Suy niệm Tin Mừng thứ năm Tuần I Thường Niên
CAN ĐẢM ĐẾN VỚI CHÚA
Lời Chúa: Mc 1,40-45
(40) Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngày muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. (41) Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!" (42) Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. (43) Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, (44) và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được làm sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." (45) Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Suy niệm
Trong cuộc sống có những lúc mình không dám đến với người khác vì tự ti, mặc cảm, mở lòng ra với người khác nhưng lại sợ lộ cái tôi của mình, sợ người ta chê cười, hắt hủi… Với Chúa, Chúa luôn chờ đợi ta đến với Chúa dù chúng ta có mang thân phận nào đi chăng nữa. Không những chờ đợi ta đến với Chúa mà nhiều lúc chính Chúa lại đến với ta. Bài Tin mừng hôm nay cho ta thấy tình thương yêu của Chúa đối với người phong hủi khi anh ta dám đến với Chúa, mở lòng ra với Chúa, giãi bày với Chúa những khó khăn của mình.
Bệnh phong cùi đã xuất hiện từ rất lâu, ngay từ thời Môsê đã có những điều luật rất chi tiết đối với người bị phong cùi. Vào thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi cũng đã phổ biến và luật của người Do thái cũng rất khắt khe đối với những người mắc bệnh phong. Vì vậy mà người mắc bệnh phong phải đối diện với rất nhiều nỗi đau khổ bị hành hạ, bị xã hội coi thường, bị những người thân bỏ rơi. Người mắc bệnh phong cùi phải đối diện với nỗi thống khổ về thể xác, tinh thần và về đời sống tôn giáo và ngay cả đời sống tâm linh của mình. Nỗi đau của người bệnh phong mang cả hai chiều kích: thân xác và tinh thần. Ở bên ngoài, bệnh nhân mang một hình dáng ghê tởm, da thịt lở loét, mụn nhọt, gân cốt co quắp, ngón tay ngón chân rụng dần…làm cho người đối diện sợ hãi không ai dám đến gần. Bệnh nhân cũng chịu cái đau đớn bởi vi khuẩn Hansen gặm nhấm da thịt của mình tận xương tủy. Hơn thế nữa người bệnh phong còn phải chịu những thành kiến sai lầm, chịu sự hắt hủi, xa lánh của những người thân yêu, bạn hữu.
Vượt lên trên tất cả nỗi đau đó, người phhong hủi trong trình thuật Tin mừng hôm nay đã đích thân tìm đến với Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin Người rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Có lẽ anh ta chưa được nghe nói đến lòng thương yêu của Người nên anh ta đã khẩn thiết quỳ xuống van xin Người. Hành động của anh ta biểu lộ thái độ sẵn sàng để Chúa tác động đến thân xác và tâm hồn của mình. Đó cũng là thái độ sẵn sàng đón Chúa vào trong cuộc đời của mình và khi được Chúa chữa lành thì cũng sẵn sàng để Chúa chi phối cuộc sống của mình, biến đổi cuộc sống của mình trong một tương quan mới với Chúa.
Có thể nói khi con người dửng dưng với nỗi thống khổ của người khác thì đó không chỉ là việc làm thiếu đức bác ái mà còn là việc làm thiếu cả đức công bằng vì người đó không trả lại được cho con người quyền được hưởng những nhu cầu căn bản của họ. Con người thường dửng dưng trước nỗi thống khổ của anh chị em mình. Thế nhưng khi Đức Kitô đối diện với nỗi thống khổ của con người Ngài không thể biểu lộ sự dửng dưng đó mà Ngài tỏ lòng thương xót đối với họ. Người bình thường tỏ thái độ tránh xa người phong cùi nhưng Đức Giêsu lại đến gần, đưa tay đụng chạm đến người phong cùi và nói : “Tôi muốn, anh sạch đi !”. Khi chữa lành cho người phong cùi, Đức Giêsu biểu lộ một tình yêu nhiều quan tâm và đầy lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người Ngài cứu chữa con người không chỉ khỏi bệnh tật phần xác mà Ngài còn cứu chữa con người khỏi cả bệnh phong cùi về đời sống tâm linh, đời sống thiêng liêng, đời sống tinh thần của mình.
Để xác nhận tình trạng sức khỏe cũng như những thay đổi về mặt tâm linh của anh, Đức Giêsu bảo anh : “Hãy đi trình diện với tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”. Anh ra đi với niềm hân hoan của một con người mới và sẵn sàng loan truyền tình yêu thương mà Đức Giêsu vừa tỏ lộ với anh. Anh muốn mọi người thấy được niềm vui của một con người mới : mới cả thân xác và trong tâm hồn.
Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết thể hiện lòng thương xót của mình, biết sống chia sẻ cảm thông với mọi người nhất là quan tâm giúp đỡ những người mang nỗi thống khổ trong cuộc sống để mỗi người và mọi người được sống trong bầu khí yêu thương và chia sẻ với nhau trong tình yêu của Chúa.
Nt. Maria Phương Trâm