. Các bậc làm cha mẹ hãy chiếu tỏa cho gia đình mình ánh sáng ấm áp của mùa xuân, xua tan đi những bóng tối của gian dối quanh co, đẩy lui những nỏng nảy giận hờn cãi vã; hãy đem về cho gia đình mình nhiều hơi ấm và ánh sáng của niềm vui thay cho sự lạnh lùng băng giá. Nhất là cha mẹ hãy đem ánh sáng của Chúa và Tin Mừng của Ngài vào gia đình mình, qua đời sống đạo đức qua các giờ kinh tối sớm, qua những phút cầu nguyện trước và sau bữa ăn mỗi ngày.

Các gia đình Công Giáo hãy trở nên ánh sáng cho các gia đình chung quanh bằng cuộc sống chan hòa tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, sống với nhau thuận hòa, chân tình, yêu thương giúp đỡ, biết quan tâm đến nhau và làm những điều tốt đẹp cho nhau. Mỗi gia đình cùng sống và làm như thế, thì ánh sáng của Chúa sẽ chạm đến tâm hồn các anh chị em khác bên cạnh.

Trở nên ánh sáng cho muôn dân cũng là sứ mạng được trao cho các bạn trẻ. Cuộc sống xã hội ngày nay, trong mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình,… vẫn còn có quá nhiều mảng tối. Mỗi người trẻ sẽ phải là ngọn đuốc cho xã hội hôm nay. Hãy trở thành những con người ngay thẳng trong xã hội gian dối này, hãy có một trái tim nhân ái trong một xã hội bàng quan lạnh lùng, hãy đem ánh sáng và giới răn của Tin Mừng vào trong công ty xí nghiệp, trường học nơi chúng ta đang làm việc, học tập, hãy mang theo Đức Kitô vào trong mọi sinh hoạt, vui chơi, mọi lãnh vực, vào các cuộc tụ họp gặp gỡ. Khi mỗi người trẻ công giáo cùng thắp lên một ngọn lửa như thế, các bạn sẽ làm cho xã hội này bừng sáng Tin Mừng của Đức Kitô.

Cầu chúc cho mọi người luôn giữ cho ngọn lửa của Đức Kitô luôn cháy sáng trong cuộc đời của mình và trở nên ánh sáng giúp anh em mình khỏi vấp ngã. Amen

GIỚI THIỆU ĐỨC GIÊ-SU LÀ CON CHIÊN THIÊN CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 1,29-34

(29) Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. (30) Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, vì có trước tôi. (31) Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”. (32) Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. (33) Tôi không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. (34) Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

2. Ý CHÍNH:

Đây là lời chứng thứ hai của Gio-an Tẩy Giả về Đức Giê-su. Ông xác nhận Đức Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian. Người là Đấng mà ông có sứ mệnh đi trước dọn đường. Gio-an nhận ra Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai nhờ dấu chỉ mà Thiên Chúa đã cho biết như sau: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần”. Ông đã thấy điều ấy nơi Đức Giê-su khi làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan, và ông đã làm chứng rằng: “Người thực là Con Thiên Chúa”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 29-30: + Đây là Chiên Thiên Chúa: Chiên Thiên Chúa hay Chiên Vượt Qua thời kỳ Xuất Hành (x. Xh 12,3-46). Tin Mừng Gio-an đề cập đến ba điểm liên quan giữa Đức Giê-su và Chiên Vượt Qua: Một là tòa án Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su vào Giờ Thứ Sáu (tức 12 giờ trưa) trong ngày áp lễ Vượt Qua (x. Ga 9,14), đó là lúc các tư tế bắt đầu giết chiên để mừng lễ Vượt Qua tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Hai là cành hương thảo: Người Do thái lấy một bó hương thảo, nhúng vào chậu đựng máu chiên và quét lên khung cửa nhà. Điều này tương ứng với một tên lính lấy miếng bọt biển thấm giấm, buộc vào cành hương thảo đưa lên miệng Đức Giê-su (x. Ga 19,29). Ba là chỉ thị không được đánh gãy xương con chiên Vượt Qua đã được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su, khi quân lính không đánh dập ống chân Người (x. Ga 19,34). + Đấng xóa bỏ tội trần gian: Thánh Gio-an thường dùng chữ “xóa” theo nghĩa “làm mất đi” (x. 1 Ga 3,5). Và như vậy “xóa tội” ở đây có nghĩa là giải thoát khỏi tội lỗi. Trong cuộc Vượt Qua, nhờ máu chiên được sát tế và quét lên khung cửa nhà mà các con trai đầu lòng của người Do thái được khỏi phải chết (x. Xh 12,23). Cũng vậy, nhân loại nhờ việc Đức Giê-su chịu chết sẽ được giải thoát khỏi ách tội lỗi, giống như bỏ đi cái gánh nặng đang phải mang vác. + Có người đến sau tôi, vì có trước tôi: Xét về thời gian: Đức Giê-su sinh sau Gio-an 6 tháng (x. Lc 1,24.26). Nhưng xét về bản tính Thiên Chúa:  Người vẫn hằng có trước khi Gio-an ra chào đời. Nói câu này Gio-an gián tiếp ám chỉ Thần tính của Đức Giê-su.

