Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 1

CHÚA NHẬT CHÚA CHỊU PHÉP RỬA:

TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VÀ LÀ CON

THIÊN CHÚA

chuachiupheprua.jpgNgày nay công nghệ quảng cáo đã đạt đến đỉnh cao, từ in pano, bảng hiệu, cờ hoa, múa lân… kinh phí cho quảng cáo có thể chiếm đến 15% giá thành sản phẩm, mặt hàng nào quảng cáo nhiều, quảng cáo ấn tượng thì bán được nhiều, còn ngược lại không quảng cáo rầm rộ thì sẽ không có ai biết đến. Trong giới văn nghệ sĩ cũng thế, công nghệ đánh bóng và quảng cáo tên tuổi là thứ không thể thiếu. Người ta tìm mọi cách để phô trương gương mặt của mình, lôi kéo sự chú ý của người hâm mộ, kể cả những chiêu rất tầm thường, nhiều ca sĩ diễn viên cố tình tạo ra những vụ tai tiếng để được báo chí nhắc đến tên của mình gây sự chú ý…

 Xét về mặt này thì có thể nói công nghệ quảng cáo của Chúa còn thô sơ quá, khó có thể cạnh tranh với các ca sĩ và với thị trường sôi động hôm nay. Trong khi người đời rầm rộ quảng cáo để lôi kéo mọi người, thì con Thiên Chúa xuống thế làm người lại hết sức âm thầm. Hôm nay, Đức Giêsu sau một thời gian dài sống âm thầm không ai biết gì về Ngài, nay Ngài xuất hiện công khai để bắt đầu sứ vụ rao giảng và công bố Nước trời, thì Ngài lại đứng lẫn vào trong đám đông và lại còn cúi xuống để xin Gioan làm phép rửa cho mình giống như bao người khác. Tại sao Thiên Chúa lại làm như vậy?

Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ không phải để quảng cáo thu hút số đông ủng hộ, mà qua sự kiện này, Thiên Chúa muốn giới thiệu Con của Ngài là Đức Giêsu cho những ai thực sự tin và muốn đón nhận mà thôi. Bởi vì khác với kiểu phô trương bên ngoài của người đời, tiên tri Isai cho thấy Đấng Mesia không mang tư thế của một con người quyền lực, mà Ngài lại đến trong tư thế của một người tôi tớ của Thiên Chúa, tức là một Đấng luôn tuân phục và làm theo ý của Thiên Chúa, Ngài sẽ trở thành khuôn mẫu cho tất cả mọi người muốn gia nhập vào Nước Thiên Chúa.

Âm thầm như mọi người, Chúa Giêsu đã đến bên Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Trong khi đó Gioan lại đang là một con người nổi tiếng vì đời sống và nhất là những lời rao giảng đanh thép của ông: hãy ăn năn sám hối vì nước trời đã gần đến. Thấy Đức Giêsu bước đến với mình Gioan phải ngỡ ngàng, vì Gioan biết rõ người đứng trước mặt mình là ai, nên ông đã nhất mực từ chối: Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, tại sao Ngài lại đến với tôi? Nhưng Chúa Giêsu mời gọi Gioan: Chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Mặc dù là một vị Thiên Chúa không hề có một chút vấn vương của tội, nhưng Chúa Giêsu đã muốn trở nên đồng hàng với con người là những kẻ có tội, muốn nêu gương sám hối và hoán cải theo như lời kêu gọi của Gioan, Ngài chấp nhận hạ mình đến thẳm sâu để từ đó nâng con người chỗi dậy, để cho họ có thể sống đúng với tư cách là những người được Thiên Chúa yêu thương.

Vì thế, khi Chúa Giêsu vừa mới bước lên khỏi dòng nước thì Tin Mừng nhấn mạnh: Lúc ấy các tầng trời mở ra. Nếu như trước đây với sự kiêu ngạo bất tuân của Adam Eva đã khiến cho cửa trời bị đóng lại tạo nên sự ngăn cách giữa thiên Chúa và con người, thì hôm nay với sự khiêm nhường và vâng phục của Đức Giêsu, các tầng trời được mở ra để cho Thiên Chúa có thể đến ở với con người “đi dạo và trò chuyện” với con người, và cũng để cho con người có thể đến với Thiên Chúa và có thể đi vào Nước Trời với Thiên Chúa.

Điều quan trọng nữa là Thần Khí của Thiên Chúa như chim bồ câu đậu xuống trên Người. Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa đã vui nhận sự sẵn sàng của Đức Giêsu và chuẩn nhận sứ mạng của Ngài. Vì thế trước mặt mọi người đang ngỡ ngàng tại bờ sông Giodan, Thiên Chúa Cha đã long trọng giới thiệu Đức Giêsu Con của Ngài cho mọi người: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng vì Người. Với lời nói này, Thiên Chúa Cha đã công khai khẳng định tương quan của Ngài với Đức Giêsu là tương quan Cha Con và là người con được yêu mến, và đây là một người con hiếu thảo luôn làm mọi sư đẹp lòng Cha mình.

Giới thiệu Đức Giêsu như một mẫu gương làm con cho nhân loại, Thiên Chúa cũng muốn tất cả chúng ta nhờ lắng nghe những lời dạy bảo của Chúa Giêsu, sống theo lề luật và giới răn của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đem đến, thì tất cả chúng ta cũng sẽ trở thành những người con yêu dấu của Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng sẽ hài lòng vì chúng ta. Thánh Phêrô đã quả quyết rằng: Tôi biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị nhưng bất cứ ai kính sợ Thiên Chúa, sống công chính ngay lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng được Người tiếp nhận. Vì Thiên Chúa đã gửi Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài đến cho nhân loại, bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào đón nhận và sống theo gương mẫu của chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài thì đều được gọi là con Thiên Chúa và chung hưởng hạnh phúc của kẻ được nhận là con.

Thưa quý OBACE, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa không chỉ đánh dấu của việc khởi đầu sứ mạng công khai của Chúa Giêsu, mà còn là dịp để nhắc cho mỗi chúng ta nhớ đến địa vị làm con Thiên Chúa mà chúng ta đã đón nhận. Chúng ta đã thực sự trở nên con Thiên Chúa nhờ ơn của Bí Tích rửa tội. Chính trong ngày đó, chúng ta chính thức được gọi Thiên Chúa là Cha của mình, tuy nhiên mặc dù đã là con, nhưng chúng ta phải xét lại xem mình đã là một người con như thế nào, ta có phải là một người con làm đẹp lòng Chúa Cha hay không? Chúng ta có cố gắng để nên giống Đức Giêsu là người con yêu dấu của Thiên Chúa Không?

Trong cuộc sống ngày nay nhiều người đã đánh mất tư cách đạo đức căn bản của con người, tự biến mình thành một kẻ tầm thường chỉ vì một chút tiền bạc lợi lộc, vật chất. Người ta tự coi mình không còn giá trị gì khi họ cười hả hê vì cướp được những lon bia trong một tai nạn. Thay vì giúp đỡ nạn nhân, họ lại lao vào hôi của khi nạn nhân phải quỳ xuống van xin. Người ta biến mình trở nên tầm thường, có khi chỉ vì những cái hết sức nhỏ nhặt như cái bánh, cái kẹo, vì một phần quà được cho không mà họ giành giật chà đạp lên nhau, vì một bữa ăn thử miễn phí của một nhà hàng mà cả ngàn người chen lấn chửi bới nhau. Những câu chuyện như thế khiến cho nhiều người cảm thấy băn khoăn vì tư cách danh dự, đạo đức của nhiều người trong xã hội dường như đã ở mức thấp nhất.

Cái vinh dự làm người cụ thể, rõ ràng và cao quý như thế, mà nhiều người đã đánh đổi chỉ vì một miếng bánh, thì thử xem cái vinh dự và tư cách làm con Thiên Chúa ở nơi chúng ta, chúng ta ý thức để gìn giữ, sống và thể hiện cái vinh dự ấy thế nào? Chúng ta có cảm thấy tự hào vì mình được biết Thiên Chúa và được làm con Thiên Chúa hay không?

Chúng ta chỉ có thể tự hào vì được làm con Thiên Chúa khi chúng ta luôn sống và làm theo ý của Thiên Chúa, thảo hiếu với Thiên Chúa qua việc chu toàn giới răn và lề luật, đồng thời còn phải yêu mến, biết ơn và sống gắn bó với Thiên Chúa. Hãy gắn bó với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Giải tội và thánh Thể, hãy sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô dạy: Dù anh em ăn hay anh em uống, dù anh em làm gi bất cứ thì hãy làm vì Danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Người mà ngợi khen Thiên Chúa.

Tự hào là Con Thiên Chúa thì đồng thời cũng là mạnh dạn nói về Chúa và giới thiệu Tin Mừng của Chúa cho bất cứ ai gặp gỡ tiếp xúc với chúng ta. Hãy nói cho mọi người bằng đời sống, bằng tư cách tác phong của người tín hữu, biết tôn trọng chính mình và tôn trọng anh em, tôn trọng những quy định trật tự trong xã hội. Hãy nói cho mọi người bằng cử chỉ hành động đáng tin, đáng mến của người Công Giáo, bằng sự hiền hòa dễ thương, và bằng sự quảng đại phục vụ. Chúng ta sẽ khó để thuyết phục người khác bằng lời nói, họ chỉ tin khi thấy chúng ta làm những điều tốt mà thôi…

Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống đúng với tư cách là người con được Chúa yêu thương quý mến, luôn biết làm hài lòng Thiên Chúa và thể hiện sự tự hào ấy cho anh chị em chung quanh. Amen

KHIÊM TỐN VÂNG PHỤC NHƯ CON THẢO CỦA THIÊN CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 3,13-17.