- C 31-32: + Tôi đã không biết Người: Kiểu nói “không biết” có nghĩa là Gio-an đã không nhận ra Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Cái “không biết” của Gio-an cũng giống như sự “không biết” của người Do thái trong câu Gio-an nói: “Ở giữa các ông có Đấng mà các ông không biết” (Ga 1,26). + Nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en: Việc Gio-an làm phép rửa cho Đức Giê-su chính là cơ hội để Người tỏ mình là Đấng Thiên Sai cho dân Do thái nhận biết. + Ông Gio-an còn làm chứng: Do những dấu chỉ “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”, mà Gio-an đã nhận ra Đức Giê-su chính là “Con Thiên Chúa”, là “Đấng Thiên Chúa đã tuyển chọn”. + Thánh Thần như chim bồ câu: Kiểu nói này không khẳng định Thánh Thần hiện ra dưới hình của chim bồ câu, nhưng đáp xuống trên Đức Giê-su giống như tiếng rung nhè nhẹ của loài chim ấy. + Và ngự trên Người: Việc “Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và lưu lại trên Đức Giê-su” tượng trưng cho hiệu quả của việc tuôn đổ ơn Thánh Thần, ban sự sống để thiết lập một dân Ít-ra-en mới là Hội Thánh. Cũng vậy, trong ngày lễ Hiện Xuống, “Lưỡi Lửa” không trực tiếp tượng trưng cho Chúa Thánh Thần, nhưng tượng trưng cho việc các Tông Đồ được Thánh Thần ban cho “nói tiếng lạ” để công bố Tin Mừng khắp thế gian.

- C 33-34: + Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Câu này được lặp lại để nhấn mạnh việc Gio-an không tự nhận biết Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa nhưng do Thiên Chúa là Đấng sai ông làm phép rửa đã dạy. + Đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần: Làm phép rửa trong Thánh Thần là một thành ngữ ám chỉ công việc chính của Đức Giê-su là “xóa bỏ tội lỗi” bằng cách tuôn đổ ơn Thánh Thần xuống trên những kẻ tin và lãnh nhận phép rửa để được tha tội (x. Ga 3,5-8). + Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn: Gio-an xác định việc ông làm chứng “Đức Giê-su là Đấng Thiên Chúa đã tuyển chọn” là do Thiên Chúa soi sáng. “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” đồng nghĩa với “Con Thiên Chúa”, như lời sấm của ngôn sứ I-sai-a: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn…” (Is 42,1). Việc Đức Giê-su được Thiên Chúa tuyển chọn gắn liền với việc Người được ban Thần Khí để chu toàn sứ mạng Thiên Sai.

4. CÂU HỎI: 1) Nội dung lời chứng thứ hai của Gio-an Tẩy Giả về Đức Giê-su như thế nào ? 2) Ba điều Tin Mừng Gio-an nêu ra chứng minh Đức Giê-su là con chiên cứu độ là gì ? 3) Gio-an muốn nói gì khi giới thiệu Đức Giê-su là “Đấng xóa bỏ tội trần gian” ? 4) Gio-an lớn hơn Đức Giê-su 6 tháng, mà sao ông lại nói Người đã có trước ông ? 5) Từ “Không biết” trong câu “Tôi đã không biết Người” có ý nghĩa thế nào ? 6) “làm phép rửa trong Thánh Thần” là gì ? 7) “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” đồng nghĩa với “Con Thiên Chúa” trong lời tuyên sấm nào của Ngôn sứ I-sai-a ?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: Gio-an thấy Đức Giê-su tién về phía mình liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trằn gian”… Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,29.33-34).

2. CÂU CHUYỆN: ĐƯỢC SỐNG NHỜ CON CHIÊN

Một anh thợ nề kia đang làm việc trên mái nhà thờ Verden nước Đức. Khi anh đang đu mình trên tường cao để sửa lại phần mái của nhà thờ để chống dột thì dây an toàn anh đang mang đã bị đứt do sử dụng lâu ngày bị mục nên anh thợ bị rơi từ độ cao 20 mét xuống sàn nhà thờ. Nhưng rất may một con chiên đang ăn cỏ ở vườn sau nhà thờ, đột nhiên chạy đến ngay chỗ anh thợ đang làm việc ở phía trên, và anh ta đã thoát chết nhờ ngã đè lên con chiên ấy. Về sau, để tỏ lòng biết ơn con chiên ấy, người ta đã làm một bức tranh tượng bằng đá quý khắc hình con chiên với hàng chữ “Con Chiên Cứu Độ”. Hiện nay bức tranh tượng bằng đá nói trên vẫn được gắn tren tường nhà thờ Verden để kỷ niệm câu chuyện cảm động nói trên. Tuy nhiên hình ảnh con chiên mói trên chỉ là hình bóng của Đức Giê-su là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng đã bị sát tế trên bàn thờ thập giá để tẩy xóa tội lỗi trần gian chúng ta.