(13) Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. (14) Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”. (15) Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. (16) Khi Đức Giê-su chịu phép Rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. (17) Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

2. Ý CHÍNH:

Hôm nay là ngày cuối cùng của Mùa Giáng Sinh, và cũng là ngày khởi đầu Mùa Quanh Năm. Tin Mừng Mát-thêu cho thấy: Đức Giê-su khởi đầu cuộc sống công khai bằng việc từ Ga-li-lê xuống miền Giu-đê và đến sông Gio-đan để xin ông Gio-an làm phép rửa cho. Ngay từ ban đầu Gio-an đã biết Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên không dám rửa cho Người. Nhưng sau khi biết là thánh ý Chúa Cha, thì Gio-an đã vâng lời làm phép rửa cho Người. Khi Đức Giê-su vừa từ dưới mặt nước trồi lên, thì một cuộc Thần hiện đã xảy ra: Thánh Thần lấy hình chim câu ngự xuống trên Người, và có tiếng Chúa Cha xác nhận Người chính là Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13-14: + Từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan: Từ miền Ga-li-lê cụ thể là Na-da-rét (x. Mt 2,23), Đức Giê-su đến sông Gio-đan ở vùng Bê-ta-ni-a cách thành Giê-ri-cô không bao xa, để xin Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa cho. Người tự nguyện đến chứ không phải do lương tâm thúc bách chịu để xin ơn tha tội như người Do thái, vì Người là Đấng thánh thiện và vô tội. + Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !: Nói câu này, có lẽ Gio-an đã biết Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà ông rao giảng sắp đến (x Mt 3,11).

- C 15: + Bây giờ cứ thế đã: Bây giờ Gio-an hãy cứ làm phép rửa cho Người. + Vì chúng ta nên làm như vậy: Đức Giê-su muốn chịu phép rửa của Gio-an để được Thiên Chúa xác nhận sứ mệnh Thiên Sai (x. Lc 7,29-30). + Để giữ trọn đức công chính: Giữ trọn hay chu toàn bổn phận. Có thi hành ý muốn của Chúa Cha là chịu phép rửa, thì Đức Giê-su mới thiết lập được nền công chính mới (x. Mt 5,20) và kiện toàn Luật Mô-sê (x. Mt 5,17).

HỎI: Phép rửa của Gio-an là một nghi thức biểu lộ lòng sám hối của các hối nhân. Vậy Đức Giê-su là Đấng thánh thiện trong sạch vô cùng, thì sao phải chịu phép rửa ấy ?

ĐÁP:

Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta chỉ được trả lời một cách lờ mờ qua câu nói của Đức Giê-su với Gio-an: Đó là để “giữ trọn đức công chính”, nghĩa là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Sau đây là một số lý do khiến Đức Giê-su đến xin Gio-an làm phép rửa cho:

- Một là để đền tội thay cho dân: Tuy hoàn toàn vô tội, nhưng Đức Giê-su chịu phép rửa của Gio-an là để tỏ lòng sám hối thay cho dân, giống như ông Mô-sê thời kỳ Xuất Hành đã tỏ lòng sám hối để xin Đức Chúa tha tội cho dân đã phạm tội tôn thờ bò vàng (x. Xh 32,31-32). Sau này Đức Giê-su sẽ còn chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho dân đúng như thượng tế Cai-pha đã nói tiên tri trong thượng hội đồng Do thái như sau: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11,50). 

- Hai là để hòa đồng với các tội nhân: Với tư cách là Đấng cứu thế, Đức Giê-su đã khiêm tốn hòa mình với các tội nhân đang chờ được chịu phép rửa của Gio-an, trái với thói kiêu căng của người Pha-ri-sêu luôn tách biệt ra khỏi đám đông dân chúng mà họ cho là tội lỗi, như trong dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu nguyện: “Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình cầu nguyện” (Lc 18,11).

- Ba là để tiên báo về bí tích rửa tội Đức Giê-su sắp thiết lập, là hình bóng mầu nhiệm tử nạn và phục sinh: Phép rửa của Gio-an tiên báo về bí tích rửa tội do Đức Giê-su ra lệnh cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Việc chịu phép rửa tội chính là điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3,5), và là hình ảnh của mầu nhiệm chết và sống lại : “Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50).

- C 16-17: + Các tầng trời mở ra: Hiện tượng trời mở ra nhắc đến lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước thánh nhan” (Is 63,19). Sấm ngôn này hôm nay đã ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: đất trời được giao hòa với nhau (x. Cv 7,56) và Thiên Chúa tiếp tục mặc khải cho dân Người (x. Ed 1,1). + Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người: Câu này nhắc lại cuộc tạo thành ban đầu (x. St 1,2). Ở đây báo hiệu một cuộc tạo dựng mới đang được thực hiện. Tác giả sách Sáng Thế đã diễn tả Thần Khí Đức Chúa bay là là trên mặt nước để ban sự sống cho nước, giống như chim bồ câu mẹ bay chập chờn trên bầy chim con (x. St 1,2). Thần Khí ngự trên Đức Giê-su để xức dầu thiêng liêng cho Người (x. Cv 10,38) hầu tấn phong Người làm Đấng Mê-si-a (x. Is 11,2). + “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”: Sau khi Đức Giê-su đã vâng phục Chúa Cha để đến xin chịu phép rửa của ông Gio-an, thì Chúa Cha đã giới thiệu Người là Con yêu dấu trước mặt những người hiện diện. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nhiều lần đã gọi Đấng Thiên Sai và dân Ít-ra-en là Con yêu của Ngài: “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con” (Tv 2,7). “Này là Tôi Tớ của Ta mà Ta nâng đỡ, tuyển nhân mà Ta sủng mộ, Ta ban Thần Khí Ta trên Người” (Is 42,1). “Từ Ai-cập, Ta đã gọi Con Ta về” (Hs 11,1). Qua câu này, Tin Mừng Mát-thêu cho thấy Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai và là Con yêu luôn làm hài lòng Thiên Chúa, vì Người luôn khiêm tốn và vâng theo thánh ý Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Đức Giê-su là Đấng thánh thiện mà đến chịu phép rửa sám hối của Gio-an làm chi ? 2) Câu “Thần Khí Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” có nghĩa thế nào ? 3) Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường gọi những ai là “con yêu” của Ngài ?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !” (Mt 3,14).