3. SUY NIỆM:

Trong Tin mừng hôm nay ông Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Đức Giê-su với các môn đệ của ông như sau: “Đây Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Qua đó, Gio-an đã giới thiệu Đức Giê-su chính là Con Chiên cứu độ và là lễ vật đền tội thay thế lễ vật chiên cừu theo Luật Mô-sê:

1) Đức Giê-su là Con Chiên lễ Vượt Qua:

Thời kỳ Xuất Hành, để thi hành sứ mạng giải phóng con cái Ít-ra-en khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập, ông Mô-sê đã phải thi thố mười dấu lạ trước mặt triều thần Ai Cập. Nhưng phải đến dấu lạ thứ mười, Pha-ra-ô Ai Cập mới chịu khuất phục và bằng lòng cho con cái Ít-ra-en ra đi. Mô-sê liền truyền cho mỗi nhà Ít-ra-en giết một chiên đực một tuổi để ăn thịt chiên với bánh không kịp ủ men. Họ phải lấy máu con chiên đó quét lên thành cửa nhà mình. Đêm hôm ấy, thần sứ hủy diệt của Đức Chúa sẽ đánh phạt các con đầu lòng của người Ai-cập và vượt qua nhà có bôi máu chiên là nhà con cái It-ra-en. Như vậy các con đầu lòng con cái Ít-ra-en đã được cứu khỏi phải chết nhờ máu con chiên Vượt Qua đã chịu chết thay. Về sau, tông đồ Phao-lô đã ví con chiên lễ Vượt Qua là hình bóng của Đức Giê-su là Con Chiên Thiên Chúa như sau: “Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế chúng ta đừng lấy men cũ là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng Đại lễ” (1 Cr 5,7-8).

2) Đức Giê-su là Đấng xóa bỏ tội trần gian:

Theo Luật Mô-sê, mỗi ngày hai lần sáng và chiều, các tư tế phải giết một con chiên trước bàn thờ làm lễ vật hiến tế dâng cho Đức Chúa để đền tội thay cho con cái It-ra-en (x. Xh 29,38). Nhưng máu bò, máu dê cừu thực sự không thể xóa bỏ được tội lỗi nên Con Thiên Chúa đã chấp nhận xuống thế làm người, trở nên Con Chiên mới của Thiên Chúa, đổ máu mình ra để tẩy rửa tội lỗi trần gian. Khi giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa (x. Ga 1,29), Gio-an Tẩy Giả cho thấy Người mới là lễ vật hoàn hảo được dâng lên Thiên Chúa để thay thế lễ vật chiên cừu thời Cựu Ước (x. Ds 28,3-8). Tác giả thư Do thái đã diễn tả về việc đền tội này như sau: “Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,8-10). Ngày nay trong thánh lễ sau bài Vinh Tụng Ca, chủ tế cũng giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa như Gio-an: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

3) Kết hiệp với Đức Giê-su Chiên Thiên Chúa để góp phận cứu độ trần gian:

-Ngôn sứ I-sai-a đã ví Người Tôi Tớ của Đức Gia-vê hiền lành và khiêm nhường như con chiên bị đem đi làm thịt mà không kêu lên một tiếng. Gioan Tẩy giả trong Tin mừng hôm nay cũng giới thiệu Người Tôi Tớ của Đức Chúa đó chính là Đức Giê-su con chiên cứu độ: ”Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Con chiên là con vật hiền lành, ngoan ngoãn sống theo bầy đàn và vâng lời người mục tử chăn dắt chúng. Chiên còn hy sinh để phục vụ sự sống của chủ chiên. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tố cáo các mục tử dân Ít-ra-en tội ích kỷ khi họ chỉ lo tìm hưởng lợi nơi đàn chiên mà lại tỏ ra vô trách nhiệm đối với sự an nguy của chúng như sau: “Sữa chiên các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Ed 34,3). Thời Mô-sê con chiên cũng được chỉ định dùng làm lễ vật để sát tế dâng cho Đức Chúa và làm lễ vật đền tội thay cho dân chúng trong lễ xá tội.