2. CÂU CHUYỆN: “TRÈO CAO TÉ ĐAU”

Trong kho tàng truyện thần thoại Hy-lạp, có một câu chuyện về hai cha con nhà kia. Người cha tên là I-đam và con là I-ka. I-đam là một kiến trúc sư kiêm nghề điêu khắc. Chính ông đã được nhà vua trao nhiệm vụ xây một bát quái đồ để giam giữ một con quái vật đầu người mình thú rất hung dữ, hầu bảo vệ dân lành khỏi bị nó giết hại. Nhưng về sau, do hiểu lầm hai cha con I-đam và I-ka có âm mưu làm loạn, nên vua Mi-nos đã hạ lệnh tống giam cả hai vào bát quái đồ đó. Nhưng rồi “cái khó ló cái khôn”: Trong lúc bị giam cầm, hai cha con này đã tìm ra cách trốn thoát bằng cánh chim bay lên cao. Họ đã dùng sáp ong nối nhiều lông chim lại thành hai bộ cánh chim và đã thoát ra khỏi nhà tù qua một lổ nhỏ trên mái. Quá phấn khởi trước thành công bất ngờ, anh con trai càng lúc càng bay lên cao, bỏ ngoài tai những lời khuyến cáo khẩn thiết của cha mình. Khi bay cao gần đến mặt trời, thì sáp dính các lông chim trên đôi cánh bay bị nóng quá tan chảy ra và anh con trai đã rơi từ độ cao xuống đất chết tan xác.

Chính thói kiêu hãnh về sự thành công đã làm cho người con trai không vâng lời cha, nên cuối cùng đã bị rơi xuống đất chết thảm. Ngày nay, sự kiêu ngạo cũng làm cho người ta coi thường và bỏ ngoài tai những lời khuyên can khôn ngoan đầy kinh nghiệm của các bậc cha bác, thầy cô giáo và những bậc cao niên. Nếu mỗi người chúng ta chỉ lo chiều theo các đam mê ích kỷ của mình, thì chắc chắn sẽ phải chuốc lấy thất bại đau thương.

3. SUY NIỆM:

1) Gương khiêm tốn của Gio-an Tẩy Giả: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”:

Vào năm 30 trước Công Nguyên, Gioan Tẩy giả đã xuất hiện tại sông Gio-đan, ăn mặc như ngôn sứ Ê-li-a (x. Mt 3,4), rao giảng cùng một sứ điệp về sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa như Ê-li-a, đồng thời Gio-an đã kêu gọi mọi người: «Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần» (Mt 3,2). Ông còn làm phép rửa cho những ai thành tâm sám hối để chuẩn bị tâm hồn họ đón nhận Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Cv 19,4). Gio-an cũng khiêm tốn khi nói về vai trò và sứ mạng của Đấng Thiên Sai như sau: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa» (3,11). Còn chúng ta hôm nay: Chúng ta có biết nhận trách nhiêm những thất bại xảy ra để noi gương khiêm tốn của thánh Gio-an không ?

2) “Giữ trọn đức công chính” là vâng phục thánh ý Thiên Chúa:

Khi Đức Giê-su đến xếp hàng xin chịu phép rửa tại sông Gio-đan, ông Gio-an đã thưa với Người rằng: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”. Rồi khi nghe Đức Giê-su nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15), thì Gio-an đã làm phép rửa cho Người. Như vậy “Giữ trọn đức công chínhlà vâng lời để làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

Về sau, thánh Phao-lô cũng dạy về sự khiêm nhường vâng phục của Chúa Giê-su như sau: “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Sự vâng lời ấy thể hiện qua việc Người xin chịu phép rửa dìm mình trong dòng sông Gio-đan, biểu tượng cuộc tử nạn và phục sinh của Người lúc cuối đời. Phao-lô viết tiếp: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9-11). Qua đó, Phao-lô dạy các tín hữu phải noi gương Đức Giê-su “giữ trọn đức công chính” bằng việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Còn chúng ta hôm nay hãy năng cầu nguyện với Chúa Giê-su như tông đồ Phao-lô sau khi bị té ngựa ở cửa thành Đa-mát : “Lạy Chúa, con phải làm gì ?” (Cv 22,10).