-Ngày nay Hội Thánh chính là đoàn chiên của Thiên Chúa cũng được mời gọi kết hiệp với Đức Giê-su là Con Chiên Vượt Qua cứu độ nhân loại. Nhờ bí tích thánh tẩy, mỗi tín hữu được trở thành chi thể của Chúa Giê-su và được tham phần vào chức vụ tư tế của Người nên chúng ta cũng được mời gọi làm con chiên đền tội, để cùng với Người, chúng ta dâng trót đời mình làm hy lễ cứu rỗi thế gian. Mỗi tín hữu cần luôn hiệp thông với Chúa Giê-su bằng việc mỗi ngày chu toàn việc bổn phận, dâng lên Chúa các việc hy sinh hãm mình, việc bác ái, các đau khổ gặp phải khi bị người chung quanh hiểu lầm chống đối… để kết hiệp với của lễ trên bàn thờ là Chúa Giê-su Con Chiên Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết trên bàn thờ thập giá để xin ơn tha tội cho mọi người. Hình bóng của con chiên Cựu Ước đã được nên trọn trong Đức Giê-su Chiên Thiên Chúa thời Tân Ước.

4. THẢO LUẬN:

1) Tước hiệu Chiên Thiên Chúa gợi lên tình yêu, sự hy sinh và sự khải hoàn. Bạn sẽ làm gì để xứng đáng nhận được ơn cứu độ mà Con Chiên Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, đã vì yêu thương sẵn sàng chịu chết để đem lại sự sống đời đời cho bạn ? 2) Khi bị hiểu lầm, bị vu khống oan uổng, bạn sẽ làm gì để noi gương Đức Giê-su ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết noi gương thánh Gio-an Tẩy Giả biết giới thiệu Chúa là Con Chiên Thiên Chúa bằng lời nói và hành động trước mặt mọi người. Mỗi lần dự lễ, xin giúp chúng con biết dâng lên Thiên Chúa những sự hy sinh vất vả, những công việc tông đồ bác ái để kết hiệp với lễ vật Mình Máu Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ được tẩy xóa tội lỗi và được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM

Người Tôi Tớ của Yavê

Giới Thiệu Ngày Chúa Nhật

Thật sự không có mùa Thường niên, mà chỉ có những ngày Chúa nhật với những tuần lễ "thường", tức là không quy về một lễ lớn nào. Ngày xưa, người ta gọi đó là những Chúa nhật và tuần lễ sau Hiển linh hay sau Hiện xuống. Ngày nay chúng ta muốn gọi vắn tắt là Mùa Thường Niên; nhưng không ổn lắm vì có cả một Mùa Chay và một Mùa Phục sinh khá dài nằm trong thời gian đó và chia nó thành hai khúc không cân đối. Do đó, tốt hơn nên đơn sơ dùng từ ngữ: các Chúa nhật và các tuần lễ "thường". Và để mở đầu, nên tìm hiểu ý nghĩa phụng vụ của các ngày Chúa nhật này.

Các sách Tin Mừng thuật lại: vào ngày thứ Nhất trong tuần, Chúa Yêsu đã sống lại. Người hiện ra với một số phụ nữ, rồi với Phêrô. Người cũng đến đi đường với hai môn đệ tới Emmau, khiến hai ông đã nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Và cũng chính hôm đó, Người hiện ra với các Tông đồ, ăn với họ và tuyên bố: Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con. Rồi Người thổi hơi vào họ và nói: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, người ấy sẽ được tha.

Bằng ấy sự kiện đã xảy đến trong ngày thứ Nhất trong tuần và toàn là những sự kiện đầy ý nghĩa trong Lịch sử cứu độ: Chúa sống lại; Người hiện ra; Người dùng bữa với các Tông đồ, ban Thánh Thần tha tội và sai họ đi truyền giáo. Thành ra, chẳng ai lạ gì khi thấy tám ngày sau các môn đệ lại họp nhau. Và Chúa lại đến. Người cho Thôma xem các vết thương tử nạn của Người và biến ông thành con người được đức tin.

Từ đó cứ tám ngày sau, tức là vào ngày thứ Nhất trong tuần, các môn đệ lại hội họp. Chúa không hiện đến nữa, vì không cần thiết nữa. Người đã ở giữa họ rồi, vì chính Người đã phán: Khi nào hai, ba anh em họp nhau cầu nguyện, thì Người sẽ ở giữa; và Người ở với các môn đệ hàng ngày cho đến tận thế. Nhất là lễ nghi bẻ Bánh khi cộng đoàn hội họp nhau cho phép họ có Mình và Máu Người ở trong tay và trong lòng mọi người. Họ trở thành những con người tin tưởng mãnh liệt hơn và muốn sống xứng đáng hơn với đức tin của mình.