3) Phải ứng xử thế nào để nên con thảo của Thiên Chúa? : Khi Đức Giê-su chịu phép Rửa xong và từ dưới nước trồi lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Ngày nay muốn được Thiên Chúa thừa nhận là con yêu dấu như đã xác nhận Đức Giê-su, chúng ta cần có lối ứng xử khiêm tốn cụ thể như sau:

- Khiêm tốn nhận lỗi mỗi khi được người khác góp ý: Ai trong chúng ta ít nhiều cũng đều sai lỗi, nhưng chúng ta thường giả hình che đậy để được người khác đánh giá tốt về mình. Khi bị người khác phê bình chỉ trích, chúng ta thường bực tức và thù ghét kẻ dám phê phán nói xấu ta. Khi bị thất bại hay có sự cố bất lợi, ít khi chúng ta nhận sai sót, mà thường hay đổ lỗi cho người dưới hay hoàn cảnh. Mỗi người nên ý thức rằng: thái độ khiêm tốn nhận lỗi và thành tâm sửa sai sẽ giúp chúng ta nên hoàn thiện hơn và gây được thiện cảm với người khác là điều kiện để mọi việc làm được thành công.

- Khiêm tốn bỏ qua những điều nhỏ mọn: Khi thấy người dưới sai lỗi không nghiêm trọng, chỉ nên nhẹ nhàng nhắc bảo với lòng bao dung nhân hậu. Tránh hay rầy la to tiếng làm mất sự bình an và tình đoàn kết nội bộ .

- Cần khiêm tốn sửa lỗi cho tha nhân theo lời Chúa dạy: Việc sửa lỗi phài do tình thương chứ không do ác cảm thù ghét. Muốn sửa lỗi cho tha nhân cách hiệu quả cần tiến hành cách khôn khéo từng bước theo lời Chúa dạy như sau: Một là phải âm thầm gặp riêng người có lỗi để tránh cho họ bị mất tiếng tốt. Hai là phải tế nhị rào trước đón sau để chuẩn bị tinh thần giúp kẻ có lỗi sẵn sàng lắng nghe. Ba là phài nhẫn nại chờ đợi và tránh thái độ nóng vội. Chỉ nên đưa ra cộng đoàn xử lý nghiêm nếu kẻ kia cố chấp không chịu sám hối và trong những trường hợp lỗi lầm của họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đoàn nếu không kịp thời chấn chỉnh (x. Mt 18,15-17).

4. THẢO LUẬN:

1) Thế nào là nhân đức khiêm nhường ? Đối lập với đức khiêm nhường là thói xấu nào ? 2) Cuộc đời của Đức Giê-su là một chuỗi những hành động khiêm nhường thể hiện qua hành đông vâng phục ý Chúa Cha và phục vụ tha nhân. Vậy bạn sẽ làm gì để thực tập khiêm nhường trong quan hệ với tha nhân noi gương Đức Giê-su ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con luôn biết điều chỉnh cách suy nghĩ nói năng và hành động, cho phù hợp với gương khiêm tốn và vâng phục ý Thiên Chúa noi gương Chúa xưa. Xin cho chúng con biết khôn ngoan để tránh ảo tưởng về mình, biết thành thật để khỏi tự dối lòng mình. Ước gì chúng con biết luôn sám hối và hoán cải, sám hối bằng hành động hơn bằng môi miệng. Xin cho chúng con biết chấp nhận để Lời Chúa tỉa sạch những thói hư, nhất là tránh tự đề cao mình và khinh thường tha nhân. Xin cho chúng con biết ứng xử khiêm tốn .

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM

Một Cuộc Hiển Linh Nhiều Ý Nghĩa

(Ys 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17)

Phúc Âm: Mt 3, 13-17

"Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người".

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta". 

Suy Niệm:

Lễ Chúa Yêsu Chịu Phép Rửa

(Ys 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17)

Chúa Yêsu đến xin ông Yoan làm phép Rửa cho mình. Người làm gì kỳ vậy? Ông Yoan từ chối! Người bảo ông cứ làm đi để vâng lời Thiên Chúa. Chẳng khác gì sau này khi Ðức Kitô đem nước đến rửa chân cho Phêrô. Ông này cũng từ chối. Nhưng Người bảo cứ để yên cho Người làm, sau này Phêrô sẽ hiểu...

Vậy sau hơn 2,000 năm rồi, Hội Thánh đã hiểu hết ý nghĩa của việc Chúa Yêsu chịu rửa bởi tay ông Yoan chưa? Hay đây vẫn còn là một mầu nhiệm? Chúng ta cố gắng dựa vào các bài Kinh Thánh hôm nay để tìm hiểu. 

A. Một Cuộc Hiển Linh Nhiều Ý Nghĩa

Trước hết, Phụng vụ đặt Lễ này trong mùa Hiển Linh và để kết thúc Mùa Hiển Linh này. Do đó, đây là một lễ hiển linh đặc biệt. Nhiều Giáo hội Ðông phương mừng lễ này như là một cuộc hiển linh lớn nhất. Chúa Yêsu từ ngày giáng thế không ngớt tỏ mình ra, nhưng cho đến bây giờ, đây dường như là lần tỏ mình ra cho nhiều người nhất và long trọng nhất.