Thói quen hội họp như vậy đã trở thành thông lệ. Nhiều chỉ dẫn trong Tân Ước cho thấy các cộng đoàn tín hữu vẫn cử hành ngày thứ Nhất trong tuần: 1C 16,2; Cv 20,6-12. Nhiều tài liệu giáo phụ cũng làm chứng như thế: xem thư thánh Ignaxiô thành Antiokia (+107) gửi tín hữu Magnêsia; xem sách Minh giáo của thánh Yustinô (+165). Thư của Pline le Jeune gửi hoàng đế Trajan cũng khẳng định: người Kitô hữu có thói quen hội họp ca hát vào "ngày nhất định", mà ai cũng hiểu là ngày Chúa nhật. Nhưng cảm động hơn cả là lời chứng của các Tử đạo ở Tunisie. Ngày 12.2.304, có 31 đàn ông và 18 phụ nữ đã bị bắt vì tụ họp bất hợp pháp. Họ đều khẳng định: "Chúng tôi có luật phải cử hành Ngày của Chúa... Chúng tôi không thể sống mà không cử hành Ngày của Chúa...".

Như vậy cùng với thói quen hội họp, danh từ "Ngày của Chúa" dần dần đã được thông dụng để gọi ngày thứ Nhất trong tuần, hay là ngày thứ tám sau ngày thứ Nhất. Ngày nay chúng ta gọi: "Ngày Chúa nhật" là vì lẽ đó. Tuy nhiên cần phải nhớ, chữ "Chúa" ở đây không nói về "Thiên Chúa" nhưng về Chúa Yêsu, Ðấng đã sống lại, tập họp chúng ta, ban cho chúng ta Thánh Thần tha tội và sai ta đi đem Tin Mừng khắp thế gian, trong ngày đó. Nhưng trong nhiều thứ tiếng (Anh, Ðức) danh từ gọi tên Ngày Chúa nhật không gợi lên ý tưởng về Chúa (Sunday, Sonntag), mà về mặt trời; vì lẽ hoàng đế Constantinô tán thành và cổ võ cả hai thứ tôn thờ: Chúa Kitô và Mặt Trời. Và ông ra lệnh nghỉ "việc" trong ngày ấy.

Từ đó, ngày Chúa nhật không những trở thành lẽ sống của người tín hữu, mà còn ảnh hưởng tới sinh hoạt của người ngoài Giáo hội. Các Công đồng trong những thế kỷ tiếp đã ấn định luật dự lễ và nghỉ việc trong ngày Chúa nhật, nhưng chẳng thêm yếu tố thần học nào hơn những điều chúng ta đã nói ở trên.

Việc cử hành ngày Chúa nhật rõ ràng đã đưa Giáo hội Chúa Kitô ra khỏi phụng vụ Dothái giáo; và việc giáo dân hội họp ngày Chúa nhật đã khiến họ biệt lập với cộng đồng cử hành ngày Sabat. Nhất là đang khi đạo cũ nhấn mạnh đến sự nghỉ việc trong ngày Sabat, thì Ðạo Mới trong ngày Chúa nhật lại tập trung cố gắng vào việc cử hành mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh.

Thế nên ngày đó thật là Ngày Chúa nhật, tức là ngày của Chúa Kitô, ngày Người sống lại hiện diện ở giữa các môn đệ để chuyển biến họ thành tín hữu hoàn toàn hơn khi cho họ xem các vết thương vinh hiển của Người và ban cho họ được Thánh Thần để tha tội và truyền giáo.

Ngày Chúa nhật vừa là ngày thứ Nhất vừa là ngày thứ tám trong tuần. Cả hai lối gọi đều đúng; nhưng ý nghĩa hơi khác nhau. Ngày thứ Nhất gợi lên ý tưởng khởi nguyên của nếp sống mới; còn ngày thứ Tám nói lên ý nghĩa trở lại của sự sống đời đời: chúng ta cử hành ngày đó cho đến khi Chúa trở lại. Nhưng dù được gọi bằng danh từ nào, Ngày Chúa Nhật vẫn là ngày kính nhớ mầu nhiệm Phục sinh, trong niềm trông đợi việc Chúa trở lại, nhờ việc cử hành mầu nhiệm hiện diện Bí Tích của Người trong Thánh Thể. Ba chủ đề đó phải được nổi bật trong phụng vụ Thánh Lễ Chúa Nhật của ta. Và ta hãy cử hành các nghi thức đặc biệt của Phụng vụ Chúa nhật cho ý nghĩa:

* Trước hết việc rảy nước Thánh nhắc nhở và làm sống lại ơn thánh tẩy mà mọi tín hữu đã lãnh nhận trong niềm tin mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Chúa. Ðó là cửa mở đưa chúng ta vào Nhà Chúa. Hơn thế nữa, đó là ơn tái sinh chúng ta thành tạo vật mới, trở nên con cái Chúa và được sát nhập vào cơ thể Ðức Kitô là Ðền thờ của Ðạo Mới để chúng ta có thể dâng lễ.

* Bài giảng lễ có tính cách bó buộc để cả chủ tế lẫn cộng đồng tín hữu suy nghĩ về Lời Chúa vừa nghe đọc, để Lời ở miệng Chúa phán ra nuôi sống con người và đưa mọi người đến việc đón nhận Ngôi Lời trở thành Thịt Máu.

* Lời nguyện giáo dân phải diễn tả được cảm nghĩ và ước vọng của Dân Chúa, để qua lời phát biểu, người ta có thể thấy cộng đoàn đang thao thức những gì; và như vậy sẽ lôi kéo mọi người vào một sự hiệp thông cụ thể.

* Việc quyên tiền trong thánh lễ khó đạt được mục đích chia sẻ bác ái hữu hiệu của nó, vì sự đóng góp thường không đáng kể so với yêu cầu của sinh hoạt cộng đoàn. Tuy nhiên nó vẫn phải giữ nguyên vẹn ý nghĩa thiêng liêng cao cả mà Chúa đã nói lên khi đáng giá việc người góa phụ bỏ đồng tiền nhỏ vào hòm tiền cúng: người ấy muốn dâng mạng sống mình cho Chúa. Và chỉ có thái độ ấy mới khiến ta xứng đáng cử hành mầu nhiệm Chúa ban Thịt Máu Người cho ta.

Tất nhiên, những việc trên không quan trọng nhất trong phụng vụ ngày Chúa nhật, nhưng là những việc mà chúng ta thường chỉ làm trong ngày đó và chúng ta hãy thánh hóa tối đa mọi việc chúng ta làm.

Ước gì việc nhắc lại lịch sử và nội dung thần học của ngày Chúa nhật cũng như ý nghĩa những việc trên đây giúp chúng ta quan tâm sống phụng vụ các ngày Chúa nhật nhiều hơn, để những ngày đó trở thành những ngày của Chúa thật sự, tức là thật sự ban Ðức Kitô phục sinh cho chúng ta. Chúng ta sẽ được như các Tông đồ: tiếp xúc với Chúa sống lại đức tin của họ cũng đã sống lại; họ được lãnh nhận Thánh Thần và ra đi làm chứng cho Tin Mừng cứu độ, tạo nên những nếp sống mới và những xã hội mới.

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật II Thường Niên A

(Ys 49,3.5-6; 1 C 1,1-3; Yn 1,29-34)

Ba bài Kinh Thánh hôm nay cho phép ta gọi tên Chúa Nhật này là "Chúa Nhật Người Tôi Tớ". Không những bài sách Isaia rõ ràng nói đến Người Tôi Tớ của Chúa; mà cả bài Tin Mừng Yoan cũng chỉ rõ nghĩa khi hiểu Ðức Kitô theo các bản văn Cựu Ước nói về Người Tôi Tớ. Và cuối cùng, mấy câu mở đầu thư I gửi người Côrinthô sẽ phong phú nếu chúng ta hiểu mình cũng là những người được ơn gọi trở nên tôi tớ trung thành của Chúa.

Vậy chúng ta hãy suy nghĩ về chủ đề Người Tôi Tớ nơi Cựu Ước, nơi Ðức Kitô và nơi mỗi người chúng ta.

 A. Nơi Cựu Ước

Isaia không phải là tác giả duy nhất nói đến Người Tôi Tớ của Ðức Yavê. Nhiều sách khác trong Cựu Ước, đã gọi Môsê, Ðavít, các tiên tri và nhiều người khác là Tôi tớ của Thiên Chúa. Nhưng trong sách Isaia phần II (gồm các chương 40-55) có bốn đoạn đặc biệt nói về Người Tôi Tớ (42,1-7; 49,1-9; 50,4-9; 52,13-53,12). Ðó là bốn Bài ca về Người Tôi tớ, mà chúng ta chỉ có thể hiểu được khi đọc trong bối cảnh của cả phần II của sách ấy.

Trước hết chúng ta nên biết, ngày nay không còn mấy ai nghĩ rằng Isaia là tác giả của những chương sách này. Các nhà chú giải nhất trí bảo đó là tác phẩm của một tác giả khác. Ông cũng là tiên tri, sống vào khoảng cuối thời lưu vong, tức là vào hạ bán thế kỷ VI trước Công nguyên. Ông tuyên cáo Lời Chúa về vận mạng của Dân. Ngài sẽ ra tay cứu độ. Dân sẽ được giải phóng như hồi ở Aicập. Và còn hơn cả thời bấy giờ nữa. Ngài sẽ dùng sứ mạng của một Người Tôi Tớ. Ai là con người này?