Quả vậy Người đã bắt đầu tỏ mình cho Ðức Maria trong thời sứ thần truyền tin. Nhưng Maria chỉ biết ôm mầu nhiệm này trong lòng mà ngẫm nghĩ chứ biết tỏ ra với ai bây giờ? Chính Yuse cũng phải đợi được sứ thần loan báo mới biết Maria đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và Hài Nhi sẽ sinh ra sau này là Cứu Thế. Nhưng Yuse cũng chỉ biết giữ bí mật ấy cho mình. Hôm Hài Nhi chào đời, đã có nhiều mục tử biết; song cảnh hang đá cũng quá tầm thường, đến nỗi không có ánh sao lạ dẫn đường, các đạo sĩ đã chẳng có thể tìm đến chỗ ở của Hài Nhi. Sau đó Maria và Yuse đã đưa con vào dâng trong Ðền thờ. Simêôn đã được ẵm bế và bà Anna cũng đã hân hoan đón chào; nhưng sự việc xảy ra cũng không được nhiều người biết. Khi trẻ Yêsu lên 12 tuổi và đi lễ Ðền thờ, nhiều luật sĩ đã ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Người; tuy nhiên cũng chưa phải là việc vô tiền khoáng hậu. Mãi đến hôm nay, sau khoảng 30 năm sống ẩn dật trong gia đình ở Nagiarét, Ðức Yêsu mới xuất hiện. Người chọn nơi tụ họp dân chúng đông nhất thời bấy giờ: nơi ông Yoan làm phép rửa. Tiếng tăm của ông lừng lẫy. Khắp nơi thiên hạ tuốn đến với ông. Cả hàng đầu mục Dothái cũng chen chân lại xin chịu phép rửa. Lính tráng cũng vậy. Do đó đây là những dòng thác người đi tìm ơn cứu độ; là dòng lịch sử nhân loại đang khát khao được ơn cứu vớt. Người đã ở giữa chúng ta; Người ở trong lòng xã hội; Người gắn bó với nhân loại làm một.

Thế nên đây là giáng thế ở mức độ rộng rãi nhất; là nhập thế ở giai đoạn triển nở hơn cả; là hiển linh công khai chưa từng thấy. Ðồng thời chiều rộng này lại có cả một chiều sâu không thể nào tưởng tượng được. Người ta đã khó hiểu việc Ngôi Lời đầu thai trong lòng một Trinh Nữ. Người ta đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy Hài Nhi nơi máng cỏ. Tuy vậy, hình ảnh một em bé vẫn dễ thương. Thế nên Simêôn không ngại ngùng ẵm bế lấy Hài Nhi mà tuyên sấm... Nhưng hiểu sao một Thiên Chúa đến với loài người như hôm nay. Người đi giữa đám người đang sám hối. Người đến xin ông Yoan rửa cho mình, dường như Người cũng là tội nhân. Dĩ nhiên phép rửa của Yoan không có năng lực tha tội, nên không phải chỉ dành cho tội nhân mà thôi. Nhưng thật sự những người đến với Yoan đều là tội lỗi và đều muốn xưng thú tội mình ra. Ðức Yêsu không có tội thì Người đến làm gì? Tiên tri Isaia viết: Người sẽ gánh lấy tội lỗi chúng ta; nên hôm nay Người tỏ ra muốn làm công việc này. Người đi giữa đoàn người sám hối để khởi sự công việc gánh tội thiên hạ. Và ông Yoan sau này đã hiểu đúng việc Người làm hôm nay, nên sẽ tuyên bố cho môn đệ biết Người là Con Chiên gánh tội thiên hạ.

Rõ ràng Người đã đi giữa đám người sám hối nhưng không phải để thú nhận tội lỗi và được tha thứ. Người nói với Yoan cứ làm đi để trọn nghĩa công chính, tức là để làm theo Thánh Ý Thiên Chúa. Sau này Người sẽ bị bắt, bị đem ra xử, rồi bị đóng đinh ở giữa phường bất nhân; nhưng mà Người chẳng có tội nào và chẳng ai bắt bẻ Người được vi phạm nào. Người chịu án của tội nhân nhưng mà không có tội. Và như thế là để làm trọn Thánh Ý Thiên Chúa Cha hầu cứu độ hết thảy tội nhân.

Do đó việc Người chịu rửa hôm nay quả muốn báo trước việc Người sẽ chịu chết sau này. Người ưa làm những hành vi báo trước những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của Người. Hôm nay Người đi giữa quần chúng tội nhân xuống dòng sông Hòa giang để báo trước việc Người sẽ bị điệu đi xử giữa hàng gian phi và bị chôn vùi trong mồ. Nhưng sau này không phải chỉ cóvậy. Chết rồi, Người sẽ phục sinh. Cũng thế, hôm nay không phải chỉ có việc Người chịu rửa. Chịu thanh tẩy xong, Ðức Yêsu đã lên khỏi nước, và này trời mở ra, Thánh Thần hiện xuống, Chúa Cha tuyên phong Người là Con Chí Ái, có khác nào trong mầu nhiệm Phục sinh sau này.

Như thế mầu nhiệm chịu phép rửa hôm nay là hình ảnh về mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh. Hôm xuất hiện công khai để đi vào xã hội, Ðức Yêsu đã làm cử chỉ này để báo trước công việc cứu thế của Người. Ðó là cuộc hiển linh mầu nhiệm và thâm thúy, vừa rộng vừa sâu, như để báo trước rằng rồi đây trước mắt người ta chưa thể thấy Người là Con Thiên Chúa đâu; Người còn phải đi qua gian khổ mới đạt tới vinh quang; chỉ trong mầu nhiệm Phục sinh, thiên hạ mới sẽ thấy bản chất cao cả của Người.

Nhưng có phải mầu nhiệm Người chịu phép rửa hôm nay để Ðức Kitô có thể khai mạc những năm hoạt động cứu thế và thi hành những công tác cứu đời. Vì sao vậy?

B. Một Lễ Tấn Phong Cần Thiết

Rồi đây người ta sẽ thấy Ðức Yêsu bắt đầu "giảng" đạo. Giáo lý của Người rất khác thường. Nhất là sức mạnh từ Lời của Người thoát ra như thanh gươm hai lưỡi mổ xẻ tâm can những ai đón nhận. Người thật là Ðấng Tiên tri, nghĩa là vượt hết mọi tiên tri và đúng là Ðấng Tiên tri người ta phải trông đợi. Nhưng có tiên tri nào mà không được xức dầu và được Thiên Chúa sai đi?

Cuộc hiển linh hôm nay quả là lễ tấn phong Ðức Yêsu làm Thiên sai. Thánh Thần đã xuống trên Người và tiếng Thiên Chúa Cha kèm theo tuyên bố Người là Con Chí Ái. Chẳng nhà tiên tri nào được xức dầu long trọng như vậy. Nhưng phải nói đây là cuộc tấn phong nhiệm mầu, chưa bao giờ thấy xảy ra. Thế nên chẳng ai có thể biết ngay được ý nghĩa. Và nếu không có lời giải thích có uy tín, ai mà hiểu được?

Người giải thích sự kiện trên đây chính là Yoan. Ông là người duy nhất có thế giá để làm công việc này. Chính ông đã chứng kiến cuộc tấn phong ở bờ sông Hòa giang. Và ông đã được Ðấng sai ông đến thanh tẩy nói với ông rằng: "Ngươi thấy Thần Khí đáp xuống và lưu lại trên ai, thì chính Ngài là Ðấng thanh tẩy trong Thánh Thần" nên ông nói với mọi người: "Tôi đã thấy và xin đoan chứng: chính Ngài là Ðấng Thiên Chúa chọn" (Yn 1,33-34).

Nhưng không phải Yoan chỉ làm chứng có vậy, ông còn trỏ vào Chúa Yêsu và nói với môn đệ: "Này là Chiên Thiên Chúa, Ðấng khử trừ tội của trần gian" (Yn 1,29.36). Lời giới thiệu thật là khó hiểu, nếu người nghe không biết rõ Yoan. Ông có một kiến thức sâu sắc về tác phẩm của Isaia. Con người và sứ mạng của ông gắn liền với sách của Nhà Tiên tri này. Ông đã chứng kiến cảnh Ðức Yêsu đến xin chịu phép rửa và được Thánh Thần cho biết đây là Ðấng Thiên Chúa đã chọn, ông liền có thể đồng hóa ngay Ðức Yêsu với chân dung Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách của Isaia. Nhà tiên tri đã nói đến một Người được Thiên Chúa lựa chọn, xức dầu và sai đến trong thế gian dưới hình thức khiêm tốn của một người nô bộc. Người hiền lành và làm ơn ích cho mọi người nhưng lại bị loài người đem đi hành quyết như một con chiên bị dẫn đến lò sát sinh mà không lên tiếng, bởi vì Người mang lấy tội lỗi trần gian. Yoan hiểu việc Ðức Yêsu đến chịu phép rửa hôm nay, giữa đám tội nhân như thế, nên ông đoan chứng: Người là Chiên của Thiên Chúa. Và hôm nay Giáo hội có lý do để đọc cho chúng ta nghe bài sách tiên tri Isaia nói về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.

Bài sách tự nó hết sức nhiệm mầu; nhưng đọc trong ánh sáng của ngày lễ hôm nay, nó trở nên sáng sủa. Thiên Chúa giới thiệu con người và sứ mạng của Ðấng mà Người đã sai đến cứu độ các dân tộc. Ðó là Người Tôi Tớ mà Người sủng mộ. Người đổ Thần Trí xuống cho Ðấng được chọn. Vị ấy sẽ khiêm cung và hiền lành, không la lối, không nỡ bẻ cây sậy đã dập; nhưng lại cương nghị không nao núng cho đến khi thi hành hết sứ mạng, là làm giao ước của dân, làm ánh sáng các nước.