Chính tác giả cũng không rõ ràng. Câu đầu tiên trong bài hôm nay nói, Người Tôi Tớ sẽ là cả dân Israel; nhưng trong những câu sau, người ấy lại là một cá nhân đặc biệt nào đó. Ý thực của tác giả muốn gì? Ðối với ông, Israel vẫn là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Người đã chọn dân làm sở hữu, gọi họ là Dân của Người, không những để chia sẻ tình thân mật với Dân, mà còn mạc khải kế hoạch cứu độ của Người cho Dân, để họ trở thành Người Tôi Tớ tín cẩn thực hiện kế hoạch đó cho Người.

Nhưng sứ mạng giao cho toàn dân, Người lại muốn thể hiện nơi và qua một số ít, gọi là "số sót của Israel", và cuối cùng, nơi và qua Một Con Người tiêu biểu. Chỉ người này đáng gọi tên là "Người Tôi Tớ của Ðức Yavê".

Tất nhiên chẳng ai trong Cựu Ước đã thực hiện được sứ mạng như "Isaia" mô tả, vì chẳng ai "đã đem được Yacob về cho Chúa và quy tụ được Israel lại quanh Người". Còn nói gì đến việc "trở thành ánh sáng các dân tộc và trở nên cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất".

 B. Nơi Ðức Yêsu Kitô

Thế nên thật là ý nghĩa, việc phụng vụ dùng bài tiên tri Isaia này để đọc trong thánh lễ hôm nay. Lập tức chúng ta đã hiểu: Người Tôi tớ làm vinh danh Thiên Chúa, được Người hình thành ngay từ trong lòng mẹ, để trở nên ánh sáng cứu độ muôn dân, chính là Ðức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng mà chúng ta đã thấy sinh ra trong mùa phụng vụ trước đây và sẽ thấy Người cứu thế trong mùa Chay và Phục sinh. Mùa này, Người đang ở giữa chúng ta, nhưng chưa được nhiều người biết. Phụng vụ qua bài sách Tiên tri Isaia muốn giới thiệu Người là Người Tôi Tớ đích thực của Ðức Yavê để chúng ta vui mừng vì ơn cứu độ đã gần. Nhưng chính bài Tin Mừng mới thật sự làm chứng điều đó.

Thật ra thì Yoan Tẩy giả đã không trực tiếp giới thiệu Ðức Yêsu là Người Tôi Tớ. Ông nói Người là "Chiên của Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian". Mặc dầu hình ảnh con chiên có thể gợi ngay đến ý tưởng về chiên vượt qua, chiên tế vật, nhưng liền sau đó, Yoan đã nói đến Ðấng xóa tội trần gian, Ðấng đến sau ông nhưng lại có trước ông và cao trọng hơn ông, nhất là Ðấng ấy lại được xức dầu bằng Thánh Thần... khiến chúng ta phải hiểu Yoan đã mượn lại mọi tư tưởng trong sách Isaia về Người Tôi Tớ.

Isaia, trong đoạn 53, tức là ở Bài ca IV về Người Tôi Tớ đã vẽ ra hình ảnh con người bị khinh khi, phế bỏ, vì đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta; người bị tra tấn, nhưng không hề mở miệng như cừu bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, để nhờ các vết hằn người chịu, chúng ta được chữa lành; người đã mang lấy tội lỗi nhiều người và đứng ra bầu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch.

Trước đó, trong Bài ca I, Isaia đã viết: "Này đây Tôi Tớ của Ta, Người Ta đã chọn và hồn Ta sủng mộ, Ta đã ban Thần Trí trên Người". Và đó là điều Yoan muốn gợi đến khi ông tuyên chứng đã nhìn thấy Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên đầu Ðức Yêsu.

Yoan đã nhìn thấy nơi Ðức Kitô hình ảnh Người Tôi Tớ trong sách Isaia. Bề ngoài, Người có vẻ thua kém ông, khi đến xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng khi Yoan thấy Thánh Thần xuống trên Người, ông biết ngay, đây là Ðấng mà mình có sứ mạng đi trước dọn đường như một người đầy tớ. Chính Người là Ðấng cao trọng, Ðấng mà Thánh Thần xuống ngự ở trên, nhưng bề ngoài rất khiêm nhu, đúng là Người Tôi Tớ mà sách Isaia đã tiên báo. Và phép rửa mà Người mới chịu là hình ảnh về cuộc khổ nạn mà Người Tôi Tớ phải chịu để đưa nhà Israel về với Chúa và đem ơn cứu độ của Chúa đến tận cùng trái đất. Yoan đã thấy như vậy và ông tuyên chứng để chúng ta hết thảy tin Ðức Yêsu Kitô thật là Người Tôi Tớ và là Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Người đã đến thế gian, đóng vai trò Người Tôi Tớ để, như lời sách Isaia viết, Người giải án tuyên công cho nhiều người, hầu ý định của Thiên Chúa được nên trọn. Thế nên, sau khi đã tin Người là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, chúng ta còn phải xem Người chấp nhận sứ mạng ấy để làm gì? Và câu trả lời, chúng ta đã gặp thấy trong bài thư Phaolô hôm nay nói về chúng ta.

 C. Nơi Chúng Ta

Thánh Phaolô ý thức: ngài được gọi là Tông đồ của Ðức Yêsu Kitô, do thánh ý của Thiên Chúa. Ðồng thời ngài khẳng định: chúng ta và mọi người kêu cầu Danh Chúa Yêsu Kitô cũng được gọi để nên thánh, hầu mọi người đều được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha và của Ðức Yêsu Kitô.

Chúng ta không thể không cảm thấy lòng hân hoan của thánh Phaolô khi viết những dòng thư này. Ngài thấy rõ Thiên Chúa thật tốt lành. Người có cả một ý định thánh thiện, đầy yêu thương đối với mọi người. Ý định đó, Người đã nhờ Ðức Yêsu Kitô thực hiện, như trên ta đã nói và như bài thư Phaolô đây khẳng định. Chính nhờ Ðức Yêsu Kitô và trong Ðức Yêsu Kitô mà chúng ta hết thảy được gọi nên thánh thiện và làm tông đồ, để mọi người được ân sủng và bình an của Thiên Chúa. Tức là mọi người chúng ta cũng được gọi đi vào trong sứ mạng của Ðức Yêsu Kitô, để tham dự, chia sẻ và tiếp nối sứ mạng ấy.

Khi đáp lại tiếng Người kêu gọi mà chạy đến kêu cầu Danh Người, mọi tội lỗi của ta sẽ được chính đôi vai Người gánh lấy. Người là Người Tôi Tớ đau khổ, là Chiên của Thiên Chúa xóa tội trần gian: Người làm cho chúng ta nên thánh thiện, để chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa, và như vậy Người đưa nhà Yacob trở về và quy tụ nhà Israel về với Chúa.

Khi ấy chúng ta sẽ được thừa tự sản nghiệp Lời Hứa, được trao ban sứ mạng của Dân được chọn. Và như trên đã nói, đó là sứ mạng trở thành người tôi tớ thân tín để thực hiện chương trình tốt đẹp của Thiên Chúa, tức là trở nên ánh sáng muôn dân, đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất, trở thành tông đồ của Ðức Yêsu Kitô cũng là trở thành Người Tôi Tớ của Thiên Chúa vậy.

Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì kế hoạch đầy tình thương của Người. Người đã ban Ðức Yêsu Kitô cho ta để làm Người Tôi Tớ thực hiện kế hoạch ấy. Và Ðức Yêsu Kitô giờ đây trong thánh lễ này lại tha thiết kêu gọi mọi người chúng ta quy tụ vào Thân Thể mầu nhiệm Người, để Người sai ta đem ân sủng và bình an đi, tiếp nối sứ mạng của Người Tôi Tớ. Dĩ nhiên muốn thực hiện sứ mạng này, chúng ta phải giơ vai ra gánh lấy hết mọi khổ đau nhọc nhằn của đồng bào. Thế mà nhiều người còn từ chối chung vai gánh vác những nghĩa vụ hiện này với đồng bào. Họ sợ nặng ư? Nhưng chính Chúa đã nói: gánh của Chúa vừa nhẹ vừa êm, bởi vì Thánh Thể Chúa luôn sẵn sàng bổ sức cho những ai yếu nhọc. Thế thì chúng ta hãy sốt sắng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể này để có sức mạnh thực hiện sứ mạng của Người Tôi Tớ.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I - Mùa Thường Niên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Mùa Thường Niên _Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Thường Niên_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Thường Niên _Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Thường Niên C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ bảy Tuần I Thường Niên - Lm.J.P

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần I Thường Niên A: BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI. Nt. Anna Nguyễn Thị Nguyện
     Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu tuần I Thường Niên: Lễ thánh Antôn, viện phụ. Lm. Duy Khang
     Suy niệm Tin Mừng thứ năm Tuần I Thường Niên: CAN ĐẢM ĐẾN VỚI CHÚA. Nt. Maria Phương Trâm
     Suy niệm Tin Mừng thứ Tư tuần I Thường niên A: MỘT NGÀY CỦA CHÚA. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ ba Tuần I Thường Niên A. Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Thứ Hai tuần I Mùa Thường Niên: SỐNG VÀ SỐNG DỒI DÀO. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa: Con Thiên Chúa và đám tội nhân. Lm Phalô Nguyễn Văn Đông
     Gợi ý suy chiêm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa: XIN TRỞ NÊN CON YÊU DẤU CỦA CHÚA. Nt T. Ngọc Lễ,O.P
     Suy niệm Tin Mừng thứ Bảy tuần I thường niên năm C: ANH HÃY THEO TÔI.Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc SJ