Rõ ràng Ðức Yêsu đến chịu phép rửa hôm nay rất hiền lành và khiêm tốn. Người tỏ ra cương nghị khi nói với Yoan đến nỗi Nhà Tiên tri thời danh đầy uy tính này phải cúi đầu vâng lệnh. Người được Thánh Thần ngự xuống và được Thiên Chúa tỏ lòng sủng mộ. Ðức Yêsu, Chúa chúng ta có đủ mọi tư cách ấy. Người là Vị "Tôi Tớ của Thiên Chúa" nói trong sách Isaia. Người đến làm trọn những lời tiên tri này. Và người ta thấy cuộc đời công khai mà Người khởi sự hôm nay sẽ diễn ra như thế, đặc biệt trong cuộc Tử nạn-Phục sinh.

Nhưng chúng ta có quyền hỏi: Người sống như vậy và làm tất cả những việc ấy để làm gì? Phụng vụ tìm thấy câu trả lời trong bài sách Công vụ hôm nay. 

C. Một Cuộc Ðời Vì Chúng Ta

Phêrô hôm ấy đang ở trong nhà ông Cornêliô, là một người dân ngoại. Hơn nữa ông này còn là một bách quản trong cơ binh Ý đại lợi. Chắc chắn cả vùng ai cũng biết và sợ uy tín của ông ta. Thay mặt hoàng đế ở địa phương, ông cầm quân trong tay, ai mà không nép sợ. Thế mà hôm nay ông lại sốt sắng phái người đi tìm Phêrô đến để được nghe mọi điều Chúa truyền qua miệng người. Phêrô nghe ông kể lại các việc trước sau liền thấy rõ Chúa muốn cho dân ngoại được biết ơn cứu độ của Ðức Yêsu Kitô. Vị Tông đồ trưởng không còn nghi ngại gì nữa. Người tạ ơn Chúa đã tỏ lòng muốn cứu vớt mọi dân. Và người khẳng định: Ý Chúa mà tất cả mọi người đang muốn biết để được cứu độ và hạnh phúc, đã được truyền đến cho tất cả loài người nơi Ðức Yêsu Kitô, Ðấng mà Thiên Chúa đã xức dầu sau khi chịu rửa ở sông Hòa giang. Người đã đi ngang qua mọi nơi thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị quỷ ma áp bức thống trị... để ai tin vào Người thì được lãnh ơn tha tội nhân danh Người.

Phêrô đã nói với đám dân ngoại và cũng đang muốn nói với hết thảy chúng ta. Ðức Yêsu mà chúng ta thấy chịu rửa ở sông Hòa giang là Vị Tôi Tớ mà Thiên Chúa sai đến. Người sống khiêm cung hiền từ, nhưng cương nghị thi hành sứ mạng. Người nhẫn nhục mang lấy tội lỗi chúng ta nhưng là để giải thoát chúng ta khỏi quỷ ma áp bức thống trị. Ðành rằng ngày nay không còn thấy nhiều những kẻ bị quỷ ám rõ ràng, nhưng ai có thể tự hào đã thoát khỏi sự áp bức thống trị của quỷ ma, tức là tội lỗi và các nết xấu, kể cả những tham vọng, ích kỷ và tội lỗi trong đời sống xã hội? Thành thật và có những nét chưa được trong sáng nơi các tương quan với người khác.

Chúng ta giờ đây cũng là đoàn người thống hối ăn năn, sẽ hướng về bàn thờ để thấy Chúa Yêsu Kitô ngày nay không chịu phép rửa của ông Yoan nữa, nhưng trong mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh. Chúng ta tung hô Người chết đi, sống lại và lại đến. Chúng ta xin Người tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Nhưng nhất là chúng ta lãnh nhận Mình Thánh Người, Thần Trí Người để chúng ta noi gương Người mà sống như Người đã trở nên Tôi Tớ khiêm cung và cương nghị hiến đời mình cho hạnh phúc của mọi người. Chúng ta cũng sẽ sống trong xã hội với các tâm tình hiền từ và ngay thẳng chu toàn các phận vụ ở đời vì hạnh phúc tất cả chúng ta.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I - Mùa Thường Niên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Mùa Thường Niên _Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Thường Niên_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Thường Niên _Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Thường Niên C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ bảy Tuần I Thường Niên - Lm.J.P

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa: Con Thiên Chúa và đám tội nhân. Lm Phalô Nguyễn Văn Đông
     Gợi ý suy chiêm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa: XIN TRỞ NÊN CON YÊU DẤU CỦA CHÚA. Nt T. Ngọc Lễ,O.P
     Suy niệm Tin Mừng thứ Bảy tuần I thường niên năm C: ANH HÃY THEO TÔI.Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc SJ
     Thứ Sáu sau lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa: TỰ DO – HOA TRÁI CỦA LÒNG TIN. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     Suy niệm Tin Mừng thứ Năm Tuần I Thường Niên: CHÚA MUỐN CON NGƯỜI ĐƯỢC SẠCH. Lm. Duy Khang
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN. Nữ Tỳ Thánh Thể
     suy niệm tin mừng thứ ba tuần I thường niên năm C: NGƯỜI LÀ ĐẤNG CÓ UY QUYỀN. Nt. Maria Anh Thư, OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN I THƯỜNG NIÊN NĂM C: Sức mạnh của Lời Chúa
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN I THƯỜNG NIÊN NĂM C
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHÚA GỌI MATTHÊU